Tác giả - Tác phẩm

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục(bài 5)

  • In trang này
  • Lượt xem: 2,318
  • Ngày đăng: 30/06/2023 08:53:13

NHỮNG SUY NGHĨ TẢN MẠN

VỀ ĐỜI SỐNG VÀ TÁC VỤ LINH MỤC

 

Giới thiệu

Những suy nghĩ tản mạn trong các bài trình bày ở đây là đúc kết kinh nghiệm, suy nghĩ về đời sống và tác vụ linh mục sau 30 năm đời linh mục. Những suy nghĩ này hoàn toàn có tính cách cá nhân, chỉ nhằm mục đích chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Nó có thể có ích mà cũng có thể không giúp được gì. Tuy nhiên, được viết ra, được chia sẻ đã là niềm vui rất lớn rồi.

                                 Linh mục Mỹ Sơn, giáo phận Long Xuyên

 

BÀI 5

KHÓ NGHÈO CỦA LINH MỤC

“Con chồn có hang, chim trời có tổ,

nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” (Lc 9,58)

 

Trong bài này, chúng ta sẽ đề cập đến sự khó nghèo, hay đúng hơn, đời sống giản dị của một linh mục là gì.

 

I. Thế nào là sống giản dị.

Khó nghèo là từ ngữ hình như không còn thích hợp để nói về đời sống từ bỏ của linh mục. Khó nghèo là điều ai cũng tránh và cố vượt qua để sống đầy đủ, sung túc. Không ai muốn nghèo, và nghèo khó không phải là điều tốt. Dĩ nhiên, từ “khó nghèo” vẫn giữ nguyên ý nghĩa của nó, nếu nói về tinh thần nghèo khó, sự từ bỏ, không dính bén của cải trần gian. Nhưng ngày nay, ít người hiểu được ý nghĩa sâu xa của nó. Người ta thường đồng hoá “nghèo khó” với “nghèo khổ”, nên đại đa số người đương thời của xã hội ngày nay không chấp nhận điều đó.

 

Vì thế, thay vì dùng từ “khó nghèo”, chúng ta sẽ dùng từ “giản dị”. Giản dị là gì? Trước hết, sống giản dị là sống không cầu kỳ, không giàu sang, không hưởng thụ những tiện nghi đắt tiền, thái quá, không có lòng tham lam luôn tìm kiếm tiền bạc và luôn muốn có nhiều hơn, cũng như không tiêu xài hoang phí như xài cái gì cũng phải hàng hiệu. Người sống giản dị chỉ chi tiêu những gì thực sự cần thiết, với sự giản dị, không xa hoa, sang trọng, mà ăn chắc, mặc bền. Như vậy, sống giản dị là chi tiêu vừa phải, mọi thứ sử dụng đều thích hợp với đời sống và tác vụ linh mục, thích hợp với lời Chúa khuyên sống tinh thần nghèo khó và thích hợp với đời sống kinh tế của đại đa số dân chúng sống xung quanh.

 

Tóm lại, sống giản dị là tiêu xài chừng mực, có nhu cầu vừa phải, không đua đòi, không đòi hỏi quá mức cần thiết, không ham muốn tiền bạc, không sống sang cả, hưởng thụ.

 

II. Tập sống giản dị.

Xã hội ngày nay là xã hội hưởng thụ và tiêu dùng. Càng tiêu dùng thì kinh tế càng phát triển. Vì thế, người ta luôn kích thích tiêu dùng bằng mọi cách.

 

Một trong những cách kích thích tiêu dùng là quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trên internet, qua các trang mạng xã hội. Quảng cáo liên tục, nào là hàng mới, nào là hàng chất lượng, nào là có nhiều cải tiến, mạnh hơn, nhanh hơn, dễ sử dụng hơn, nhiều tính năng mới hơn, giúp tiết kiệm thời gian, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện nước, sử dụng lâu bền hơn, v.v.

 

Rồi người ta còn kích thích sự phô trương cá nhân hay tập thể: xài hàng hiệu, xài sao cho thấy mình độc đáo, không đụng hàng, từ giày dép, quần áo, đến xe cộ, nhà cửa, v.v. Tóm lại, mình phải nổi trội, ai thấy cũng phải trầm trồ, ganh tị.

 

Nhưng đáng tiếc, đó không phải là sự trầm trồ, ca ngợi, ganh tị về phẩm chất tốt như học giỏi, hiền lành, như có lòng thương người, giúp đỡ người khác, như ngay thẳng, tận tâm làm việc; mà chỉ là ca tụng cái vẻ hào nhoáng bên ngoài: quần áo, xe cộ, nhà cửa, ăn uống, v.v.

 

Trong một xã hội đề cao hưởng thụ, tiêu dùng; đề cao tiền bạc, của cải, đề cao sự sang trọng, giàu có, thì sống giản dị không phải dễ. Vì vậy, muốn sống giản dị phải luyện tập. Sự luyện tập không phải ngày một ngày hai, mà là luyện tập suốt đời, liên lỉ. Vậy luyện tập cách nào đây?

 

1. Tập giảm bớt nhu cầu.

Xã hội tiêu thụ ngày nay không chỉ tạo ra những sản phẩm tiêu dùng mới, mà còn tạo ra những nhu cầu mới. Cách nay nhiều năm, đâu có nhu cầu điện thoại di động, đâu có nhu cầu wifi, internet, đâu có nhu cầu chơi game, chat, v.v.

 

Rồi cách nay nhiều năm, đâu phải ai cũng có xe máy để rồi phải có nhu cầu xăng dầu; đâu phải nhà nào cũng có bếp gaz, để rồi phải có nhu cầu mua gaz; đâu phải nhà nào cũng có máy lạnh, máy giặt để tăng thêm nhu cầu xài điện.

 

Kích thích tiêu dùng, luôn tạo thêm nhu cầu mới, đó là cách phát triển kinh tế và làm giàu của xã hội hiện đại. Vì thế, muốn sống giản dị, nghèo khó, phải tập giảm bớt nhu cầu, giảm bớt tiêu xài.

 

Tôi nhớ mình đang cố gắng tiêu xài ít đi, tắt đèn điện ở nhưng nơi, những lúc không cần thiết; giới hạn số tiền gọi điện thoại hàng tháng; giày dép, quần áo vừa phải, một hai đôi dép, một hai đôi săng-đan, một hai đôi giày, ba bốn bộ quần áo là đủ; nhưng với thời gian, đồ đạc, quần áo, v.v. ngày một nhiều thêm. Nếu không kiểm tra, trông chừng và tập giảm bớt đi thì chẳng mấy chốc quần áo, giày dép, máy móc, đồ đạc, v.v. không đủ chỗ mà để.

 

Nói như vậy, không có nghĩa là tôi đã tập được lối sống giản dị. Nhiều khi tập được mặt này, lại lòi ra mặt khác, giảm bớt được phía này, lại tăng thêm phía kia.

 

Nói chung, phải tập giảm bớt, tập luôn, tập hoài; tập luyện và trông chừng luôn luôn không được lơ là. Nên nhớ chúng ta khó có thể đạt tới đích hoàn toàn là lối sống giản dị, khó nghèo như Đức Kitô; mà là luôn đang trên đường, có khi tiến tới đó, nhưng đôi lúc cũng thụt lùi đó.  Vì thế, phải nỗ lực không ngừng.

 

Ở đây, xin lưu ý thêm: có những linh mục sống giản dị theo tính tự nhiên. Tự nhiên đó có thể được định hướng theo gương Đức Kitô trong tiềm thức hoặc vô thức. Nhưng tốt hơn nhiều, nếu linh mục đó nâng lên tầng ý thức, bằng đời sống cầu nguyện, chiêm niệm và luôn nhớ rằng mình muốn noi gương Đức Kitô. Khi ấy, điểm mạnh tự nhiên của linh mục sẽ giúp vị ấy sống kết hợp với Chúa Giêsu sâu xa hơn, và đời sống giản dị, nghèo khó cũng đi xa hơn nữa vì nó giàu ý nghĩa thiêng liêng hơn và giúp linh mục sống từ bỏ ngày một mạnh mẽ hơn.

 

2. Tập cho đi.

Sống giản dị, nghèo khó đã là điều tốt, đáng khen, nhưng sống như thế để làm gì còn quan trọng hơn nhiều.

 

Như đã nói trong bài trước, có một số linh mục sống rất đơn sơ, giản dị, nghèo khó, nhưng nếu chỉ sống như vậy theo bản tính hoàn toàn tự nhiên thì cũng không ích gì cho đời sống thiêng liêng và cho giáo dân mà linh mục đó phục vụ. Nên nhớ rằng sống giản dị, nghèo khó là để noi gương Chúa Giêsu. Đúng vậy! Nhưng Chúa Giêsu không sống nghèo để nghèo khó cực khổ. Ngài sống giản dị, nghèo khó để chia sẻ với người nghèo khổ chung quanh Ngài. Ngài sống nghèo là để cho đi tất cả, kể cả mạng sống, để họ được cứu độ, được hạnh phúc vĩnh cửu, là gia tài quí giá nhất của con người.

 

Vì thế, linh mục chúng ta sống giản dị, nghèo khó là để cho đi, để chia sẻ, để đồng cảm với mọi người, nhất là người nghèo, theo gương Chúa Giêsu; đồng thời cũng cho đi, giúp đỡ họ, để họ bớt nghèo, đỡ khổ, để họ sống xứng đáng với phẩm giá con người hơn, và nhất là để họ đến với Chúa, tin Ngài, được ơn cứu độ là sự sống đời đời.

 

Muốn cho đi, phải tập vì tự bản tính không ai muốn cho đi, mà chỉ muốn thu vào. Hơn nữa, dân gian có câu: “Đồng tiền liền khúc ruột”. Lấy tiền mình mà cho người khác thường là đau xót như đứt ruột.

 

Tập cho đi, tập chia sẻ với những người thiếu thốn hơn cũng phải là sự tập luyện thường xuyên, không ngừng vì lòng ham muốn tiền bạc của cải luôn làm cho bàn tay của chúng ta rụt lại, và luôn muốn kềm hãm bước tiến của ta trên con đường đức ái, trên con đường bước theo Đức Kitô, trở nên giống Ngài.

 

3. Noi gương Đức Kitô.

Linh mục chúng ta tập sống giản dị, khó nghèo là muốn noi gương đời sống nghèo khó, giản dị của Chúa Giêsu. Không chỉ muốn mà còn cương quyết noi theo lối sống đó.

 

Để sống được như Chúa, chúng ta rất cần ơn ban của Ngài trợ giúp vì tự sức chúng ta, khó có thể thực hiện được. Ơn Chúa ban cho chúng ta qua việc  cầu nguyện, suy gẫm, chiêm niệm, qua lãnh nhận các bí tích, qua đời sống chia sẻ, bác ái, tương trợ. 

 

Ơn Chúa ban không chỉ thúc đẩy chúng ta hành động bên ngoài, mà còn thanh luyện tinh thần, thanh luyện lòng trí, thanh luyện tự bên trong. Có hãm dẹp được sự ham muốn tận đáy lòng, chúng ta mới có hi vọng sống giản dị, nghèo khó như Đức Kitô, lội ngược dòng đời với lối sống giàu sang, hưởng thụ.

 

Kết

Có lần một người bạn hỏi tôi: - Trong thời gian dich covid-19, có thiếu tiền không? Có cần thì gởi cho cha 200 đô? Tôi trả lới: - Có được thì tốt. Rồi trông ngóng xem anh bạn có gởi tiền không. Trong khi, thực sự thì tôi có thiếu thốn tiền bạc gì đâu. Đúng là lòng ham muốn tiền bạc luôn âm ỉ trong lòng chúng ta khi thì kín đáo như mạch nước ngầm âm thầm chảy, lúc lại sục sôi như thác đổ.

 

Một lần khác, đến thăm người chị họ ở một nước Bắc Âu. Khi biết tôi đến chơi, chị để ra vài trăm đôla đã dành dụm từ lâu cho tôi. Thấy tivi của chị đã cũ, màu sắc biến dạng, tôi hỏi: - Sao chị không mua tivi mới. – Chị đang để dành tiền đổi tivi. Chị họ tôi ăn tiền trợ cấp từ ngày sang đó, nên không có tiền nhiều. Thấy vâỵ, khi từ giã, tôi đã để lại tiền chị cho trong hộc bàn, không dám lấy. Tôi phải cố gắng hãm dẹp lòng ham muốn tiền bạc lắm mới không lấy tiền như thế.

 

Tôi cũng còn nhớ, có những lần, lấy tiền riêng giúp người nghèo, tôi lưỡng lự khá lâu. Lý do, tôi giữ quỹ bác ái, mà quỹ đó dư giả để giúp chứ không thiếu. Tuy vậy, tôi vẫn muốn lấy tiền cá nhân mình để chia sẻ và tập cho đi nhằm giảm bớt lòng ham muốn thu tích tiền bạc. Lấy quỹ chung cho đi thì dễ; lấy tiền mình cho đi thì phân vân, tính toán nhiều ít, có khi rất lâu.

 

Tôi biết có những linh mục cho đi rất dễ dàng, nhưng riêng tôi vẫn thấy có một mức độ khó nào đó, dù bản thân có lòng thương người, thấy hoàn cảnh khổ cực của người khác là không chịu được; và nhất là, có chủ ý tập chia sẻ, cho đi, nhưng vẫn thấy là không dễ dàng.

 

Thực ra, đại đa số linh mục chúng ta cho đi là cho đi phần dư thừa, chứ không phải cho đi cái mình cần để sống như Chúa Giêsu nhận xét về bà goá bỏ hai đồng tiền cắc vào thùng tiền đền thờ. Chúa nói bà đã cho đi cái mình cần để sống; còn những người giàu có bỏ rất nhiều tiền vào thùng, thì Chúa nói, họ cho phần dư thừa của họ mà thôi (Mc. 12, 41-44).

 

Ước mong mỗi linh mục đều sống giản dị, khó nghèo, theo tinh thần nghèo khó Chúa Giêsu đã dạy. Biết rộng rãi cho đi, quảng đại, không so đo, tính toán với một lòng bác ái, yêu thương mọi người, không loại trừ ai.

Bài cùng chuyên mục:

Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh(phần 1) (24/11/2024 14:16:50 - Xem: 240)

Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu.

Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh (06/11/2024 08:54:01 - Xem: 354)

Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.

Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh  (24/10/2024 10:17:21 - Xem: 418)

Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục: Ô-tô con và Linh mục(1) (30/09/2024 07:47:47 - Xem: 911)

Anh em linh mục giáo phận không có lời khấn khó nghèo như linh mục dòng, nhưng không phải vì thế mà chúng ta muốn tiêu xài tiền bạc thế nào tuỳ ý.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và Thần khải  (21/09/2024 10:44:04 - Xem: 471)

Bài “Kinh nghiệm về Thiên Chúa và thần khải” của đan sĩ Anselm Grun giúp chúng ta hiểu đúng thế nào là thần khải, hầu tránh được những hiểu lầm tai hại cho đời sống thiêng liêng.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(3) (08/09/2024 07:45:34 - Xem: 461)

Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(2) (24/08/2024 10:17:51 - Xem: 494)

Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri  (10/08/2024 07:52:38 - Xem: 553)

Thời đại của chúng ta là thời đại khao khát Thiên Chúa một cách sâu xa, nhưng Thiên Chúa lai ẩn giấu, mờ mịt, tăm tối.

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.4) (22/07/2024 10:59:39 - Xem: 518)

Chúng ta tiếp tục đọc và suy tư các bài của Đan sĩ Anselm Grun. Trong bài này, ông phân tích rất sâu sắc về hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa của chúng ta

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.3) (03/07/2024 08:26:58 - Xem: 573)

Rất cần có một hình ảnh đúng về Thiên Chúa, nhờ dó, chúng ta có cái nhìn đúng về con người và hoàn cảnh của con người.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7