Abraham, Cha chúng ta trong đức tin (bài 8)
- In trang này
- Lượt xem: 4,047
- Ngày đăng: 30/10/2021 10:44:05
ABRAHAM,
CHA CHÚNG TA TRONG ĐỨC TIN[1]
Carlo Maria Martini
Linh mục Mỹ Sơn, Long Xuyên chuyển ý
BÀI TÁM
Ba cơn cám dỗ của Chúa Giêsu [2]
Chúng ta đã cùng suy gẫm về những yếu đuối sợ hãi của Abraham, nhất là thử thách đức tin nghiệt ngã ông đã trải qua. Giờ đây, chúng ta cùng chiêm ngắm Chúa Giêsu trong ba cơn cám dỗ của Ngài. Lần thứ nhất trong hoang địa (Lc 4); lần thứ hai ở vườn Cây Dầu (Lc 22), và lần thứ ba trên thập giá (Lc 23). Cả ba cơn cám dỗ có liên quan đến nhau. Chúng ta xin ơn được chiêm ngắm Chúa Giêsu trong giờ cầu nguyện này. Chiêm ngắm bằng cảm nghiệm trong tâm hồn, không phải bằng lời.
Lời Chúa (Lc 22, 39-46)
Rồi Người đi ra núi Ô-liu như đã quen. Các môn đệ cũng theo Người. Đến nơi, Người bảo các ông: "Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ."
Rồi Người đi xa các ông một quãng, chừng bằng ném một hòn đá, và quỳ gối cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha." Bấy giờ có thiên sứ tự trời hiện đến tăng sức cho Người. Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất.
Cầu nguyện xong, Người đứng lên, đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ vì buồn phiền, Người liền nói với các ông: "Sao anh em lại ngủ? Dậy mà cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ."
Ba cơn cám dỗ
Ba cơn cám dỗ trên có liên quan đến nhau. Ở sa mạc cơn cám dỗ hay thử thách rất rõ ràng. Ở vườn cây dầu, cám dỗ cũng khá rõ, qua câu Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Lc 22,40). Trên thập giá, tuy không nói rõ là cơn cám dỗ, nhưng qua hình thức văn chương và qua nội dung những gì xảy ra, có thể nói đó cũng là cơn cám dỗ.
Nhìn lại ba cơn cám dỗ, chúng ta tự đặt ra mấy câu hỏi sau: 1. Ai là những tên cám dỗ trong ba thử thách đó? 2. Trong từng trường hợp, đối tượng của cơn cám dỗ là gì? 3. Trong cả ba, chiến thắng hệ tại điều gì? Sau cùng, chúng ta dành ít thời gian để suy nghĩ về chính mình: ma quỉ cám dỗ Chúa Giêsu về điều gì ở hoang địa, trong vườn cây dầu và trên thập giá? Còn chúng ta trong những hoàn cảnh tương tự, chúng ta bị cám dỗ về điều gì?
1. Ai cám dỗ Chúa Giêsu ở hoang địa, trong vườn cây dầu và dưới chân thập giá?
- Ai là tên cám dỗ Chúa Giêsu trong hoang địa?
Theo thánh Luca 4,3 thì chính là ma quỉ - diabolus - có nghĩa là tên chuyên chia rẽ hoặc vu khống. Đó là tên chuyên phá tan sự duy nhất của công trình Thiên Chúa ra từng mảnh, chia tách con người khỏi Thiên Chúa bằng cách vu khống cho Thiên Chúa, chia rẽ con người với nhau bằng những sự đặt điều, vu khống: kẻ khác muốn thống trị ngươi, muốn chế ngự ngươi, đừng tin nó, hãy tự bảo vệ mình; nó còn phá hủy duy nhất nội tâm của chính con người, làm con người bi quan, không còn tin vào chính mình.
Ma quỉ là kẻ thù của hi vọng. Nó muốn phá vỡ sự hợp nhất Thiên Chúa thiết lập[3]. Thiên Chúa là Đấng hợp nhất con người thành một dân tộc, hợp nhất đời sống nội tâm của mỗi người. Ngược lại, ma quỉ muốn chúng ta đánh mất hi vọng, từ chối sự hợp nhất cùng nhau; từ chối không muốn tin tưởng ai, kể cả bản thân, để rồi đi đến thất vọng. Chúng ta sẽ nói: không có ơn cứu độ, Lời Chúa không hiện hữu, không có gì có ý nghĩa kể cả cuộc sống, mọi sự đều vô nghĩa. Và sự mất tin tưởng và thất vọng đó khi thì đưa đến tuyệt vọng thực sự, khi thì đưa đến một thứ khắc kỷ thanh cao hay đến một thứ giận dữ đầy cay đắng. Lúc đó, thất vọng trở thành sự chiến thắng của cái tôi; nó trở thành một thứ triết lý của tôi để cắt nghĩa sự cay đắng, sự vô nghĩa của mọi sự. Cơn cám dỗ thứ nhất cho thấy rõ việc làm của tên cám dỗ là chia rẽ.
- Còn ai là tên cám dỗ Chúa Giêsu ở vườn cây dầu
Trong Mt 26,38, Chúa Giêsu nói: “Tâm hồn Thầy buồn sầu đến chết được, các con hãy ở lại đây và tỉnh thức với Thầy”. Ở đây, tên cám dỗ là sự buồn sầu, cảm thấy mình bị đè bẹp. Câu 41: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Tinh thần thì hăng hái, nhưng xác thịt thì yếu đuối”. Tên cám dỗ ở đây còn là gánh nặng của xác thịt. Khó hiểu hết được các tác nhân cám dỗ Chúa Giêsu trong vườn cây dầu. Có lẽ đây không phải là sự đối lập giữa tinh thần-xác thịt theo thánh Phaolô, nhưng xác thịt được hiểu là con người không còn hi vọng vào ơn cứu độ, nên chỉ dựa vào sức mình, và rồi sẽ sa chước cám dỗ phạm tội. Ở đây, xác thịt cũng có thể hiểu theo nghĩa của thánh Gioan, Ngôi Lời đã trở thành xác thịt, có nghĩa là sự mỏng dòn, yếu đuối của thân phận con người: tinh thần thì mạnh mẽ, nhưng xác thịt lại yếu đuối, nên con người luôn cảm thấy mình mỏng dòn, yếu đuối. Chính Chúa Giêsu cũng cảm nhận sự mỏng dòn, buồn sầu, chán nản, là những điều tự bản chất không có gì là xấu; chính gánh nặng của thân xác, chính con người cảm thấy mình gánh những gánh nặng quá lớn, quá nặng. Đó là tên cám dỗ trong cơn cám dỗ thứ hai.
- Ai là tên cám dỗ Chúa Giêsu dưới chân thập giá?
Theo thánh Gioan và thánh Luca, có nhiều tên cám dỗ; 1/ Đám đông tò mò đi xem, những người vãng lai: họ đại diện cho dư luận quần chúng dễ dãi, a dua, dễ bị tác động, có thể nói là toàn dân lúc đó; 2/ Các thủ lãnh, ký lục, biệt phái, kỳ lão: họ là những người trí thức, những nhà lãnh đạo có trách nhiệm giữ gìn truyền thống tôn giáo và giải thích lời Chúa cách chính thức; họ là những người lưu giữ sự khôn ngoan của Israel, sự hiểu biết về Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp; 3/ Lính tráng, lực lượng gìn giữ trật tự xã hội, những kẻ thi hành, và trợ giúp cho các nhà cai trị; sau cùng 4/ Người trộm cướp, một trong những kẻ thất vọng, sống bên lề xã hội, đánh mất hết ý nghĩa cuộc sống và trút nỗi thất vọng của họ trên đầu những ai không sống và hành động cùng một cách như họ.
Không nhiều thì ít, chúng ta có thể thuộc về một trong những nhóm người cám dỗ, lăng nhục Chúa Giêsu dưới chân Thập Giá. Chúng ta có thể là những trí thức, những người lãnh đạo tôn giáo nắm giữ sự hiểu biết chính thức về Thiên Chúa như một trong số họ, nhưng có khi lại hiểu sai về Thiên Chúa, và vì không yêu mến đủ, chúng ta thấy khó mà vâng phục ý Chúa được.
2. Đối tượng của các cơn cám dỗ là gì?
Ở hoang địa, đối tượng của cơn cám dỗ rõ ràng là ý tưởng về một Thiên Chúa quyền lực, vinh quang, những đặc quyền, uy tín thuộc về Thiên Chúa: Nếu ông là con Thiên Chúa, nghĩa là nếu ông là bạn hữu, là người Thiên Chúa yêu thương, đó là một đặc quyền, và tất cả chúng tôi đều chờ đợi ông hành động như người có đặc quyền đó. Nếu thực sự ông là người có cái gì đó đặc biệt, ông hãy dùng nó đi vì nó sẽ giúp ông, ông sẽ chiến thắng những người muốn đè bẹp ông.
Đối tượng của cơn cám dỗ thứ nhất còn là tư cách và hành động của một Đấng Thiên Sai. Đấng Thiên Sai đó phải hành động cách nào để tỏ lộ một Thiên Chúa quyền lực, vĩ đại, Đấng làm cho núi đồi nhảy múa và bẻ gãy hàng ngàn hàng vạn cây hương bá Liban. Đấng Thiên Sai phải làm một điều gì đó biểu lộ quyền lực đáng sợ. Đối tượng ma quỉ cám dỗ Chúa Giêsu chính là muốn Ngài chứng tỏ mình là người có nhiều đặc ân, đặc quyền, và mình được một Thiên Chúa quyền lực, vinh quang, vĩ đai sai đến trần gian.
Còn ở vườn Cây Dầu, đối tượng của cơn cám dỗ là gì? Dĩ nhiên, đối tượng ở đây khác với đối tượng trong cơn cám dỗ ở hoang địa. Tuy nhiên, cũng có điều gì đó tương tự. Chúa Giêsu cầu nguyện gì? “Nếu có thể, xin Cha cất chén này khỏi con”, có nghĩa là con yếu đuối lắm, nếu được, xin đừng để con phải uống chén đắng này.
Ở hoang địa, ma quỉ muốn Chúa Giêsu biểu lộ đặc quyền của Con Thiên Chúa, còn ở vườn Cây Dầu, lại chính là sự yếu đuối của con người. Có một liên hệ chặt chẽ giữa sự chọn lựa của Chúa Giêsu ở hoang địa với sự yêu đuối của thân phận con người ở vườn Cây Dầu. Ở đây, Chúa Giêsu cũng có thể muốn dùng quyền lực Con Thiên Chúa của mình để thoát khỏi sự đau buồn đến chết được; nhưng Ngài đã không làm như thế. Khi kêu lên: Thầy buồn sầu đến chết được, Thầy hầu như không thể chịu đựng nổi nữa; Thầy hết sức yếu đuối. Mọi sức mạnh thể lý, tâm lý nơi Thầy hầu như mòn mỏi hết rồi. Tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn biểu lộ ý muốn sống những giờ phút thử thách khủng khiếp đó, những giờ phút đau khổ khó có thể chấp nhận được đó.
Ở vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu đã chấp nhận sự mỏng dòn, yếu đuối của con người, cũng như ở hoang địa, Ngài đã từ chối mọi đặc quyền đặc lợi. Dù sẵn sàng chấp nhận, Ngài vẫn không tránh khỏi cảm thấy cay đắng, buồn bã đến chết được. Thiên Chúa không làm một phép lạ để Chúa Giêsu là một Đấng Cứu Thế vinh quang, hạnh phúc, nên Ngài chấp nhận một đường lối cứu thế khiêm hạ, và Ngài chấp nhận điều đó đến cùng, đến mức độ phải kêu lên: Thầy hầu như không thể chịu đựng nổi nữa.
Cuối cùng, đối tượng của cơn cám dỗ trên Thập Giá là gì?
Ở đây, chúng ta cũng thấy hình thức câu văn ở thể điều kiện (Lc 23, 35.37.39). Các thủ lãnh thách thức Chúa Giêsu: “Nếu mày là Đức Kitô của Thiên Chúa, nếu mày là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn, hãy tự cứu mình đi”. Lính tráng cũng nói: “Nếu mày là Vua dân Do Thái, hãy tự cứu mình đi”. Một trong những kẻ gian ác bị đóng đinh cũng nói: “Ông không phải là Đức Kitô sao? Hãy tự cứu mình và cứu cả chúng tôi nữa”.
Một lần nữa, đối tượng của cơn cám dỗ là hình ảnh về một Thiên Chúa Cứu Độ, nhưng theo một cách thế tinh tế hơn: nếu ông thực sự thông hiệp với Thiên Chúa, nếu ông không ngừng nói về một Thiên Chúa Cứu Độ, hãy chứng tỏ điều đó cho chúng tôi thấy và chúng tôi sẽ tin; nếu ông cho mình là Vua Thiên Sai, hãy chứng tỏ cho chúng tôi thấy những phúc lợi Đấng Thiên Sai đem đến, chúng tôi sẽ tin.
Dường như Chúa Giêsu xuống tới vực thẳm sâu nhất của những cơn cám dỗ, đỉnh cao nhất của những xung đột về bổn phận. Tuy sách Sáng thế không đề cập tới, nhưng chúng ta ngày nay có thể thấy điều đó trong giai thoại của Abraham. Nếu ông sát tế đứa con duy nhất, ông phạm tội đi ngược với bổn phận tối quan trọng là giữ gìn và phát triển dòng dõi ông; nếu ông không sát tế nó, ông phạm tội chống lại Thiên Chúa. Và vì đó, ông bị giam hãm như giữa bốn bức tường không lối thoát, ít là theo cái nhìn người thời nay. Một bên, theo luân lý, ông không được chạm đến đứa con của mình; bên kia, theo Lời Chúa dạy, ông phải sát tế nó. Thảm kịch nằm ở đó, thử thách nằm ở đó. Abraham không còn biết phải chọn bên nào.
Chúng ta cũng trải nghiệm những thử thách như Abraham, có thể hoàn cảnh, cách thế có khác. Còn đối với Chúa Giêsu, thảm kịch rõ ràng hơn. Đó là xung đột giữa những quan niệm lớn về cứu độ: Thiên Chúa-Thiên Sai, Vua Thiên Sai, Đấng Cứu Thế. Muốn người ta tin Ngài là Đấng Cứu Độ, Đấng Thiên Sai Thiên Chúa Israel đã gởi tới, thì hãy tự chứng tỏ bằng cách xuống khỏi thập giá đi. Xuống khỏi thập giá bằng quyền năng của một vị Cứu Thế được Thiên Chúa yêu thương và sai đến. Đúng là thảm kịch, đúng là đứng giữa ngã ba đàng. Một bên là chấp nhận thân phận Đấng Cứu Thế khiêm tốn, không quyền lực, hệ quả là bị chối từ; bên kia là tỏ lộ quyền năng của một Đấng Cứu Thế vinh quang, quyền lực, để người ta tin và chấp nhận. Một thử thách nghiệt ngã.
Một Thiên Chúa không thể cứu độ
Những người đứng dưới chân Thập Giá tin vào một Thiên Chúa nào? Một Thiên Chúa quyền lực, với những đặc quyền, ưu đãi. Họ không tin vào một Thiên Chúa đã trao hiến người Con Một, duy nhất của mình. Họ không thể tin vào một Thiên Chúa tự trở nên bất lực. Nếu Ngài không xuống khỏi thập giá, họ sẽ không tin Ngài là Đấng Cứu Thế. Như vậy, chịu đau khổ khủng khiếp để làm gì? Chết nhục nhã trên thập giá có ích gì? Vì người ta có tin đâu?
Đó là vực thẳm sâu nhất của thử thách Chúa Giêsu trải qua: sự đối đầu giữa hai hình ảnh về Thiên Chúa. Dư luận nói chung cho rằng: chúng tôi có hình ảnh về Thiên Chúa quyền lực và vinh quang như vầy như vầy, và chúng tôi sẽ tin ông nếu ông diễn dịch hình ảnh Thiên Chúa đó trong thực tế. Nhưng, Chúa Giêsu cũng có một hình ảnh Thiên Chúa của mình và muốn trình bày hình ảnh đó: một Thiên Chúa yêu thương đến trao ban chính Người Con Một, một Thiên Chúa khiêm hạ, yếu đuối, bất lực, chết trong ô nhục, không một chút vinh quang, quyền thế nào, nên Ngài đã không trả lời, bất động, không làm gì hết, vì nếu làm như yêu cầu, Ngài sẽ chối từ sứ mạng của Ngài, hình ảnh Thiên Chúa Ngài có và muốn nói lên.
Trong chính thân thể Ngài, con người Ngài, Chúa Giêsu sống cớ vấp phạm về một Thiên Chúa không thể cứu độ. Một thánh vịnh viết rằng dân ngoại cầu khẩn một Thiên Chúa chẳng thể cứu độ ai. Thế mà giờ đây, Chúa Giêsu biểu lộ cũng cùng một hình ảnh Thiên Chúa không thể cứu độ như Thiên Chúa của dân ngoại. Đúng là một cớ vấp phạm khủng khiếp Ngài đã mang trong chính mình Ngài.
3. Chúa Giêsu chiến thắng thế nào?
Chúa Giêsu chiến thắng không phải nhờ những lý luận thần học, hay nhờ triển khai một giải thích hợp lý. Ngài chiến thắng nhờ sống vâng phục trong mọi hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống.
Khi Chúa Giêsu nói: “Đã có lời viết”, không phải là Ngài lý luận, nhưng có ý nói chúng ta phải vâng theo Lời Chúa. Ngài không dùng lý trí để tìm hiểu một ý niệm về Thiên Chúa. Ý niệm một Thiên Chúa quyền năng, vinh quang mà Abraham có thể đã có ở Ur, trong xứ Chalđê. Nhưng ý niệm đó của Abraham cũng được thanh luyện dần dần. Quả thực, Thiên Chúa đã tỏ lộ quyền năng Ngài cho Abraham, nhưng quyền năng đó không coi thường sự yếu đuối trong chờ đợi, và nó cũng đòi hỏi sự phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa đến độ hi sinh đứa con duy nhất của lời hứa. Trong chính sự yếu đuối đó, Thiên Chúa mặc khải cách mầu nhiệm, Ngài sẵn sàng trút bỏ những đặc quyền của mình. Trong Tân ước, chúng ta cũng thấy điều đó. Chúa Giêsu trả lời Satan rằng Ngài luôn tuân phục Thiên Chúa: có lời viết, người ta không chỉ sống nguyên bởi bánh; ngươi phải phục vụ và thờ lạy Chúa, Thiên Chúa ngươi; ngươi không được thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi. Trong vườn Cây Dầu, cũng chính nhờ sự vâng phục mà Chúa Giêsu đã chiến thắng: Lạy Chúa, dù xảy ra bất cứ điều gì, xin cho ý Chúa được thể hiện, xin cho chương trình Ngài được hoàn thành.
Chúa Giêsu không tranh luận. Đó là một thực tế không được cắt nghĩa bằng lời, nó chỉ có thể chứng minh bằng vâng phục. Chúa Giêsu không biện luận với chính mình, Ngài chôn vùi mình trong vâng phục. Ngay cả trên Thập Giá, Ngài cũng không nói lời nào. Ngài có thể xuống khỏi thập giá và nói: bây giờ, ta sẽ cắt nghĩa cho các người sự yếu đuối mầu nhiệm của Thiên Chúa, ý tưởng thực sự về Thiên Chúa mà Ta muốn mặc khải. Nhưng nếu làm thế, Chúa Giêsu đi ngược lại với sự yếu đuối của Thiên Chúa; vì vậy, Ngài không làm gì hết, chấp nhận ở yên trên thập giá, chấp nhận bị chống đối, nhục mạ, bị nghi ngờ, chối bỏ. Ngài chỉ làm một cử chỉ duy nhất, đó là hành vi tha thứ và yêu thương khi xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đóng đinh Ngài; và khi bảo đảm với người trộm lành tin tưởng vào Ngài là anh ta sẽ được cứu, rồi thánh Luca còn thêm những lời cuối cùng của Ngài: “Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha”.
Bài học nào cho chúng ta?
Trước hết, vì lòng yêu mến, sẵn sàng chấp nhận hình ảnh một Thiên Chúa được biểu lộ trong Đức Kitô, Đấng đã trút bỏ mọi đặc quyền. Chấp nhận một Thiên Chúa im lặng, bất lực, không quyền thế, không vinh quang là điều hết sức khó bởi vì trái với thường tình, trái với ước muốn tự nhiên của con người, đi ngược với dư luận chung của mọi người. Chúng ta đều biết, con người chúng ta thường tìm kiếm vinh quang, thích biểu lộ quyền lực, thích chiến thắng, thích cai trị người khác, thích mình hữu lý, thích mình được chấp nhận, kính nể, không muốn bị loại trừ, bị khinh khi.
Kế đó, chúng ta cần tập sống vâng phục vì yêu mến theo gương Chúa Giêsu. Vâng phục thánh ý Thiên Chúa ngay cả trong những điều chúng ta không hiểu, thậm chí khó chấp nhận nữa. Nếu Chúa Giêsu cũng đòi phải hiểu biết ý Chúa Cha mới tuân theo, thì có lẽ Ngài đã không chấp nhận cái chết đau đớn, khổ nhục trên thập giá. Phó thác hoàn toàn vào tay Thiên Chúa ngay cả trong những tình thế tối tăm, mơ hồ, không hiểu, đòi chúng ta phải can đảm, phải yêu mến Chúa hết lòng. Abraham cũng là một tấm gương. Dù Abraham được biết đến như một người cha của đức tin, nghĩa là ông có một lòng tin mạnh mẽ; và dù Kinh thánh không dùng từ “tình yêu” trong chuyện Abraham, nhưng toàn bộ đời sống của ông còn là đời sống của một người bạn. Thiên Chúa coi ông như bạn, và ông phó thác tin tưởng vào Chúa. Điều đó gián tiếp biểu lộ ông yêu mến Thiên Chúa nên tin và tuân phục ý Chúa hoàn toàn.
Chúng ta hãy dành thời gian nhìn lại đời sống vâng phục ý Chúa của chúng ta. Chúng ta đã nhận ra ý Chúa thế nào? Chúng ta có hoàn toàn vâng phục ý Chúa trong mọi hoàn cảnh vì lòng yêu mến không? Chúng ta có đòi phải hiểu mới thi hành ý Chúa không? Hơn nữa, hình ảnh chúng ta có về Thiên Chúa là gì? Một Thiên Chúa giầu có, quyền uy, vinh quang, cai trị, hay một Thiên Chúa khiêm tốn, ẩn mình, nhỏ bé, nghèo khó, bị khinh khi, bị loại bỏ, thậm chí bất lực, yếu đuối như Chúa Giêsu trên thập giá?
* Lưu ý cần thiết:
Trong một số bài, chúng ta suy niệm về các thử thách của Abraham, của Chúa Giêsu. Có lẽ một số trong chúng ta tự hỏi, có cần thiết lúc nào cũng nghĩ tới những thử thách, những cám dỗ có vẻ bi quan, ảm đạm không? Tin Chúa, theo Chúa không phải là một niềm vui sao?
Trả lời:
- Thứ nhất, chúng ta tin vào Đức Giêsu Kitô và muốn kết hợp mật thiết với Ngài. Muốn được như vậy, chúng ta cần suy niệm những lời Ngài dạy, chiêm ngắm cuộc đời Ngài. Mọi giây phút, mọi hoạt động trong cuộc đời Chúa đều có giá trị cứu độ, nhưng biến cố khổ nạn và phục sinh là đình cao của công trình cứu độ đó. Vì thế, để tin Chúa, yêu mến Chúa và nên đồng hình đồng dạng với Chúa, không thể làm gì khác hơn là chiêm ngắm cuộc đời Ngài, nhất là chiêm ngắm cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài; cùng trải qua những lo âu, sợ hãi, đau đớn, cái chết tủi nhục cũng như phục sinh của Ngài.
- Thứ hai, nhờ chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu, nhất là cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Ngài, chúng ta cùng đồng hành, đồng cảm, và chia sẻ sâu xa với tất cả những ai đang lâm cảnh lo âu, sợ hãi, thất vọng, nhất là về đức tin; có nguy cơ đánh mất đức tin trong những thử thách nặng nề, nghiệt ngã. Những người như thế không phải là ít, lúc nào cũng có, ngay cả giờ phút này.
- Thứ ba, chính chúng ta cũng trải qua những thử thách, những lo âu, sợ hãi, buồn phiền, không nhiều thỉ ít, và có những lần chúng ta vượt qua được, nhưng cũng có khi gặp thất bại. Rất có thể chúng ta coi đó là chuyện thường tình có gì quan trọng đâu; cũng có thể chúng ta coi đó là những biến cố xui xẻo, buồn đau, thất bại nên quên đi thì tốt hơn. Tất cả những biến cố đó, những thử thách đó rất cần được nhìn lại để thấu hiểu thánh ý Thiên Chúa hơn, để trưởng thành trong đức tin và trong đời sống thiêng liêng hơn.
- Thứ tư, có qua đau khổ mới đạt tới niềm vui; có trải qua cuộc khổ nạn, cái chết đau thương mới tới phục sinh vinh quang. Niềm vui tin Chúa và theo Chúa cần phát xuất từ những kinh nghiệm, những cảm nghiệm sâu xa của khổ đau, lo âu, sợ hãi, thậm chí cả thất vọng nữa, mới là niềm vui đích thực và sâu xa. Vì thế, chiêm ngắm những thử thách, những lo âu, sợ hãi của Abraham, của Chúa Giêsu chính là để đạt được niềm vui vững bền, trong sáng và đích thực. Nếu không, chỉ sợ những niềm vui chúng ta đang tìm kiếm là những niềm vui mau qua, tạm bợ, có tính cách nhất thời
Câu hỏi gợi ý
1. Qua suy niệm ba cơn cám dỗ của Chúa Giêsu, nhìn lại mình, chúng ta thấy thường bị cám dỗ về những gì?
2. Chúng ta có lâm vào cơn cám dỗ đánh mất đức tin không? Nó xảy đến khi nào và thế nào? Nhờ đâu, chúng ta đã vượt qua, đã chiến thắng?
3. Chúng ta hãy tự hỏi và trả lời cho những câu hỏi trong đoạn cuối cùng của bài suy niệm.
[1] Chuyển ý từ “Abraham, notre père dans la foi”, Carlo M. Martini, Éd. Saint Augustin-Saint Maurice, Suisse, 1994.
[2] Sách đã dẫn, trang 165-175.
[3] Trong hoang địa, ma quỉ muốn chia rẽ Chúa Giêsu với Thiên Chúa Cha. “Hãy biến đá này thành bánh”; “Hãy nhảy xuống”; “Hãy thờ lạy ta”; nếu Chúa Giêsu làm như lời nó xúi giục, thì Ngài không còn tin vào Chúa Cha và vâng lời Người; và ma quỉ sẽ thành công: Nó chia rẽ Chúa Giêsu với Thiên Chúa Cha.
Bài cùng chuyên mục:
Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh (06/11/2024 08:54:01 - Xem: 285)
Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.
Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh (24/10/2024 10:17:21 - Xem: 337)
Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.
Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục: Ô-tô con và Linh mục(1) (30/09/2024 07:47:47 - Xem: 839)
Anh em linh mục giáo phận không có lời khấn khó nghèo như linh mục dòng, nhưng không phải vì thế mà chúng ta muốn tiêu xài tiền bạc thế nào tuỳ ý.
Kinh nghiệm về Thiên Chúa và Thần khải (21/09/2024 10:44:04 - Xem: 423)
Bài “Kinh nghiệm về Thiên Chúa và thần khải” của đan sĩ Anselm Grun giúp chúng ta hiểu đúng thế nào là thần khải, hầu tránh được những hiểu lầm tai hại cho đời sống thiêng liêng.
Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(3) (08/09/2024 07:45:34 - Xem: 429)
Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.
Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(2) (24/08/2024 10:17:51 - Xem: 466)
Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.
Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri (10/08/2024 07:52:38 - Xem: 536)
Thời đại của chúng ta là thời đại khao khát Thiên Chúa một cách sâu xa, nhưng Thiên Chúa lai ẩn giấu, mờ mịt, tăm tối.
Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.4) (22/07/2024 10:59:39 - Xem: 498)
Chúng ta tiếp tục đọc và suy tư các bài của Đan sĩ Anselm Grun. Trong bài này, ông phân tích rất sâu sắc về hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa của chúng ta
Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.3) (03/07/2024 08:26:58 - Xem: 553)
Rất cần có một hình ảnh đúng về Thiên Chúa, nhờ dó, chúng ta có cái nhìn đúng về con người và hoàn cảnh của con người.
Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.2) (23/06/2024 09:10:49 - Xem: 530)
Rất cần có một hình ảnh đúng về Thiên Chúa, nhờ dó, chúng ta có cái nhìn đúng về con người và hoàn cảnh của con người.
-
Gia vị cho bài giảng CN lễ Chúa Kito là Vua - 2024
Khi Người đến trong vinh quang, Chúa Kitô Vua sẽ xét xử chúng ta về những việc bác ái chúng ta làm cho tha nhân. (Cha Tony)
-
Kinh Tin Kính phổ quát
Mầu nhiệm của Chúa Kitô hoạt động thông qua các Giáo hội kitô lịch sử nhưng cũng hoạt động, và hoạt động rộng rãi, bên ngoài các Giáo hội...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 34 TN B - 2024
Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật,...
-
Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh
Ngoài việc cầu nguyện, các vị thánh sẽ đưa ra ba lời khuyên nào cho những người đang tìm kiếm người phối ngẫu tương lai?
-
Linh hướng là gì?
Trong xã hội và thời đại hỗn loạn của chúng ta, hơn bao giờ hết, hướng dẫn đời sống tâm linh là một nguồn lực tinh thần cần thiết. Người...
-
Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình?
Tôi là phụ huynh của ba đứa trẻ, tất cả chúng tôi đều cố gắng sống theo đức tin Công giáo. Một trong số chúng có vẻ không mấy hứng thú,...
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi
Người trẻ làm gì để không bị cuốn đi với những "tư tưởng" rất đời kia? Nếu có nhu cầu thì sao kiểm soát khi chưa lập gia đình? Tụi con...
-
Bác ái là nhân đức cần thiết cho sự phát triển tâm linh
Chúng ta phải xin Chúa ban cho chúng ta đức ái mỗi ngày cho đến khi chúng ta gặp được Ngài trên Thiên Đàng!
-
Đạo còn sống khi ta còn sống đạo
Phải chăng giá trị Tin Mừng trong lòng tín hữu đang phai nhạt dần ? Phải chăng việc đạo nghĩa chỉ còn là sự quan tâm thứ yếu ? Phải chăng...
-
Gia vị cho bài giảng CN 33 & Các Thánh Tử đạo VN - 2024
Đôi khi những người muốn dẫn dắt Người khác đến với Chúa Kitô cũng trở thành chướng ngại vật lớn nhất cho ơn cứu rỗi của họ.
-
Nghĩ đến những điều tốt đẹp
Hãy thôi nghĩ đến chuyện buồn ấy và hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp và đáng yêu khác trong cuộc sống để lòng bà được thanh thản
- Sự cần thiết của việc lắng nghe
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất