Tác giả - Tác phẩm

Phaolo đối diện với chính mình (09 - bài cuối)

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,044
  • Ngày đăng: 01/05/2022 08:52:51

PHAOLÔ ĐỐI DIỆN VỚI CHÍNH MÌNH

ĐHY Carlo-Maria Martini[1]

 

Giới thiệu

Chúng ta sẽ cùng đọc và suy gẫm về cuộc đời thánh Phaolô qua những bài giảng linh thao của ĐHY Carlo-Maria Martini trong cuốn “Phaolô đối diện với chính mình”. Cuộc đời thánh Phaolô không phải được tô điểm toàn mầu hồng với nhiệt huyết tông đồ mạnh mẽ, mà cũng có những lúc ngài gặp trở ngại, khó khăn, bóng tối của kiếp người. Nhưng được ơn hoán cải và nhờ lòng yêu mến Chúa, nhờ nhiệt tâm tông đồ nung nấu, nhờ sự hăng say rao giảng Tin Mừng, ngài đã vượt qua mọi chướng ngại để hoàn tất cuộc đời tông đồ bằng cái chết tử đạo, làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh.

 

Hi vọng khi suy niệm và cầu nguyện về cuộc đời thánh Phaolô, chúng ta được ngài khơi dậy ngọn lửa nhiệt tâm tông đồ để sống và hăng say rao giảng Tin Mừng như ngài.

 

                                           Linh mục Mỹ Sơn, giáo phận Long Xuyên

 

 

BÀI 9 (BÀI CUỐI)

THIÊN CHÚA GIẦU LÒNG THƯƠNG XÓT

 

Trong bài cuối của tuần tĩnh tâm, chúng ta sẽ suy gẫm phần cuối của điễn từ Milêtô, một chúc thư mục vụ của Phaolô trước khi bị bắt giải về Rôma. Diễn từ này tóm tắt toàn bộ tư tưởng và mục đích của ngài, cũng như chỉ cho thấy ngài đã được Giáo hội sơ khai đánh giá thế nào.

 

Xin Chúa cho chúng ta có thể hiểu sứ điệp này trong tinh thần của chính Phaolô khi ngài phát biểu, và nhận ra rằng sứ điệp đó luôn có giá trị và đúng thực cho con người thời đại ngày nay, xét như là Lời Chúa luôn sống động và hữu hiệu.

 

"Giờ đây, tôi xin phó thác anh em cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, là lời có sức xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến.” (Cv 20, 32).

 

Đúng ra, đây không phải là những lời cuối cùng của Phaolô trong diễn từ, nhưng chúng ta chọn nó vì nó có ý nghĩa và dùng để kết thúc cuộc đời mục tử của ngài, đồng thời nó cũng thích hợp để kết thúc tuần tĩnh tâm.

 

Tóm lại, những lời này có ý nói gì trong diễn từ Milêtô?

 

Phaolô nói với các kỳ mục (linh mục); bây giờ ngài phải rời bỏ họ, và ngài lo lắng về những gì họ sẽ làm, về tương lai của họ. Phần họ, họ tự hỏi sẽ tiếp tục công cuộc ngài đã khởi sự thế nào.

 

Đây là câu trả lời của Phaolô, lời khuyên cuối cùng của ngài, chúc thư thiêng liêng mà ngài trao lại cho cộng đoàn.

 

Chúng ta có thể liên kết chúc thư này với những lời cuối cùng của Chúa Giêsu, những lời tóm lược công cuộc rao giảng của Người, trong Tin mừng Gioan: “Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.” (Ga 17, 26). Còn theo Luca, lời cuối cùng của Chúa Giêsu là lời mời gọi tỉnh thức: “Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” (Lc 21, 27). Lời mời gọi này cũng có trong phần trước phần cuối cùng của diễn từ Milêtô.

 

Marcô kết thúc cùng một cách như Luca, trong khi ở Mátthêu, cuối cùng là sự phán xét về những việc làm vì lòng thương xót.

 

Mỗi tác giả Tin mừng kết luận công cuộc rao giảng Tin mừng của Chúa Giêsu theo cách mà các ngài thấy có ý nghĩa nhất đối với mình.

 

Cũng vậy, Công vụ tông đồ kết thúc đời sống công khai của Phaolô bằng một câu tượng trưng cho tất cả những gì làm thành nhân cách của ngài, tất cả những gì ngài loan báo, tin tưởng và sống.

 

Chúng ta có thể lấy câu này để kết thúc những ngày tĩnh tâm để nó giúp chúng ta duy trì những quyết định, những sáng kiến về chương trình của Thiên Chúa mà chúng ta đã khám phá ra trong những ngày này nhờ ân sủng của Chúa.

 

Những lời cuối cùng của Phaolô

“Và giờ đây”, từ hy lạp “kải tà nun” ở số ít và ít gặp trong Tân ước. Nó có nghĩa là “Như vậy, về những gì liên quan tới hoàn cảnh hiện tại”: sự chia lìa với tôi, sự bất định của tương lai, sự lo sợ về những gì sắp xảy đến cho các ông.

 

Đó là một hình thức kết luận trịnh trọng chúng ta gặp, ví dụ, ở cuối lời cầu nguyện của các tông đồ trong cuộc bách hai thứ nhất: Sau những lời: “Lạy Chúa, Ngài là Đấng tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó; Ngài là Đấng đã nhờ Thánh Thần, dùng miệng tổ phụ chúng con là Đa-vít, tôi trung của Ngài, mà phán: Sao chư dân lại ồn ào náo động, sao vạn quốc dám bày kế viễn vông? Vua chúa trần gian cùng nổi dậy, vương hầu khanh tướng rập mưu đồ, chống lại Đức Chúa, chống lại Đấng Người đã xức dầu phong vương.” (Cv 4, 24-27), tác giả kết luận: “Và giờ đây, lạy Chúa, xin để ý đến những lời ngăm đe của họ, và cho tôi tớ Ngài dây được hoàn toàn mạnh dạn loan báo Lời Ngài.” (Cv 4, 29).

 

Thành ngữ của Phaolô cũng diễn tả tình hình đã nói đến trước đó: sứ vụ của ngài giữa cộng đoàn, sự gắn bó giữa ngài với các tín hữu, những nguy cơ đe doạ tương lai và nhất là sự lo sợ về những gì sắp xảy đến. Vì thế, ngài kết luận: “Giờ đây …”

 

- Tôi xin phó thác anh em cho Chúa. Những lời này làm chúng ta kinh ngạc. Chúng ta nghĩ rằng ngài sẽ khuyên họ trung thành, đoàn kết, viết thư cho ngài, giữ những buổi họp, gởi cho ngài tin tức, thường xuyên đọc Kinh thánh.

 

Thay vào đó, ngài phó thác họ cho Chúa, như vậy, ngài muốn nhấn mạnh rằng tương lai của họ, sự kiên vững của họ nằm trong tay Chúa: chính Chúa đón nhận và nâng đỡ. Đây cũng là kết luận khá quen thuộc của Giáo hội sơ khai trong hoàn cảnh tương tự. Cuối cuộc hành trình truyền giáo thứ nhất, trên đường trở về, Barnaba và Phaolô đã khích lệ các môn đệ khi thúc giục họ hãy vững vàng trong đức tin; hai ngài chỉ định các ký mục để điều hành mỗi Giáo hội và, sau khi cầu nguyện và ăn chay, các ngài phó thác họ cho Chúa, Đấng họ đã tin (Cv 14,23). Sau đó: Từ đó, các ngài xuống tàu về Antiôkia, là nơi trước đây các ngài đã được phó thác cho Chúa và ra đi (Cv 14, 26). Khi dùng kiểu nói này trong sứ điệp cuối cùng, cộng đoàn diễn tả đức tin đối với Chúa và ân sủng của Người. Phó thác trong bàn tay Thiên Chúa, cùng với lời cầu nguyện và ăn chay, là một hình thức phụng vụ chính thức. Chúng ta có thể mường tượng họ làm điều đó khi giơ hai tay lên và nói rằng: “Và đây, chúng tôi phó thác anh em cho quyền năng Thiên Chúa.”

 

Động từ “phó thác” dùng ở đây có cả một lịch sử.

Trong Tân ước, nó chỉ một thực tại cụ thể, người ta trao phó một kho báu quí giá cho người họ tin tưởng: tôi có một kho báu, tôi phải đi xa, nên tôi trao nó vào tay người bảo đảm tin tưởng được. Thực sự, từ ngữ dùng trong Tân ước là để nói về những đồ vật phàm tục, nhưng nó diễn tả ý nghĩa mà người ta gắn bó và nó hoàn toàn có giá trị khi chính Chúa Giêsu cũng nói trên thập giá: Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha. (Lc 23,46). Câu này biểu lộ một hành vi tin tưởng tuyệt đối: Chúa Giêsu phó thác chính Người, cuộc sống và cái chết của Người vào bàn tay Thiên Chúa, và biết rõ Thiên Chúa sẽ gìn giữ cuộc sống của Người và sẽ trả lại cho Người sự sống. Người tin tưởng hoàn toàn chắc chắn vào quyền năng Thiên Chúa.

 

Thánh vịnh sử dụng lời của Chúa Giêsu: Trong tay Ngài, con phó thác linh hồn con; lạy Giavê, Thiên Chúa của chân lý, Ngài đã cứu chuộc con. (Tv 31, 6). Đây là tiếng kêu của một người sau khi đã đánh giá mọi giá trị theo thế gian, mới nhận ra rằng chỉ có một giá trị duy nhất là phó thác trong bàn tay Thiên Chúa…

 

- Và cho Lời ân sủng của Người. Thành ngữ này rất đặc biệt cần hiểu rõ. Tin Mừng Luca dùng nó như một định nghĩa đầu tiên để nói về Chúa Giêsu. Thực vậy, trong Hội đường Nadarét, dân chúng lập tức “tán thành và thán phục những lời đầy ân sủng thốt ra từ miệng Người.”  (Lc 4,22) Như vậy, có thể nói Lời ân sủng đồng nghĩa với Tin Mừng, nghĩa là sự biểu lộ sáng kiến cứu độ nhưng không của Thiên Chúa. Đó là ý nghĩa của thành ngữ “của ân sủng”, chàritos.

 

Đối với Phaolô, tất cả sứ vụ kitô giáo hệ tại việc loan báo ân sủng giầu lòng thương xót của Thiên Chúa. “Bởi vì chúng tôi là những cộng tác viên của Chúa, chúng tôi khuyến khích anh em đừng lãnh nhận ơn Chúa cách vô ích. thực vậy, Chúa dã nói: “Vào thời thuận tiện, Ta đã nhận lời ngươi và vào ngày cứu độ, ta đã cứu thoát người.” Chính bây giờ là thời thuận tiện, chính bây giờ là ngày cứu độ. (2 Cr 6,1-2). Đó là tổng hợp toàn bộ sứ vụ loan báo Tin Mừng của người tông đồ. Chính về phương diện đổi mởi, biến đổi này của mặc khải thần linh, qua từ “ân sủng”, được định nghĩa trong nguồn cội nhưng không, tự do, ngẫu nhiên của nó, vượt quá mọi công trạng và cứng lòng của chúng ta. Thiên Chúa thì lớn hơn tấm lòng quảng đại của chúng ta.

 

Định nghĩa trong thư thứ hai gởi tín hữu Côrintô được chứng tỏ bởi đời sống đạo đức của vị tông đồ, theo khuôn mẫu những tính chất của ân sủng này: “Trái lại, trong mọi sự, chúng tôi chứng tỏ mình là những thừa tác viên của Thiên Chúa: gian nan, khốn quẫn, lo âu, đòn vọt, tù tội, loạn ly, nhọc nhằn, vất vả, mất ăn mất ngủ, chúng tôi đều rất mực kiên trì chịu đựng. Chúng tôi còn chứng tỏ điều đó bằng cách ăn ở trong sạch, khôn khéo, nhẫn nhục, nhân hậu, bằng một tinh thần thánh thiện, một tình thương không giả dối, bằng lời chân lý, bằng sức mạnh của Thiên Chúa. Chúng tôi lấy sự công chính làm vũ khí, tấn công và tự vệ, khi vinh cũng như khi nhục, lúc được tiếng tốt cũng như khi mang tiếng xấu. Bị coi là bịp bợm, nhưng kỳ thực chúng tôi chân thành; bị coi là vô danh tiểu tốt, nhưng kỳ thực chúng tôi được mọi người biết đến; bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực chúng tôi vẫn sống; coi như bị trừng phạt, nhưng kỳ thực không bị giết chết; coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực chúng tôi luôn vui vẻ; coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giầu có; coi như không có gì, nhưng kỳ thực, chúng tôi có tất cả.” (2 Cr 6,4-10).

 

Khi loan báo ân sủng, Phaolô đã sống một cuộc đời mà những thái độ thế gian - chán nản, sỉ nhục, sợ hãi, co cụm - nhường chỗ cho sự thanh thản, niềm vui, cương quyết, cho khả năng làm giầu người khác: đó chính là Tin Mừng sống động.

 

Sau khi trải lòng về tất cả những gì đã sống, những lời Phaolô kết luận thật là ý nghĩa: “Thưa anh em Côrintô, chúng tôi đã nói rất chân thành, đã trải rộng lòng chúng tôi (cho anh em!)”. (2 Cr 6,11). Ngài đã nói ra hết những gì chất chứa đầy tràn tâm hồn ngài: mầu nhiệm được là tông đồ của ân sủng Chúa, và mầu nhiệm phải chịu sự mâu thuẫn giữa những hoàn cảnh muốn dập tắt Tin Mừng Ngài đã lãnh nhận, trái với điều ngài cảm thấy nơi mình trong khiêm nhường, đó là sáng kiến của Thiên Chúa lật đổ tất cả những gì của con người thế gian muốn đè bẹp ngài một cách hiển nhiên.

 

Khi công bố: “Tôi phó thác anh em cho Lời ân sủng”, Phaolô nhắc lại rằng Thiên Chúa tự tỏ lộ trong Ngôi Lời-Giêsu cho các kitô hữu. Phaolô không còn hiện diện giữa cộng đoàn nữa, ngài sẽ không còn nói gì nữa, nhưng Lời Thiên Chúa vẫn ở với họ, và quyền năng của Lời sẽ đổi mới và sửa lại mọi yếu đuối của con người nhở sáng kiến nhưng không.

 

Trong Tông đồ công vụ, chúng ta thường thấy đề cập đến Lời được nhân cách hoá, được coi như một người đang hành động và đầy quyền năng. Trong Tin Mừng Luca, ông cũng viết rằng Con Trẻ (Giêsu) lớn lên (Lc 2,40). Lời, được đại diện bởi chính Chúa Giêsu lớn lên, sống và hoạt động trong cộng đoàn nhờ Chúa Thánh Thần, vẫn hiện diện trong Giáo Hội.

 

Lời đó có sức xây dựng. Một số đề tài căn bản của Tân ước cũng nói về sức mạnh này, nhất là trong thư gởi tín hữu Rôma, sức mạnh của Thiên Chúa được thực hiện nhờ Tin Mừng được cắt nghĩa rõ ràng hơn cả. Đó cũng là hình thức từ biệt và có thể coi như một chúc lành phụng vụ cuối cùng mà Phaolô nói với cộng đoàn ở Milêtô: “Vinh danh Thiên Chúa, Đấng có quyền năng làm cho anh em được vững mạnh theo Tin Mừng tôi loan báo, khi rao giảng Đức Giêsu Kitô; Tin Mừng đó mặc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa, nhưng nay lại được biểu lộ như lời các ngôn sứ trong Sách Thánh. Theo lệnh của Thiên Chúa, Đấng hằng có đời đời, mầu nhiệm này được thông ban cho muôn dân biết, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa. Chỉ mình Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan thượng trí. Kính dâng Người mọi vinh quang đến muôn thuở nuôn đời, nhờ Đức Giêsu Kitô. Amen.” (Rm 16, 25-27). Như vậy, vững tin vào quyền năng Thiên Chúa trở thành lời cầu nguyện, lời ca tụng.

 

Lời có sức mạnh điều khiển mọi hoạt động của cộng đoàn. Cộng đoàn đó là một thân thể lớn lên theo mọi cấu trúc chặt chẽ của nó, theo phẩm trật bên trong, theo một trật tự, một sự giầu có về đặc sủng. Đó là một thân thể đang hình thành mà Lời Thiên Chúa là một sức mạnh xây dựng. Phaolô đã thấy tương lai, cộng đoàn sẽ được xây dựng và lớn lên thành một công trình trong sự phong phú của các đặc sủng, các ơn ban, các việc phục vụ, và các thừa tác viên, nhờ trung thành với Lời Chúa.

 

Và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến.” Lời Thiên Chúa cũng làm cho cộng đoàn tăng triển, bằng cách kêu gọi nhiều người mới tham dự vào gia nghiệp quí giá này trong niềm vui.

 

Kết luận

Qua những lời này, Phaolô để lại cho chúng ta những bằng chứng về lòng nhiệt thành tông đồ trọn vẹn và sự từ bỏ tất cả của ngài, ghi dấu ấn về lòng trung tín với ơn gọi đầu tiên: chính Thiên Chúa đã cứu độ, chính Đức Giêsu là Đấng đã hiện ra với ngài trên đường Đa-mát và ngài nợ Đấng ấy về mọi sự. Nếu Đức Giêsu đã hiện đến với ngài ngay khi ngài còn là tội nhân, thì cộng đoàn và mọi người cũng sẽ được như vậy. Cộng đoàn được như bây giờ không phải do công lao của Phaolô nhưng là nhờ Đức Giêsu tự mặc khải và còn biểu lộ quyền năng của Người trong tâm hồn mỗi người.

Môsê là người đã nghe Lời này trên núi Sinai: “Môsê nói: “Xin Ngài thương cho con được thấy vinh quang của Ngài”. Người đáp: “Ta sẽ cho tất cả vẻ đẹp của Ta đi qua trước mặt ngươi, và sẽ xưng danh Ta là Đức Chúa trước mặt ngươi. Ta thương xót người mà Ta thương xót”. (Xh 33, 18-19).

 

Trong ngôn ngữ Tân ước, câu trên có nghĩa là Thiên Chúa là nguồn cội của mọi lòng thương xót. Điều này có ý nói rằng không phải sức lực của chúng ta, cố gắng của chúng ta mà chúng ta làm được điều lành, điều tốt; ngay cả khi chúng ta nỗ lực hết sức, thì thành quả vẫn là do lòng Chúa thương xót. Chính Người cứu độ chúng ta, yêu thương chúng ta.

 

Giờ đây, Phaolô có thể chào từ biệt chúng ta, ít ra là một thời gian, sau khi chúng ta suy niệm về ngài, về kinh nghiệm cũng như thử thách ngài đã trải qua.

 

 


[1] Chuyển ý từ ĐHY Carlo-Maria Martini, “Saint Paul face à lui-même”, Mediaspaul, Paris, 1984.

Bài cùng chuyên mục:

Làm sao biết đó là Ý Chúa  (03/03/2024 08:37:22 - Xem: 472)

Bài sau đây rất hữu ích về đời sống thiêng liêng cho cá nhân mỗi người và nhất là cho những người có bổn phận hướng dẫn đời sống thiêng liêng cho người khác, như các vị linh hướng…

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 4) (02/02/2024 09:04:08 - Xem: 404)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 3) (10/01/2024 05:25:47 - Xem: 551)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 2) (13/12/2023 05:58:01 - Xem: 653)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót  (02/12/2023 09:29:04 - Xem: 907)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa hay chỉ là gặp gỡ chính mình? (30/08/2023 09:25:22 - Xem: 1,300)

Xin giới thiệu bài của cha Anselm Grun về sự phân định giữa kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và sự gặp gỡ chính mình được phản chiếu qua hình ảnh Thiên Chúa mà ta tưởng là đã gặp.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 6) (19/07/2023 07:38:57 - Xem: 985)

Trong bài 5, chúng ta đã nói tới sự khó nghèo của linh mục là một đời sống giản dị. Trong bài này, chúng ta sẽ đề cập tới một vài mẫu linh mục tiêu biểu về cách sử dụng tiền của.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 5) (30/06/2023 08:53:13 - Xem: 1,652)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 4) (09/06/2023 17:34:24 - Xem: 1,760)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 3) (19/05/2023 05:51:54 - Xem: 2,026)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Bài viết mới