Abraham, Cha chúng ta trong đức tin (bài 6)
- In trang này
- Lượt xem: 6,245
- Ngày đăng: 15/09/2021 09:36:25
ABRAHAM,
CHA CHÚNG TA TRONG ĐỨC TIN[1]
Carlo Maria Martini
Dẫn nhập
Trong các bài suy niệm về Abraham, chúng ta học nơi tổ phụ một niềm tin vững chắc, sắt đá vào Thiên Chúa và chương trình của Ngài. Abraham đã trải qua cả cuộc đời trong thử thách đức tin, và tổ phụ vẫn phó thác, tin tưởng trọn vẹn vào Thiên Chúa. Những dấu chỉ Chúa tỏ lộ, dù rất nhỏ bé đã đủ cho tổ phụ đặt trọn niềm tin.
Hành trình đức tin của Abraham cũng là hành trình đức tin của mỗi người chúng ta. Ước gì trên hành trình đức tin đó, chúng ta luôn được soi sáng và củng cố bởi tấm gương đức tin của tổ phụ, và nhờ vậy, chúng ta sẽ luôn kiên vững trong đức tin dù phải trải qua thử thách, gian nan đến đâu đi nữa.
Trong những trang sách về Abraham, Đức Hồng Y Martini cũng cho chúng ta những hướng dẫn rất quí giá về linh thao. Hi vọng điều đó sẽ giúp chúng ta suy niệm hoặc sống tuần tĩnh tâm đạt kết quả tốt đẹp.
Linh mục Mỹ Sơn, Long Xuyên
BÀI SÁU
Những hình thức cầu nguyện của Abraham:
cầu nguyện – đấu tranh – thần học
Rất ít bằng chứng cho thấy Abraham là một ngôn sứ. Thánh vịnh 105 (104) ám chỉ ông là ngôn sứ: “Đừng chạm đến người đã được thánh hiến cho ta, đừng hành hạ những ngôn sứ của ta”; trong giai thoại về Abimelek, vua Gérar, Thiên Chúa nói với vua này rằng: “Bây giờ, ngươi hãy trả lại vợ của người này: ông ta là một ngôn sứ, và sẽ chuyển cầu cho ngươi để ngươi được sống.”
Dù vậy, nếu tìm kiếm những chỉ dẫn khác về chức năng ngôn sứ của Abraham như Chúa Giêsu, chúng ta phải thừa nhận ông không phải là một ngôn sứ lớn trong lời nói cũng như việc làm. Chúa Giêsu thì khác, Tin mừng nói: “Đó là một ngôn sứ cao cả trong việc làm cũng như trong lời nói.” Về việc làm, Abraham không làm một phép lạ nào; về lời nói, không một lời tiên tri nào của ông được thuật lại cho chúng ta; ông không tranh luận, không nói những lời khôn ngoan, những lời đe doạ hay an ủi.
Abraham, một người ít nói
Abraham rất ít nói. Ông thường giữ im lặng. Như đã biết, ông nói khi phải dùng thủ đoạn; ví dụ trong Sáng thế 12, 11-13 khi ông cố gắng thuyết phục Sara hãy nhận là em gái ông thay vì là vợ ông; ông nói dài và đó là một trong những lời dài nhất mà ông đã thốt ra; rồi trong giai thoại Abimelek đã nói trên. Ông chỉ nói khi cần thiết. Ông cũng nói nhiều với Sara khi mua hang động Mac-pê-la; lúc đó, mới thấy ông là một con buôn giỏi; ông cũng nói khi muốn tỏ ra quảng đại như khi muốn cứu Lot, và từ chối đề nghị của vua Sô-đô-ma, hay của Mel-ki-sê-đê.
Những lời Abraham nói còn truyền lại cho chúng ta rất ít, vì thế, không thể nói ông là một ngôn sứ bằng lời nói. Ông không để lại những giáo huấn đặc biệt, những vấn đề như các Dụ ngôn tin mừng hoặc như Bài giảng trên núi. Không có gì như vậy! Trái lại, có một sự im lặng qua các giai đoạn cuộc đời ông, ít là dựa vào bản văn. Tuy nhiên, vẫn có một điểm giống, đó là cầu nguyện. Chúa Giêsu cầu nguyện. Abraham cầu nguyện. Vì thế, chúng ta chiêm niệm một số giai thoại của ông nhờ Chúa Giêsu soi sáng.
Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, lời cầu nguyện của Abraham.
Chúa Giêsu là con người cầu nguyện. Chúng ta chỉ đề cập tới hai lần đặc biệt.
Lần thứ nhất ở Mc 1, 35, sau một ngày mệt nhoài ở Capharnaum, ai nấy đều say ngủ: “Sáng tinh sương, trước khi mặt trời mọc, Chúa Giêsu chỗi dậy, đi vào nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.” Đó là biến cố đặc biệt trong đời sống công khai của Chúa Giêsu: cầu nguyện ban đêm, trong cô độc.
Giai thoại thứ hai, rất có ý nghĩa trong Lc 5, 15-16. Chúng ta đều biết thánh Luca nói về sự cầu nguyện của Chúa Giêsu rất nhiều. Tuy nhiên, giai thoại này sẽ là điểm qui chiếu. Hãy lưu ý tới sự tương phản: “Tiếng đồn về Người ngày càng lan rộng; đám đông lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được chữa bệnh. Nhưng Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện.” Tương phản ở chỗ, một bên là sự thành công của việc rao giảng và bên kia là sự rút lui của Chúa Giêsu. Cầu nguyện là một điểm đặc biệt quan trọng cho sứ vụ của Chúa Giêsu Cứu Thế.
Còn về Abraham, uiểu được những lời cầu nguyện của ông rất khó. Khó vì ông là người biết Thiên Chúa cách sâu xa, thuần khiết và táo bạo; những hình thức cầu nguyện của ông, nhất là hình thức thứ hai và thứ ba, là của một người đã trưởng thành, dấn thân và có trách nhiệm, đóng một vai trò xã hội, mang gánh nặng của mọi người và cảm thấy trên vai mình là số phận của cả một dân tộc. Đó là lời cầu nguyện của một nhà lãnh đạo, một người có trách nhiệm, một tư tế; đồng thời cũng là lời cầu nguyện của một con người vì có trách nhiệm nên tỏ ra táo bạo, gan dạ, và đôi khi trâng tráo. Đây không phải là lời cầu nguyện của người mới bắt đầu, mà là của một người chín chắn, đã trải qua khủng hoảng và những đêm tối đức tin. Chúng ta sẽ xem xét 3 hình thức trong lời cầu nguyện của Abraham.
1. Lời cầu nguyện lắng nghe.
Abraham rất ít nói trong cầu nguyện. Ông lắng nghe. Vì vậy, lời cầu nguyện đầu tiên của Abraham không phải là nói mà là lắng nghe. Thiên Chúa nói, nhắc lại; còn ông thì lắng nghe và ra đi; ông lắng nghe và hành động, ông lắng nghe và cất bước. Ở đây, chúng ta có một hoàn cảnh điển hình, nền tảng giúp hiểu mọi hoàn cảnh khác. Khi cầu nguyện, Abraham có thể trở nên gan dạ, hầu như trơ trẽn, kiêu căng, mặc cả kiểu con buôn nữa, bởi vì trước hết và trên hết, ông lắng nghe lời Chúa với một sự kính trọng vô biên. Ông là người phó thác đời mình cho lời Chúa và sống lời đó. Ông lắng nghe và thực hành lời Chúa, đó là lý tưởng phúc âm của người muốn thiết lập những mối tương quan thân cận với Chúa Giêsu; dòng dõi thực sự của Abraham là những ai lắng nghe và thực hành lời Chúa.
2. Lời cầu nguyện than vãn.
Lời cầu nguyện thứ hai là “than vãn” trong ngoặc kép. Nó liên quan rất nhiều đến các thánh vịnh được gọi là than vãn. Lời cầu nguyện đặt câu hỏi: tại sao điều đó lại xảy ra? Tại sao Chúa không đến cứu con? Tại sao Chúa bỏ con? cũng có thể xếp vào loại cầu nguyện than vãn.
Hai câu hỏi thuộc loại cầu nguyện này là: tại sao? Thế nào? Trong Sáng thế 15,2, Chúa nói: “Abram đừng sợ! Ta sẽ là khiên của người, phần thưởng ngươi sẽ rất lớn lao.” Abram trả lời: “Lạy Giavê Đức Chúa, Ngài sẽ cho con cái gì? Con ra đi mà không có đứa con nào, và người thừa kế nhà con chính là Ê-li-ê-dê Đa-mas.” Nói cách khác, lạy Chúa, hãy giải thích cho con, tại sao Chúa nói với con như thế, mà đời con lại diễn ra như bây giờ?
Thắc mắc còn rõ ràng hơn trong câu 8: Lạy Chúa, Chúa luôn nói với con về đất này, “nhưng, dựa vào đâu để con biết mình sẽ sở hữu nó?” Đây không phải là thắc mắc của kẻ không tin, nhưng giống thắc mắc của Mẹ Maria “làm thế nào điều đó có thể thực hiện được?” Tuy có thể có những quan điểm và âm hưởng khác nhau, nhưng một điều chắc chắn, đây là lời than vãn xuất phát tự bên trong và là lời than vãn đau đớn.
Trong sáng thế 17, 16 và các câu tiếp theo, cũng là lời than vãn khi Thiên Chúa nói với Abraham: “Từ vợ ngươi (Sara) Ta sẽ ban cho ngươi một người con trai, Ta sẽ chúc phúc cho bà ấy và bà sẽ trở thành mẹ nhiều dân tộc, vua các dân sẽ xuất phát từ bà.” Abraham sấp mặt xuống đất và cười, ông nói với chính mình: “Một đứa con trai sẽ sinh ra cho một người trăm tuổi, và Sara đã 90 mà còn sinh con được sao?” Abraham thưa với Chúa: “Ồ! Chớ gì Ismael luôn sống trước mặt Chúa!” Đây là lời cầu nguyện phàn nàn, than vãn: lạy Chúa, chúng ta đừng đi quá xa, con bằng lòng với những gì tối thiểu; Chúa hứa với con những điều lớn lao, kỳ diệu, con không dám mong ước, tốt hơn hãy để con như bây giờ, ban cho con sức khoẻ, sự mạnh mẽ, mà con cần bây giờ, thế là đủ!
Lời cầu nguyện than vãn là lời cầu nguyện của người trong thử thách; Abraham đang trong cơn thử thách; ông đấu tranh với Thiên Chúa; ông không hiểu gì về những điều xảy đến cho ông và cho những người khác. Cũng vậy, chúng ta cũng thốt ra những lời cầu nguyện than vãn: lạy Chúa, sao lại xảy ra như vậy? Trong công việc tông đồ, chúng con đã dành hết sức lực xây dựng, nhưng dường như mọi sự đều thất bại. Đó cũng là câu hỏi lớn mà các thánh vịnh đề cập đến suốt dọc lịch sử Israel: tại sao kẻ hung ác lại chiến thắng? Tại sao người công chính lại bị đàn áp? Lời cầu nguyện than vãn có thể là lời cầu nguyện của người mới bước vào đời sống cầu nguyện, của người không tin. Nhưng lời cầu nguyện của Abraham không phải vậy mà là lời cầu nguyện của người cảm thấy nhu cầu đi sâu hơn vào chương trình của Thiên Chúa. Thắc mắc của Mẹ Maria cũng vậy.
… phát xuất từ khác biệt giữa lời hứa và thực tế
Có thể trích dẫn khá nhiều thánh vịnh đặt câu hỏi “tại sao?” Ở dây, chúng ta đưa ra hai thánh vịnh để suy nghĩ, thánh vịnh 42 và 43 (Tv 41 và 42): tại sao con lại xa Chúa, bị quân thù săn đuổi khiến con không thể ở lại trong nhà Chúa, nơi con đã vui sướng hát lên lời ca tụng? Thế mà bây giờ, con lại ở đây, khô khan, chán nản, xa Thành Thánh.
Đâu là đối tượng nền tảng, quan niệm tối hậu tóm tắt tất cả những thắc mắc của các thánh vịnh than vãn, và cách riêng, những lời than vãn của Abraham, là câu hỏi của con người sống trong sự hàm hồ của lịch sử trần gian và trong lời cầu nguyện, tự hỏi: tại sao lại như vậy? Có thể trả lời cho câu hỏi tổng quát đó như sau: đối tượng nền tảng xuất phát những thắc mắc trên chính là bề ngoài lời Thiên Chúa hứa và thực tế đang sống hình như rất khác nhau. Không có lời hứa của Chúa, chúng ta sẽ tin vào định mệnh; số mình là thế, chấp nhận thôi, không thể khác được; có lẽ chúng ta còn nói: Thiên Chúa mặc khải trong mọi sự, kể cả trong hư vô, trong nỗi bất hạnh của đời sống tôi nữa! Nhưng còn có lời hứa nữa, một lời hứa của niềm vui, của sự viên mãn, của thông hiệp huynh đệ giữa người với người trong dân Thiên Chúa. Nhưng tại sao điều đó lại không được thực hiện?
Một khoảng cách đớn dau, một cảm nhận bởi Abraham, con người của đức tin; khoảng cách xa vời giữa lời hứa tuyệt diệu, được lặp đi lặp lại, được nhấn mạnh và … thực tế. Lời cầu nguyện than vãn bắt nguồn từ đó. Đây là lời cầu nguyện mặc lấy hình thức thân thiết. Đây cũng là toan tính để đi vào thánh điện của Thiên Chúa (Tv 73, 17), hiểu rõ hơn ý định của Ngài: Lạy Chúa, Ngài ở đâu? Lời hứa của Ngài là sự thật, con không có gì hồ nghi, nhưng vì thực tế rõ ràng rất khác. Con không hiểu được ý Chúa; con cần biết Chúa hơn; con xin Chúa cho con hiểu Ngài hơn; con xin dâng cho Chúa sự đau khổ vì không hiểu Ngài cho đủ. Nếu Ngài làm như con, thì Ngài đã hoàn thành lời hứa, Ngài đã làm điều con cầu khẩn cho người này, cho hoàn cảnh kia, cho thế gian, cho công bằng … Nhưng Ngài đã không làm gì. Mọi sự chỉ là lời hứa; con không thể hiểu được. Vì vậy, lạy Chúa, xin hãy giúp con!
… và dường như phạm thượng
Đó là lời cầu nguyện đầy đau khổ của người muốn tiến sâu hơn vào đời sống nội tâm khởi đi từ một đức tin sâu xa. Lời cầu nguyện đôi khi được diễn tả bằng những từ gần như là phạm thượng, vì nổi giận với Chúa – một số thánh vịnh đi tới mức bạo lực dường như là phạm thượng. Nhưng theo cách của Abraham; thì đó lại là lời cầu nguyện của hai người bạn thân thiết nói chuyện với nhau. Nó gần như là lời cầu nguyện của người mới bắt đầu, cầu xin để nuôi dưỡng sự thiếu đức tin qua lời than vãn: trong đời sống thiêng liêng, con ước mong mọi khiếm khuyết biến mất, thế nhưng con vẫn như hôm qua; không biến đổi gì; tại sao?
Các thánh vịnh đầy dẫy những giận dữ và cảm xúc, diễn tả lời cầu nguyện cuồng nhiệt và dữ dội. Nhưng nếu Thiên Chúa đã linh ứng một cách cầu nguyện như vậy, có nghĩa là Ngài yêu thích sự cuồng nhiệt, dữ dội của tình bạn. Thiên Chúa không phải là một người bạn lạnh nhạt, Ngài đánh giá cao sự đấu tranh, vật lộn để hiểu Ngài sâu xa hơn. Ngài thích chúng ta phản đối dữ dội hơn là cam chịu hay dửng dưng. Đó là ý nghĩa của lời cầu nguyện than vãn Abraham đã làm.
3. Lời chuyển cầu
Chúng ta đi đến hình thức thứ ba của cầu nguyện được gọi là “chuyển cầu”. Sự mặc cả giữa Thiên Chúa và Abraham về thành Sô-đô-ma là thí dụ điển hình. Đây là đoạn khó hiểu. Trong bối cảnh của trào lưu Gia-vê, lời cầu nguyện này được thêm vào sau, và là một suy tư thần học về những gì đã xảy ra. Các nhà chú giải lưu ý rằng người sáng tác rất tự do, không lệ thuộc vào truyền thống, không chỉ muốn thuật lại câu truyện đã được truyền thống lưu lại, mà còn đem suy tư thần học riêng của mình vào; nó diễn tả một nỗ lực để đưa ra một hiểu biết mới về Thiên Chúa, từ Thiên Chúa của Ur trong vùng Can-đê (Chaldée) đến Thiên Chúa cứu độ.
Bởi đó, nói cho đúng, đây là lời cầu nguyện đào sâu về thần học. Theo Von Rad, ở nền tảng, đây là suy tư thần học được diễn tả dưới hình thức một lời cầu nguyện, hầu như có tính cách thơ ca. Lời cầu nguyện đào sâu mầu nhiệm đời sống nhân loại đặt dưới sự xét xử của Thiên Chúa. Đó là lời cầu nguyện về thế gian, về xã hội, về những hoàn cảnh giống hoàn cảnh chúng ta. Đó còn là lời cầu nguyện của tình liên đới vì Lot sống ở Sô-đô-ma và Abraham thấy mình gắn bó chặt chẽ với Sô-đô-ma. Ông không phải là một triết gia đứng đó mà suy tư về một thành phố hư đốn, tội lỗi và nói: điều gì sẽ xảy đến? Thiên Chúa có tha thứ cho nó không? Suy nghĩ này có đó, nhưng còn một sự dấn thân tuyệt vời hơn nữa, Abraham cầu nguyện cho các anh chị em mình.
Giai thoại Lot và gia đình ông ở Sô-đô-ma
Bản văn về giai thoại này nằm trong Sáng thế 18, 16-33. Sau khi “ba vị khách” xuất hiện ở Cây sồi Mam-brê, và sau khi lời Thiên Chúa hứa với Sara được lặp lại khiến bà cười, thì bản văn mô tả tình hình Sô-đô-ma ở các câu 16-20; kế đó là hai lần Abraham can thiệp.
Tình hình thế nào? Ba vị khách nói với Sara: đúng, bà có cười; nói như thế là trách bà không tin; rồi, “16 Từ nơi đó ba người kia đứng dậy và nhìn xuống phía Xơ-đôm. Ông Áp-ra-ham cùng đi để tiễn khách. ĐỨC CHÚA phán: "Ta có nên giấu Áp-ra-ham điều Ta sắp làm chăng? Áp-ra-ham sẽ trở thành một dân tộc lớn mạnh và mọi dân tộc sẽ được chúc phúc nhờ nó.Thật vậy, Ta đã chọn nó, để nó truyền cho con cái nó và gia tộc nó sau này phải giữ đường lối của ĐỨC CHÚA mà thực hiện điều công minh chính trực; như thế ĐỨC CHÚA sẽ làm cho Áp-ra-ham điều Người đã phán về nó." Ở đây, tác giả nhắc lại mối tương quan ưu tiên của Thiên Chúa với Abraham; có lẽ đây là bản văn thuộc giai đoạn muộn hơn, thuộc trào lưu đệ nhị luật: “Ta đã chọn nó”, Abraham là bạn hữu của Thiên Chúa, là người Thiên Chúa rất mực thương yêu.
Tình hình lúc đầu: Thiên Chúa và đối diện với Ngài là Abraham, người bạn thân thiết của Ngài, cha một dân tộc lớn, một người bạn mà Thiên Chúa không giấu giếm điều gì - hãy nhớ lại Gioan 15, 15: “Thầy gọi các con là bạn hữu vì tất cả những gì nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết.” – một người bạn đáng tin tưởng, tham dự vào chương trình của Thiên Chúa dành cho lịch sử nhân loại. Để trở thành thủ lãnh một dân tộc, Abraham phải được khai tâm về chương trình của Thiên Chúa; ông không thể chỉ là khán giả đứng bên ngoài, mà phải là người tham dự vào chương trình đó từ bên trong.
Kế đó, Giavê phán: “Tiếng kêu trách Xơ-đôm và Gô-mô-ra thật quá lớn! Tội lỗi của chúng quá nặng nề! Ta phải xuống xem thật sự chúng có làm như tiếng kêu trách đã thấu đến Ta không. Có hay không, Ta sẽ biết." (St 18, 20-21). Giai đoạn này ghi nhận sự trầm trọng của tội lỗi hai thành phố đó; hoàn cảnh tiêu biểu của những ai bị áp bức bất công kêu cầu quan toà phân xử, và nếu quan toà không xử thì tiếng kêu cầu sẽ lên tới Thiên Chúa và Ngài sẽ can thiệp. Tình hình hiển nhiên có tính vũ trụ: Thiên Chúa và người Thiên Chúa đã chọn cho dân Ngài và thế gian với tội lỗi, bất công của nó. Thiên Chúa sẽ xét xử thế gian: Vai trò của Abraham, bạn hữu của Thiên Chúa là gì trong sự xét xử này?
Lý luận “pháp lý” của Abraham
Sau khi đã xác định rõ hoàn cảnh, bây giờ chúng ta đề cập tới hai lần can thiệp của Abraham – nói là hai, nhưng thực sự phức tạp hơn – sự can thiệp mà khởi đầu có thể gọi là “pháp lý”: lý luận này là cốt lõi, là sức mạnh của Abraham, được diễn tả trong các câu 23-25; cuộc mặc cả sẽ tuỳ thuộc vào lý luận này: các câu 26-33. Nhưng, trước hết, chúng ta để ý đến phần dẫn nhập: “Hai người kia bỏ nơi đó mà đi về phía Sô-đô-ma, nhưng Abraham thì còn đứng trước Giavê.” (c. 22).
Ở đây, có một vấn đề về chú giải bản văn: ba người khách của Abraham là hai thiên thần và Gia-vê. Hai thiên thần đi về hướng Sô-đô-ma, Giavê thì còn ở lại và Abraham đứng trước mặt Ngài. Tuy nhiên, bản văn đã bị sửa đổi vì theo truyền thống cổ xưa, bản văn là: “Giavê còn đứng lại trước Abraham”. Câu này thiếu vẻ tôn kính nên đã được sửa lại cho thích hợp: “Abraham còn đứng trước Giavê”. Theo Von Rad, “Giavê còn đứng lại trước Abraham” vẫn có giá trị vì đó là một Giavê muốn được chất vấn, một Giavê mong Abraham nói với Ngài, cầu xin Ngài để được chấp thuận được tham gia vào các dự định của Ngài; vì thế, Ngài đứng đó, im lặng, sẵn sàng đón nhận những câu Abraham hỏi; chính Ngài muốn được tỏ lộ ra.
Giờ đây là nguyên tắc pháp lý của sự mặc cả: “23 Ông lại gần và thưa: "Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao? 24 Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao? 25 Ngài làm như vậy, chắc không được đâu! Giết chết người lành một trật với kẻ dữ, coi người lành cũng như kẻ dữ, chắc không được đâu! Đấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao?" Abraham đề cập đến một quan niệm công bình trổi vượt hơn rất nhiều so với quan niệm thời đại ông.
Và Abraham mặc cả với Thiên Chúa
Cậy vào sức mạnh của nguyên tắc này, Abraham đánh vào lòng thương xót của Thiên Chúa: “Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao?” Abraham nói với đầy xúc cảm mà từ trước tới nay chưa hề có. “26 ĐỨC CHÚA đáp: "Nếu Ta tìm được trong thành Xơ-đôm năm mươi người lành, thì vì họ, Ta sẽ dung thứ cho tất cả thành đó." Đó là một bước nhảy ngoạn mục, nếu chúng ta hiểu não trạng thời đó. Một khi Thiên Chúa đã chấp nhận tiêu chuẩn pháp lý dựa trên con số, bây giờ, Abraham chắc chắn về điểm khởi đầu của ông: trong năm lần liên tiếp, ông sẽ giảm con số, từ 50 xuống 45, từ 45 xuống 40, từ 40 xuống 30, 30 xuống 20, 20 xuống 10.
Những lần can thiệp xin giảm số người đều bắt đầu bằng một lời van nài khiêm tốn, trừ lần 40. “27 Ông Áp-ra-ham lại nói: "Mặc dầu con chỉ là thân tro bụi, con cũng xin mạn phép thưa với Chúa: 28 Giả như trong số năm mươi người lành lại thiếu mất năm, vì năm người đó, Ngài sẽ phá huỷ cả thành sao?" Chúa đáp: "Không! Ta sẽ không phá huỷ, nếu Ta tìm được bốn mươi lăm người." 29 Ông lại thưa một lần nữa: "Giả như trong thành tìm được bốn mươi người thì sao?" Chúa đáp: "Vì bốn mươi người đó, Ta sẽ không làm." 30 Ông nói: "Xin Chúa đừng giận, cho con nói tiếp: Giả như ở đó có ba mươi người thì sao?" Chúa đáp: "Nếu Ta tìm được ba mươi người, Ta sẽ không làm." 31 Ông nói: Con xin mạn phép thưa với Chúa: "Giả như tìm được hai mươi người thì sao?" Chúa đáp: "Vì hai mươi người đó, Ta sẽ không phá huỷ." 32 Ông nói: "Xin Chúa đừng giận, cho con nói một lần này nữa thôi: Giả như tìm được mười người thì sao?" Chúa đáp: "Vì mười người đó, Ta sẽ không phá huỷ Xơ-đôm." Chúng ta thắc mắc tại sao lại dừng ở con số 10; điều gì xảy ra? Sự kiện là thành Sô-đô-ma bị huỷ diệt.
Ý nghĩa của giai thoại này đối với chúng ta.
Câu chuyện hơi bí ẩn và đáng kinh ngạc này có ý nghĩa gì? Nếu muốn giải thích nó, trước hết, có thể nói đó là một sự mặc cả khéo léo, tài tình. Abraham tỏ ra là người buôn bán giỏi giang. Ông bắt đầu bằng một nguyên tắc chung, và khi đã chấp nhận nó, thì dựa vào đó, ông khai thác từ từ, để rồi giảm con số mà nguyên tắc vẫn có giá trị. Ông không những khôn khéo mà còn đeo bám ráo riết. Ông không đầu hàng. Tại sao? Ông muốn con số của gia đình Lot; vợ chồng Lot, con cái, và một vài người bạn, ít ra là mười; ông dừng lại ở đó, vì đòi hỏi thêm sẽ là quá đáng. Đó là giải thích theo cái nhìn tự nhiên. Nhưng còn có một cách giải thích khác, đi xa hơn của Von Rad. Ông viết: đối thoại giữa Thiên Chúa và Abraham triển khai một câu hỏi quan trọng về đức tin. Đây là toàn bộ thần học của trào lưu Gia-vê, không chỉ là một sự kiện nhỏ bé xưa kia. Đó là cái nhìn của trào lưu Gia-vê về mối tương quan giữa Thiên Chúa và người Ngài chọn cũng như giữa Thiên Chúa và thế gian. Điều đó vượt khỏi ca duy nhất là Sô-đô-ma và việc cứu Lot. Sô-đô-ma chỉ là ca giới hạn dùng làm ví dụ để trình bày một đề tài thần học. Sô-đô-ma không thể bị coi như một thành thị xa lạ với dân Chúa, như thể nó có thể biến mất, miễn là Israel được cứu. Trái lại, Sô-đô-ma là kiểu mẫu của một cộng đoàn nhân loại mà Giavê đưa mắt nhìn và xét xử. Đó là ca điển hình về cách Giavê xét xử thế gian, cách mà sự xét xử thế gian của Giavê tiến hành.
Tính tập thể của tội lỗi
Giải thích đầu tiên chúng ta có thể tưởng tượng và rút ra từ lời Chúa nói: “ĐỨC CHÚA phán: "Tiếng kêu trách Xơ-đôm và Gô-mô-ra thật quá lớn! Tội lỗi của chúng quá nặng nề!” (St 18, 20) Cách giải thích này được áp dụng cho quan niệm của thế giới cổ đại, một thế giới coi các nhóm như liên đới với nhau. Một nhóm mà đa số phạm tội là một nhóm tội lỗi, bởi vì, cách cụ thể, tự do cá nhân bị hạn chế rất nhiều và sự liên đới thì chặt chẽ: nó bao gồm mọi người. Não trạng tập thể này được diễn tả bởi Abimelek ở 20, 9: “Ngài đã làm gì chúng tôi? Tôi có xúc phạm đến ngài không, tại sao ngài lại đổ trọng tội trên tôi và vương quốc tôi?” Tội của Abimelek là tội của toàn thể vương quốc. Người ta sống liên đới với nhau tới mức một thành thị gồm nhiều người tội lỗi thì toàn thể thành thị là tội lỗi. Do đó, quan niệm về liên đới thời cổ cho rằng sự xét xử đụng chạm tới toàn thể thành thị vì mỗi cá nhân đều đi theo đường hướng tội lỗi chung đó. Không có luật trừ ở đây. Mọi người đều liên đới với nhau về tất cả những gì xảy ra trong thành thị và tham gia vào tội lỗi của nó.
Abraham hỏi: “Ngài diệt trừ người công chính với người tội lỗi sao?” Câu hỏi cho thấy có sự thay đổi não trạng từ trách nhiệm tập thể sang trách nhiệm cá nhân. Não trạng này sẽ lộ rõ hơn trong Israel sau này. Không thể kết án cả một thành thị lấy cớ rằng đại đa số dân chúng đã phạm tội; nếu có những người công chính trong đó, phải để họ ra khỏi đó, vì sự công bằng đòi hỏi mỗi người chịu trách nhiệm về mình. Nhưng cuộc đối thoại giữa Abraham với Thiên Chúa còn có ý nghĩa sâu xa hơn nhiều.
Một Thiên Chúa muốn cứu độ khi tha thứ cho mọi người
Câu trả lời của Thiên Chúa còn vượt xa lời cầu xin của Abraham rất nhiều: nếu ở Sô-đô-ma, Ta thấy có 50 người công chính, thì vì họ, Ta sẽ tha thứ cho cả thành. Lời này cho thấy một quan niệm khác hẳn: không chỉ phân biệt người công chinh và người tội lỗi; mà còn coi trọng một vài người công chính hơn muôn vàn người tội lỗi, biến đổi tình liên đới theo cách có lợi hơn: cứu cả thành thị vì một vài người công chính. Đó thực sự là một quan niệm mới về công bằng; công bằng không phải là trả lại cho mỗi người cân xứng với điều họ đã làm, phân biệt người tội lỗi một bên, và bên kia là người công chính; nhưng sự công bằng ở đây là cố gắng cứu độ tất cả mọi người, và để làm điều đó, người công chính được tính đến và dựa trên những người này. Nhưng chúng ta sẽ tự hỏi, tại sao Abraham lại dừng lại ở con số 10? Von Rad giải thích rằng, theo tác giả thuộc trào lưu Giavê, thì không thể đi xa hơn, con số 10 dường như là con số nhỏ nhất. Trong thực tế, Thiên Chúa đã giải quyết vấn đề theo trách nhiệm cá nhân: Ngài cứu Lot, người công chính và huỷ diệt thành thị tội lỗi. Theo cách nhìn này, đòi hỏi hơn nữa là điều không thể được. Cứu cả một thành thị chỉ vì 10 người công chính đã là một đòi hỏi quá đáng rồi!
Nhưng ở đây, chúng ta có nền tảng thần học sẽ xuất hiện rõ ràng, mạnh mẽ trong Isaia chương 53: vì một người công chính duy nhất, Thiên Chúa sẽ cứu toàn thể một dân tộc. Như vậy, Abraham tranh đấu để có một hiểu biết mới về Thiên Chúa Cứu Độ, nghĩa là về một Thiên Chúa rất muốn cứu độ đến nỗi chỉ cần một người thôi đã đủ để Ngài tha thứ cho tất cả mọi người khác. Thực sự, ở đây, lời cầu nguyện cũng là một trận chiến. Abraham mệt lử vì mặc cả với Chúa cho đến giới hạn cuối cùng; đây cũng là một tiến trình thần học, nghĩa là hướng đến một hiểu biết mới về Thiên Chúa. Hiểu biết này sẽ tiến triển và được diễn tả trong thần học của trào lưu Giavê.
Về vấn đề này, Von Rad nói: ngay cả với Sô-đô-ma, Thiên Chúa cũng có một tương quan hiệp thông. Nhưng mối tương quan này bị xâu xé bởi tội lỗi của một số rất đông dân cư của thành, trong khi người vô tội lại rất ít; tuy nhiên, sự công minh của Giavê đối với Sô-đô-ma được diễn tả rõ ràng trong sự kiện là Ngài có thể tha thứ cho thành vì những người vô tội này. Đương nhiên, điều đó không được Abraham đặt trước Giavê như một định đề thần học, nhưng qua những lời cầu xin khiêm nhường và một con tim khắc khoải. Sự giao động nội tâm thúc đẩy đôi môi nói lên những lời cầu xin không ngừng. Hiển nhiên, ông bị xâu xé giữa sự tôn kính Thiên Chúa và sự khẩn cấp của vấn đề cầu xin. Von Rad trích dẫn Giê-rê-mi-a 12,1: “Lạy ĐỨC CHÚA, Ngài quả là chính trực, con đâu dám tranh luận với Ngài, nhưng chỉ xin thưa về một vài phán quyết.” Đây là lời cầu xin giúp hiểu biết Chúa sâu xa hơn: Lạy Chúa, con muốn biết sự công minh của Chúa nhiều hơn. Rồi sau đó: “Tại sao công việc của những kẻ vô đạo lại thịnh đạt?” và một chuỗi những câu hỏi kế tiếp.
Abraham luôn can đảm hơn
Ngược lại với con người hiện đại, Abraham biết rõ rằng vì là tro bụi, ông không có quyền gì mà tranh luận với Thiên Chúa. Nhưng, thật là kỳ diệu khi thấy cách thế mà Giavê vì lòng lân tuất thương ban cho ông, để từng bước, trước mặt Ngài, ông bạo dạn hơn, can đảm hơn để hiểu biết hơn những tiềm năng của một đức công chính không phải là không biết đến sự tha thứ; ông liều lĩnh tiến lên cho đến khi nhận được câu trả lời đầy bất ngờ: trước mặt Thiên Chúa, chỉ cần một nhóm nhỏ người công chính cũng đáng giá hơn một đám đông người tội lỗi; nhờ đó, ông đạt tới một ý tưởng rõ rệt về sự công minh của Thiên Chúa.
Chúng ta có thể kết luận về Abraham: ông là ai? Ông làm gì ở đây? Abraham là bạn hữu của Thiên Chúa, táo bạo đến mức trâng tráo vì ông muốn biết Thiên Chúa một cách sâu xa; và trong sự táo bạo hầu như trâng tráo đó, ông đã được tha thứ nhiều vì ông yêu mến nhiều. Ông muốn yêu mến Chúa hết lòng; ông ước ao hiểu biết Ngài đến nỗi đưa ra những lời cầu xin táo bạo nhất. Abraham tranh đấu với Thiên Chúa vì ông cảm thấy mình cũng có trách nhiệm trước mặt Chúa về người em của ông và về thành nơi người em ông sinh sống; ông thấy mình có mối tương quan với thành ấy. Ông chiến đấu với Thiên Chúa cũng kịch liệt như chiến đấu chống lại bốn vua với 318 người của ông.
Đấu tranh và cầu nguyện. Abraham dấn mình vào cuộc chiến đấu một mất một còn để cứu Lot; ở đây, ông dấn thân vào lời cầu xin hầu như bất kính. Nhưng ông làm điều đó trong một đức tin trọn vẹn, với ý định để hiểu chương trình của Thiên Chúa và biết rõ hơn nền tảng sự công minh của Thiên Chúa đối với con người là gì. Vì thế, đầu đề của bài suy gẫm là “cầu nguyện – đấu tranh – thần học”; thần học hay là sự hiểu biết về Thiên Chúa. Qua tất cả những thực tại đó, con người cố gắng khám phá Thiên Chúa Cứu Độ là ai, một Thiên Chúa đích thực, chứ không phải là Đấng mà tôi tưởng tượng hoặc sáng tạo ra trong tư tưởng, nhưng là một Thiên Chúa hành động, xét xử, sáng tạo và cứu độ.
Một hình thức cầu nguyện hiện diện trong Tân ước
Về hình thức cầu nguyện của Abraham trong Tân ước, chúng ta có thể đọc Rôma 15,30-31; 2 Côrintô 1,11; Ê-phê-sô 6,18; Cô-lô-sê 4,3; 1 Thessalônica 3,10. Chúng ta thấy thánh Phaolô cảm thấy cùng một trách nhiệm như Abraham: ông lo âu về ý định của Thiên Chúa; ý thức mình đồng trách nhiệm với các kitô hữu trước ý định này; ý thức sự dấn thân của ông trong lời chuyển cầu, trong hi vọng chương trình của Thiên Chúa trở nên rõ ràng hơn … Suy gẫm về lời chuyển cầu đích thực của kitô hữu là điều rất hay. Như lời chuyển cầu của Abraham, của Môsê: hãy xoá tên con khỏi sổ hằng sống, nhưng hãy cứu lấy dân này, hoặc như của Phaolô: “Giả như bị nguyện rủa, lìa khỏi Đức Kitô vì anh chị em tôi cũng cam lòng.” (Rôma 9,3). Lời cầu nguyện bao hàm một sự dấn thân trọn vẹn và một tình cảm rất sâu xa.
Đây không đơn giản là lời cầu xin chúng ta thường làm với một ý xin: “Lạy Chúa, xin hãy lắng nghe chúng con”, một lời cầu chỉ buộc dấn thân đến một mức độ nào đó. Không! Đây là lời cầu xin cho những người chúng ta mang gánh nặng trách nhiệm về họ, chúng ta lâm vào nguy cơ cùng họ, nên là lời cầu nguyện dẫn chúng ta đến trọng tâm của ý định Thiên Chúa vì nếu không biết ý định đó, làm sao chúng ta lại có thể xin cho nó được hoàn thành? Ý định của Thiên Chúa thì không thể biết được, cũng như Thiên Chúa vượt xa chúng ta ngàn trùng. Do đó, chúng ta cầu xin được biết ý Chúa, để ý định của Chúa được thể hiện, lời Chúa được biểu lộ, các cánh cửa Tin mừng mở ra, v.v. theo những gì thánh Phaolô cầu xin trong bối cảnh của ông.
Để đào sâu đề tài này, chúng ta có thể nhắc đến bản văn về lời chuyển cầu mà Chúa Giêsu đã xin cho thế gian: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính.” (Do thái 5,7). Bản văn này được hiểu rõ hơn khi suy gẫm về cơn hấp hối của Chúa Giêsu ở vườn Cây Dầu. Chính ở đây, chúng ta có một bản văn rất bổ ích về mối tương quan đầy bi kịch của Chúa Giêsu trong lời cầu nguyện; sau cùng, thánh vịnh 43 (42) là một trong những thánh vịnh tuyệt vời nhất về than vãn: “Lạy Chúa, sao con phải lang thang tiều tuỵ, quân thù áp bức mãi không thôi!”
Một đoạn văn khác trong Tin mừng có lẽ có cùng ý nghĩa chúng ta đang nói tới, đó là hai câu được đề cập khi Chúa Giêsu chịu Phép rửa ở Luca 3, 21-22. Theo Luca, Chúa Giêsu đang cầu nguyện với Chúa Cha, Ngài chuyển cầu cho nhân loại, và đang khi cầu nguyện như vậy, Chúa Cha và Chúa Thánh Thần biểu lộ. Bản văn này tỏ lộ cho chúng ta thấy mối tương quan của Chúa Giêsu khi Ngài cầu nguyện, Ngài liên đới với chúng ta, Ngài là người như chúng ta.
Một bản văn Tin mừng khác cũng có thể suy gẫm, đó là Luca 11, 1-13 về sự kiên trì, khẩn cấp, và bất lợi của cầu nguyện, sự trâng tráo của cầu nguyện dường như phản ánh những gì chúng ta nói về lời cầu nguyện của Abraham. Chúng ta có thể tìm hiểu thêm về lời cầu nguyện của thánh Phaolô trong 2 Côrintô 1, 6-11, trong một tình thế đầy kịch tính của đời sống ông, bao gồm cả cộng đoàn trong những sợ hãi và đau khổ của ông.
Chúng ta có thể tự hỏi: Tôi đã từng cầu nguyện với ý thức như Abraham, như Phaolô, và nhất là như Chúa Giêsu khi tôi chịu trách nhiệm về người khác, về gia đình, về cộng đoàn, về Giáo Hội không?
[1] Chuyển ý từ “Abraham, notre père dans la foi”, Carlo M. Martini, Éd. Saint Augustin-Saint Maurice, Suisse, 1994.
Bài cùng chuyên mục:
Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh(phần 1) (24/11/2024 14:16:50 - Xem: 65)
Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu.
Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh (06/11/2024 08:54:01 - Xem: 297)
Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.
Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh (24/10/2024 10:17:21 - Xem: 354)
Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô khan, khó hiểu. Hãy đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy một đổi thay hết sức bất ngờ.
Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục: Ô-tô con và Linh mục(1) (30/09/2024 07:47:47 - Xem: 852)
Anh em linh mục giáo phận không có lời khấn khó nghèo như linh mục dòng, nhưng không phải vì thế mà chúng ta muốn tiêu xài tiền bạc thế nào tuỳ ý.
Kinh nghiệm về Thiên Chúa và Thần khải (21/09/2024 10:44:04 - Xem: 435)
Bài “Kinh nghiệm về Thiên Chúa và thần khải” của đan sĩ Anselm Grun giúp chúng ta hiểu đúng thế nào là thần khải, hầu tránh được những hiểu lầm tai hại cho đời sống thiêng liêng.
Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(3) (08/09/2024 07:45:34 - Xem: 439)
Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.
Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(2) (24/08/2024 10:17:51 - Xem: 475)
Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên Chúa.
Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri (10/08/2024 07:52:38 - Xem: 543)
Thời đại của chúng ta là thời đại khao khát Thiên Chúa một cách sâu xa, nhưng Thiên Chúa lai ẩn giấu, mờ mịt, tăm tối.
Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.4) (22/07/2024 10:59:39 - Xem: 506)
Chúng ta tiếp tục đọc và suy tư các bài của Đan sĩ Anselm Grun. Trong bài này, ông phân tích rất sâu sắc về hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa của chúng ta
Thiên Chúa của sự sống, CGS và hình ảnh của chúng ta về Thiên Chúa(P.3) (03/07/2024 08:26:58 - Xem: 555)
Rất cần có một hình ảnh đúng về Thiên Chúa, nhờ dó, chúng ta có cái nhìn đúng về con người và hoàn cảnh của con người.
-
Khao Khát Chúa: Cầu nguyện bằng Thánh vịnh(phần 1)
Đây là cuốn sách khai tâm cho những người muốn cầu nguyện bằng Thánh Vịnh. Khi đọc phụng vụ giờ kinh thường thường chúng ta cảm thấy khô...
-
Đức Giesu Kito, một vị Vua khác
Hôm nay, “nếu bạn tin vào Chúa Kitô, hãy để Ngài là Vua trong cuộc đời bạn. Hãy để Ngài hướng dẫn bạn sống theo sự thật, bởi vì Ngài là...
-
Gia vị cho bài giảng CN lễ Chúa Kito là Vua - 2024
Khi Người đến trong vinh quang, Chúa Kitô Vua sẽ xét xử chúng ta về những việc bác ái chúng ta làm cho tha nhân. (Cha Tony)
-
Kinh Tin Kính phổ quát
Mầu nhiệm của Chúa Kitô hoạt động thông qua các Giáo hội kitô lịch sử nhưng cũng hoạt động, và hoạt động rộng rãi, bên ngoài các Giáo hội...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 34 TN B - 2024
Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật,...
-
Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh
Ngoài việc cầu nguyện, các vị thánh sẽ đưa ra ba lời khuyên nào cho những người đang tìm kiếm người phối ngẫu tương lai?
-
Linh hướng là gì?
Trong xã hội và thời đại hỗn loạn của chúng ta, hơn bao giờ hết, hướng dẫn đời sống tâm linh là một nguồn lực tinh thần cần thiết. Người...
-
Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình?
Tôi là phụ huynh của ba đứa trẻ, tất cả chúng tôi đều cố gắng sống theo đức tin Công giáo. Một trong số chúng có vẻ không mấy hứng thú,...
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi
Người trẻ làm gì để không bị cuốn đi với những "tư tưởng" rất đời kia? Nếu có nhu cầu thì sao kiểm soát khi chưa lập gia đình? Tụi con...
-
Bác ái là nhân đức cần thiết cho sự phát triển tâm linh
Chúng ta phải xin Chúa ban cho chúng ta đức ái mỗi ngày cho đến khi chúng ta gặp được Ngài trên Thiên Đàng!
-
Nghĩ đến những điều tốt đẹp
Hãy thôi nghĩ đến chuyện buồn ấy và hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp và đáng yêu khác trong cuộc sống để lòng bà được thanh thản
- Sự cần thiết của việc lắng nghe
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất