Tác giả - Tác phẩm

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(2)

  • In trang này
  • Lượt xem: 284
  • Ngày đăng: 24/08/2024 10:17:51

THIÊN CHÚA MỜ MỊT, TĂM TỐI

VÀ TẠO VẬT BẤT KHẢ TRI[1]

 

Giới thiệu

Chúng ta tiếp tục các bài suy tư của đan sĩ Anselm Grun. Bài “Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối và tạo vật bất khả tri” cho chúng ta thấy một khía cạnh mà mọi người rất ít quan tâm; vì thế, khi gặp những hoàn cảnh không thể hiểu, chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa. Chỉ khi nào hiểu và chấp nhận nó như Gióp, chúng ta mới đón nhận mọi sự trong bình an.

Một khía cạnh khác liên quan chặt chẽ với khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu của Thiên Chúa là bóng tối nơi chúng ta. Chúng ta luôn có những khía cạnh bất toàn, khiếm khuyết, mờ mịt. Đón nhận nó một cách khiêm tốn như sự thật về mình, về thân phận người phàm của mình là điều hết sức quan trọng. Nhờ đó, chúng ta sẽ chấp nhận chính mình và chấp nhận người khác dù họ bất toàn để sống trong khiêm nhường và bình an.

                                  Linh mục Mỹ Sơn, giáo phận Long Xuyên

 

 

Phần II

 

Kinh nghiệm về Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối.

Trong “câu trả lời cho Gióp”, Jung đã say mê mô tả Thiên Chúa không chỉ là ánh sáng chói chang mà còn là một Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối nữa. Theo ông, có thể chịu đựng nổi “Thiên Chúa tăm tối” này mà không sa ngã là một phần trong mối tương quan của chúng ta với Người. Qua thử thách Chúa bắt ông chịu, Gióp học biết rằng Thiên Chúa không chỉ là người Cha giầu lòng tốt mà Ngài còn có những khía cạnh tăm tối ông không thể hiểu được. Gióp nhìn nhận rằng: “Không ai khác đã truy đuổi ông và đánh phạt ông một cách bất công, bạo lực mà là chính Giavê.” Dù vậy, Gióp cũng không lầm lẫn về Thiên Chúa, mà vẫn nói với Người như Đấng cứu độ và bảo vệ ông. “Chúng ta không thể nói rằng Giavê là Đấng làm ly tán, tương phản, mâu thuẫn tự bên trong, mà đó là đà nhún, là điều kiện tiên quyết của sự năng động mãnh liệt, sự toàn hiện và toàn tri của Người.” Jung nghĩ rằng tiếng than của Chúa Giêsu trên thập giá: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của tôi, sao Chúa bỏ tôi” là câu trả lời cho Gióp. Bởi vì dù cảm thấy bị Thiên Chúa bỏ rơi, Chúa Giêsu vẫn nói với Người như vậy. Chính Chúa Giêsu cũng không lầm lẫn về Thiên Chúa, dù Ngài không hiểu nngay lúc bấy giờ tại sao hành trình dương thế của Ngài lại kết thúc bi thảm trên thập giá. Điều mà Jung khai triển qua hình ảnh “Thiên Chúa tăm tối” khởi đi từ kinh nghiệm đức tin cá nhân, là thần học mà ông gọi là Deus absconditus, Thiên Chúa ẩn giấu. Thiên Chúa ẩn giấu trong sự mâu thuẫn. Thập giá là một minh chứng. Rõ ràng là chính trong sự tối tăm sâu thẳm nhất và sự bỏ rơi tuyệt tình nhất của thập giá mà vinh quang của Chúa Cha được mặc khải, theo Tin mừng Gioan.

 

Khi nhìn lại cuộc đời chúng ta với những kinh nghiệm về đau khổ và thất bại, chúng ta đâu có thể tìm được câu trả lời rõ ráng. Chúng ta chỉ có thể chịu đựng và chấp nhận chúng nếu qua chúng, chúng ta nhận biết có một “Thiên Chúa tăm tối” mà chúng ta không thể hiểu thấu. Thiên Chúa là ánh sáng, nhưng theo kinh nghiệm của chúng ta, Người rất thường tỏ ra mờ mịt, tối tăm.

 

Peter Schellenbaum, người theo trường phái tâm lý học Jung, nghĩ rằng tương quan của chúng ta với Thiên Chúa chỉ có thể luôn sống động và đưa chúng ta đến một kinh nghiệm mới về bản thân với điều kiện là chúng ta biết đến những mặt tối tăm của Thiên Chúa. Chỉ nói về tình yêu thương xót của Thiên Chúa, tương quan của chúng ta với Người sẽ trở nên mệt mỏi và sớm hay muộn rồi cũng thui chột. Thiên Chúa chỉ có thể giữ chúng ta luôn tiến bước nếu Người vẫn là Đấng Vô Danh và nếu Người tiếp tục tỏ lộ cho chúng ta dưới những khía cạnh luôn mới mẻ, và một khía cạnh có tính quyết định, hiển nhiên chính là khía cạnh tối tăm và vô thức mà chúng ta đã loại bỏ khỏi hình ảnh chúng ta có về Thiên Chúa. Chính trong đấu tranh với Giavê bất công và độc đoán mà Gióp đạt đến một kinh nghiệm mới về Người. Dorothée Sôlle cho rằng những nhà thần học để khía cạnh tối tăm của Thiên Chúa trong ngoặc kép là những “đứa trẻ ăn chơi” bị cản trở không thể trưởng thành bởi vì họ coi điều đó là đức tin. Chỉ khi đương đầu với một Thiên Chúa tăm tối, chúng ta mới có thể trưởng thành.

 

Tôi (Grun) không muốn đặt đêm tối tăm của thánh Gioan Thánh Giá và kinh nghiệm về Thiên Chúa tăm tối của Jung trên cùng một bình diện. Đêm tăm tối hệ tại nhận ra sự khác biệt giữa Thiên Chúa và con người và trải nghiệm về tiến trình thanh tẩy giúp gặp gỡ Thiên Chúa và có một kinh nghiệm mới về chính mình. Qua hình ảnh một Thiên Chũa tăm tối, Jung không có tham vọng phát biểu một chân lý thần học, nhưng chỉ là chia sẻ một kinh nghiệm cá nhân. Trong “câu trả lời cho Gióp”, một giấc mơ đã thúc đẩy ông viết về khía cạnh tăm tối của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, đối với ông, đó cũng là một tiến trình thanh tẩy. Khi chỉ nói đến lòng nhân từ của Thiên Chúa, chúng ta có nguy cơ tự cắt đứt khỏi những khía cạnh tăm tối của Ngài và ngoại xuất chúng trên những người khác. Schellenbaum chứng tỏ điều đó qua ví dụ về sự kết án người Biệt phái của Giáo hội sơ khai. Luôn luôn, khi tôi cuồng nhiệt kết án một điều gì đó, có nghĩa là tự bên trong, tôi bị lôi cuốn bởi điều mà tôi kết án. Nhưng, thay vì đón nhận nó, tôi lại ném nó xa khỏi tôi, điều đó tạo ra mối nguy là tôi càng sống điều đó mạnh mẽ hơn trong vô thức. “Ai nấy đều muốn mình là người thu thuế khiêm tốn, không ai muốn đồng hoá mình với tên biệt phái hợm mình. Và chính vì thế mà người thu thuế trở thành tên biệt phái.” (Schellenbaum).

 

Khi chiêm ngắm những khía cạnh tăm tối của Thiên Chúa: sự ghen tương, quyền năng, sự độc đoán đáng kinh ngạc của Ngài, tôi bị lay động và tôi sống với một cách thế mới. Trong đêm tăm tối, Thiên Chúa nhân lành hoàn thành mọi mong ước bị che lấp của tôi. Ngài mặc khải mình rất khác. Khi tôi thấy mình hoảng hốt trước nỗi khổ đau quá nặng nề của một người bị thử thách, tôi gặp thấy những khía cạnh tối tăm của Thiên Chúa. Tôi từ chối tất cả những giải thích thần học về đau khổ. Khi đứng vững, chính hình ảnh về Thiên Chúa được xem xét lại và được thanh tẩy. Dù sao, tôi không bỏ Chúa. Dù sao, Chúa cũng không bỏ tôi.

 

Câu chuyện kinh thánh diễn tả cuộc đấu tranh này hay nhất, chính là trận chiến ban đêm giữa Giacóp và thiên thần. Giacóp một thân một mình trong đêm tối. Dây một người thuộc bóng tối đến gặp ông và hai người đánh nhau. Đó là trận chiến một mất một còn, một trận chiến không ngừng, kéo dài cho đến lúc mặt trời mọc. Thoạt đầu, người đó chẳng có gì giống với Thiên Chúa. Người đó đánh vào háng Giacóp làm ông bị thương. Giacóp kháng cự lại. Hai người tiếp cận nhau. Họ làm quen với nhau và nói chuyện. Giacóp xin người đó chúc phúc cho mình. Ông cảm thấy mình cần sức mạnh của con người tối tăm đó, ông cần sức mạnh của bóng tối nơi người đó để đương đầu với Esau, anh ông.

 

Hiển nhiên, trong thất vọng cùng cực, Giacóp cảm nghiệm về Thiên Chúa. Trong con người xa lạ này, một người đã tấn công ông làm ông bị thương, lại chính là Thiên Chúa, Đấng chúc phúc cho ông và ban cho ông một tên mới. Từ nay, ông không còn là Giacóp nữa, không còn là con người thủ đoạn nữa. Ông được gọi là Israel, một người đã chiến đấu với Thiên Chúa. Từ trận chiến trong đêm rối này, Giacóp thoát ra và biến đổi. Chính kinh nghiệm về Thiên Chúa tăm tối này đã biến đổi ông thành lời chúc phúc cho nhiều người, thành tổ phụ của rất nhiều dân tộc. Ông khập khiễng, đi chậm hơn, nhưng khôn ngoan hơn. Ông từ chối không hùng biện bằng những diễn văn hùng hồn về Thiên Chúa. Được tác động mạnh mẽ, ông khiêm nhường nhìn nhận rằng: “Tôi đã gặp Thiên Chúa diện đối diện và tôi đã được cứu sống.” (St 32,31).

 

Kinh nghiệm về Thiên Chúa tăm tối biến đổi cuộc đời chúng ta. Khi hình ảnh về Thiên Chúa của chúng ta quá hài hoà, sẽ không có gì động đậy nơi chúng ta. Chúng ta đóng băng trong nhân đức và trong chủ nghĩa bảo thủ của mình. Mặt tối của chúng ta vẫn nằm trong vô thức và chúng ta ngoại xuất chúng trên người khác. Chúng ta nói về lòng nhân từ của Thiên Chúa mà không để ý chút nào đến tính gây hấn của mình trong cách đối xử với người khác. Chúng ta giảng về phi bạo lực, nhưng cùng lúc chúng ta sử dụng quyền lực thái quá trên người khác. Chúng ta có một linh đạo cao cả, nhưng chúng ta chinh phục nó mà không biết gì về những khía cạnh hung hăng, tham tàn và vô độ của mình. Và đàng khác, khá thường là những người theo một linh đạo cứng cỏi, lại sống những mặt tối của mình mà không biết gì. Cuộc đời chúng ta chỉ giữ được sức sống khi thường xuyên đương đầu với Thiên Chúa tăm tối, vì nhờ vậy, những khía cạnh mới nơi chính chúng ta mới được đánh thức. Khi ấy, chúng ta mới đi vào một tiến trình biến đổi. Chúng ta nhìn Thiên Chúa với đôi mắt mới. Đối với chúng ta, Ngài trở nên Đấng không ngừng làm chúng ta sống động tự sâu thẳm của chính chúng ta và thúc đẩy chúng ta luôn tiến tới.

 

Không thể tự tập luyện để có kinh nghiệm về đêm tăm tối. Kinh nghiệm đó đến rất bất ngờ, ví dụ, trong đời sống thiêng liêng, khi chúng ta cảm thấy trống rỗng và chúng ta không thấy gì rõ ràng nữa. Đây là điều mà Reinhold Schneider đã sống. Trong nhật ký của ông, ông viết về mùa Đông cuối cùng ở Vienne, ông không biết mình ở với Thiên Chúa trong nơi chốn nào. Ông đang suy sụp tinh thần, nhưng đồng thời cũng sáng suốt quan sát và thấy sự tàn bạo trong thiên nhiên. Điều đó khiến ông đặt câu hỏi cho tất cả những gì ông đã tin cho tới lúc đó. Một nhân vật lớn về cầu nguyện, một người đã sáng tác những bài thơ an ủi biết bao chiến sĩ trên chiến trường, thế mà giờ đây chính ông không thể cầu nguyện được nữa. Những tăm tối như thế của kinh nghiệm về Thiên Chúa làm chúng ta bất ngờ. Khi một người thân yêu rời bỏ chúng ta, khi chúng ta bị xáo trộn bởi cái chết của một em bé vô tội, hay đơn giản chỉ là chúng ta không thể cầu nguyện được nữa, mọi lời cầu xin đều như trống rỗng. Có nhiều người nghĩ rằng Chúa lẽ ra phải lập tức giải thoát họ khỏi sự tăm tối này. Đó là bằng chứng cho thấy Chúa hiện diện thực sự. Thánh Gioan Thánh Giá nghĩ rằng chính Thiên Chúa cũng tỏ lộ trong đêm tối này.

 

Các đan sĩ đầu tiên trong Giáo hội đã biết đến điều đó. Viện phụ Gioan nói rằng: “Nếu Môsê không đi trong bóng tối, có lẽ ông đã không thấy Thiên Chúa”. Một đan sĩ khác cũng giải thích kinh nghiệm của thánh Phaolô như vậy: Hình ảnh của ông về thế giới của Thiên Chúa trước khi lên đường đến Đamas đã tan vỡ: “Khi Phaolô không thấy gì nữa, thì ông thấy Thiên Chúa.” Khi chúng ta không thấy gì nữa, khi tất cả trở nên tối tăm, khi mọi hình ảnh quen thuộc của chúng ta về Thiên Chúa không còn, và khi mọi ảo tưởng về hành trình thiêng liêng của chúng ta tiêu tan đi, đột nhiên chúng ta có thể trải nghiệm về Thiên Chúa; tuy nhiên, giờ đây Ngài hoàn toàn khác với Đấng mà chúng ta quá quen thuộc trước kia. Không cần thiết là kinh nghiệm về Thiên Chúa làm chúng ta hạnh phúc. Kinh nghiệm đó có thể làm đau đớn tới tận xương tuỷ. Nó có thể làm chúng ta bị thương như tổ phụ Giacóp ngày xưa.

 

Rất nhiều người thấy khó tin vào Thiên Chúa và có kinh nghiệm về Ngài, bởi vì họ không thể hoà hợp được giữa Thiên Chúa và đau khổ. Thiên Chúa không thể để cho đau khổ xảy đến. Thiên Chúa là ai mà lại can dự vào cảnh tàn sát các trẻ em vô tội? Đó là vấn nạn xa xưa của biện thần luận (siêu hình học về Thiên Chúa và các thuộc tính của Ngài – suy luận thuần lý trí: théodicée). Vấn nạn này không ngừng xuất hiện khi các hình ảnh ghê rợn mà truyền thông báo chí hàng ngày tường thuật lại. Khi tôi nói đến kinh nghiệm về Thiên Chúa trong các hội nghị, thính giả luôn đặt câu hỏi về đau khổ của mình hay của người khác. Tại sao tôi lại rơi vào bệnh tật? Lam thế nào mà Thiên Chúa lại để cho đưa con của người sống cạnh tôi, một đứa trẻ quá tử tế, tốt lành lại bị chết trong một tai nạn thảm thương? Tôi không có câu trả lời cho những vấn nạn đó. Tôi không thể giải thích tại sao Thiên Chúa lại cho phép điều đó xảy ra, tại sao một người bỗng dưng là nạn nhân của một tai nạn chết chóc. Như sách Gióp đã làm, tôi chỉ có thể cho họ biết về một Thiên Chúa hoàn toàn khác, không thể hiểu thấu, đồng thời, cũng khích lệ họ nói với Chúa những phàn nàn đó và cả những giận dữ của họ nữa.

 

(còn tiếp)

 

[1] Chuyển ngữ từ Anselm Grun, “Ouvre tes sens à Dieu”, Mediaspaul, Paris, 2006, trang 147-163.

Bài cùng chuyên mục:

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(3) (08/09/2024 07:45:34 - Xem: 217)

Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri  (10/08/2024 07:52:38 - Xem: 363)

Thời đại của chúng ta là thời đại khao khát Thiên Chúa một cách sâu xa, nhưng Thiên Chúa lai ẩn giấu, mờ mịt, tăm tối.

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.4) (22/07/2024 10:59:39 - Xem: 343)

Chúng ta tiếp tục đọc và suy tư các bài của Đan sĩ Anselm Grun. Trong bài này, ông phân tích rất sâu sắc về hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa của chúng ta

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.3) (03/07/2024 08:26:58 - Xem: 418)

Rất cần có một hình ảnh đúng về Thiên Chúa, nhờ dó, chúng ta có cái nhìn đúng về con người và hoàn cảnh của con người.

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.2) (23/06/2024 09:10:49 - Xem: 426)

Rất cần có một hình ảnh đúng về Thiên Chúa, nhờ dó, chúng ta có cái nhìn đúng về con người và hoàn cảnh của con người.

Thiên Chúa của sự sống, Chúa Giêsu và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa  (07/06/2024 07:21:02 - Xem: 507)

Làm thế nào để có thể có kinh nghiệm về Thiên Chúa? Điều đó tuỳ thuộc chúng ta hiểu kinh nghiệm đó là gì.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và ước muốn(bài 3) (10/05/2024 21:26:59 - Xem: 690)

Hi vọng bài suy tư này giúp chúng ta hiểu rõ những ước muốn của chính mình, để từ đó, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và ước muốn(bài 2) (27/04/2024 22:17:35 - Xem: 669)

Hi vọng bài suy tư này giúp chúng ta hiểu rõ những ước muốn của chính mình, để từ đó, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và ước muốn  (06/04/2024 10:09:20 - Xem: 948)

Hi vọng bài suy tư này giúp chúng ta hiểu rõ những ước muốn của chính mình, để từ đó, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa

Làm sao biết đó là Ý Chúa  (03/03/2024 08:37:22 - Xem: 1,474)

Bài sau đây rất hữu ích về đời sống thiêng liêng cho cá nhân mỗi người và nhất là cho những người có bổn phận hướng dẫn đời sống thiêng liêng cho người khác, như các vị linh hướng…

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7