Tác giả - Tác phẩm

Canh tân đời sống linh mục theo gương thánh Phao-lô (bài cuối)

  • In trang này
  • Lượt xem: 6,113
  • Ngày đăng: 20/02/2021 23:22:15

CANH TÂN ĐỜI SỐNG LINH MỤC

THEO GƯƠNG THÁNH PHAO-LÔ

(dựa theo cuốn “Linh mục một vài năm sau, suy gẫm về tác vụ linh mục”

 của ĐHY Carlo Maria Martini)

 

Dẫn nhập

Trong các bài sau đây, chúng ta sẽ cùng nhau suy tư và chiêm niệm về đề tài “Canh tân đời sống linh mục theo gương thánh Phaolô”. Tuy là những bài suy niệm dành riêng cho linh mục, nhưng cũng hữu ích để canh tân đời sống thiêng liêng cho bất cứ ai muốn đọc và suy niệm.

Chúng ta cùng suy gẫm sách Công Vụ Tông Đồ, chương 20, câu 17-38. Đây là “di chúc mục vụ” của thánh Phao-lô. Trong bản văn trên, thánh Tông Đồ nói với các kỳ mục Ê-phê-sô về kinh nghiệm ngài đã trải qua trong 3 năm sống với họ: kinh nghiệm về con người, về đời sống linh mục và về mục vụ.

Nhờ tìm hiểu và suy gẫm về “Di chúc mục vụ” của thánh Phaolô do ĐHY Martini triển khai trong cuốn: “Linh mục một vài năm sau…Suy gẫm về tác vụ linh mục”, chúng ta có thể “Canh tân đời sống linh mục theo gương thánh Phaolô”

                                                                                 Linh mục Mỹ Sơn, Long Xuyên

 

 

BÀI CHÍN (Bài cuối)

MẦU NHIỆM GIÁO HỘI

TRONG ĐỜI SỐNG VÀ TÁC VỤ LINH MỤC

 

"Giờ đây, tôi xin phó thác anh em cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, là lời có sức xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến.

 

"Vàng bạc hay quần áo của bất cứ ai, tôi đã chẳng ham. Chính anh em biết rõ : những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận."

 

Nói thế rồi, ông Phao-lô cùng với tất cả các anh em quỳ gối xuống cầu nguyện. Ai nấy oà lên khóc và ôm cổ ông mà hôn. Họ đau đớn nhất vì lời ông vừa nói là họ sẽ không còn thấy mặt ông nữa. Rồi họ tiễn ông xuống tàu.” Chúng ta cùng suy gẫm những lời cuối cùng của thánh Phao-lô để kết thúc tuần tĩnh tâm.

 

“Tôi xin phó thác anh em cho Chúa”

Theo thói quen, khi kết thúc tuần tĩnh tâm, vị giảng phòng thường đưa ra những lời khuyên và đề nghị những “quyết tâm”. Việc này có thực sự là cần thiết và quan trọng không? Trước hết, chúng ta phải xác tín rằng mỗi người phải dựa vào những gì đã nảy sinh từ sâu thẳm trong ý thức và trong tâm hồn cầu nguyện của mình. Hơn nữa, thánh Phaolô nói rất rõ: tôi xin phó thác anh em cho Chúa. Những lời này nhắc lại lời Chúa Giêsu thưa với Cha Ngài trên thập giá: Lạy Cha, con phó dâng linh hồn con trong tay Cha (Tv 31, c. 6). Chúa Giêsu phó dâng mạng sống mình trong tay Chúa Cha. Đó cũng là phản ứng của thánh Phaolô mỗi khi ngài rời bỏ một cộng đoàn. Ví dụ chương 14 sách Công vụ tông đồ nói đến thái độ của Phaolô lúc ngài sắp trảy đi Pamphylia, sau khi đã an ủi và khích lệ các môn đệ ở Lystra, Icônia và An-ti-ô-ki-a: Trong mỗi Hội Thánh, hai ông chỉ định cho họ những kỳ mục, và sau khi ăn chay, cầu nguyện, hai ông phó thác những người đó cho Chúa, Đấng họ đã tin (c. 23). Nhờ đó, thánh Phaolô tự giải thoát khỏi lo âu, mà chính chúng ta đôi khi cũng cảm thấy, về những người chúng ta đã yêu mến và giúp đỡ. Thường chúng ta có nguy cơ cản trở họ, trong khi họ cần đi theo con đường riêng của chính họ và hoàn toàn tự do hành động. 

 

Giáo Hội thời hậu-tông-đồ khai sinh lúc mà các Tông Đồ can đảm tách ra, tin tưởng phó thác cho những người kế nhiệm. Không thể có mục vụ ki-tô giáo đích thực mà không đề cao tự do. Một linh mục được bổ nhiệm một chức vụ mới không thể nói rằng giáo dân trước đây được trao cho ngài không thể “tự giải thoát được” nếu họ không gọi phôn, không viết thư hoặc không đến thăm ngài. Tự tách ra không phải là dửng dưng, nhưng là một diễn tả của đức tin: tôi xin phó thác anh em cho Chúa vì từ nay Chúa sẽ dẫn dắt anh em. Điều đó tốt hơn là tôi làm hoặc có thể sẽ làm cho anh em. Đó là đức tin trong tình phụ tử tông đồ đích thực. Còn chúng ta, chúng ta thường muốn níu kéo những người đã được Chúa trao cho chúng ta trước đây với ý muốn tốt lành: họ vẫn cần tôi nâng đỡ. Nhưng chúng ta hãy tự hỏi: họ cần tôi thực sự hay tôi vẫn muốn duy trì ảnh hưởng, địa vị của tôi trong lòng họ?

 

“… Và cho lời ân sủng của Người”.

Lời thánh Phaolô nói thêm có một ý nghĩa rõ ràng. Ngài không trao phó lời ân sủng cho các kỳ mục, ngược lại, ngài trao các ông cho lời ân sủng. Điều đó có ý nghĩa gì? Câu trên nhắc lại câu thánh Tông đồ nói trong Công vụ tông đồ: “Tin Mừng về ân sủng” mà ngài là người làm chứng (20, 24). Đó cũng là lời đầu tiên Chúa Giêsu công bố khi Người loan báo Giao Ước Mới: Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quí vị vửa ngh” Và mọi người đều tán thành lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người (Lc 4, 21-22). Đó là công bố lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người tội lỗi: dù tôi thế nào đi nữa, Thiên Chúa vẫn đứng bên tôi, Người bênh vực tôi ngay ở đây và lúc này. Lời được hoàn thành bởi vì lời có quyền năng cứu độ hữu hiệu cho bất cứ ai tin. Lời đã là lời hứa đang được thực hiện.

 

Chúng ta có thể nói rằng thánh Phaolô trả lời trực tiếp cho câu hỏi canh cánh trong lòng các kỳ mục Ê-phê-sô là họ có thể tiến bộ khi thánh Tông Đồ vắng mặt không, hay làm thế nào họ có thể chống lại những “loài sói dữ” và làm thế nào họ đạt tới việc truyền bá lời ân sủng mà họ mới chỉ hiểu được phần nào. Lời không được trao phó cho các kỳ mục; Lời tác động nơi họ để làm cho họ trở nên những thừa tác viên của Tân Ước, những tôi tớ của Thánh Thần, Đấng làm cho sống, chứ không phải là chữ viết chết. Sức mạnh đó đến từ Thiên Chúa, dù chúng ta nhận nó trong những bình sành (xem 2 Cr 4, 7). Lời ân sủng mang chúng ta đi, giải phóng chúng ta và đổ đầy lòng chúng ta. Lời đó ở trong chúng ta, chỉ cần chúng ta chuẩn bị chỗ cho nó, đón nhận nó trong tâm trí và trong lòng ta. Lời ân sủng hứa với chúng ta rằng Chúa là Đấng Thương Xót đối với các linh mục chúng ta.

 

Lời Chúa là thế đó. Nó không phải là một loại mặc khải huyền bí, nhưng là một ân ban hữu hiệu có sức biến đổi và giúp chúng ta hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi. Hãy phó thác chúng ta cho lời ân sủng và hãy chắc chắn rằng không bao giờ bất trung với lời đó. Đó là thái độ chính yếu và thường xuyên của chúng ta. Đó là con tim của sự hoán cải nền tảng và đạo đức của chúng ta. Sức mạnh của ân sủng ở cạnh tôi, nâng đỡ tôi dù tôi tội lỗi, yếu đuối và mỏng dòn.

 

Quyền năng của ân sủng

Để các kỳ mục đừng hồ nghi về lời ân sủng, thánh Phaolô giải thích rằng: "Giờ đây, tôi xin phó thác anh em cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, là lời có sức xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến”. Ở đây, chúng ta lưu ý đến mối quan tâm chính yếu của linh mục là gì? Là làm thế nào để xây dựng cộng đoàn. Chúng ta sẽ xây dựng cộng đoàn một cách đích thực hay chỉ xây dựng bằng tranh, bằng gỗ, bằng đá rời rạc sẽ sập ngay trong cơn địa chấn đầu tiên của trận động đất là những khó khăn, thử thách, bách hại? Thánh Tông Đồ nhắc nhở rằng Lời có quyền năng xây dựng một cộng đoàn, cộng đoàn đó là khởi đầu phần gia tài của những người được cứu, là sự bảo đảm đời sống vĩnh cửu và là sự thực hiện những lời hứa về những của cải thời Thiên Sai.

 

Lời kết thư gởi tín hữu Rôma có thể cung cấp cho tuần tĩnh tâm của chúng ta một kết luận phong phú: “Vinh danh Thiên Chúa, Đấng có quyền năng làm cho anh em được vững mạnh theo Tin Mừng tôi loan báo, khi rao giảng Đức Giêsu Kitô. Tin Mừng đó mặc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa nhưng nay lại được biểu lộ như lời các ngôn sứ trong Sách Thánh. Theo lệnh của Thiên Chúa, Đấng hằng có đời đời, mầu nhiệm này được thông báo cho muôn dân biết, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa. Chỉ mình Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan thượng trí. Kính dâng Người mọi vinh quang đến muôn thuở muôn đời, nhờ Đức Giêsu Kitô. A-men.” (Rm 16, 25-27).

 

Sau khi đã suy tư và chiêm niệm, chúng ta thường sợ quên đi những gì Chúa giúp chúng ta hiểu và lại đắm chìm vào thói quen hàng ngày. Nhưng sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng khơi gợi trong những ngày này sẽ tiếp tục nâng đỡ chúng ta. Sự dấn thân trung thành của chúng ta không cần phải được lên chương trình; chúng ta lãnh nhận nó từ chính Thiên Chúa trong hi vọng, ân sủng và lòng thương xót. Người kitô hữu được khích lệ bởi đức tin và hi vọng. Đức tin và hi vọng chuẩn bị cho họ hiến dâng trọn vẹn chính mình.

 

Khó nghèo phúc âm của linh mục

1. Kế đó, thánh Phaolô nói lại những đề tài đã đề cập trước đây, bởi vì đó là những đề tài rất quan trọng đối với ngài. Đây là một loại tự thú, như mọi người vẫn làm trong các chúc thư, chúng ta thấy điều đó ngay từ lúc đầu: tiền bạc, hay quần áo, tôi không lấy của ai (c. 33). Đây quả là một lời cam kết không dính bén. Có nghĩa là, trong sứ vụ của mình, thánh Phaolô không tìm kiếm gì cho mình dù là vật chất hay tinh thần. Ngài thực hành sự khó nghèo phúc âm trong sứ mạng mục vụ. Đây không phải là tìm kiếm thực hành khổ chế nghiêm ngặt, vì chính đời sống linh mục đã bao gồm nhiều cực nhọc, đúng hơn, đây là không cho phép mình được dính bén với bất cứ cái gì.

 

Ví dụ, chúng ta đều biết, sự không dính bén của cải vật chất thì dễ dàng lúc đầu, nhờ nhiệt tình và niềm vui của bước khởi đầu đáp trả lời mời gọi. Nhưng năm tháng qua đi, xuất hiện những khả năng ưu tiên trực tiếp hay gián tiếp làm cho chúng ta giữ tiền bạc đôi khi quá mức mà ta cần, do nhu cầu ngay lập tức hoặc tương lai. Tuy nhiên, chính khi nguy cơ niềm hi vọng, sự không dính bén và tin tưởng suy yếu, chính khi xuất hiện sự mệt mỏi và sợ hãi bệnh tật, chính lúc ấy, sự siêu thoát trở nên cần thiết và đòi can đảm hơn, đồng thời trở nên sự thi hành nhân đức thực sự. Cám ơn Chúa vì những mẫu gương tuyệt vời và anh hùng về sự từ bỏ. Hãy nghĩ tới biết bao linh mục sống đàng hoàng, nhưng không bao giờ thu tích của cải cho mình hay cho người khác. Gương mẫu về đời sống theo Tin Mừng đó, giáo dân nhận ra ngay ý nghĩa của nó; họ hiểu rằng tính khả tín của linh mục, của giám mục, của người tông đồ nằm ở đó. Vả lại, sự từ bỏ thiêng liêng thuộc về con tim. Như thánh Phaolô gợi ý, sự từ bỏ đó là của một người“nô lệ” cho Chúa, của một người bị xiềng xích và chịu đựng nhiều nỗi gian truân. Chắc chắn, ở đây, chúng ta không nói tới tình yêu thực sự dành cho những người đã được Đức Kitô trao phó cho chúng ta. Đúng hơn, chúng ta nghĩ tới libido dominandi thiêng liêng (khát mong thống trị thiêng liêng) mà chúng ta phải cẩn thận canh chừng. Thống trị thiêng liêng làm chúng ta gắn bó với người khác để bù trừ sự thiếu thốn tình cảm hoặc một thiếu thốn nào đó. Khởi đầu, chúng ta có thể dễ dàng sửa thái độ đó. Nhưng một khi đã đâm rễ sâu vào tâm hồn và được biểu lộ khéo léo, nó xúc phạm trầm trọng đến người khác và hình ảnh linh mục. Thực vậy, lúc đó, chúng ta sẽ tìm cách thống trị người khác, và cuối cùng, tìm thoả mãn nhu cầu cá nhân, phục vụ chính mình.

 

2. Những lời sau đây của thánh Tông đồ cũng quan trọng không kém: Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp (c. 34). Cộng đoàn Ê-phê-sô còn non trẻ; có nhiều vấn đề và vẫn luôn hoài nghi. Vì thế, thánh Phaolô không muốn bắt ngân sách vừa lập được phải chịu chi phí; và ngài đã tìm cách tự lo cho mình bằng cách làm việc, dù điều đó có làm cho ngài mệt mỏi thêm. Chúng ta có thể thấy điều này nơi một vài linh mục và cần đánh giá từng trường hợp một, với tiêu chuẩn là ích lợi của sứ vụ và cộng đoàn. Dù sao, các cộng đoàn cũng có bổn phận phải lo đời sống vật chất cho các linh mục. Thánh Phaolô nói trong 1 Cr 9, 14: Ai rao giảng Tin Mừng phải có thể sống bằng Tin Mừng. Nhưng chúng ta phải luôn quan tâm đến việc này, đó là báo cáo cho cộng đoàn của cải mà họ dâng tặng. Làm được như vậy, chúng ta sẽ thi hành sứ vụ trong tự do, khi sống nghèo khó như thánh Phaolô đã làm gương.

 

3. Rồi thánh Phaolô mở rộng tầm nhìn khi nói thêm: Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế (c. 35 a). Một số nhà chú giải nghĩ rằng “người đau yếu” là những người nghèo. Thánh Phaolô dệt lều không những để sống mà còn để giúp người nghèo trong cộng đoàn. Một số nhà chú giải khác thì nghĩ rằng đây là “những người non yếu trong đức tin”. Trong Giáo Hội Ê-phê-sô có những người trước đây thường lui tới các đền thờ ngoại giáo, ở đó, các sư sãi buôn thần bán thánh. Thánh Phaolô muốn làm việc kiếm sống để chứng tỏ rằng nhiệt tình rao giảng của ngài không đem lại cho ngài một đồng bạc nào. Dù thế nào đi nữa, câu nói của ngài vẫn tuyệt vời. Nó diễn dịch sự không dính bén mà chúng ta vừa đề cập đến và gợi lại lời Chúa Giêsu: cho thì có phúc hơn là nhận (c. 35b).

 

Mối phúc của sự cho đi nhưng không

Câu 35b là một trong những viên ngọc quí của Kinh Thánh: đó là mối phúc của sự cho đi nhưng không. Theo nghĩa đen, câu này có tính cách khơi gợi hơn là những mối phúc khác. Nó không có hình thức ngữ pháp so sánh: phúc cho những ai nghèo khó, … phúc cho những ai hiền lành, … Cho thì có phúc hơn là nhận. Điều khẳng định này làm đảo lộn trật tự quen thuộc của lòng tham nơi con người. Ai cảm nhận sâu xa Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa mới có thể hiểu được những người sống theo lời dạy của mối phúc này. Nếu, Thiên Chúa hiến dâng chính mình, thì thụ tạo được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa sẽ diễn tả hình ảnh đó bằng cách cho đi hơn là nhận lãnh. Diễn từ Mi-lê-tô đạt đến cách diễn tả cao nhất là như vậy.

 

Ngài cầu nguyện với họ

Nói thế rồi, ông Phao-lô cùng với tất cả các anh em quỳ gối xuống cầu nguyện (c. 36). Chúng ta không biết nội dung của lời cầu nguyện này. Có thể thánh Tông Đồ đã cử hành thánh lễ với các kỳ mục như ngài đã làm trước đó ít lâu ở Troa. Trong trường hợp này, đó sẽ là lời cầu nguyện tạ ơn Chúa Cha. Cũng có thể thánh Tông Đồ cầu xin cho các kỳ mục phục vụ với hết lòng khiêm tốn, xin cho họ can đảm chịu đựng thử thách và gian truân, để lớn lên trong đức tin và hi vọng. Có lẽ thánh Phao-lô cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, xin cho họ đừng trốn tránh bổn phận rao giảng và giáo huấn các tín hữu, trong riêng tư cũng như cách công khai. Xin hãy làm cho họ biết giúp người khác hoán cải và củng cố đức tin của các tín hữu vào Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Xin hãy giúp họ đừng dừng bước giữa đường, nhưng tiến đi đến cùng, khi hoàn tất việc phục vụ mà Ngài đã trao phó cho họ. Xin hãy giúp họ làm chứng cho sứ điệp ân sủng của Thiên Chúa”.

 

Để kết luận, mỗi người chúng ta hãy dâng lên Chúa lời cầu nguyện dựa trên những gì đã suy niệm.

 

Mầu nhiệm giáo hội

Chúng ta cùng chiêm niệm cảnh tượng những Kỳ lão Ê-phê-sô oà khóc, ôm lấy cổ ông mà hôn rồi đưa ông xuống tận con tàu: “Ai nấy oà lên khóc và ôm cổ ông mà hôn. Họ đau đớn nhất vì lời ông vừa nói là họ sẽ không còn thấy mặt ông nữa. Rồi họ tiễn ông xuống tàu” (c. 37-38). Đây là hình ảnh rực rỡ của Giáo Hội đang hình thành. Để kết luận, xin trích đoạn cuối trong thông điệp Redemptor hominis của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II:

 

Khi tham dự vào toàn bộ sự phong phú của mầu nhiệm Cứu chuộc, Giáo Hội trở nên một Giáo Hội của những con người sống động, sống động bởi vì được sức sống bên trong nhờ hoạt động của Thánh Thần chân lý, bởi vì được viếng thăm bởi tình yêu Chúa Thánh Thần tuôn đổ vào tâm hồn chúng ta. Mục đích của toàn bộ việc phục vụ trong Giáo Hội, dù là tông đồ, mục vụ, linh mục, giám mục, đều để duy trì tương quan sống động của mầu nhiệm Cứu chuộc với tất cả mọi người.

 

Nếu ý thức về bổn phận này, chúng ta có thể hiểu rõ hơn Giáo Hội là mẹ theo nghĩa nào, và cũng hiểu rõ hơn, nhất là vào thời đại chúng ta, Giáo Hội đã luôn cần một người Mẹ theo nghĩa nào […]  Thực sự, nếu trong thời kỳ khó khăn và chính yếu này của lịch sử Giáo Hội và nhân loại, chúng ta cảm thấy nhu cầu đặc biệt hướng về Đức Kitô, là Chúa của Giáo Hội và của lịch sử nhân loại dựa vào mầu nhiệm Cứu chuộc, chúng ta tin rằng không ai khác có thể giới thiệu chúng ta với Ngài như Mẹ Maria làm trong chiều kích thần linh và nhân loại của mầu nhiệm này. Không ai đã được giới thiệu bởi chính Thiên Chúa như Mẹ Maria […] Đặc tính của tình yêu mẫu tử mà Mẹ Thiên Chúa tỏ lộ trong mầu nhiệm Cứu chuộc và trong đời sống Giáo Hội được diễn tả qua sự kiện là gần gũi con người và toàn bộ cuộc sống của họ. Mầu nhiệm làm Mẹ hệ tại chính ở điểm này. Giáo Hội tôn kính Mẹ với lòng thương mến và hi vọng một cách đặc biệt và Giáo Hội mong ước được thấm nhập mầu nhiệm này ngày một sâu xa hơn.

 

Cũng ở điểm này, Giáo Hội nhận biết con đường của đời sống hàng ngày của mình, mà mọi người góp phần xây dựng nên (trích số 22).

 

Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau. Và bởi vì con người là con đường của Giáo Hội, nhờ lời chuyển cầu của Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng ta, chúng ta hãy cầu xin cho linh mục chúng ta không chỉ có những quan niệm và lý tưởng tông đồ cao đẹp, mà còn biểu lộ chúng trong cách sống và cách “làm Giáo Hội”. Như vậy, chúng ta sẽ tham dự vào mầu nhiệm Giáo Hội-Mẹ.

Câu hỏi gợi ý:

1. Như thánh Phaolô, chúng ta có tin tưởng và phó thác chính chúng ta và cộng đoàn giáo xứ của chúng ta cho Lời ân sủng của Thiên Chúa không?

2. Về tiền của, chúng ta có thái độ nào? Không dính bén và biết cho đi như thánh Phaolô hay càng ngày chúng ta càng tích cóp để đề phòng cho tương lai?

3. Hình ảnh các kỳ mục Ê-phê-sô òa khóc ôm hôn Phao-lô là hình ảnh một Giáo Hội yêu thương nhau, chúng ta có đang xây dựng một Giáo Hội như vậy trong giáo xứ hoặc cộng đoàn chúng ta phụ trách chưa? Nếu chưa, thì chúng ta cần phải làm gì?

 

Bài cùng chuyên mục:

Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh (06/11/2024 08:54:01 - Xem: 285)

Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.

Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh  (24/10/2024 10:17:21 - Xem: 337)

Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục: Ô-tô con và Linh mục(1) (30/09/2024 07:47:47 - Xem: 840)

Anh em linh mục giáo phận không có lời khấn khó nghèo như linh mục dòng, nhưng không phải vì thế mà chúng ta muốn tiêu xài tiền bạc thế nào tuỳ ý.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và Thần khải  (21/09/2024 10:44:04 - Xem: 423)

Bài “Kinh nghiệm về Thiên Chúa và thần khải” của đan sĩ Anselm Grun giúp chúng ta hiểu đúng thế nào là thần khải, hầu tránh được những hiểu lầm tai hại cho đời sống thiêng liêng.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(3) (08/09/2024 07:45:34 - Xem: 429)

Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(2) (24/08/2024 10:17:51 - Xem: 467)

Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri  (10/08/2024 07:52:38 - Xem: 536)

Thời đại của chúng ta là thời đại khao khát Thiên Chúa một cách sâu xa, nhưng Thiên Chúa lai ẩn giấu, mờ mịt, tăm tối.

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.4) (22/07/2024 10:59:39 - Xem: 498)

Chúng ta tiếp tục đọc và suy tư các bài của Đan sĩ Anselm Grun. Trong bài này, ông phân tích rất sâu sắc về hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa của chúng ta

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.3) (03/07/2024 08:26:58 - Xem: 553)

Rất cần có một hình ảnh đúng về Thiên Chúa, nhờ dó, chúng ta có cái nhìn đúng về con người và hoàn cảnh của con người.

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.2) (23/06/2024 09:10:49 - Xem: 530)

Rất cần có một hình ảnh đúng về Thiên Chúa, nhờ dó, chúng ta có cái nhìn đúng về con người và hoàn cảnh của con người.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7