Tác giả - Tác phẩm

Đời tông đồ: Những thách đố và thái độ (bài 3)

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,554
  • Ngày đăng: 08/10/2022 08:00:14

ĐỜI TÔNG ĐỒ:

NHỮNG THÁCH ĐỐ VÀ THÁI ĐỘ

 

Giới thiệu:

Chủ đề “Đời tông đồ, những thách đố và thái độ” gồm 4 bài suy niệm về những thách đố cho người tông đồ trong hoàn cảnh xã hội hiện nay và những thái độ cần có để có thể vượt qua những thách đố đó. Tuy chủ đề dành đặc biệt cho các linh mục, nhưng cũng thích hợp với mọi người, dù là tu sĩ hay giáo dân, vì tất cả chúng ta đều là những người đang thi hành sứ vụ tông đồ trong ơn gọi riêng của mình.

Hi vọng những bài suy niệm này sẽ giúp chúng ta ngày một tiến xa hơn trên con đường nội tâm thiêng liêng và thi hành sứ vụ tông đồ.

 

                                       Linh mục Mỹ Sơn, giáo phận Long Xuyên

 

 

  BÀI 3

TINH THẦN VÀ THÁI ĐỘ CỦA NGƯỜI TÔNG ĐỒ

TRONG HOÀN CẢNH XÃ HỘI HIỆN TẠI (tiếp)

(2 Tm 2,1-13)

 

6. Chấp nhận đau khổ trong sứ vụ tông đồ

Đôi khi chúng ta nghĩ giá phải những sự việc đó đừng xảy ra như vậy. Nhiều khi chúng ta nghĩ sự việc xảy ra là do chúng ta bất toàn. Nhưng Chúa Giêsu không phải là một người hoàn thiện đó sao? Thế mà Ngài đã bị đóng đinh vào Thập Giá. Trong thế gian và nơi mỗi người chúng ta có một điều đặc biệt và lạ lùng: chống lại sự thiện. Đó là một thiếu sót tận cơ cấu hữu thể, chúng ta gọi là tội nguyên tổ.

 

Bởi vậy, đau khổ người tông đồ gặp không phải là tình cờ, nhưng gắn liền với sứ vụ tông đồ. Đừng nghĩ đó là do lỗi lầm hoặc thiếu sót của chúng ta. Dù chúng ta có là người hoàn thiện đi nữa, đau khổ vẫn xảy đến.

 

Đón nhận đau khổ một cách bình tĩnh, can đảm là điều cần thiết. Không phải chúng ta là những kẻ bệnh hoạn đi tìm đau khổ, như những người bị bệnh masochisme: bệnh tâm lý, thích lấy đau đớn làm khoái cảm. Chúng ta không tìm kiếm đau khổ. Nhưng chúng ta biết đau khổ là điều không thể tránh khỏi. Chúng ta can đảm đón nhận đau khổ vì đau khổ là phương tiện cứu độ, là tham dự vào đau khổ của Đức Kitô. Phải tập chấp nhận giá trị của đau khổ đi liền với sứ vụ tông đồ.

 

Tự vấn: Những đau khổ nào đã xảy đến trong cuộc đời tông đồ linh mục của tôi? Tôi đã đón nhận nó thế nào? Giận dữ, nổi loạn, thất vọng, buông xuôi? Hay can đảm đón nhận coi nó là phương tiện cứu độ tôi và người khác? Tôi có ý thức rằng qua đau khổ, tôi được kết hiệp với đau khổ của Đức Kitô trên Thập giá và với biết bao đau khổ của nhân loại từ trước tới nay không?

 

7. Cởi mở đón nhận những bất ngờ

Cần biết sẵn sàng đón nhận những bất ngờ và chống lại cơn cám dỗ muốn hoạch định tất cả. Thường con người khoa học kỹ thuật chúng ta ngày nay muốn mọi sự đều nằm trong kế hoạch, không điều gì sơ sót dù là nhỏ nhất. Nhưng thực tế có được như vậy không? Những kế hoạch 5 năm, 10 năm có vẻ rất hoàn bị và sẽ hoàn thành, nhưng xem ra đều không như ý vì có quá nhiều những bất ngờ. Các máy móc được cho là hoàn hảo nhất, vẫn xảy ra những sự cố ngoài ý muốn. Con người thì bất toàn. Đó là điều chúng ta phải chấp nhận.

 

Chính vì vậy, điều quan trọng là có khả năng đặt lại vấn đề trong mọi lúc. Đặt vấn đề cho kế hoạch mục vụ đã đề ra; đặt vấn đề cho những bất ngờ xảy đến không theo một chương trình nào hết; v.v. Những bất ngờ thường gây tổn thương; nên một điều quan trọng khác là có khả năng đón nhận những tổn thương do những đòi hỏi của người khác: bề trên, anh em linh mục, giáo dân, xã hội; do những biến cố bất ngờ; do tất cả những gì xảy đến trong cuộc sống. Tập sống từng giây phút như cơ hội thuận tiện để tiến bước trong đời sống thiêng liêng và trong sứ vụ tông đồ. Học biết đón nhận tất cả những gì xảy đến trong cuộc đời ta như cơ hội để biết Chúa hơn và tìm thực thi ý Chúa trọn vẹn hơn.

 

Tự vấn: Trong đời tôi, có những biến cố bất ngờ nào? nhất là những biến cố gây đau khổ, thất vọng, nản lòng? Tôi đã đón nhận những bất ngờ đó ra sao?

 

8. Biết lắng nghe

Điều cần cho đời sống thiêng liêng là biết lắng nghe người khác. Có nhiều người nghĩ rằng Giám Mục là người ra lệnh suốt từ sáng đến chiều. Nhưng riêng tôi ĐHY Martini nói, trong một giáo phận, không ai kiên nhẫn lắng nghe bằng Giám mục. Ngài lắng nghe từ sáng đến chiều, có khi cả đêm khuya.

 

Đón tiếp, lắng nghe là một thái độ đạo đức sâu xa của người kitô hữu vì đó là trọng tâm của đức tin. “Fides ex auditum”, đức tin xuất phát từ sự lắng nghe. Nếu chúng ta không lắng nghe người khác, nhất là giáo dân của mình, thì không có gì bảo đảm là chúng ta lắng nghe Chúa. Lắng nghe cũng giống tình yêu. Nếu không thương yêu anh em mình là người thấy được, chúng ta không thể yêu mến Chúa là Đấng chúng ta không thấy được. Giống vậy, nếu không thể, hoặc không muốn lắng nghe anh em mình, chúng ta cũng không thể hoặc không muốn lắng nghe tiếng Chúa.

 

Phải lắng nghe, để người khác nói hết, dĩ nhiên, nghe hết không phải là tán thành hết. Tôi tự hỏi, ngày nay, có thể nói hết mọi sự với ai? Người của Giáo Hội có thể làm điều đó.

 

Lắng nghe không phải là dễ. Đó là hành động đòi nhiều nghị lực. Lắng nghe người khác 15’ trong thinh lặng đòi nhiều nghị lực và cố gắng hơn là nói chuyện trao đổi và tìm câu trả lời. Thường thì câu hỏi được tìm thấy khi lắng nghe. Cách chung, khi câu hỏi được đặt ra, người ta đã biết câu trả lời rồi. Câu trả lời thường ẩn trong câu hỏi. Điều quan trọng là cho câu hỏi được bật ra.

 

Tự vấn: Tôi có là người tôn trọng và biết lắng nghe người khác, nhất là giáo dân của tôi, những người nghèo khó, ít học, bị coi thường không? Tôi nói ít nghe nhiều hay ngược lại?

 

9. Vượt qua sự bình thường (1Tm 6, 11-16)

“Hãy sống bình thường như một người bình thường”. Đó là khẩu hiệu của nhiều người. Đó là chủ trương sống của không ít người trong tập thể linh mục chúng ta. Sống bình thường như một người bình thường là điều tốt và đúng, nếu hiểu là đừng quá đi tìm những hình thức bề ngoài nổi nang, những kiêu căng muốn tỏ ra ta hơn người, những ham muốn uy tín, danh dự, địa vị thái quá, đến nỗi biến thành những con người giả hình, chỉ biết tìm kiếm hư danh, để rồi biến chất hoàn toàn mà không biết.

 

Tuy nhiên, trong đời sống thiêng liêng và sứ vụ, cần tập thói quen tiến xa hơn những gì là bình thường và hợp lý, tức là cố gắng vượt khỏi chính mình. Muốn biết rõ những bước đi theo hướng này, dù là linh mục trẻ hay lão thành, vẫn cần người hướng dẫn, đó là cha linh hướng,

 

Chúng ta đừng tự hướng dẫn, tự quyết định hành động trên con đường vượt khỏi chính mình. Hãy nhờ cha linh hướng chỉ dẫn vì nhiều khi chúng ta tưởng rằng những kết quả tốt đẹp đạt được trong đời sống thiêng liêng và sứ vụ là nhờ lòng quảng đại và nhiệt tâm của mình. Nhưng thực ra không phải như vậy. Trên con đường vượt khỏi chính mình, không có cha linh hướng chỉ dẫn, chúng ta dễ sa vào con đường đi tìm chính mình dưới vỏ bọc vị tha và vì yêu mến Chúa.

 

Là người tông đồ, chúng ta phải tiến vào con đường vượt khỏi chính mình, vượt khỏi cái bình thường, nếu không, chúng ta sẽ trở nên tầm thường và tệ hại. Con đường thiêng liêng và sứ vụ là con đường vượt dòng nước ngược, nếu không chèo chống và nỗ lực, chúng ta sẽ thoái lui mà nhiều khi không biết.

 

Nói chung, chúng ta phải tiến xa hơn những gì là hợp lý, là dự kiến, là bình thường. Đối với người tông đồ, chỉ một điều quan trọng thôi, đó là nên thánh. Nên thánh là gì nếu không phải là nỗ lực vượt khỏi chính mình, vượt qua sự bình thường và cái hợp lý. Nên thánh trong sứ vụ tông đồ của mình. Người kitô hữu bình thường còn phải nên thánh, huống hồ chúng ta, chúng ta vừa là linh mục, người hướng dẫn đời sống thiêng liêng, vừa là người tông đồ loan báo Lời Chúa. Nên thánh là một đòi buộc của chính sứ vụ tông đồ của linh mục. Nhưng thánh thiện là gì? Đó là câu hỏi về sự tràn đầy, phong phú, trọn vẹn. Thánh thiện dẫn chúng ta vượt khỏi cái bình thường và cái hợp lý.

 

Tự vấn: Tôi có nghĩ mình phải nên thánh không? Trong đời sống tông đồ, tôi đã làm gì để nên thánh?

 

10. Tự do đối với dư luận

Một điều quan trọng khác là hãy tập sống mà không tìm kiếm sự đồng ý của tất cả mọi người. Khi nói điều gì không được mọi người chấp nhận, lập tức chúng ta nghĩ mình sai, mình lầm lẫn. Không hẳn như vậy. Chân lý có luôn gợi lên sự đồng thuận không? Thường thì không đúng như thế.

 

Trong một xã hội mà người công giáo là thiểu số, nhiều khi chúng ta sợ hãi khi gặp chống đối, hoặc khi người khác không chia sẻ quan điểm của chúng ta. Lúc đó, chúng ta dễ nghĩ rằng những gì mình nói có lẽ không đúng.

 

Phải tập sống với sự không đồng thuận của tất cả mọi người. Dĩ nhiên, chúng ta không coi thường sự đồng thuận. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta không dám nói lên điều chúng ta nghĩ. “Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ ca tụng như thế” (Lc 6,26).

 

   Tự vấn: Tôi có thái độ nào đối với dư luận: sợ hãi, a dua; dửng dưng, khinh thường hay bình tĩnh phân định? Tôi có can đảm nói lên sự thực dù không đạt được sự đồng ý của mọi người không?

 

11. Biết hài hước, đùa vui

Cuối cùng, tôi muốn nói rằng nếu muốn sống đời tông đồ cách nhiệt thành, chúng ta cần rèn luyện khả năng hài hước, đùa vui. Cần biết chấp nhận những gì không tốt xảy ra với tinh thần hài hước. Tinh thần hài hước, đùa vui, rất cần không chỉ cho sức khỏe cơ thể và tâm lý, mà còn cả đời sống thiêng liêng nữa. Tập biết tương đối hoá thành công và thất bại. Đó là dấu chỉ một đời sống thiêng liêng khoẻ mạnh. Thiếu hài hước, đùa vui là dẫu chỉ quá dính bén đến cái tôi của mình. Quan trọng hoá hoặc tuyệt đối hoá những gì mình làm thường chứng tỏ mình coi việc đó là của mình chứ không phải của Chúa. Nên nhớ: một ông thánh buồn là một ông thánh đáng buồn.

 

Tự vấn: Tôi có biết hài hước, đùa vui không? Tôi có tương đối hoá mọi thành công, thất bại của mình nhờ biết hài hước, đùa vui không?

 

Xin Chúa soi sáng, chỉ bảo chúng ta trên từng bước đường thi hành sứ vụ tông đồ. Xin Chúa ban sức mạnh hoán cải tâm hồn tông đồ của chính chúng ta để chúng ta có thể cộng tác vào công cuộc hoán cải tâm hồn con người của Chúa. Lạy Mẹ Maria, Mẹ là Mẹ các linh mục, xin Mẹ che chở và cầu bầu cho chúng con để chúng con can đảm đi theo những bước chân tông đồ của Chúa Giêsu Con Mẹ. Amen.

 

Bài cùng chuyên mục:

Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh (06/11/2024 08:54:01 - Xem: 285)

Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.

Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh  (24/10/2024 10:17:21 - Xem: 337)

Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục: Ô-tô con và Linh mục(1) (30/09/2024 07:47:47 - Xem: 839)

Anh em linh mục giáo phận không có lời khấn khó nghèo như linh mục dòng, nhưng không phải vì thế mà chúng ta muốn tiêu xài tiền bạc thế nào tuỳ ý.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và Thần khải  (21/09/2024 10:44:04 - Xem: 423)

Bài “Kinh nghiệm về Thiên Chúa và thần khải” của đan sĩ Anselm Grun giúp chúng ta hiểu đúng thế nào là thần khải, hầu tránh được những hiểu lầm tai hại cho đời sống thiêng liêng.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(3) (08/09/2024 07:45:34 - Xem: 429)

Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(2) (24/08/2024 10:17:51 - Xem: 466)

Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri  (10/08/2024 07:52:38 - Xem: 536)

Thời đại của chúng ta là thời đại khao khát Thiên Chúa một cách sâu xa, nhưng Thiên Chúa lai ẩn giấu, mờ mịt, tăm tối.

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.4) (22/07/2024 10:59:39 - Xem: 498)

Chúng ta tiếp tục đọc và suy tư các bài của Đan sĩ Anselm Grun. Trong bài này, ông phân tích rất sâu sắc về hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa của chúng ta

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.3) (03/07/2024 08:26:58 - Xem: 553)

Rất cần có một hình ảnh đúng về Thiên Chúa, nhờ dó, chúng ta có cái nhìn đúng về con người và hoàn cảnh của con người.

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.2) (23/06/2024 09:10:49 - Xem: 530)

Rất cần có một hình ảnh đúng về Thiên Chúa, nhờ dó, chúng ta có cái nhìn đúng về con người và hoàn cảnh của con người.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7