Tác giả - Tác phẩm

Abraham là ai? (bài 2)

  • In trang này
  • Lượt xem: 10,605
  • Ngày đăng: 05/05/2021 00:00:00

ABRAHAM,

                   CHA CHUNG TA TRONG DỨC TIN[1]

Carlo Maria Martini

 

Dẫn nhập

Trong các bài suy niệm về Abraham, chúng ta học nơi tổ phụ một niềm tin vững chắc, sắt đá vào Thiên Chúa và chương trình của Ngài. Abraham đã trải qua cả cuộc đời trong thử thách đức tin, và tổ phụ vẫn phó thác, tin tưởng trọn vẹn vào Thiên Chúa. Những dấu chỉ Chúa tỏ lộ, dù rất nhỏ bé đã đủ cho tổ phụ đặt trọn niềm tin.

 

Hành trình đức tin của Abraham cũng là hành trình đức tin của mỗi người chúng ta. Ước gì trên hành trình đức tin đó, chúng ta luôn được soi sáng và củng cố bởi tấm gương đức tin của tổ phụ, và nhờ vậy, chúng ta sẽ luôn kiên vững trong đức tin dù phải trải qua thử thách, gian nan đến đâu đi nữa.

 

Trong những trang sách về Abraham, Đức Hồng Y Martini cũng cho chúng ta những hướng dẫn rất quí giá về linh thao. Hi vọng điều đó sẽ giúp chúng ta suy niệm hoặc sống tuần tĩnh tâm đạt kết quả tốt đẹp.

 

                                                    Linh mục Mỹ Sơn, Long Xuyên

 

 

ABRAHAM LA AI?

Trong bài này, trước hết, chúng ta giải thích đề tài của tuần tĩnh tâm: “Abraham, cha chúng ta trong đức tin”; kế đó, trình bày cái nhìn thoáng qua về các nguồn cho chúng ta biết về Abraham. Cuối cùng là chính sự suy niệm dựa vào những câu hỏi: Đâu là khởi điểm đức tin của Abraham; từ sự nhận biết Thiên Chúa thế nào mà ông đã ra đi?

 

Lời Chúa:

ĐỨC CHÚA phán với ông Áp-ram: "Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi.  Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành. Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc."

Ông Áp-ram ra đi, như ĐỨC CHÚA đã phán với ông.  Ông Áp-ram được bảy mươi lăm tuổi khi ông rời Kha-ran. Ông Áp-ram đem theo vợ là bà Xa-rai, cháu là ông Lót, và mọi tài sản họ đã gầy dựng được, cùng với gia nhân họ đã có tại Kha-ran. Họ ra đi về phía đất Ca-na-an và đã tới đất đó. (St 12, 1-5)

 

1. Abraham là cha chúng ta trong đức tin.

Về điểm thứ nhất: đề tài tĩnh tâm, chúng ta sẽ đề cập đến những điểm sau:

Abraham là một “khuôn mẫu” đối với chúng ta.

Abraham là ai? Ông là nhân vật có thực hay không? Chúng ta có thể tranh luận về lịch sử tính của Abraham. Nhưng điều chúng ta quan tâm không phải là khuôn mặt lịch sử của ông, một nhân vật nửa du mục, nửa định cư, hoặc những gì Thiên Chúa đã hoàn thành nơi ông, hoặc những gì ông để lại cho chúng ta; nhưng là những gì mà Abraham đại diện dưới con mắt của tất cả những ai coi mình có liên quan đến ông. Bởi vì, Abraham không chỉ là một khuôn mặt cá nhân, mà còn là một “khuôn mẫu”. Ông đại diện cho dân Israel tìm kiếm Thiên Chúa. Abraham là người tìm kiếm Thiên Chúa, ông là số đông, là tất cả những ai kiếm tìm Thiên Chúa; ông cũng là mỗi người trong chúng ta đi tìm Thiên Chúa để sống theo Lời Ngài. Vì thế, chúng ta không dừng lại ở một nhân vật lịch sử, cá nhân; mà là một “khuôn mẫu” cho tất cả mọi người.

 

Abraham là cha của tất cả những ai kiếm tìm Thiên Chúa.

Abraham, cha của chúng ta, “của chúng ta” ở đây có nghĩa gì? Khi nói “của chúng ta” chúng ta muốn ám chỉ đến cộng đoàn nào? Dĩ nhiên là tất cả các cộng đoàn ki-tô hữu. Tuy nhiên, “của chúng ta” còn mở rộng tới tất cả cộng đoàn Do Thái, mà chúng ta có tương quan trong việc tìm kiếm cội nguồn nơi Abraham; tới cộng đoàn Hồi giáo, một cộng đoàn coi khuôn mặt Abraham hết sức quan trọng. Bởi vậy, “của chúng ta” ám chỉ tất cả những người tìm kiếm Thiên Chúa, tất cả cộng đoàn nhân loại tìm kiếm Thiên Chúa.

 

Đó là ý nghĩa từ “của chúng ta”. Ở đây và lúc này, chúng ta hiệp thông với tất cả những ai tìm kiếm Thiên Chúa: nam nữ, già trẻ, người hấp hối, kẻ bệnh tật; người hạnh phúc hay kẻ bất hạnh, người thất vọng hay kẻ tràn trề hi vọng, người công chính hay kẻ tội lỗi. Abraham trên con đường tìm kiếm Thiên Chúa đại diện cho tất cả.

 

Abraham là người cha dạy chúng ta con đường đưa đến sự sống

Abraham là cha chúng ta theo nghĩa nào? Theo nghĩa trong chương 1 Tin Mừng Mát-thêu: “Abraham sinh Isaac, Isaac sinh Gia-cóp …” cho đến Gia-cóp sinh Giuse, hôn phu của Maria. Bà sinh ra Chúa Giêsu được gọi là Ki-tô; mà từ Người, tất cả chúng ta được sinh ra. Đó là mối liên hệ cha con của chúng ta đối với Abraham: ông là cha của Đức Giê-su Ki-tô, từ nơi Người tất cả chúng ta được sinh ra. Theo nghĩa này, Abraham là cha chúng ta trong đức tin. Thực vậy, chúng ta là con cái của Abraham theo mức độ chúng ta sống đời sống ki-tô hữu, và theo mức độ chúng ta tháp nhập vào thân thể Đức Ki-tô.

 

Nhưng cái kết nối chúng ta với Abraham không chỉ là tương quan phả hệ, mà còn là gương mẫu. Thực vậy, khi phụng vụ nói về “cha chúng ta trong đức tin” là muốn nói rằng Abraham đi trước chúng ta như một người cha thực sự, khi dạy chúng ta con đường sự sống, khi trao lại truyền thống, khi làm sáng tỏ những cách sống và thái độ cư xử cho chúng ta. Như vậy, những thăng trầm, sợ hãi, cô đơn, ân huệ của Abraham tượng trưng cho những thăng trầm, sợ hãi, cô đơn, ân huệ của con người nói chung và của mỗi người chúng ta nói riêng, dưới ánh mắt của Thiên Chúa. Vì Abraham là kiểu mẫu người cha của chúng ta nên ông giúp chúng ta có khả năng suy gẫm về đức tin, vì số phận của chúng ta diễn ra nơi số phận của ông và vì ông là hình tượng mẫu về số phận của chúng ta trước Thiên Chúa và Lời Ngài.

 

Abraham cũng là cha chúng ta trong hành trình đức tin.

Những từ cuối cùng của đề tài là ‘cha chúng ta trong đức tin’. Chắc chắn, Abraham là cha chúng ta trong đức tin, không những bởi hành vi đức tin tuyệt đối vào Thiên Chúa của ông, mà còn trong sự sẵn sàng đón nhận đức tin và trong đức tin mở ra với hi vọng.

 

Không chỉ là cha chúng ta về đức tin và lòng đạo đức, Abraham còn là cha chúng ta trên con đường đức tin. Ông đã tiến triển trong đức tin và đời sống ông là một hành trình đức tin. Ông khởi đi từ một điểm, rảo qua một số giai đoạn và tiến tới đích. Còn tĩnh tâm cũng là con đường, là hành trình, đi từ một khởi điểm, đạt đến một đích điểm bằng cách trải qua những bài suy gẫm, những giờ cầu nguyện, đọc và lắng nghe Lời Chúa như các giai đoạn khác nhau trên hành trình đó.

 

Đọc 13 chương sách Sáng Thế nói về Abraham, chúng ta sẽ thấy các chương này được trình bày như một duy nhất, như một hành trình, như một lịch sử với những tiến triển, với những giai đoạn.

 

2. Chúng ta biết gì về Abraham.

Chúng ta dùng nguồn nào để suy gẫm về Abraham? Chúng ta đã đề cập tới những nguồn chính: Sáng Thế từ chương 12 đến 25, và trong Tân Ước, nhất là Roma 4, Galata 3, Do Thái 11. Tuy nhiên, có một cái nhìn rộng hơn về các nguồn Kinh Thánh là điều tốt, nhất là khi chúng ta có nhiều giờ trong những ngày tĩnh tâm, và mỗi người có thể tự tổ chức giờ đọc Kinh Thánh và các giờ suy gẫm nhiều hơn. Thực vậy, có nhiều nguồn trong Kinh Thánh nói tới Abraham. Đó là những nguồn hết sức phong phú, ở đấy, chúng ta có thể kín múc một số dữ kiện đây đó. Trước hết là các nguồn Kinh Thánh, không chỉ có Sáng Thế chương 12-25, mà còn trong những đoạn sách thánh khác trong Cựu và Tân Ước.

 

Trong Cựu ước, chúng ta gặp tên tổ phụ là Abram 60 lần, là Abraham 174 lần, tổng cộng hơn 230 lần; trong Tân ước, tên tổ phụ được nói tới 72 lần. Như vậy, cả trong Cựu và Tân ước là khoảng 300 lần. Nhưng, Cựu ước nói tới Abraham ít hơn là chúng ta tưởng. Chúng ta có thể nói, chỉ từ thời Lưu Đày, khuôn mặt Abraham mới mặc lấy tầm quan trọng trong Kinh thánh.

 

Tân ước đề cập tới Abraham 72 lần, - trong kinh Coran chúng ta gặp tên ông 69 lần -; còn Môsê được Tân ước nói tới 80 lần. Abraham và Môsê là hai nhân vật được trích dẫn nhiều nhất trong Tân ước.

 

Trong số những lần Tân ước đề cập tới Abraham, có hai lần dường như quan trọng, đó là trong bài ca ngợi khen Magnificat của Mẹ Maria; và trong bài ca ngợi Benedictus của Giacaria. Hai lần đề cập đó quan trọng vì chúng ta nhớ tới Abraham mỗi ngày khi đọc Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Đó là các nguồn Kinh thánh chúng ta có về Abraham. Chúng ta có thể tự đọc để lắng nghe và suy gẫm.

 

Ngoài ra, còn có các giáo phụ và các suy tư đạo đức về Abraham: trong phụng vụ, trong nghệ thuật kitô giáo, trong tranh ảnh, trong tiểu thuyết hoặc trong những trình bày hiện đại.

 

Còn một nguồn cuối cùng, đó là nguồn suy tư cá nhân. Tôi là Abraham: tôi đọc lại nơi tôi cuộc hành trình của ông thế nào? Điều này mang một tầm quan trọng đặc biệt vì mỗi người chúng ta đã, sẽ và đang trải qua kinh nghiệm của Abraham; vì thế, nên đọc những trang về Abraham bằng cách qui chiếu về kinh nghiệm cá nhân của mình.

  

3. Từ hiểu biết nào về Thiên Chúa, Abraham đã ra đi?

Đề tài suy gẫm ở đây là làm rõ, từ hiểu biết nào về Thiên Chúa mà Abraham đã ra đi. Có thể thêm vào đây một đề tài phụ: đâu là những giá trị và những giới hạn của kinh nghiệm tôn giáo đầu tiên của chúng ta? Cũng như Abraham, đời sống tôn giáo chúng ta có một khởi điểm. Chúng ta suy gẫm về nguồn gốc tôn giáo của Abraham để hướng về nguồn gốc tôn giáo của chúng ta, về cuộc hành trình đi về với Thiên Chúa của chúng ta.

Abraham biết Thiên Chúa khi nào và cách nào? Ba giả thuyết

Các nguồn rabbi đưa ra ba giả thuyết được Robert Martin-Achard tóm lược trong cuốn Actualité d’Abraham (tính thời sự của Abraham): theo một số rabbi, Abraham biết Thiên Chúa ngay từ những năm đầu đời của ông[2], nhờ một ân huệ đặc biệt Chúa ban; một số khác lại cho rằng ông biết Thiên Chúa vào lúc 14 tuổi khi ông được truyền thống gia đình dạy trong tôn giáo của Seth và No-e; cuối cùng, một số khác lại nói ông chỉ biết Thiên Chúa ở tuổi 48 sau một thời gian dài đi từ lầm lạc này sang lầm lạc khác.

 

Các rabbi không đặt câu hỏi khi nào mà là cách nào. Khi nói ở tuổi đầu tiên, Abraham nhận được một mặc khải khác thường, để biết Thiên Chúa, thì đây là một đặc ân Thiên Chúa ban, không cần nói gì thêm.

 

Còn nếu ở tuổi lớn hơn, thì giáo dục gia đình hay suy tư cá nhân có thể xen vào. Trong Do thái giáo, các rabbi nghĩ rằng nhờ chiêm ngắm tinh tú, Abraham khám phá ra một Đấng Độc Nhất, nguồn cội của tất cả. Ông hiểu rằng thay vì tôn thờ các tinh tú thì phải tôn thờ Người Chủ làm ra các tinh tú. Đó là kinh nghiệm tôn giáo có tính cách tự nhiên, là trực giác ông có về siêu việt, về ngẫu nhiên của vạn vật, giúp ông hiểu biết về Thiên Chúa độc nhất.

 

Còn về giả thuyết thứ ba, ông biết Chúa ở tuổi 48, thì có thể Abraham sống trong bầu khí tôn thờ ngẫu tượng một cách thường tình, với một hiểu biết mơ hồ về Thiên Chúa, nhưng lời Chúa đã làm ông hoán cải. Như vậy, ông biết Chúa thực sự khi ông được kêu gọi; nghĩa là ơn gọi và sự hoán cải xảy ra cùng lúc.

 

Những kinh nghiệm tôn giáo đầu tiên của chúng ta

Từ những gợi ý của các rabbi, chúng ta suy nghĩ về kinh nghiệm đức tin của mình: “khi nào?” Lúc 1 tuổi, 14 tuổi, 48 tuổi? và “cách nào?”, trong gia đình? Đối nghịch với gia đinh và môi trường xã hội như Abraham theo một số rabbi[3]? hay nhờ một kinh nghiệm tôn giáo sâu xa? Hoặc nhờ Lời Chúa, nhờ một loan báo?

 

Ở đây, mỗi người chúng ta đụng chạm tới những giá trị và những giới hạn trong kinh nghiệm đức tin mà Abraham đã trải qua. Điều quan trọng là chúng ta xem xét lại chúng trong những kinh nghiệm tôn giáo đầu tiên, trong cách thế đầu tiên gần gũi Thiên Chúa nơi chúng ta, cách thế đó đã trải dài qua bao năm tháng. Phải suy gẫm về những kinh nghiệm tôn giáo đó dưới ánh sáng Lời Chúa chúng ta mới hiều rõ về tình trạng đức tin của mình: sống động, sâu xa, vững mạnh hay vẫn còn nông cạn, hời hợt, trì trệ.

 

Ba khả năng

Ba lứa tuổi các rabbi đề nghị có ý nghĩa tượng trưng:    1 năm, 14 năm, 48 năm.

Một năm là gì? Đó là thời gian đầu tiên: Thiên Chúa mặc khải trực tiếp cho linh hồn, rõ ràng và trọn vẹn, ngay từ lúc đầu; đó là đặc ân Thiên Chúa đã ban cho Mẹ Maria, hoặc cho một vài người trong chúng ta. Đó là một hiểu biết thiên phú về Thiên Chúa, thực sự sâu xa, đâm rễ nơi sâu thẳm nhất của hữu thể, một ân huệ bao la, hiếm hoi và trong sáng.

 

14 năm là gì? Đó là thời gian gia đình bắt đầu khai tâm cho chúng ta về cầu nguyện, về danh Thiên Chúa, làm quen với những biểu tượng tôn giáo, dấu thánh giá, cây thánh giá. Giáo dục gia đình về tôn giáo là giáo dục đa số trong chúng ta lãnh nhận. Ngồi cạnh mẹ trong nhà thờ, biết cách làm dấu thánh giá, quen thuộc với đời sống cộng đoàn giáo xứ, đọc kinh gia đình, rước lễ lần đầu, thêm sức. Như vậy, một hành trình tôn giáo sâu xa thực sự bắt đầu.

 

Nhưng 48 năm nghĩa là gì? Nó tượng trưng cho một hành trình gian khổ, đầy những khó khăn, thử thách, trải qua hàng ngàn những lệch lạc về tư tưởng, lạc hướng, lúc tìm bên phải, lúc bên trái, như thánh Au-gus-ti-nô xưa kia. Tạ ơn Chúa đã ban một kinh nghiệm đức tin chín mùi trong gia đình. Dù vậy, chúng ta cũng tự hỏi, có cần phải đợi đến 48 năm để gặp gỡ Thiên Chúa thực sự không? Nếu xét kỹ, thì ở một mức độ nào đó của đức tin, rất có thể đến năm “48 tuổi”, chúng ta mới gặp được Thiên Chúa.

 

Thực sự, chúng ta có thể sống một kinh nghiệm tôn giáo mơ hồ lâu năm, không nắm được ý nghĩa sâu xa, vẫn như kẻ xa lạ với Chúa, không đâm rễ sâu vào tâm hồn. Đó không phải là điều xấu, mà là một thực tế cho thấy Thiên Chúa luôn kêu gọi và chờ đợi chúng ta. Đúng vậy, vô số những cách thế đạt đến một kinh nghiệm đích thực về Thiên Chúa, nhờ sự thanh luyện những kinh nghiệm đã có. Không thể xác định thời gian để đạt được điều đó. Nó có thể kéo dài rất nhiều năm.

 

Thực vậy, chúng ta chỉ có thể đạt được một kinh nghiệm đích thực về Thiên Chúa nhờ Lời Chúa soi sáng và thanh luyện không ngừng. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Những thanh luyện chúng ta đã trải qua là những thanh luyện nào? Chúng xảy ra khi nào và ở đâu trong hành trình đức tin của chúng ta? Phải xác định những giờ phút, những năm tháng, những thời kỳ; phải xem xét những khó khăn kéo dài ra sao, phải nhìn thấy những bóng tối và ánh sáng kế tiếp nhau như những thử thách, những đau buồn, những vắng mặt của Thiên Chúa: Chúa không có đấy rồi tất cả lại bắt đầu. Chúng ta nên suy nghĩ về thời kỳ này và trình bày với Chúa, bằng cách liên tưởng tới kinh nghiệm khởi đầu của Abraham.

 

Kinh nghiệm đức tin đến với chúng ta cách nào?

Bây giờ, chúng ta suy nghĩ về “cách nào”. Trước hết, nên nhớ cách thế chúng ta đạt đến một kinh nghiệm đức tin luôn có mặt tích cực và tiêu cực; tích cực vì giúp chúng ta tiến xa hơn trên hành trình đức tin, tiêu cực vì rất có thể lại cản trở và làm chúng ta trệch đường. Vì thế, như đã nói ở trên, những kinh nghiệm về Thiên Chúa dù đạt đến mức độ nào, cũng luôn cần được thanh luyện.

 

Dựa vào những trình bày ở trên, bây giờ, chúng ta cùng xem xét những kinh nghiệm về Thiên Chúa đến với chúng ta cách nào. Có thể nói tới ba kinh nghiệm sau đây:

 

Kinh nghiệm thứ nhất: kinh nghiệm về Thiên Chúa đầu tiên xuất phát từ gia đình, đó là một truyền thống lâu đời. Chúng ta đều biết giá trị bao la của loại giáo dục tôn giáo gia đình này. Ki-tô giáo cũng là một truyền thống; chúng ta thuộc về một truyền thống sống động. Thật là một ân huệ lạ lùng khi được sinh ra, được giáo dục trong truyền thống ki-tô giáo. Dù vậy, chúng ta cũng không thoát khỏi những giới hạn của truyền thống đó: bao nhiêu điều đã lãnh nhận trở nên tầm thường, quá rõ ràng, tự nhiên, không có gì nổi bật, đáng lưu tâm.

 

Có những người sống truyền thống ki-tô giáo mà không có một cảm nhận gì, không có ý thức rõ ràng về Thiên Chúa, cho đến lúc Chúa soi sáng, mở lòng và đón nhận như một ánh sáng mới rực rỡ, tác động sâu xa mạnh mẽ trong tâm hồn. Có thể do một biến cố đặc biệt nào đó xảy ra trong đời sống; có thể nhờ những giây phút cầu nguyện, chiêm niệm trong những ngày tĩnh tâm; có thể do một gặp gỡ đặc biệt nào đó, … Điều đó xảy ra lúc nào? Có thể đến 48 tuổi mà cũng có thể hơn.

 

Kinh nghiệm thứ hai: như Abraham rời xa gia đình, chúng ta cũng cần ra khỏi bầu khí tôn giáo tầm thường, xám xịt, bất lợi, dửng dưng, không nhận thức; bầu khí đó không trợ giúp gì cho đức tin của chúng ta. Nhờ tách rời khỏi bầu khí tôn giáo quen thuộc đó, chúng ta đạt tới một kinh nghiệm về Thiên Chúa rõ ràng hơn, sống động và sâu xa hơn. (Ví dụ 2 trường hợp với những hệ quả khác nhau: 1/ Đức tin hình như sống động vững mạnh khi còn ở Việt Nam, nhưng khi đi học ở Pháp, đến phục vụ tại một giáo xứ Pháp, đức tin đó bị lung lay, bị đặt dấu hỏi vì thấy người Pháp không còn tin Chúa nữa. Họ rất ít đi lễ, có lẽ chỉ khoảng 5% còn đi lễ mỗi tháng được một lần; hầu như không còn ai xin xưng tội, xin xức dầu. Không những dửng dưng với tôn giáo, người Pháp còn thù nghịch với Giáo Hội nữa. Tuy nhiên, nhờ trải qua những thử thách đó, đức tin truyền thống được thanh luyện. Đức tin đó giờ đây mạnh mẽ hơn, có tính cá nhân hơn: chính tôi tin Chúa, chứ không còn bị lệ thuộc vào tính tập thể của thói quen, của truyền thống nữa: chúng tôi tin Chúa. 2/ Ngược lại, đức tin cũng có thể bị mất đi. Chúng ta có thể nói đến tình trạng khô khan, bỏ đạo của những người công giáo di dân kinh tế. Khi họ rời bỏ giáo xứ hầu như toàn tòng, đến ở những nơi ở xa nhà thờ, chung quanh là người ngoại, họ không còn giữ đạo sốt sắng như xưa nữa.)

 

Kinh nghiệm này có một lợi điểm đáng chú ý: sự biểu lộ nhân cách rõ ràng hơn, lớn hơn. Nhưng cũng có một giới hạn, một bất lợi. Giới hạn đó là chúng ta nghĩ sự hoán cải là kết quả do công lao chúng ta, là cố gắng của chúng ta, là lý tưởng mà cuối cùng chúng ta cũng đạt tới. Từ đó, một số người hoán cải trở nên ngoan cố, bướng bỉnh, cuồng tín, xa rời cộng đoàn, làm cho tôn giáo trở thành việc hết sức cá nhân.

 

Như vậy, lợi điểm cũng đồng thời là điểm bất lợi vì từ đó, phát xuất sự hàm hồ; tôn giáo trở nên công việc của cá nhân tôi. Tôn giáo mạnh mẽ, nhưng giới hạn. Những người này hiểu một ý tưởng, nhưng ý tưởng đó trở thành toàn trị, thành một ý thức hệ, muốn thôn tính tất cả. Với sự có mặt của họ, chúng ta phải kiên nhẫn, phải chịu đựng đau khổ vì họ muốn áp đặt quan điểm của mình. Ai trong loại người này cũng muốn thuyết phục kẻ khác đi theo ý thức hệ của mình, vì đó là một cuộc chinh phục, một sự thiện, một kho tàng quí giá họ muốn áp đặt trên mọi người. Có thể tóm lại một thành công lớn lại kết thúc bằng một thất bại lạ lùng.

 

Vì đức tin của chúng ta là sự trộn lẫn phức tạp giữa những kinh nghiệm sâu xa, cá nhân, và những biến dạng cản trở và làm trệch hướng, nên đức tin đó luôn cần được Lời Chúa hoán cải, thanh luyện thoát khỏi tối tăm và sai lạc.

 

Lời Chúa

Và bây giờ đến kinh nghiệm thứ ba: đây là kinh nghiệm có giá trị đích thực. Abraham đã hoán cải nhờ Lời Chúa. Ông trải nghiệm một Thiên Chúa Tuyệt Đối, Toàn Biệt, Toả Sáng, Cuốn Hút; Ngài nói và hành động hoàn toàn như Ngài muốn. Đó không phải là Thiên Chúa mà vũ trụ có thể đo lường được, nhưng là một Thiên Chúa tỏ lộ một cách bất ngờ, không thể hiểu thấu. Ngài là Đấng vượt xa mọi hiểu biết của ông. Do đó, trong lòng Abraham sục sôi một cảm nhận mới.

 

Abraham khởi đi từ El qua Giavê. El là Thiên Chúa vĩ đại của bầu trời, một Thiên Chúa an hoà thống trị mọi sự; chúng ta phải sống thích ứng với Ngài, đồng thời Ngài cũng thích ứng với chúng ta là những người chăn chiên, nhà nông. Đó là niềm tin tôn giáo đơn giản và tự nhiên. Còn Giavê, Ngài rời khỏi núi non với sức mạnh; Ngài gây ra đấu tranh và các đổi thay; Ngài đòi hỏi; nhưng đồng thời Ngài cũng là một mầu nhiệm, là Đấng Tối Cao, Đấng Tuyệt Đối. 

 

Sự chuyển từ El qua Giavê sẽ ảnh hưởng trên toàn bộ nhịp sống của Abraham, ông không ngừng chạm trán với Ngài. Nhưng nó cũng ghi nhận sự mở ra với Lời bất ngờ, không thể hiểu được của Thiên Chúa bởi vì chúng ta chưa từng bao giờ nhìn thấy Ngài, chúng ta không biết Ngài là ai. Tuy nhiên, chúng ta nhận ra Ngài hành động trong chúng ta, chúng ta tin tưởng phó thác cho Ngài, dấn thân theo Ngài mà không biết Ngài thực sự thế nào. Đó là kinh nghiệm về sự hoán cải và ơn gọi của Abraham, vào một lúc nào đó trong cuộc đời ông, nhưng ông không ngừng sống lại giờ phút đó và đào sâu nó.

 

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã trải qua kinh nghiệm như Abraham? Khi nào? Và nó có không ngừng được đổi mới không? Nghĩa là khởi đi từ El như một Thiên Chúa an hoà, êm đềm, nhưng không có gì nổi bật, ghi dấu ấn sâu đậm nơi chúng ta, đến với Giavê như một Thiên Chúa mời gọi và đòi hỏi, nên chúng ta phải hết sức lắng nghe và nỗ lực không ngừng để đáp lại. Nhờ đó, kinh nghiệm về Ngài ngày một rõ ràng hơn. Ngài tác động mạnh mẽ nơi chúng ta. Kinh nghiệm đó bây giờ thế nào? Có thể có nhiều câu trả lời khác nhau: nhận biết, từ chối, coi thường, gắn bó mơ hồ hoặc luôn luôn rõ ràng. Chúng ta có thể tìm thấy tất cả những thái độ đó trong đời sống đạo của chúng ta. Chúng xuất hiện bởi vì Thiên Chúa trở thành người cùng chia sẻ với ta trong hiện hữu và vì thế mà có đấu tranh với Ngài.

 

Điều quan trọng là chúng ta nhận ra nơi mình hành trình đức tin mà Abraham đã trải qua. Hãy tự hỏi: tôi đã trải qua những đấu tranh, thử thách nào để vững tin vào Thiên Chúa của lời hứa? Chúng ta hãy gợi lại cuộc tìm kiếm Thiên Chúa mà Abraham đã trải nghiệm bằng cách đọc những câu thánh vịnh sau:

 

 

Lạy Chúa, con tìm Ngài,

Con đợi chờ lời Ngài

Con ước mong biết Ngài,

Xin Chúa cho con biết Chúa,

Xin hãy mở ra cho con chân lý của Ngài. (Tv 119)

 

 

Câu hỏi gợi ý:

1. Đâu là những dấu vết của sự khởi đầu hành trình đức tin nơi tôi? Những dấu vết đó bây giờ ra sao: mờ nhạt, sâu đậm? Nếu vẫn rất mơ hồ thì tại sao?

 

2. Kinh nghiệm đức tin của tôi thế nào? Tôi đã trải qua những giờ phút hoán cải nào về đức tin? Nhờ đâu và lúc nào? Đức tin đó có được nội tâm hoá ngày một tiến triển và sâu xa nơi tôi không?

 

3. Kinh nghiệm đức tin của tôi có được Lời Chúa hướng dẫn và tác động sâu xa không? Trong các hoạt động tông đồ, người khác có thể “thấy”, “cảm nhận” được đức tin của tôi không? Tôi có thấy, có cảm nghiệm mình truyền đạt một đức tin sống động cho người khác nhờ đã thực sự gặp gỡ và sống mật thiết với Chúa không?

 

4. Tôi cần phải làm gì để đời sống đức tin của tôi, ngày một sâu xa, trở thành nguồn lực cho mọi hoạt động tông đồ, truyền giáo của tôi?

 

Lưu ý: Mỗi người chúng ta sẽ cố gắng đọc Sáng Thế chương 12 đến 25 cùng những đoạn kinh thánh khác rút ra từ Tân Ước nói đặc biệt về Abraham như thư Rô-ma 4, Ga-lát 3, Do thái 11 theo cách trên. Chúng ta phải chăm chú, đọc bản văn và tự hỏi bản văn nói gì với tôi? Rồi hãy để Lời Chúa lắng đọng trong tâm tư và hướng dẫn mình.

 


[1] Chuyển ý từ “Abraham, notre père dans la foi”, Carlo M. Martini, Éd. Saint Augustin-Saint Maurice, Suisse, 1994.

 

[2] Trong bản văn chính, nói là 1 tuổi và 3 tuổi, thay vì nói những năm đầu đời và năm 14 tuổi.

[3] Sách các năm đi xá (Livre des Jubilés) cho chúng ta nhng ch dn khác. Vào năm 14 tui, ông khám phá ra s suy đi ca con ngưi nên xa ri cha ông đ không phi tôn th các thn gi hiu; ông tìm mi cách thuyết phc cha ông đng th các ngu tưng, nhưng vô ích, vì vy, ông quyết đnh đt các tưng thn; em ông thy vy nhào vô la đ cu, thì b chết cháy. Ý tưng v la xut phát t Kinh thánh vì có ln Thiên Chúa nói vi Abraham: “Chính Ta là Thiên Chúa đã cu ngươi khi ngn la ca ngưi Can-đê”. Các rabbi t hi la đây là gì, có phi là mt trn cháy ln mà ông suýt chết? hay ám ch s suy đi ca ngưi Can-đê mà Thiên Chúa đã cu ông thoát khi? Abraham cu xin Chúa cu ông đng đ ông rơi vào lm lc; giúp ông nhìn thy tt c nhng gì ông phi làm; và Thiên Chúa đã đáp li li ông xin. Như vy, Abraham phi có mt tương quan vi Thiên Chúa, mt hiu biết v Thiên Chúa là Đng cho phép ông hưng v Ngài và nghe tiếng Ngài. Vì thế, mt s rabbi nghĩ rng ông biết Thiên Chúa là nh gia đình và giáo dc ca gia đình; ngưi khác li cho rng đó là do ông chng li ngưi cha quá tôn th thut chiêm tinh.

Bài cùng chuyên mục:

Suy niệm Tĩnh tâm năm 2024 : kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa đích thực  (10/12/2024 07:45:18 - Xem: 76)

Sau đây là 4 bài suy niệm sáng trong dịp tĩnh tâm năm 2024 của linh mục đoàn giáo phận Long Xuyên. 4 bài đều theo cùng một chủ đề: kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa đích thực

Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh(phần 1) (24/11/2024 14:16:50 - Xem: 251)

Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu.

Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh (06/11/2024 08:54:01 - Xem: 370)

Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.

Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh  (24/10/2024 10:17:21 - Xem: 435)

Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục: Ô-tô con và Linh mục(1) (30/09/2024 07:47:47 - Xem: 923)

Anh em linh mục giáo phận không có lời khấn khó nghèo như linh mục dòng, nhưng không phải vì thế mà chúng ta muốn tiêu xài tiền bạc thế nào tuỳ ý.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và Thần khải  (21/09/2024 10:44:04 - Xem: 481)

Bài “Kinh nghiệm về Thiên Chúa và thần khải” của đan sĩ Anselm Grun giúp chúng ta hiểu đúng thế nào là thần khải, hầu tránh được những hiểu lầm tai hại cho đời sống thiêng liêng.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(3) (08/09/2024 07:45:34 - Xem: 468)

Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(2) (24/08/2024 10:17:51 - Xem: 497)

Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri  (10/08/2024 07:52:38 - Xem: 563)

Thời đại của chúng ta là thời đại khao khát Thiên Chúa một cách sâu xa, nhưng Thiên Chúa lai ẩn giấu, mờ mịt, tăm tối.

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.4) (22/07/2024 10:59:39 - Xem: 523)

Chúng ta tiếp tục đọc và suy tư các bài của Đan sĩ Anselm Grun. Trong bài này, ông phân tích rất sâu sắc về hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa của chúng ta

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7