Suy tư - Cảm nghiệm

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 2 thường niên năm B

  • In trang này
  • Lượt xem: 700
  • Ngày đăng: 09/01/2024 17:21:52

GIA VỊ CHO BÀI GIẢNG LỄ

CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN NĂM B

 

Chúa đã chọn mỗi người chúng ta vào một vai trò nhất định trong kế hoạch cứu độ của Ngài. Xin cho chúng ta hết lòng sống trọn ơn gọi đó.

 

 

1/ MỘT CON CHIÊN TRÊN NÓC THÁP

Ở thành phố Werden, nước Đức, có một nhà thờ Công giáo trên tháp đặt một con chiên (cừu) được tạc bằng đá. Người ta kể rằng khi nhà thờ đang được xây dựng, một người thợ khắc đá đã rơi xuống từ một giàn giáo cao. Đồng nghiệp của anh vội vã chạy xuống, nghĩ rằng anh đã chết. Nhưng trước sự ngạc nhiên và vui mừng của mọi người, anh vẫn sống và chỉ bị thương nhẹ. Làm thế nào anh ta có thể sống sót?- Thưa, vào chính lúc anh bị rơi thì có một đàn chiên đi qua bên dưới tháp, và người thợ đã rơi xuống ngay đầu một con chiên con. Con chiên khuỵu ngã và bị đè chết, nhưng người đàn ông đã được cứu sống. Để tưởng nhớ sự thoát chết kỳ diệu đó, người ta đã tạc một con chiên con bằng đá và đặt nó trên tháp, để tri ân chú cừu non đã cứu mạng người.

¯Trong bài Tin Mừng hôm nay, Gioan giới thiệu Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”. Hôm nay, chúng ta tưởng niệm một Con Chiên khác, Đấng đã chết để cứu không chỉ một người, mà tất cả nhân loại.

 

2/ ĐƯỢC GỌI TÊN

Chúng ta có thể biết câu chuyện về Helen thành Troy. Theo truyền thuyết, nữ hoàng xinh đẹp này đã bị bắt, bị đem đi, rồi lưu lạc và phải chịu chứng mất trí nhớ. Rồi bà trở thành gái mại dâm trên đường phố. Bà không còn nhớ tên mình hay thực tế là bà đã xuất thân từ hoàng tộc. Nhưng ở quê hương bà, bạn bè vẫn không ngừng mong ngóng bà trở về. Một người bạn cũ tin rằng bà còn sống và đi tìm bà. Ông ấy không bao giờ mất niềm tin. Một ngày nọ, khi đang lang thang trên phố, ông đến một bờ sông và nhìn thấy một người phụ nữ khốn khổ trong bộ quần áo rách rưới với những đường hằn sâu trên khuôn mặt. Có điều gì đó ở bà ấy có vẻ quen thuộc, vì vậy ông bước đến gần bà và nói: “Thưa bà, bà tên gì?” Bà đã trả lời cho ông một cái tên vô nghĩa. Ông ta tiếp tục đeo đuổi: “Tôi có thể nhìn bàn tay của bà, được không? Bà ấy đưa hai tay ra trước mặt, và người đàn ông há hốc miệng vì kinh ngạc: “Em là Helen! Bạn là Helen! Bạn có nhớ không?” Bà ngước nhìn ông rất đỗi ngạc nhiên. Ông ta lại hét lên: “Helen!” Sau đó, sương mù quá khứ tan biến. Đèn trí nhớ bật sáng! Bà dần nhận ra bản thân thất lạc của mình; bà vòng tay ôm bạn mình và khóc. Bà vứt bỏ quần áo rách nát và một lần nữa trở thành nữ hoàng như bà đã được sinh ra.

¯Thiên Chúa tìm chúng ta một cách tương tự. Ngài gọi chúng ta bằng tên riêng. Ngài dùng mọi cách có thể để tìm chúng ta và cố gắng nói với chúng ta về giá trị của chúng ta đối với Ngài. (Brian Cavanaugh trong The Sower’s Seeds; do Cha Botelho trích dẫn).

 

3/ “EUREKA, EUREKA!”

Theo truyền thuyết, Hieros II (vua của Thành quốc Hy Lạp Syracuse trên đảo Sicily) đã yêu cầu Archimedes (một nhà toán học, vật lý, kỹ sư, nhà phát minh và nhà thiên văn học người Hy Lạp, (287-212 TCN) tìm ra phương pháp để xác định đâu là chiếc vương miện làm bằng vàng nguyên chất, hoặc bằng vàng pha bạc. Một ngày nọ, khi Archimedes bước vào bồn tắm và nhận thấy nước dâng lên khi ông ngồi xuống. Ông khỏa thân vội chạy ra khỏi nhà và hét lên: “Eureka! Eureka!” (“Tôi đã tìm thấy nó!”) Phương pháp để xác định vương miện có phải là vàng nguyên chất hay không, được Archimedes phát hiện trong bồn tắm của mình, là so sánh trọng lượng với thể tích của nó. Nếu một người có một kilôgram vàng và một kilôgram bạc, và nhấn chìm nó trong nước, bạc sẽ làm cho nước dâng cao hơn vàng, bởi vì nó có tỷ trọng nhỏ hơn vàng, và do đó, có thể tích lớn hơn; nó chiếm nhiều không gian hơn bằng cách dâng nhiều nước hơn. Archimedes so sánh thể tích nước bị chiếm chỗ của chiếc vương miện khả nghi, với chiếc vương miện bằng vàng nguyên chất. Và ông đã nhận ra sự thật. Có vẻ Archimedes bất ngờ “tìm thấy” định luật vậy lí này, tuy nhiên chắc hẳn ông đã phải dành nhiều thời gian để suy nghĩ, tìm hiểu, và đối chiếu…

¯Tin Mừng hôm nay trình bày biến cố Gioan nhận biết Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa”, và cách thế Anrê, Simon và Nathanael khám phá ra Người là “Đấng Messia” một cách khá bất ngờ. Chúa Giêsu là “Eureka” của họ.

 

4/ TU VIỆN KHÔNG NGỦ

Các thánh là những người đã khám phá ra giá trị đích thực của mối tương giao cá nhân, thân mật với Chúa và không muốn bỏ mất nó với bất cứ giá nào. Thánh Marcellô Đấng Công Chính là một ví dụ điển hình. Ngài xuất thân từ một gia đình đạo hạnh ở Syria và sống vào những năm 400. Ngài được giáo dục tốt, và bước vào tuổi trưởng thành với một tương lai tươi sáng. Sau đó, cha mẹ ngài qua đời và ngài được thừa hưởng một tài sản đáng kể của họ. Bây giờ ngài phải quyết định xem sẽ làm gì với khối tài sản này. Hầu hết người bình thường chắc sẽ chỉ nghĩ đơn giản là tận hưởng. Nhưng Marcellô là một người luôn suy tư, và ngài đã cảm nghiệm điều gì đó không hài lòng về một đời sống chỉ hướng đến công việc và những thú vui trần gian. Ngài nghĩ: “Nếu mọi thứ trên thế giới này sẽ qua đi, và bản thân tôi cũng vậy, thì đâu là điểm tới?” Khi ngài cầu nguyện và tìm hiểu Đức tin để vượt qua tình trạng băn khoăn này, thì một hình ảnh sống động sau đây đã đến với ngài: Những đứa trẻ nhỏ tìm thấy hạnh phúc ngay từ các đồ chơi của chúng, còn người lớn thì lại coi đó là sự nhạt nhẽo vô bổ. Thay vào đó, họ bươn bải tìm tiền bạc, thành công và lạc thú. Nhưng Marcellô suy nghĩ, những thứ như vậy sẽ như thế nào theo cái nhìn của Chúa, nếu đó không phải là chuyện ngu ngốc tầm thường? Và để theo đuổi những giá trị lâu dài, ngài chuyển đến Ephêsô (thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) và đặt mình dưới sự linh hướng của những vị tu sĩ già dặn kinh nghiệm và quyết chí tu tập. Ngài bắt đầu nổi tiếng về nhân đức, về sự thánh thiện và thông thái, và cuối cùng trở thành viện trưởng đáng kính của một tu viện rộng lớn gần Constantinople. Ngài trở thành cố vấn rất uy tín cho các hoàng đế, giám mục và các công đồng. Trong tu viện của ngài, các tu sĩ được chia thành nhiều ca đoàn nhỏ khác nhau, để vào mỗi giờ cả ngày lẫn đêm, ít nhất một ca đoàn có thể hát ngợi khen Chúa. Vì lý do này, tu viện được gọi là “Akimetes”, có nghĩa là “không ngủ”.

¯Đây là một mẫu gương sống động về một nỗ lực đi tìm Chúa. Nếu người ta cứ kiên trì và nỗ lực tìm Chúa thì cuối cùng Ngài sẽ cho họ gặp được Ngài. (E-Priest).

 

5/ CUỐN THEO CHIỀU GIÓ

“Cuốn theo chiều gió” là một bộ phim nổi tiếng, được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên, tác giả là Margaret Mitchell, xuất bản năm 1936. Cuốn phim rất thành công, nó dẫn đầu danh sách 100 bộ phim thành công nhất mọi thời đại về doanh thu tại Hoa Kỳ. Nhưng không ai biết rằng đạo diễn David O. Selznick phải vô cùng vất vả để tìm một nữ diễn viên đóng vai Scarlett O’Hara, nhân vật chính của phim. David Selznick đã cân nhắc ba bốn chục nữ diễn viên khác nhau cho vai người phụ nữ miền Nam này. Cuối cùng, ông đã đưa ra một lựa chọn đáng ngạc nhiên: không phải một cô gái sinh ra ở miền Nam hay thậm chí ở Mỹ, mà sinh ra ở Ấn Độ với cha mẹ là người Anh. Tên cô ấy là Vivien Leigh. Hầu như tất cả mọi người đều đồng ý rằng cô đã đóng một Scarlett O’Hara tuyệt vời, xuất sắc, đã để lại trong lòng khán giả những cảm xúc khó quên. David Selznick đã rất cẩn thận trong việc chọn đúng người cho vai diễn nổi tiếng đó.

¯Chủ đề Lời Chúa hôm nay là ơn gọi người môn đệ. Chúa đã chọn mỗi người chúng ta vào một vai trò nhất định trong kế hoạch cứu độ của Ngài. Xin cho chúng ta hết lòng sống trọn ơn gọi đó.

 

6/ NGƯỜI PHẢI LỚN LÊN

Trong Nhà thờ Thánh Phaolô ở Luân Đôn có một phòng trưng bày hình tròn, nơi bất kỳ âm thanh nào đều dội lại từ những bức tường đá nhẵn bóng. Nếu bạn áp tai vào tường, bạn có thể nghe thấy những gì thậm chí thì thầm ở phía bên kia bức tường, cách xa nhiều mét. Nhiều năm trước, một người thợ đóng giày nghèo đã thủ thỉ với người yêu rằng anh ta không thể lấy cô ấy vì anh ta không đủ tiền mua bất kỳ nguyên liệu thô nào cho công việc của mình, và việc kinh doanh của anh ta đang trên đà tàn lụi. Cô gái tội nghiệp khóc thút thít khi nghe tin buồn. Một quý ông ở phía bên kia phòng trưng bày cách đó hơn sáu mươi mét đã nghe được câu chuyện và lời cầu nguyện thì thầm của người thợ đóng giày. Ông thấy cảm thương và quyết định làm điều gì đó để giúp đỡ. Người đàn ông đi theo người thợ giày ra khỏi nhà thờ và sau khi tìm thấy nơi anh ta sống; ông đã gửi một số da thuộc đến cửa hàng của anh ta. Người thanh niên rất đỗi vui mừng; anh đã tận lực sử dụng sự giúp đỡ này. Chẳng bao lâu công việc kinh doanh của anh trở nên phát đạt. Tiếp theo anh đã có thể kết hôn được với cô gái của lòng mình. Mãi đến vài năm sau, anh mới biết tên của người bạn không quen biết, đó là Thủ tướng William Gladstone của Vương quốc Anh. (Từ Phụng vụ Chúa nhật; trích dẫn của cha Botelho).

¯Chúng ta được mời gọi sống mẫu gương của Gioan Tẩy Giả là để cho Chúa lớn lên nơi tha nhân.

 

7/ HÃY ĐẾN MÀ XEM

Hai người đàn ông là đối tác kinh doanh trong hơn hai mươi năm, gặp nhau vào một buổi sáng Chúa nhật khi họ rời khỏi một nhà hàng. Một người hỏi người kia: “Sáng nay bạn đi đâu?” Người thứ hai trả lời khá hối lỗi: “Tôi sẽ chơi gôn. Còn bạn thì sao?” Người đầu tiên nói: “Tôi sẽ đến Nhà thờ”. Người thứ hai nói: “Sao anh không từ bỏ những thứ tạp nham ấy đi?” Người đầu tiên hỏi: “Anh muốn nói gì vậy?” Đối tác của ông nói: “Chà, chúng ta đã là đối tác được hai mươi năm rồi. Chúng ta đã cùng nhau làm việc, cùng nhau tham dự các cuộc họp hội đồng quản trị, ăn trưa cùng nhau, và trong suốt hai mươi năm qua, bạn chưa bao giờ hỏi tôi về việc đi Nhà thờ. Bạn chưa bao giờ mời tôi đi cùng bạn. Rõ ràng là đức tin không có ý nghĩa nhiều với bạn.” (John A. Stroman, God’s Downward Mobility, Công ty xuất bản CSS)

¯ Đừng để mình rơi vào tình trạng đó. Đừng để người khác nghĩ rằng Đức tin của bạn không quan trọng lắm với bạn.

 

8/ NGHỀ NGHIỆP CỦA BẠN LÀ GÌ

Một người lạ từng hỏi một giáo sư: “Nghề nghiệp của bà là gì?” Nữ giáo sư trả lời: “Kitô hữu”. Người lạ tiếp tục: “Không, ý tôi không phải vậy. Công việc của bà là gì?” Giáo sư khẳng định một lần nữa: “Tôi là người theo đạo Thiên Chúa!” Bối rối, người lạ nói rõ: “Có lẽ tôi nên hỏi, bà làm gì để kiếm sống?” Nữ giáo sư trả lời: “Ồ, tôi có công việc toàn thời gian là một Kitô hữu. Nhưng để nuôi chồng và con ốm đau, tôi dạy học ở trường”.

¯Vị giáo sư đó chắc chắn đã hiểu ý nghĩa của vai trò làm môn đệ được tóm tắt trong Thánh vịnh Đáp ca hôm nay (40): “Lạy Chúa, này con đến để thi hành ý Chúa”. (Cha Botelho).

 

9/ ƠN GỌI THẦM LẶNG

Thánh Catherine Labouré là một trường hợp cho thấy Chúa thích sử dụng những sứ giả, đặc biệt là những người luôn tập trung vào sứ điệp. Thánh Catherine sinh ra trong một gia đình đông con ở miền trung nước Pháp vào những năm 1800. Khi mẹ chị qua đời và chị gái cô vào tu viện, chị đảm nhận trách nhiệm quản lý nhà cửa cho cha mình, cho đến khi chị cũng cảm nhận được tiếng gọi sống đời tu trì. Chị gia nhập Dòng Nữ tử Bác ái Vinh Sơn đệ Phaolô ở Paris, nơi chị được ban cho một loạt thị kiến, trong đó Đức Trinh Nữ Maria đã yêu cầu chị thực hiện một tấm mề đay vì lợi ích của các tín hữu trên toàn thế giới. Tấm mề đay sau này được gọi là “Ảnh Phép Lạ” vì nguồn gốc của nó xuất phát từ những thị kiến kỳ diệu này. Đức Trinh Nữ đã giải thích chi tiết mọi điều xuất hiện trên tấm ảnh. Thánh Catherine đã giao phó nhiệm vụ thiêng liêng này cho cha giải tội của mình, vị đã thực hiện nhiệm vụ đó. Nhưng Catherine bắt ngài hứa không tiết lộ danh tính của chị. Bản thân chị cũng không đề cập đến những thị kiến với bất kỳ ai khác. Và chị cũng kiên quyết không muốn xuất hiện trước các nhà chức trách giáo hội, ngay cả khi giám mục Paris đặt vấn đề về tính xác thực của những thị kiến. Cuối cùng, loạt Ảnh Phép Lạ đầu tiên đã được sản xuất và kể từ đó nó đã trở thành dấu hiệu của niềm hy vọng và đức tin cho hàng triệu người Công giáo trên toàn thế giới. (E-Priest).

 

CHUYỆN VUI

 

1.Một cậu bé đi lễ với bố, ngồi nghe một bài giảng khá dài và  nhàm chán trong Nhà thờ. Đột nhiên, ngọn đèn chầu màu đỏ ở nhà tạm thu hút sự chú ý của cậu. Kéo tay áo bố, cậu nói: “Bố ơi, khi đèn xanh chúng ta có về nhà được không?”

 

2.Một cậu bé Công giáo và một cậu bé Do Thái nói chuyện với nhau, cậu bé Công giáo nói: “Linh mục của tớ biết nhiều hơn giáo sĩ của bạn.” Cậu bé Do Thái nói: “Tất nhiên rồi! Đó là bởi vì bạn đã kể cho ông ấy nghe mọi chuyện khi xưng tội.”

 

3.Lời khai của con rể: Một doanh nhân Do Thái giàu có tên là Raymond đến gặp Ben, con rể sắp cưới của gia đình. Ông hỏi  Ben: “Ben con của ta, hãy nói cho ta biết, con làm nghề gì?” Ben trả lời: “Con học Thần học”;  “Nhưng Ben, anh sắp cưới con gái ta! Con sẽ lo cho cô ấy ăn ở như thế nào?” Ben nói: “Không có vấn đề gì, con học Thần học và đức tin dạy rằng Chúa sẽ lo liệu tất cả.” Raymond hỏi: “Nhưng anh sẽ có con; anh sẽ giáo dục chúng như thế nào?” Ben nói: “Không có vấn đề gì, con học Thần học và đức tin dạy rằng Chúa sẽ lo liệu.” Khi Raymond trở về nhà, vợ ông lo lắng hỏi ông Ben như thế nào. Raymond nói: “Chà, anh ấy là một người đáng yêu. Tôi mới gặp nó mà nó đã nghĩ tôi là Chúa rồi.” (Nguồn: Truyện cười của người Do Thái)

 

4.Cha xứ tệ hơn. Trong Thánh lễ sáng Chúa nhật, cha xứ  thông báo với cộng đoàn rằng đức giám mục vừa bổ nhiệm ngài đến một giáo xứ khác. Sau Thánh lễ, một người phụ nữ đến gặp ngài và bày tỏ sự tiếc nhớ trước sự ra đi của ngài. Cha xứ cố gắng an ủi bà: “Ồ, tôi chắc chắn đức giám mục sẽ gửi cho giáo xứ một người giỏi hơn tôi nhiều”. Người phụ nữ trả lời: “Không, điều đó sẽ không xảy ra, và điều đó không thể xảy ra.” “Tại sao vậy?” Vị linh mục hỏi, không thể cưỡng lại cám dỗ muốn nghe một lời khen ngợi cao nhất về mình. Người phụ nữ nói: “Bởi vì con đã đón năm cha xứ trong giáo xứ này, và mỗi cha xứ mới lại tệ hơn cha xứ trước.”

 

Lm Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm

 

Bài cùng chuyên mục:

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 6 PS năm B - 2024 (01/05/2024 20:55:01 - Xem: 102)

Chúa mời gọi chúng ta trở thành những môn đệ yêu thương nhau. Chính chúng ta là những người chữa lành và tiếp thêm sức mạnh cho người khác khi chúng ta học cách cho đi và yêu thương họ.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 6 Phục sinh năm B (30/04/2024 19:02:43 - Xem: 146)

Yêu thương là điều tự nhiên trong đời sống con người. Ai cũng muốn yêu và được yêu. Tuy nhiên, tình yêu không phải là thứ tình cảm cạn cợt và hời hợt như tình đời.

Gia vị cho bài giảng lễ CN 5 Phục sinh năm B - 2024 (25/04/2024 21:57:07 - Xem: 462)

Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói về sự “kết nối” này qua hình ảnh cây nho và cành nho. Cành nho chỉ sinh hoa trái nếu kết nối với cây nho.

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 5 Phục sinh năm B - 2024 (24/04/2024 21:22:10 - Xem: 437)

Để ở lại và hưởng nguồn sống của Ðấng Phục Sinh, ta phải thông phần với thập giá của Chúa. Chính Ngài là “Con yêu dấu” của Chúa Cha cũng phải được cắt tỉa qua khổ đau

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu chăm sóc con người (21/04/2024 00:27:16 - Xem: 254)

Chúa Giêsu biết rất rõ chúng ta. Câu này nghe có vẻ lạ tai, nhưng phản ánh đúng tính chất siêu phàm của Thiên Chúa.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 4 PS năm B (19/04/2024 00:46:30 - Xem: 445)

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành nói rằng Người biết tên từng con chiên của mình.

Tại sao 40 ngày sau phục sinh, Chúa Giê-su mới về trời! (18/04/2024 00:00:21 - Xem: 297)

Cách thức Chúa chứng minh Ngài đã sống lại rất thực tế với tâm lý con người. Từ đó cho thấy tường thuật của các tác giả Tin Mừng không hề hư cấu, không bịa đặt vẽ vời…

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 4 Phục sinh năm B (17/04/2024 23:56:59 - Xem: 0)

Ngày nay có nhiều người trẻ không muốn đi tu, có thể vì họ thấy nơi một số các linh mục và tu sĩ có một kiểu sống khô khan vị kỷ, không quảng đại và vui tươi hồn nhiên...

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 3 PS năm B (11/04/2024 08:22:12 - Xem: 632)

Việc Chúa Giêsu phục sinh không phải là một thứ kinh nghiệm tôn giáo nào đó, mà rõ ràng là chuyện thực tế trước mắt, vì các tông đồ đã chứng kiến tận mắt.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 3 Phục sinh năm B - 2024 (10/04/2024 08:06:33 - Xem: 715)

Các tông đồ không nhận ra Chúa Phục Sinh vì sợ hãi, nhưng người ta có thể không nhận ra chân lý vì tự mãn, kiêu ngạo và thành kiến.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7