Suy tư - Cảm nghiệm

“Có làm mưa làm gió”

  • In trang này
  • Lượt xem: 153
  • Ngày đăng: 11/11/2024 07:52:43

" CÓ LÀM MƯA LÀM GIÓ"

 

Khi tôi chết đi, thế giới này cũng vẫn cứ vần xoay theo định luật đã được mặc định cho nó. Chẳng phải vì tôi chết đi mà vũ trụ này có rúng động hay biến đổi gì...

 

 

“Có làm mưa làm gió, rồi cũng nằm đó mà thôi…” Một ông lão chợt thốt lên những lời như thế khi chứng kiến cảnh đưa tang của một người đã từng có khả năng “làm mưa làm gió”. Một câu nói rất đỗi bình thường, nhưng hàm chứa cả một chân lý, một sự “ngộ ra” căn bản và nền tảng nhất của kiếp nhân gian này. Ai cũng biết là mình sẽ chết vào một ngày nào đó, ai cũng có một ý thức rất rõ ràng là “có một thời sinh ra, có một thời chết đi”, nhưng để có thể cảm được cái vô thường của cuộc đời qua hai chữ “nằm đó”, người ta phải đánh đổi rất nhiều điều. 

 

Cái chết là dấu chấm hết cho một sự hiện hữu. Nó không là cái gì cả, chỉ đơn giản là việc vật đó, cái đó, con đó, người đó… không còn mang trong mình sự sống nữa thôi. Nếu được chọn, người ta sẽ chọn sống. Nếu như phải chết, chẳng qua chỉ là vì không còn chọn lựa nào khác, hoặc người ta chọn chết vì một giá trị thiêng liêng nào đó cao quý hơn. Nhưng dù là với lý do gì, động lực gì, cái chết cũng đưa người ta về với sự khởi đầu, một tình trạng ngang bằng nhau cho tất cả: cát bụi.

 

Chết đi rồi thì chẳng còn gì để bàn cãi nữa. Nhưng cái chết của người khác lại là một sự cảnh tỉnh dành cho người còn sống. Nó đặt cho người ta câu hỏi về ý nghĩa sự hiện hữu của mình, về những nỗ lực phấn đấu, về cung cách hành xử, về những gì mà người ta đang cố nắm giữ trong tay. Nó cũng đặt người ta vào mối bận tâm về các tương quan, những cảm xúc. Cái chết là một biến cố làm ta cảm nghiệm cách rõ ràng nhất về tính đơn nhất của mình. Chẳng ai có thể chết thay ta, chết dùm ta, hay đối diện cái chết với cùng một tâm trạng giống như ta. Người ta có thể chia vui sẻ buồn với ta, nhưng cái chết của ta thì chỉ một mình ta đảm nhận lấy.

 

Cái chết của người khác lại là một sự cảnh tỉnh dành cho người còn sống. Nó đặt cho người ta câu hỏi về ý nghĩa sự hiện hữu của mình, về những nỗ lực phấn đấu, về cung cách hành xử, về những gì mà người ta đang cố nắm giữ trong tay.

 

Khi tôi chết đi, thế giới này cũng vẫn cứ vần xoay theo định luật đã được mặc định cho nó. Chẳng phải vì tôi chết đi mà vũ trụ này có rúng động hay biến đổi gì. Người thân của tôi sẽ buồn vì mất tôi, không còn được gặp mặt và chuyện trò với tôi, nhưng rồi họ cũng chẳng làm gì được hơn. Giả như có ai đó cùng chết với tôi, thì họ cũng mang lấy cái chết của họ, còn tôi chết cái chết của tôi, mỗi người tự gánh lấy phần của riêng mình.

 

Cái chết có thể là một “sự yên nghỉ” dành cho những ai đã lăn lộn trên hành trình dương gian này suốt một thời gian dài. Cái chết cũng có thể bị coi là một sự “quả báo” dành cho những ai đã làm không ít điều xấu xa. Nó cũng được nhìn đến như một “về nguồn” dưới nhãn quan của một cuộc trở về với nơi từ đó mình được sinh ra. Đôi khi, nó là một “sự giải thoát” khi cuộc sống này có quá nhiều nỗi chán ngán đến thê lương, buộc người ta phải tìm cho mình một cái kết. Với người lạc quan, cái chết là cửa ngõ để dẫn vào một sự hiện hữu khác, không giống như kiểu hiện hữu mà ta đang trải nghiệm: chết là cánh cửa đi vào chốn vô hình – sự bất diệt.

 

Tháng 11 thường gợi lên trong lòng người nhiều cảm xúc. Trong tháng này, thời tiết cũng thay đổi nhiều, lá bắt đầu chuyển màu rồi rụng xuống, trở về với cội đất lạnh lùng. Cảnh sắc đất trời như cũng cố khơi gợi lên một nỗi niềm nào đó. Cái “qua đi” của thời gian làm ta thấy khó chịu. Có một xung năng nào đó trong lòng mình muốn kháng cự lại điều này. Ta muốn mình còn mãi, chứ không thích bị lãng quên. Ta cảm thấy khó có thể chấp nhận định luật sinh-diệt của đất trời. Nhưng dẫu sao, con người dù quyền phép cỡ nào cũng không thể chiến thắng được nó.

 

Biết dừng lại, chấp nhận và vui lòng đón lấy quy luật này, con người mới có thể bình an và không còn sợ hãi.

 

Tháng 11 mời gọi con người đi vào trong một cuộc thay da đổi thịt. Nơi đó, họ thấy được chân tướng của hiện sinh, rằng mọi cái rồi sẽ qua đi, rằng chẳng có gì là tồn tại mãi mãi, ngoại trừ Đấng là nền tảng cho mọi hiện hữu trên đời. Tháng 11 ảm đạm là thế, nhưng không đưa người ta vào một cõi thê lương u uất. Tháng 11 cho ta khoảng lặng để trầm mặc về cái kết của cuộc đời và phô bày ra trước mắt nhân gian hệ quả của tất cả những chọn lựa của họ. Tháng 11 đưa ta vào một cuộc biến đổi, để cho lá vàng cũ kỹ rụng đi, chuẩn bị cho những chiếc lá mới sẽ tỏ lộ. Ta cũng sẽ “qua đi” theo dòng chảy thời gian, nhưng không mất hút như chưa bao giờ tồn tại. Mỗi cái chết là một sự tuôn trào của sự sống. Hạt giống được chôn vùi chính là để có một cây mới vươn lên. Có một sự sống viên mãn đang đợi ta phía trước.

 

Lm. Pr. Lê Hoàng Nam, S.J.

Bài cùng chuyên mục:

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 32 TN năm B - 2024 (08/11/2024 07:28:19 - Xem: 477)

Chúng ta không xây dựng đời mình trên vật chất hay chiếm hữu, nhưng trên tình yêu, để sẵn sàng cho đi và dâng hiến.

Gia vị cho bài giảng CN 32 TN năm B - 2024 (08/11/2024 07:24:57 - Xem: 419)

Sứ điệp Tin Mừng Chúa nhật này là về sự cho đi. Mỗi người đều có khả năng chia sẻ dù họ nghèo khó hay túng thiếu đến đâu.

Suy ngẫm về Thiên đàng – Nơi an bình vĩnh cửu (05/11/2024 07:26:42 - Xem: 244)

Việc suy ngẫm và tưởng nghĩ về Thiên đàng rất có lợi cho tâm hồn chúng ta, chiêm nghiệm xem Thiên đàng sẽ như thế nào, xinh đẹp và hoàn hảo ra sao.

Gia vị cho bài giảng CN 31 TN năm B -2024 (01/11/2024 11:31:26 - Xem: 378)

Yêu người lân cận như chính mình cũng được hiểu theo chiều ngược lại: mở rộng tâm hồn đón nhận quà tặng tình yêu được trao ban.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 31 TN năm B - 2024 (01/11/2024 07:25:18 - Xem: 427)

Ta không thể gặp gỡ và yêu mến Thiên Chúa trong tâm tưởng hay trong ước muốn, mà là nơi chính tha nhân, nơi những hành động cụ thể trong những tương quan hằng ngày.

Hướng về các linh hồn đã khuất (01/11/2024 07:18:27 - Xem: 364)

“Linh hồn là cái làm cho ta thành một con người. Nó là nguyên lý linh thiêng của sự sống, và là cái sâu thẳm nhất trong con người.” (Sách Youcat số 62).

Hội Thánh dạy “Nên Thánh” cách nào? (29/10/2024 05:33:01 - Xem: 387)

Được trở nên nghĩa thiết và bạn hữu của Thiên Chúa là một điều gì đó muôn trùng siêu vượt trên chúng ta. Chúng ta không thể mua nó bằng những việc làm của mình.

Ba-ti-mê, mù rồi lại sáng (26/10/2024 13:46:33 - Xem: 978)

Hôm nay vẫn có người ngắm bầu trời xanh, thấy ánh trăng vằng vặc nhưng chẳng nhận thấy quyền năng Chúa ; có người nhìn thấy nhan nhản người nghèo nhưng chưa thấy và chưa cảm nhận nỗi khổ của họ… Đó là nghịch lý của cuộc đời : thấy mà lại không thật sự thấy.

Gia vị cho bài giảng Chúa Nhật 30 TN năm B -2024 (24/10/2024 16:44:57 - Xem: 537)

Chúng ta biết được trời sáng khi có thể nhận ra một người là con trai hay con gái của Chúa, và do đó, họ là anh chị em của tôi.”

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 30 TN năm B - 2024 (23/10/2024 09:58:30 - Xem: 598)

Con người ngày nay đã có một ý thức sâu xa về nhân phẩm, nhưng xem ra cũng chẳng hơn gì người xưa. Vẫn có một vùng tối rất đáng sợ trong tâm hồn con người che mất sự hiện diện của Thiên Chúa

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7