Tác giả - Tác phẩm

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri

  • In trang này
  • Lượt xem: 352
  • Ngày đăng: 10/08/2024 07:52:38

THIÊN CHÚA MỜ MỊT, TĂM TỐI

VÀ TẠO VẬT BẤT KHẢ TRI[1]

 

Giới thiệu

Chúng ta tiếp tục các bài suy tư của đan sĩ Anselm Grun. Bài “Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối và tạo vật bất khả tri” cho chúng ta thấy một khía cạnh mà mọi người rất ít quan tâm; vì thế, khi gặp những hoàn cảnh không thể hiểu, chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa. Chỉ khi nào hiểu và chấp nhận nó như Gióp, chúng ta mới đón nhận mọi sự trong bình an.

 

Một khía cạnh khác liên quan chặt chẽ với khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu của Thiên Chúa là bóng tối nơi chúng ta. Chúng ta luôn có những khía cạnh bất toàn, khiếm khuyết, mờ mịt. Đón nhận nó một cách khiêm tốn như sự thật về mình, về thân phận người phàm của mình là điều hết sức quan trọng. Nhờ đó, chúng ta sẽ chấp nhận chính mình và chấp nhận người khác dù họ bất toàn để sống trong khiêm nhường và bình an.

 

                               Linh mục Mỹ Sơn, giáo phận Long Xuyên

 

 

Phần I

Nhập đề

Thời đại của chúng ta là thời đại khao khát Thiên Chúa một cách sâu xa, nhưng Thiên Chúa lai ẩn giấu, mờ mịt, tăm tối. Martin Burber nói đến “Nhật thực của Thiên Chúa”. Như mặt trời, Thiên Chúa không còn chiếu sáng, con người dò dẫm trong bóng tối. Trong khi rất nhiều người đã quen với nhật thực của Thiên Chúa và bằng lòng với những lo toan hàng ngày, thì Friedrich Nietzsche đã mô tả nỗi đau do cái chết của Thiên Chúa gây ra cảnh thê lương như sau: “Chúng ta đi đâu? Xa khỏi mọi mặt trời? Chúng ta không liên tục té ngã đó sao? Ở phía sau, bên cạnh, phía trước, ở mọi phía đó sao? Không phải chúng ta lạc bước trong hư vô vô tận đó sao? Khoảng không gian trống vắng không làm chúng ta rối loạn đó sao? Trời không phải lạnh hơn đó sao? Trời không phải ngày càng tối tăm hơn đó sao?” Khi Thiên Chúa vắng bóng, cái lạnh sẽ xâm chiếm quanh chúng ta, cuộc đời chúng ta sẽ không còn ý nghĩa. Ngày nay rất nhiều người sống trong “nhật thực của Thiên Chúa” (vắng bóng Thiên Chúa). Có những người chẳng buồn tìm hiểu lý do và cũng không một chút ý thức nào về điều đó. Nhưng những người khác lại đau khổ vì nó. Họ khát khao Thiên Chúa nhưng lại không tìm thấy Người ở bất cứ đâu.

 

Những gì Nietzsche mô tả, ngôn sứ Isaia đã sống. Một khi Thiên Chúa rút lui và không để con người nhận biết Ngài nữa, điều đó làm cho họ khó chấp nhận và không còn tin nữa. Con người tranh luận trong bóng tối và không ngừng ồn ào, náo động mà không biết đời sống mình có ý nghĩa gì không. Isaia thuật lại lời phàn nàn của dân Israel: Vì thế, đức chính trực vẫn còn xa chúng ta, lẽ công chính không gần chúng ta được! Chúng ta mong ánh sáng, thì này đây bóng tối, mong xán lạn huy hoàng, lại bước đi trong mù mịt tối tăm. Tựa như người mù men theo tường, chúng ta mò mẫm, mò mẫm như người không có mắt. Chúng ta lảo đảo cả trưa lẫn chiều, đang sung sức mà như người đã chết. (Is. 59, 9-10).

 

Trong thời buổi tăm tối bởi cái chết của Thiên Chúa, không thể nói đến kinh nghiệm gì về Ngài. Không thể làm như rất nhiều người đương thời tỏ vẻ không đau khổ gì về sự vắng bóng của Thiên Chúa. Chủ nghĩa vô thần chính là sự chống đối thường xuyên đối với những người đi tìm Ngài. Vì Thiên Chúa để cho chúng ta có kinh nghiệm về Ngài, những cũng không ngừng thoát khỏi kinh nghiệm của chúng ta. Thường xuyên hơn, Thiên Chúa là Đấng không thể biết được, là mầu nhiệm không thể hiểu thấu. Rất nhiều người bị bất ổn bởi chỉ trích của Freud về tôn giáo: tôn giáo chỉ giúp cá nhân quay trở về với thế giới lý tưởng thời thơ ấu và ngoại xuất vào Thiên Chúa nhu cầu an toàn của mình. Khi tìm kiếm Thiên Chúa bằng trọn vẹn con người mình, chúng ta không thể không đặt những câu hỏi loại này. Nhưng những câu hỏi đó luôn dẫn tới một mầu nhiệm không thể hiểu thấu mà chúng ta tôn thờ như Thiên Chúa trong hi vọng và yêu mến.

 

Kinh nghiệm về đêm tăm tối

Vắng bóng Thiên Chúa không chỉ là đặc điểm của thời đại chúng ta. Theo thánh Gioan thánh giá, bất cứ ai lên đường đi về với Thiên Chúa đều phải trải qua đêm tăm tối. Thánh Gioan phân biệt đêm tăm tối giác quan và đêm tăm tối tinh thần. Trong đêm tăm tối này, chính Thiên Chúa đưa chúng ta vào trường học của Ngài. Ngài đòi buộc chúng ta phải phân biệt giữa những ngoại xuất của chúng ta và những hình ảnh của Ngài và Ngài luôn thanh tẩy chúng ta nhiều hơn để chúng ta loại bỏ những biểu thị của riêng chúng ta về Ngài và để chúng ta mở lòng ra với Đấng Toàn Biệt, Đấng vượt khỏi mọi giác quan của chúng ta. Đó chính là mâu thuẫn điển hình mà chúng ta vấp phải khi nói về Thiên Chúa hay kinh nghiệm về Thiên Chúa. Một bên, chúng ta cần có những hình ảnh về Thiên Chúa, bên kia, chúng ta lại phải loại bỏ những hình ảnh đó để mở lòng ra với Thiên Chúa, Đấng không thể diễn tả và không thể hiểu thấu. Một đàng, chúng ta cần có kinh nghiệm về Thiên Chúa trên hành trình thiêng liêng; đàng khác, chúng ta phải từ chối mọi kinh nghiệm ấy. Đó là điều mà đêm tăm tối dạy chúng ta: bóng tối của Thiên Chúa. Chúng ta chạm trán với một đức tin trần trụi, một đức tin dẫn chúng ta vượt khỏi mọi kinh nghiệm, và giúp chúng ta đứng vững dù vắng bóng mọi kinh nghiệm.

 

Thánh Gioan thánh giá nói đến đêm tối giác quan và tinh thần chủ động và thụ động. Trong đêm tối giác quan chủ động, chúng ta gỡ bỏ những ràng buộc của cuộc sống. Ràng buộc tình cảm sản sinh sự bại liệt nội tâm. Chúng ta vẫn bị chặn đứng ở giai đoạn rất rõ ràng của sự tiến triển đời sống thiêng liêng. Chúng ta sẽ không ngừng yêu thích khi cảm thấy cũng cùng những tình cảm ấy. Khi tách rời khỏi chúng, những sức mạnh sống động mới có thể khai triển nơi chúng ta.

 

Trong đêm tối chủ động của tinh thần, bổn phận của chúng ta là gỡ bỏ những ràng buộc của tinh thần, nghĩa là gỡ bỏ những hình ảnh về Thiên Chúa, những phương pháp và những hình thức thiêng liêng rất rõ ràng. Đêm tối tinh thần nhằm giải thoát chúng ta khỏi những liên quan của cái Tôi tôn giáo của chúng ta, một cái Tôi muốn sử dụng Thiên Chúa vào những mục đích của mình.

 

Tiếp sau đêm tối chủ động của giác quan là đêm tối thụ động: con người ý thức mình không thể gợi lên một kinh nghiệm về Thiên Chúa. Con người phải bỏ đi mọi sáng kiến của mình, bởi vì càng cố gắng tự thực hiện điều gì, nó càng bị cản trở trên con đường về với Thiên Chúa. Kế đó là đêm tối thụ động của tinh thần. Đây là lúc tinh thần con người được thanh tẩy mỗi lúc một nhiều hơn. Chính Thiên Chúa thực hiện sự thanh tẩy tâm hồn này. Con người chỉ có thể buông bỏ mình cho Thiên Chúa để Người giải thoát nó khỏi mọi ích kỷ tận sâu thẳm trong tâm hồn.

 

Trong đêm tối thụ động của tâm hồn, con người học biết sự gần gũi với Thiên Chúa, một sự gẩn gũi với chính tối tăm. Và trong tối tăm của Thiên Chúa, nó khám phá ra sự tối tăm của con tim mình, khám phá ra tình yêu vị kỷ vô hạn của mình.

 

Theo tôi (Grun), đêm tối của thánh Gioan thánh giá có nghĩa là sự tối tăm và sự vắng bóng của một kinh nghiệm về Thiên Chúa là thành phần của hành trình thiêng liêng của chúng ta. Bởi vì chúng giúp chúng ta tránh dùng những ngoại xuất của riêng mình để cho đó là kinh nghiệm về Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng Toàn Biệt, ẩn giấu trong tăm tối. Người ẩn giấu ở đó vì yêu thương chúng ta, để đôi mắt chúng ta quen dần với ánh sáng chói lọi của Người, một ánh sáng hoàn toàn khác với sự chiếu sáng giả tạo của thế gian. Vì yêu thương, Người dạy chúng ta vượt qua đêm tăm tối và từ từ mở ánh sáng thần linh của Người ra cho chúng ta thấy. Người thiêu đốt chúng ta bằng một ước muốn say mê tình yêu của Người. Nhìn bề ngoài, đêm tăm tối là điều kiện cần thiết để hiệp nhất với Thiên Chúa mà không trở thành sự “lạm phát”, để chúng ta không lợi dụng Thiên Chúa làm cho mình thấy khá hơn. Chúng ta chỉ có thể hiệp nhất với Thiên Chúa nếu, trong tăm tối của bóng đêm, chúng ta gở bỏ những ngoại xuất và những ý muốn của riêng mình.

 

Đêm tăm tối của thánh Gioan thánh giá còn nói với tôi một điều khác nữa: ngay khi tôi loại trừ mối tương quan với Thiên Chúa khỏi những nơi khác nhau của tâm hồn, Thiên Chúa sẽ trở nên tăm tối đối với tôi. Sự tăm tối chỉ cho tôi biết rằng tôi còn chưa sống ở một vài phòng trong căn nhà của đời sống tôi. Tôi còn chưa quan sát kỹ những vùng tối che dấu Thiên Chúa khỏi tôi. Và như vậy, kinh nghiệm về đêm tăm tối mời gọi tôi hãy xuyên thấu sự tối tăm của tâm hồn tôi để ánh sáng của Thiên Chúa có thể lan toả ở đó. Thiên Chúa bó buộc chúng ta ý thức về sự tăm tối của riêng mình. Chỉ lúc ấy, tôi mới có thể lại có kinh nghiệm về Thiên Chúa. Sự đi xuống tận vương quốc của bóng tối này, các nhà đạo đức xưa gọi là humilitas: sự thấp hèn. Sự “thấp hèn” là can đảm chấp nhận những vết bẩn và những tăm tối của con tim chúng ta, chấp nhận chúng ta thuộc về bụi đất (‘humus’). Chỉ lúc ấy, tôi mới biết Thiên Chúa trong sự viên mãn của Người.

 

(còn tiếp)

 

[1] Chuyển ngữ từ Anselm Grun, “Ouvre tes sens à Dieu”, Mediaspaul, Paris, 2006, trang 147-163.

Bài cùng chuyên mục:

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(3) (08/09/2024 07:45:34 - Xem: 188)

Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(2) (24/08/2024 10:17:51 - Xem: 270)

Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.4) (22/07/2024 10:59:39 - Xem: 336)

Chúng ta tiếp tục đọc và suy tư các bài của Đan sĩ Anselm Grun. Trong bài này, ông phân tích rất sâu sắc về hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa của chúng ta

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.3) (03/07/2024 08:26:58 - Xem: 408)

Rất cần có một hình ảnh đúng về Thiên Chúa, nhờ dó, chúng ta có cái nhìn đúng về con người và hoàn cảnh của con người.

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.2) (23/06/2024 09:10:49 - Xem: 421)

Rất cần có một hình ảnh đúng về Thiên Chúa, nhờ dó, chúng ta có cái nhìn đúng về con người và hoàn cảnh của con người.

Thiên Chúa của sự sống, Chúa Giêsu và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa  (07/06/2024 07:21:02 - Xem: 502)

Làm thế nào để có thể có kinh nghiệm về Thiên Chúa? Điều đó tuỳ thuộc chúng ta hiểu kinh nghiệm đó là gì.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và ước muốn(bài 3) (10/05/2024 21:26:59 - Xem: 682)

Hi vọng bài suy tư này giúp chúng ta hiểu rõ những ước muốn của chính mình, để từ đó, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và ước muốn(bài 2) (27/04/2024 22:17:35 - Xem: 662)

Hi vọng bài suy tư này giúp chúng ta hiểu rõ những ước muốn của chính mình, để từ đó, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và ước muốn  (06/04/2024 10:09:20 - Xem: 937)

Hi vọng bài suy tư này giúp chúng ta hiểu rõ những ước muốn của chính mình, để từ đó, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa

Làm sao biết đó là Ý Chúa  (03/03/2024 08:37:22 - Xem: 1,465)

Bài sau đây rất hữu ích về đời sống thiêng liêng cho cá nhân mỗi người và nhất là cho những người có bổn phận hướng dẫn đời sống thiêng liêng cho người khác, như các vị linh hướng…

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7