Tác giả - Tác phẩm

Đời tông đồ: Những thách đố và thái độ (bài 4)

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,619
  • Ngày đăng: 27/10/2022 16:22:14

ĐỜI TÔNG ĐỒ:

NHỮNG THÁCH ĐỐ VÀ THÁI ĐỘ

 

Giới thiệu:

Chủ đề “Đời tông đồ, những thách đố và thái độ” gồm 4 bài suy niệm về những thách đố cho người tông đồ trong hoàn cảnh xã hội hiện nay và những thái độ cần có để có thể vượt qua những thách đố đó. Tuy chủ đề dành đặc biệt cho các linh mục, nhưng cũng thích hợp với mọi người, dù là tu sĩ hay giáo dân, vì tất cả chúng ta đều là những người đang thi hành sứ vụ tông đồ trong ơn gọi riêng của mình.

Hi vọng những bài suy niệm này sẽ giúp chúng ta ngày một tiến xa hơn trên con đường nội tâm thiêng liêng và thi hành sứ vụ tông đồ.

 

                                             Linh mục Mỹ Sơn, giáo phận Long Xuyên

 

 

BÀI 4

SAY MÊ PHỤC VỤ CHÚA

TRONG CÁC TÂM HỒN[1]

 

“Phải chăng chúng tôi lại bắt đầu tự giới thiệu mình? Hoặc chẳng lẽ, như vài người, chúng tôi lại cần có thư giới thiệu chúng tôi với anh em, hoặc thư của anh em giới thiệu chúng tôi?  Thư giới thiệu chúng tôi là chính anh em. Thư ấy viết trong tâm hồn chúng tôi, mọi người đều biết và đã đọc. Rõ ràng anh em là bức thư của Đức Ki-tô được giao cho chúng tôi chăm sóc, không phải viết bằng mực đen, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt, tức là lòng người”. (2 Cr 3,1-3)

 

I. Lectio: giải thích và tìm hiểu bản văn.

Thánh Phaolô muốn nói gì đây? Chúng ta biết bối cảnh lá thư thứ hai gởi các tín hữu Côrintô: thánh Phaolô tự biện hộ chống lại những lời tố cáo ngài, nào là giả dối, luận điệu rời rạc, không thống nhất, nào là ngài không phải là tông đồ đích thực. Trước những luận điệu chống đối đó, thánh Phaolô cố gắng giải thích và ngài giải thích bằng một cung giọng đầy tình cảm nhiệt thành của người tông đồ bị chống đối bất công.

 

Trước hết, ngài nói, những người khác mới cần thư giới thiệu chứ không phải ngài. Sau đó, ngài dùng một hình ảnh rất hay, đó là lá thư: “Thư giới thiệu chúng tôi là chính anh em. Thư ấy viết trong tâm hồn chúng tôi, mọi người đều biết và đã đọc. Rõ ràng anh em là bức thư của Đức Ki-tô được giao cho chúng tôi chăm sóc, không phải viết bằng mực đen, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt, tức là lòng người”. Một hình ảnh tích cực, phát xuất từ con tim của người tông đồ. “Thư giới thiệu chúng tôi là chính anh em” Đó là lời khẳng định quan trọng nhất: anh em là một trong những lá thư tuyệt vời nhất tôi đã viết từ trước tới nay, tôi rất tự hào về anh em. Nói như thế về cộng đoàn được Thiên Chúa phó thác cho ngài, thánh Phaolô ý thức về ơn huệ Thiên Chúa ban và những hoa trái do ơn huệ đó phát sinh.

 

Rồi ngài nói: “mọi người đều biết và đọc” được. Mặc dù được viết trong tâm hồn, nhưng ai nấy đều đọc được; mặc dù đó là thực tại nội tâm vô hình, nhưng ai nấy đều thấy được. Thánh Phaolô có ý đề cập đến niềm vui lan toả từ cộng đoàn đã đón nhận Tin Mừng. Chính cộng đoàn Côrintô đã loan báo Tin Mừng khi sống niềm tin một cách sâu xa, vững mạnh.

 

Kế đó. ngài viết tiếp: “Rõ ràng, anh em là bức thư của Đức Kitô được giao cho chúng tôi chăm sóc”. Như vậy, thánh Phaolô có ý nói ngài chỉ là dụng cụ Thiên Chúa dùng, nguồn cội đích thực của lá thư, tức cộng đoàn Côrintô là chính Đức Kitô. Người tông đồ chỉ được trao nhiệm vụ nhỏ nhoi là người viết (như một thư ký). Trong thư thánh Phaolô dùng từ diacona, nghĩa là đầy tớ của Đức Kitô.

 

Cuối cùng, ngài quả quyết chính Chúa Thánh Thần ghi khắc lá thư đó trong lòng các tín hữu Côrintô.

 

II. Sứ điệp của thánh Phaolô

Thánh Phaolô muốn gởi đi sứ điệp nào trong bản văn trên? Cái gì gây ấn tượng nhất?

1. Trước hết, điều gây ấn tượng mạnh mẽ nơi người đọc là niềm say mê thánh Phaolô dành cho cộng đoàn của ngài. Nên nhớ, đây là cộng đoàn vô ơn, hỗn xược, đã cười nhạo ngài, đã tố cáo ngài hành động nhẹ dạ, không thống nhất, cộng đoàn đã làm ngài đau khổ và phiền muộn. Đây là một cộng đoàn không có giá trị gì mấy. Tuy nhiên, dù rất buồn lòng vì họ, niềm say mê của người tông đồ nơi thánh Phaolô vẫn không suy suyển: “Anh em là lá thư tuyệt vời nhất tôi viết từ trước tới nay, anh em là tác phẩm của Chúa Thánh Thần, anh em là lá thư chính Đức Kitô đã viết ra”.

 

2. Ngài còn gọi các tín hữu Côrintô là “những người con yêu quí”: “Tôi viết những lời đó không phải để làm anh em xấu hổ, nhưng là để sửa dạy anh em như những người con yêu quý của tôi. Thật thế, cho dầu anh em có ngàn vạn giám thị trong Đức Ki-tô, anh em cũng không có nhiều cha đâu, bởi vì trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em”. (1Cr 4,14-15). Ngài là người cha và họ là con, dù những đứa con có chống đối thì người cha vẫn yêu quí con mình. Hơn nữa, ngài còn tự xưng là người mẹ đã quặn đau khi sinh con: “Hỡi anh em, những người con bé nhỏ của tôi, mà tôi phải quặn đau sinh ra một lần nữa cho đến khi Đức Ki-tô được thành hình nơi anh em…” (Gl 4,19).

 

Rõ ràng, thánh Phaolô luôn say mê cộng đoàn ngài đã thành lập; ngài rất dịu hiền với họ. Tình yêu của ngài vượt xa mọi chống đối, mọi thất vọng họ gây ra. Niềm say mê tạo nên sức mạnh, sự điềm tĩnh nơi thánh Phaolô trong tương quan với cộng đoàn Côrintô, trong tương quan giữa người thi hành ý Chúa và người lắng nghe lời Chúa. Mối tương quan đó sẽ phát triển tốt đẹp dù đôi lúc gặp khó khăn và đó là điều an ủi cho người tông đồ. Rồi cũng đến lúc, thánh Phaolô được hiểu, được lắng nghe và được an ủi: “Tôi cảm tạ Thiên Chúa của tôi, mỗi lần nhớ đến anh em. Tôi luôn vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho anh em hết thảy, vì từ buổi đầu cho đến nay, anh em đã góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng… Tôi có những tâm tình như thế đối với tất cả anh em, đó là điều hợp lý, bởi vì tôi mang anh em trong lòng tôi. Khi tôi bị xiềng xích, cũng như lúc tôi bênh vực và củng cố Tin Mừng, anh em đều thông phần vào ân sủng tôi đã nhận được. Có Thiên Chúa làm chứng cho tôi: tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả, với tình thương của Đức Ki-tô Giê-su” (Philipphê, 1,1-8).

 

Ngày nay, là những người tông đồ của Chúa, chắc chắn, chúng ta cũng nhận được nhiều an ủi, niềm vui như thánh Phaolô. ĐHY Martini kể lại một lá thư rất cảm động ngài nhận được: “Con muốn viết ít dòng cho Đức cha về niềm vui của chính con và tất cả giáo xứ mỗi khi đến nhà thờ. Cha sở của chúng con quan tâm đến mọi người, luôn sẵn sang lắng nghe, giúp đỡ, luôn mỉm cười, và nói những lời tốt đẹp, luôn chào hỏi mọi người. Các bài giảng của cha đi sâu vào tâm hồn chúng con và con không dám giấu Đc cha, nhiều khi con đã rơi nước mắt. Đúng là Thiên Chúa rất quảng đại và yêu thương chúng con. Mọi sáng kiến đề nghị với cha sở đều được ngài đón nhận. Ngài làm mọi cách để ai nấy đều có thể đến với Chúa, dù xa xôi nhất”. Tuy nhiên, lời khen tuyệt vời nhất chính là mối tương quan giữa cha sở và cha phó: “Giữa cha sở với cha phó có một sự hợp nhất, một sự cộng tác, một sự hiệp thông huynh đệ tốt đẹp đến nỗi thấy các ngài sống như vậy, chúng con hiểu giới răn yêu thương là gì”.

 

3. Còn một câu hỏi cần đặt ra: tại sao thánh Phaolô hãnh diện và hài lòng về cộng đoàn Côrintô dù họ nhiều khuyết điểm, dù họ gây cho ngài những phiền muộn nặng nề?

 

Thánh Phaolô không chỉ hãnh diện và hài lòng về cộng đoàn do những an ủi, khích lệ họ đem đến. Còn một lý do khác, ngài đã cho họ tất cả mọi sự, ngay cả chính bản thân ngài nhờ ơn huệ Chúa ban. Ngài hiểu chính Chúa đã dấn thân trong mọi hoạt động của ngài. Ngài ý thức đau khổ của ngài là đau khổ của Chúa Giêsu. Cộng đoàn càng quí giá đối với ngài khi ngài càng chịu đau khổ vì họ, chứ không chỉ vì được họ an ủi, khích lệ.

 

Chúng ta cũng vậy, khi dấn thân phục vụ cộng đoàn giáo xứ, mà họ làm chúng ta đau khổ, lo âu, phiền muộn, chúng ta càng yêu thương họ hơn, bởi vì nếu chúng ta dấn thân phục vụ vì yêu thương thực sự, chúng ta sẽ khám phá điều này: không phải chúng ta đang đau khổ mà là chính Đức Kitô chịu đóng đinh; Chính Người đang yêu thương và đang cho đi qua chúng ta. Còn nếu tình yêu của chúng ta hời hợt, bề ngoài; nếu chúng ta chỉ làm vì bổn phận, thì hoặc là chúng ta không quan tâm nhiều tới phản ứng của giáo dân, hoặc chúng ta sẽ dễ thất vọng, chán nản, buông xuôi.

 

Tự vấn: Chúng ta có thể tự hỏi: tình yêu của tôi dành cho cộng đoàn giáo xứ thế nào? Đâu là niềm say mê của tôi đối với cộng đoàn và đối với từng người trong cộng đoàn? Trước những thành công, được an ủi, khích lệ, thái độ của tôi thế nào? Khi gặp chống đối, thất bại, tinh thần và thái độ của tôi ra sao?

 

Trong thinh lặng, chúng ta hãy dâng mọi ý nghĩ, tâm trạng, thái độ, lên Chúa. Xin Chúa hướng dẫn, nâng đỡ, thay đổi lòng dạ chúng ta. Xin Mẹ Maria là Mẹ yêu quí của chúng ta nâng đỡ, an ủi, khích lệ chúng ta trên mọi bước đường của sứ vụ tông đồ.

 

[1] Phỏng dịch sách trích dẫn trên, trang 85-97.

Bài cùng chuyên mục:

Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh (06/11/2024 08:54:01 - Xem: 285)

Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.

Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh  (24/10/2024 10:17:21 - Xem: 337)

Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục: Ô-tô con và Linh mục(1) (30/09/2024 07:47:47 - Xem: 839)

Anh em linh mục giáo phận không có lời khấn khó nghèo như linh mục dòng, nhưng không phải vì thế mà chúng ta muốn tiêu xài tiền bạc thế nào tuỳ ý.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và Thần khải  (21/09/2024 10:44:04 - Xem: 423)

Bài “Kinh nghiệm về Thiên Chúa và thần khải” của đan sĩ Anselm Grun giúp chúng ta hiểu đúng thế nào là thần khải, hầu tránh được những hiểu lầm tai hại cho đời sống thiêng liêng.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(3) (08/09/2024 07:45:34 - Xem: 429)

Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(2) (24/08/2024 10:17:51 - Xem: 466)

Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri  (10/08/2024 07:52:38 - Xem: 536)

Thời đại của chúng ta là thời đại khao khát Thiên Chúa một cách sâu xa, nhưng Thiên Chúa lai ẩn giấu, mờ mịt, tăm tối.

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.4) (22/07/2024 10:59:39 - Xem: 498)

Chúng ta tiếp tục đọc và suy tư các bài của Đan sĩ Anselm Grun. Trong bài này, ông phân tích rất sâu sắc về hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa của chúng ta

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.3) (03/07/2024 08:26:58 - Xem: 553)

Rất cần có một hình ảnh đúng về Thiên Chúa, nhờ dó, chúng ta có cái nhìn đúng về con người và hoàn cảnh của con người.

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.2) (23/06/2024 09:10:49 - Xem: 530)

Rất cần có một hình ảnh đúng về Thiên Chúa, nhờ dó, chúng ta có cái nhìn đúng về con người và hoàn cảnh của con người.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7