Tác giả - Tác phẩm

Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh(phần 1)

  • In trang này
  • Lượt xem: 251
  • Ngày đăng: 24/11/2024 14:16:50

KHAO KHÁT CHÚA

Cầu nguyện bằng thánh vịnh(1)

 

Giới thiệu:

Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.

 

                                    Linh mục Mỹ Sơn giáo phận Long Xuyên

 

 

BÀI HAI

THÁNH VỊNH 1

phần một

 

Phúc thay người…

1          Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân,

            chẳng bước vào đường quân tội lỗi,

            không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng,

2          nhưng vui thú với lề luật CHÚA,

            nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày.

3          Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước,

            cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh,

            cành lá chẳng khi nào tàn tạ.

            Người như thế làm chi cũng sẽ thành.

4          Ác nhân đâu được vậy :

            chúng khác nào vỏ trấu gió thổi bay.

5          Nên ngày xử án, bọn ác nhân làm sao đứng vững,

            quân tội lỗi đâu được hợp đoàn với chính nhân !

6          Vì CHÚA hằng che chở nẻo đường người công chính,

            còn đường lối ác nhân đưa tới chỗ diệt vong.

 

Thánh vịnh mà chúng ta đọc chung ở đây không phải là một lời cầu nguyện. Chúng ta đều biết các thánh vịnh là những lời cầu nguyện của Dân Chúa, nhưng thánh vịnh này – thánh vịnh đầu tiên – không phải là một lời cầu nguyện nhưng là một lời tán tụng, một mối phúc: “Phúc thay người”. Để thực sự hiểu thánh vịnh này như là một lời tán tụng, nghĩa là như một cảm xúc nội tâm mạnh mẽ, có lẽ chúng ta phải tìm cách nắm rõ, nó phát xuất từ gốc rễ nào, nó xuất hiện từ trực giác nào. Thánh vịnh này chính là một mối phúc: “Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân”: nó có cùng ý nghĩa với bát phúc của những người vào Nước Trời: “Phúc cho những người nghèo khó, phúc cho những người đói khát sự công chính”. Cũng cần đặt nó trong mối tương quan với mối phúc của Mẹ Maria: “Phúc cho em vì  đã tin…”, và mối phúc cho những ai nghe Lời Chúa do Chúa Giêsu loan báo: “Phúc cho ai nghe Lời Chúa và đem ra thực hành.”

 

Lời tán tụng của thánh vịnh này phát xuất từ một trực giác sâu thẳm về con người. Hầu như chúng ta có thể nói đó là một dẫn nhập nhân loại học cho toàn bộ thánh vịnh. Nó được đặt ngay từ đầu như một lời tựa cho tất cả những lời cầu nguyện của thánh vịnh, để chỉ cho biết con người là gì, người cầu nguyện là mẫu người nào. Bởi vậy, chúng ta phải vừa đọc nó vừa lưu tâm đến câu hỏi này: người được nhìn nhận là hạnh phúc, nghĩa là thành công, là mẫu người như thế nào? Dĩ nhiên, một câu hỏi khác tiếp liền sau đó: tôi có thuộc mẫu người này không? Xã hội chúng ta và đời sống chúng ta giống mẫu người này thế nào?

 

Như vậy, chúng ta đọc thánh vịnh này với những câu hỏi trên trong đầu. Nó rất đơn giản, hình như nó quá đơn giản, nếu trong thực tế, nó không tóm lược sự khôn ngoan của dân tộc Do Thái, và tổng hợp tất cả những gì nơi con người khi đối diện với Thiên Chúa và đối diện với lịch sử, theo cái nhìn của đạo Do Thái.

 

Chúng ta sẽ đọc thánh vịnh 1 và đọc lại theo từng phần; rồi, chúng ta sẽ tìm cách đặt cho mình một số câu hỏi về những gì thánh vịnh 1 nói với chúng ta.

 

“Đọc” (lectio) Thánh vịnh 1

Dễ dàng chia thánh vịnh 1 làm 3 phần.

- Phần thứ nhất (câu 1-3) là khuôn mặt của người sống theo sự công chính. Trước hết, phần này  nói cho biết ai là người công chính (chính là người không làm một số điều và làm một số điều khác), rồi, thánh vịnh tả người công chính này bằng một so sánh: cây trồng bên dòng nước.

 

- Phần thứ hai (câu 4-5) trình bày một bức tranh phản diện, đó là khuôn mặt của người bị coi là ác nhân: so sánh hạng người này với cái gì, đâu là số phận của họ?

 

- Phần thứ ba (câu 6), kết luận, nói cho chúng ta biết Thiên chúa cư xử thế nào với hạng người này và hạng người kia.

 

Bây giờ, chúng ta hãy đọc các câu thánh vịnh, để hiểu chúng nói với chúng ta điều gì qua những hình ảnh chúng trình bày. Trước hết, chúng diễn tả ý tưởng người công chính là thế nào theo tác giả thánh vịnh: đó là một người được định nghĩa bởi 3 thực tại tiêu cực và 2 thực tại tích cực. Những tiêu cực là: người ấy không đi theo lời khuyên của bọn ác nhân, không bước vào con đường của những quân tội lỗi, không ngồi chung với những phường kiêu căng ngạo mạn; đó là 3 điều người công chính không làm.

 

Có lẽ bản dịch không được rõ rệt  như vậy, nhưng trong bản văn tiếng do thái, 3 điều này được miêu tả bởi 3 chuyển động nền tảng của con người, trong cơ cấu thể lý: đi, đứng và ngồi. Đó là 3 vị trí người công chính có thể ứng xử cách tiêu cực. Điểm rất cần lưu ý là cách thế mà 3 thể thức tiêu cực này đươc miêu tả: không phải như việc người ta có thể làm một mình; trường hợp sẽ có thể là như vậy nếu chúng ta nói: phúc cho người không bước trên con đường gian ác, hoặc không dừng lại để làm điều ác, hoặc người không ngồi để suy tính điều ác. Con người ở đây, không được trình bày theo tính cách cá nhân, nhưng trong mối tương quan: “Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng.” Nói cách khác, con người được diễn tả vừa trong toàn thể cơ cấu thể lý vừa trong toàn hữu thể của nó với những người khác trong xã hội. Chúng ta có thể nói, ngày nay, thái độ không đón nhận người khác ghi sâu trong xã hội, trong não trạng, trong văn hoá là một dấu hiệu tiêu cực. Đó là những gì người công chính không làm: chính là người không để mình bị lôi cuốn bởi một não trạng, một văn hoá, một bầu khí, một nhãn quan về thế giới, một hình thức suy nghĩ mang dấu hiệu tiêu cực, bất công, điên rồ.

 

Ngược lại, 2 câu sau miêu tả người công chính là gì cách tích cực. Điều thú vị đáng ghi nhận là sự miêu tả không như chúng ta tưởng tượng khi mới nhìn thấy. Cách tích cực, có lẽ chúng ta nghĩ rằng người công chính là người thực thi sự công bằng, sống kinh nghiệm bác ái, phục vụ người khác, cầu nguyện với Thiên Chúa… nhưng, ở đây, người công chính được miêu tả qua một tình huống nền tảng hơn nhiều: nó được đặt trong mối tương quan với điều người ấy yêu thích.

 

Bản dịch là: “người công chính vui thú với lề luật Chúa”; còn bản gốc tiếng do thái nói mạnh hơn: “niềm vui của người công chính ở trong lề luật Chúa”; nói cách khác, lề luật Chúa, đó là điều người công chính yêu thích, điều người công chính ưu tiên, điều người công chính chọn lựa; đó là sự chọn lựa người công chính ưa thích hơn hết, đó là sự chọn lựa của cả cuộc đời.

 

Con người được miêu tả trong mối tương quan với điều người ấy yêu thích, điều người ấy nghĩ đến đêm ngày: đó hiển nhiên là ngôn ngữ của tình yêu; một điều gì đó đã đi vào con tim và vào tâm trí của con người này, không thể ra được nữa. Người công chính suy gẫm luật Chúa đêm ngày; và từ được chọn để diễn dịch sự suy gẫm này là một động tác của cơ thể: lẩm nhẩm, đôi môi mấp máy nhẩm đi nhẩm lại. Bởi vậy, đó là ý tưởng về một con người đêm ngày thưởng thức Luật Chúa như thể của ăn nuôi sống. Dường như chúng ta nhìn thấy ở đây những khuôn mặt đáng kính của các thầy rabbi không ngừng đọc đi đọc lại Luật Chúa cách thuộc lòng. Đó là sự miêu tả người công chính, theo những gì người ấy không làm và làm; hay đúng hơn, theo điều người ấy yêu thích và giữ trong lòng, theo điều mà người ấy luôn đem theo với mình: luật Chúa, luật mà người ấy đêm ngày suy niệm không ngừng; không có giây phút nào người ấy không yêu mến luật Chúa.

 

Kế đó, người công chính này được miêu tả bằng một so sánh: như cây trồng bên dòng nước, cho trái khi đến mùa. Hình ảnh này đối với chúng ta hầu như quá quen; nhưng chúng ta nên biết rằng ở Palestine, suối nước rất hiếm hoi và một cây được trồng bên dòng nước là một xa xỉ, một điều khá hiếm hoi, và như vậy, đó là một hoàn cảnh thuận lợi đặc biệt. Cây này được trồng bên dòng nước nên rễ nó đâm vào đất mềm, có nước, và nhờ vậy, cứ đến mùa là nó trổ hoa. Nó sẽ cho trái đúng mùa và lá nó không bao giờ héo tàn rơi rụng. Nói cách khác, nó không biết đến sự nở hoa rồi tàn lụi theo mùa: nó mãi mãi xanh tươi. Kế đó, sự so sánh này được tóm tắt như sau: “Người như thế làm chi cũng sẽ thành.” Đó là một con người thành công trong mọi việc mình làm,  hoặc, theo một bản văn khác gần bản văn do thái hơn: “Tất cả công việc nó làm, Thiên Chúa làm cho thành công.” Hiển nhiên, không theo nghĩa là sự thành công tức thì, nhưng theo nghĩa mà trong Kinh Lạy Cha, chúng ta cầu xin bằng những lời “xin cho Nước Cha trị đến” Nước này chắc chắn sẽ đến. Ai đã đặt tình yêu của mình vào luật Chúa sẽ không phải thất vọng, tất cả những gì người ấy làm đều đi đúng đường, con đường xây dựng Nước Trời và, được hướng dẫn bởi tình yêu nội tâm, người ấy sẽ không chút hối hận về những gì đã làm. Đó là phần thứ nhất của thánh vịnh.

 

Trái lại, phần thứ hai miêu tả một khuôn mặt đối nghịch, đó là ác nhân, người không thi hành sự công chính. “Chúng khác nào vỏ trấu gió thổi bay” : hình ảnh của những con người không xây dựng thành công, những người thấy mọi sự thoát khỏi bàn tay mình, bởi vì họ không giữ được gì. Hình ảnh này có lẽ còn nhắc nhớ một biến cố xa hơn trong lịch sử, đó là sự phân tán của loài người khi họ mưu toan xây tháp Babel đến tận trời. Qua việc xây tháp này, họ tính làm cho mình nổi tiếng, nhưng sự lộn xộn nội bộ đã làm họ bị phân tán và họ không thể xây dựng được thành phố, xây dựng được sự thống nhất. “Nên ngày xử án, bọn ác nhân làm sao đứng vững”, và ở đây, có thể ám chỉ ngày Phán xét cuối cùng, phán xét về lịch sử. Ai thuộc hạng ác nhân thì không xây dựng trong lịch sử bởi vì sự phán xét về lịch sử sẽ cho thấy người ấy trần trụi.

 

Thánh vịnh kết thúc bằng một câu tóm: “Chúa biết đường lối người công chính”, câu cho thấy sự nhận biết đầy yêu thương, sự dịu dàng của Thiên Chúa đối với đường lối người công chính; trong khi đó, đường lối ác nhân không được mô tả như phải chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, nhưng chỉ đơn giản như một cái gì đó không thành công, hướng tới hư vô, và diệt vong.

 

Đó là đọc hiểu thánh vịnh trực tiếp: như chúng ta thấy, thánh vịnh rất đơn giản trong cách trình bày, dù nó chứa đựng những biểu tượng mà Kitô giáo sơ khai đã cẩn thận dùng lại. Trong truyền thống kitô giáo, những dòng suối là dấu chỉ Chúa Thánh Thần, và cây trồng bên dòng suối là người cắm rễ vào mạch nước hằng sống của Chúa Thánh Thần.

 

Một tác giả kitô giáo thời sơ khai, dựa vào thánh vịnh này để nói về cây thập giá như cây nhờ đó con người đem lại hoa trái. Biểu tượng của thánh vịnh này được triển khai rộng hơn, trực tiếp tới bí tích rửa tội: chính là người được nhận chìm trong nước rửa tội, nước đem lại hoa trái là sự sống của Thiên Chúa.

 

Trong diễn tả của Thánh vịnh, không có một chút chứng cứ nào về cao trào trữ tình, cho bằng một mô tả có tính cách khôn ngoan: nhưng sự khôn ngoan của các từ xuất phát từ chiều sâu của trực giác, một chiều sâu bao quát toàn thể thánh vịnh tán tụng này.

 

 


[1] Chuyển ý từ Carlo Maria Martini, “Le désir de Dieu, Prier les psaumes”, Cerf, Paris, 2004. Nhóm dịch thuật.

Bài cùng chuyên mục:

Suy niệm Tĩnh tâm năm 2024 : kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa đích thực  (10/12/2024 07:45:18 - Xem: 71)

Sau đây là 4 bài suy niệm sáng trong dịp tĩnh tâm năm 2024 của linh mục đoàn giáo phận Long Xuyên. 4 bài đều theo cùng một chủ đề: kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa đích thực

Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh (06/11/2024 08:54:01 - Xem: 370)

Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.

Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh  (24/10/2024 10:17:21 - Xem: 435)

Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục: Ô-tô con và Linh mục(1) (30/09/2024 07:47:47 - Xem: 922)

Anh em linh mục giáo phận không có lời khấn khó nghèo như linh mục dòng, nhưng không phải vì thế mà chúng ta muốn tiêu xài tiền bạc thế nào tuỳ ý.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và Thần khải  (21/09/2024 10:44:04 - Xem: 481)

Bài “Kinh nghiệm về Thiên Chúa và thần khải” của đan sĩ Anselm Grun giúp chúng ta hiểu đúng thế nào là thần khải, hầu tránh được những hiểu lầm tai hại cho đời sống thiêng liêng.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(3) (08/09/2024 07:45:34 - Xem: 468)

Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(2) (24/08/2024 10:17:51 - Xem: 497)

Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri  (10/08/2024 07:52:38 - Xem: 563)

Thời đại của chúng ta là thời đại khao khát Thiên Chúa một cách sâu xa, nhưng Thiên Chúa lai ẩn giấu, mờ mịt, tăm tối.

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.4) (22/07/2024 10:59:39 - Xem: 523)

Chúng ta tiếp tục đọc và suy tư các bài của Đan sĩ Anselm Grun. Trong bài này, ông phân tích rất sâu sắc về hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa của chúng ta

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.3) (03/07/2024 08:26:58 - Xem: 578)

Rất cần có một hình ảnh đúng về Thiên Chúa, nhờ dó, chúng ta có cái nhìn đúng về con người và hoàn cảnh của con người.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7