Suy niệm tin mừng chúa nhật

SCĐ CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH NĂM A

  • In trang này
  • Lượt xem: 633
  • Ngày đăng: 17/04/2023 08:06:18

CHỦ ĐỀ :

CUỘC SỐNG MỚI CỦA KẺ TIN 
VÀO ĐỨC GIÊSU PHỤC SINH

 

 Đức Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau

(Lc 24,13-35)

Sợi chỉ đỏ :

– Bài đọc I : Phêrô làm chứng về việc Đức Giêsu phục sinh.

– Đáp ca : Lạy Chúa, Chúa sẽ dạy con đường về cõi sống.

– Bài đọc II : Tín hữu đã được giải thoát khỏi lối sống phù phiếm của cuộc đời tạm gởi này.

– Bài Tin Mừng : Trên đường Emmau. Đức Giêsu đồng hành với tín hữu ; tín hữu có thể cảm nghiệm được Ngài qua Lời Chúa và Thánh Thể.

 

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Ngày xưa trên đường Emmau có hai môn đệ hoang mang đã tìm lại được đức tin và niềm vui cho cuộc sống. Phải chăng nhiều lúc chúng ta cũng hoang mang như thế. Hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta cùng hai môn đệ ấy dấn bước trên con đường Emmau để cũng tìm gặp những điều tốt lành như hai môn đệ ấy.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

– Chúng ta nhiều lần được nghe Lời Chúa nhưng tâm hồn vẫn nguội lạnh thờ ơ chứ không bừng cháy lên như hai môn đệ Emmau.

– Chúng ta nhiều lần tham dự lễ bẻ bánh nhưng cặp mắt đức tin vẫn khép kín không nhận ra Đức Giêsu đang đồng hành với chúng ta.

– Chúng ta ít quan tâm tìm đến với Chúa qua việc đọc và cầu nguyện Thánh Kinh.

III. LỜI CHÚA

  1. Bài đọc I: Cv 2,14.22-28

Đoạn thư này của Thánh Phêrô gồm 2 ý chính :

– Ông nhắc lại cho dân do thái nhớ những nét chính về cuộc đời Đức Giêsu : Ngài là người được Thiên Chúa sai đến với họ ; Ngài đã làm “nhiều phép mầu, dấu lạ và những việc phi thường để chính minh sứ mạng của Ngài” ; Ngài đã bị giết chết. Tất cả những điều này người do thái đều biết, nay chỉ cần nhắc lại là họ nhớ.

– Thiên Chúa đã làm cho Đức Giêsu sống lại. Điều này làm ứng nghiệm Tv 15 và chứng minh Đức Giêsu chính là Đấng Messia.

  1. Đáp ca: Tv 15

Tác giả hát lên niềm vui vì đã dám đặt cuộc tất cả vào Chúa, và đã thắng cuộc. Chúng ta có thể dùng những lời Thánh vịnh này để biểu lộ niềm vui mừng và tin tưởng của chúng ta vì có Đức Giêsu phục sinh đang ở bên chúng ta.

  1. Bài đọc II: 1 Pr 1,17-21

Đây là một lời kêu gọi hãy tin cậy vào Thiên Chúa và Đức Giêsu phục sinh :

– Việc Đức Giêsu chết và sống lại ấy đã giải thoát tín hữu khỏi lối sống phù phiếm xưa nay.

– Vậy từ nay tín hữu hãy đặt trọn niềm tin cậy phó thác vào Thiên Chúa và Đức Giêsu phục sinh.

  1. Bài Tin Mừng: Lc 24,13-35

Câu chuyện này diễn ra qua nhiều giai đoạn :

– Tâm trạng hoang mang chán chường của hai môn đệ trên đường Emmau.

– Đức Giêsu phục sinh đã ban lại cho họ đức tin và niềm vui, bằng hai cách : giúp cho họ hiểu Lời Chúa, cử hành lễ Bẻ bánh. Đây chính là 2 phương tiện giúp mọi tín hữu được gặp Đức Giêsu phục sinh.

– Sau cảm nghiệm được gặp Đức Giêsu, hai ông trở về Giêrusalem và loan báo Tin Mừng ấy cho các môn đệ khác.

IV GỢI Ý GIẢNG

  1. Làm thế nào để có được cảm nghiệm của hai môn đệ Emmau

Mong sao độc giả Tin Mừng hiểu được rằng câu chuyện này nhắm đến họ. Đến lượt mình, họ tự hỏi làm sao thấy được Đấng phục sinh. Câu trả lời là : mắt trần hoàn toàn vô dụng. Sự hiện diện của Đấng phục sinh khác hẳn sự hiện diện của Đức Giêsu Nadarét. Đây là một sự hiện diện mới mẻ, chỉ tỏ hiện với con mắt đức tin được nuôi bằng kinh thánh và việc chia sẻ bữa ăn với Đức Giêsu.

Nếu muốn thấy và sống sự hiện diện của Đấng phục sinh, các tín hữu phải trang bị cho mình hai điều kiện ấy vì họ luôn sẵn có trong tay Thánh Kinh và Thánh Lễ. (M. Sevin, trích dịch bởi Fiches dominicales, trang 135)

  1. Để khỏi rơi vào sự đơn điệu của đời thường

Lễ Phục sinh đã trôi qua 15 ngày. Chúng ta dễ buông mình rơi lại vào sự đơn điệu của đời thường, trở về với những lỗi phạm quen thuộc.

Nhưng đức tin không phải chỉ để dự lễ, mà là để sống cả đời. Đức tin là một ơn gọi phải theo suốt đời.

Bởi thế, trong bài đọc 2 hôm nay, thánh Phêrô đưa ra rất nhiều chỉ dẫn để chúng ta luôn sống niềm tin vào Đức Giêsu phục sinh :

– Đừng tự ru ngủ bằng ý tưởng mình đã là con cái Thiên Chúa : “Thiên Chúa không vị nễ ai, nhưng cứ theo công việc mà xét xử”. Phải biết “sợ” Cha mình, một nỗi sợ hiếu thảo và đầy tình yêu mến.

– Hãy luôn vui mừng vì mình là những con người tự do, tự do vì “được giải phóng khỏi lối sống phù phiếm do cha ông để lại”, để hướng tới sự thánh thiện. Nếu không hướng tới sự thánh thiện, chúng ta sẽ rơi lại nếp sống nô lệ cũ.

– Ý thức mình đã được cứu chuộc bằng giá máu của Đức Giêsu. Ngài đã yêu thương ta đến thế, lẽ nào ta đành phụ bạc Ngài.

  1. Một cách hiện diện mới

Cách viết của Luca chứa đựng một ngụ ý thần học sâu sắc : Khi hai môn đệ đang đi trên đường, mặc dù Đức Giêsu đang ở bên cạnh họ nhưng họ không nhận ra “vì mắt họ còn bị ngăn cản” (câu 16). Đến khi Đức Giêsu bẻ bánh thì “mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Ngài” (câu 31). “Nhưng Ngài lại biến mất” (câu 31).

Ngụ ý thần học của cách viết này là : Đức Giêsu phục sinh vẫn hiện diện ngay bên cạnh ta, nhưng theo một cách mới. Chúng ta không thể nhận ra cách hiện diện mới ấy vì cặp mắt thể xác của ta như “bị ngăn cản” bởi một bức màn. Chỉ khi nào Ngài muốn và cho những ai Ngài muốn thì Ngài mới cất bức màn ấy đi và khi đó mắt chúng ta mới “mở ra” và thấy được Ngài.

Vì thế, một mặt chúng ta hãy vững tin rằng Đức Giêsu phục sinh lúc nào cũng ở sát bên cạnh chúng ta ; mặt khác hãy xử dụng những phương tiện mà Ngài đã để lại hầu có thể nhận ra Ngài, đó là Lời Chúa và Thánh lễ.

  1. Bức họa của Rembrandt

Trong các tác phẩm của danh họa Rembrandt, có một bức rất ấn tượng vẽ cảnh Đức Giêsu đang ngồi cùng bàn với hai môn đệ Emmau. Điều gây ấn tượng là vẻ mặt sung sướng vô ngần của hai môn đệ lúc họ nhận ra Chúa. Bức họa nổi tiếng này được đặt trong một nhà bảo tàng, và có một chuyên viên phụ trách giải thích ý nghĩa của nó cho các khách tham quan.

Lần kia một cặp vợ chồng vừa có đứa con duy nhất bị chết vì tai nạn. Họ buồn quá không biết làm gì nên cùng nhau đến nhà bảo tàng ấy để giải khuây. Họ cũng được người hướng dẫn ấy dẫn đến bức họa này. Ban đầu, hai vợ chồng chẳng buồn để ý tới những lời giải thích. Nhưng dần dần họ bị cuốn hút vào. Và cuối cùng, khi người hướng dẫn dứt lời thì họ tâm sự với người hướng dẫn : “Chúng tôi đã nghe nói về bức họa này nhiều lần, nhưng chưa lần nào chúng tôi được nghe người nào trình bày một cách hấp dẫn như ông. Chúng tôi thực sự xúc động.”

Người hướng dẫn đáp : “Thực ra, không phải lần nào tôi cũng trình bày một cách xác tín như vậy đâu. Có lần tôi đã nói một cách rất hời hợt qua loa.” Rồi ông ta kể : “Ba năm trước, vợ tôi bị ung thư, sức khoẻ cạn kiệt dần, rồi nàng chết một cách hết sức đau đớn. Tôi không thể nào chấp nhận nỗi các chết này, vì nàng là một người rất tốt, không đáng bị chết như thế. Tôi tưởng như cả thế giới sụp đổ. Tim tôi như vỡ tan. Nhưng vì bổn phận, tôi vẫn phải đến làm việc ở nhà bảo tàng này. Tôi giải thích ý nghĩa các bức họa một cách hết sức máy móc, vô hồn. Thế rồi một hôm, tôi chợt hiểu ra rằng bức họa này không chỉ liên can đến hai người môn đệ tuyệt vọng này, mà cả đến tôi nữa. Cũng như hai ông ấy, tôi đã tuyệt vọng và trở thành một người lữ hành cô đơn. Dù tôi là một người tín hữu, nhưng đối với tôi Đức Giêsu chỉ là một nhân vật mờ mịt trong những trang sách Tin Mừng. Tuy nhiên hôm đó tôi cảm thấy Ngài đang hiện diện thực sự bên cạnh tôi, Ngài ở bên tôi như một người bạn hiểu rất rõ mọi nỗi khổ đau của loài người. Từ lúc đó “mắt tôi mở ra, lòng tôi cháy bừng lên” như hai môn đệ ấy. Tôi đã tìm lại được hy vọng và lẽ sống cho đời mình. Bởi vậy từ đó trở đi, mỗi khi tôi kể câu chuyện Emmau là tôi kể về chính cảm nghiệm của mình.”

Cặp vợ chồng không cầm được nước mắt : “Chúng tôi cũng thế. Chúng tôi đã ‘mở mắt ra và thấy lòng mình cháy bừng lên’. Hôm nay chúng tôi cũng tìm lại được hy vọng và lẽ sống cho đời mình, vì biết rằng Đức Giêsu phục sinh đang thực sự ở bên cạnh chúng tôi”. (Flor McCarthy)

V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

CT : Anh chị em thân mến

Niềm tin của hai môn đệ đi làng Emmau được củng cố vững chắc, và niềm vui gặp Chúa tràn ngập tâm hồn hai ông. Trong niềm hân hoan mừng Chúa đã sống lại, chúng ta cùng dâng lời cầu xin.

1- Hội Thánh tôn kính Lời Chúa ngang với Mình Máu Thánh Chúa / và không ngừng kêu gọi con cái mình siêng năng học hỏi Lời Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho người kitô hữu / ý thức được tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống đức tin thường ngày.

2- Kinh Thánh là quyển sách được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất / và được nhiều người đọc nhất trên thế giới / Chúng ta hiệp lời cầu xin / cho ngày càng có nhiều người mộ mến tìm đọc / và nhận ra được giá trị thực sự của quyển sách quý báu này.

3- Trong đời sống hằng ngày / có biết bao người chán nản và tuyệt vọng vì gặp quá nhiều đau khổ / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa / ban cho những anh chị em đang gặp thử thách gian nan / một niềm tin sắt đá / và một niềm cậy trông vững bền vào tình thương / và sự quan phòng của Người.

4- Rộng rãi giúp đỡ những người khốn khổ bất hạnh / là một trong những bổn phận căn bản của đời sống đức tin / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết thật tình chia sẻ cơm áo cho những ai thật sự đói nghèo.

CT : Lạy Chúa Kitô phục sinh, Chúa luôn đồng hành cùng chúng con trong cuộc sống. Xin cho tất cả chúng con biết nhận ra Chúa luôn hiện diện trong cuộc sống thường ngày của chúng con, để chúng con vẫn luôn vui sống giữa muôn phiền toái của cuộc đời. Chúa hằng sống và hiển trị…

VI. TRONG THÁNH LỄ

– Kinh tiền tụng : nên dùng Kinh tiền tụng phục sinh số 2, vì có nói tới cuộc sống mới.

– Trước kinh Lạy Cha : Làm con thì phải phó thác theo ý cha mình. Chúng ta hãy hợp ý với Đức Giêsu dâng lên Chúa Cha tâm tình phó thác của chúng ta.

VII. GIẢI TÁN

Sau khi gặp được Đức Giêsu phục sinh, hai môn đệ Emmau đã làm chứng cho những người khác tin Chúa. Anh chị em cũng thế, hãy đi làm chứng cho mọi người rằng Chúa đã sống lại.

Bài cùng chuyên mục:

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7