Tác giả - Tác phẩm

Ý thức Tông đồ (bài 5)

  • In trang này
  • Lượt xem: 3,598
  • Ngày đăng: 20/08/2022 14:04:25

Ý THỨC TÔNG ĐỒ (BÀI 5)

 

GIỚI THIỆU

Ý thức tông đồ là chủ đề suy niệm tĩnh tâm. Chủ đề này gồm 5 bài, có thể triển khai cho một tuần tĩnh tâm.

Chủ đề ý thức tông đồ dành riêng cho các linh mục. Tuy nhiên, các tu sĩ và anh chị em giáo dân vẫn có thể sử dụng, miễn là biết cách áp dụng cho mình.

Ước mong các bài suy niệm sau đây giúp chúng ta ngày càng thêm gắn bó sâu xa, mật thiết với Chúa Giêsu hơn.

 

                   Linh mục Mỹ Sơn, giáo phận Long Xuyên

 

 

BÀI 5 (Bài cuối)

CHÚA GIÊSU PHỤC HỒI Ý THỨC TÔNG ĐỒ CỦA PHÊRÔ &

CỦNG CỐ Ý THỨC TÔNG ĐỒ CỦA PHAOLÔ

 

Trong bài suy niệm cuối cùng này, chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Giêsu chịu đóng đinh và phục sinh. Người vẫn đang hoạt động trong Giáo Hội. Người an ủi và củng cố Giáo Hội. Người cũng an ủi và củng cố ý thức tông đồ của Phêrô và Phaolô. Người phục hồi ý thức tông đồ đã mất nơi Phêrô. Còn Phaolô, Người củng cố ý thức tông đồ của ông ngày càng vững mạnh hơn.

 

1. Chúa Giêsu an ủi Phêrô

Khi chối Chúa, Phêrô không còn biết mình là ai, mình nói gì. Ông không còn ý tưởng gì về mình, về căn tính của mình. Khi trả lời người đầy tớ chất vấn ông: “Này anh, tôi không biết anh nói gì.” (Lc 22, 60), Phêrô thú nhận ông không còn biết mình là ai nữa. Chúa Giêsu làm gì cho người môn đệ đã hoàn toàn mất hướng, tâm trí trống rỗng đó? Chúa thương yêu và phục hồi ý thức tông đồ cho ông, trước hết, trong thinh lặng, trên bình diện cảm xúc, sau đó, là đối thoại và cuối cùng, trên bình diện ngôn sứ.

 

a. Trên bình diện cảm xúc.

Và chính lúc đó, “Chúa quay lại nhìn ông” (Lc 22,61). Chúa Giêsu chăm chú nhìn Phêrô một lúc, chỉ với cái nhìn đó, Người như đã nói rất nhiều với Phêrô.

 

Trước hết, cái nhìn của Chúa là cái nhìn quan tâm và nhắc nhở. Cái nhìn ấy như một lời mời gọi, một khuyến khích, một hiện diện. Giữa lúc phải gánh chịu bao lo lắng, khổ đau trong cuộc khổ nạn, Chúa vẫn nhớ đến Phêrô. Chúa nhìn ông với cặp mắt đầy quan tâm. Động từ “quay lại” cho thấy Chúa Giêsu nhìn ông không phải tình cờ. Chính Phêrô cảm nhận ánh mắt đầy quan tâm của Chúa một cách sâu xa, nên “Ông nhớ lại lời Chúa đã nói với ông …” Thánh sử Luca không nói Phêrô bắt đầu hối hận nhưng nói “ông nhớ lại”. Giai đoạn đầu tiên diễn ra trong trí nhớ, chứ không phải trong áy náy, hối hận.

 

Lúc ấy, Phêrô bắt đầu hiểu ông là ai, tại sao điều đó lại xảy ra, tại sao ông sa ngã. Phêrô xúc động mạnh mẽ đến nỗi “Ra ngoài, ông khóc lóc thảm thiết”. Ông như tìm lại được ký ức đã bị vỡ vụn thành trăm mảnh, một ký ức bị tan biến đến nỗi ông không còn biết mình là ai, không còn biết bám víu vào những tiêu chuẩn nào là đúng nữa. Tất cả gây cho ông một cú sốc rất mạnh đến nỗi ông khóc lóc thảm thiết. Giờ đây, ông nhớ đến gì? Nhớ đến tội lỗi của mình, nhớ đến sự bất tín và tình yêu người Thày yêu quí dành cho ông, cũng như lời cảnh giác Người đã nói với ông. Không dễ giải thích được những giọt nước mắt của Phêrô vì chúng nói lên rất nhiều. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, đó là những giọt nước mắt hữu ích, những giọt nước mắt giúp ông dần dần phục hồi ý thức tông đồ đã mất. Có lẽ, trong thâm tâm, ông đã tự thốt lên: “Trời ơi, mình làm gì thế này? Thày đã chấp nhận cái chết vì mình, trong khi đó, mình lại phản bội Thày. Mình chỉ là loài sâu bọ đáng bị chà đạp.” Những kỷ niệm thân thiết về quãng thời gian sống với người Thày yêu quí như sống lại. Càng nhớ lại những kỷ niệm đó, ông càng hối hận. Nhưng chính nhờ đó, ông thoát khỏi đám sương mù dày đặc bao quanh, làm ông mất hướng, không biết mình đã nói gì, đã làm gì và tại sao lại làm như vậy.

 

Tuy nhiên, phục hồi Phêrô trên bình diện cảm xúc, giúp ông tìm lại nguồn cội của ý thức tông đồ chưa đủ, Chúa Giêsu còn tiếp tục phục hồi ông qua cuộc đối thoại giữa Người với ông nữa.

 

b. Trên bình diện đối thoại.

Thánh sử Gioan đã miêu tả lời nói, cử chỉ, diễn tiến của cuộc đối thoại đó như sau: “Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô: "Này anh Si-ôn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?" Ông đáp : "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức Giê-su nói với ông: "Hãy chăm sóc chiên con của Thầy." Người lại hỏi: "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Người nói: "Hãy chăn dắt chiên của Thầy." Người hỏi lần thứ ba: "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không?" Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: "Anh có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức Giê-su bảo:  "Hãy chăm sóc chiên của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự ḿnh thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn." Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông : "Hãy theo Thầy." (Ga 21,15-19).

 

Trong đối thoại giữa Thày và môn đệ, Chúa Giêsu cho Phêrô có dịp đặt lại những giá trị căn bản của ý thức tông đồ, những giá trị đó đã biến mất khi ông chối Chúa và vừa mới phục hồi phần nào về mặt trí nhớ và cảm xúc, nhưng chưa được nói lên bằng lời. Như vậy, với tình yêu, Chúa từng bước phục hồi ý thức tông đồ cho Phêrô.

 

Tại sao Chúa lại hỏi Phêrô về tình yêu? Chúng ta thường mong muốn những câu hỏi đại loại như: tại sao con làm thế? Cái gì đã thúc đẩy con, làm con chối Thày? Con đó, con đã thiếu thận trọng dù Thày đã cảnh giác con! Có hàng ngàn hàng vạn lời trách móc để giúp Phêrô hiểu rõ tình trạng tội lỗi của mình. Ngoài ra, thay vì những lời trách móc, than phiền, chúng ta cũng có thể hỏi: con còn ý thức tông đồ không? Đâu là những bằng chứng về ý thức tông đồ của con? Con sẽ làm gì?

 

Nhưng Phêrô không thể trả lời những câu hỏi của chúng ta trong tình trạng hết sức tội nghiệp của ông. Hiểu rõ, tâm trạng của Phêrô, nên Chúa Giêsu chỉ hỏi ông về tình yêu: “Con có mến Thày không?” Mối tương quan được tái lập một cách tuyệt hảo. Có thể nói đó là đạt tới mức độ chiêm niệm bởi vì chiêm niệm là gì, nếu không phải là kết hợp với Chúa trong tình yêu. Chúa khơi gợi để Phêrô nhớ lại ngày ông tuyên xưng Thày mình là Đức Kitô. Lời tuyên xưng đó chỉ được nói lên bởi những ai sống trong chiêm niệm, sống trong sự kết hợp với Chúa trong tình yêu. Chúng ta còn nhớ giai thoại trên. Sau khi đã hỏi các môn đệ dân chúng nói gì về Ngài, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Còn các con, các con nói Thày là ai?” Phêrô đã đáp thay cho anh em: “Thày là Đức Kitô” (Mc 8, 29). Ông không trả lời: “Chúng con, chúng con nói Thày là …” Câu trả lời của ông không phát xuất từ suy niệm dùng lý trí tìm hiểu những giá trị, nhưng là từ chiêm niệm. Ông nhận biết Chúa Giêsu là Đức Kitô một cách rất sâu xa.

 

Trong cuộc đối thoại trên bờ hồ, Chúa Giêsu giúp Phêrô khám phá ra Ngài là Tình Yêu. Ông tìm lại được nguồn cội của ơn gọi tông đồ mà ông đã được kêu mời. Chúa hỏi ông 3 lần: ông có yêu mến Chúa không? Ba câu hỏi về lòng yêu mến có ý nhấn mạnh rằng chỉ có một điều quan trọng thôi, đó là tình yêu. Ngoài câu hỏi về tình yêu, Chúa không còn câu hỏi nào khác.

 

Có một thắc mắc, đó là tại sao trong câu hỏi đầu tiên Chúa lại so sánh: “Con có mến Thày hơn những anh em này không?”, trong khi hai câu hỏi sau không có? Rất khó giải thích. Sự so sánh ở đây hình như không cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta có thể trả lời: vì Phêrô được đặt làm người đứng đầu các mục tử, chịu trách nhiệm về đàn chiên, nên ông được đàn chiên kính trọng hơn, và dĩ nhiên, ông phải có một đời sống thân mật đặc biệt với Chúa Giêsu hơn.

 

Trước 3 câu hỏi của Chúa Giêsu, Phêrô cũng có hàng ngàn cách trả lời: thưa Thày, con thật bất xứng; dạ! Thưa Thày, bầy giờ con đã hiểu và điều đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa, v.v. Có lẽ, Phêrô tránh trả lời như trên bởi vì bây giờ, ông thực sự khiêm tốn; nên ông hiểu trả lời một cách mạnh dạn, chắc chắn là tự phụ, kiêu căng. Giờ đây, ông hoàn toàn phó thác cho Chúa Giêsu. Ông nhận thức rõ điều đó, nên trả lời: “Thưa Thày, Thày biết con yêu mến Thày”. Chính Thiên Chúa là nguồn cội, là nền tảng cho lòng yêu mến Chúa của ông. “Thày biết rằng con yêu mến Thày, Thày thấy và sáng tạo tình yêu này, chính Thày đặt tình yêu ấy vào lòng con và Thày ban tình yêu ấy cho con”. Ý thức tông đồ của Phêrô được phục hồi theo từng giai đoạn mà trước đây, ý thức đó đã bị tan biến đi.

 

Hãy thử suy nghĩ nếu Chúa giúp chúng ta hoán cải nhờ khơi lên lòng yêu mến nơi chúng ta, tái tạo chúng ta thành con người mới, chứ không chỉ bằng lời nói, hoặc bằng những khích lệ bên ngoài, hoặc bằng những cảnh giác trừu tượng! Nếu chúng ta cũng được Chúa dẫn dắt đến hối cải qua chính những bước đường sai lầm mà chúng ta đã đi qua, để tìm lại được con đường đúng; thì đến lượt mình, chúng ta có khả năng giúp người khác như vậy trong tác vụ giải tội và hướng dẫn đời sống thiêng liêng không? Nhờ quyền năng chữa lành của Thiên Chúa, chúng ta đưa những người lạc hướng về nẻo chính đường ngay; đem lại niềm tin cho những người không còn gì để tin tưởng. Chúng ta chân thành nói với họ: “Nào, chúng ta cùng tiến bước!”, chứ không nói những câu sáo ngữ, rỗng tuếch: “Hãy ra về bình an, đừng nghĩ đến nó nữa!”

 

c. Trên bình diện ngôn sứ.

Cuối cùng, Chúa Giêsu phục hồi ý thức tông đồ của Phêrô trên bình diện ngôn sứ. Chúng ta nhận ra điều này khi đọc đoạn Phúc Aâm tiếp theo sau những câu trả lời của Phêrô.

 

Trước hết, chúng ta lưu ý đặc biệt tới câu Chúa Giêsu nói: “Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” (Gioan 21,18). Ý Chúa nói về Phêrô hoàn toàn khác với những lời Phêrô khuyên các bậc kỳ mục về sự tự nguyện, sẵn lòng: “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em : lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ.” (1Pr 5,2). Ở đây, Phêrô trải nghiệm sự giằng co giữa một bên là sự “sẵn lòng” do lòng yêu mến và phó thác trọn vẹn vào Chúa, đến nỗi hiện hữu của ông chính là để thi hành tác vụ Chúa trao; và bên kia là sự cưỡng bách “tới nơi anh không muốn”. Rõ ràng, Chúa cho Phêrô thấy tác vụ Chúa trao cho ông, không chỉ đòi hỏi tự nguyện, mà còn đòi hỏi vâng phục, nghĩa là ngay cả khi thấy mình bị áp đặt, bắt buộc nữa. Vâng phục không phải là điều dễ dàng, nhất là khi mình không muốn. Vâng phục luôn là một khó khăn, nhiều khi làm cho lòng ta bị sâu xé. Chúa Giêsu phục hồi ý thức tông đồ nơi Phêrô không phải bằng những lời khen ngợi hão huyền, mà bằng những lời rất thẳng thắn: “Bây giờ, con đầy nhiệt tình, đầy quảng đại, Thày biết con luôn sẵn sàng hành động. Con yêu mến Thày và là bạn hữu của Thày. Tuy nhiên, con hãy nhớ, con đã được chọn, được sai đi, nên con phải thi hành điều mà Đấng chọn và sai con truyền cho con làm.” Chúa Giêsu không giấu giếm Phêrô điều gì. Người giúp ông đạt tới sự viên mãn của người tông đồ, là hoàn thành chính mình qua sự vâng phục. Sự viên mãn này là một ơn ban, chứ không phải tự sức mình Phêrô có được. “Nơi con không muốn” còn có nghĩa là: đó chính là lời hứa Phêrô sẽ hứa như Thày mình, Đấng đã nói: “Lạy Cha, nhưng xin đừng theo ý con, một xin vâng ý Cha”. Người môn đệ được mời gọi làm như lời Chúa Giêsu thưa với Cha Người ở vườn Cây Dầu. Lúc đó, Phêrô ngủ mê man, không nghe thấy gì.

 

Phục hồi ý thức tông đồ không phải là sự ân xá, sự dễ dãi hay sự tầm thường hoá. Trái lại, nó là một tiến trình đầy khó khăn, đòi hỏi sự can đảm và ơn Chúa ban.

 

2. Chúa Giêsu củng cố Phaolô

Với cái nhìn thoáng qua, hình như Phaolô không trải qua những thử thách như Chúa Giêsu ở vườn Cây Dầu. Nơi ông, chúng ta thấy mẫu mực cho một ý thức tông đồ mạnh mẽ như chúng ta đã nói ở những bài trên. Hơn nữa, chúng ta cũng có thể suy nghĩ sâu xa hơn về ý thức tông đồ của Phaolô trong diễn văn từ biệt ở Milêtô (Cv 20, 17-35). Tuy nhiên, không phải Phaolô không có những thử thách của mình. Ông cũng trải qua những giờ phút sợ sệt, lo âu. Chúng ta biết điều đó nhờ chương đầu, thư thứ hai gởi các tín hữu Côrintô: “Thật thế, thưa anh em, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì về nỗi gian truân chúng tôi đã gặp bên A-xi-a : chúng tôi đã phải chịu đựng quá mức, quá sức chúng tôi, đến nỗi chúng tôi không còn hy vọng sống nổi. Nhưng chúng tôi đã mang án tử nơi chính bản thân rồi, để chúng tôi không tin tưởng vào chính mình, mà vào Thiên Chúa, Đấng làm cho kẻ chết chỗi dậy.” (2Cr 1,8-9)

 

Như đã thấy, Phaolô cũng có những lúc cảm thấy sứ vụ tông đồ vượt quá sức mình, đến nỗi ông phải la lên: “Tôi không thể chịu đựng nổi nữa, tôi không còn hơi sức nào nữa, tôi chán ngán quá rồi”. Những lời thật mạnh mẽ gây ấn tượng sâu sắc nơi chúng ta.

 

Chúa Giêsu cũng quan tâm đến Phaolô. Người ban cho ông những giây phút chiêm niệm để cổ vũ ông, giúp ông mạnh sức, ban lại cho ông sự năng động, nhiệt tình vốn có. Tân ước đưa ra nhiều bằng chứng về điều này. Ơn gọi đặc biệt của Phaolô, tia sáng từ trời chiếu xuống bao phủ ông trên đường Đamas tự nó dường như đã đủ để ông mạnh mẽ trên con đường sứ vụ suốt đời. Nhưng không đúng như vậy. Còn xảy ra những điều khác do chính Phaolô nhắc lại trong những đoạn ông nói về cuộc đời mình:

- “Khi trở về Giê-ru-sa-lem, đang lúc tôi cầu nguyện trong Đền Thờ, thì tôi xuất thần và thấy Chúa bảo tôi: ‘Mau lên, hãy rời khỏi Giêrusalem gấp, vì chúng sẽ không nhận lời anh làm chứng về Thầy đâu’. Tôi thưa: ‘Lạy Chúa, chính họ biết rõ con đây đã đến từng hội đường bắt giam và đánh đòn những kẻ tin Chúa. Khi người ta đổ máu ông Stêphanô, chứng nhân của Chúa, thì chính con cũng có mặt, con tán thành và giữ áo cho những kẻ giết ông ấy’. Chúa bảo tôi: ‘Hãy đi, vì Thầy sẽ sai anh đến với các dân ngoại ở phương xa.’” (Cv 22, 17-21).

 

Phaolô bị gạt ra bên lề cộng đoàn. Ông sẽ bị chối bỏ vì ông làm rối loạn sự bình yên của Giêrusalem. Ông phải xa rời mọi hoạt động tông đồ của các giáo đoàn hơn 10 năm trời; nhưng Chúa Giêsu cho ông thấy một thị kiến: “Ta có một dự định về con. Ta sẽ sai con đến với dân ngoại”. Chắc chắn là hơn 10 năm trời trôi qua, sau đó, sứ mạng đến với dân ngoại mới được thực hiện. Nhưng Phaolô luôn nhớ đến nó sau rất nhiều năm, vì chắc chắn đó là những giây phút ông thấy mình được Chúa ủi an, cổ vũ.

 

- Ở Côrintô, Phaolô trải qua những giờ phút chiêm niệm sốt sắng và khích lệ. Mọi sự đang trở nên xấu đi; nhiều khó khăn, nhiều vấn đề phát sinh. “Một đêm, Chúa bảo ông Phao-lô trong một thị kiến: "Đừng sợ ! Cứ nói đi, đừng làm thinh, vì Thầy ở với anh ; không ai tra tay hại anh được, vì Thầy có một dân đông đảo trong thành này." (Cv 18, 9-10). Những lời này đầy khích lệ đối với Phaolô vì ông đang trong tình trạng rất đáng tội nghiệp. Ông đang sợ hãi chạy trốn khỏi Athêna, và bắt đầu lại từ số không. Ông không biết trước rồi chuyện gì sẽ xảy ra.

 

- Lần thứ ba, Chúa Giêsu hiện ra với Phaolô khi ông lâm vào tình thế rất khó khăn: ông sắp bị đuổi khỏi Giêrusalem. Ông đã bị giam trong ngục. Vụ án của ông đang tiến hành. Trong những ngày bị giam, Chúa đến với ông và nói: “Hãy vững lòng! Con đã long trọng làm chứng cho Thầy ở Giê-ru-sa-lem thế nào, thì con cũng phải làm chứng như vậy tại Rô-ma nữa." (Cv 23,11). Như vậy, rõ ràng Phaolô cũng cần được khích lệ, củng cố và Chúa đã làm điều đó.

 

- Rồi khi bị đắm tàu. Mọi sự đều mất hết. Phaolô nói: “Thật vậy, đêm vừa rồi, một thiên sứ của Thiên Chúa là Chúa Tể của tôi và là Đấng tôi phụng thờ, đã hiện ra với tôi và bảo: 'Này ông Phao-lô, đừng sợ! Ông phải ra trước toà hoàng đế Xê-da; vì thương ông, Thiên Chúa cho tất cả những người cùng đi tàu với ông được sống.' Vì thế, thưa các bạn, hãy can đảm lên! Tôi tin tưởng nơi Thiên Chúa: sự việc sẽ xảy ra đúng như lời đã phán với tôi. Nhưng chúng ta sẽ phải mắc cạn ở một hòn đảo." (Cv 27, 23-26). Tên tù Phaolô trở thành người cổ vũ, khích lệ những con người đang thất vọng vì tàu sắp chìm. Nếu ông có thể khích lệ họ chính là vì ông đã được Chúa khích lệ.

Tất cả những gì đã nói trên đây gợi cho chúng ta điều gì? Chúng ta không thể đem bản thân ra so sánh với tông đồ Phaolô, một trong hai trụ cột của Giáo Hội. Tuy nhiên, Kinh Thánh dạy chúng ta rằng Chúa Giêsu, Đấng đã chịu khổ nạn thập giá và phục sinh, Đấng chúng ta đang chiêm niệm, sẽ không bao giờ từ chối không an ủi, khích lệ những ai đang trong cơn thử thách. Có thể đó chỉ là sự can thiệp bình thường, như một thoáng soi sáng trong tâm hồn, một lời khuyên của bạn hữu, một câu Phúc Âm đem lại cho chúng ta sự bình an, v.v, Một điều chắc chắn là vào những giờ phút khó khăn, thử thách nặng nề, Chúa Giêsu sẽ nâng đỡ và ban sức mạnh cho ý thức tông đồ của chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta có lắng nghe và nhận ra được sự hiện diện, an ủi, khích lệ của Chúa không mà thôi.

 

Giờ đây, chúng ta cần dành cho Chúa thời gian để lắng nghe Người. Chúng ta cần làm sao để cho toàn thể con người chúng ta ở trong tình trạng đón nhận Lời Chúa. Đây là điều chúng ta cầu xin cho nhau trong giờ cầu nguyện này.

 

Một vài câu hỏi gợi ý:

1. Tôi đã được Chúa khích lệ, cổ vũ chưa? Nếu có, thì trong những hoàn cảnh nào của đời sống tông đồ mục vụ hoặc đời sống thiêng liêng?

 

2. Chúa đã khích lệ, cổ vũ tôi thế nào? Tôi đón nhận ra sao? Đời sống tông đồ, đời sống thiêng liêng của tôi có thay đổi, trở nên tốt hơn không?

 

3. Trong đời sống mục vụ tông đồ, tôi đã khích lệ, cổ vũ những người tôi có trách nhiệm thế nào (giáo dân)? Tôi có quan tâm đến đời sống đạo của họ không? Những lo âu, những lạc hướng của họ, tôi có cố gắng đồng hành và khích lệ, cổ vũ họ như Chúa Giêsu đã làm với Phêrô và Phaolô không?

 

Bài cùng chuyên mục:

Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh (06/11/2024 08:54:01 - Xem: 285)

Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.

Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh  (24/10/2024 10:17:21 - Xem: 337)

Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục: Ô-tô con và Linh mục(1) (30/09/2024 07:47:47 - Xem: 839)

Anh em linh mục giáo phận không có lời khấn khó nghèo như linh mục dòng, nhưng không phải vì thế mà chúng ta muốn tiêu xài tiền bạc thế nào tuỳ ý.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và Thần khải  (21/09/2024 10:44:04 - Xem: 423)

Bài “Kinh nghiệm về Thiên Chúa và thần khải” của đan sĩ Anselm Grun giúp chúng ta hiểu đúng thế nào là thần khải, hầu tránh được những hiểu lầm tai hại cho đời sống thiêng liêng.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(3) (08/09/2024 07:45:34 - Xem: 429)

Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(2) (24/08/2024 10:17:51 - Xem: 466)

Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri  (10/08/2024 07:52:38 - Xem: 536)

Thời đại của chúng ta là thời đại khao khát Thiên Chúa một cách sâu xa, nhưng Thiên Chúa lai ẩn giấu, mờ mịt, tăm tối.

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.4) (22/07/2024 10:59:39 - Xem: 498)

Chúng ta tiếp tục đọc và suy tư các bài của Đan sĩ Anselm Grun. Trong bài này, ông phân tích rất sâu sắc về hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa của chúng ta

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.3) (03/07/2024 08:26:58 - Xem: 553)

Rất cần có một hình ảnh đúng về Thiên Chúa, nhờ dó, chúng ta có cái nhìn đúng về con người và hoàn cảnh của con người.

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.2) (23/06/2024 09:10:49 - Xem: 530)

Rất cần có một hình ảnh đúng về Thiên Chúa, nhờ dó, chúng ta có cái nhìn đúng về con người và hoàn cảnh của con người.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7