Tác giả - Tác phẩm

Thiên Chúa của sự sống, Chúa Giêsu và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa

  • In trang này
  • Lượt xem: 237
  • Ngày đăng: 07/06/2024 07:21:02

THIÊN CHÚA CỦA SỰ SỐNG, CHÚA GIÊSU

VÀ HÌNH ẢNH CỦA CHÚNG TA VỀ THIÊN CHÚA[1]

 

Giới thiệu

Chúng ta tiếp tục đọc và suy tư các bài của Đan sĩ Anselm Grun. Trong bài này, ông phân tích rất sâu sắc về hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa của chúng ta khi chỉ lấy một phương diện nào đó của Thiên Chúa và coi là tất cả. Hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa sẽ đưa đến hậu quả là có cái nhìn sai lạc và tai hại về con người. Vì thế, theo ông, rất cần có một hình ảnh đúng về Thiên Chúa, nhờ dó, chúng ta có cái nhìn đúng về con người và hoàn cảnh của con người. Cái nhìn đúng đó sẽ giúp chúng ta đón nhận cuộc sống như nó vốn có và đạt được bình an và tự do nội tâm.

                                    Linh mục Mỹ Sơn, giáo phận Long xuyên

 

 

Phần một

Nhập đề

“Một hôm, khi Đức Giê-su đến miền Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.” Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Si-môn Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 16, 13-17).

 

Làm thế nào để có thể có kinh nghiệm về Thiên Chúa? Điều đó tuỳ thuộc chúng ta hiểu kinh nghiệm đó là gì. Người coi bệnh tật của mình là sự trừng phạt của Thiên Chúa, thì người đó có trải nghiệm tiêu cực về Thiên Chúa và về bệnh tật của mình. Nhưng nếu người đó coi bệnh tật như bạn hữu, một người bạn muốn khai tâm mình trong nghệ thuật sống hạnh phúc, thì người này sẽ sống kinh nghiệm về bệnh tật rất khác. Người này cũng sẽ có một hình ảnh về Thiên Chúa rất khác.

 

­Hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa sẽ quyết định cách chúng ta sống: hoặc chúng ta bóp nghẹt sức sống của mình hoặc chúng ta giúp nó triển nở. Có một câu trong đoạn Tin mừng Mát-thêu trên có tính quyết định đối với chúng ta để học biết và hiểu đúng về Thiên Chúa, về Đức Giêsu Kitô và về chính chúng ta, và để nói về Thiên Chúa, về chúng ta một cách đúng đắn; chính là câu Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta nói Con Người là ai?” (Mt 16,13). Ba câu trả lời chỉ ra rằng các kitô hữu chúng ta ngày nay vẫn còn nhìn Chúa Giêsu bằng cái nhìn mờ nhạt, không rõ. Nhưng trong ba câu trả lời này không chỉ nói đến hình ảnh về Chúa Giêsu mà thôi, mà còn nói đến hình ảnh về Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mặc khải.

 

Đối với người kitô hữu chúng ta, kinh nghiệm chúng ta có về Thiên Chúa luôn trong tương quan với kinh nghiệm của chính Chúa Giêsu và với Tin mừng mà Ngài loan báo về Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã mở đôi mắt chúng ta, giúp chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa một cách đúng đắn. Nhưng Ngài không chỉ là người loan báo về một hình ảnh đúng về Thiên Chúa, mà Ngài còn nói về chính mình: “Ai nhìn thấy Thầy là thấy Cha”. (Ga 14,9). Kinh nghiệm kitô giáo về Thiên Chúa luôn được đánh dấu bởi mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong Chúa Giêsu, chúng ta thấy Chúa Cha, và chúng ta không thể thấy Chúa Giêsu mà không có Chúa Thánh Thần, Đấng Ngài sai đến với chúng ta. Vì thế, trải nghiệm về Thiên Chúa luôn được lôi cuốn vào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

 

Những hình ảnh sai lạc về Chúa Giêsu và về Thiên Chúa.

- Đối với một số người, Chúa Giêsu là Gioan Tẩy Giả, một người sống khổ hạnh. Ông không dùng cao lương mỹ vị. Ông sống trong sa mạc, thức ăn nuôi sống ông là châu chấu và mật ong rừng. Chắc chắn, sống khổ hạnh là một phương diện quan trong của kitô giáo: thực vậy, chúng ta tin rằng cần phải biết từ bỏ; nếu không ,chúng ta sẽ đồng hoá Thiên Chúa với sự sung túc, thoải mái của chúng ta. Khi đó, chúng ta coi Thiên Chúa như một mặt hàng tiêu thụ. Nhưng nếu quan niệm khổ hạnh trở nên độc đoán, chúng ta sẽ có một hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa. Thiên Chúa trở nên sự chối từ cuộc sống. Tôi biết rất nhiều kitô hữu có hình ảnh về một Thiên Chúa không chấp nhận cho họ sở hữu bất cứ cái gì. Vì thế, họ chỉ có thể sống và vui hưởng cuộc sống với một lương tâm bất an.

 

Nên nhớ Chúa Giêsu không thuộc loại người khổ hạnh. Dân chúng đã đồn thổi Ngài là người ham ăn ham uống. Khi nghĩ rằng từ bỏ thì tốt hơn là vui hưởng, là chúng ta đã có tư tưởng sai lạc về Thiên Chúa. Các nhà thần bí nói rằng, đích điểm của đời sống thiêng liêng là nếm hưởng Thiên Chúa, (frui Thiên Chúa). Hình ảnh này chỉ cho thấy một Thiên Chúa “dịu ngọt”, ngọt ngào hơn cả mật ong. Ai tin vào Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô đều biết rằng Thiên Chúa thì ngon ngọt. Và cùng lúc, người đó có cái nhìn đúng đắn về con người. Khi không biết lợi dụng cuộc sống, người ta sẽ không vui hưởng cuộc sống đó. Nhưng cũng là một điều đúng: không có từ bỏ, chúng ta không thể phát triển một nhân cách mạnh mẽ, và cũng không thể làm chủ cuộc sống của mình. Tuy nhiên, mục đích của sự từ bỏ không phải là hi sinh, mà là tập luyện để đạt được tự do nội tâm.

 

- Đối với một số người khác, Chúa Giêsu là Êlia. Đó là một người rất hăng hái, lao mình tấn công kẻ địch của Giavê và tàn sát 450 thầy sãi thần Baal. Ông đại diện cho hình ảnh về một Thiên Chúa thuần khiết và không nhượng bộ, nhưng cũng đầy bạo lực và giận dữ. Êlia tranh đấu cho một đức tin đích thực, nhưng ông hành động bởi cho rằng mình hoàn toàn hữu lý, đến nỗi ông không thấy cái mà ông bắt các thầy sãi thần Baal phải chịu. Cha của Chúa Giêsu là Đấng cho mặt trời chiếu sáng trên người lành cũng như kẻ dữ; còn Thiên Chúa của Elia thì dùng gươm đâm chết các thầy sãi thần Baal bị coi là những kẻ dữ. Hình ảnh một Thiên Chúa thuần khiết và hoàn hảo luôn có một phần bạo lực, nhưng Thiên Chúa của Chúa Giêsu là một Thiên Chúa rộng lượng và thương xót. Ngài kiên nhẫn chờ đợi con người hoán cải, chờ đợi con người lại tìm thấy con đương trở về với Ngài sau biết bao lần lạc lối sai đường.

 

Êlia bị những cảm xúc mạnh mẽ chiếm hữu và làm chủ. Ông biết khích động sự nhiệt tình của người khác, nhưng chẳng bao lâu sau, ông lại mất tinh thần và chỉ muốn chết cho xong. Trong lời rao giảng, Chúa Giêsu không chiều theo tình cảm của người nghe. Ngài nói về Thiên Chúa cách trong sáng. Ngài dùng những dụ ngôn và hình ảnh trình bày về Thiên Chúa, để người nghe tự do mở lòng ra với Thiên Chúa. Chúa Giêsu trao cho sứ giả của Ngài một sứ vụ khác, đó là: không đem lửa và gươm đến, nhưng là sự bình an, và Ngài đòi hỏi họ không được dùng bạo lực.

 

Từng hai người một đi rao giảng Tin mừng; tôi có thể làm điều đó một mình; nhưng loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa thì chỉ có thể cùng nhau làm. Hai người cùng nhau đi trên một con đường sẽ thường xuyên tự đặt mình dưới lòng thương xót. Chúa Giêsu không muốn các môn đệ loan báo một sứ điệp trừu tượng, nhưng họ nói về lòng thương xót của Thiên Chúa từ chính kinh nghiệm của mình. Người nào lẫn lộn giữa Thiên Chúa với những tình cảm của mình, người đó sẽ không còn làm chủ được con tim của mình nữa, và giống như Êlia, thấy mình ở giữa trời cao và hoả ngục. Thiên Chúa mà Chúa Giêsu loan báo thì vượt khỏi những tình cảm. Dĩ nhiên, Ngài có thể khơi gợi những cảm xúc mãnh liệt, nhưng sự hiểu biết Thiên Chúa đích thực chỉ có được trong sự từ bỏ hàng ngày.

 

- Những người khác nữa lại coi Chúa Giêsu là Giêrêmia. Đó là người công chính bị đau khổ. Hiển nhiên, đau khổ là một phần quan trọng trong kitô giáo. Chúa Giêsu đã thử giúp các môn đệ hiểu điều đó ở cuối đoạn Tin mừng trên. Trong cuộc đời, chúng ta không thể tránh được đau khổ. Nhưng không được tìm kiếm nó; nếu không, chúng ta có nguy cơ tán dương sự đau khổ, và xây dựng một tôn giáo tôn thờ đau khổ, coi đau khổ giá trị hơn là vui sống: đau khổ và vui sống cũng như nhau. Chính bởi vì không muốn đối diện với thực tế cuộc sống, nên chúng ta tìm trú ẩn trong đau khổ. Chúng ta coi đó là ý Chúa và phải chấp nhận. Nhưng thực ra, Thiên Chúa không muốn con người chịu đau khổ, mà là muốn họ được vui sống. Nhìn Thiên Chúa như một phản đề của con người và của những lợi ích của con người, chính là biến Thiên Chúa thành con quái vật không ngừng làm chúng ta đau khổ.

 

Đồng hoá Chúa Giêsu với Gioan Tẩy Giả, với Êlia, và với Giêrêmia: đó là những hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa. Trong khi Thiên Chúa mà Chúa Giêsu rao giảng không bị đóng khung trong bất cứ hình ảnh nào như vậy. Tuy nhiên, mỗi hình ảnh trên đều diễn tả một phương diện quan trọng về Thiên Chúa. Nhưng, như luôn luôn thấy, khi một phương diện được coi là tất cả, toàn bộ sẽ sai lạc. Lúc ấy, đây không còn là Thiên Chúa của Chúa Giêsu nữa, nhưng là hình ảnh về Thiên Chúa do chúng ta vẽ ra, một hình ảnh tối tăm, mà từ đó đưa đến hậu quả khác là có cái nhìn sai lạc và tai hại về con người.

 

Những người đang đau khổ vì hiểu sai lạc về Thiên Chúa như vậy đã hỏi tôi làm sao sửa chữa lại. Phương cách thuần lý trí không đủ để giúp chúng ta đạt được điều đó, vì những hình ảnh tiêu cực về Thiên Chúa như vậy nằm sâu trong vô thức và không ngừng xuất hiện nơi chúng ta. Một phương thế thoát khỏi chúng tự nội tâm hệ tại ý thức về chúng và đứng xa chúng ra.

 

Đối diện với hình ảnh về Thiên Chúa toàn mỹ, tôi sẽ nói: “Tôi biết anh. Anh đã thấm nhiễm vào tôi và anh còn tiếp tục làm điều đó. Nhưng tôi không muốn anh! Từ nay trở đi, tôi sẽ không cho anh quyền nào trên tôi nữa. Tôi sẽ gắn bó với Thiên Chúa của Chúa Giêsu, với Thiên Chúa của sự sống, Đấng sẽ giúp tôi sống!” Với hình ảnh về Thiên Chúa của đau khổ, tôi sẽ nói: “Tôi muốn sống, tôi chọn sự sống.”

 

Nổi loạn chống lại những hình ảnh tiêu cực về Thiên Chúa thì vô ích. Chỉ ý thức về chúng và tương đối hoá chúng mới có thể giúp chúng ta mà thôi. Chúng có thề tự biện minh, nhưng từ nay tôi không để cho chúng quyết định. Chắc chắn, chúng sẽ nổi lên bề mặt ý thức của tôi, nhưng tôi sẽ không lệ thuộc chúng nữa.

 

 


[1] Chuyển ý từ “Ouvre tes sens à Dieu” (Hãy mở các giác quan của bạn cho Thiên Chúa), Anselm Grun, Mediaspaul, Paris 2006, trang 115-131.

 

Bài cùng chuyên mục:

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.2) (23/06/2024 09:10:49 - Xem: 193)

Rất cần có một hình ảnh đúng về Thiên Chúa, nhờ dó, chúng ta có cái nhìn đúng về con người và hoàn cảnh của con người.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và ước muốn(bài 3) (10/05/2024 21:26:59 - Xem: 495)

Hi vọng bài suy tư này giúp chúng ta hiểu rõ những ước muốn của chính mình, để từ đó, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và ước muốn(bài 2) (27/04/2024 22:17:35 - Xem: 478)

Hi vọng bài suy tư này giúp chúng ta hiểu rõ những ước muốn của chính mình, để từ đó, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và ước muốn  (06/04/2024 10:09:20 - Xem: 717)

Hi vọng bài suy tư này giúp chúng ta hiểu rõ những ước muốn của chính mình, để từ đó, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa

Làm sao biết đó là Ý Chúa  (03/03/2024 08:37:22 - Xem: 1,280)

Bài sau đây rất hữu ích về đời sống thiêng liêng cho cá nhân mỗi người và nhất là cho những người có bổn phận hướng dẫn đời sống thiêng liêng cho người khác, như các vị linh hướng…

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 4) (02/02/2024 09:04:08 - Xem: 759)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 3) (10/01/2024 05:25:47 - Xem: 848)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 2) (13/12/2023 05:58:01 - Xem: 886)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Linh mục, người của lòng thương xót  (02/12/2023 09:29:04 - Xem: 1,128)

Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa hay chỉ là gặp gỡ chính mình? (30/08/2023 09:25:22 - Xem: 1,539)

Xin giới thiệu bài của cha Anselm Grun về sự phân định giữa kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và sự gặp gỡ chính mình được phản chiếu qua hình ảnh Thiên Chúa mà ta tưởng là đã gặp.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7