Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh.
- In trang này
- Lượt xem: 3,186
- Ngày đăng: 15/11/2024 10:00:00
Cầu nguyện là sức mạnh.
16/11 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên.
"Thiên Chúa sẽ minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người".
Lời Chúa: Lc 18, 1-8
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng mà rằng: "Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: "Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù". Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: "Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc".
Rồi Chúa phán: "Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?"
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
Suy niệm 1: Không được nản chí
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Một trong những lý do khiến người ta bỏ cầu nguyện,
đó là sự thinh lặng của Thiên Chúa.
Con người bị áp bức, khổ đau, nên kêu gào lên Chúa,
nhưng tiếng kêu thảm thiết của họ dường như chẳng được nghe.
Thiên Chúa có hiện hữu không?
Nếu Ngài có mặt, sao Ngài không cứu giúp ta ra khỏi nỗi quẫn bách?
Đã có bao lời cầu nguyện từ sáu triệu người Do thái
trước khi họ bị quân Đức quốc xã giết hại dã man.
Họ kêu lên cùng Chúa là Đấng đã giải thoát tổ tiên họ khỏi cảnh nô lệ.
Nhưng tại sao bây giờ Ngài lại lặng yên, để sự dữ lộng hành?
“Phải cầu nguyện luôn luôn và không được nản chí” (c. 1).
Không nên thấy Thiên Chúa lặng thinh mà vội bỏ cuộc.
Đức Giêsu đã kể dụ ngôn về sự kiên trì của một bà góa.
Bà chẳng còn chỗ dựa tinh thần và vật chất nơi người chồng.
Thiếu sự chở che của chồng, bà dễ bị người khác đối xử bất công.
Chính vì thế bà đã nhiều lần đến vị quan tòa để đòi hỏi công lý.
Tiếc thay vị quan tòa lại không phải là người tốt.
“Ông chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì” (c. 2).
Thế nên vụ kiện cứ bị ngâm trong một thời gian khá lâu.
Nhưng bà góa này quyết không nản lòng, cứ quấy rầy vị quan tòa.
Cuối cùng, ông ta đành giải quyết, chỉ vì muốn yên chuyện (c. 5).
Thiên Chúa dĩ nhiên khác hẳn viên quan tòa bất chính trên đây.
Ngài không trì hoãn việc xét xử, nhưng sẽ mau chóng trả lại công lý
cho những kẻ ngày đêm kêu lên Ngài (cc. 7- 8).
Thiên Chúa không nhậm lời chúng ta để tránh bị quấy rầy hay rắc rối,
nhưng vì Ngài là Đấng Công Chính biết lắng nghe tiếng kêu than.
Trong thế giới hôm nay, sự dữ vẫn làm mưa làm gió.
Bóng tối như nuốt chửng ánh sáng, sự ác có vẻ mạnh mẽ hơn sự thiện.
Vẫn có những bà góa neo đơn phải chịu cảnh bất công.
Vẫn có những phụ nữ và trẻ em bị bóc lột và lạm dụng.
Đức tin người Kitô hữu có thể bị xao động khi nhìn vào thế giới.
Nhiều khi con người cảm thấy mình yếu đuối và bất lực.
Hãy cầu nguyện luôn, hãy kêu lên Chúa đêm ngày!
Đừng mất niềm tin vào Thiên Chúa (c. 8),
dù tiếng kêu của những người thấp cổ bé miệng vọng lên trời cao
vẫn chưa có tiếng trả lời ngay lập tức.
Cuộc chiến với những bất công trên thế giới còn kéo dài.
Người Kitô hữu được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa cho sứ vụ ấy.
Chúng ta cần có sự hỗ trợ từ trời,
để hoán cải lòng người từ bên trong, để xây dựng một thế giới mới.
Kiến tạo một trái đất công bằng và bác ái,
đó là ước mơ của Thiên Chúa và cũng là ước mơ của chúng ta.
Xin Ngài ra tay hành động mạnh mẽ,
nhưng xin cho chúng con trở nên khí cụ hữu hiệu để tay Ngài dùng.
Cầu nguyện:
Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,
xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,
xin cho con quý chuộng những lúc
được an nghỉ trước nhan Chúa.
Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,
xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa
để nghe lời Người.
Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,
xin cho con thoát được lên cao
nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.
Lạy Chúa,
ước gì tinh thần cầu nguyện
thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện,
xin cho con gặp được con người thật của con
và khuôn mặt thật của Chúa. Amen
Suy niệm 2: Hãy kiên trì cầu nguyện
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Công lý là của Thiên Chúa. Nhưng công lý cũng phải có góp phần của con người. Con người còn mang nặng thú tính. Nên dù có biết bao lý thuyết hay về phẩm giá con người. Những hứa hẹn tràn đầy ảo tưởng, không tưởng. Nhưng công lý vẫn là chiếc bánh vẽ. Lý thuyết thật hay. Nhưng con người không thể thực hiện. Vì thú tính còn nhiều. Tuy vậy cũng có những tiến bộ khi người dân ý thức và đòi hỏi. Giống như bà goá kia. Cứ kiên trì đấu tranh bằng phương pháp nhẹ nhàng. Rồi cũng có kết quả. Hãy tin tưởng. Thiên Chúa còn công minh hơn ông quan toà bất lương kia. Và Thiên Chúa thực sự yêu thương con người. Vì thế hãy cầu nguyện. Rồi Thiên Chúa sẽ ra tay. Trong thế kỷ hai mươi có hai lý thuyết lớn sụp đổ. Chúa đã ra tay. Vì chẳng ai làm gì được. Nhưng cũng để con người ý thức về sự xấu xa giả dối của chúng. Mà tha thiết muốn thoát khỏi. Chúa cần sự cộng tác của con người. Cầu nguyện phải có hành động.
Dân Do thái đã có kinh nghiệm đó trong quá khứ. Khi bị nô lệ bên Ai-cập họ đã kêu cầu lên Chúa. Chúa đã nghe tiếng dân ai oán kêu lên thấu đến trời. Và đã giải thoát họ. “Người ta thấy mây che phủ doanh trại; nơi trước kia là nước, đất khô ráo nổi lên, một lối đi thênh thang lộ ra từ Biển Đỏ…Có tay Ngài che chở, toàn dân đã đi qua và chứng kiến bao điềm thiêng dấu lạ”. Chúa đã ra tay làm những điềm thiêng dấu lạ. Nhưng dân phải cộng tác. Bằng tha thiết cầu nguyện. Và bằng quyết tâm ra đi (năm lẻ).
Như phép lạ hoá bánh ra nhiều. Chính Chúa hành động. Nhưng con người phải góp phần nhỏ bé của mình. Phải có năm chiếc bánh và hai con cá. Thiên Chúa sẽ ban công lý cho thế giới. Nhưng con người phải góp phần. Đó là điều thư 3 Gio-an khích lệ Gai-ô. Khi ông đón tiếp và giúp đỡ những người đi loan truyền sự thật của Chúa. Chính những người này làm chứng cho sự thật. Khi họ không nhận trợ giúp của những người còn sai lạc chưa biết sự thật. Vì thế cần phải có sự đóng góp của người của Chúa. Để sự thật được loan truyền mau chóng và rộng rãi. (năm chẵn).
Lạy Chúa, xin ngự đến. Và đem lại công lý cho thế giới. Và ban cho con sức mạnh. Để con kiên trì cầu nguyện. Và tích cực hoạt động cho công lý hiển trị.
Suy niệm 3: Tín thác vào Thiên Chúa
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Tuần báo Công Giáo Dân Tộc số ra ngày 15/10/1995 ở Mục Trong Tuần, có ghi một sự kiện như sau: Trong 4 năm thực hiện pháp lệnh tối cao của công dân được Hội Ðồng nhà nước ban hành ngày 7/5/1991, riêng tại Thành phố Sàigòn có 36 đơn vị chức năng đã nhận được 11,635 đơn từ, trong đó có tới 81.5% đơn từ tố cáo khiếu nại về nhà cửa, đất đai. Theo số liệu chưa đầy đủ, đơn từ tố cáo khiếu nại còn tồn đọng chưa giải quyết là 6,520 đơn. Bài báo đưa ra đề nghị: "Ðể có thể giải quyết rốt ráo những tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của mọi người dân khi quyền lợi chính đáng của mình bị xâm phạm, quyết định cuối cùng của Ủy ban nhân dân các cấp chưa đủ thuyết phục, cần có một tòa án xét xử công minh".
"Cần có một tòa án xét xử công minh", lời kêu gọi trên đây không biết có nhắm đến những trường hợp quan trọng hơn, trong đó không chỉ có cái nhà mảnh đất, mà chính sự sống còn của biết bao người bị trù dập mà chẳng hề được đem ra xét xử hay không? Cần có một tòa án xét xử công minh, thiết tưởng đó là tiếng kêu cầu bình thường của người dân mỗi khi quyền lợi của họ bị vi phạm. Quả thật, công lý vẫn tiếp tục kêu la cho tới khi nào được thực thi. Nhưng đối với biết bao nạn nhân, nhiều khi người ta chỉ còn biết kêu Trời, mà Trời thì có thấu chăng? Nhiều khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi vì những tiếng kêu cầu của chúng ta: Thiên Chúa dường như vẫn câm lặng trước những bất công mà những kẻ vô tội trên khắp thế giới đang phải gánh chịu.
Chúa Giêsu thấu hiểu được tâm trạng ấy của chúng ta, cho nên trong Tin Mừng hôm nay, Ngài kêu gọi chúng ta hãy tin tưởng và phó thác cho Thiên Chúa. Lý luận của Ngài trong dụ ngôn về một quan tòa bất công thật đơn giản: nếu quan tòa bất lương đến độ không kính sợ Thiên Chúa cũng chẳng kính nể người ta, mà còn phải chịu thua trước lời van vỉ của một bà góa, thì huống chi Thiên Chúa, Ðấng trọn hảo và yêu thương con người. Chúng ta tưởng Thiên Chúa câm lặng và vô cảm trước nỗi khổ đau và lời kêu cầu của con người; thật ra, công lý của Thiên Chúa không phải là công lý của loài người, lẽ khôn ngoan của Thiên Chúa không phải là lẽ khôn ngoan mà chúng ta có thể thẩm định được theo tiêu chuẩn của loài người. Tư tưởng của Thiên Chúa không phải là tư tưởng của loài người. Quyền năng và tác động của Ngài vượt trên mọi tính toán, cân lường, suy tưởng và chờ đợi của chúng ta.
Ðó là ý tưởng chúng ta cần nhận ra trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đi vào mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương con người bằng một tình yêu mà con người không thể hiểu thấu được, do đó, không có tâm tình và thái độ nào phải đạo hơn là phó thác cho Thiên Chúa. Phó thác như Chúa Giêsu đã sống chính là biết đón nhận ý muốn của Thiên Chúa, ngay cả và nhất là khi phải trải qua nghịch cảnh, thất bại, khổ đau; phó thác như Chúa Giêsu đã sống chính là luôn tin rằng từ những mất mát, đổ vỡ và ngay cả từ tội lỗi và sự chết, Thiên Chúa vẫn luôn có thể rút ra những điều tốt đẹp cho con người.
Nguyện xin Chúa đừng để chúng ta phải rơi vào thất vọng.
Suy niệm 4: Ơn huệ Chúa ban
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta kiên trì trong sự cầu nguyện.
Trong một lớp học nọ, một học sinh trung học không bao giờ để cho cô giáo của cậu được yên, lúc nào cậu cũng tìm cách quấy phá cho cô tức giận. Một buổi sáng nọ, trước giờ lớp cô giáo đang ngồi loay hoay viết thì cậu học sinh xuất hiện. Không một chút kính nể, cậu hỏi cô:
- Cô đang làm gì đó?
Cô giáo trả lời:
- Tôi đang cầu nguyện với Chúa.
Liếc mắt thấy những dòng chữ bằng tốc ký, cậu học sinh tấn công:
- Chúa mà cũng biết đọc được tốc ký à?
Cô giáo vừa xếp tờ giấy cho vào cuốn Kinh Thánh vừa trả lời:
- Chúa có thể làm được mọi sự, ngay cả nhậm lời cầu xin của tôi.
Thừa lúc cô giáo chuẩn bị để bắt đầu lớp học, cậu học trò lanh tay rút tờ giấy từ quyển Kinh Thánh và cho vào cuốn sách của mình.
Hai mươi năm sau, người học trò ngổ ngáo ngày xưa nay đã là giám đốc của một công ty. Một hôm, anh tình cờ xem lại cuốn sách của thời trung học, mẫu giấy của cô giáo mà anh đã đánh cắp và cho vào cuốn sách của mình giờ đây đã nhạt màu, anh cho mẩu giấy vào trong ví của mình. Trở lại văn phòng, anh xin cô thư ký đọc giùm mẩu giấy được viết bằng tốc ký, mẩu giấy có chứa đựng một lời cầu nguyện như sau: "Lạy Chúa, với sự chọc phá của Bill, chắc con không thể nào tiếp tục dạy ở lớp này nữa. Xin Chúa hãy biến đổi tâm hồn em, em có thể là một người rất tốt mà cũng có thể là một người rất xấu".
Vài tuần lễ sau đó, Bill truy tìm chỗ ở của cô giáo ngày xưa, anh cám ơn cô vì đã cầu nguyện cho anh. Lời cầu nguyện đã được Chúa nhậm lời ngoài sự mong đợi của cô: "Hãy xin thì sẽ được. Khi các con cầu nguyện và xin bất cứ điều gì, hãy tin rằng mình sẽ nhận được thì các con sẽ được ban cho điều các con cầu xin".
Với tất cả những ai tin tưởng cầu xin, lời hứa của Chúa Giêsu luôn được thực hiện. Triết gia Pascal của Pháp đã nói: "Lời cầu nguyện là một trong những cách thế mà Chúa đã chọn để chia sẻ quyền năng vô biên của Ngài cho chúng ta, cũng như Ngài chia sẻ quyền năng của Ngài cho chúng ta bằng cách làm cho chúng ta trở thành những con người biết suy tư. Cũng thế Ngài chia sẻ quyền năng của Ngài cho chúng ta bằng cách làm cho chúng ta trở thành những con người cầu nguyện. Không phải tất cả mọi người đều có thể dùng tư tưởng của mình để tạo ảnh hưởng trên người khác, nhưng ai cũng có thể tạo ảnh hưởng trên người khác bằng lời cầu nguyện của mình. Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta không phải như những kẻ bàng quan trước quyền năng sáng tạo của Ngài, mà như những kẻ chia sẻ quyền năng của Ngài. Ðây chính là ý nghĩa của kiểu nói "được tạo thành giống như hình ảnh của Thiên Chúa". Bác sĩ Alexis Carell, người đã từng được trao giải thưởng Nobel y khoa hồi năm 1912 đã tóm tắt về sức mạnh của sự cầu nguyện như sau: "Cầu nguyện là một năng lực mãnh liệt nhất mà con người có thể làm phát sinh được". Ảnh hưởng của lời cầu nguyện trên tâm trí và thân xác con người là điều có thể chứng minh được qua các hạch nội tiết trong cơ thể.
Cầu nguyện là một sức mạnh cũng có thực như chính sức hút của trái đất, đó là sức mạnh mà Chúa Giêsu nói đến qua hình ảnh của người đàn bà góa kiên trì trong Tin Mừng hôm nay. Ông quan tòa đứng ra xử án không phải vì lòng công bình hay vì lòng tốt mà chỉ vì không chịu đựng nổi sự quấy rầy của bà góa. Thiên Chúa nhậm lời con người không phải vì sợ con người quấy rầy mà chỉ vì lòng tốt đối với con người mà thôi. Nói đến sức mạnh của lời cầu nguyện là tuyên xưng lòng nhân từ của Thiên Chúa vậy. Kiên trì trong lời cầu nguyện cũng là ân huệ của Chúa.
Nguyện xin Chúa cho chúng ta luôn được kiên trì trong sự cầu nguyện và cảm nhận được những điều chúng ta cầu xin.
Suy niệm 5: Bà góa quấy rầy quan tòa
Đức Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. (Lc. 18, 1)
Ngày Con Người trở lại cần chờ đợi, cần sẵn sàng. Trong thời gian đó, môn đệ phải đương đầu với thế gian thù ghét, lòng tin và lòng trông cậy liều mình suy sụp. Vậy để kiên trì cho đến cùng, Đức Giêsu khuyên các ông cầu nguyện không ngừng, không mệt mỏi.
Với kẻ bất lương: phải quấy rầy.
Những quan tòa bất lương và tham tiền, họ không kính sợ Thiên Chúa, chẳng nể người ta. Có đầy rẫy trong Kinh thánh, nhất là đối với các bà góa và cô nhi càng bị họ bỏ rơi và cũng chẳng có thể được luật nào bảo vệ, Đức Giêsu đưa ra một trường hợp cổ điển về một quan tòa gian ác từ chối trả lại công lý cho một bà góa. Chắc bà có một số tài sản, còn quan tòa không muốn xử vì không nhận được quà cáp, rượu chè theo thường lệ, người ta thấy bà góa chắc được kiện, nên bà đến kêu quan tòa mọi ngày để gián đoạn những vụ xử khác ở pháp đình, bà khăng khăng kêu nài công lý xử cho bằng được. Sau cùng, quan tòa thấy bà bướng bỉnh cố chấp, để yên chuyện và khỏi bị quấy rầy, quan phải trả lại công lý cho bà.
Với Thiên Chúa: phải cầu nguyện không ngừng.
Ở đây, Đức Giêsu muốn, không chỉ nêu gương cần thiết phải kiên trì cầu nguyện, mà còn cho thấy cuối cùng lời cầu nguyện chắc chắn sẽ được nhận lời. Nếu quan tòa chẳng sợ Thiên Chúa, chẳng coi ai ra gì và chỉ vì lý do ích kỷ bị quấy rầy, còn lo xử cho bà góa, thì Thiên Chúa là Đấng nhân từ vô cùng, lại không rung cảm trước những tiếng kêu thống thiết của những kẻ Ngài đã tuyển chọn sao! Vậy phải liên tục cầu nguyện ngày đêm không dứt, vì lời cầu nguyện kiên trì của kẻ được tuyển chọn, của chi thể Hội thánh, luôn luôn được thương xót. “Chính Ngài sẽ mau chóng bênh vực những kẻ Ngài đã chọn”, nên sẽ rút ngắn những ngày khốn khó cho họ.
Nếu Thiên Chúa hình như để kẻ được tuyển chọn phải chờ đợi, chính là để thử thách đức tin và sự kiên trì của họ trước những xô đẩy bỏ đạo xảy ra trong thời kỳ cuối cùng. “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”. Thiên Chúa luôn trung tín, nhưng con người dù gặp thử thách còn vững tin cho đến cùng không? Đó là sự thách đố mà Đức Giêsu tung ra cho các môn đệ để nhắc nhở các ông về sự nguy hiểm, đồng thời kích thích các ông phải quyết tâm giữ vững đức tin cho đến cùng.
RC
Suy niệm 6: Cầu nguyện là bản chất của đời Kitô
Xem lại CN 29 TN C
Cầu nguyện là điều cần thiết trong cuộc sống. Không cầu nguyện, chúng ta không thể có sự sống thần linh trong tâm hồn. Cầu nguyện được ví như cá cần nước, con người cần hơi thở, như cành cần nhựa sống từ thân cây... Tuy nhiên, điều ta cầu xin đôi khi cũng phải xem lại vì có những lời cầu xin của chúng ta không đẹp lòng Chúa. Hoặc cũng có đôi khi Chúa muốn kéo dài thời gian để tăng thêm niềm trông cậy của chúng ta...
Lời Chúa hôm nay đề cao sự kiên trì trong cầu nguyện. Hình ảnh bà góa nghèo toát lên thái độ đó khi bà xin ông thẩm phán xử oan cho bà. Mặc cho ông thẩm phán có lạnh nhạt, bất công và không sợ gì ai hết, nhưng cuối cùng, ông ta sợ sự kiên trì của bà góa...
Thái độ này cho chúng ta thấy kết quả của niềm tin và phó thác vào lòng nhân từ của Thiên Chúa. Ngài không bao giờ bỏ qua lời con cái nài xin. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta không kiên trì đủ hay cũng có khi lời cầu nguyện của chúng ta không đẹp lòng Thiên Chúa. Vì thế Ngài không ban cho đúng ý ta xin hoặc Ngài ban những ơn khác tốt đẹp hơn, và đôi khi Ngài muốn kéo dài thời gian để củng cố sự kiên trì của chúng ta, bởi vì: “Lửa thử vàng, gian nan thử đức”; “Ai trung thành đến cùng sẽ được cứu”.
Trong thực tế, nhiều khi chúng ta trách móc Chúa dường như không màng chi đến những lời cầu nguyện của chúng ta. Nhưng chúng ta đâu biết rằng: công lý của Thiên Chúa thì hoàn toàn khác xa tâm tưởng của con người. Sự khôn ngoan của Ngài vượt trội suy đoán và vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Tư tưởng của Ngài thì toàn diện, nên không bị giới hạn vào không gian hay thời gian... Nhưng chung quy lại thì Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta cách đặc biệt bằng một thứ tình yêu cao cả. Phần còn lại của chúng ta là kiên trì, trung thành, khiêm tốn để để đón nhận ơn lành của Ngài trong lòng mến cũng như biến cải đời sống hằng ngày cho tốt hơn mà thôi.
Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, Người luôn trung thành với lời đã hứa và luôn luôn nhận lời những ai cầu xin với lòng tin tưởng vững chắc. Xin lắng nghe tiếng van xin của chúng con, nhất là trong cơn thử thách của cuộc đời trần thế này. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy niệm 7: Kiên trì cầu nguyện
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Khi cầu nguyện, con người phải kiên trì. Thời gian sẽ giúp con người luyện đức cậy trông, bởi vì có hết lòng cậy trông, con người mới đáng Chúa ban ơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con không có cảm tình với vị thẩm phán trong bài Tin Mừng. Lòng ông ta như gỗ đá mà lại còn ngạo mạn chẳng biết kính sợ ai. Chúa kể một nhân vật như vậy để cho con thấy sức mạnh của sự kiên trì.
Chúa là Cha yêu thương con vô vàn. Chúa thấu hiểu những khó khăn của con hơn chính bản thân con. Chúa chẳng vui gì khi thấy con cái Chúa khổ đau và thiếu thốn. Chúa dạy con kiên trì cầu nguyện để con hết lòng hướng về Chúa và chỉ hướng về Chúa mà thôi. Chúa muốn con xác tín rằng: chỉ có Chúa là chốn con tựa nương. Con hết lòng cậy trông vào Chúa để con đáng được Chúa ban ơn.
Lạy Chúa, Chúa luôn đề cao thái độ trẻ thơ. Trẻ thơ phó thác đáng được Chúa thương. Kiên tâm cầu nguyện là con đang trở thành con thơ trong tay Chúa, Chúa sẽ săn sóc gìn giữ con như người Cha che chở con cái mình.
Lạy Chúa, tuy thế, có nhiều lần con đã nản chí vì xin hoài xin mãi mà dường như Chúa chẳng nghe lời con cầu xin. Nhưng ơn Chúa cho con hiểu rằng có nhiều điều con muốn nhưng lại không tốt cho con. Chúa nhân lành sẽ ban cho con điều tốt nhất mà con không ngờ. Xin Chúa nâng đỡ đức tin yếu kém của con. Xin cho con đừng mất lòng trông cậy nơi Chúa mà vội tin nhảm nhí nơi những thần tượng do trí khôn con người nắn đúc ra.
Con nguyện sẽ là con thơ trong tay Chúa và hết lòng cậy trông tín thác nơi Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Thiên Chúa sẽ minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người”.
Suy niệm 8: Bàn chuyện với Chúa mỗi ngày
(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu Chuyện
Nhắc đến cuộc đời của cha Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars, người ta không thể quên câu chuyện người nông dân xứ Ars cầu nguyện:
Mỗi ngày trước khi ra đồng, anh đều ghé vào nhà thờ cầu nguyện giây lát rồi mới ra đồng. Khi trở về, anh cũng ghé vào nhà thờ để cầu nguyện như vậy. Trong xứ ai ai cũng nể và kính phục về sự chuyên cần lao động và cầu nguyện của anh. Nhưng người ta không biết anh nói gì trong lời cầu nguyện của mình.
Một hôm có người hỏi: “Ngày ngày ông ghé vào nhà thờ mấy lần để làm gì thế ?”
Anh nông dân trả lời: “Tôi nói chuyện với Chúa và Chúa bàn chuyện với tôi”.
Suy niệm
Thiên Chúa là Cha ở trên trời luôn hướng về chúng ta, lắng nghe và chia sẻ. Vì thế, hãy đến với Ngài qua những tâm sự, sẻ chia được gói ghém trong tâm tình phó thác, tin tưởng và kiên trì như Chúa Giêsu chỉ cho các môn đệ và cho chính chúng ta, Ngài đã minh họa bằng một dụ ngôn về ông quan tòa khó tính, chẳng kính sợ Thiên Chúa và cũng chẳng coi ai ra gì nhưng vì sợ bị quấy rầy bởi sự kiên trì kêu cứu của bà góa mà xử công minh cho bà.
Sự kiên trì trong lời cầu của bà đã đem lại kết quả như mong muốn. Đức Giêsu đúc kết dụ ngôn khi lý luận với môn đệ: “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn ? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng bênh vực họ”. Ngài là Cha, một người Cha nhân ái lại không đoái hoài đến tình trạng của con mình sao ?
Chính vì thế, hãy kiên nhẫn trong lời cầu. Ngay cả những lúc cam go nhất của cuộc đời như dân Chúa đứng trước cuộc chiến đấu sinh tồn với dân Amalech, Thiên Chúa luôn hiện diện và sát cánh, Ngài sẽ chiến đấu cùng chúng ta để con người được những gì tốt nhất cho cuộc đời mình. Bạn và tôi hãy vững tin dù những lúc thử thách nhất, thử thách đó chẳng phải là “hòn đá”, “rắn rết” hay “bọ cạp” mà trong chúng ta cứ nghĩ là của Chúa gửi cho mình khi chúng ta đã cầu nguyện hết mình mà vẫn cứ khó khăn khổ đau (x. Lc 11,11-12). Hãy kiên vững trong lời cầu thì Ngài sẽ hiện diện và cùng chúng ta vượt qua đồi Canvê mà tiến tới Phục sinh cùng với Đức Giêsu.
Hãy kiên trì và luôn trông cậy vào Cha trên trời như người láng giềng xin bánh giữa đêm khuya để tiếp khách (x. Lc 11,5-8). Như ông quan tòa không vì lòng kính sợ ai nhưng vì bị phiền lòng nên làm toại nguyện bà góa, chủ nhà cũng không vì lòng nhân nhưng vì bị quấy rầy nên phải thức dậy mà cho bánh anh láng giềng. Cha chúng ta, Ngài không phải là ông quan tòa khó chịu, cũng không phải là người chủ nhà khó ưa, Ngài là cha nhân từ không để chúng ta thiếu thốn kia mà. Cho nên, Chúa Giêsu đã khẳng định: “Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11,9-10).
Theo gương Thầy Chí Thánh giáo huấn, thánh Phaolô khuyên chúng ta: Phải cầu nguyện luôn đừng nhàm chán (x. Rm 1,10; 12,12; Ep 6,18...). Qua lời cầu nguyện, tôi và bạn sống thân mật với “Thiên Chúa thành tín, chậm bất bình và giàu lòng thương xót” (x. Xh 34,6). Nhờ cầu nguyện trong đời thường, chúng ta là những người con, người môn đệ mới có sức gắn bó với Thầy mình vác thập giá cuộc đời, thập giá mà Thiên Chúa dành cho mình vác (x. Lc 14,25-27), và diệu kỳ hơn nữa là ta sẽ cảm nghiệm được chính Ngài đang cùng vác với chúng ta.
Cầu nguyện là nhựa sống của tâm hồn, tôi ý thức và tôi chuyên cần, kiên trì trong lời cầu mỗi ngày bằng những tâm tình đơn sơ như những tâm sự với cha mình.
Ý lực sống
“Xin đáp lời con, lạy Chúa xin đáp lời con...” (1V 18,37).
Suy niệm 9: Phải kiên nhẫn cầu xin
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Nhân nói về ngày Chúa sẽ trở lại thế gian và các thử thách mà các Tông đồ và các tín hữu sẽ gặp, Đức Giêsu dạy các môn đệ phải cầu nguyện để được Thiên Chúa phù hộ cho. Ngài đã dùng dụ ngôn quan tòa bất nhân và người đàn bà góa để dạy các môn đệ phải cầu nguyện luôn không được nản chí. Một người bất nhân như viên thẩm phán mà còn phải chịu thua lòng kiên trì của bà góa. Huống chi Thiên Chúa tốt lành, Ngài sẽ mau chóng bênh vực kẻ kêu xin Ngài cách kiên trì.
2. Người ta thường nói :”Hữu chí cánh thành” : có chí thì nên. Kinh nghiệm trường đời cho chúng ta thấy muốn thành công, bất cứ ai, bất cứ công việc gì cũng đòi phải có ý chí, lòng kiên nhẫn bền tâm để vượt qua khó khăn. Chúng ta thấy thanh niên hay hát một bài rất có ý nghĩa :
Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng khôn bền,
Đào núi và lấp biển,
Quyết chí cũng làm nên.
Kinh nghiệm này không những đúng cho đời sống vật chất và tinh thần, nhưng còn đúng cho đời sống tâm linh nữa. Chúa là Cha nhân từ thương xót sẽ nghe lời con cái kêu xin.
3. Qua dụ ngôn này, không phải Đức Giêsu dạy chúng ta cứ mãi mãi nài ép buộc Chúa cực chẳng đã, đành ban cho chúng ta điều chúng ta muốn. Nhưng nhắm tới một sự kiên trì cầu nguyện. Bởi vì cầu nguyện phải cần đến niềm tin và hy vọng, và niềm tin cần đến sự thử thách và niềm hy vọng cần đến sự vững vàng kiên nhẫn. Thiên Chúa là Cha hiểu thấu chúng ta cần gì và điều gì tốt cho chúng ta. Người sẵn sàng ban những ân huệ cần thiết, nhưng Người cần sự khao khát, phó thác và tâm tình của một người con thân thưa với Người. Khấn cầu liên lỉ liên kết con người với Thiên Chúa cách khăng khít hơn, khiến con người phải ý thức hơn về tình trạng bất lực của riêng mình, nhận rõ hơn việc phải hiến thân trọn vẹn cho Thiên Chúa.
4. Khi cầu nguyện phải có đức tin. Đức tin cho chúng ta một bảo đảm : Thiên Chúa là người cha nhân hậu, nhưng Người chỉ ban những điều tốt lành thật sự mang lại hạnh phúc đích thực. Lắm khi chúng ta xin những điều không tốt lành thực sự, những hạnh phúc không bền vững, và lúc đó, Thiên Chúa có quyền đáp ứng điều chúng ta xin theo cách Người muốn và theo cách tốt nhất cho chúng ta. Thiên Chúa ban điều tốt lành hơn chúng ta mong đợi. Giống như trường hợp đứa bé đòi uống nước ngọt có ga, nhưng mẹ lại cho uống sữa, vì bà biết sữa sẽ tốt hơn cho sức khỏe, còn nước ngọt dễ làm bé đau bụng, dù sữa không làm cho bé khoái khẩu. Cũng thế, Thiên Chúa ban cho ta điều tốt cho ta , dù trước mắt chúng ta cảm thấy không thỏa mãn (Hiền Lâm).
5. Viên quan tòa trong dụ ngôn có thể là một viên chức ăn lương của Hêrôđê hoặc Philatô, vốn khét tiếng là “bất chính”, dám tự nhận mình “chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì”. Ngược lại, người đàn bà kia đã góa bụa lại nghèo túng, bị người ta thưa kiện mà không có gì để tự bênh vực, bảo vệ. Thế nhưng đã có một võ khí mà viên quan tòa ấy cũng phải sợ : đó là sự kiên trì dai dẳng đến mức lì lợm khiến ông ta phải đáp ứng để khỏi bị quấy rầy. Bằng biện pháp tương phản, Đức Giêsu đã chứng minh một cách hết sức thuyết phục về hiệu quả của việc kiên tâm cầu nguyện: Nếu một người xấu như thế còn chịu thua lời van xin thì Thiên Chúa quyền năng và nhân hậu vô cùng còn ban cho ta dồi dào hơn điều ta cầu xin biết chừng nào ?(5 phút Lời Chúa)
6. Qua bài Tin Mừng hôm nay chúng ta phải hiểu rằng đôi lúc Chúa trì hoãn, và việc trì hoãn đáp ứng lời cầu xin của chúng ta cũng có lý do mà chỉ Ngài biết. Chúng ta không nên tìm kiếm hiệu quả tức thì. Chúa sẽ đáp lời chúng ta lúc nào và cách thức nào có lợi nhất cho chúng ta, theo như thánh ý nhiệm mầu của Ngài. Thời gian Chúa nhận lời có lẽ sẽ lâu hơn chúng ta tưởng, cách thức Ngài ban ơn có thể sẽ khác với ước nguyện của chúng ta, nhưng bao giờ cũng là lúc thích hợp nhất cho linh hồn chúng ta, bao giờ cũng là cách hữu hiệu nhất cho hạnh phúc vĩnh cửu cho con người.
7. Truyện : Ông có muốn vào không ?
Một người đưa tin phóng ngựa tới một ngôi nhà cửa đóng kín. Ông gõ cửa nhưng không ai mở cả. Ông biết trong nhà có người vì trước đó ông đã nhìn qua cửa sổ thấy họ. Bởi đó ông nổi cáu vừa la lớn tiếng vừa dùng hết sức mình đập vào cánh cửa. Sau khi ông đập cửa tới 30 lần thì một cái đầu mới thò ra qua một lỗ nhỏ trên cánh cửa, hỏi :
- Ông có muốn vào không ?
- Muốn vào không ư ? Tôi đã kêu cửa muốn khản cả cổ rồi đây này.
- Xin ông thông cảm. Mỗi ngày rất nhiều đứa bé hàng xóm cứ đến gõ cửa để phá chơi rồi lại chạy trốn. Ban đầu chúng tôi tưởng ông cũng thế. Nhưng khi nghe ông vẫn kiên trì kêu cửa, chúng tôi biết ông muốn vào thật nên mới mở cửa cho ông (Bruno Hagspiel)..
Suy niệm 10: Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí
(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Hạt giống...
Thánh Luca cho biết rõ ý nghĩa của dụ ngôn này là dạy “các môn đệ phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”. Dụ ngôn có hai vai:
- bà góa: trong xã hội do thái, các bà góa chịu nhiều thiệt thòi và không ai bênh vực. Bà góa này có lẽ bị người ta ức hiếp nhưng vì không ai bênh vực nên chỉ còn biết chạy đến kêu cứu với thẩm phán.
- thẩm phán: lẽ ra nhiệm vụ của ông là bênh vực những người bị ức hiếp. Nhưng ông thẩm phán này không bênh vực bà góa vì bà chẳng có lợi gì cho ông cả. Dù vậy, nhờ bà cứ kiên trì kêu xin nên cuối cùng ông cũng xử công bình cho bà.
* Bài học: một người bất công như viên thẩm phán mà còn phải chịu thua lòng kiên trì của bà góa. Huống chi Thiên Chúa tốt lành, Ngài sẽ mau chóng bênh vực kẻ kêu xin Ngài cách kiên trì.
Tuy nhiên, có nhiều kẻ không kiên trì nên đã mất lòng tin. Đó là ý nghĩa câu cuối cùng: “Nhưng khi Con Người ngự đến. liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng ?”.
B.... nẩy mầm.
1. “Nhiều người có thói quen xưng thú một cách máy móc “Con có chia trí lo ra trong khi đọc kinh xem lễ”. Để việc xưng thú một cách ý thức hơn, có lẽ chúng ta nên nói “Con thiếu tin tưởng và kiên trì trong khi cầu nguyện”... Chúng ta cầu xin, nhưng không tin đủ rằng Thiên Chúa sẽ nhận lời chúng ta” (trích "Mỗi ngày một tin vui").
2. Chúng ta đã từng kinh nghiệm, có nhiều điều ta cầu xin mãi mà chẳng được như ý. Nhưng đừng vội kết luận rằng: Hễ lần nào xin mà không được như sở thích, là chứng tỏ Chúa không tốt với tôi. Thử suy nghĩ mà xem: - Ai cũng xin trúng số độc đắc ( độc đắc: chỉ một người duy nhất trúng) - Đứa trẻ nằng nặc đòi được ở nhà chơi không chịu đi học (thường không được như ý, còn bị thêm roi vọt). - Nước nào đang bị chiến tranh cũng quen cầu xin theo kiểu ‘Mẹ ơi, đoái thương xem nước Việt Nam, trời u ám chiến tranh điêu tàn…’, nhưng ý Chúa quan phòng chưa muốn thế…
3. Việt Nam ta có câu truyện truyền thuyết về ‘ông già Ba Tri’ kiên trì gan góc. Ông lặn lội tới tận triều đình Huế, gõ trống trước cung điện vua để kêu nài, và cuối cùng đã được nhận lời.
4. Beppo Sala là một cậu bé 8 tuổi. Cha mẹ cậu rất nghèo mà phải nuôi tới 6 đứa con. Mẹ cậu lại sắp sinh thêm đứa thứ 7. Tuy còn nhỏ nhưng Beppo cũng biết khi đứa bé sinh ra thì nó phải thiếu thốn như thế nào. Cậu muốn làm một việc gì đó để giúp cha mẹ. Cậu nhịn ăn quà, dùng tiền mua một chiếc bong bóng bay. Cậu viết một bức thư ngắn cột vào bong bóng rồi thả cho bay lên trời. Bức thư viết “Chúa ơi, trong vài tuần nữa mẹ con sẽ sinh em bé. Nhưng gia đình chúng con nghèo quá. Xin Chúa giúp chúng con tìm được một chiếc chăn và vài bộ quần áo cho nó. Đồ cũ thôi cũng được. Con là Beppo Sala, nhà ở Arcorle”. Beppo về nhà hồi hộp chờ đợi. Chờ đã 3 ngày mà chẳng thấy gì cả. Đến ngày thứ tư, một nhân viên bưu điện mang tới nhà Beppo một thùng giấy lớn có ghi rõ “Người nhận: Beppo Sala, Arcorle. Người gởi: Rovingo”. Trong nhà chẳng ai có quen người nào tên Rovingo cả nên bảo nhân viên bưu điện trả về người gởi. Nhưng không có địa chỉ người gởi nên cậu bé đành mở thùng ra coi. Trong thùng toàn là quần áo trẻ con rất sạch và đẹp. Có cả một chiếc chăn nhỏ nữa. Thì ra một người nào đó tên Rovingo đã tình cờ nhặt được chiếc bong bóng và bức thư của cậu bé nên đã thay Chúa gởi quà cho em của cậu.
Nhiều khi Thiên Chúa đáp lời cầu nguyện của chúng ta bằng một cách thức và vào một thời điểm mà chúng ta không ngờ. (Pastor Paterno).
5. Một người đưa tin phóng ngựa tới một ngôi nhà cửa đóng kín. Ông gõ cửa nhưng không ai mở cả. Ông biết trong nhà có người vì trước đó ông đã nhìn qua cửa sổ thấy họ. Bởi đó ông nổi cáu vừa la lớn tiếng vừa dùng hết sức mình đập vào cánh cửa. Sau khi ông đập cửa tới 30 lần thì một cái đầu mới thò ra qua một lỗ nhỏ trên cánh cửa, hỏi:
- Ông có muốn vào không ?
- Muốn vào không ư ? Tôi đã kêu cửa muốn khàn cả cổ rồi đây này.
- Xin ông thông cảm. Mỗi ngày rất nhiều đứa bé hàng xóm cứ đến gõ cửa để phá chơi rồi lại chạy trốn. Ban đầu chúng tôi tưởng ông cũng thế. Nhưng khi nghe thấy ông vẫn kiên trì kêu cửa, chúng tôi biết ông muốn vào thật nên mới mở cho ông. (Bruno Hagspiel).
6. “Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn ?” (Lc 18,7)
“Khi tạo dựng nên ta Thiên Chúa không cần hỏi ý ta, Người không thể cứu rỗi ta nếu ta không cộng tác với Người”.
Chuyện kể về thánh Vincent Ferrier sau khi gặp các tội nhân cứng lòng, khuyên bảo mấy cũng không chịu trở lại. Ngài đã gia tăng việc ăn chay, hãm mình, cầu nguyện.. Ngài than thở, năn nỉ cùng Chúa ban ơn để cứu các linh hồn ấy khỏi sa hoả ngục.
Nhưng Chúa ơi, được ích gì nếu lời cầu nguyện ấy không có sự cộng tác, đồng ý của đối tượng cần được cứu rỗi ?
Vâng, đã hơn một lần con đặt ra câu hỏi đó, vì nghi ngờ. Con đã đòi hỏi Chúa phải làm cho con điều này, thực hiện cho con điều nọ… Và con thất vọng khi không đạt được điều con muốn.
Lạy Chúa, xin cho con biết nhặt lên những mảnh vụn của mọi biến cố, mọi rủi ro, thất vọng mà trao lại cho Chúa Giêsu trong niềm tin, niềm xác tín, để con được cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa trong suốt cuộc đời con. (Hosanna).
Suy niệm 11: Khát khao cầu nguyện
(Lm Giuse Đinh Tất Quý)
1. Thánh Luca cho biết rõ ý nghĩa của dụ ngôn này: “các môn đệ phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18,1).
Một vị linh mục kia đã đưa ra một câu chuyện ngụ ngôn trong bài giảng của mình như sau:
Hôm đó, quỷ vương tổ chức một bữa tiệc mừng sinh nhật thật lớn, trong đó, những đặc phái viên của quỷ đều tụ tập về để báo cáo lại kết quả mà chúng đã thu hoạch được trong việc bày ra những chước cám dỗ của chúng đối với loài người.
Một tên quỷ nói:
- Trong một đoàn người Công giáo đi hành hương, tôi đã thả những thú vật hoang dã của sa mạc ra tiêu diệt họ, và hiện nay hàng đống xương của họ vương vãi trắng xóa trên cát.
Quỷ vương hồi hộp theo dõi:
- Rồi sao nữa ? Hãy tường trình tiếp đi ?
Tên quỷ than phiền:
- Nhưng mấy người Công giáo này cứ kiên trì cầu nguyện cho đến lúc bị lũ thú dữ ăn thịt, vì thế linh hồn của bọn họ đều được cứu rỗi.
Quỷ vương thở dài chán nản.
Một tên quỷ khác nói:
-Tôi đã cho một luồng gió Tây thổi mạnh vào một con tàu chở đầy người Công giáo, và tất cả bọn họ đều bị chết đuối.
Quỷ vương nôn nóng:
- Rồi sao nữa ? Thành công chứ ?
Tên quỷ này cũng phàn nàn: Cũng giống như trường hợp trên, linh hồn của tất cả bọn họ đều được cứu rỗi.
Tên quỷ thứ ba báo cáo:
- Trong suốt 10 năm, tôi đã cố gắng cám dỗ một người Công giáo, chỉ một người thôi. Tôi đã làm cho anh ta lơ là trong việc bổn phận và tôi đã thành công. Bây giờ, anh ta đã trở thành một con người luôn sao lãng bổn phận.
Quỷ vương la lên vui mừng:
- Thế là hỏa ngục có thể ca hát mừng rỡ được rồi.
2. Phải luôn kiên trì, nhưng thế nào là kiên trì ?
Một ẩn sĩ sống trên núi để suốt ngày cầu nguyện và thinh lặng.
Một sáng kia, có một thanh niên thăm ông.
- “Cheikh” (Tiếng A-rập có nghĩa là một người hiểu biết, một nhà hiền triết) “Cheikh, xin dạy con cầu nguyện”.
Vị ẩn sĩ đang chiêm niệm nên không ngước mắt lên.
Và người thanh niên buồn rầu ra đi. Ngày hôm sau anh trở lại:
- Cheikh, xin dạy con cầu nguyện.
Nhưng lời yêu cầu của anh cũng không được đáp trả, giống như hôm trước. Tuy nhiên, vì rất tha thiết, anh trở lại một lần thữ ba.
Lúc ấy vị ẩn sĩ đang chuẩn bị bữa ăn đạm bạc của mình: chắc là anh may mắn hơn.
- Cheikh, xin dạy con cầu nguyện.
Nhưng lời yêu cầu cũng không được phúc đáp
- Chẳng lẽ câu hỏi không quan trọng gì nên ngài không buồn nghe sao ?
Bấy giờ vị ẩn sĩ ngước mắt lên nhìn với ánh mắt đầy nhân hậu, nhưng, cũng giống như các ngày trước, ông vẫn làm thinh.
Được ánh mắt khuyến khích, ngày hôm sau, chàng trai lại đến, hy vọng sẽ được ông trả lời
- Cheikh, xin dạy con cầu nguyện.
Trước sự im lặng kiên trì của vị ẩn sĩ, anh nổi giận.
Cuối cùng, vị ẩn sĩ mới nói với anh:
- Tôi không trả lời vì muốn thử xem anh có thực sự khao khát không. Vì lòng khao khát của anh tự nó đã là một lời cầu nguyện rồi. Thiên Chúa chẳng đòi hỏi gì khác hơn là anh tìm kiếm Người. (Truyện cổ Ảrập)
Trong một cuộc chuyện trò với một nhóm phụ nữ Công Giáo đạo đức về ơn gọi Linh Mục, Đức Hồng Y Louis-Edouard Pie nói.
“Tôi biết rất rõ một cậu bé nghèo thật nghèo, chào đời nơi một ngôi làng gần thành Chartres. Cậu bé nghèo ấy rất ước ao trở thành Linh Mục nhưng song thân quá nghèo lại sớm lìa bỏ cõi đời khiến cậu trở thành đứa trẻ mồ côi. Vào một ngày Lễ Ba Vua, cậu bé bước vào nhà thờ Chính Tòa Poitiers. Cậu bé ngỡ ngàng và vô cùng xúc động khi theo dõi buổi cử hành Phụng Vụ. Thánh Lễ quá đẹp và quá trang trọng khiến cậu bé cảm thấy cổ họng nghẹn cứng và không cầm được nước mắt. Cậu bé bước ra khỏi thánh đường với khuôn mặt dàn dụa nước mắt.
Nơi công trường trước nhà thờ Chính Tòa có một phụ nữ bán hoa đang ngồi đó. Trông thấy cậu bé khóc, bà động lòng trắc ẩn và âu yếm cất tiếng hỏi:
- Sao con lại khóc ? Bé cưng của bà ?
Cậu bé mếu máo trả lời:
- Con muốn trở thành Linh Mục nhưng con lại quá nghèo!
Người phụ nữ có quả tim vàng trả lời ngay:
- Chính bà sẽ giúp con, con an tâm!
Giữ lời hứa, người phụ nữ nghèo ấy, đêm ngày thức thật khuya dậy sớm để làm việc. Bà làm việc thật vất vả nhưng kiếm đủ số tiền đóng cho đứa con trai bà nuôi đang theo học nơi Chủng Viện.
Nói đến đây, Đức Hồng Y Louis-Edouard Pie với đôi mắt đẫm lệ, nghẹn ngào kết thúc câu chuyện với nhóm phụ nữ Công Giáo đạo đức:
- Thưa quý bà, người phụ nữ nghèo tốt lành ấy nay đã qua đời. Nhưng cậu bé nghèo kia đã kiên trì trong ơn gọi, đã thụ phong Linh Mục, rồi Giám Mục và nay là Hồng Y. Cậu bé nghèo ấy chính là tôi đây, người đang nói chuyện với quí bà và là Hồng Y của quí bà đây!
Suy niệm 12: Chúa nghe lời chúng ta khẩn cấu
(Lm. Micae Võ Thành Nhân)
Ông quan đã nghe lời kêu van thống thiết của bà góa từ ngày này sang ngày khác, và để rồi ông đã quyết định ra tay minh oan cho bà, để bà đừng có đến quấy rầy ông nữa, đó là hình ảnh của Chúa mà chúng ta đang tôn thờ đây.
Hàng ngày, con người chúng ta dâng lên Chúa biết bao nhiêu là lời cầu xin khẩn nguyện với Chúa. Tất cả những lời cầu xin khẩn nguyện của chúng ta đều xuất phát từ nhu cầu thiết thực, cần kiếp của chúng ta. Có lẽ Chúa là người rất bận rộn vì hàng ngày Chúa phải tiếp nhận và giải quyết tất cả các lời cầu xin này. Có những điều chúng ta cầu xin, chúng ta thấy mình được Chúa ban cách nhãn tiền, mau lẹ, không phải chờ đợi. Nhưng có những điều chúng ta xin, chúng ta chờ đợi, có thế là rất lâu, lâu lắm mà chúng ta chẳng thấy Chúa ban ơn. Những lúc như thế, chúng ta cảm thấy mình chán nản, buông xuôi, muốn bỏ cuộc. Vì thế mà qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy chúng ta phải kiên trì, không được nản lòng. Vì:
-Chúng ta xin Chúa điều gì, Chúa đều nghe, Chúa đều nhậm lời, Chúa không bỏ ngoài tai lời cầu nguyện của chúng ta đâu. Chúa sẽ ban ơn cho chúng ta. Thế nhưng Chúa ban khi nào, ban lúc nào, ban ra làm sao là quyền ở Chúa.
-Bổn phận của chúng ta là phải theo ý Chúa, chứ không phải là bắt Chúa theo ý chúng ta. Chúng ta phải theo ý Chúa, nghĩa là chúng ta phải đợi chờ. Đợi chờ lâu hay mau là tùy ơn chúng ta xin có phù hợp với chúng ta theo suy nghĩ của Chúa hay không. Giả như chúng ta nghĩ rằng ơn này rất cần cho chúng ta lúc này, nhưng đối với Chúa thì chưa cần. Chúa chưa ban ơn đó, nhưng Chúa lại ban ơn khác để chúng ta nhờ hơn, hữu ích cho chúng ta hơn. Đó là sự khôn ngoan của Chúa là Cha của chúng ta, chúng ta cần phải vâng theo Chúa.
-Một điều rất có lợi cho chúng ta khi chúng ta chờ đợi Chúa ban ơn là Chúa sẽ làm cho chúng ta vững tin vào Chúa hơn. Chúng ta sẽ trưởng thành trong đời sống đạo. Gian nan thử thách trong đời sống đức tin, chúng ta dễ vượt qua, dễ đứng vững, dễ trung thành với Chúa. Khi chúng ta chờ đợi ơn Chúa ban, chúng ta thêm lòng khao khát ơn Chúa, chúng ta có thời gian chuẩn bị chu đáo hơn, để rồi một khi ơn Chúa ban xuống, chúng ta sẽ đón nhận cách kính cẩn, quý trọng hơn, và sẽ sử dụng hiệu quả ơn Chúa hơn, ơn Chúa sẽ làm cho chúng ta mạnh mẽ hơn nhiều trong cuộc đời chóng qua hay thay đổi này.
Một điều quan trọng mà Chúa mong muốn chúng ta, dù trong bất kể hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn trung thành với Chúa. Trung thành với Chúa thì sẽ được ơn cứu độ mà chúng ta xin Chúa mỗi ngày đây: “Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người đêm ngày mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ kiếp giải oan cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng trên mặt đất nữa chăng” (Lc 18, 7 – 8).
Lạy Chúa, Chúa yêu thương chúng con và Chúa không bao giờ thay đổi tuy chúng con phản bội Chúa, xin Chúa thương nhận lời chúng con khi chúng con kêu cầu Chúa, xin Chúa ban ơn nâng đỡ, giúp chúng con sống mỗi đẹp lòng Chúa hơn, và xin cho chúng con biết luôn dùng miệng lưỡi chúng con mà ca khen, chúc tụng Chúa không ngừng. Amen.
Suy niệm 13: Ngày đêm hằng kêu cứu
(Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB)
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Bảy Tuần 32 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa đẩy xa những gì cản bước tiến chúng ta trên đường về với Chúa, để một khi xác hồn thanh thản, chúng ta được Hoàn toàn tự do mà thực hiện ý Chúa.
Hoàn toàn tự do mà thực hiện ý Chúa, với lòng tin tưởng vững vàng sẽ được Chúa giải cứu, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Đanien cho thấy: Thời gian cuối cùng, những cuộc chiến dữ dằn của Dân Thiên Chúa sẽ chấm dứt, cũng như cuộc bách hại thời đế quốc Hylạp đã chấm dứt sau ba năm rưỡi. Sẽ đến ngày phục sinh, khi những người đã chiến đấu trong suốt lịch sử sẽ nhận được phần thưởng. Đó là niềm hy vọng của Hội Thánh. Hãy đi cho tới cùng. Ngươi sẽ được an nghỉ, rồi sẽ đứng lên lãnh phần dành cho ngươi khi thời gian chấm dứt... Những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không thể chết nữa; vì được ngang hàng với các thiên thần và là con cái Thiên Chúa, con cái sự sống lại. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống: vì đối với Người, tất cả đều đang sống.
Hoàn toàn tự do mà thực hiện ý Chúa, cho dẫu, bị thua thiệt, mất mát, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, Bài Giảng của một Tác Giả ở Thế Kỷ II nói: Hãy sống công chính, để đến thời sau hết chúng ta được cứu độ. Chúng ta đừng rối trí khi thấy kẻ bất lương được giàu có, còn các tôi tớ Thiên Chúa thì cứ bị khốn khổ long đong... Hãy làm lành lánh dữ; bởi vì Thiên Chúa yêu thích điều chính trực, chẳng bỏ rơi những bậc hiếu trung. Bạn đừng nổi giận vì quân gian ác, chớ phân bì với kẻ bất lương.
Hoàn toàn tự do mà thực hiện ý Chúa, cùng cộng tác với nhau và giúp nhau hưởng ân lộc Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Gioan nói: Chúng ta phải tiếp đón những con người như thế, để cộng tác vào việc truyền bá sự thật. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 111, vịnh gia đã cho thấy: Hạnh phúc thay, người kính sợ Chúa, những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban. Trên mặt đất, con cháu của họ sẽ hùng cường, dòng dõi kẻ ngay lành được Chúa thương giáng phúc.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng mà kêu gọi chúng ta, để chúng ta được hưởng vinh quang của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Thiên Chúa minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người. Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng? Thiên Chúa dùng Tin Mừng để kêu gọi chúng ta hưởng vinh quang Chúa. Tin Mừng cứu độ, Tin Mừng giải cứu, phần của chúng ta là, tin tưởng, cậy trông, khao khát ơn cứu độ của Chúa bằng cách tha thiết kêu xin Người; chắc chắn, Người sẽ ban ơn cứu độ cho chúng ta, Người sẽ không để chúng ta phải thất vọng bao giờ. Nếu chúng ta giữ vững lòng tin mà bước theo đường lối, những thánh chỉ của Chúa, chúng ta sẽ đạt tới ơn cứu độ mà Chúa dành sẵn cho ta. Chúng ta đang lâm chiến, và đang chiến đấu cho Thiên Chúa hằng sống ở đời này để được ân thưởng đời sau. Xưa nay không có người công chính nào hái trái trước mùa, tất cả họ đều phải chờ đợi. Nếu Thiên Chúa ban thưởng ngay cho những người công chính, thì hóa ra, chúng ta làm chuyện bán buôn chứ đâu phải đạo đức gì, bởi vì, bề ngoài có vẻ như công chính, nhưng thật ra, chúng ta chẳng kiếm tìm đạo đức mà chỉ chạy theo lợi lộc. Người công chính luôn bị bách hại, bị làm khổ, nhưng, họ sẽ được ban thưởng mai sau, tuy nhiên, khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng? Ước gì Chúa đẩy xa những gì cản bước tiến chúng ta trên đường về với Chúa, để một khi xác hồn thanh thản, ta được Hoàn toàn tự do mà thực hiện ý Chúa. Ước gì được như thế!
Bài cùng chuyên mục:
+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 7,063)
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.
Thứ Sáu 15/11/2024 – Thứ Sáu tuần 32 thường niên. – Sống trong ngày của Chúa. (14/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,744)
Thứ Sáu tuần 32 thường niên.
Thứ Năm 14/11/2024 – Thứ Năm tuần 32 thường niên. – Sống giây phút hiện tại. (13/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,600)
Thứ Năm tuần 32 thường niên.
Thứ Tư 13/11/2024 – Thứ Tư tuần 32 thường niên. – Biết Tạ Ơn Thiên Chúa. (12/11/2024 11:00:00 - Xem: 3,556)
Thứ Tư tuần 32 thường niên.
Thứ Ba 12/11/2024 – Thứ Ba tuần 32 thường niên. – Thánh Giôsaphát, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ. – Đúng vị trí, làm điều phải làm. (12/11/2024 10:23:46 - Xem: 4,633)
Thánh Giôsaphát, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ.
Thứ Hai 11/11/2024 – Thứ Hai tuần 32 thường niên. – Thánh Máctinô, giám mục. Lễ nhớ. – Bổn phận với đồng loại. (10/11/2024 10:00:00 - Xem: 4,105)
Thánh Máctinô, giám mục. Lễ nhớ.
+ Chúa Nhật 10/11/2024 – CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN năm B. – Hai đồng tiền của bà góa nghèo. (09/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,290)
CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN năm B.
Thứ Bảy 09/11/2024 – Thứ Bảy tuần 31 thường niên – CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG LATÊRANÔ. Lễ kính. – Ðền thờ mẹ của tất cả mọi nhà thờ. (08/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,924)
CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG LATÊRANÔ. Lễ kính.
Thứ Sáu 08/11/2024 – Thứ Sáu tuần 31 thường niên. – Khôn ngoan để tích cực xây dựng Nước Trời. (07/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,909)
Thứ Sáu tuần 31 thường niên.
Thứ Năm 07/11/2024 – Thứ Năm đầu tháng, tuần 31 thường niên. – Lòng thương xót vô biên của Chúa. (06/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,800)
Thứ Năm đầu tháng, tuần 31 thường niên.
-
+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa.
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.
- Thứ Bảy tuần 32 thường niên.
- Thứ Sáu tuần 32 thường niên.
-
Đạo còn sống khi ta còn sống đạo
Phải chăng giá trị Tin Mừng trong lòng tín hữu đang phai nhạt dần ? Phải chăng việc đạo nghĩa chỉ còn là sự quan tâm thứ yếu ? Phải chăng...
-
Gia vị cho bài giảng CN 33 & Các Thánh Tử đạo VN - 2024
Đôi khi những người muốn dẫn dắt Người khác đến với Chúa Kitô cũng trở thành chướng ngại vật lớn nhất cho ơn cứu rỗi của họ.
-
Ngày tận thế: Bí ẩn chỉ có Chúa Cha biết
Chúng con luôn sẵn sàng đón nhận Ngài trong bình an và hân hoan, với trái tim tràn đầy hy vọng vào ngày vinh quang của Chúa.
-
Các bà mẹ nội trợ và chứng trầm cảm: 4 điều cần biết
Làm cha mẹ nội trợ ở nhà thật là khó, nhưng liệu điều đó có gây ra trầm cảm không? Một cuộc thảo luận gần đây tại Peanut Butter and Grace...
-
Suy nghĩ nhẹ nhàng hơn về một chủ đề nặng nề
Đức tin của chúng ta cho chúng ta biết rằng, với tình yêu và với lòng nhân từ của Chúa mà chúng ta tin tưởng, chỉ có lựa chọn thứ hai là...
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 144 - Chia trí thánh thiện
Cha ơi có cách nào để mình không bị phạm tội về tư tưởng không ạ. Đặc biệt lúc mình đọc kinh đi lễ cầu nguyện thì lúc đó mình suy nghĩ...
-
Bản giao hưởng dang dở
Trong mọi thỏa mãn, đều có ý thức về giới hạn. Phía sau nụ cười là giọt nước mắt. Trong mọi vòng tay ôm, vẫn có cô đơn. Trong mọi tình...
-
Sinh nhật nào quan trọng nhất?
Nói qua nói lại, cái cần nhất Nhỏ nói sau cùng nè. Sinh nhật, ngày hiện diện trên đời cũng quan trọng như sinh nhật trên Nước Trời...
-
“Có làm mưa làm gió”
Khi tôi chết đi, thế giới này cũng vẫn cứ vần xoay theo định luật đã được mặc định cho nó. Chẳng phải vì tôi chết đi mà vũ trụ này có rúng...
-
Người tự kỷ có gì để cống hiến
Một trong những điều khiến người bệnh tự kỷ mắc phải là sự phụ thuộc vào đồ vật, con người hoặc theo thói quen.
-
Câu chuyện chiều cuối tuần: Nghĩ đến những điều tốt đẹp
Hãy thôi nghĩ đến chuyện buồn ấy và hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp và đáng yêu khác trong cuộc sống để lòng bà được thanh thản
- Sự cần thiết của việc lắng nghe
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất