Suy tư - Cảm nghiệm

Gia vị cho bài giảng CN 33 & Các Thánh Tử đạo VN - 2024

  • In trang này
  • Lượt xem: 440
  • Ngày đăng: 16/11/2024 05:36:01

GIA VỊ CHO BÀI GIẢNG LỄ

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN, NĂM B

 

1/ MỘT HƯỚNG NHÌN VỀ TƯƠNG LAI

Thủ lĩnh của một bộ tộc da đỏ nọ đang hấp hối, vì vậy ông đã cho gọi ba người con trai của mình đến và nói: “Cha sắp chết; trước khi chết, cha muốn chọn một người trong các con kế vị cha làm người đứng đầu bộ tộc của chúng ta. Cha trao cho mỗi con một yêu cầu giống nhau. Cha muốn các con leo lên ngọn núi thánh của chúng ta và mang về cho cha một vật gì đó đẹp nhất. Ai có sản phẩm nổi bật nhất sẽ là người nối nghiệp.” Sáng hôm sau, những người con lên đường tìm kiếm, mỗi người đi một con đường khác nhau lên núi. Sau vài ngày, họ trở về. Người đầu tiên mang về cho cha một loài hoa đẹp và quý hiếm mọc gần đỉnh núi. Người con thứ mang về cho cha một viên đá giá trị, hình tròn và nhiều màu sắc đã được mài bóng bởi mưa gió. Người con thứ ba, người về tay không, nói với cha: “Con chẳng mang về được gì để cho cha xem. Khi đứng trên đỉnh núi thánh, con thấy phía bên kia là một vùng đất xinh đẹp với những đồng cỏ xanh tươi. Ở giữa những đồng cỏ này là một hồ pha lê. Con có một hướng nhìn về nơi mà bộ tộc của chúng ta có thể đi đến để có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Con cảm thấy bị cuốn hút bởi những gì con đã thấy đến nỗi con không thể mang về được bất cứ vật gì”. Người cha trả lời: “Con sẽ là thủ lĩnh mới của bộ tộc chúng ta, vì con đã mang về thứ quý giá nhất - món quà về tầm nhìn cho một tương lai tốt đẹp hơn.”

* Những tuần lễ cuối cùng của năm Phụng vụ gợi ra cho  chúng ta một hướng nhìn về tương lai tốt hơn để điều chỉnh cuộc sống hiện tại.

 

2. CÁC DỰ ĐOÁN VỀ NGÀY TẬN CÙNG

Người ta đã dự đoán về ngày tận thế kể từ thế kỷ đầu tiên. Thánh Phaolô nghĩ rằng Chúa Kitô sẽ trở lại ngay trong cuộc đời của ngài. Hippolytô, một trong những triết gia đầu tiên, đã tiên đoán rằng Chúa Kitô sẽ trở lại vào năm 500 sau Công nguyên. Năm 960, nhà thần học người Đức, Bernard ở Thuringia, tính toán ngày tận thế sẽ đến vào năm 992. Một số người tin chắc rằng thế giới sẽ kết thúc vào năm 1000 sCN, vì vậy họ không bận tâm đến việc trồng trọt. Nhà chiêm tinh Johann Stoeffler, cho biết thế giới sẽ bị ngập lụt vào ngày 20 tháng 2 năm 1524. Solomon Eccles, vào năm 1665, chạy qua các đường phố London, mang theo lưu huỳnh rực lửa trên đầu thông báo rằng thế giới sắp bốc cháy. Năm 1874, Charles Russell, người sáng lập giáo phái Chứng nhân Giêhôva, kết luận rằng Chúa Kitô đã trở lại, nhưng mọi người sẽ được hưởng thêm bốn mươi năm ân sủng. Năm 1914, giáo phái buộc phải sửa đổi thời gian biểu của mình. Herbert Armstrong, trong ấn phẩm của mình, Plain Truth (Sự thật giản đơn), đã đặt ngày tận thế là ngày 7 tháng 1 năm 1972. Năm 2000, và cụ thể là sự cố máy tính Y2K, khiến nhiều người nghĩ rằng “ngày tận thế đã đến.” Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ nỗi sợ hãi Y2K vào thời điểm chuyển giao của thiên niên kỷ. Vào ngày 12 tháng 9 năm 2001, một trích dẫn sai của nhà chiêm tinh người Pháp thế kỷ 16, Nostradamus, lan truyền trên Internet, nói rằng: “Những con chim sắt, anh em song sinh nổi bật, sẽ đánh dấu ngày tận thế.”

* Kinh Thánh cho biết thời gian thuộc quyền Thiên Chúa. Chúng ta sống và suy nghĩ trong thời gian; còn Chúa vượt qua không, thời gian. Thánh vịnh 90,4 nói đến bước đi của thời gian đối với con người: “Ngàn năm Chúa kể là gì, tựa hôm qua đã qua đi mất rồi, khác nào một trống canh thôi!”

 

3. SỐNG ĐỨC TIN VỀ NGÀY QUANG LÂM

Sống đức tin cũng có nghĩa là chúng ta phải hành động tất cả mọi thứ có thể để loại bỏ mối đe dọa hủy diệt sự sống trên trái đất, mà trước hết là các cuộc chiến tranh tiềm ẩn. Không nhiều người trong chúng ta khả năng làm được những gì Joan Kroc, góa phụ của người sáng lập chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh McDonald's đã làm. Vào một ngày năm 1985 sau lễ Độc Lập, bà đã mua toàn trang quảng cáo trên các tờ báo có câu trích dẫn sau đây của cựu tổng thống Dwight D. Eisenhower được in bên cạnh bức ảnh ông mặc bộ quân phục: “Mỗi khẩu súng được chế tạo, mỗi tàu chiến được phóng đi, mỗi quả tên lửa được bắn ra đều biểu thị sự ăn cắp tài sản của những người đói nghèo, những người đau ốm bệnh tật, và những người không đủ quần áo chống lạnh. Thế giới chạy đua vũ trang này không tiêu tiền một mình. Nó đang tiêu tốn mồ hôi của những người lao động, tài năng của các nhà khoa học, niềm hy vọng của các trẻ thơ… Đây hoàn toàn không phải là một lối sống chính đáng với bất cứ ý nghĩa nào. Dưới đám mây đe dọa chiến tranh, chính nhân loại bị treo trên cây thập tự sắt.”

* Ngoài sự phản đối bằng văn bản hoặc bằng tiếng nói về các cuộc chạy đua vũ trang, hoặc đánh bom cảm tử, người Kitô hữu chúng ta, với tư cách là người sống đức tin vào Thiên Chúa hằng sống, chúng ta hãy ra sức làm những việc tốt lành để nói lên niềm tin rằng Chúa Cứu Thế sẽ tái lâm vào thời sau cùng. [George M. Bass, The Cradle, the Cross, and the Crown]

 

4. SỐNG THỜI GIAN SAU CÙNG

Thánh Phanxicô Assisi, được đặt danh hiệu vị thánh của Thiên nhiên. Một ngày nọ ngài đang cuốc một miếng vườn nhỏ, một người bạn là triết gia đến gần và hỏi: “Bạn sẽ làm gì nếu biết rằng mình sẽ chết trước khi mặt trời lặn?” Thánh Phanxicô suy nghĩ một lát rồi trả lời: “Tôi sẽ cuốc xong khu vườn của mình. Tôi sẽ trung thành với những gì hiện tại tôi đang làm.” Dietrich Bonhoeffer (một thần học gia Tin lành) được các nhà phê bình hỏi: “Tại sao ông lại dây mình vào những mối nguy hiểm này? Chúa Giêsu sẽ trở lại bất cứ ngày nào và mọi công việc cũng như đau khổ của bạn sẽ chẳng là gì cả”. Bonhoeffer nói: “Nếu ngày mai Chúa Giêsu trở lại, thì mai tôi sẽ nghỉ làm công việc của mình, còn hôm nay tôi vẫn phải làm việc. Tôi phải tiếp tục cuộc đấu tranh cho đến khi tôi kết thúc”.

 

5. TỈNH THỨC

Kể từ cuộc tấn công vào trung tâm Thương mại Thế giới ở New York ngày 11 tháng 9 năm 2001, đã có những cảnh báo liên tục để cảnh giác trước các cuộc tấn công khủng bố có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tại Hoa Kỳ, các sân bay lặp đi lặp lại các thông báo công khai từ Bộ An ninh Nội địa, cho biết mức độ cảnh báo là màu vàng, cam hay đỏ. Mọi người luôn được yêu cầu cảnh giác. Các Bài đọc của những tuần lễ cuối của năm Phụng vụ cũng nhắc nhở chúng ta chuyển sang trạng thái cảnh báo màu đỏ.

* Phaolô muốn đánh thức người La Mã khi ngài nói: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến…Chúng ta hãy cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu” (Rm 13,12)

 

6. ÂM THANH CỦA TIN MỪNG

Gần đây tôi có đọc câu chuyện buồn cười về một thị trấn nhỏ hành nghề đúc kim loại, nơi các lò đúc hoạt động cả ngày lẫn đêm. Những chiếc búa hơi nước, một số nặng đến vài tấn, liên tục hoạt động bận rộn, đập nện những khối kim loại nóng chảy khổng lồ. Cư dân của thị trấn đã quen với tiếng ồn liên tục và có thể ngủ ngon suốt đêm mà không cảm thấy bị quấy rầy. Vào một đêm nọ, vì một số sự cố máy móc, những chiếc búa này đột nhiên ngừng hoạt động, và hậu quả là gần như tất cả mọi người trong thị trấn đều thức trắng. Điều gì đã làm cho họ thức? Không phải những cú đập mạnh lặp đi lặp lại của những chiếc búa nặng, mà là sự dừng lại đột ngột của chúng. Điều này nhắc nhở chúng ta về tình trạng của hàng triệu người trong thời đại của chúng ta. Trong khi chiếc búa Tin Mừng hoạt động, hàng triệu người trong phạm vi âm thanh của nó ngủ say trong bình an. Nhưng sẽ đến lúc Chúa  trở lại và đem dân Ngài đi, khi đó búa Lời Chúa sẽ đột ngột ngừng hoạt động. Những người cứng lòng không tin Chúa bỗng nhiên bừng tỉnh, nhưng đã quá muộn. [C. Johnson trong Trích dẫn và Giai thoại; cha Botelho kể lại]

 

7. KHÓC LÊN! HỠI QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU

Alan Paton là một nhà văn Nam Phi. Trong số những cuốn sách mà ông viết có câu chuyện đầy ám ảnh, Hãy Khóc lên, Hỡi Quê hương yêu dấu, mô tả sâu sắc tình hình ở Nam Phi dưới chế độ phân biệt chủng tộc. Paton đã nuôi một ước mơ. Ông mơ ước về một ngày mới cho Nam Phi thân yêu của mình, một ngày mà ở đó công lý và bình đẳng được thực hiện cho tất cả mọi người. Vì lý do này, ông tham gia vào chính trị và đấu tranh để chấm dứt hệ thống phân biệt chủng tộc độc ác. Qua nhiều thập kỷ, ông vẫn không ngừng theo đuổi ước mơ của mình, làm việc một cách tận tâm tận lực và can đảm để biến nó thành hiện thực. Đó là một giấc mơ mà nhiều người cho rằng sẽ không thành công. Tuy nhiên, cuối cùng nó đã đạt được. Nhưng thật không may, Paton đã không sống để nhìn thấy nó. Ông chết trước khi bình minh xuất hiện.

* Tiên tri Isaia có một giấc mơ còn táo bạo hơn, một giấc mơ về tình huynh đệ phổ quát và hòa bình. Hướng nhìn của Isaia là một điều tuyệt vời. Và nó sẽ chỉ được thực hiện khi Chúa Cứu Thế quang lâm. (Flor McCarthy trong Phụng vụ Chúa nhật và Lễ trọng) .

 

8. CÁI CHẾT LÀ BẤT NGỜ

a) Atilla là nhà cai trị đáng sợ của người Huns từ năm 434 đến năm 453 sau Công nguyên. Ông là kẻ thù công khai của Đế chế La Mã. Hai lần ông tấn công các nước vùng Balkan; ông hành quân qua Pháp; và quyền cai trị của ông đã lan rộng từ Đức đến sông Ural và từ sông Danube đến biển Baltic. Nhiều người ngày nay coi ông như một con quái vật, một nhà độc tài tàn ác, người đã cai trị bằng sự sợ hãi. Nhưng cái chết của ông thực sự vẫn còn là một bí ẩn. Ông chết trong đêm tân hôn chỉ vì chảy máu cam. b) Con trai của Lý Tiểu Long là Brandon có mặt trên trường quay của bộ phim The Crow (Con quạ) mà anh đóng vai chính. Một cảnh yêu cầu Brandon ở trong một khu rừng bị bắn bởi những loạt đạn súng săn. Khẩu súng đã được sử dụng nhiều lần trước đây để quay phim vẫn an toàn, nhưng hôm ấy kính nhắm bị mờ do hơi nước đã gây ra cái chết rất thương tâm cho anh.

* Chúa Giêsu nói: “Nhưng ngày hay giờ cuối cùng đó, không ai biết được”. Người mời gọi tất cả chúng ta luôn chuẩn bị. Không ai trong chúng ta được đảm bảo thở hơi thở tiếp theo. (Theo cha Bobby Jose).

 

9. TÔI SẼ TRỞ LẠI

Người Nhật ném bom Trân Châu Cảng ở Hawaii vào ngày 7 tháng 12 năm 1941. Ngay sau đó, họ xâm lược và chiếm đóng Philippines. Tướng Douglas McArthur của Hoa Kỳ lúc đó đang đóng quân tại Philippines, và vào ngày 11 tháng 3 năm 1942, ông buộc phải rời quần đảo. Trước khi lên đường đến Úc, ông đã hứa với người dân trên đảo: “Tôi sẽ trở lại”. Vào ngày 20 tháng 10 năm 1944, hai năm rưỡi sau, ông đã giữ lời hứa của mình. Ông hạ cánh trên một trong những hòn đảo và thông báo: “Tôi đã trở lại.” Điều này báo trước sự tự do cho Philippines.

* Chúa Giêsu xác quyết với chúng ta: “Rồi mọi người sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến” (Mc 14,62). (Jack McArdle trong And That’s the Gospel Truth; trích dẫn theo cha Botelho).

 

10. SỐ PHẬN TRÁI ĐẤT

Một nhà văn (trích trong bài giảng của John MacArthur), mô tả điều gì sẽ xảy ra trên trái đất nếu một thiên thể nào đó bất ngờ quệt vào ngang nó đủ để làm nó nghiêng ra khỏi trục của nó một phần nhỏ vài mét. Ngay lúc đó, một trận động đất lớn sẽ khiến trái đất rung rinh. Không khí và nước sẽ tiếp tục chuyển động theo quán tính. Bão lớn sẽ quét qua trái đất và dòng nước biển sẽ đổ vào các lục địa mang theo đá sỏi và động vật biển rồi ném chúng trên đất liền. Nhiệt lực gia tăng cường độ. Đá sẽ tan chảy. Núi lửa sẽ phun trào. Dung nham sẽ chảy ra từ các khe nứt trên mặt đất và bao phủ các khu vực rộng lớn. Các ngọn núi sẽ mọc lên từ vùng đồng bằng và sẽ di chuyển và dồn vào các ngọn núi khác gây ra đứt gãy và rạn nứt. Các hồ nước sẽ bị nghiêng và trống rỗng. Những con sông sẽ thay đổi dòng chảy. Những vùng đất rộng lớn với tất cả cư dân của nó sẽ trôi tuột xuống biển. Rừng sẽ cháy rụi, các cơn bão giật và sóng biển sẽ kéo chúng khỏi mặt đất nơi chúng sinh trưởng và chất thành từng đống lớn cành và rễ ngổn ngang. Biển sẽ biến thành sa mạc. Nước của nó chảy đi hết. (Hồ sơ SNB).

 

11. TRÒ CHƠI TRỐN TÌM

Một trong những trò chơi đáng nhớ nhất trong những ngày thơ ấu của chúng ta là trò chơi trốn tìm. Khi trò chơi bắt đầu, nhóm trẻ oẳn tù tì với nhau để tìm người đóng vai là người đi tìm. Người đi tìm úp mặt vào cây, tường nhà, mép cửa...sao cho không thể nhìn thấy những người xung quanh, rồi bắt đầu đếm: “năm, mười, mười lăm, hai mươi...cho đến… chín lăm, một trăm”. Trong khi đó những người chơi khác chạy trốn. Sau đó, nhiệm vụ của “người đi tìm” là tìm thấy họ trước khi họ có thể trở về “căn cứ”. Một người chơi bị coi là bị tìm ra nếu bị nhìn thấy và gọi đúng tên. Nếu người đi tìm đã tìm đủ những thành viên thì trò chơi kết thúc. Những người chơi còn lại phải oẳn tù tì với nhau để xác định người đi tìm mới và bắt đầu ván chơi mới... Phần trò chơi vẫn còn vang vọng trong tâm trí chúng ta, đó là “người đi tìm” sẽ hô lớn trước khi cậu/cô ta chạy đi tìm những kẻ đang trốn: “Sẵn sàng hay chưa, tôi đến đây.” Khi “người đi tìm” hô như vậy, chắc chắn là bạn đã sẵn sàng, còn nếu không bạn sẽ bị tóm.

* Vào những ngày cuối của năm Phụng vụ này, trò chơi thuở xưa lại ùa về trong trí nhớ mỗi người. Chúa Giêsu nói với mọi người về ngày quang lâm và nhắc nhở tất cả phải sẵn sàng. (Tài liệu  SNB)

 

 

KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

 

1/ THÁNH POLYCARPÔ

Một trong những mẫu gương truyền cảm hứng nhất về lòng dũng cảm trong lịch sử Giáo hội là cuộc tử đạo của thánh Polycarpô, người đã bị thiêu sống vì đức tin. Polycarpô già bị chính quyền La Mã bắt giữ và đưa đến đấu trường để hành quyết trước đám đông reo hò. Quan tổng đốc đã ép ngài rất nhiều và nói: “Hãy từ bỏ đi, và ta sẽ thả ngươi. Hãy phỉ báng Chúa Kitô”. Polycarpô trả lời: “Tôi đã phục vụ Ngài tám mươi sáu năm, và chưa bao giờ Ngài làm hại tôi; làm sao bây giờ tôi có thể báng bổ Vua của tôi, Đấng đã cứu tôi?” (Được trích dẫn trong Eusebiô, Lịch sử Giáo hội, chương 15.

 

2/ LÀM CHỨNG

Một nhà truyền giáo kể về một Kitô hữu người Trung Quốc sở hữu một cánh đồng lúa bên cạnh một cánh đồng do một cán bộ nhà nước làm chủ. Người Kitô hữu này tưới tiêu cho cánh đồng của mình bằng cách bơm nước từ một con kênh. Ông bơm nước bằng chân khiến người khác thấy ông như đang ngồi trên một chiếc xe đạp. Mỗi ngày, sau khi người Kitô hữu này bơm đủ nước cho cánh đồng của mình, người cán bộ đi ra, tháo các tấm ván giữ nước trong cánh đồng của người Kitô hữu và để toàn bộ nước chảy xuống cánh đồng của mình. Theo cách đó, anh ta không phải bơm. Điều này tiếp tục ngày này qua ngày khác. Cuối cùng, người Kitô hữu này cầu nguyện: “Lạy Chúa, nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, con sẽ mất hết lúa, thậm chí có thể mất cả cánh đồng. Con còn phải chăm sóc gia đình. Con có thể làm gì?” Đáp lại lời cầu xin của anh ta, Chúa đã đặt một ý nghĩ vào tâm trí anh. Vì vậy, sáng hôm sau, anh ta thức dậy sớm hơn nhiều, vào giờ trước bình minh, và bắt đầu bơm nước vào cánh đồng của người cán bộ hàng xóm. Rồi anh ta dỡ các tấm ván và bơm nước vào cánh đồng của mình. Chỉ trong vài tuần, cả hai cánh đồng lúa đều tươi tốt và người cán bộ đã cải đạo.

 

3/ PHẢN CHỨNG

Vài năm trước, tôi đã có cơ hội trở thành anh hùng, nhưng hóa ra đó lại là một khoảnh khắc đáng xấu hổ. Tôi ở Trung Quốc trong một đoàn du lịch. Xe buýt du lịch của chúng tôi đang trên đường đến một địa điểm thắng cảnh cùng với một xe buýt du lịch khác ở phía trước chúng tôi. Trời đổ nhiều tuyết và đường thì lầy lội. Đột nhiên, chiếc xe buýt phía trước chúng tôi trượt khỏi đường và lật nghiêng trên một cánh đồng lúa. Tôi nhanh chóng nhảy khỏi xe buýt du lịch của mình, chạy đến chiếc xe buýt bị lật và nhảy lên trên. Cửa sổ bị vỡ và nhiều người bên trong đã bị thương. Cửa thoát hiểm hướng lên trên, vì vậy tôi nắm lấy tay nắm cửa thoát hiểm và kéo. Cửa không mở. Tôi tiếp tục kéo mạnh, nhưng nó vẫn không nhúc nhích. Lúc này, những người khác chạy đến và kéo mọi người ra ngoài qua cửa sổ, vì vậy tôi từ bỏ cánh cửa và tham gia cùng họ. Sau khi tôi rời khỏi cửa, một người đàn ông khác đi đến cửa. Anh ta xoay tay nắm cửa và cánh cửa mở ra dễ dàng. Tôi đột nhiên nhận ra lý do tại sao cánh cửa không mở cho tôi: Tôi đã đứng trên cửa khi cố gắng mở. Với ý định tốt là cứu mạng người, tôi đã trở thành chướng ngại vật lớn nhất chặn cánh cửa cứu thoát.

*Đôi khi những người muốn dẫn dắt Người khác đến với Chúa Kitô cũng trở thành chướng ngại vật lớn nhất cho ơn cứu rỗi của họ.

 

4/ THỬ THÁCH

Ngày xưa có một con kiến ​​cảm thấy bị áp đặt, bị quá tải và làm việc quá sức. Bạn thấy đấy, nó được lệnh mang một cọng rơm qua một sân bê tông. Cọng rơm dài và nặng đến nỗi nó loạng choạng dưới sức nặng của cọng rơm và cảm thấy như mình không thể sống sót. Cuối cùng, khi áp lực của gánh nặng bắt đầu lấn át, nó bắt đầu tự hỏi liệu cuộc sống có đáng giá không. Rồi con kiến ​​đã phải dừng lại bởi một vết nứt lớn trên lối đi. Không có cách nào để vượt qua phía bên kia lối đi. Và rõ ràng là phải đi đường vòng, như thế sẽ là sự hủy hoại cuối cùng đối với nó. Nó đứng đó nản lòng. Rồi đột nhiên một ý nghĩ lóe lên trong đầu. Cẩn thận đặt cọng rơm qua vết nứt trên bê tông, nó bước qua và an toàn đến được bờ bên kia.

* Gánh nặng của nó đã trở thành một cây cầu hữu ích. Gánh nặng cũng là một phúc lành.

 

5/ CÁNH CHIM

Có một câu chuyện về cách loài chim có được đôi cánh. Câu chuyện kể rằng loài chim đầu tiên được tạo ra mà không có cánh. Sau đó, Chúa tạo ra đôi cánh rồi đặt trước những con chim không có cánh. Chúa nói với chúng: “Đến đây, hãy cầm lấy những gánh nặng này và mang chúng đi”. Lúc đầu, những con chim do dự, nhưng chẳng mấy chốc đã vâng lời và nhặt những chiếc cánh bằng mỏ của chúng. Vì đôi cánh nặng, nên những con chim đặt chúng lên vai. Sau đó, trước sự kinh ngạc của chúng, đôi cánh bắt đầu phát triển và nhanh chóng bám vào cơ thể chúng. Những con chim nhanh chóng khám phá ra cách sử dụng những phần phụ mới này và nhanh chóng bay vút lên không trung. Những gì từng là gánh nặng giờ đã trở thành một công cụ giúp những con chim bay vút lên và đến những nơi mà trước đây chúng không bao giờ có thể đến được.

* Câu chuyện là một câu chuyện ngụ ngôn. Chúng ta là những con chim không có cánh. Hoàn cảnh và công việc có vẻ như là gánh nặng và thử thách thường trở thành phương tiện mà Chúa dùng để nâng chúng ta lên và xây dựng đức tin nơi chúng ta. Kế hoạch của Chúa là để các nhiệm vụ của chúng ta trở thành người trợ giúp và động viên chúng ta. Từ chối cúi vai để nhận một trách nhiệm là từ chối một cơ hội mới để thăng tiến.

 

6/ CHIA SẺ

Tôi nhớ lại một đêm rất muộn khi tôi được gọi đến bệnh viện. Khi tôi đang đi dọc hành lang nửa tối nửa sáng, xung quanh không có ai, một người đàn ông đột nhiên chạy ra khỏi một phòng bệnh nhân. Anh ta chạy đến chỗ tôi—tôi chưa từng gặp anh trước đây — và anh ta nói với tôi trong niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt: “Cô ấy sẽ vượt qua. Cô ấy đã khỏe hơn. Cô ấy sẽ vượt qua,” và sau đó anh ta đi xuống hành lang. Tôi đã không gặp lại người đàn ông ấy kể từ đó. Tôi không biết anh ta đang nói về ai. Tôi cho rằng đó là một người rất gần gũi và thân thiết với anh ta, và anh ta vừa nhận được tin tốt. Anh ta không thể chờ để chia sẻ nó. Anh ta thậm chí không cần biết người mà anh ta chia sẻ tin đó; nó chỉ tuôn ra từ anh ta vì anh ta đã nhận được tin tốt, và tin tốt là phải được chia sẻ.

 

7/ SỨC MẠNH CỦA NỤ CƯỜI

Một ngày nọ, khi một người phụ nữ đang băng qua đường tại nhà ga ở Luân Đôn, một ông già đã chặn bà lại. Ông nói với bà: “Xin lỗi, thưa bà, nhưng tôi muốn cảm ơn bà”. Bà nhìn lên và thốt lên: “Cảm ơn tôi?” Ông trả lời: "Vâng, tôi từng là người soát vé, và bất cứ khi nào bà đi qua, bà luôn nở nụ cười vui vẻ và chào buổi sáng với tôi. Tôi biết nụ cười đó hẳn phải đến từ đâu đó bên trong nội tâm của bà. Rồi một buổi sáng, tôi thấy một quyển Kinh Thánh nhỏ trong tay bà. Vì vậy, tôi cũng mua một quyển, và tôi đã tìm thấy Chúa Giêsu.

 

8/ ĐÀN VIOLIN CÂM LẶNG

Luigi Tarisio được phát hiện đã chết vào một buổi sáng, gần như không có gì giá trị trong căn nhà, ngoài 246 cây vĩ cầm tuyệt đẹp mà ông đã sưu tầm cả đời, chất đầy trong một căn gác xép. Cây vĩ cầm giá trị nhất nằm trong ngăn kéo dưới cùng của một chiếc tủ cũ kỹ ọp ẹp. Chỉ vì lòng yêu thích đàn vĩ cầm mà ông đã lấy đi của thế giới những bản nhạc mà những cây đàn này đã có thể vang lên. Nhiều người khác trước ông cũng đã làm như vậy, vì vậy khi cây vĩ cầm tuyệt vời nhất trong bộ sưu tập của ông, một cây đàn Stradivarius, được chơi lần đầu tiên, nó đã có 147 năm câm lặng.

* Có bao nhiêu người của Chúa Kitô giống như Tarisio già này? Trong chính tình yêu của chúng ta dành cho Chúa, chúng ta đã không truyền bá tin mừng cho thế giới; trong lòng nhiệt thành với chân lý, chúng ta quên công bố nó. Khi nào thì tất cả chúng ta sẽ học được rằng Tin Mừng không chỉ cần được yêu mến mà còn cần được truyền bá? Tất cả mọi người cần được nghe nó.

 

9/ ĐƠN SƠ

Bạn đã đọc về cậu bé trở về nhà sau lớp học giáo lý Chúa nhật đầu tiên của mình chưa? Mẹ cậu bé hỏi: “Cô giáo của con là ai?” Cậu bé trả lời: “Con không nhớ tên cô ấy, nhưng cô ấy hẳn là bà của Chúa Giêsu vì cô ấy không nói về bất kỳ ai khác.”

* Cuộc sống của chúng ta có phản ánh tình yêu của chúng ta dành cho Chúa Giêsu không? Lời nói của chúng ta có tiết lộ mối quan hệ của chúng ta với Người không?

 

Lm Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm

 

 

Bài cùng chuyên mục:

Gia vị cho bài giảng lễ CN 2 mùa Vọng năm C - 2024 (06/12/2024 05:52:18 - Xem: 477)

Chúng ta tưởng tượng xã hội sẽ tốt đẹp biết bao khi mỗi người chúng ta tích cực sống sứ điệp Mùa Vọng “sửa con đường nội tâm cho thẳng” để có thể đến với mọi người

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 2 mùa Vọng năm C - 2024 (05/12/2024 17:49:23 - Xem: 452)

Trong Mùa Vọng này, chúng ta được mời gọi hãy làm lại con đường của lòng mình: phải sửa cho thẳng, lấp cho đầy, uốn cho ngay, san cho phẳng, bạt cho thấp.

Mầu nhiệm của Mùa Vọng (04/12/2024 07:38:01 - Xem: 270)

Thiên Chúa đã đón nhận những lời nguyện cầu của Dân Chúa, nên vào thời viên mãn, Người đã sai Con Một rất thánh xuống trần gian và chính Ngài thực hiện chương trình cứu độ nhân loại.

Gia vị cho bài giảng CN 1 mùa Vọng năm B - 2024 (30/11/2024 05:29:13 - Xem: 291)

Trong Mùa Vọng, chúng ta nghĩ đến ý nghĩa thiêng liêng cho sự chờ đợi: hướng lòng về biến cố quang lâm của Chúa Kitô, Đấng Messia. Phần lớn Tân Ước dành cho biến cố cánh chung này.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 1 mùa Vọng năm B - 2024 (30/11/2024 05:26:55 - Xem: 285)

Người tỉnh thức luôn biết hướng đến Chân, Thiện, Mỹ, để luôn tư tưởng và hành động trong sự khôn ngoan và đạo đức.

Đức Giesu Kito, một vị Vua khác (23/11/2024 05:51:35 - Xem: 862)

Hôm nay, “nếu bạn tin vào Chúa Kitô, hãy để Ngài là Vua trong cuộc đời bạn. Hãy để Ngài hướng dẫn bạn sống theo sự thật, bởi vì Ngài là Vua của tình yêu và sự sống” (Thánh Augustinô).

Gia vị cho bài giảng CN lễ Chúa Kito là Vua - 2024 (21/11/2024 10:04:15 - Xem: 634)

Khi Người đến trong vinh quang, Chúa Kitô Vua sẽ xét xử chúng ta về những việc bác ái chúng ta làm cho tha nhân. (Cha Tony)

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 34 TN B - 2024 (21/11/2024 07:57:59 - Xem: 538)

Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật, mà sự thật là điều gì có lợi cho tôi.

Đạo còn sống khi ta còn sống đạo (16/11/2024 11:20:12 - Xem: 976)

Phải chăng giá trị Tin Mừng trong lòng tín hữu đang phai nhạt dần ? Phải chăng việc đạo nghĩa chỉ còn là sự quan tâm thứ yếu ? Phải chăng việc học văn hóa và công ăn việc làm được đặt trên việc nuôi dưỡng đức tin ?

Ngày tận thế: Bí ẩn chỉ có Chúa Cha biết (16/11/2024 05:28:22 - Xem: 228)

Chúng con luôn sẵn sàng đón nhận Ngài trong bình an và hân hoan, với trái tim tràn đầy hy vọng vào ngày vinh quang của Chúa.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7