Tác giả - Tác phẩm

Abraham, Cha chúng ta trong đức tin(bài 8 Bis)

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,086
  • Ngày đăng: 13/11/2021 10:08:42

ABRAHAM,

                   CHA CHÚNG TA TRONG ĐỨC TIN[1]

Carlo Maria Martini

Linh mục Mỹ Sơn, Long Xuyên chuyển ý

 

 

CHỈ DẪN THỨ TƯ

Phân định các thần trí

Chúng ta đến giai đoạn thu thập một chút những chuyển động nội tâm: ước muốn, lay động, dự định, chương trình, để lần lượt xem xét nhằm “đổi mới đời sống” theo thánh Inhaxiô. Giai đoạn này có thể rất đơn giản, nhưng nó phải nảy sinh dần dần theo dòng thời gian suy gẫm và cầu nguyện từ sự va chạm và âm vang của tất cả những gì diễn ra trong nội tâm sâu xa nhất của chúng ta. Thánh Inhaxiô đề nghị vẫn suy gẫm bình thường, nhưng đến một lúc nào đó, chúng ta cần đưa ra một số chọn lựa đặc biệt để thực hiện hoặc ý thức rõ ràng hơn về những gì diễn ra trong ta: theo những hướng mới, đưa ra một quyết định, thay đổi điều này hoặc điều nọ.

 

Phân định các thần trí

Trong tất cả những điều đó, có hai điều cần thực hiện và hiện tại hoá: sự phân định các thần trí và tiến trình đi đến quyết định. Về điểm thứ nhất, chúng ta sẽ nói ngắn gọn, như một chú thích và khuyến khích việc đọc những qui luật về phân định các thần trí ở các số 313-336.

 

Chúng ta cần có cái nhìn rộng hơn về chỉ dẫn này, vì thế, có thể đặt tên là: “Phân định các thần trí; những qui luật để có một cảm nhận đích thực trong Giáo Hội; cách thế để lấy quyết định.” Trong đầu đề trên, có ba dữ kiện cần xem xét chung với nhau. Về dữ kiện thứ hai, xin nhấn mạnh là những qui luật để có một cảm nhận đích thực của chúng ta trong Giáo Hội, chứ không phải với Giáo Hội như thường nói. Đó không phải là những qui luật để cảm nhận với Giáo Hội, mà chính là những qui luật để cảm nhận trong chân lý, để có một tình cảm đúng đắn và sâu sắc, một cảm nhận chính xác về những sự việc trong Giáo Hội.

 

Về phân định, chúng ta cần tránh hiểu sai. Người ta thường nói, tôi đã phân định, theo nghĩa tôi đã quyết định. Phân định có một ý nghĩa khác, nó không thuộc về sự quyết định. Đó là hai thực tại phân biệt và chỉ đến một lúc nào đó người ta mới có thể thấy chúng thâm nhập vào nhau.

 

Định nghĩa sự phân định thì dài và phức tạp, tuy nhiên sẽ diễn tả rõ ràng ý nghĩa của nó. “Sự phân định là một phán đoán thận trọng, về cảm xúc tôn giáo xét như là nơi và phương tiện trung gian thể lý của ân sủng vô hình.” Đây là một định nghĩa gây tranh cãi, chúng ta sẽ giải thích sau.

 

Đánh giá trên bình diện cảm xúc tôn giáo …

Sự phân định là một phán đoán, một đánh giá; chứ không phải là một chọn lựa hay một quyết định. Thánh Inhaxiô nói: “Câc qui luật để cảm biết và nhận ra phần nào” (313). Lưu ý đến sự tinh tế của thánh nhân; bởi vì khi cảm biết, chúng ta có thể đánh giá.

 

Sự phân định đúng là một kiến thức dùng để đánh giá, nó hoạt động để hành động, mặc dù hành động chỉ là trung gian, nghĩa là, theo thánh Inhaxiô, hành động để “đón nhận những điều tốt và loại bỏ những điều xấu.” Ở đây, chúng ta vẫn ở trên bình diện “cảm xúc tôn giáo” mà phân định cố gắng đưa ra một “phán đoán thận trọng”, nghĩa là một phán đoán dựa trên một suy tư và một kinh nghiệm không phải là không sai lầm. Đó là cách thế tìm hiểu cảm xúc này với một ước muốn chân thành, nhưng chỉ phỏng đoán, chứ không chính xác. Từ “cảm xúc tôn giáo” có nghĩa giới hạn, vì thế, chúng ta phải hiểu theo nghĩa rộng, nó là tất cả những gì thánh Inhaxiô nói đến như: những chuyển động, những thúc đẩy này sinh trong tâm hồn trong mối tương quan với Thiên Chúa.

 

…Sự đánh giá lưu tâm đến âm vang tình cảm của đức tin ...

Đối tượng của phân định là những gì chuyển động trong cảm xúc, nghĩa là phản ứng thể lý trước những triển nở của hiểu biết và ước muốn đạo đức trong mối tương quan với Thiên Chúa. Khi nói “cảm xúc tôn giáo”, là có ý nói sự phân định không đụng chạm tới trọng tâm của đức tin, vì đó luôn là điều bí ẩn của Thiên Chúa. Chúng ta không đưa ra một phân định về đức tin, đức cậy hay đức ái, nhưng chỉ phân định về những âm vang tình cảm, thể lý. Những âm vang này khắc sâu trong con người sống động và cụ thể, chúng nảy sinh từ mầu nhiệm vô hình, không thể đụng tới, mà chỉ cái nhìn của Thiên Chúa mới đạt tới được, Ngài là Đấng nói trong sâu thẳm tâm hồn con người trong đức tin, đức cậy và đức mến. Phân định không đụng chạm tới trọng tâm của đức tin, nhưng tới biểu lộ của đức tin trong những chuyển động tình cảm rất phong phú như: ước muốn, nhiệt tình, tình cảm, cảm xúc, xúc động, tất cả những gì thuộc địa hạt thâm sâu của cảm xúc và tư tưởng, thuộc về con người sống động.

 

Tất cả những chuyển động này luôn kết nối một cách nào đó với thân xác, có thể là những dấu hiệu tích cực như: niềm vui, bình an, an ủi, nhiệt thành, cổ vũ, hăng hái, muốn hành động, hiến thân cho tất cả mọi người, mạo hiểm, chịu tử đạo … Nhưng đồng thời những chuyển động đó có thể là những dấu hiệu tiêu cực như: nguồn cội của sự ghê tởm, chán ghét, nóng nảy, oán giận, cảm giác xa rời tất cả những gì nhắc đến hay đại diện cho thế giới thần linh … Tắt một lời, từ “cảm xúc tôn giáo” ở đây chỉ tất cả những gam mầu của âm vang tình cảm theo nghĩa rộng, cả trong lãnh vực ý chí, theo nghĩa tích cực cũng như tiêu cực.

 

… để nhìn ra chúng có phát xuất từ ơn Chúa không

Chúng ta đã định nghĩa phân định là một “phán đoán thận trọng” về những âm vang tình cảm, để xác định những âm vang nào cần nuôi dưỡng và phát triển, những âm vang nào cần xa tránh và loại bỏ. Như vậy, chúng ta học cách cư xử trong một thế giới đa dạng và náo động, thế giới đó như cái chảo lớn, trong đó, mọi cảm xúc tôn giáo hòa trộn. Đương nhiên, ai cũng biết điểm qui chiếu, nguồn gốc của sự phán đoán thận trọng đó là “ân huệ vô hình” của Chúa, của đức tin, và sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động và thúc đẩy, được nhận biết qua tất cả những xục xôi hay vắng lặng, theo nghĩa tiêu cực cũng như tích cực trong đời sống thể lý của con người cụ thể.

 

Dù vậy, ở đây, nảy sinh một vấn đề hết sức tế nhị có thể làm cho sự phân định các thần trí trở thành một khí cụ nguy hiểm hoặc khó sử dụng. Mọi chuyển động nội tâm như: phấn khởi, tình cảm, cảm xúc hay sợ hãi, ghê tởm, chán ghét… chắc chắn lệ thuộc vào yếu tố bên trong của đức tin, nhưng đồng thời cũng lệ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác đến từ bên ngoài, dù đa số chúng nằm bên trong chúng ta, và chúng ta gọi là: tính khí, sức khoẻ, tiêu hoá, thời gian, những hoàn cảnh làm chúng ta rối loạn; tất cả những gì, cách này hay cách khác, đại diện cho hoàn cảnh tìm cách chiếm đoạt tâm hồn ta và điều khiển nó. Đó là cái khó: làm thế nào phân định cái gì là chuyển động nội tâm mà đức tin giúp chúng ta qui cho hoạt động biến đổi của Thiên Chúa trong ta; và cái gì đơn giản chỉ là biểu lộ sức sống nơi ta: không khí trong lành giúp hít thở sảng khoái khiến chúng ta vui vẻ bắt đầu cầu nguyện. Mọi sự đều tốt đẹp, bởi vì có một sức sống bên ngoài.

 

Theo cái nhìn về quan phòng, đúng là chúng ta có thể coi tất cả những điều đó như ơn Chúa và là thành phần của sự phân định, theo nghĩa rộng. Nhưng nếu có quá nhiều yếu tố được cảm nhận từ bên ngoài hay do tính khí, thì đó không phải là thế giới của cảm xúc tôn giáo đúng nghĩa, phát xuất từ nội tâm con người, đặc biệt điều này đúng khi nói đến những tình trạng tiêu cực. Chúng ta có thể ở trong một tâm trạng rất xấu, nhưng lại dưới ảnh hưởng sâu xa của ơn Chúa, nếu tâm trạng xấu này do những hoàn cảnh bên ngoài gây ra, ví dụ như khi chúng ta bị nhức đầu, hoặc lâm vào những tình thế khó khăn, làm cho tâm lý không ổn định khiến chúng ta không đón nhận những thúc đẩy của ơn Chúa cách dễ dàng, tuy nhiên, chúng ta cảm nhận và sống thực tại đó hết sức sâu xa.

 

Từ định nghĩa về phân định đã nói, chúng ta có thể rút ra kết luận thứ nhất: phải hết sức dè dặt. Khi ta nói: Thiên Chúa muốn tôi làm điều này, điều này … hoặc Chúa soi sáng cho tôi hiểu điều này, điều này… ta phải tự hỏi: nhưng làm sao tôi có thể biết điều đó? Nếu biết được thì rất tốt; nhưng thường là khó có thể hiểu điều đó một cách dễ dàng như vậy. Đặt những lời đó vào bầu khí quan phòng, bầu khí đức tin thì càng tốt. Nhưng khi chúng có liên hệ đến những ước muốn, những khắc khoải, những nhiệt tâm nào đó, thì phản ứng đầu tiên là dè chừng; thực vậy, chúng ta không thể đi đến những quả quyết như thế ngay lập tức; thực là tuyệt vời nếu đạt đến kết quả đó, chúng ta sẽ đạt được, nhưng không thể quả quyết điều đó ngay lập tức.

 

Hai nguyên tắc để “phân định” đúng đắn

Nguyên tắc thứ nhất: Thiên Chúa muốn dẫn dắt chúng ta đến ơn cứu độ; chính trong ý định đó Ngài hoạt động trong thế giới, trong lịch sử và trong chính tôi. Nhưng ơn cứu độ là gì? Ơn cứu độ là bình an, như Kinh thánh nói; là sự viên mãn của thời gian, sự viên mãn của tất cả những gì tích cực, của niềm vui, của hoà bình, của thanh thản, của hoan hỉ; rõ ràng hoạt động của Thiên Chúa diễn ra trong chiều hướng đó. Vì thế, cuối cùng, niềm vui, bình an, hoan hỉ, nhiệt tâm, thanh thản là những tiêu chuẩn cho biết đó là hành động của Thiên Chúa. Nói là cuối cùng bởi vì có thể chúng ta phải trải qua những giờ khó khăn, khắc khoải trước đó. Abraham đã trải qua những giờ phút phân định khó khăn mới hiểu rằng không cần sát tế con mình! Đây là một phân định không có niềm vui, cũng không có bình an, không có yên tĩnh, đúng hơn ngập tràn nỗi khắc khoải và đấu tranh dữ dội. nguyên tắc trên vẫn có giá trị, nhưng là giá trị cánh chung, hướng về Nước Thiên Chúa; như thế, chúng ta có thể áp dụng nguyên tắc này cho những trường hợp khác, nhưng phải khôn ngoan và có những chú ý cần thiết.

 

Nguyên tắc thứ hai: Thiên Chúa hoạt động thâm sâu trong tâm hồn (interior intimo meo: trong sâu thẳm tâm hồn tôi hơn chính tôi), và Ngài hoạt động cách vô hình, không thể nhận ra, nhưng rất thực. Vì, cũng một hoạt động thường xuyên của Ngài tái tạo con người tôi, cũng một hoạt động thường xuyên, vĩnh cửu đó tái tạo tôi làm con: đó là nguồn gốc của tất cả những gì hoàn thành nơi tôi trong lãnh vực đức tin, đức cậy và đức mến. Hoạt động đó của Thiên Chúa là nguồn gốc của tất cả những gì chúng ta có thể nói về mình trong đời sống kitô hữu. Cũng cùng một hoạt động của Chúa Cha ban cho tôi Chúa Con, và hoạt động của Chúa Con ban cho tôi Chúa Thánh Thần và hoạt động của Chúa Thánh Thần đẽo gọt tôi thành người con Chúa và trao cho Chúa Cha; hoạt động đó hình thành con người kitô hữu thẳm sâu trong tôi, mà tất cả những cái còn lại đều lệ thuộc vào: cái mà tôi là, cái mà tôi có thể suy nghĩ, nói hay làm; từ hoạt động vô hình, không thấy được, không kiểm chứng được, đối tượng duy nhất của đức tin, và ân huệ lãnh nhận trong đức tin đó, phát sinh một động lực nội tâm lan toả ra toàn thể con người. Sự lan toả này có thể nhận biết được vào một lúc nào đó, và dường như sự phân định các thần trí diễn ra ở đó: tức là trong sự nắm bắt được sức lan toả của đức tin, chứ không phải trong chính đức tin.

 

Về những yếu tố trên, chúng ta phải đem tất cả các qui luật của thánh Inhaxiô nói đến sự phân định các thần trí về an ủi và buồn phiền để xem xét; đó là những áp dụng khác nhau, những lời khuyên thực tế cực kỳ quan trọng, những chỉ dẫn tâm lý rõ ràng, của hai nguyên tắc căn bản trên.

 

Tuy nhiên, còn yếu tố thứ ba, không có yếu tố này, hai nguyên tắc trên có thể dẫn tới những phân định lầm lẫn, có thể cho là có gì đó đặc biệt, nhưng thực sự lại không có gì là quan trọng. Yếu tố thứ ba đó là: Thiên Chúa không chỉ hành động trong sâu thẳm tâm hồn tôi, trong tạo dựng mà Ngài đã thực hiện nơi tôi như chủ thể của đức tin, đức cậy và đức ái; nhưng Ngài còn xây dựng một thế giới mới trong Đức Kitô. Và tôi, tôi đón nhận như một hồng ân, một lời hứa, sự dấn thân của Thiên Chúa Giao ước mới để xây dựng một thế giới mới. Sự xây dựng thế giới mới trong Đức Kitô phải được xem xét trong sự phân định của tôi.

 


[1] Chuyển ý từ “Abraham, notre père dans la foi”, Carlo M. Martini, Éd. Saint Augustin-Saint Maurice, Suisse, 1994.

Bài cùng chuyên mục:

Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh (06/11/2024 08:54:01 - Xem: 285)

Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.

Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh  (24/10/2024 10:17:21 - Xem: 337)

Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục: Ô-tô con và Linh mục(1) (30/09/2024 07:47:47 - Xem: 839)

Anh em linh mục giáo phận không có lời khấn khó nghèo như linh mục dòng, nhưng không phải vì thế mà chúng ta muốn tiêu xài tiền bạc thế nào tuỳ ý.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và Thần khải  (21/09/2024 10:44:04 - Xem: 423)

Bài “Kinh nghiệm về Thiên Chúa và thần khải” của đan sĩ Anselm Grun giúp chúng ta hiểu đúng thế nào là thần khải, hầu tránh được những hiểu lầm tai hại cho đời sống thiêng liêng.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(3) (08/09/2024 07:45:34 - Xem: 429)

Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(2) (24/08/2024 10:17:51 - Xem: 466)

Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri  (10/08/2024 07:52:38 - Xem: 536)

Thời đại của chúng ta là thời đại khao khát Thiên Chúa một cách sâu xa, nhưng Thiên Chúa lai ẩn giấu, mờ mịt, tăm tối.

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.4) (22/07/2024 10:59:39 - Xem: 498)

Chúng ta tiếp tục đọc và suy tư các bài của Đan sĩ Anselm Grun. Trong bài này, ông phân tích rất sâu sắc về hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa của chúng ta

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.3) (03/07/2024 08:26:58 - Xem: 553)

Rất cần có một hình ảnh đúng về Thiên Chúa, nhờ dó, chúng ta có cái nhìn đúng về con người và hoàn cảnh của con người.

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.2) (23/06/2024 09:10:49 - Xem: 530)

Rất cần có một hình ảnh đúng về Thiên Chúa, nhờ dó, chúng ta có cái nhìn đúng về con người và hoàn cảnh của con người.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7