Tác giả - Tác phẩm

Linh mục, người của lòng thương xót(bài 4)

  • In trang này
  • Lượt xem: 1,063
  • Ngày đăng: 02/02/2024 09:04:08

LINH MỤC,  NGƯỜI CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

 

*Giới thiệu

Bốn bài suy niệm ở đây đều chuyển ý từ các bài giảng và bài nói chuyện của ĐGH Phanxicô. Tuy là những bài dành riêng cho các linh mục, nhưng tu sĩ, chủng sinh và giáo dân đều có thể đọc để suy niệm và cầu nguyện miễn là biết thích nghi với bậc sống và hoạt động tông đồ của mình.

                                  Linh mục Mỹ Sơn, giáo phận Long Xuyên

 

 

BÀI BỐN

CANH TÂN ĐỜI SỐNG LINH MỤC NHỜ LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA[1]

Sống gắn bó với Chúa, với cộng đoàn và cùng hướng về Nước Trời

 

Trong bài này, ĐGH Phanxicô phác hoạ khuôn mặt của một linh mục lý tưởng. Ngài nói: Có rất nhiều cha xứ quảng đại hiến dâng trọn vẹn cho Chúa, cho Giáo hội và cho cộng đoàn trong các giáo phận của chúng ta; hãy để khuôn mặt của một trong số họ xuất hiện trước đôi mắt tâm hồn chúng ta và hãy tự hỏi: Điều gì giúp cho vị linh mục của chúng ta luôn nhiệt thành dấn thân phục vụ?  Ngài dấn thân phục vụ cho ai và cho điều gì? Đâu là lý do tối hậu cho sự dấn thân phục vụ của ngài?

Xin ơn: được luôn đổi mới đời sống mỗi ngày nhờ lòng thương xót Chúa.

 

1. Điều gì giúp cho vị linh mục của chúng ta luôn nhiệt thành dấn thân phục vụ?

Lời Chúa: “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Chúa Giêsu đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.” (Mc 1, 35).

Bối cảnh văn hoá rất khác nhau đã ảnh hưởng đến những bước chân đầu tiên trong tác vụ nơi vị linh mục của chúng ta. Ở nước Ý cũng vậy, rất nhiều truyền thống, phong tục và tầm nhìn về cuộc đời đã bị tác động sâu sắc bởi sự thay đổi của thời đại. Ở Việt Nam cũng không khác. Là những người thường xuyên oán thán về thời đại này với giọng điệu cay đắng và kết án, thì chính chúng ta cũng phải cảm nhận được sự khắc nghiệt của nó: khi thi hành tác vụ, chúng ta đã gặp biết bao người lạc đường vì không có ai hướng dẫn cũng như không thấy được đích điểm của cuộc đời! Có biết bao những tương quan bị tổn thương! Trong một thế giới mà ai cũng nghĩ mình là thước đo cho tất cả mọi sự, thì còn chỗ đâu cho người anh em của mình.

 

Trong bối cảnh đó, đời sống vị linh mục của chúng ta trở nên chứng tá hùng hồn vì nó khác biệt và nó giúp cho mọi người thấy rằng vẫn có thể chọn lựa một lối sống khác với lối sống lấy chính mình làm tiêu chuẩn cho mọi sự. Như Môsê là người đã đến gần lửa của bụi gai và đã để ngọn lửa đó thiêu huỷ mọi tham vọng về sự nghiệp và quyền lực. Ông đã dựng lên một dàn lửa thiêu huỷ sự cám dỗ cho mình là người “tích cực”, cho mình là người gắn bó với Chúa khi làm đầy đủ bổn phận và tác vụ tôn giáo; hăng hái trong việc điều hành, tổ chức, xây dựng; nhưng thực sự lại rất ít đạo đức, thiêng liêng vì chỉ làm theo hình thức, theo luật lệ, theo bổn phận, mà không có một nền tảng vững chắc của đời sống thiêng liêng, là yêu mến Chúa qua việc phục vụ, yêu thương, gần gũi, gắn bó với giáo dân, nhất là với những người nghèo khổ, khô khan, bỏ đạo.

 

Với đôi chân trần trụi, vị linh mục của chúng ta đối diện với một thế giới khăng khăng chống lại đức tin và sự nên thánh. Ngài không lấy làm vấp phạm về những mỏng dòn yếu đuối của tâm hồn con người: ý thức chính mình cũng là người bại liệt được chữa lành, ngài tránh xa sự lạnh lùng của những người theo chủ nghĩa nghiêm khắc, cũng như tránh xa sự nông cạn của những người muốn tỏ lòng khoan dung với cái giá tối thiểu nhất. Trái lại, ngài chấp nhận lo cho tha nhân, và cảm thấy mình liên kết và có trách nhiệm với số phận của họ.

 

Phải, thưa anh em, lối sống của vị linh mục chúng ta đang nói tới, rất khác. Với dầu hi vọng và an ủi của Thần Khí, vị linh mục của chúng ta trở thành bạn của mọi người, quan tâm chia sẻ nỗi đau khổ và sự bị bỏ rơi của họ. Vì đã từ bỏ ý riêng, ngài không có lịch làm việc phải thực hiện và bảo vệ bằng mọi giá, mà mỗi sáng đều trao thời gian của mình cho Chúa để ra đi gặp gỡ mọi người, để biết họ, cảm thông và đón nhận họ, cũng như để họ biết ngài, cảm thông và đón nhận ngài. Như thế, ngài không phải là một công chức hoặc một nhân viên bàn giấy của một cơ chế; ngài không lệ thuộc vào vai trò một nhân viên, đồng thời cũng không bị tác động bởi những tiêu chuẩn của hiệu năng, nghĩa là phải đạt được thành quả tối đa trong mọi công việc mình làm, theo thời gian và công sức đã bỏ ra.

 

Vị linh mục của chúng ta không tìm sự đảm bảo của loài người hay những chức tước cao sang, đầy quyền uy, vì làm như vậy là ngài đặt tin tưởng vào người phàm, theo thói thế gian; trong tác vụ, ngài không đòi hỏi gì vượt quá những nhu cầu thực sự của mình; và ngài không lo lắng bởi vì những người được trao phó cho ngài luôn gắn kết với ngài. Cách sống của vị linh mục đó thỉ đơn giản và cốt yếu, luôn sẵn sàng; điều đó làm cho vị ấy trở nên đáng kính, đáng tin dưới con mắt mọi người, và giúp gần gũi với những người bé nhỏ, nghèo hèn, trong tình bác ái mục tử; điều đó cũng làm cho vị linh mục của chúng ta trở nên tự do và liên đới. Là tôi tớ của sự sống, ngài bước đi với con tim và bước chân của những người nghèo; ngài giàu có nhờ năng tiếp xúc với họ. Đó là con người của bình an và hoà giải, là dấu chỉ và khí cụ của tình yêu Thiên Chúa, Đấng luôn quan tâm ban sự lành với cùng một niềm say mê mà người thế gian dành cho lợi ích trần thế của họ.

 

Anh em đều biết rõ, sự bí mật nào đã giúp vị linh mục của chúng ta sống và thi hành tác vụ được như vậy. Sự bí mật đó nằm trong bụi gai cháy bừng, một bụi gai đánh dấu đời sống nhiệt thành của ngài luôn bừng cháy như lửa, chiếm hữu và uốn nắn đời sống ngài theo gương Đức Giêsu Kitô, là chân lý tuyệt đối. Chính sự kết hợp với Người che chở ngài, làm cho ngài trở nên xa lạ với đời sống thiêng liêng kiểu thế gian đưa đến sự thối nát; cũng như xa lạ với những thoả hiệp và những bần tiện. Chính tình bạn nghĩa thiết với Chúa giúp ngài ôm lấy thực tại hàng ngày với sự phó thác của người tin rằng điều gì con người không thể làm thì Thiên Chúa lại có thể.

 

Cuối cùng, để trả lời cho câu hỏi thứ nhất: Điều gì giúp cho vị linh mục của chúng ta luôn nhiệt thành dấn thân phục vụ? Xin thưa, đó là: tình yêu nhờ sự kết hợp mật thiết với Chúa trong đời sống cầu nguyện và thi hành tác vụ.

 

2. Vị linh mục của chúng ta dấn thân phục vụ cho ai và cho điều gì?

Lời Chúa:Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung. (Cv 4,32)

 

Câu hỏi này chắc chắn cần được làm rõ. Thực vậy, trước khi tự hỏi về những người được hưởng việc phục vụ này, chúng ta phải biết rằng linh mục là người phục vụ trong mức độ mà ngài thấy mình thuộc về Giáo hội, thuộc về một cộng đoàn cụ thể mà ngài chia sẻ con đường phục vụ của mình. Dân Thiên Chúa là nơi mà ngài từ đó phát xuất ra, là gia đình mà ngài là thành phần, là ngôi nhà mà ngài được sai tới. Sự thuộc về có tính cộng đồng này xuất phát từ bí tích Rửa tội, nó là luồng gió giải phóng khỏi sự tự qui chiếu về mình, một sự qui chiếu sản sinh cô lập và tù túng.

 

Hãy ra đi! Và trên hết mọi sự, không phải vì bạn có một sứ vụ phải hoàn thành, nhưng bởi vì tự bản chất bạn là một nhà truyền giáo: khi gặp gỡ Chúa Giêsu, bạn đã trải nghiệm một cuộc sống viên mãn, và vì vậy, bạn hết sức ước muốn rằng những người khác được biết Chúa, và có thể sống tình bạn với Người, được dưỡng nuôi bằng Lời Chúa và cử hành điều đó trong cộng đoàn.

 

Ai sống vì Tin Mừng, người đó sẽ đi đến sự chia sẻ đời sống thiêng liêng: người mục tử được hoán cải và được củng cố bởi đức tin đơn thành của dân thánh, cùng với dân thánh, ngài hành động và trong con tim của dân thánh, ngài sống. Sự thuộc về dân thánh là muối men của đời sống ngài; đời sống đó có nét nổi bật là sự hiệp thông, sống cùng với giáo dân trong những tương quan biết đánh giá cao sự tham gia của mỗi người. Trong thời đại nghèo tình bạn có tính xã hội ngày nay, trách nhiệm đầu tiên của chúng ta là xây đựng cộng đoàn; bởi vậy, năng lực tạo các mối tương quan phải là tiêu chuẩn có tính quyết định của sự phân định ơn gọi.

 

Đồng thời, điều trọng yếu đối với linh mục là luôn thấy mình thuộc về gia đình linh mục đoàn. Kinh nghiệm này – khi không sống theo bề ngoài, được chăng hay chớ - sẽ giải thoát linh mục khỏi tính tự mãn, chỉ biết mình và ganh ghét nhau; kinh nghiệm này cũng giúp linh mục coi trọng các anh em linh mục, nâng đỡ và cư xử tốt với nhau; gia tăng sự hiệp thông không chỉ có tính bí tích, luật lệ, mà còn là sự hiệp thông huynh đệ cách cụ thể. Trong bước đi hiệp nhất giữa các linh mục, vào thời đại đầy chia rẽ cùng với những cảm nhận khác nhau, hương thơm của tính ngôn sứ về hiệp nhất sẽ lan toả, làm mọi người ngạc nhiên và lôi cuốn họ. Sự hiệp thông thực sự là một trong những danh xưng của lòng thương xót.

 

Cũng cần nói tới sự quản lý cơ cấu và của cải: trong viễn cảnh phúc âm, anh em linh mục chúng ta hãy tránh đường lối mục vụ bảo thủ, đường lối này cản trở sự cởi mở để đón nhận Chúa Thánh Thần , Đấng luôn đổi mới mọi sự (ở đây, có lẽ ĐGH muốn nói tới nỗi lo tìm kiếm, tích luỹ tiền bạc cho cá nhân, cho cộng đoàn của linh mục chăng!); chỉ nên duy trì những gì phục vụ cho đức tin và đức ái của dân Chúa.

Như vậy, đối với câu hỏi thứ hai: Vị linh mục của chúng ta dấn thân phục vụ cho ai và cho điều gì? Câu trả lời sẽ là: Cho cộng đoàn nhờ củng cố sự hiệp thông.

 

3. Đâu là lý do tối hậu cho sự dấn thân phục vụ nơi vị linh mục của chúng ta?

Lời Chúa: “Thời kỳ đã mãn, và Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,15).

 

Trong cuộc sống, có những người luôn bước đi nửa chừng, bàn chân giơ cao mà không dám đặt xuống để bước tiếp. Chúng ta buồn cho họ biết bao! Họ tính toán, cân nhắc, không muốn liều mình vì sợ mất mát … Đó là những người đáng thương nhất! Chấp nhận những giới hạn của minh, chính vị linh mục của chúng ta là người dám đặt cược cho đến cùng: trong những điều kiện cụ thể của nơi mà ngài được sai đến để sống và thi hành tác vụ, ngài hiến dâng chính mình cách nhưng không, khiêm nhường và vui tươi. Dù bằng trực giác, vị linh mục của chúng ta chắc chắn biết rằng, với tính loài người, không ai biết ơn ngài xứng với sự hiến dâng không tính toán mà mình đã dâng tặng.

 

*Câu truyện

ĐGH Phanxicô kể lại câu truyện sau: Ở nhà thờ lớn Thánh Thể (Saint Sacrement) tại Buenos Aires, có một linh mục giải tội rất nổi tiếng. Có lần ĐGH Gioan-Phaolô II đến Argentina, chính vị linh mục đó được mời đến giải tội cho phái đoàn Rôma và ĐGH. Vị linh mục giải tội đó rất già, ngài đã từng là giám tỉnh và giáo sư trong dòng của ngài. Hầu như tất cả các linh mục của thủ đô đều xưng tội với ngài. Luôn có hàng dài, rất dài những người xưng tội trong nhà thờ Thánh Thể. Lúc ấy, tôi là tổng đại diện của giáo phận. Buổi sáng lễ Phục Sinh, tôi nhận được một bản Fax báo tin: “Hôm qua, nửa tiếng trước Vọng Phục Sinh, cha Aristi đã qua đời ở tuổi 96…” Sau cơm trưa với các cha hưu của tổng giáo phận vào ngày lễ Phục Sinh, tôi đến viếng xác ngài. Quan tài được đặt dưới nhà thờ hầm. Nhà thờ hầm vắng tanh, chỉ có hai bà lão đang cầu nguyện. Trên quan tài không có lấy một bông hoa nào. Tôi chạnh lòng nghĩ, sao lại không có lấy một bông hoa nào, nhưng cha già đây đã đọc lời tha tội cho hầu hết các linh mục ở thủ đô Buenos Aires, cả các linh mục thuộc tổng giáo phận của tôi!

 

Tôi liền đi lên và ra góc phố mua hoa. Đang khi trang trí hoa trên quan tài cho ngài, tôi thấy tay ngài cầm một xâu chuỗi. Chợt một ý tưởng loé lên trong đầu tôi. Tôi dùng sức bứt lấy thánh giá từ xâu chuỗi và cầu xin: “Xin cho con được một nửa lòng thương xót của cha”. Tôi cảm thấy mình bị đánh động mạnh khi làm điều đó và cầu xin như vậy. Và thánh giá của ngài từ  đó đến giờ vẫn nằm trong túi nhỏ tôi luôn đem theo bên mình. Mỗi khi có một tư tưởng xấu hay khó chịu với ai, bàn tay tôi lại đặt trên thánh giá đó. Và tôi cảm thấy mình được ơn, cảm thấy bình tĩnh, an tâm, vui vẻ. Một linh mục giải tội giàu lòng thương xót như ngài là một tấm gương cho chúng ta, để chúng ta biết gần gũi và yêu thương bất cứ ai bị tổn thương cách này cách khác.

 

Vị linh mục của chúng ta biết điều đó, nhưng lại không thể làm khác: ngài yêu mến trái đất, ngài biết rằng nó được Thiên Chúa thăm viếng mỗi sáng bằng sự hiện diện của Người trong bí tích Thánh Thể. Vị linh mục của chúng ta là con người của Vượt Qua, ánh mắt luôn nhìn về Nước Trời, và cảm nhận được rằng lịch sử nhân loại đang tiến về Nước ấy, dù có những chậm trễ, những bóng tối và mâu thuẫn. Nước Trời là niềm vui của ngài, là chân trời giúp ngài tương đối hoá tất cả những cái còn lại, xoa dịu những lo lắng và xao xuyến, giải thoát khỏi những ảo tường và bi quan, giữ được bình an trong tâm hồn và lan toả sự bình an đó qua cử chỉ, lời nói và thái độ.

 

Đến đây, chúng ta hãy tự hỏi: câu trả lời cho câu hỏi thứ ba: Đâu là lý do tối hậu cho sự dấn thân phục vụ nơi vị linh mục của chúng ta? sẽ là: Nước Trời. Vị linh mục của chúng ta luôn hướng về Nước Trời.

 

Kết

Anh em linh mục thân mến, đó là nét phác hoạ 3 khía cạnh của sự thuộc về kiến tạo nên linh mục chúng ta: 1/ Thuộc về Chúa bằng đời sống cầu nguyện, kết hợp mật thiết với Chúa trong tình yêu; 2/ Thuộc về Giáo hội bằng cách xây dựng cộng đoàn, nhất là gia đình linh mục đoàn, nhờ củng cố sự hiệp thông; và 3/ Thuộc về Nước Trời bằng cách hướng đến Nước Trời như mục đích cuối cùng trong mọi hoạt động.

Chúng ta chỉ là những bình sành dễ vỡ, trong khi bản chất và trách nhiệm của một mục tử thì cao quí và nặng nề. Hãy ý thức điều đó. Hãy kiên nhẫn và luôn dành thời gian, dành bàn tay và con tim cho nó, và nhất là hxy cậy trông vào lòng thương xót Chúa.

 

Trước nhan Chúa, soi vào mẫu gương lý tưởng của vị linh mục vừa suy niệm, chúng ta thấy mình còn cách xa diệu vợi vì quá nhiều thiếu sót, quá nhiều lỗi lầm. Tuy nhiên, tin tưởng vào lòng thương xót Chúa và có sức mạnh của Chúa trợ giúp, chúng ta sẽ mạnh dạn đổi mới đời sống và tác vụ của mình. Không có lúc nào là chậm trễ vì mỗi giây phút, mỗi ngày đều có thể là những bắt đầu mới.

 

Ước gì mọi người đều thấy rằng, đời sống của mỗi linh mục chúng ta luôn thuộc về Chúa, thuộc về Giáo hội, thuộc về Nước Trời, chứ không bao giờ thuộc về mình hay thế gian. Amen.

 


[1] Chuyển ý từ ĐGH Phanxicô, “A mes frères prêtres” Artège, Paris, 2020, tr. 99-103. (Diễn văn khai mạc Đại hội lần thứ 69 của Hội đồng giám mục Ý – 16/5/2016)

Bài cùng chuyên mục:

Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh(phần 1) (24/11/2024 14:16:50 - Xem: 50)

Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu.

Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh (06/11/2024 08:54:01 - Xem: 296)

Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.

Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh  (24/10/2024 10:17:21 - Xem: 351)

Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.

Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục: Ô-tô con và Linh mục(1) (30/09/2024 07:47:47 - Xem: 850)

Anh em linh mục giáo phận không có lời khấn khó nghèo như linh mục dòng, nhưng không phải vì thế mà chúng ta muốn tiêu xài tiền bạc thế nào tuỳ ý.

Kinh nghiệm về Thiên Chúa và Thần khải  (21/09/2024 10:44:04 - Xem: 434)

Bài “Kinh nghiệm về Thiên Chúa và thần khải” của đan sĩ Anselm Grun giúp chúng ta hiểu đúng thế nào là thần khải, hầu tránh được những hiểu lầm tai hại cho đời sống thiêng liêng.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(3) (08/09/2024 07:45:34 - Xem: 439)

Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(2) (24/08/2024 10:17:51 - Xem: 474)

Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.

Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri  (10/08/2024 07:52:38 - Xem: 543)

Thời đại của chúng ta là thời đại khao khát Thiên Chúa một cách sâu xa, nhưng Thiên Chúa lai ẩn giấu, mờ mịt, tăm tối.

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.4) (22/07/2024 10:59:39 - Xem: 505)

Chúng ta tiếp tục đọc và suy tư các bài của Đan sĩ Anselm Grun. Trong bài này, ông phân tích rất sâu sắc về hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa của chúng ta

Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.3) (03/07/2024 08:26:58 - Xem: 555)

Rất cần có một hình ảnh đúng về Thiên Chúa, nhờ dó, chúng ta có cái nhìn đúng về con người và hoàn cảnh của con người.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7