Tác giả - Tác phẩm

Phaolô đối diện với chính mình, ĐHY Carlo-Maria Martini(3)

  • In trang này
  • Lượt xem: 3,735
  • Ngày đăng: 14/01/2022 09:35:31

PHAOLÔ ĐỐI DIỆN VỚI CHÍNH MÌNH

ĐHY Carlo-Maria Martini[1]

 

 

Giới thiệu

Chúng ta sẽ cùng đọc và suy gẫm về cuộc đời thánh Phaolô qua những bài giảng linh thao của ĐHY Carlo-Maria Martini trong cuốn “Phaolô đối diện với chính mình”. Cuộc đời thánh Phaolô không phải được tô điểm toàn mầu hồng với nhiệt huyết tông đồ mạnh mẽ, mà cũng có những lúc ngài gặp trở ngại, khó khăn, bóng tối của kiếp người. Nhưng được ơn hoán cải và nhờ lòng yêu mến Chúa, nhờ nhiệt tâm tông đồ nung nấu, nhờ sự hăng say rao giảng Tin Mừng, ngài đã vượt qua mọi chướng ngại để hoàn tất cuộc đời tông đồ bằng cái chết tử đạo, làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh.

Hi vọng khi suy niệm và cầu nguyện về cuộc đời thánh Phaolô, chúng ta được ngài khơi dậy ngọn lửa nhiệt tâm tông đồ để sống và hăng say rao giảng Tin Mừng như ngài.

 

                                                                                      Linh mục Mỹ Sơn, giáo phận Long Xuyên

 

BÀI BA

PHAO-LÔ TRONG BÓNG TỐI CỦA KIẾP NGƯỜI

 

Đề tài bài ba là đề tài sám hối, một đề tài khá nặng nề vì gợi đến những bóng tối ngụ tận đáy sâu tâm hồn chúng ta và chúng ta không bao giờ muốn đối diện với nó. Cần cầu xin ơn Chúa Thánh Thần để có thể nói về nó một cách chân thực và với tinh thần sẵn sàng.

 

Sau khi được ơn hoán cải, Phaolô bị mù “Ông Sao-lô từ dưới đất đứng dậy, mắt thì mở nhưng không thấy gì. Người ta phải cầm tay dắt ông vào Đa-mát. Suốt ba ngày, ông không nhìn thấy, cũng chẳng ăn, chẳng uống.” (Cv 9,8-9). Có thể nói sự mặc khải của Đức Kitô thay vì đem lại cho ngài niềm vui, ánh sáng và tỏ tường, lại làm cho Phaolô xuống tinh thần như bị tê liệt bởi một cơn bệnh nặng. Ngài không nhìn thấy, không ăn uống, cần có người giúp để đi lại. Công vụ 22,11 cũng nói lên cùng một ý đó: “Vì ánh sáng chói loà kia làm cho tôi không còn trông thấy nữa, nên tôi đã được các bạn đồng hành cầm tay dắt vào Đa-mát.” Ngài nhìn thấy lại khi Anania nói với ngài: “Ông đến, đứng bên tôi và nói: 'Anh Sa-un, anh thấy lại đi!' Ngay lúc đó, tôi thấy lại được và nhìn ông.” (Cv 22,13).

 

Tại sao Phao-lô lại mù lòa khi mầu nhiệm huy hoàng của Đức Kitô vừa được mặc khải cho ngài?

 

Theo Kinh thánh, mù lòa gắn liền với tội lỗi, với lầm lạc của con người, với sự chao đào ngăn không cho chúng ta thấy được con đường đúng. Ở đảo Chypre, Êlima đã bị phạt mù lòa “Bấy giờ ông Sao-lô, cũng gọi là Phaolô, được đầy Thánh Thần, nhìn thẳng vào người phù thuỷ, và nói: "Hỡi kẻ đầy mọi thứ mưu mô và mọi trò xảo trá, hỡi con cái ma quỷ và kẻ thù của tất cả những gì là công chính, ngươi không bỏ thói bẻ cong những đường lối ngay thẳng của Chúa sao? Giờ đây, này bàn tay Chúa giáng xuống trên ngươi: ngươi sẽ bị mù, không thấy ánh sáng mặt trời trong một thời gian." Lập tức, mù loà và tối tăm ập xuống trên người phù thuỷ, và ông ta phải lần mò tìm người dắt.” (Cv 13, 9-11). Trong trường hợp này, ý nghĩa biểu tượng của mù lòa rất rõ ràng: ông ta không được cản trở chương trình của Thiên Chúa, không được làm hình ảnh đích thực của Thiên Chúa biến chất. Đây là biểu tượng của con người không còn khả năng thấy được con đường ngay thẳng, của con người trở thành tù nhân của Satan, con cái của Satan, kẻ thù của tất cả những gì là công chính, tràn đầy sự xảo quyệt và gian ác. Chính xác đó là hình ảnh của tội lỗi, xuất từ bên trong con người xảo quyệt và gian ác, và xuất phát từ bên ngoài: con cái của ma quỉ, và hậu quả là trở thành kẻ thù của tất cả những gì là công chính.

 

Riêng về sự mù lòa của Phao-lô, không dễ tìm ra một giải thích đầy đủ vì sách Công vụ tông đồ không cho biết rõ. Chúng ta sẽ cố gắng tìm hiểu và đi sâu vào tâm hồn ngài nhờ 2 điểm sau đây:

 

1. Mù lòa phản ánh sự huy hoàng của Thiên Chúa.

Kinh thánh nói: con người không thể thấy Thiên Chúa mà không chết. Bởi đó, nhìn thấy Thiên Chúa là ánh sáng; nhưng bản tính xác thịt của con người làm cho họ sợ hãi ánh sáng và ngược lại, còn làm cho họ lường được chiều sâu của tối tăm trong đó họ đang sống. Tiếp xúc với Thiên Chúa là ánh sáng, con người nhận ra bóng tối nơi mình. Phaolô đang trên con đường thống hối mà từ trước tới giờ ngài chưa bao giờ biết tới. Nhìn thấy vinh quang của Đức Kitô làm cho ngài nhận ra bóng tối của chính mình. Và bóng tối có tính biểu tượng đó biến thành bóng tối thực sự về phương diện thể lý, cho đến khi lời của Giáo Hội, lời của Anania can thiệp để ngài hiểu rằng ngài được Giáo Hội chấp nhận và chắc chắn đang dấn thân trên con đường của Thiên Chúa.

 

Như vậy, sự mù lòa là phản ánh tiêu cực của vinh quang Thiên Chúa được biểu lộ cho Phaolô. Đó là đặc điểm của hoán cải kitô giáo: con người biết mình rõ hơn và sợ hãi bóng tối của chính mình, nhờ sự nhận biết ánh sáng Thiên Chúa. Điều đó tốt hơn nhiều so với việc nhận ra bóng tối nơi mình nhờ xét lương tâm mình cách nghiêm ngặt. Chính khi gặp gỡ Đức Kitô, con người khám phá ra bóng tối nơi mình.

 

2. Mù lòa, con đường thống hối.

Sự giải thích thứ hai về mù lòa, đó là Phaolô tham gia vào tội lỗi của thế gian, ngài thuộc về một nhân loại tội lỗi.

 

Không cần phải tưởng tượng để nhận ra điều này, Phaolô đã nhiều lần nêu lên quan điểm của ngài khi nói tới khuynh hướng chung của con người thiên về tội lỗi, tới vực thẳm của bóng tối thường xuyên ẩn núp tận sâu thẳm nơi mỗi người. Vực thẳm đó chỉ có quyền năng Thiên Chúa mới chiến thắng được; nhưng vực thẳm sẽ sâu hơn bất cứ lúc nào nếu Thiên Chúa không là người chiến thắng liên lỉ. Và nếu chúng ta lơ đễnh hoặc từ chối quyền năng Thiên Chúa lập tức tội lỗi của ta sẽ hiển hiện lên bề mặt.

 

Suy tư về những bóng tối chôn dấu trong thâm tâm con người không phải là làm một công việc trừu tượng; mà là nhìn trực diện một thực tại rờ được, thấy được trong ta, một đe dọa đến tự bên trong. Nhờ kinh nghiệm đau thương của bản thân, mỗi người chúng ta đều biết sự đe dọa tiềm ẩn mạnh mẽ đôi khi có thể biến thành sự thực một cách đột ngột, thình lình. Đó là sự nhớ lại không dễ chịu chút nào và khó mà diễn tả bằng ngôn ngữ thông thường.

 

Chúng ta luôn đu đưa giữa hai thái cực. Một đàng, chúng ta than thở về sự xấu xa của con người, khi chứng kiến những sự kiện gây sốc. Đây là muốn nói tới bạo lực, đặc biệt là khủng bố, sự hung bạo được biểu lộ cả nơi những tù nhân, như giết người trong tù, điều đó tạo nên một hoả ngục thù hận, ghen ghét ở chính nơi những người đang chịu án phạt. Chính chúng ta lấy làm kinh ngạc trước một số tội ác man rợ diễn ra bên cạnh mình, gần hoặc xa trong thời gian hoặc không gian. Mặt khác, chúng ta sẵn lòng đón nhận ý tưởng về những con người có thiện chí: mọi người đều muốn làm điều tốt, ai cũng có khía cạnh tốt.

 

Không bao giờ chúng ta hiểu thấu đáo hai ý tưởng này và dung hoà được chúng; có khi chúng ta than trách về sự dữ, có khi lại sẵn sàng chấp nhận tất cả. Chúng ta thường thiếu cái nhìn là sự ác hiện diện nơi con người, nhưng nhìn với lòng thương xót, chứ không chỉ để than trách và khóc lóc.

 

Đâu là những chiều kích đêm đen và bóng tối mà Phaolô nói với chúng ta khi chúng ta suy tư về những gì xảy đến trong giờ phút hoán cải của ngài?

 

Chúng ta có thể diễn tả chúng về 3 phương diện:

a/ Về phương diện tội lỗi cá nhân.

b/ Về phương diện tội lỗi nền tảng.

c/ Về phương diện tội lỗi cơ cấu.

 

Tội cá nhân

Về vấn đề này, cần chú ý tới hai bản văn: “Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa.” (Gl 5, 19-21). Ở đây, chúng ta nói về phương diện riêng, cá nhân. Đây là bảng liệt kê ấn tường về 14 thái độ tiêu cực của con người, mà Phaolô nói theo kinh nghiệm riêng tư của ngài và những gì diễn ra vào thời đại ngài. Đó là cái nhìn vửa thực tế vừa bi quan về con người chỉ làm mọi sự vì lợi ích riêng của mình.

 

Đó là những việc làm của tính xác thịt. Đó là những gì phát sinh khi con người chỉ nhắm theo đuổi những lợi ích cá nhân. Lúc ấy, con người làm mồi cho dâm bôn, ô uế, phóng đáng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà…Đó là bức tranh thảm hoạ của xã hội và của dân chúng được Phaolô vạch ra vào thời đại ngài.

 

Bản văn thứ hai lặp lại bức tranh trên và thêm những sắc thái mới vào, và vẽ ra một bức tranh mới với 21 thái độ tiêu cực: “Vì họ đã không thèm nhận biết Thiên Chúa, nên Người đã để mặc họ theo trí óc lệch lạc mà làm những điều bất xứng, lòng họ đầy bất chính, xấu xa, tham lam, độc ác đủ thứ; nào là ganh tị, giết người, cãi cọ, mưu mô, thâm hiểm; nào là nói hành nói xấu, vu oan giá hoạ. Họ thù ghét Thiên Chúa, ngạo ngược, kiêu căng, khoác lác, giỏi làm điều ác, không vâng lời cha mẹ, không có lương tri, không giữ lời hứa, không chút tình cảm, không chút xót thương.” (Rm 1, 28-31). Miêu tả trên xem ra hơi cường điệu bởi cách hành văn, nhưng nó thực sự phản ánh những thực tại và xã hội thời ngài.

Khi đọc lại hai danh sách này, chúng ta xem chúng nói về loại tội nào. Đó là những tội xã hội, nghĩa là những tội phạm đến tha nhân; mọi tội mà con người có thể phạm trong cư xử đối với anh chị em mình và những tội đó là hậu quả của sự nhận biết sai lầm về Thiên Chúa, và đương nhiên là hậu quả của quan niệm sống sai lầm, đặt nền tảng trên tính ích kỷ.

Phaolô muốn chứng tỏ cho xã hội thời ngài, - một xã hội kiêu căng không thua gì xã hội chúng ta ngày nay, xã hội đó cho rằng mình có một văn hoá, một văn minh, một luật lệ, siêu việt hơn những người man di, - rằng họ gồm những con người đáng thương làm mồi cho mọi hình thức đồi bại bởi vì họ chỉ đi tìm lợi ích cá nhân.

 

Phaolô mô tả những điều mà ngài đã sống, đã thấy, nhưng biết rõ rằng điều ngài nói cũng đâm rễ trong chính mình. Theo lời Chúa Giêsu ở chương 7 thánh Mar-cô, câu 21-22: “Chính từ bên trong, từ tâm hồn con người, xuất phát ra mọi sự đó.” Và không phải chỉ phát xuất từ con người sống trong hoàn cảnh bất lợi, mà từ tâm hồn mọi người.

 

Khi so sánh danh sách tội của thánh Phaolô và của Chúa Giêsu, chúng ta rút ra một bài học thiết yếu: chúng ta mang trong chính mình mọi thứ tội đó.

 

Khi biết rằng tất cả các thứ tội đó đều ở trong chính chúng ta, sự hiểu biết đó khuyến khích chúng ta xem xét chúng nghiêm túc hơn và suy nghĩ về chúng chăm chú hơn. Ví dụ suy nghĩ về sự đố kỵ, được lặp lại trong cả hai danh sách tội lỗi. Sự đố kỵ đó có thể là bất đồng ý kiến, chia rẽ, cạnh tranh giai cấp hoặc đảng phái. Đó là những tình cảm thực sự trú ẩn trong lòng chúng ta! Thánh Clêmentê thành Rôma đã viết rằng Phaolô bị giết chết bởi sự đố kỵ: không phải bởi sự bách hại, hoặc bởi sự độc ác của lương dân, nhưng bởi sự ganh ghét của một số người đã tố cáo ngài vì coi ngài là một đối thủ cạnh tranh. Điều đó chứng tỏ cộng đoàn kitô hữu bất hoà, cạnh tranh, phe nhóm, cãi cọ; lương dân đã lợi dụng những chia rẽ đó để thao túng và trả thù. Chắc chắn nhà cầm quyền ngoại giáo chịu trách nhiệm về sự bách hại; nhưng họ sẽ không thành công như vậy, nếu các kitô hữu hợp nhất hơn.

 

Chính cái chết của thánh Phêrô cũng được qui cho sự đố kỵ, sự tố giác và thao túng từ bên trong, từ các tín hữu gốc Do thái, hay từ các nhóm đối nghịch.

 

Chúng ta xem xét những từ khác trong bảng liệt kê này: nói hành nói xấu, vu oan giá hoạ; chúng ta phải thừa nhận rằng chính chúng ta đã như vậy khi chúng ta nói về người khác.

 

Nếu tiếp tục đọc lại bảng liệt kê của Phaolô, chúng ta sẽ khám phá chúng nhắc nhớ những kinh nghiệm hàng ngày của chúng ta và đôi khi những thái độ này biểu lộ một cách cay nghiệt, khi chúng ta lơ là, không cảnh giác, không chú ý để phân định cái xấu trong ta, để không ngừng phơi bày nó dưới ánh sáng của Thiên Chúa. Không gì nguy hiểm hơn đối với linh hồn khi lơ là không tỉnh thức như Tin Mừng đã khuyên bảo và coi là một nhân đức nền tảng.

 

Linh mục không tỉnh thức hoặc bắt đầu không đề phòng cho linh hồn, một linh mục nghĩ rằng mình đã đạt được mức quân bình thiêng liêng như một thói quen vững chắc, có thể sa ngã dưới sức nặng của một trong những sức mạnh tiêu cực mà Phaolô chỉ ra, nó sẽ tái xuất hiện và khẳng định vững chắc nơi linh mục đó.

 

Những việc làm của tính xác thịt được Phaolô liệt kê trong các thư của ngài, là căn bản cho việc xét mình xưng tội của các dự tòng và các kitô hữu.

 

Tất cả chúng ta đều liên quan đến những tội lỗi cá nhân này, vì chúng ta có thể cảm nhận chúng ngay lập tức do sự bất công chúng gây ra, và cũng bởi vì chúng mọc rễ sâu trong chúng ta, nơi những khuynh hướng tiêu cực.

 

Tội nền tảng

Phaolô còn đi xa hơn, và theo giáo huấn của Chúa Giêsu, thánh nhân tố cáo tội nền tảng là gốc rễ của mọi tội khác: “Vì họ đã không thèm nhận biết Thiên Chúa, nên Người đã để mặc họ theo trí óc lệch lạc mà làm những điều bất xứng,” (Rm 1, 28) 

 

Đó là một trong nhiều mặt của tội nền tảng mà con người nghiêng chiều về nó, mà mỗi người chúng ta mang trong mình chiều hướng đó và bị lôi cuốn mãnh liệt, nếu sức mạnh của Thiên Chúa không đến cứu giúp.

 

Tội nền tảng này là gì?

Chúng ta có thể định nghĩa nó nhiều cách, và mỗi người định nghĩa theo kinh nghiệm riêng của mình. Đó là ‘tội” thánh Gioan nói tới trong Tin Mừng thứ tư và luôn dùng ở số ít. Điểm chính yếu, đó là tội không muốn nhận biết Thiên Chúa là Thiên Chúa; đó là tội nằm ở cội rễ sự nổi loạn của Satan: không chấp nhận cuộc đời ta lệ thuộc duy nhất vào Thiên Chúa`.

 

Vì thế, thật khó có thể nhận ra, cội rễ ẩn dấu về tất cả những gì người ta gọi là chủ nghĩa thế tục, chính là nằm ở đó. Đây không chỉ là một khuynh hướng xấu, ví dụ có xu hướng về bất công, trộm cắp, dối trá. Trong trường hợp này, tội hệ tại muốn nói rằng không cần phải lệ thuộc vào Thiên Chúa, rằng lời Chúa không điều chỉnh đời sống chúng ta, nhưng chỉ là lựa chọn của chúng ta thôi.

 

Chính đó là tội nền tảng, từ đó, phát xuất mọi tội khác, đưa đến mọi thứ thiếu sót cá nhân. Đối với Phaolô, tội nền tảng là không nhận biết Thiên Chúa của Tin Mừng; đó là chối bỏ rằng con người được tạo dựng để ở dưới quyền Thiên Chúa, để sống theo Lời Người; đó chính là sự từ chối tự bản năng và do ma quỉ đúng nghĩa, bởi vì trái ngược với lý trí, là để Thiên Chúa yêu mến và cứu độ và để sống trong tình yêu của Người. Sự từ chối này có thể mặc lấy hình thức nhiệt thành như trường hợp Phaolô: bằng cách tự hào là trung thành với truyền thống, tự hào là danh dự, ngài đã từ chối lòng thương xót của Thiên Chúa như một yếu tố quyết định trong đời sống mình.

 

Chính tội đó phải bị loại bỏ hoàn toàn khỏi tâm hồn con người, để loại bỏ cội rễ của những công việc theo xác thịt. Bất công, độc ác, ham muốn, ác tâm, ghen ghét, không chỉ do yếu đuối và dễ bị tổn thương của bản tính nhân loại, nhưng còn có nguồn gốc sâu xa hơn. 

 

Con người bất mãn với chính mình cách ghê gớm và sự bất mãn này được diễn tả dưới những hình thức mâu thuẫn, bất thường. Nó mang mầm mống của sự chối từ được yêu thương, để được yêu thương; nó say mê về sự tự lập của nó đến nỗi lấy đó làm mục đích, làm thần tượng, với mọi hậu quả phát sinh từ thái độ này: buồn sầu và thất vọng, sản sinh sự tàn bạo và bất công, đầy sự độc ác của con người. Chỉ như thế mới giải thích được những cuộc tàn sát khủng khiếp trong quá khứ, kể cả rất gần đây, những cuộc giết chóc tàn nhẫn con người đã phạm và còn tiếp tục phạm khi có những đảo lộn chính trị, xã hội; có thể nói, một nỗi thất vọng bên trong con người được biểu lộ rõ qua những biến cố ghê sợ đó. Con người bất mãn với chính mình nên ra sức làm người khác đau khổ.

 

Nhờ ơn Chúa, trong cuộc đời, chúng ta rất ít gặp những trường hợp tội lỗi đến mức khủng khiếp như vậy: nhưng chúng ta đã gặp, chúng có đó và chúng đã có trong lịch sử. Những biến cố bi thảm đã thực sự diễn ra trong các trại tập trung thời Hitler chỉ không có một giải thích nào khác ngoài nguyên nhân là sự từ chối Thiên Chúa bùng phát nơi con người.

 

Phaolô làm chúng ta sững sờ khi nói về tội này bởi vì, khi qui chiếu về chính mình như là ví dụ cho toàn nhân loại, ngài quả quyết rằng người ta không thể thắng được. “Vẫn biết rằng Lề Luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi thì lại mang tính xác thịt, bị bán làm tôi cho tội lỗi. Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì tức là tôi đồng ý với Lề Luật và nhận rằng Lề Luật là tốt. Vậy thật ra không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi.” (Rm 7, 14-19). Đó là sự bất lực của con người, một sự bất lực vừa có tính cách lịch sử, vửa bí ẩn, lại mâu thuẫn, thậm chí hầu như vô nghĩa nữa. Con người chúng ta ao ước điều thiện, nhưng lại thoáng nhận ra rằng mình không làm được. Dưới ảnh hưởng của các biến cố, các căng thẳng, các khó khăn, các đối kháng phải chế ngự, con người trở nên chai cứng; và khi chai cứng, con người co cụm vào chính mình, dựng ngược lên chống lại những khó khăn, khép kín trong tinh thần chiếm hữu và tự vệ, do đó, từ chối lệ thuộc vào Thiên Chúa, vào Lời của Người và vào lòng nhân từ của Người.

 

Trong những thử thách nặng nề, con người chúng ta dễ bị thương tổn tinh thần và từ chối sự siêu việt của Thiên Chúa. Trong những thử thách ít nặng nề hơn, chúng ta thường đi nước đôi: khi mọi sự tốt đẹp, dường như chúng ta lắng nghe Lời Chúa; và rồi, khi nghịch cảnh xảy đến – cay đắng, tan vỡ ảo tưởng, ghét hận, mâu thuẫn, bất công phải chịu và muốn báo thù – thì con người bảo vệ mình bằng mọi giá, đứng lên chống lại người khác và nhất là, không còn để tâm gì đến Lời Chúa nữa.

 

Với những lời: “Tội ở trong tôi”, Phaolô nhấn mạnh trên sự khốn khổ sâu xa của con người, khó có thể định nghĩa là gì, nhưng có thể biết được những tác động, những hậu quả, những hoàn cảnh đáng thương do nó sản sinh ra.

 

Tội cơ cấu

Đó là hoàn cảnh quen thuộc của con người, trong những thời kỳ khó khăn, co cụm vào chính mình, và dù không muốn, vẫn trở nên tham lam, bất công, giận dữ bảo vệ những lợi thế của mình bằng mọi giá.  Dĩ nhiên, tội này không chỉ là hậu quả của sự độc ác cá nhân, nhưng còn phát xuất từ điều kiện văn hoá của con người qua các thời đại theo nghĩa rộng. Đó là tội được ghi dấu trong cách sống, trong não trạng, trong những tư tưởng đã tiếp thu. Đó là cách hiện hữu và cách sống mà Kinh thánh gọi là “thế gian” theo nghĩa tiêu cực; thế gian đó, dù có những lời hoa mỹ ca tụng, thì vẫn là nơi ngự trị của lợi ích cá nhân, nhu cầu muốn thống trị người khác, phản công, dùng mọi mánh khoé để không bị chế ngự. Thực tại xung đột này, chúng ta không phải là người chọn nó và chúng ta có thể nghĩ rằng nó không liên quan đến mình. Tuy vậy, buộc chúng ta phải nhận ra rằng mình không thể thoát khỏi nó.

 

Phaolô phân tích hoàn cảnh này của con người khá bi quan, chúng ta không thể chối bỏ nó; nếu suy nghĩ kỹ, chúng ta thấy rằng chính mình cũng lệ thuộc vào nó. Trong những cách nghĩ xem ra như bẩm sinh, và những phản ứng dường như do bản năng, rất ít điều không phải là hậu quả của não trạng này. Khi nhìn lại quá khứ, chúng ta thấy bị lạc hướng bởi một số hành động, ngay cả trong lịch sử Giáo Hội – như tra tấn hay chiến tranh – chúng ta phải hiểu rằng những người này sống và hành động theo những tư tưởng đã tiếp thu. Họ không có thể thoát khỏi một não trạng nào đó tác động làm họ phạm những bất công. Định mệnh của con người là luôn bị hướng dẫn bởi não trạng thời đại của họ và bị lôi kéo đến những hành vi mà một hai thế kỷ sau, xem ra đáng trách, nhưng ngay vào thời đó lại được coi là bình thường.

 

Phaolô tố cáo tội cơ cấu, nằm trong đời sống xã hội, kinh tế và trong não trạng tập thể; và đó không chỉ là một mặt của thực tại bởi vì, khi tố cáo điều đó, ngài quả quyết, tận sâu thẳm trong lòng con người, có một khát vọng đối lập lại: mở lòng ra với Thiên Chúa. 

 

Trước hết, con người được tạo dựng để nhận biết Thiên Chúa hơn là chối bỏ Người; nhưng suốt dòng lịch sử, chính sự chối bỏ Thiên Chúa lại được chú ý và được biểu lộ trong những hoàn cảnh rõ ràng. Sự cứu độ Thiên Chúa ban tặng cho con người, đó là khả năng tìm lại được Người và sống nhờ ân sủng và lòng thương xót của Người, trong sự tròn đầy của gặp gỡ với Đức Kitô, trong khả năng của sự mở ra tận nguồn cội, sự mở ra tạo nên não trạng hướng về sự thiện, về văn hoá tích cực.

 

Con người sẽ không thể nhận ra tất cả những điều đó nếu, trước hết, nó không ý thức về sự dữ. Nhận biết sự dữ không phải là nguồn cội đem đến sự bi quan có hệ thống: đó chỉ là một thừa nhận cho phép chúng ta xem xét thực tại cách khách quan.

Để giải thích tốt hơn những gì đã nói về tội cơ cấu và tiến trình của nó, một ví dụ rút ra từ cuộc đời Chúa Giêsu. Đó là giai đoạn trước cuộc khổ nạn: “Lúc đó, Đức Giê-su đang ở làng Bê-ta-ni-a, tại nhà ông Si-mon Cùi. Giữa lúc Người dùng bữa, có một người phụ nữ đến, mang theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm cam tùng nguyên chất thứ đắt tiền. Cô đập ra, đổ dầu thơm trên đầu Người. Có vài người lấy làm bực tức, nói với nhau: "Phí dầu thơm như thế để làm gì? Dầu đó có thể đem bán lấy trên ba trăm quan tiền mà bố thí cho người nghèo." Rồi họ gắt gỏng với cô. Nhưng Đức Giê-su bảo họ: "Cứ để cho cô làm. Sao lại muốn gây chuyện? Cô ấy vừa làm cho tôi một việc nghĩa.” (Mc 14, 3-6). Rõ ràng, đó là sự phê phán về một hành vi. Chúa Giêsu và người phụ nữ bị cô lập, còn những người chung quanh thì kết án hành động đó cách tự nhiên, theo não trạng của họ, trong khi họ không thể hiểu ý nghĩa của việc đó. Đó là một trường hợp điển hình minh hoạ cho sức mạnh của não trạng đã tiếp thu và được truyền đạt, não trạng đó cản trở không cho chúng ta hiểu biết một hành động có âm vang ngôn sứ. Theo những tập tục quen thuộc, và theo lương tri sẵn có, mọi người đều chống lại Chúa Giêsu vì không hiểu hành động của Ngài.

 

Phaolô cảm thấy những tác động của não trạng chung này trong thế giới mà ngài có liên quan chặt chẽ, khi nói: “Tôi là người thật bất hạnh! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?” (Rm 7, 24). Nói cách khác: không có lối thoát cho tôi khi chạm trán với thực tế của hoàn cảnh này. Nhưng ngay lập tức, ngài nói thêm: “Hãy tạ ơn Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 7, 25).

 

Trong sự mù loà, Phaolô thấu suốt mầu nhiệm bóng tối bao phủ linh hồn con người tới cực độ - vượt xa những gì được ban cho một người bình thường; như vậy, ngài đo lường được sức mạnh của ánh sáng Đức Kitô và của quyền năng canh tân thế giới của Chúa. Nhờ kinh nghiệm về bóng tối, ngài thấu hiểu quyền năng chiếu sáng của bí tích rửa tội; vì thế, ngài sẵn lòng vâng theo ánh sáng đó, khi để Anania dẫn dắt để đón nhận quyền lực cứu độ trong Giáo Hội và từ Giáo Hội.

 

Thông điệp “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” (Dives in misericordia) nói về lo âu và về những nguồn gốc của lo âu như sau: “Hiển nhiên, một thiếu sót nền tảng, hay đúng hơn, một tập hợp những thiếu sót, và thậm chí, một tiến trình thiếu sót, nằm tại nền tảng của nền kinh tế hiện tại và của nền văn minh vật chất, nền văn minh này không để cho gia đình nhân loại thoát khỏi những hoàn cảnh bất công triệt để.” (số 11). Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II áp dụng cho nhân loại sự bất khả mà Phaolô nói về con người: tôi thấy, tôi muốn, mà tôi không thể làm. Chính vì thế thực tại đó mở rộng ra cho toàn thể nhân loại, thực tại mà con người đã trải nghiệm tận đáy sâu tâm hồn, trong tội cơ cấu mà nó mang trong mình.   

 

Câu hỏi: Chúng ta thường xét đến tội cá nhân, nhưng còn tội nền tảng và tội cơ cấu thì sao?

 


[1] Chuyển ý từ ĐHY Carlo-Maria Martini, “Saint Paul face à lui-même”, Mediaspaul, Paris, 1984.

Bài cùng chuyên mục:

Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh (06/11/2024 08:54:01 - Xem: 285)

Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.

Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh  (24/10/2024 10:17:21 - Xem: 337)

Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục: Ô-tô con và Linh mục(1) (30/09/2024 07:47:47 - Xem: 839)

Anh em linh mục giáo phận không có lời khấn khó nghèo như linh mục dòng, nhưng không phải vì thế mà chúng ta muốn tiêu xài tiền bạc thế nào tuỳ ý.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và Thần khải  (21/09/2024 10:44:04 - Xem: 423)

Bài “Kinh nghiệm về Thiên Chúa và thần khải” của đan sĩ Anselm Grun giúp chúng ta hiểu đúng thế nào là thần khải, hầu tránh được những hiểu lầm tai hại cho đời sống thiêng liêng.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(3) (08/09/2024 07:45:34 - Xem: 429)

Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(2) (24/08/2024 10:17:51 - Xem: 466)

Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri  (10/08/2024 07:52:38 - Xem: 536)

Thời đại của chúng ta là thời đại khao khát Thiên Chúa một cách sâu xa, nhưng Thiên Chúa lai ẩn giấu, mờ mịt, tăm tối.

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.4) (22/07/2024 10:59:39 - Xem: 498)

Chúng ta tiếp tục đọc và suy tư các bài của Đan sĩ Anselm Grun. Trong bài này, ông phân tích rất sâu sắc về hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa của chúng ta

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.3) (03/07/2024 08:26:58 - Xem: 553)

Rất cần có một hình ảnh đúng về Thiên Chúa, nhờ dó, chúng ta có cái nhìn đúng về con người và hoàn cảnh của con người.

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.2) (23/06/2024 09:10:49 - Xem: 530)

Rất cần có một hình ảnh đúng về Thiên Chúa, nhờ dó, chúng ta có cái nhìn đúng về con người và hoàn cảnh của con người.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7