Tác giả - Tác phẩm

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 4)

  • In trang này
  • Lượt xem: 1,810
  • Ngày đăng: 09/06/2023 17:34:24

NHỮNG SUY NGHĨ TẢN MẠN

VỀ ĐỜI SỐNG VÀ TÁC VỤ LINH MỤC

 

Giới thiệu

Những suy nghĩ tản mạn trong các bài trình bày ở đây là đúc kết kinh nghiệm, suy nghĩ về đời sống và tác vụ linh mục sau 30 năm đời linh mục. Những suy nghĩ này hoàn toàn có tính cách cá nhân, chỉ nhằm mục đích chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Nó có thể có ích mà cũng có thể không giúp được gì. Tuy nhiên, được viết ra, được chia sẻ đã là niềm vui rất lớn rồi.

 

                           Linh mục Mỹ Sơn, giáo phận Long Xuyên

 

 

BÀI 4

GÓP Ý – SỬA LỖI

 

Việc góp ý hay đúng hơn, việc sửa lỗi anh em luôn là điều khó, rất khó. Khó cả hai phía, phía người góp ý cũng như phía người được góp ý. Đó là những khó khăn nào?

 

I. Phía người góp ý.

A. Ngần ngại.

Dù là bề trên, dù là bạn thân, ai cũng ngại góp ý để sửa lỗi anh em. Có nhiều lý do đưa đến tâm lý hoặc thái độ ngần ngại này.

 

1. Khuyết điểm của bản thân.

Chính người góp ý cũng nhận ra bản thân đầy những khuyết điểm trong đời sống cá nhân cũng như trong đời sống tông đồ phục vụ. Minh đã không ra gì, thì còn nói gì đến việc góp ý, sửa lỗi người khác.

 

2. Sợ mất lòng.

Góp ý sửa lỗi luôn làm phiền lòng người được góp ý. Ngoài mặt, có thể họ nói lời cám ơn, nhưng thực sự trong lòng lại rất buồn phiền và không thích ta; trừ những người có lòng khiêm nhường thực sự và luôn mong người khác góp ý cho mình để tiến tới hơn. Nhưng có thể nói, đại đa số không thích nghe góp ý và cũng không thích người góp ý.

 

3. Muốn lấy lòng.

Tâm lý chung của chúng ta là không muốn mất lòng ai. Hơn nữa, khi chịu trách nhiệm một công việc chung, chúng ta càng cố tránh làm mất lòng người khác. Chúng ta muốn lấy lòng họ, để họ hăng hái cộng tác với chúng ta để công việc chung chúng ta lo được tiến triển tốt đẹp, đạt được nhiều thánh quả.

 

Không chỉ muốn lấy lòng, chúng ta còn muốn được tiếng khen là người hiền lành, dễ mến, thân thiện, không khó khăn, nghiêm khắc, v.v.

 

4. Muốn yên thân.

Góp ý làm gì cho phiền. Mình không chịu trách nhiệm về người đó, công việc đó, vậy nói làm gì. Hơn nữa, minh đâu có vai vế gì, uy tín gì để nói người khác nghe. Nói người ta có nghe mình không, hay lại ghét mình, nói mình nhiều chuyện, rồi rất có thể họ moi móc những chuyện xấu của mình, mà bản thân mình đâu có tốt lành gì, đầy dẫy khuyết điểm ra đó.

 

5. Dửng dưng.

Một lý do khác, đó là lối sống và cách suy nghĩ cá nhân ích kỳ của nhiều người trong xã hội hiện nay: việc ai nấy lo, đã có bề trên lo, mình lo làm gì, quản việc của người khác chi cho phiền; việc mình làm còn không xong, nói gì đến việc người, “Ốc không mang nổi ốc, còn đòi mang cọc cho rêu.”

 

6. Chúa lo.

Có người nghĩ tích cực hơn một chút, nhưng vẫn là thái độ tiêu cực. Thấy khuyết điểm của anh em, thấy việc chung có thiếu sót, nhưng lại nghĩ, tốt nhất để Chúa lo, mình có nói cũng chẳng ích gì, hãy cố gắng làm tốt trách nhiệm của mình, đó đã là điều đẹp lòng Chúa rồi. Chúa đâu bắt mình lo cho người khác, coi chừng vượt quá bổn phận.

 

II. Phía người được góp ý.

Phần trên, chúng ta nói đến phía người góp ý. Tiếp đến, chúng ta nói đến người được góp ý, sửa lỗi.  Người được góp ý, sửa lỗi đón nhận thế nào là việc rất quan trọng. Kết quả xây dựng của việc góp ý đạt được hay không phần lớn dựa vào thái độ lắng nghe và phản ứng của người được góp ý. Như vậy, thường thì người được góp ý đón nhận thế nào và phản ứng ra sao? Có thể có những phản ứng sau đây:

 

1. Tức giận.

Người được góp ý có thể có thái độ tức giận vì cho rằng người góp ý có ý xấu. Người đó ghét mình, không ưa mình nên có những góp ý không đúng. Họ chỉ muốn trù dập mình cho bõ ghét.

 

Người được góp ý cũng có thể tức giận vì cho rằng người góp ý không được phê phán, sửa lỗi mình vì người đó không có quyền cũng như không có bổn phận gì đối với mình, nhất là khi đó lại là người dưới quyền, địa vị thấp kém.

 

Đàng khác, người được góp ý cũng có thể tức giận vì tin rằng mình là người mẫu mực, hoàn hảo, không có khuyết điểm gì, nên không ai có quyền góp ý, sửa sai mình. Đây có thể là người thực sự tin mình hoàn hảo, hoặc đã tự cho mình như vậy từ lâu. Dù sao, đây cũng là mẫu người tự kiêu, không đánh giá đúng về bản thân, vì đã là người thì sao lại không có khuyết điểm, không có sai lỗi, sao lại có thể là người hoàn hảo mọi mặt được!

 

Thêm nữa, người được góp ý có thể tức giận vì cá nhân người đó từ trước tới nay được mọi người tôn kính, khen ngợi, chưa từng có ai dám lên tiếng phê phán, hoặc có người nào dám góp ý; vả lại, từ trước tới này, chỉ người đó mới là người góp ý, sửa lỗi người khác thôi. Một người thực sự tự tôn, cao ngạo, uy tín lớn, được mọi người tin tưởng, sùng bái, thì sao có thể chấp nhận góp ý của người khác được. Chấp nhận góp ý là chấp nhận mình có khuyết điểm, chấp nhận góp ý là chấp nhận mình dưới cơ. Mình luôn là người ở trên mọi người làm sao có thể ở dưới ai được chứ!

 

Cuối cùng, người được góp ý có thể tức giận vì người góp ý đã nói không đúng cách, không đúng thời điểm. Ví dụ nói sỗ sàng, nói hùng hổ, nói trong lúc nóng giận, nói giữa đám đông, nói cho mọi người biết như có ý bêu xấu, v.v.

 

Người được góp ý mà tức giận thường là mẫu người kiêu ngạo, tự tôn, không chấp nhận khuyết điểm, hoặc không muốn chấp nhận khuyết điểm; không muốn mất mặt vì bộ mặt hoàn hảo, tốt lành mà người đó đã vẽ lên suốt đời họ không thể bị làm cho méo mó được. Vì thế, dù góp ý là đúng, và có tính cách xây dựng thì họ cũng bác bỏ.

 

Trong anh em linh mục chúng ta cũng có người thuộc mẫu người tức giận, hoặc ra mặt hoặc âm thầm, vì chúng ta là linh mục, là mẫu người luôn coi mình phải được tôn trọng và phải được coi là người hoàn hảo, mẫu mực. Bởi đó, người góp ý, nhất là góp ý cho các linh mục, rất ngần ngại, và rất ít người có can đảm góp ý, dù đó là bề trên, đù đó là anh em linh mục bạn hữu.

 

2. Biện minh.

Thái độ phản ứng thứ hai là biện minh.

Người được góp ý có thể kiếm cách biện minh cho thiếu sót của mình, và thường cách biện minh dễ dàng nhất là đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho người khác.

 

Người biện mình tuy nhìn nhận thiếu sót, nhưng vì đổ lỗi đi, nên người đó không còn có lỗi nữa, mà không có lỗi thì đâu cần sửa đổi. Nếu là linh mục coi giáo xứ thì chuyển đổi đi đâu, đến giáo xứ nào đi nữa, vẫn sẽ bị kêu ca như vậy, vì linh mục đó có nhận khuyết điểm, sai lỗi đâu. Hậu quả là trước sống thế nào thì sau vẫn sống như thế.

 

3. Làm nhẹ đi.

Thái độ phản ứng thì ba là giảm nhẹ sai lỗi, giảm nhẹ trách nhiệm.

Đây là người nhận lỗi, nhưng lại giải thích cho nhẹ đi; có khi lỗi nặng 10, chỉ còn 1 và kết quả là chuyện lớn hoá nhỏ, chuyện nhỏ hoá không.

 

Đây là mẫu người không hoàn toàn thành thật. Có thể trước mặt người khác, trước mặt bề trên, người đó nói cho nhẹ đi để đỡ mất mặt, nhưng trong thâm tâm nhận thực là khuyết điểm rồi cố gắng sửa sai thì tốt. Trái lại, nếu cố ý làm cho ra không có gì nặng nề, giảm nhẹ và coi như không có, rồi vẫn sống như cũ, không sửa đổi gì, thì lại là người dối trá, không thành thực. Sự góp ý, sửa sai sẽ không giúp ích gì cho mẫu người này.

 

4. Không chấp nhận.

Thái độ thứ tư là không chấp nhận, bác bỏ thẳng thừng.

Người được góp ý có thể không đón nhận sự góp ý vì cho rằng việc mình làm là đúng, không sai lỗi, vì thể, không tiếp nhận sự góp ý, sửa sai, và không sửa đổi.

 

Góp ý cho mẫu người này rất khó. Nếu góp ý thuộc lãnh vực luân lý, luật lệ là những lãnh vực dễ phân biệt đúng sai, tốt xấu, thì khỏi phải nói; nhưng nếu góp ý thuộc phạm vi cách làm việc, cách ứng xử, phương pháp mục vụ, thì rất khó. Những điều này còn tuỳ thuộc vào tính tình, thói quen, giáo dục, cách suy nghĩ, não trạng, văn hoá … mà người được góp ý đã sống, đã được đào tạo, đã được nhào nặn từ thuở nhỏ. Đối với các linh mục, nhất là những linh mục là cha xứ lâu năm, đã quen chỉ huy, ra lệnh, đã quen người khác phục tùng mình, v.v. thì lại càng khó hơn nữa.

 

5. Nói dối.

Thái độ phản ứng thứ năm là nói dối.

Người được góp ý có thể chối, không nhận vì không muốn nhận, vì dối trá mà dối trá là vì sợ hãi, sợ bị phạt, sợ bị tai tiếng, sợ bị nghi kỵ, sợ bị ghét bỏ v.v.

 

Người được góp ý có thể chối, không nhận vì lương tâm chai đá, không còn khả năng để nhận ra sai lỗi, khuyết điểm nữa. Đây là mẫu người đáng thương nhất!

 

6. Đón nhận cách giả dối.

Thái độ phản ứng thứ sáu là bề ngoài dường như khiêm nhường, sẵn sàng thú nhận sai lỗi, nhưng trong lòng lại hoàn toàn khác.

 

Người được góp ý có thể đấm ngực nhận khuyết điểm, sai sót. Người đó không những thú nhận bằng lời mà còn bằng chữ viết nữa. Tuy nói và viết thú nhận đó, nhưng tận thâm tâm, người đó vẫn có thể sống như một người hoàn toàn vô tội. Bằng chứng là người đó luôn phê phán người khác, chỉ ra những cái sai của người khác, luôn tỏ ra mình là bậc thầy về đạo đức, mình là thánh nhân, và chỉ mình mới có quyền dạy dỗ, chỉ bảo, phê bình người khác; ngược lại, không ai có quyền góp ý, phê bình mình.

 

Mẫu người này, dù có đấm ngực thú nhận mình là người tội lỗi thì cũng chỉ là bề ngoài, giả hình, để cho người khác thấy mình là người đạo đức như thật, thánh thiện như thật. Đối với mẫu người này, mọi góp ý, sửa lỗi đều vô ích, khó mà đạt được kết quả nào.

 

7. Đón nhận cách chân thành.

Thái độ phản ứng thứ bảy là chân thành lắng nghe và đón nhận góp ý, sửa sai.

Người được góp ý thành thực đón nhận sự góp ý với lòng khiêm tốn và phục thiện. Tuy lúc nghe góp ý có thể cảm thấy buồn bực, khó chịu theo tính tự nhiên, nhưng người đó vượt qua được, nhận ra những thiếu sót của mình, đón nhận góp ý cách khiêm tốn, và cố gắng sửa đổi.

 

Thực sự, người đón nhận chân thành là người khiêm tốn luôn sẵn sàng lắng nghe góp ý, cám ơn người đã góp cho mình cách thực lòng, rồi xét lại bản thân và cố gắng sửa đổi, canh tân.

 

Cũng có thể người được góp ý nhận ra sự góp ý do hiểu không đúng về mình, nhưng người đó vẫn đón nhận, coi như một cảnh giác để mình quan tâm đề phòng.

 

Mẫu người khiêm tốn sẵn sàng đón nhận góp ý, sửa sai của người khác, của bề trên, của anh em linh mục cũng như của giáo dân, của những người làm việc dưới quyền mình, không nhiều. Đây là mẫu người luôn xét mình cặn kẽ, chân thành đối diện với chính mình, đối diện với Chúa.

 

Ước gì mỗi anh em linh mục chúng đêu thuộc mẫu người thứ bảy, mẫu người khiêm nhường lắng nghe, đón nhận sự góp ý, sửa sai của người khác để chúng ta phục vụ Chúa và anh chị em ngày một nhiệt tình hơn, đạt những kết quả tốt đẹp, và nhờ đó, trở nên những linh mục tốt lành, thánh thiện.

 

III. Sẵn sàng.

Vậy đâu là thái độ cần thiết, đúng đắn về vấn đề góp ý, sửa lỗi cho nhau? Cần những thái độ sau:

1. Nhận thức rõ: góp ý sửa sai là một bổn phận, là biểu lộ tấm lòng yêu thương tha nhân thực sự. Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cách sửa lỗi cho nhau. Và trong Kim chỉ nam về đời sống và tác vụ linh mục, bộ giáo sĩ cũng nói đến sự góp ý và sửa lỗi anh em là thái độ có trách nhiệm, là yêu thương người khác thực sự.

 

Góp ý là một trách nhiệm theo lời Chúa Giêsu và Giáo hội dạy, chúng ta không thể ngần ngại, cũng không thể vì muốn yên thân hay không muốn làm mất lòng người khác, để rồi, không nói những gì cần nói. Làm như thế, chúng ta mắc lỗi với Chúa, Giáo hội và anh chị em.

 

2. Góp ý tế nhị, thẳng thắn, vào dịp thuận tiện, và dĩ nhiên phải phát xuất từ tấm lòng thương yêu tha nhân thực sự, vì ích lợi của cá nhân người đó, và vì ích lợi chung của cộng đoàn. Không bao giờ góp ý, sửa sai vì ghét bỏ, vì nóng giận, hoặc chỉ để phê bình, chỉ trích, hoặc để chứng tỏ mình hơn người.

Góp ý, sửa sai vì yêu thương, cách tế nhị sẽ giúp người được sửa sai, được góp ý dễ đón nhận, không ghét bỏ hay thù hận ta.

 

3. Can đảm.

Tuy nhiên, cuối cùng, thì góp ý, sửa sai người khác luôn cần sự can đảm. Can đảm xây dựng cho chính đương sự, cho chính cộng đoàn. Vì thế, người góp ý sẽ không sợ người được góp ý giận mình, ghét mình, nói xấu mình, thậm chí làm hại mình nữa.

 

Kết.

Ước gì tất cả anh em linh mục chúng ta hợp thành một cộng đoàn yêu thương, luôn sẵn sàng góp ý, xây dựng cho nhau để mỗi người và cộng đoàn được tiến triển trên con đường phục vụ Chúa và mọi người.

 

Bài cùng chuyên mục:

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và ước muốn(bài 2) (24/04/2024 22:17:35 - Xem: 80)

Hi vọng bài suy tư này giúp chúng ta hiểu rõ những ước muốn của chính mình, để từ đó, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và ước muốn  (06/04/2024 10:09:20 - Xem: 421)

Hi vọng bài suy tư này giúp chúng ta hiểu rõ những ước muốn của chính mình, để từ đó, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa

Làm sao biết đó là Ý Chúa  (03/03/2024 08:37:22 - Xem: 660)

Bài sau đây rất hữu ích về đời sống thiêng liêng cho cá nhân mỗi người và nhất là cho những người có bổn phận hướng dẫn đời sống thiêng liêng cho người khác, như các vị linh hướng…

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 4) (02/02/2024 09:04:08 - Xem: 531)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 3) (10/01/2024 05:25:47 - Xem: 663)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 2) (13/12/2023 05:58:01 - Xem: 762)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót  (02/12/2023 09:29:04 - Xem: 1,012)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa hay chỉ là gặp gỡ chính mình? (30/08/2023 09:25:22 - Xem: 1,368)

Xin giới thiệu bài của cha Anselm Grun về sự phân định giữa kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và sự gặp gỡ chính mình được phản chiếu qua hình ảnh Thiên Chúa mà ta tưởng là đã gặp.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 6) (19/07/2023 07:38:57 - Xem: 1,053)

Trong bài 5, chúng ta đã nói tới sự khó nghèo của linh mục là một đời sống giản dị. Trong bài này, chúng ta sẽ đề cập tới một vài mẫu linh mục tiêu biểu về cách sử dụng tiền của.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 5) (30/06/2023 08:53:13 - Xem: 1,729)

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi,...

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7