Abraham, Cha chúng ta trong đức tin (bài 7)
- In trang này
- Lượt xem: 7,759
- Ngày đăng: 28/09/2021 09:46:40
ABRAHAM,
CHA CHÚNG TA TRONG ĐỨC TIN[1]
Carlo Maria Martini
Dẫn nhập
Trong các bài suy niệm về Abraham, chúng ta học nơi tổ phụ một niềm tin vững chắc, sắt đá vào Thiên Chúa và chương trình của Ngài. Abraham đã trải qua cả cuộc đời trong thử thách đức tin, và tổ phụ vẫn phó thác, tin tưởng trọn vẹn vào Thiên Chúa. Những dấu chỉ Chúa tỏ lộ, dù rất nhỏ bé đã đủ cho tổ phụ đặt trọn niềm tin.
Hành trình đức tin của Abraham cũng là hành trình đức tin của mỗi người chúng ta. Ước gì trên hành trình đức tin đó, chúng ta luôn được soi sáng và củng cố bởi tấm gương đức tin của tổ phụ, và nhờ vậy, chúng ta sẽ luôn kiên vững trong đức tin dù phải trải qua thử thách, gian nan đến đâu đi nữa.
Trong những trang sách về Abraham, Đức Hồng Y Martini cũng cho chúng ta những hướng dẫn rất quí giá về linh thao. Hi vọng điều đó sẽ giúp chúng ta suy niệm hoặc sống tuần tĩnh tâm đạt kết quả tốt đẹp.
Linh mục Mỹ Sơn, Long Xuyên
BÀI BẢY
Thử thách của Abraham,
Thử thách của chúng ta[2]
Trên hành trình đức tin, Abraham đã trải qua rất nhiều thử thách. Trước những thử thách đó, có lần ông thất bại như ở Ai Cập, ở Gơra, hoặc về nỗi sợ không có con nối dõi; nhưng cũng có lần ông thành công như khi giải quyết xung đột với Lót về của cải, đầy tớ và đất đai, hay như khi ông khẩn khoản nài xin Chúa cứu ông Lót và gia đình thoát khỏi thành Sô-đô-ma… Tất cả những thử thách, khó khăn đã trải nghiệm, dù chiến thắng hay thất bại, một cách nào đó, Thiên Chúa vẫn dùng để giúp ông lớn lên trong niềm tin, tiến xa hơn trên hành trình đức tin.
Trong bài này, chúng ta sẽ suy gẫm về thử thách nghiệt ngã nhất, nặng nề nhất mà Abraham phải đối mặt: Giavê truyền cho ông sát tế Isaac làm của lễ hi sinh dâng lên Ngài. Có nhiều giải thích khác nhau về thử thách này. Kinh Thánh nói gì?
Lời Chúa:
“Sau các việc đó, Thiên Chúa thử lòng ông Áp-ra-ham. Người gọi ông: "Áp-ra-ham!" Ông thưa: "Dạ, con đây!" Người phán: "Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là I-xa-ác, hãy đi đến xứ Mô-ri-gia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho." Sáng hôm sau, ông Áp-ra-ham dậy sớm, thắng lừa, đem theo hai đầy tớ và con ông là I-xa-ác, ông bổ củi dùng để đốt lễ toàn thiêu, rồi lên đường đi tới nơi Thiên Chúa bảo. Sang ngày thứ ba, ông Áp-ra-ham ngước mắt lên, thấy nơi đó ở đàng xa. Ông Áp-ra-ham bảo đầy tớ: "Các anh ở lại đây với con lừa, còn cha con tôi đi lên tận đàng kia; chúng tôi làm việc thờ phượng, rồi sẽ trở lại với các anh."
Ông Áp-ra-ham lấy củi dùng để đốt lễ toàn thiêu đặt lên vai I-xa-ác, con ông. Ông cầm lửa và dao trong tay, rồi cả hai cùng đi. I-xa-ác thưa với cha là ông Áp-ra-ham: "Cha!" Ông Áp-ra-ham đáp: "Cha đây con!" Cậu nói: "Có lửa, có củi đây, còn chiên để làm lễ toàn thiêu đâu?" Ông Áp-ra-ham đáp: "Chiên làm lễ toàn thiêu, chính Thiên Chúa sẽ liệu, con ạ." Rồi cả hai cùng đi.
Tới nơi Thiên Chúa đã chỉ, ông Áp-ra-ham dựng bàn thờ tại đó, xếp củi lên, trói I-xa-ác con ông lại, và đặt lên bàn thờ, trên đống củi. Rồi ông Áp-ra-ham đưa tay ra cầm lấy dao để sát tế con mình.
Nhưng sứ thần của ĐỨC CHÚA từ trời gọi ông: "Áp-ra-ham! Áp-ra-ham!" Ông thưa: "Dạ, con đây!" Người nói: "Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc!" Ông Áp-ra-ham ngước mắt lên nhìn, thì thấy phía sau có con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây. Ông Áp-ra-ham liền đi bắt con cừu ấy mà dâng làm lễ toàn thiêu thay cho con mình. Ông Áp-ra-ham đặt tên cho nơi này là "ĐỨC CHÚA sẽ liệu." Bởi đó, bây giờ có câu: "Trên núi ĐỨC CHÚA sẽ liệu." (St 22, 1-14)
Nhiều giải thích khác nhau
Câu 12, chương 22 trong Sáng Thế nói: “Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa.” Như vậy, chúng ta biết đó là sự thử thách, một sự thử thách đụng chạm đến nơi sâu thẳm nhất trong Abraham, trong mối tương quan của ông với Thiên Chúa, tương quan đó là sự vâng lời và đức tin. Đây không đơn giản chỉ là thử thách về những nhân đức căn bản: khôn ngoan, công bình, tiết độ và can đảm như những lần thử thách trước kia; ví dụ ở Ai Cập, Chúa thử thách ông về lòng trung thành và sự can đảm, và ông đã thất bại; hay vào lúc ông rời khỏi Lót, đó là sự thử thách về chừng mực trong việc sở hữu tiền của, và ông đã chiến thắng. Ở đây, sự thử thách đụng chạm đến những nơi sâu thẳm nhất: đó là thử thách về sự kính sợ Thiên Chúa, về cách Abraham đã đón nhận Thiên Chúa cứu độ, Thiên Chúa của sáng kiến tự do và của lời hứa, mà từ giờ trở đi ông sẽ lệ thuộc hoàn toàn vào Người.
Ngoài ra, Kinh thánh còn nói đến sự trung tín của Abraham trong thử thách như ở 1Maccabê 2, 52: “Ông Abraham lại không được kể là người trung tín trong cơn thử thách, và lại chẳng được kể là người công chính đó sao?”
Những đoạn Kinh thánh khác lại nhấn mạnh đến đức tin như thư Do Thái 11, 17-19: “Nhờ đức tin, khi bị thử thách, ông Abraham đã hiến tế Isaac; dù đã nhận được lời hứa, ông vẫn hiến tế người con một. Về người con này, Thiên Chúa đã phán bảo: ‘Chính do Isaac sẽ có một dòng dõi mang tên ngươi. Quả thật, Abraham nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền năng cho người chết chỗi dậy. Rốt cuộc, ông đã nhận lại người con ấy như là một biểu tượng.”
Còn trong thư Do Thái 6,15, sự kiên trì được để ý hơn: “Như vậy, vì nhẫn nại đợi chờ, Abraham đã nhận được lời hứa.” Ngược lại, các bản văn khác lại lưu ý đến hành động vâng lệnh Thiên Chúa của ông; như trong thư Giacôbê 2,21: “Abraham, tổ phụ chúng ta, đã chẳng được nên công chính nhờ hành động, khi ông hiến dâng con mình là Isaac trên bàn thờ đó sao?” Sách Khôn Ngoan 10,5 thì rõ ràng đề cao sự can đảm của Abraham và có ý nói đến những nhân đức căn bản: “Đức Khôn ngoan gìn giữ Abraham vẹn toàn trước mặt Thiên Chúa, ban cho ông sức mạnh giúp ông vượt cả tình cha con.”
Có nhiều sắc thái khác nhau trong Kinh thánh về những cơn thử thách của Abraham. Còn chúng ta thì sao? [3]
Con người đối diện với giới hạn cuối cùng của đức tin.
Một điều đáng lưu ý: thử thách “sát tế Isaac” là thử thách cho chúng ta thấy giới hạn của mình. Trong hoàn cảnh đó, con người sẽ tự bộc lộ mình thực sự là ai, và có gì tận đáy lòng mình. Giống trường hợp Gióp: khi gặp hoàn cảnh thử thách nặng nề, như quá sức mình, Gióp cho thấy rõ ông là người thế nào. Nhưng khi nói đến giới hạn là có ý nói gì? Có ý nói đến một thử thách mà trong đó, con người tuyệt đối không thể làm gì được. Thư Do Thái 11, 19 nói: Abraham tin vào sự sống lại, mặc dù sự quả quyết này có liên quan đến Tân ước. Tuy nhiên, rõ ràng đó là sự thách đố đi tới mức giới hạn cuối cùng của điều dường như không thể làm được, đức tin của Abraham đã phải đối đầu với một thách đố như vậy. Đức tin của ông đã bị thử thách đến mức tột cùng.
Khi thưa chuyện với Chúa, rất có thể Abraham đã nói: Cuối cùng, Chúa đã hứa với con bao nhiêu điều, con đã đằng đẵng chờ đợi, và rồi sự bắt đầu của dân tộc Chúa hứa đã được chấp nhận, một sự bắt đầu cần thiết, vì không có nó thì không thể khởi đầu được; vâng Chúa đã ban nó cho con và con coi đó là dấu chỉ lòng nhân lành của Chúa, là hi vọng cho tương lai của con, là chứng từ Chúa là Thiên Chúa; nhưng giờ đây, Chúa lại ra lệnh cho con tiêu diệt nó. Như vậy, con sẽ ra sao? Khi bị dẫn đến giới hạn tột cùng của đức tin, Abraham có lẽ chỉ có thể để nảy sinh những câu hỏi như sau: Thiên Chúa là Đấng nào khi chính Ngài dường như mâu thuẫn với chính mình? Thiên Chúa là Đấng nào khi Ngài dẫn tôi đi trên con đường mà tôi có cảm tưởng rằng minh đã phân định rõ ràng khi đi theo, rồi đột nhiên, lại đòi hỏi tôi làm ngược lại? Tôi thực sự không thể hiểu nổi.
Nhưng, Abraham không suy nghĩ tới vậy đâu. Chính chúng ta, con người thời nay mới nghĩ thế. Dù sao, dường như giới hạn tột cùng của cơn thử thách là như vậy. Đó đích thực là con thử thách của đức tin, cơn thử thách đức tin về lời hứa, không chỉ là về tình thương cha con, nhất là với người con trai độc nhất hay về lời hứa nơi người con này. Abraham nắm trong tay bảo chứng nhỏ bé của lời Chúa chúc phúc; và bây giờ lời chúc phúc đó lại bị lấy mất; như vậy, đâu là lời chúc phúc của Thiên Chúa? Đâu là hoa trái của lời chúc phúc ấy? Theo cái nhìn Kinh thánh, dường như đó là giới hạn mà Abraham đã phải đương đầu.
Những thử thách của chúng ta.
Chắc chắn, thử thách của Abraham có liên quan đến toàn thể dân Israel. Họ luôn coi sự thử thách ấy sẽ xảy đến với những ai tự nhận là thuộc dòng dõi Abraham. Nói cách khác, thử thách của Abraham cũng là thử thách của mỗi người chúng ta. Trước hết, chúng ta sẽ tự hỏi: Đâu là những thử thách của tôi? Kế đó, chúng ta sẽ đưa ra 3 nhận xét vắn tắt về những thử thách của chúng ta, dựa trên thử thách của Abraham.
Trước hết, chúng ta hãy suy tư một chút về những thử thách của chúng ta; từ “của chúng ta” bao gồm những thử thách cá nhân, cộng đoàn, xã hội, giáo hội, nghĩa là tất cả những gì có liên quan đến chúng ta. Chúng ta không chỉ có những thử thách cá nhân, mầu nhiệm, ẩn dấu, nhưng còn có những thử thách chung với những người gần gũi chúng ta trong công việc tông đồ, trong ơn gọi, truyền giáo, tình cảm, v.v.; và chúng ta cũng không thể tách rời khỏi cộng đồng nhân loại. Chúng ta nên suy tư về những thử thách này, nhất là suy tư về những thử thách tác động đến thái độ thâm sâu nền tảng nơi bản thân, giống như những thử thách của Abraham trong Sáng Thế chương 22.
Thử thách nói chung
Chính chúng ta cũng đã gặp một số những thử thách như trong Sáng Thế 12 hoặc 22, là những thử thách không liên quan trực tiếp đến hình ảnh Thiên Chúa nơi chúng ta, hoặc sự gắn bó mật thiết với Người. Ví dụ: một bổn phận bạc bẽo phải hoàn thành có thể là nguồn gây ra những mỏi mệt; một căn bệnh gây phiền hà, làm cạn kiệt sức khoẻ và thường đòi hỏi nhiều cố gắng để khắc phục; hoặc một hoàn cảnh đầy trở ngại, một khuôn mặt thù nghịch, một lỗi lầm phải trả giá đắt, tất cả mới chỉ là những thử thách về các nhân đức căn bản: can đảm, công bình, khôn ngoan, tiết độ, cùng với những thử thách về đức trong sạch đi liền với những cám dỗ dưới mọi hình thức, nhưng chúng vẫn chưa đụng chạm đến thái độ thẳm sâu của chúng ta đối với Thiên Chúa..
Thử thách đức tin.
Ngược lại, như thánh Phaolô đã nói, có những thử thách như những mũi tên lửa của kẻ thù nhắm đến căn tính, đến cốt lõi đức tin của chúng ta và xuyên thấu tới tận nơi sâu thẳm nhất của con người. Các thử thách này có thể phát sinh từ những biến cố quan trọng, nhưng cũng có thể từ những biến cố bình thường nhưng có tính biểu tượng, điển hình, làm chúng ta kinh sợ, đảo lộn cả đời sống chúng ta, bởi vì qua những biến cố ấy, chúng ta như thấy được mọi biến cố khác cũng như toàn bộ đời sống của mình, và điều đó làm chúng ta bị xâu xé. Loại thử thách này giống như một cảm nhận đớn đau và nguy hiểm về khoảng cách giữa lời Chúa hứa và thực tại; cảm nhận làm chúng ta chao đảo, không thể sống trong yên tĩnh, và thấy mình bị đe doạ. Chúng ta giống như Abraham vậy.
Điều gì đã gây ra tình trạng này? Cái gì đã làm nảy sinh những câu hỏi đầy cám dỗ: làm thế nào việc đó lại xảy ra? Nếu như vậy, sao Thiên Chúa không can thiệp? Chúa không thực sự là một người cha sao? Đức Giêsu Kitô không thực sự luôn hiện diện sống động trong Giáo hội sao? Sao lại có thể diễn ra như vậy? Còn đâu là mối quan tâm của Thiên Chúa đối với con người? Và hàng ngàn hàng vạn câu hỏi khác đụng chạm đến cốt lõi của căn tinh tôn giáo nơi chúng ta. Những thử thách này có thể là về thể lý hoặc luân lý; có những thử thách là những cơn hấp hối liên lỉ; có những thử thách là những cái chết ghê sợ làm chúng ta thấy như Thiên Chúa vắng mặt. Người không đến cứu giúp. Người để cho con người tan nát trong đau khổ. Sự tan nát đó, sự tàn tạ đó có thể xảy đến với những người chúng ta thương yêu, những người chúng ta đồng hành, những người sống với chúng ta trong đức tin và giờ đây, chúng ta thấy họ đang tàn lụi dần: sao lại như vậy được? Tại sao tất cả những điều đó lại có thể xảy đến? Những con người vô tội lại đau khổ trong cảnh bất công; sao Thiên Chúa không can thiệp?
Đó là vấn đề sự dữ, một vấn đề đã trở thành mẫu số chung cho tất cả những ai chống đối Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa của bạn thực sự hiện diện, sao Ngài lại có thể để điều đó, điều này hoặc điều kia xảy ra? Và bảng liệt kê không bao giờ dừng lại, không những trong lãnh vực thuộc những kinh nghiệm trong thế giới, hoặc thuộc thực tại trong thế giới mà còn trong lãnh vực thuộc Giáo hội: chậm chạp, gương mù, giả hình; các công cuộc tông đồ đầy hứa hẹn bị tiêu ma do chậm chạp hay lầm lỗi của các đấng bậc trong Giáo hội gây nên. Vậy phải chăng Tin Mừng không có sức sống và sức mạnh biến đổi? Phải chăng hoàn cảnh tệ hại ấy không thể thay đổi được?[4]
Và còn có thể xảy ra những thử thách dễ hiểu hơn, cá nhân hơn; khoảng cách giữa nhiệt tình tông đồ của tôi, giữa điều tôi thực hiện trong công việc tông đồ, và kết quả tạm bợ mà tôi có được và kết quả đó, nếu kéo dài, thì sau một thời gian, chắc chắn sẽ gây nơi tôi một cảm giác thiếu thoải mái, do dự, nản chí, thất vọng; nếu vậy, có phải tôi đã không ở chỗ mà tôi phải ở? Thực sự, Chúa có muốn tôi ở đây không? Nếu muốn, sao Người không giúp tôi? Nếu tôi luôn vâng lời Chúa, sao tôi không có một chút thành công nào? Sự vâng lời có lẽ đã lường gạt tôi? Điều này cũng có thể xảy đến với việc cầu nguyện. Chúng ta biết rất rõ, đối với những người thực sự cầu nguyện, những thử thách trong cầu nguyện có thể là những thử thách đức tin đáng sợ ra sao. Một số người sống những giờ phút như vây đã kể lại những kinh nghiệm của họ. Tóm lại, thử thách là tất cả những gì thiếu ý nghĩa trong mọi việc chúng ta làm. Sự thiếu ý nghĩa như vây sẽ là nguồn gây thất vọng luân lý và tâm lý. Nó khiến chúng ta hoài nghi cả nền tảng tối hậu đem đến cho mọi sự một ý nghĩa, đó là lời hứa của Thiên Chúa.
Đó là một số ví dụ về những cơn thử thách mà mỗi người chúng ta có thể nhân lên hàng ngàn lần theo kinh nghiệm riêng của mình. Nhờ ơn Chúa, cách chung, những thử thách - không bao giờ thiếu – thường liên quan đến những nhân đức căn bản: can đảm, khôn ngoan, công bình, tiết độ. Những thử thách này giúp chúng ta mạnh mẽ, hi sinh hơn, trưởng thành hơn. Thường thường, chúng không gây những xáo trộn nặng nề nơi sâu thẳm tâm hồn ta, nhưng đôi khi cũng làm ta bất an.
Vài suy tư để kết luận
Những thử thách hàng ngày
Suy tư thứ nhất: Nếu coi truyện Abraham như mẫu mực cho đời sống kitô hữu, chúng ta sẽ học được gì? Phải nói rằng Thiên Chúa thử thách chúng ta, thử thách chờ đợi chúng ta như sách Huấn Ca đã nói: “Con ơi, nếu con muốn dấn thân phụng sự Đức Chúa, thì con hãy chuẩn bị tâm hồn để đón chịu thử thách. Hãy giữ lòng cho ngay thẳng và cứ kiên trì, đừng bấn loạn khi con gặp khốn khổ. Hãy bám lấy Người chứ đừng lìa bỏ, để cuối đời con được cất nhắc lên …” (Hc 2, 1-3). Đây là chương tuyệt vời: sự kính sợ Thiên Chúa trong cơn thử thách. Như vậy, hiển nhiên là có thử thách và nó chờ đợi chúng ta.
Tại sao thử thách lại chờ đợi chúng ta? Do sự cần thiết bí ẩn nào mà phải có những thử thách? Khi thế giới bị đặt dưới ách của Thần Dữ, khi con người ở trong tình trạng hiện hữu tệ hại, nếu họ muốn làm điều thiện, họ sẽ không tránh được những trở ngại. Chúng ta gặp những thử thách về công bình, can đảm, tiết độ; không dễ dàng sống công bình, trong sạch, tiết độ, chân thật trong một thế giới hướng theo chiều trái ngược. Do đó, thử thách là một điều tất yếu không thể tránh được.
Dù vậy, chúng ta có thể đặt thêm câu hỏi: tại sao lại có thử thách? Và nhất là, tại sao lại có thử thách đặt chúng ta vào hoàn cảnh như không còn gì để tin, vào một giới hạn cùng cực không lối thoát? Có thể trả lời như sau: Bởi vì Thiên Chúa là Thiên Chúa, nghĩa là bởi vì Thiên Chúa là Đấng ban tặng chính mình trong đức tin, Người ban tặng chính mình tuỳ theo sự tiến bước trong đức tin, sự tiến bước này đòi phải vượt qua quan niệm lầm lạc về Thiên Chúa, tuy không lầm lạc hoàn toàn. Quan niệm đó cần được điều chỉnh lại. Vì thế, tất yếu sẽ có những khủng hoảng liên tục giữa ý tưởng chúng ta có về Thiên Chúa và con người thực sự của chúng ta là gì trước mặt Người. Và thử thách cốt yếu này rất khủng khiếp. Nó do một nguyên nhân căn bản: Thiên Chúa là Thiên Chúa của lời hứa, của ơn cứu độ, của sáng kiến tự do, của Lời; còn chúng ta, ngược lại, tự bản tính, chúng ta lại muốn một Thiên Chúa che chở chúng ta sống yên ổn, một Thiên Chúa với những nền tảng rõ ràng, mà chúng ta có thể hiểu được tất cả, mà chúng ta có thể tiên liệu mọi sự, lên chương trình cho tất cả, theo toan tính của mình. Sự gặp gỡ của hai chiều hướng khác nhau này gây nên thử thách, nghĩa là chúng ta khám phá ra một điều: Thiên Chúa là Đấng rất khác với những gì chúng ta thường nghĩ về Người. Chúng ta tự hỏi: Tại sao Thiên Chúa không trợ giúp tôi? Từ đó, đưa đến hệ quả là: hoặc tôi không hiểu gì về Thiên Chúa hoặc Người không hiện hữu, không có thực. Đó là thử thách và phải chọn lựa.
Thử thách là điều không thể tránh khỏi và nó chờ đợi chúng ta. Xin nhắc lại thử thách là đặt vào cơn thử thách, nghĩa là chúng ta có thể ngã. Vì thế, thử thách trở nên nguy hiểm, chúng ta có thể ngã; và có thể ngã ngay cả trong đức tin như thánh Phaolô đã nói: người đó (tức Alexandre) và còn người khác nữa đã mất đức tin. Chúng ta có thể mất đức tin ở bất cứ hoàn cảnh nào, địa vị nào, ngay cả khi là giáo hoàng, như thánh Inhaxiô đã nói: ma quỉ không chừa một tình trạng nào, một điều kiện nào của con người; không ai có thể tránh khỏi; thử thách xảy đến với tất cả mọi người. Thậm chí, có thể nói ai càng dấn thân trong những sự thuộc về Thiên Chúa, người đó càng bị cám dỗ về hình ảnh họ có về Thiên Chúa. Họ còn cần thanh tẩy hình ảnh về Thiên Chúa hơn bất cứ ai khác. Ngay cả những cây hương bá núi Libăng cũng có thể gãy đổ, thì chúng ta làm sao tránh khỏi khi không cứng cát mạnh mẽ bằng hương bá Libăng?
Sự phi lý của một số thử thách đặc biệt
Suy tư thứ hai: Thử thách như nói trên, vì là thử thách, nên có điều gì đó không thể hiểu được và phi lý. Đó là thảm kịch của thử thách. Trong khi những thử thách liên quan đến các nhân đức căn bản có thể hiểu được – ví dụ tôi cảm thấy tình dục lôi cuốn như vũ bão: đây là thử thách, nhưng tôi biết rõ đó là điều không tốt, và tôi chiến đấu, tôi cố gắng tránh, nghĩa là tôi ở trong tình trạng mà lý trí có thể giải thích được – ngược lại, thử thách chúng ta đang nói đến mang những nét không thể hiểu được, phi lý, y hệt trường hợp của Abraham, vì dường như nó là điều vượt khỏi những giới hạn (mà con người có thể hiểu được, có thể chịu đựng được). Khó có thể diễn tả hết những điều này. Nhưng ít ra, nếu chúng ta đọc nó dưới ánh sáng của cơn thử thách tối hậu là cái chết, có lẽ chúng ta có thể nói lên được điều gì đó. Cái chết đối nghịch với lời hứa ban sự sống của Thiên Chúa. Cái chết cho thấy sự tan rã, sự huỷ hoại của con người, nó hoàn toàn trái ngược với những gì Thiên Chúa hứa; đây chính là thử thách mà tính chất phi lý và không thể hiểu được đạt đến tột độ: điều này tạo nên một nguy cơ rất tệ hại, chúng ta có thể đánh mất đức tin. (Tv 38)
Khi thử thách chỉ là thử thách
Suy tư thứ ba: Nếu thử thách là như vậy, thì qua thử thách, tin mừng nào, lời loan báo nào được biểu lộ cho chúng ta theo những gì chúng ta khám phá khi đọc truyện Abraham và toàn bộ Kinh thánh?
Một số người nghĩ rằng đó là lời loan báo về sự an ủi. Chính thánh Inhaxiô cũng nghĩ như vậy trong qui luật thứ 8 về sự phân định, ngài nói: “Ai trong ưu phiền … nghĩ rằng mình không chóng thì chày sẽ được an ủi.” (321). Đó cũng là điều chúng ta thường làm khi chúng ta khuyên những người đang bị thử thách: can đảm lên, mọi sự rồi cũng sẽ qua đi, còn biết bao người khác cũng bị thử thách như vậy. Một số khác lại nghĩ đến lời loan báo gọi là “anh hùng”: À, đây là lúc phải can đảm lên để chứng tỏ mình là ai. Thánh Inhaxiô đã đề cập đến điều này trong qui luật thứ 9: “Thiên Chúa muốn chúng ta chứng tỏ mình đáng giá thế nào và chúng ta có thể tiến tới đâu trong việc phụng sự và ca tụng Người mà không cần sự an ủi và vô vàn những ơn huệ của Người.” (322) Người muốn chúng ta chứng tỏ mình có thể làm được những gì, dù với sức lực tự nhiên của ta hay với sự trợ giúp của ơn sủng.
Hai lời loan báo trên đều có giá trị riêng của nó, nhưng cả hai đều có giá trị thực sự nhờ một lời loan báo khác, sâu xa hơn, nằm trong câu thứ nhất của chương 22: “Thiên Chúa thử thách Abraham”: nghĩa là thử thách là đặt vào cơn thử thách. Ngay khi có ai hiểu đó là sự thử thách, thì sự thử thách hoàn toàn thay đổi ý nghĩa, và thường chúng ta nghe nói: phải, tôi ở trong tình trạng thử thách, nhưng nếu tôi biết đó là Chúa thử thách tôi, có lẽ tôi đã yên lặng, có lẽ tôi đã hiểu ý nghĩa của những gì đã xảy đến. Tin Mừng nền tảng nhất: Thử thách là Thiên Chúa đặt tôi vào cơn thử thách và trong cánh tay Người tôi nghỉ ngơi. Thậm chí trong bóng tối tột cùng của Thiên Chúa – đến nỗi phải thốt lên, như thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu vào những tháng cuối đời: “Tôi ngồi đồng bàn với những người tội lỗi”, có nghĩa là thánh nữ đi đến giới hạn cực độ của cơn thử thách đức tin – thậm chí giữa những đau khổ tột độ, khi đối diện với cái chết sắp đến, lúc đó, chính thử thách thúc đẩy tôi thốt lên: Thiên Chúa đã bỏ rơi tôi, không có Thiên Chúa, Tin mừng nói với tôi: con đang trong cơn thử thách, nhưng Thiên Chúa bồng ẵm con trên đôi tay Người; như vậy, tất cả đều khắc ghi trong lời hứa và trong sự tín thác hoàn toàn vào Lời Chúa.
Đó là gợi ý của thánh Inhaxiô trong qui luật thứ 7 về sự phân định: “Ai trong cơn ưu phiền phải xét Thiên Chúa, để thử thách họ, đã để họ chống chỏi với thử thách bằng sức lực tự nhiên thế nào …; vì, người ấy có thể chiến thắng, với sự trợ giúp của Thiên Chúa mà họ lúc nào cũng có thể chạy đến.” (320) Cần ý thức rằng chính Thiên Chúa thử thách; nhưng hiểu được như vậy thường rất khó! Nếu là thử thách của người khác thì dễ, nhưng là thử thách của chúng ta thì thực sự rất khó. Đối với chúng ta, thật là một bất hạnh đổ xuống đầu khi tình trạng thảm thương không lối thoát xảy đến, và lúc đó, dù dùng hết mọi năng lực để nhìn cho rõ, chúng ta vẫn thất bại.
Chúng ta có thể tự hỏi: Thiên Chúa thử thách Abraham là một Tin mừng, Tin mừng đó dẫn tới đâu, hoàn thành ở đâu? Câu trả lời nằm trong thư gởi tín hữu Rôma 8,32: “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta? Đến như chính Con Một Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?” Và, lập tức song song với câu trên là Sáng Thế 22,12: “Giờ đây, Ta biết rằng người kính sợ Thiên Chúa. Ngươi đã không từ chối hi sinh con của ngươi, người con duy nhât, cho Ta.”
Trong truyện Abraham, truyền thống Tân ước đã đọc thấy tình yêu của Thiên Chúa, qua việc trao ban người con riêng của Người. Tình yêu ấy bảo đảm Thiên Chúa không đặt chúng ta vào những cơn thử thách nào vượt quá sự thử thách: nghĩa là tách rời chúng ta khỏi tình yêu Thiên Chúa. Về phần Thiên Chúa, đặt vào cơn thử thách vẫn là thử thách mà thôi và không bao giờ trở thành một cớ vấp phạm. “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.” (Rm 8, 35-39) Thử thách là sự đặt vào cơn thử thách của một Thiên Chúa luôn gìn giữ chúng ta trong cánh tay Người.
Câu hỏi gợi ý
1. Tôi đã trải qua những thử thách nào về các nhân đức nhân bản: can đảm, tiết độ, trong sạch, đơn giản, trong sạch, vâng lời? Tôi đã chiến thắng cách nào? Nếu thất bại thì tại sao? Dấu ấn của chiến thắng hay thất bại đó còn sâu đậm nơi tôi không?
2. Tôi đã trải qua thử thách như Abraham, tức là cơn thử thách về đức tin, về giới hạn tột cùng của người tin chưa? Tôi chiến thắng hay thất bại? Nguyên do nào? Cách nào? Nếu chưa, thì tôi có luôn chuẩn bị sẵn sàng không?
3. Tôi có đang trong tâm trạng chán nản, tiêu cực, thậm chí thất vọng trong đời sống linh mục không? Nếu có thì đâu là lý do? Tôi cần làm gì để vượt qua?
[1] Chuyển ý từ “Abraham, notre père dans la foi”, Carlo M. Martini, Éd. Saint Augustin-Saint Maurice, Suisse, 1994.
[2] Xin đọc Sáng thế chương 22
[3]Cần loại bỏ kiểu giải thích hiện đại kể từ Kỉekegaard. Kiểu giải thích đó không giúp hiểu đúng bản văn Kinh thánh, những xem ra rất hấp dẫn vì hợp thời: con người bị xâu xé giữa hai bổn phận, bảo vệ con mình và tuân phục ý Thiên Chúa đòi phải sát tế đứa con ấy. Một xung đột bổn phận làm cho con người bất an và đau khổ. Cách giải thích này có lẽ không đúng não trạng người Israel ngày xưa. Chúng ta đừng quên trong những nền văn minh cổ, ngay cả thời đế quốc Rôma, người ta cho rằng người cha có quyền sinh sát đứa con của mình. Nhưng cuộc xung đột về luân lý này dường như không có trong bản văn, tư tưởng của bản văn không nhấn mạnh đến điều đó. Nếu có nói rõ ràng đến một cuộc xung đột, thì đó là xung đột của sự thân thương, của tình yêu, không phải giữa hai luật trái ngược nhau, mà giữa hai thực tại Thiên Chúa muốn, và vì vậy, tâm hồn bị xâu xé. Ở đây, bản văn không đặt vấn đề luân lý.
[4] Ở các nước phương Tây, nhiều linh mục đã rũ áo rời bỏ chức vụ vì khủng hoảng đức tin. Khủng hoảng này nảy sinh bởi sự tương phản rõ rệt giữa điều linh mục trẻ trông chờ khi còn ở chủng viện: Lời Chúa đầy sức sống, hữu hiệu sẽ giúp tôi và các anh em linh mục nhiệt thành, tích cực làm việc tông đồ, phục vụ; và thực tế cuộc sống: buồn chán, trì trệ, thất vọng, mệt mỏi, ti tiện, bủn xỉn; làm sao những tiêu cực đó có thể có được khi chúng hoàn toàn trái ngược với tất cả những gì đã được hứa hẹn? Và vì không tìm được câu trả lời thích đáng, đức tin của các linh mục trẻ đó sẽ biến mất. Ở Việt Nam, có lẽ cởi áo dòng, dứt khoát rời bỏ chức vụ linh mục thì ít, nhưng âm thầm chịu đựng trong tâm trạng chán nản, thất vọng, không còn nhiệt tình và sức sống trong công việc tông đồ mục vụ thì nhiều hơn. Cũng có thể có người trong chúng ta nghĩ: ai sao mình vậy! Nên vẫn một mặt, thi hành chức vụ linh mục tương đối đầy đủ; nhưng mặt khác, động lực cho hoạt động tông đồ, mục vụ là đời sống nội tâm, cầu nguyện không còn, hậu quả là nhiều khi chúng ta làm như một cái máy, vô hồn hoặc như một công chức, hoặc tìm bù trừ bằng tình cảm, tiền bạc, địa vị, quyền thế…
Bài cùng chuyên mục:
Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh (06/11/2024 08:54:01 - Xem: 285)
Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.
Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh (24/10/2024 10:17:21 - Xem: 337)
Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.
Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục: Ô-tô con và Linh mục(1) (30/09/2024 07:47:47 - Xem: 839)
Anh em linh mục giáo phận không có lời khấn khó nghèo như linh mục dòng, nhưng không phải vì thế mà chúng ta muốn tiêu xài tiền bạc thế nào tuỳ ý.
Kinh nghiệm về Thiên Chúa và Thần khải (21/09/2024 10:44:04 - Xem: 423)
Bài “Kinh nghiệm về Thiên Chúa và thần khải” của đan sĩ Anselm Grun giúp chúng ta hiểu đúng thế nào là thần khải, hầu tránh được những hiểu lầm tai hại cho đời sống thiêng liêng.
Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(3) (08/09/2024 07:45:34 - Xem: 429)
Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.
Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(2) (24/08/2024 10:17:51 - Xem: 466)
Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.
Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri (10/08/2024 07:52:38 - Xem: 536)
Thời đại của chúng ta là thời đại khao khát Thiên Chúa một cách sâu xa, nhưng Thiên Chúa lai ẩn giấu, mờ mịt, tăm tối.
Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.4) (22/07/2024 10:59:39 - Xem: 498)
Chúng ta tiếp tục đọc và suy tư các bài của Đan sĩ Anselm Grun. Trong bài này, ông phân tích rất sâu sắc về hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa của chúng ta
Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.3) (03/07/2024 08:26:58 - Xem: 553)
Rất cần có một hình ảnh đúng về Thiên Chúa, nhờ dó, chúng ta có cái nhìn đúng về con người và hoàn cảnh của con người.
Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.2) (23/06/2024 09:10:49 - Xem: 530)
Rất cần có một hình ảnh đúng về Thiên Chúa, nhờ dó, chúng ta có cái nhìn đúng về con người và hoàn cảnh của con người.
-
Gia vị cho bài giảng CN lễ Chúa Kito là Vua - 2024
Khi Người đến trong vinh quang, Chúa Kitô Vua sẽ xét xử chúng ta về những việc bác ái chúng ta làm cho tha nhân. (Cha Tony)
-
Kinh Tin Kính phổ quát
Mầu nhiệm của Chúa Kitô hoạt động thông qua các Giáo hội kitô lịch sử nhưng cũng hoạt động, và hoạt động rộng rãi, bên ngoài các Giáo hội...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 34 TN B - 2024
Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật,...
-
Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh
Ngoài việc cầu nguyện, các vị thánh sẽ đưa ra ba lời khuyên nào cho những người đang tìm kiếm người phối ngẫu tương lai?
-
Linh hướng là gì?
Trong xã hội và thời đại hỗn loạn của chúng ta, hơn bao giờ hết, hướng dẫn đời sống tâm linh là một nguồn lực tinh thần cần thiết. Người...
-
Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình?
Tôi là phụ huynh của ba đứa trẻ, tất cả chúng tôi đều cố gắng sống theo đức tin Công giáo. Một trong số chúng có vẻ không mấy hứng thú,...
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi
Người trẻ làm gì để không bị cuốn đi với những "tư tưởng" rất đời kia? Nếu có nhu cầu thì sao kiểm soát khi chưa lập gia đình? Tụi con...
-
Bác ái là nhân đức cần thiết cho sự phát triển tâm linh
Chúng ta phải xin Chúa ban cho chúng ta đức ái mỗi ngày cho đến khi chúng ta gặp được Ngài trên Thiên Đàng!
-
Đạo còn sống khi ta còn sống đạo
Phải chăng giá trị Tin Mừng trong lòng tín hữu đang phai nhạt dần ? Phải chăng việc đạo nghĩa chỉ còn là sự quan tâm thứ yếu ? Phải chăng...
-
Gia vị cho bài giảng CN 33 & Các Thánh Tử đạo VN - 2024
Đôi khi những người muốn dẫn dắt Người khác đến với Chúa Kitô cũng trở thành chướng ngại vật lớn nhất cho ơn cứu rỗi của họ.
-
Nghĩ đến những điều tốt đẹp
Hãy thôi nghĩ đến chuyện buồn ấy và hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp và đáng yêu khác trong cuộc sống để lòng bà được thanh thản
- Sự cần thiết của việc lắng nghe
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất