Suy tư - Cảm nghiệm

Ngày tận thế: Bí ẩn chỉ có Chúa Cha biết

  • In trang này
  • Lượt xem: 77
  • Ngày đăng: 16/11/2024 05:28:22

NGÀY TẬN THẾ: BÍ ẨN CHỈ CÓ CHÚA CHA BIẾT

 

Chúng con luôn sẵn sàng đón nhận Ngài trong bình an và hân hoan, với trái tim tràn đầy hy vọng vào ngày vinh quang của Chúa.

 

 

Câu hỏi về ngày tận thế thường gợi lên sự tò mò, lo lắng trong lòng mỗi người, nhất là khi người ta đối diện với sự bất định và lo ngại về tương lai. Câu hỏi đặt ra: “Khi nào đến ngày tận thế?” không chỉ là thắc mắc của các nhà thần học mà còn là trăn trở của mọi tín hữu. Tin mừng thường niên cuối cùng 33 hôm nay, Chúa Giêsu cũng tiết lộ một chút về ngày cánh chung này. Thánh Kinh cho viết: “Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.” (Mc 13,32).

 

Những lời trên của Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng ngày cánh chung nằm trong kế hoạch và sự quan phòng của Thiên Chúa. Như vậy, thay vì lo sợ và đoán xét, chúng ta được mời gọi phó thác trọn vẹn cho Thiên Chúa và sống một đời sống đạo đức ngay trong hiện tại.

 

Trong dòng lịch sử, con người không ít lần đặt ra những giả thuyết cho ngày tàn của vũ trụ: từ khả năng chiến tranh hạt nhân, dịch bệnh toàn cầu, cho tới các va chạm thiên thạch. Thế nhưng, Giáo hội không nhìn nhận ngày Đức Giêsu đến lần thứ hai như một “Ngày thịnh nộ” hay đe dọa, mà là ngày vui mừng. Bởi Chúa đến với con người trong vinh quang hạnh phúc. Ngôn ngữ Tin mừng gọi là ngày “Con Người quang lâm”.

 

Điểm kết của lịch sử nhân loại

Thời gian tận thế được Chúa Giêsu mô tả bằng một khoảng thời gian: “Trong những ngày đó”. Theo lối nhìn của nhà thần học Teilhard de Chardin, Thiên Chúa là điểm khởi đầu và cũng là đích đến của thế giới. Ngài là Anpha và Ômêga. Thánh Gioan đã ghi nhận rằng: “Người là đầu và là cuối, là khởi nguyên và là tận cùng” (Kh 21,6). 

 

Thực ra Chúa Giêsu không hù dọa con người với những cảnh tượng hãi hùng. Thay vào đó, Lời Chúa khẳng định rằng cuộc sống của chúng ta không phải là chuỗi thời gian trống rỗng mà là một hành trình dẫn tới Chúa Kitô, Đấng ban sự sống vĩnh cửu. Bằng niềm tin vào Chúa Giêsu là sự sống, chúng ta được mời gọi đón nhận tất cả với lòng tín thác và hy vọng.

 

Dù khoa học hay lý thuyết nhân loại đưa ra dự đoán về tận thế, nhưng chỉ Thiên Chúa mới quyết định số phận của vũ trụ. Thay vì lo lắng cho ngày kết thúc, chúng ta nên tập trung vào lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Anh em đừng sợ hãi… Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ sống” (Ga 11,25-26). Nhờ đó, chúng ta được thôi thúc sống với tâm thế của những người sẵn sàng cho Nước Trời ngay bây giờ. “Anh em hãy biết là Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi.” (Mt 13,29).

 

Vinh quang hay sợ hãi?

Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI khuyến khích chúng ta nhìn vào ngày Chúa quang lâm như một thời điểm vinh quang, niềm vui cho tín hữu. Đó là ngày Chúa đến trong quyền năng để thiết lập trời mới, đất mới. Lời Kinh Thánh an ủi chúng ta: “Bấy giờ, Con Người sẽ ngự trong đám mây mà đến, đầy quyền năng và vinh quang” (Mc 13,26). Nếu ước ao gặp Thiên Chúa mỗi ngày, thì chúng ta không thể sợ giây phút huy hoàng ấy. “Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời.”  (Mc 13,27)

 

Những hình ảnh này nhắc nhở chúng ta rằng ngày Chúa đến không phải là lời cảnh báo để làm chúng ta sợ hãi, nhưng là sự khích lệ để chúng ta sẵn sàng đón nhận Chúa trong yêu thương và tin tưởng. Đó là ngày mà Thiên Chúa sẽ lau sạch mọi nước mắt và ban cho chúng ta sự sống đời đời. Bằng trái tim khao khát, chúng ta cùng nhau cầu nguyện: “Maranatha, Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” (Kh 22,20). Như vậy, ngày tận thế không phải là lúc khiếp sợ, mà là giây phút hạnh phúc khi được trở về trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa.

 

Sống với niềm tin

Dù biết rằng cuộc đời có ngày kết thúc, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt” (Cv 1,7). Lời này mời gọi chúng ta chú trọng vào hiện tại, cống hiến và sẵn sàng cho sự trở lại của Chúa bất cứ lúc nào. Thay vì bận tâm về tương lai mơ hồ, chúng ta được mời gọi dấn thân sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại. Chính cuộc sống yêu thương, tha thứ và hy sinh trong đời sống hằng ngày là hành trang cần thiết để đón Chúa khi Ngài đến.

 

Với tâm thế đón chờ ngày Chúa đến, chúng ta hãy để trái tim tràn đầy niềm hy vọng và tin tưởng rằng dù cuộc đời này qua đi, Thiên Chúa vẫn hiện diện và bảo vệ chúng ta. Chẳng phải Chúa Giêsu thường khích lệ mỗi người, khi nói: “Ta đây, đừng sợ!” (Mc 6,50). Hãy nhìn về tương lai không phải bằng nỗi lo sợ, mà bằng ánh mắt vui mừng khi biết rằng Thiên Chúa sẽ “lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất.” (Kh 21,4). Đây là khung cảnh và thời gian của trời mới đất mới, ngày vinh quang của Thiên Chúa và của mỗi người chúng ta nữa. Ngày này chỉ có Thiên Chúa Cha biết. 

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết phó thác vào sự quan phòng của Ngài. Từ đó chúng con sống mỗi ngày trong niềm vui, không lo sợ trước những điều chưa biết của tương lai. Xin hãy đến và củng cố niềm tin của chúng con. Chúng con luôn sẵn sàng đón nhận Ngài trong bình an và hân hoan, với trái tim tràn đầy hy vọng vào ngày vinh quang của Chúa. Amen.

 

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.

Bài cùng chuyên mục:

Đạo còn sống khi ta còn sống đạo (16/11/2024 11:20:12 - Xem: 389)

Phải chăng giá trị Tin Mừng trong lòng tín hữu đang phai nhạt dần ? Phải chăng việc đạo nghĩa chỉ còn là sự quan tâm thứ yếu ? Phải chăng việc học văn hóa và công ăn việc làm được đặt trên việc nuôi dưỡng đức tin ?

Gia vị cho bài giảng CN 33 & Các Thánh Tử đạo VN - 2024 (16/11/2024 05:36:01 - Xem: 228)

Đôi khi những người muốn dẫn dắt Người khác đến với Chúa Kitô cũng trở thành chướng ngại vật lớn nhất cho ơn cứu rỗi của họ.

“Có làm mưa làm gió” (11/11/2024 07:52:43 - Xem: 205)

Khi tôi chết đi, thế giới này cũng vẫn cứ vần xoay theo định luật đã được mặc định cho nó. Chẳng phải vì tôi chết đi mà vũ trụ này có rúng động hay biến đổi gì.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 32 TN năm B - 2024 (08/11/2024 07:28:19 - Xem: 524)

Chúng ta không xây dựng đời mình trên vật chất hay chiếm hữu, nhưng trên tình yêu, để sẵn sàng cho đi và dâng hiến.

Gia vị cho bài giảng CN 32 TN năm B - 2024 (08/11/2024 07:24:57 - Xem: 449)

Sứ điệp Tin Mừng Chúa nhật này là về sự cho đi. Mỗi người đều có khả năng chia sẻ dù họ nghèo khó hay túng thiếu đến đâu.

Suy ngẫm về Thiên đàng – Nơi an bình vĩnh cửu (05/11/2024 07:26:42 - Xem: 263)

Việc suy ngẫm và tưởng nghĩ về Thiên đàng rất có lợi cho tâm hồn chúng ta, chiêm nghiệm xem Thiên đàng sẽ như thế nào, xinh đẹp và hoàn hảo ra sao.

Gia vị cho bài giảng CN 31 TN năm B -2024 (01/11/2024 11:31:26 - Xem: 387)

Yêu người lân cận như chính mình cũng được hiểu theo chiều ngược lại: mở rộng tâm hồn đón nhận quà tặng tình yêu được trao ban.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 31 TN năm B - 2024 (01/11/2024 07:25:18 - Xem: 439)

Ta không thể gặp gỡ và yêu mến Thiên Chúa trong tâm tưởng hay trong ước muốn, mà là nơi chính tha nhân, nơi những hành động cụ thể trong những tương quan hằng ngày.

Hướng về các linh hồn đã khuất (01/11/2024 07:18:27 - Xem: 374)

“Linh hồn là cái làm cho ta thành một con người. Nó là nguyên lý linh thiêng của sự sống, và là cái sâu thẳm nhất trong con người.” (Sách Youcat số 62).

Hội Thánh dạy “Nên Thánh” cách nào? (29/10/2024 05:33:01 - Xem: 394)

Được trở nên nghĩa thiết và bạn hữu của Thiên Chúa là một điều gì đó muôn trùng siêu vượt trên chúng ta. Chúng ta không thể mua nó bằng những việc làm của mình.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7