Thứ Năm 14/11/2024 – Thứ Năm tuần 32 thường niên. – Sống giây phút hiện tại.
- In trang này
- Lượt xem: 3,744
- Ngày đăng: 13/11/2024 10:00:00
Sống giây phút hiện tại.
14/11 – Thứ Năm tuần 32 thường niên.
"Nước Thiên Chúa ở giữa các ông".
Lời Chúa: Lc 17, 20-25
Khi ấy, những người biệt phái hỏi Chúa Giêsu "Khi nào nước Thiên Chúa đến", thì Người đáp lại rằng: "Nước Thiên Chúa không đến để cho người ta quan sát, và người ta sẽ không nói được: "Này nước trời ở đây hay ở kia". Vì nước Thiên Chúa ở giữa các ông".
Chúa lại phán cùng các môn đệ rằng: "Sẽ có ngày các con ước ao thấy được một ngày của Con Người mà không được thấy. Người ta sẽ bảo các con: "Này Người ở đây và này Người ở kia", các con chớ đi đến và đừng tìm kiếm. Vì như chớp sáng loè từ chân trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ đến trong ngày của Người như vậy. Nhưng tiên vàn Người phải chịu đau khổ nhiều, và bị dòng dõi này xua đuổi".
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
Suy niệm 1: Nước Thiên Chúa
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Từ sau khi dân Israel định cư ở đất Canaan,
Thiên Chúa được họ coi như một vị Vua cai trị mọi dân tộc.
Đặc biệt Ngài là Vua ngự giữa dân Israel để lãnh đạo và chăm sóc họ.
Các vị vua trần thế đã xuất hiện trong dòng lịch sử của Israel
như những người phục vụ cho Đức Vua, cho Nước Thiên Chúa.
Tiếc thay có những vị vua đã không làm tròn sứ mạng.
Trải qua bao triều vua của nước Israel, bao thịnh suy của đất nước,
từ sau khi lưu đầy trở về, dân chúng chỉ còn biết chờ một Đấng Mêsia.
Họ tin Đấng ấy sẽ khai mở Nước Thiên Chúa.
“Nước Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (c. 21).
Đức Giêsu đã nói với các ông Pharisêu như vậy
khi họ hỏi Ngài khi nào Nước Thiên Chúa đến.
Nước ấy không đến một cách lộ liễu ở đây hay ở kia để kiểm tra (c. 20).
Người Pharisêu không nhận ra Nước ấy đang ở giữa họ.
Chỉ ai biết nhìn, mới nhận ra Nước ấy đang hiện diện và hoạt động
nơi lời giảng và các phép lạ của Đức Giêsu.
Khi bệnh được khỏi, khi quỷ bị trừ, khi tội được tha,
khi con người được biết hoán cải để sống những đòi hỏi của Đức Giêsu,
khi ấy Nước Thiên Chúa có mặt và tăng trưởng.
Đức Giêsu đã khai mở Nước Thiên Chúa.
Và Nước đó vẫn lớn lên từ từ qua dòng thời gian.
Như hạt giống được gieo trong đất, đêm hay ngày cũng cứ lớn lên,
như chút men làm dậy khối bột, như hạt cải thành cây cao rợp bóng,
Nước Thiên Chúa cũng cần thời gian để đạt đến chỗ viên mãn.
Hai ngàn năm trôi qua, Nước Thiên Chúa đã lớn lên về mọi mặt.
Nhưng Kitô hữu chúng ta vẫn thấy còn nhiều điều phải làm
để Nước đó được nhìn nhận bởi gần 7 tỷ người trên trái đất.
Ngày nào trên thế giới còn chiến tranh, bạo động, còn áp bức, bất công,
ngày nào nhân loại còn bệnh tật nghèo đói, còn nô lệ cho vật chất,
ngày ấy Nước Thiên Chúa chưa ngự trị trên địa cầu.
Nơi nào công lý và hòa bình, khoan dung và nhân hậu,
chi phối trái tim và cách hành xử giữa người với người,
nơi đó Nước Thiên Chúa đã đến gần hơn.
Chúng ta không chỉ cầu xin cho Nước Cha trị đến (Mt 6, 10).
Chúng ta biết mình được mời gọi để xây dựng Nước đó trên trần gian.
Để chuẩn bị cho Ngày Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang,
chúng ta còn bề bộn công việc phải làm.
Ngài phải có chỗ trong lòng dân tộc, giữa thế kỷ hai mươi mốt.
Nhưng trước hết Ngài phải có chỗ trong lòng chúng ta.
Xin được đón lấy Nước Thiên Chúa như trẻ thơ, như người nghèo tay trắng.
Xin được quảng đại bán tất cả để mua viên ngọc quý là Nước Trời.
Xin được chia sẻ cho Giêsu nơi những người anh em bé nhỏ nhất.
Vì Nước Thiên Chúa là một tiệc vui, quy tụ mọi người từ bốn phương,
xin được mở rộng vòng tay từ bây giờ để ôm lấy cả thế giới.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, đây là ước mơ của con về thế giới:
Con mơ ước tài nguyên của cả trái đất này
là thuộc về mọi người, mọi dân tộc.
Con mơ ước
không còn những Ladarô đói ngồi ngoài cổng,
bên trong là người giàu yến tiệc linh đình.
Con mơ ước mọi người đều có việc làm tốt đẹp,
không còn những cô gái đứng đường
hay những người ăn xin.
Con mơ ước
những ngưòi thợ được hưởng lương xứng đáng,
các ông chủ coi công nhân như anh em.
Con mơ ước
tiếng cười trẻ thơ đầy ắp các gia đình,
các công viên và bãi biển đầy người đi nghỉ.
Lạy Chúa của con,
con ước mơ một thế giới đầy màu xanh,
xanh của rừng, xanh của trời, xanh của biển,
và xanh của bao niềm hy vọng
nơi lòng những ai ham sống và ham dựng xây.
Nếu Chúa đã gieo vào lòng con những ước mơ,
thì xin giúp con thực hiện những ước mơ đó.Amen
Suy niệm 2: Nước Thiên Chúa ở giữa các ông
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Từ bao đời người Do thái luôn mong đợi “Bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến”. Họ vẫn tưởng Triều Đại Thiên Chúa đến rất hoành tráng. Một vị hoàng đế tài ba như Đa-vít sẽ xuất hiện. Đưa dân tộc lên đài vinh quang. Thống trị thế giới. Thật bất ngờ Chúa trả lời: “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông”. Vừa gần gũi. Vừa ẩn giấu. Như kho tàng chôn giấu ngay trong ruộng nhà. Như hạt cải vùi chôn dưới đất. Như nắm men vùi trong thúng bột. Phải tinh tế lắm mới nhận ra. Khi nhận ra thì thật rõ ràng: “Vì như ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người. Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ”. Nhưng Triều Đại Thiên Chúa chỉ đến sau những gian nan đau khổ.
Để nhận ra Triều Đại Thiên Chúa đang ẩn giấu trong những gì bình thường của cuộc sống, cần có sự Khôn Ngoan. Nhưng Khôn Ngoan ở đây có ba bước tiến. Bước thứ nhất là nhìn thấu suốt sự vật. Xuyên thấu tâm can. Để khám phá ra những kho tàng chôn giấu. Những viên ngọc trong đá. Rồi đến bước thứ hai. Người thấm nhập Khôn Ngoan sẽ là hình ảnh Thiên Chúa nhân hậu từ bi. Rồi đến giai đoạn thứ ba. Người Khôn Ngoan trở thành bạn hữu của Thiên Chúa. Trở thành ngôn sứ của Thiên Chúa. Cộng tác với Thiên Chúa làm cho Triều Đại Thiên Chúa ngự trị. Nhưng như thế có nghĩa là phải cùng Thiên Chúa đi vào cuộc chiến đấu chống lại bóng tối. Người Khôn Ngoan sẽ sáng hơn ánh sáng. Vì ánh sáng phải rút lui khi bóng tối vây phủ. Trái lại Người Khôn Ngoan sẽ không lùi bước trước sự ác. Chính mỗi người phải hoạt động để làm cho Triều Đại Thiên Chúa hiển trị ngay trong đời mình (năm lẻ).
Thánh Phao-lô khuyên môn đệ Phi-lê-môn làm cho Triều Đại Thiên Chúa đến. Khi cho người nô lệ Ô-nê-xi-mô được tự do. Ô-nê-xi-mô là kho tàng giấu trong ruộng. Là viên ngọc nằm trong đá. Là tự do bị vùi chôn trong nô lệ. Anh đang ở giữa Phao-lô và Phi-lê-môn. Khi thánh Phao-lô bị tù. Phi-lê-môn gửi Ô-nê-xi-mô đến phục vụ. Và thánh Phao-lô đã cho anh được tự do. Ngài thuyết phục Phi-lê-môn hãy đồng ý điều này. Như thế là được chứ không mất. “Nó đã xa anh một thời gian, có lẽ chính là để anh được lại nó vĩnh viễn, không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến”(năm chẵn).
Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa tôi. Tôi có đủ Khôn Ngoan để nhận ra. Và nhất là có đủ dũng khí đế thực hiện. Dù điều đó có hại vật chất. Để làm cho Triều Đại Thiên Chúa hiển hiện không?
Suy niệm 3: Sống sung mãn giây phút hiện tại
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Hiện nay, con số các nhóm khủng bố có mầu sắc tôn giáo đang gia tăng đáng kể. Năm 1968, không có hoạt động khủng bố nào liên hệ đến tôn giáo, nhưng ngày nay có rất nhiều nhóm tự xưng là Kitô giáo, Do thái giáo, Ấn giáo, Hồi giáo. Mẫu số chung của các nhóm này là niềm tin vào một ngày thế mạt, họ chủ trương bạo động, vì tin rằng nhờ cuộc chiến tranh ở qui mô thế giới, hay nhờ một thiên tai nào đó, họ sẽ được đưa vào Thiên Ðàng. Các giáo phái mong mỏi ngày thế mạt đã khởi sắc tại Hoa Kỳ từ thế kỷ 19 và hiện nay vẫn còn thu hút nhiều tín đồ. Tuy nhiên mới đây một số đã cáo chung vì bạo động: cách đây vài năm, một giáo phái tại Nam Hàn đã lôi kéo nhiều tín đồ đến chỗ tự vẫn và đã tự giải tán, vì ngày thế mạt họ chờ đợi đã không đến. Vụ phun hơi ngạt do giáo phái "Chân Lý Tối Thượng" chủ trương tại Nhật Bản dạo tháng 3/1995 cũng cho thấy sự khởi sắc bất ngờ của niềm tin vào ngày thế mạt nơi người Nhật bản.
Tin vào ngày thế mạt, tức ngày Chúa lại đến trong vinh quang cũng là một trong những điểm nòng cốt của Kitô giáo. Hàng ngày, trong Thánh Lễ, Giáo Hội không ngừng nhắc nhở các tín hữu khi tuyên xưng: "Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến". "Chúa lại đến", đó là niềm xác tín của người Kitô hữu. Tuy nhiên, ngày đó có phải là năm 2000, năm 3000 hay một thời điểm nhất định nào không? Cái bí ẩn ấy không bao giờ được vén mở. Chúa Giêsu loan báo Ngài sẽ trở lại, nhưng không cho biết ngày giờ nào.
Chính vì tính cách bất ngờ của Ngày Chúa Ðến, các tín hữu phải luôn tỉnh thức. Tỉnh thức có nghĩa là dấn thân tích cực trong giây phút hiện tại, chứ không phải là ăn không ngồi rồi mà chờ đợi. Ðó cũng là giáo huấn của Chúa Giêsu mỗi khi Ngài nói đến Nước Thiên Chúa thời cánh chung: Nước Thiên Chúa sẽ thành tựu ở một thời điểm mà không ai biết trước được vào ngày Con Người sẽ quang lâm. Một trong những nét cao cả của con người chính là khả năng vượt qua thời gian, chỉ con người mới có thể hồi tưởng quá khứ và dự phóng tương lai, chỉ con người mới có khát vọng được trường sinh bất tử. Thiên Chúa quả thực đã đặt để trong lòng con người hạt giống của sự sống vĩnh cửu, hạt giống ấy chỉ có thể nẩy mầm trên thửa đất của hiện tại mà thôi: không thể đi vào vĩnh cửu mà không bước qua hiện tại, không thể yêu mến vĩnh cửu mà lại khước từ hiện tại.
Qua cuộc sống của Ngài, Chúa Giêsu đã vạch ra cho con người đường đi vào vĩnh cửu, đó là sống sung mãn trong từng giây phút hiện tại. Chính trong cuộc sống mỗi ngày mà con người phải tìm kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh cửu. Sống như thế là sống tỉnh thức theo tinh thần mà Chúa Giêsu hằng nhắc nhở trong Tin Mừng của Ngài; sống như thế, con người mới có thể nhận ra ý nghĩa của cuộc sống. Một cuộc sống có đáng sống và có ý nghĩa hay không, là tùy ở thái độ trân trọng và tích cực của con người đối với mỗi giây phút hiện tại.
Nguyện xin Chúa ban thêm niềm tin để chúng ta không ngừng đón nhận Chúa qua từng biến cố và gặp gỡ mỗi ngày.
Suy niệm 4: Mầu nhiệm Nước Chúa
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Tìm kiếm Thiên Chúa vẫn luôn là thao thức của con người. Nhiều người Do Thái nôn nao chờ đợi Nước Thiên Chúa nhưng dù có thao thức, có chờ đợi họ cũng không gặp dẫu rằng Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa họ. Chúa Giêsu đã giải thích lý do: "Nước Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được". Tìm kiếm Thiên Chúa chỉ để thỏa mãn hay để biện minh cho hành động của mình thì chẳng bao giờ có thể gặp được Ngài.
Trọng tâm của bài giảng của Chúa Giêsu là mầu nhiệm nước Chúa. Mầu nhiệm ấy không thể nắm bắt được bằng mắt trần hay bằng lý luận của con người. Chúa Giêsu mời gọi mọi người đi vào mầu nhiệm Nước Chúa. Nước Chúa không ở chỗ này hay chỗ kia. Nước Chúa chỉ đến bằng cái chết của Chúa Giêsu mà thôi. Chúa Giêsu đã hé mở cho các môn đệ thấy cuộc khổ nạn của Ngài và các cuộc bách hại mà Giáo Hội sẽ trải qua. Chính qua các cuộc bách hại mà hạt giống đức tin được gieo vãi, Giáo Hội được thanh luyện, củng cố và lớn lên. Do đó, không phải cái vẻ hào nhoáng với các cơ cấu tổ chức và biểu dương bên ngoài rầm rộ của Giáo Hội thể hiện mầu nhiệm Nước Chúa, nhưng là chính ở sức mạnh tinh thần của niềm tin, một niềm tin sẵn sàng mất tất cả, ngay cả sự sống của mình để được trung thành với những giá trị của Tin Mừng. Chính niềm tin ấy mới thể hiện được mầu nhiệm thâm sâu của Nước Chúa.
Nguyện xin Chúa cho chúng ta biết cởi bỏ cái nhìn hẹp hòi ích kỷ để nhận ra Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa chúng ta. Xin cho chúng ta luôn tâm niệm rằng chúng ta chỉ gặp được Thiên Chúa trong yêu thương và phục vụ mà thôi.
Suy niệm 5: Tin dỏm về tận thế
Người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giêsu bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến. Người trả lời: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được”. (Lc. 17, 20-21)
Ngay thời ngôn sứ Đa-ni-en, dân Do thái đã bàn tán về ngày nước Thiên Chúa đến và sự chờ đợi cuồng nhiệt lan tràn khắp nước Ít-ra-en. Người ta khảo sát các điềm trời và các tai họa xảy ra. Họ tính toán khá thông thái để tiên báo về ngày giờ tận thế. Đức Giêsu loan báo nước Thiên Chúa đã đến ngoài sức tính toán tự nhiên của con người, nên biệt phái muốn hỏi Đức Giêsu bao giờ triều đại Thiên Chúa đến.
Triều đại Thiên Chúa đã đến rất êm ái
Câu trả lời của Đức Giêsu làm sửng sốt: Nước Thiên Chúa đến không ai có thể quan sát được. Tất cả mọi dấu chỉ loan báo và tính toán đều vô giá trị. Nước ấy đã đến và biệt phái không nhận ra vì con tim và lỗ tai của họ đóng kín, câm lặng, chính hành động của Đức Giêsu cho thấy và cho hiểu về nước Chúa đã đến vì Người nhờ ngón tay Thiên Chúa để trừ quỷ, và lời Người đang sưởi nóng con tim của những kẻ khốn cùng. Thời cứu độ đã bắt đầu, nhưng ai không đón tiếp Đức Giêsu, không thể nhận biết được nước Thiên Chúa.
Khi trả lời những kẻ không tin, Đức Giêsu quay lại phía các môn đệ, các ông biết Đức Giêsu đã đến phục hưng lại nước Thiên Chúa và Người phải trở lại để hoàn tất mọi sự. Người đã tiên báo cho các ông rằng trước ngày quang lâm xảy ra những khốn khổ, những ngày khủng khiếp làm mọi người xao xuyến lo âu. Lúc đó, họ không còn kiên nhẫn chờ đợi ngày Con Người trở lại và họ sẽ bị thôi thúc tìm dấu chỉ và tin những tiên tri giả. Họ sống giữa những cảnh buồn sầu khổ sở lớn lao rồi lại để mình bị loại bỏ.
Người đến như ánh chớp chói lòa chiếu sáng.
Con Người đến trong vinh quang sáng chói hơn cả tia sáng bom nguyên tử, bom khinh khí và chiếu sáng khắp nơi không gì che lấp được. Con Người đến thình lình đột ngột như các tai họa đổ xuống loài người và luôn luôn sẵn sàng đến bất cứ lúc nào.
Trước khi biến cố này xảy đến, Đức Giêsu phải chịu xỉ vả, hạ nhục, phản bội bởi thế hệ này và các thế hệ kế tiếp. Tình yêu chắc chắn chiến thắng. Nhưng trước khi chiến thắng hận thù và chia rẽ, Người phải hành động để thuyết phục chứ không dùng bạo lực. Giáo hội cũng phải chịu khổ nhục một thời và các Kitô hữu phải biết kiên trì giữ vững đức tin luôn luôn sẵn sàng đón tiếp Con Người đến.
RC
Suy niệm 6: Hãy sám hối để gặp được Chúa
Trong một lớp giáo lý dự tòng cho người lớn tuổi, một hôm, thầy giáo lý viên hỏi mọi người rằng: “Tại sao lại theo đạo Công Giáo?”. Lúc đó, có một chị đã trả lời: “Con theo đạo để xin Chúa cho con khỏi đau khổ, bệnh tật...!”. Thầy giáo đó trả lời: “Việc thoát khỏi đau khổ và bệnh tật không phải là lý do chính, việc quan trọng chính là bạn tin nhận Chúa làm chủ cuộc đời của mình, sống phó thác nơi Thiên Chúa và đón nhận cũng như khám phá ra ý nghĩa của đau khổ trong cuộc sống hiện tại, mặt khác, khi theo đạo, bạn được mời gọi bước theo Đức Giêsu trên con đường hy sinh, quên mình vì người khác, thực hành những điều Ngài dạy. Có thế, bạn mới được bình an thực sự”.
Ngày xưa, người Do thái đương thời với Đức Giêsu cũng luôn mong đợi một Đấng Thiên Sai oai phong lẫm liệt, Ngài đến để thiết lập một triều đại hùng cường, mở mang bờ cõi và đem lại cho dân tộc họ một cuộc sống ấm no, hạnh phúc theo kiểu bề ngoài.
Niềm hy vọng như thế đã làm chủ suy nghĩ của họ, nên khi Đức Giêsu đến, họ không nhận ra Ngài và khước từ những đặc tính của Nước Trời mà Đức Giêsu loan báo. Nguyên nhân sâu xa chính là lòng dạ sắt đá của họ. Sự cứng lòng tin đã làm cho tâm hồn họ trở nên u tối, mê muội, nên khó chấp nhận ánh sáng là chính Đức Giêsu. Vì thế, họ đã đang tay giết luôn cả Đấng mang Nước Trời đến cho mình.
Vì biết rõ tâm hồn họ, nên Đức Giêsu đã mời gọi: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng, vì Nước Trời đã gần đến". Nước Trời mà Đức Giêsu loan báo ở đây không thể hiểu theo nghĩa vật lý, tức là mắt thấy, tay sờ được... Nhưng Nước Trời ở đây là chính Ngài. Thực hành những lời Đức Giêsu dạy chính là đi vào mối tương quan thân tình với Ngài và được ở trong Ngài. Sống lời Ngài dạy và đem ra thực hành chính là làm cho Nước ấy được lan rộng.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta muốn được nhận ra Chúa thực sự thì phải trở nên nhỏ bé, khiêm nhường. Cần phải lột bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới với những suy nghĩ và hy vọng mới theo tinh thần Tin Mừng thì mới có thể gặp được Nước Trời.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết khiêm nhường, hiền hậu và yêu thương để được Nước Chúa làm gia nghiệp. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy niệm 7: Đón nhận Chúa Giêsu là gặp triều đại Thiên Chúa
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta. Chỉ cần đón nhận Chúa Giêsu là gặp thấy triều đại Thiên Chúa. Ta hãy sống trọn giây phút hiện tại để đón chờ Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, tuy con đang sống ở quê hương dưới đất này, nhưng quê trời mới là quê thật của con. Cuộc sống con hôm nay, với những sinh hoạt hàng ngày để xây dựng cho quê hương trần thế, đều là những nỗ lực để chuẩn bị cho cuộc sống mai sau trên quê trời.
Thế nhưng, có những lúc con để công việc cuốn hút mình như một cơn lốc. Tâm trí con quên mất Chúa, cõi lòng con khô khan nguội lạnh. Nhìn lại quá khứ, con thấy mình trắng tay, chẳng có công nghiệp gì ngoài tội lỗi. Con chưa sẵn sàng để đón chờ ngày của Chúa.
Lạy Chúa, quá khứ lầm lỗi đã qua rồi. Tương lai sắp tới còn nằm trong vòng tay yêu thương của Chúa. Chỉ còn hiện tại, từng giây từng phút của cuộc sống hôm nay, là thuộc quyền sở hữu của con. Con sẽ được hạnh phúc vĩnh viễn hay con sẽ bị đau khổ đời đời là tùy cách sử dụng những giây phút hiện tại của con.
Lạy Chúa, Chúa là Đấng vĩnh cửu đã sống trọn thân phận làm người, là triều đại của Thiên Chúa đang hiện diện giữa chúng con. Mỗi ngày sống hôm nay đều mang tính chất đời đời nếu con biết sống liên kết với Chúa. Xin cho con biết đón nhận Chúa vào cuộc sống và kết hiệp với Chúa trong mọi công việc. Xin giúp con trong từng giây phút hiện tại biết sống trọn vẹn cho Chúa, để con được thực sự sống trong Nước Trời ngay từ hôm nay, và cho đến mai sau muôn đời. Amen.
Ghi nhớ: “Nước Thiên Chúa ở giữa các ông”.
Suy niệm 8: Tín hiệu của triều đại Thiên Chúa
(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Một cha sở kia khuyên bổn đạo: “Hãy ăn năn hối cải trở về với Chúa một ngày trước khi chết”. Bổn đạo chưa hiểu rõ lời khuyên của cha có ý nghĩa gì...
Cha cắt nghĩa: “Không ai biết mình chết khi nào. Có lẽ tối nay chăng? Có lẽ ngày mai chăng? Bởi thế, muốn cho chắc chắn, hãy ăn năn hối cải trở về với Chúa ngay bây giờ, ngay ngày hôm nay là một ngày trước khi chúng ta có thể chết mà chúng ta không biết”.
Suy niệm
Nhìn những chiếc là vàng rơi, những làn gió lạnh buốt tràn về, ai cũng có thể nhận ra tín hiệu của thời gian báo hiệu mùa thu đã tới và chuẩn bị bước vào mùa đông lạnh giá...
Những tín hiệu của tiết trời báo cho chúng ta những khoảng thời gian cụ thể trong một năm: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Chúa Giêsu cũng nói về những tín hiệu sẽ xảy ra trong thời gian để nói về ngày Ngài sẽ đến: Sẽ xuất hiện một ánh sáng chói ngời vinh quang là hình ảnh của Đấng ngự trên mây trời mà đến, Đấng ấy đến xét xử muôn dân. Đó như là tín hiệu báo trước về ngày quang lâm vĩnh cửu của Thiên Chúa để mọi người nhìn nhận và chuẩn bị đón Người như người tôi trung đợi chủ về.
Thiên Chúa không chỉ đến trong ngày quang lâm, tận cùng của thế giới mà Ngài đang đến và đứng trước ngõ cuộc đời mỗi người qua những tín hiệu cụ thể trong đời sống như Ngài đã nói: “Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nảy lộc, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần. Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi” (Mc 13,28-29).
Trong đời sống của tôi của bạn luôn có những tín hiệu của sức khỏe, của gia đình, của những biến cố cuộc đời nhắc tôi và bạn cùng suy nghĩ về một Đấng đang đến gần. Thật thế, tất cả những biến cố trong cuộc đời, dù vui dù buồn đều là những tín hiệu của Thiên Chúa báo cho tôi. Khi tôi gặp những khó khăn đau khổ, đó là tín hiệu báo cho tôi cần sự can trường trong đức tin cần bám víu vào Chúa và trung kiên đến cùng. Khi tôi tràn ngập niềm vui, hạnh phúc, đó là tín hiệu báo trước cho tôi về một nước Trời cần phải nhớ đến vì niềm vui hiện tại chỉ là tín hiệu báo trước về hạnh phúc bất tận nơi vương quốc vĩnh cửu. Ngài đang ở trước ngõ của cuộc đời tôi, nhưng những tín hiệu đó không được tôi và bạn đón nhận như là những sứ điệp về sự hiện diện của Thiên Chúa.
Trong ý nghĩa đó, tôi phải vững vàng bước đi để đạt được niềm vui bất tận đời đời.
Ý lực sống
“Mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (Mc 13,25-26).
Suy niệm 9: Triều đại của Thiên Chúa
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Người Do thái rất quan tâm đến Ngày mà Thiên Chúa thiết lập triều đại của Ngài. Họ nghĩ rằng đó là một biến cố trọng đại , đem lại vinh quang cho Thiên Chúa và cho dân tộc họ. Nhưng Đức Giêsu nói với Người Do thái:”Triều đại Thiên Chúa ở giữa các ông”. Ngài muốn nói triều đại Thiên Chúa chính là sự hiện diện của Ngài. Để nhận ra Nước Thiên Chúa, nhận ra sự hiện diện của Đức Giêsu, chúng ta không thể dùng giác quan tự nhiên, mà phải nhìn với con mắt đức tin. Chúng ta tin rằng Nước Trời hiện diện ngay trong cuộc sống trần gian này. Vì thế, cuộc sống của chúng ta sẽ là bằng chứng sống động cho sự hiện diện của Nước Trời.
2. Tìm kiếm Thiên Chúa vẫn là thao thức của con người. Nhờ người Do thái nôn nào chờ đợi Nước Thiên Chúa, nhưng dù có thao thức, có chờ đợi, họ cũng không gặp, dù rằng Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa họ. Đức Giêsu đã giải thích lý do:”Nước Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được”. Tìm kiếm Thiên Chúa chỉ để thỏa mãn hay để biện minh cho hành động của mình, thì chẳng bao giờ có thể gặp được Ngài. Người Do thái chỉ tìm kiếm Nước Thiên Chúa theo sở thích của họ, do đó, họ khước từ hay giết chết kẻ mang nước Chúa đến cho họ. “Ngài đã đến nơi nhà Ngài, nhưng người nhà đã không đón tiếp Ngài “vì họ chỉ mơ ước một nước trần thế”(R.Veritas).
3. Thực ra, triều đại Thiên Chúa là một biến cố trọng đại, nhưng không phải trọng đại theo cặp mắt loài người. Với sự xuất hiện của Đức Giêsu thì Triều đại Thiên Chúa đã đến trên cơ bản, và triều đại ấy sẽ dần dần đến trong tâm hồn những kẻ tin theo Ngài. Nói cách khác, vấn đề không phải là xác định nơi chốn và thời gian để tìm đến, mà là “tin” và “theo” Đức Giêsu. Ai muốn thuộc về Nước ấy cần phải chấp nhận điều kiện Ngài đề ra, đó là sống vâng phục và yêu thương như Ngài. Nơi nào con người cố gắng sống như Ngài , nơi đó Nước Thiên Chúa được thể hiện.
4. Có thể nói, loan báo “Triều đại Thiên Chúa” là chính sứ mạng của Đức Giêsu khi Ngài nhập thể. Ngay từ những lời đầu tiên khi bắt đầu sứ vụ công khai, Đức Giêsu đã rao giảng:”Triều đại Thiên Chúa đã đến gần”(Mc 1,15). Ngài quả quyết thời đại hồng ân mà tiên tri Isaia tiên báo nay đã thành hiện thực: ”Hôm nay đã ứng nghiệm Lời Kinh Thánh quí vị vữa nghe”(Lc 4,21). Thế mà tiếc thay, người ta lại mải mê đi tìm một thứ “triều đại” khác, “ở chỗ này, ở chỗ kia” “như một điều có thể quan sát được”. Hôm nay, Đức Giêsu nói trắng ra:”Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông”. Ngài chính là “Đấng đang ở giữa các ông mà các ông không biết”(Ga 1,26). Chỉ khi nhìn lên thập giá người ta mới có thể nhận ra Triều đại của Thiên Chúa đã đến nơi chính con người Đức Giêsu, như người trộm sám hối đã tuyên xưng:”Ông Giêsu ơi! Khi nào vào Nước của Ngài, xin nhớ đến tôi” (5 phút Lời Chúa).
5. “Chúa lại đến”. Đức Giêsu nói rằng thực tại thần linh này không đến một cách hiển nhiên có thể quan sát được. Một điều chắc chắn là có chung kết lịch sử, có ngày Đức Giêsu quang lâm, nhưng không một ai từ hàng chư thánh, các thiên thần đến loài người được biết thời gian ngày tận thế. Nước Thiên Chúa sẽ thành tựu ở một điểm mà không ai biết trước được vào ngày Đức Giêsu sẽ quang lâm. Thiên Chúa quả thực đã đặt để trong lòng con người hạt giống của sự sống vĩnh cửu, hạt giống ấy chỉ có thể nảy mầm trên thửa đất của hiện tại mà thôi; không thể đi vào vĩnh cửu mà không bước qua hiện tại, không thể yêu mến vĩnh cửu mà lại khước từ hiện tại.
Vì tính cách bất ngờ của Ngày Chúa đến, nên đòi hỏi các tín hữu phải luôn tỉnh thức. Tỉnh thức có nghĩa là dấn thân tích cực trong giây phút hiện tại, chứ không phải là ăn không ngồi rồi mà chờ đợi (Hiền Lâm).
6. Qua cuộc sống của Ngài, Đức Giêsu đã vạch cho con người đường đi vào vĩnh cửu, đó là sống sung mãn trong từng giây phút hiện tại. Chính trong cuộc sống mỗi ngày mà con người phải tìm kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh cửu. Sống như thế là sống tỉnh thức theo tinh thần mà Đức Giêsu hằng nhắc nhở trong Tin Mừng của Ngài; sống như thế, con người mới có thể nhận ra ý nghĩa của cuộc sống. Một cuộc sống có đáng sống và có ý nghĩa hay không, là tùy ở thái độ trân trọng và tích cực của con người đối với mỗi giây phút hiện tại.
7. Truyện: Chúa ở đâu Thiên đàng ở đó.
Một nhà truyền giáo đến thăm viếng một cậu bé da đen trong lúc cậu sắp sửa lìa đời. Cậu bé liền nói với nhà truyền giáo này về niềm hạnh phúc mà cậu cảm thấy và niềm ao ước được về với Chúa Giêsu.
Cậu bé nói:
- Chẳng bao lâu, con sẽ được lên Thiên Đàng, con sẽ nhìn thấy Đức Giêsu và ở với Ngài mãi mãi.
Nhà truyền giáo đáp:
- Nhưng nếu Đức Giêsu phải rời khỏi Thiên Đàng , con sẽ làm gì?
- Con sẽ đi theo Người.
Nhà truyền giáo lại nói:
- Nhưng giả thử Đức Giêsu đi xuống hỏa ngục, con sẽ làm gì?
Trong giây lát, với một cái nhìn thông minh và một nụ cười trên nét mặt , cậu bé đáp:
- Ồ, ở đâu có Đức Giêsu, thì ở đó không thể có hỏa ngục. Chúa Giêsu ở đâu, ở đó là Thiên Đàng.
Suy niệm 10: Nước Thiên Chúa ở giữa anh em
(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Hạt giống...
Đoạn này gồm 2 ý:
1. Triều đại Thiên Chúa: Người do thái rất quan tâm đến Ngày mà Thiên Chúa thiết lập triều đại của Ngài. Họ nghĩ rằng đó là một biến cố trọng đại, đem lại vinh quang cho Thiên Chúa và cho dân tộc họ. Họ rất mong ngày đó mau đến, nhất là khi họ đang phải sống tủi nhục dưới ách đô hộ của Rôma. Họ muốn biết khi nào và ở đâu ngày ấy xảy ra. Bởi thế hôm nay người pharisêu hỏi Chúa Giêsu: “Khi nào thì Triều đại Thiên Chúa đến?” Thực ra Triều đại Thiên Chúa tuy cũng là một biến cố trọng đại như người do thái nghĩ, nhưng không phải trọng đại nhìn theo cặp mắt loài người (vinh quang, chiến thắng v.v.). Với sự xuất hiện của Chúa Giêsu thì Triều đại Thiên Chúa đã đến trên cơ bản, và triều đại ấy sẽ dần dần đến trong tâm hồn những kẻ tin theo Ngài. Bởi đó Chúa Giêsu nói “Triều đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta không thể nói “Ở đây” hay “ở kia”, vì này Triều đại Thiên Chúa ở giữa các ông”. Nói cách khác, vấn đề không phải là xác định nơi chốn và thời gian để tìm đến, mà là Tin và theo Chúa Giêsu.
2. Ngày của Con Người: Ngày của Con Người tức là lúc Chúa Giêsu quang lâm, khi đó Triều đại Thiên Chúa sẽ hoàn thành trọn vẹn. Cũng như bao người khác, các môn đệ cũng mong ngóng Ngày đó. Nhưng Chúa Giêsu cảnh cáo: đừng quan tâm nghiên cứu về địa điểm và thời gian của ngày đó. Vô ích thôi, vì đặc tính của Ngày ấy là đến một cách nhanh chóng và bất ngờ.
B.... nẩy mầm.
1. “Nước Thiên Chúa ở giữa anh em”. “Ở giữa” có nghĩa là ở ngay trong lòng mỗi người. Cho nên muốn xây dựng Nước Chúa thì phải xây dựng ngay trong lòng mình. “Ở giữa” cũng có nghĩa là một người âm thầm phục vụ giữa một tập thể nhiều người. Chính bởi vì Nước Thiên Chúa “ở giữa anh em” như thế nên Chúa Giêsu nói “Nước Thiên Chúa không đến như một điều gì có thể quan sát được”.
2. “Vào thời Nga hoàng, một thanh niên vì chịu ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng của đại văn hào Tolstoi và nhất là giáo huấn của Chúa Giêsu, nên đã từ chối thi hành nghĩa vụ quân sự. Ra trước tòa, anh đã trình bày niềm xác tín là anh không thể cầm khí giới giết người. Sau khi nghe người thanh niên biện hộ, quan tòa mới phát biểu như sau: “Tốt lắm, tôi đã hiểu được lý tưởng của anh. Nhưng anh còn phải thực tế. Lý tưởng anh đề ra là lý tưởng của Nước Trời, mà Nước Trời thì chưa đến”. Nghe thế người thanh niên dõng dạc trả lời: “Thưa ông tôi nhìn nhận là Nước ấy chưa đến cho ông... nhưng Nước ấy đã đến cho tôi. Tôi không thể sống như Nước ấy chưa đến, để tiếp tục chém giết và gieo rắc hận thù” (Trích "Mỗi ngày một tin vui")
3. Con người sống không tương lai là con người thiển cận khô héo, nhưng con người chỉ sống với tương lai là con người hão huyền.
- Hãy biết kết nối giữa tương lai và hiện tại, giữa hy vọng và thực tế.
- Đừng chỉ hướng mắt về tương lai xa vời huyền ảo, hãy nhìn vào tờ lịch ngày hôm nay, nhìn vào đồng hồ với việc bổn phận của ta lúc này. Một nhà thiên văn vừa bước đi vừa dán mắt vào những ngôi sao thăm thẳm xa vời có thể sẽ rơi tọt xuống cái hố ở sát chân mình.
4.. Đừng mong chờ Trời mới Đất mới theo kiểu ‘ngồi chờ sung rụng’, ‘ngồi mát ăn bát vàng’, nhưng hãy biết dấn thân, tham dự vào công cuộc đồng-sáng-tạo với Chúa.
5. “Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17,21)
- Sa mạc thật đẹp… Cái để tô điểm cho sa mạc – ông hoàng nói nhỏ – là nó ẩn dấu một cái giếng ở nơi nào đó (Hoàng tử bé. Antoine de Saint-Exupéry)
Và thế giới cũng đẹp bởi vì ở giữa mỗi con người ẩn chứ tình yêu của Thiên Chúa. Từ khi Cha đóng dấu ấn yêu thương bằng máu Con mình trên mặt đất, mỗi con người không còn là hạt cát khô rát úa rũ giữa sa mạc. Đấy, con nhìn thấy Thiên Chúa giữa anh em, trong thiên nhiên. Con thấy bàn tay Chúa giang rộng khắp địa cầu, xoa dịu khổ đau từng giây phút.
Lạy Cha, con hạnh phúc biết bao khi biết rằng Cha đang ở giữa chúng con cùng với triều đại của Ngài. Và con mãi mãi tạ ơn Cha về điều đó. (Hosanna).
Suy niệm 11: Nước Thiên Chúa đã đến
(Lm Giuse Đinh Tất Quý)
1. Nước Thiên Chúa - Nước Trời hay Triều đại Thiên Chúa: Đây là đề tài chủ yếu trong Kinh Thánh. Cùng với niềm mong đợi Đấng Thiên Sai, người Do Thái tưởng tượng ra một vương quốc thịnh vượng, hùng cường mà Thiên Chúa sẽ thiết lập ngay trên lãnh thổ của họ. Vào thời Chúa Giêsu, một niềm hy vọng như thế bừng cháy lên một cách mãnh liệt trong tâm hồn mọi người.
Nước Trời hay Nước Chúa cũng là đề tài chủ yếu trong lời rao giảng của Chúa Giêsu. Ngài đã khai mở sứ vụ bằng lời kêu gọi: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng, vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 3,2). Nhưng trái với niềm hy vọng của người Do Thái, Nước Trời mà Chúa Giêsu loan báo không phải là một lãnh thổ có thể quan sát, đo đạc hay khoanh vùng trong những ranh giới. Nước ấy giống như một hạt giống được âm thầm gieo vào lòng đất. Nước ấy giống như men được cho vào bột để làm cho bột ấy dậy lên.
Vì người Do Thái quan niệm Nước Thiên Chúa như một vương quốc trần thế, có lãnh thổ, có binh lính, có quyền lực cho nên họ rất mong ngày đó mau đến, nhất là khi họ đang phải sống tủi nhục dưới ách đô hộ của Rôma. Họ muốn biết khi nào và ở đâu ngày ấy xảy ra. Bởi thế, hôm nay người Pharisêu hỏi Chúa Giêsu: “Khi nào thì Triều đại Thiên Chúa đến?” (Lc 17,20)
Thực ra triều đại Thiên Chúa là một biến cố trọng đại nhưng không phải trọng đại theo cặp mắt loài người. Với sự xuất hiện của Chúa Giêsu thì Triều đại Thiên Chúa đã đến trên cơ bản, và triều đại ấy sẽ dần dần đến trong tâm hồn những kẻ tin theo Ngài. Nói cách khác, vấn đề không phải là xác định nơi chốn và thời gian để tìm đến, mà là tin và theo Chúa Giêsu. Ai muốn thuộc về Nước ấy cần phải chấp nhận điều kiện Ngài đề ra, đó là sống vâng phục và yêu thương như Ngài. Nơi nào con người cố gắng sống như Ngài, nơi đó Nước Chúa được thể hiện.
Một nhà truyền giáo đến thăm viếng một cậu bé da đen trong lúc cậu sắp sửa lìa đời. Cậu bé liền nói với nhà truyền giáo này về niềm hạnh phúc mà cậu cảm thấy và niềm ao ước được ở với Đức Giêsu.
Cậu bé nói:
- Chẳng bao lâu, con sẽ được lên Thiên Đàng, con sẽ nhìn thấy Đức Giêsu và ở với Người mãi mãi.
Nhà truyền giáo đáp:
- Nhưng nếu Đức Giêsu phải rời khỏi Thiên Đàng, con sẽ làm gì?
- Con sẽ đi theo Người.
Nhà truyền giáo lại nói:
- Nhưng giả thử Đức Giêsu đi xuống hỏa ngục, con sẽ làm gì?
Trong giây lát, với một cái nhìn thông minh và một nụ cười trên nét mặt, cậu bé đáp:
- Ồ, đâu có Đức Giêsu, thì ở đó không thể có hỏa ngục. Chúa Giêsu ở đâu, ở đó là Thiên Đàng”. Đó là ý thứ nhất.
2. Ý thứ hai: Ngày của Con Người: Ngày của Con Người tức là lúc Chúa Giêsu quang lâm, khi đó Triều đại Thiên Chúa sẽ hoàn thành trọn vẹn. Cũng như bao người khác, các môn đệ cũng mong ngóng ngày đó. Nhưng Chúa Giêsu cảnh cáo: đừng quan tâm nghiên cứu về địa điểm và thời gian của ngày đó. Vô ích thôi, vì đặc tính của Ngày ấy là đến một cách nhanh chóng và bất ngờ.
Chúng ta hãy nghe lại Lời Chúa: “Nước Thiên Chúa ở giữa anh em” (Lc 17,21). “Ở giữa” có nghĩa là ở ngay trong lòng mỗi người. Cho nên muốn biết Ngày của Con người đến hay chưa thì đừng đi tìm ở đâu mà hãy đi vào ngay cõi lòng của mình. “Nước Thiên Chúa không đến như một điều gì có thể quan sát được”. Nước Thiên Chúa “ở giữa anh em”, ở ngay trong lòng con người.
Vào thời Nga Hoàng, một thanh niên vì chịu ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng của đại văn hào Tolstoi và nhất là giáo huấn của Chúa Giêsu, nên đã từ chối thi hành nghĩa vụ quân sự. Ra trước tòa, anh đã trình bày niềm xác tín là anh không thể cầm khí giới giết người. Sau khi nghe người thanh niên biện hộ, quan tòa mới phát biểu như sau:
- Tốt lắm, tôi đã hiểu được lý tưởng của anh. Nhưng anh còn phải thực tế. Lý tưởng anh đề ra là lý tưởng của Nước Trời, mà Nước Trời thì chưa đến.
Nghe thế, người thanh niên dõng dạc trả lời:
- Thưa ông, tôi nhìn nhận là Nước ấy chưa đến cho ông... nhưng Nước ấy đã đến cho tôi. Tôi không thể sống như Nước ấy chưa đến, để tiếp tục chém giết và gieo rắc hận thù” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
Nếu hiểu được như vậy, thì chúng ta không thể mong Nước Trời đến như mong chờ kiểu ‘ngồi chờ sung rụng’, nhưng phải biết dấn thân, tham dự vào công cuộc đồng-sáng-tạo với Chúa và phải làm những công việc đó ngay từ hôm nay, ngay từ giây phút này.
Hãy nhìn vào tờ lịch ngày hôm nay, nhìn vào đồng hồ với việc bổn phận của ta lúc này mà bước đi những bước thật vững vàng trên con đường phục vụ, chúng ta sẽ được sống trong Nước Thiên Chúa.
Suy niệm 12: Nước Chúa ở giữa các ông
(Lm. Micae Võ Thành Nhân)
Những người biệt phái, luật sỹ, trưởng tế, kỳ lão ngày xưa hỏi Chúa là khi nào nước Thiên Chúa đến? (Lc 17, 20). Qua câu hỏi này của họ, chúng ta thấy, ngày hôm nay chúng ta cũng giống như họ, chúng ta vẫn tự đặt câu hỏi cho riêng bản thân mình, và với nhau “Bao giờ đến ngày tận thế?”.
Nước Thiên Chúa chính là Chúa. “Bao giờ nước Thiên Chúa đến?”, nghĩa là bao Chúa đến? Bao giờ Đấng Cứu Thế đến? Đấng mà muôn dân đang đợi chờ hàng bao ngàn năm nay.
Chúa đang ở đây với họ, tức là nước Thiên Chúa đây rồi “Vì nước Thiên Chúa ở giữa các ông” (Lc 17, 21), họ cũng như con người chúng ta không cần phải đi tìm Chúa ở đâu xa. Chúng ta hãy nghe lời Chúa dạy dỗ, hãy làm theo thánh ý của Chúa mà lo sửa đổi cuộc sống cho tốt, cho phù hợp với những điều Chúa muốn là tốt rồi.
Thế nhưng họ chối từ Chúa, không nghe lời Chúa, chống phá Chúa, và họ lại mơ tưởng, đi tìm một Chúa khác, tìm Đấng Cứu Thế theo suy nghĩ, theo ý riêng, theo thêu dệt của họ. Vì thế, Chúa đến, không phải để cho họ và con người chúng ta tò mò và phao tin nước Chúa ở chỗ này chỗ kia mà đổ xô đi tìm để thỏa mãn cho tính hiếu kỳ của chúng ta.
Có biết bao nhiêu con người chúng ta trước đó mơ ước được thấy Chúa của ngày hôm nay mà không có thấy, vì thời viên mãn chưa đến. Vì thế mà con người chúng ta luôn sống hy vọng, chờ đợi. Có lẽ tuy họ đã qua đời rồi, nhưng họ vui và chúc mừng cho con người chúng ta được diễm phúc có Chúa đang ở với chúng ta. Con người chúng ta phải quý trọng giây phút này, thời đại này. Nếu con người chúng ta biết như thế, thì chúng ta chớ đi tìm, chớ tìm kiếm khi mà nhân loại thế gian phao tin cho rằng: “Này Người ở nơi đây, và này Người ở nơi kia” (Lc 17, 23). Chúng ta phải vững tin vào Chúa, cậy trông phó thác vào Chúa, cho dù cuộc đời này có đổi thay như thế nào đi chăng nữa.
Chúa đang hiện diện ở trần gian, đừng có viễn vông mà trông đợi một Chúa nào khác nữa. Thời kỳ đã mãn rồi, đến lúc Chúa đã định rồi, nước Chúa đã đến, Chúa ở với con người chúng ta đây, đừng tìm Chúa ở đâu, nơi xa xôi cả, và Giáo Hội mà chúng ta được ở trong đó, là chúng ta an tâm rồi: “Người ta sẽ bảo các con: Này Người ở đây và này Người ở kia, các con chớ đi đến và đừng tìm kiếm. Vì như chớp sáng từ chân trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ đến trong ngày của Người như vậy. Nhưng tiên vàn Người sẽ chịu đau khổ nhiều, và bị dòng dõi này xua đuổi” (Lc 17, 24 – 25). Tức là tuy Chúa ở đây, nhưng Chúa lại nói về ngày quang lâm, ngày trở lại trần gian của Chúa. Nhưng để cho ngày đó xảy ra, Chúa phải đi vào cuộc khổ nạn, Chúa chịu chết vì tội lỗi chúng ta, rồi Chúa sống lại và sau đó Chúa lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha, ngày tận thế Chúa sẽ lại đến trong vinh quang, phán xét kẻ sống và kẻ chết (Kinh Tin Kính). Do đó chúng ta đừng sống lơ là trong lúc chờ Chúa đến.
Lạy Chúa của con, Chúa luôn luôn phù trợ chúng con, chúng con tin tưởng bám chặc vào Chúa, dù có ai nói ngả nói nghiêng, lòng chúng con vẫn vũng như kiềng ba chân vào Chúa và tiếp tục đi theo sự hướng dẫn của Chúa, chúng con sẽ được sống muôn đời. Amen.
Suy niệm 13: Ở trong triều đại Thiên Chúa
(Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB)
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Năm Tuần 32 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa đẩy xa những gì cản bước tiến chúng ta trên đường về với Chúa, để một khi xác hồn thanh thản, chúng ta được Hoàn toàn tự do mà thực hiện ý Chúa.
Hoàn toàn tự do mà thực hiện ý Chúa, với tâm tình sám hối xin Chúa phục hồi, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Đanien cho thấy: Lời các ngôn sứ sẽ thành hiện thực như thế nào? Đó là câu hỏi luôn làm cho độc giả Sách Thánh phải bận tâm. Khi nói đến bảy mươi tuần, ngôn sứ không có ý đặt triều đại Thiên Chúa vào một thời điểm nhất định, cho bằng, thiết lập một mối tương quan: một bên là, bảy mươi năm lưu đày, và tiếp theo sau là thời phục hưng; bên kia là, phần còn lại của lịch sử Dân Thiên Chúa, sau khi Đền Thờ bị tàn phá: lịch sử sẽ kết thúc bằng cuộc chiến thắng cuối cùng, chiến thắng tội lỗi. Lạy Đức Chúa, từ thánh điện Ngài, xin đoái nhìn, xin nghĩ đến chúng con và ghé tai nghe. Lạy Thiên Chúa của con, xin lắng tai nghe, xin ghé mắt nhìn cảnh hoang tàn của chúng con. Lạy Chúa Tể càn khôn, xin phục hồi chúng con; xin tỏa ánh Tôn Nhan rạng ngời để chúng con được ơn cứu độ.
Hoàn toàn tự do mà thực hiện ý Chúa, với một quyết tâm hoán cải đời sống, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, Bài Giảng của một Tác Giả ở Thế Kỷ II nói: Hội Thánh sống động là thân thể Đức Kitô. Nếu chúng ta không thi hành ý muốn của Chúa, thì lời Kinh Thánh sau đây sẽ được áp dụng cho chúng ta: Nhà Ta đã thành sào huyệt bọn cướp… Đức Chúa các đạo binh là Thiên Chúa của Ítraen phán: Hãy cải thiện lối sống và hành động của các ngươi; Ta sẽ cho các ngươi lưu lại nơi này. Anh em hãy đến gần Thiên Chúa, Người sẽ đến gần anh em. Hỡi tội nhân, hãy rửa tay cho sạch, hãy tẩy luyện tâm can.
Hoàn toàn tự do mà thực hiện ý Chúa, với lòng yêu thương, bênh vực, chở che những ai đang cần được giúp đỡ, như Chúa vẫn luôn phù hộ chở che ta, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói với ông Philêmôn: Xin anh hãy đón nhận nó, không phải như một người nô lệ, nhưng như một người anh em rất thân mến. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 145, vịnh gia đã cho thấy: Phúc thay người được Chúa Trời nhà Giacóp phù hộ. Chúa là Đấng giữ lòng trung tín mãi muôn đời, xử công minh cho người bị áp bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông. Chúng ta là những ngành nho tháp nhập vào trong thân nho là chính Chúa; ở lại trong Chúa, chúng ta sẽ sinh nhiều hoa trái. Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta, chúng ta là những công dân Nước Trời, ở lại trong Nước Trời, chúng ta cũng sẽ sinh nhiều hoa trái tốt đẹp, làm cho chính mình và cho người khác được sống trong bầu khí yêu thương, hoan hưởng, và nếm trước hạnh phúc Nước Trời ngay tại trần thế này. Cành lìa cây sẽ khô héo, và không thể tháp nhập lại được với cây, nhưng, Lòng Thương Xót của Chúa có thể tháp nhập chúng ta lại với Người, và Chúa sẽ có cách để phục hồi chúng ta, nếu chúng ta biết sám hối quay trở về với Chúa. Ước gì chúng ta biết tin tưởng cậy trông vào Chúa, chính Chúa sẽ gìn giữ, chở che và giải cứu chúng ta khỏi mọi cơn khốn khó ngặt nghèo. Ước gì Chúa đẩy xa những gì cản bước tiến chúng ta trên đường về với Chúa, để một khi xác hồn thanh thản, chúng ta được Hoàn toàn tự do mà thực hiện ý Chúa. Ước gì được như thế!
Bài cùng chuyên mục:
Thứ Tư 11/12/2024 – Thứ Tư tuần 2 mùa vọng. – Dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng. (10/12/2024 10:00:00 - Xem: 1,100)
Thứ Tư tuần 2 mùa vọng.
Thứ Ba 10/12/2024 – Thứ Ba tuần 2 mùa vọng. – Con chiên lạc đàn. (09/12/2024 10:00:00 - Xem: 3,131)
Thứ Ba tuần 2 mùa vọng.
Thứ Hai 09/12/2024 – Thứ Hai tuần 2 mùa vọng. – ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI. Lễ trọng. Lễ HỌ. Cầu cho giáo dân. – Xin Vâng. (08/12/2024 10:00:00 - Xem: 6,809)
ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI. Lễ trọng. Lễ HỌ. Cầu cho giáo dân.
+ Chúa Nhật 08/12/2024 – CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG năm C. – Dọn đường cho Chúa. (07/12/2024 10:00:00 - Xem: 5,988)
08/12 – CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG năm C.
Thứ Bảy 07/12/2024 – Thứ Bảy đầu tháng, tuần 1 mùa vọng. – Thánh Amrôxiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. – Lúa chín đầy đồng, thợ gặt thì ít. (06/12/2024 10:00:00 - Xem: 3,320)
Thánh Amrôxiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.
Thứ Sáu 06/12/2024 – Thứ Sáu đầu tháng, tuần 1 mùa vọng. – Chữa lành 2 người mù. (05/12/2024 10:00:00 - Xem: 3,927)
Thứ Sáu đầu tháng, tuần 1 mùa vọng.
Thứ Năm 05/12/2024 – Thứ Năm đầu tháng, tuần 1 mùa vọng. – Người khôn ngoan thực sự. (04/12/2024 10:00:00 - Xem: 4,368)
Thứ Năm đầu tháng, tuần 1 mùa vọng.
Thứ Tư 04/12/2024 – Thứ Tư tuần 1 mùa vọng. – Hóa bánh ra nhiều lần 2. (03/12/2024 18:07:00 - Xem: 3,858)
Thứ Tư tuần 1 mùa vọng.
+ Chúa Nhật 01/12/2024 – CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG năm C. – Tỉnh thức và cầu nguyện luôn. (30/11/2024 10:00:00 - Xem: 4,104)
CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG năm C.
Thứ Bảy 30/11/2024 – Thứ Bảy tuần 34 thường niên – THÁNH ANRÊ, TÔNG ĐỒ. Lễ kính. – Ngư phủ lưới người. (29/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,556)
THÁNH ANRÊ, TÔNG ĐỒ. Lễ kính.
-
Một thực tại căn tính kép trong nội tâm
Những lựa chọn chính trong cuộc sống đã là một căng thẳng lớn vì những lựa chọn này cố gắng trung thành với hai căn tính nguyên thủy trong...
-
Suy niệm Tĩnh tâm năm 2024 : kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa đích thực
Sau đây là 4 bài suy niệm sáng trong dịp tĩnh tâm năm 2024 của linh mục đoàn giáo phận Long Xuyên. 4 bài đều theo cùng một chủ đề: kinh...
-
Lời khuyên của một Giáo phụ sa mạc để tháo gỡ mối dây oán hận
Các Giáo Phụ Sa Mạc khuyên chúng ta điều gì để hướng dẫn đời sống thiêng liêng của chúng ta, trong những hoàn cảnh rất cụ thể của cuộc...
-
Gia vị cho bài giảng lễ CN 2 mùa Vọng năm C - 2024
Chúng ta tưởng tượng xã hội sẽ tốt đẹp biết bao khi mỗi người chúng ta tích cực sống sứ điệp Mùa Vọng “sửa con đường nội tâm cho thẳng”...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 2 mùa Vọng năm C - 2024
Trong Mùa Vọng này, chúng ta được mời gọi hãy làm lại con đường của lòng mình: phải sửa cho thẳng, lấp cho đầy, uốn cho ngay, san cho phẳng,...
-
Mầu nhiệm của Mùa Vọng
Thiên Chúa đã đón nhận những lời nguyện cầu của Dân Chúa, nên vào thời viên mãn, Người đã sai Con Một rất thánh xuống trần gian và chính...
-
Viết cho các tân linh mục
Từ ngày anh em chịu chức, anh em sẽ được gọi là “cha”. Thân thương! Lý do là những người đến với anh em, không chỉ vì anh em có quyền cao...
-
Lời Chúa có quan trọng đối với Bạn không?
Với 7 câu hỏi sau đây bạn có thể tự phản tỉnh về tầm quan trọng của Lời Chúa đối với bạn như thế nào.
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 147 - Say nắng người tu sĩ
Mỗi khi gặp thầy, con thấy rất vui, và nhiều khi nghĩ về thầy. Nhiều lúc con còn bất giác tưởng tượng con có thể ôm thầy, nắm tay thầy...
-
Gia vị cho bài giảng CN 1 mùa Vọng năm B - 2024
Trong Mùa Vọng, chúng ta nghĩ đến ý nghĩa thiêng liêng cho sự chờ đợi: hướng lòng về biến cố quang lâm của Chúa Kitô, Đấng Messia. Phần...
-
Nghĩ đến những điều tốt đẹp
Hãy thôi nghĩ đến chuyện buồn ấy và hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp và đáng yêu khác trong cuộc sống để lòng bà được thanh thản
- Sự cần thiết của việc lắng nghe
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất