Lời chúa mỗi ngày

Thứ Tư 18/12/2024 – Thứ Tư tuần 3 mùa vọng. – Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.

  • In trang này
  • Lượt xem: 2,882
  • Ngày đăng: 17/12/2024 10:00:00

Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.

18/12 – Thứ Tư tuần 3 mùa vọng.

"Chúa Giêsu sẽ sinh bởi Ðức Trinh Nữ Maria, vị hôn thê của Thánh Giuse, thuộc dòng dõi Ðavít".

 

LỜI CHÚA: Mt 1, 18-24

Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse bạn của Bà là người công chính, không muốn tố cáo Bà, định tâm lìa bỏ Bà cách kín đáo.

Nhưng đang khi định tâm như vậy, thiên thần Chúa hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: "Hỡi Giuse, con vua Ðavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai bởi phép Chúa Thánh Thần: Bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội". Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng tiên tri phán xưa rằng: "Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta".

Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền: Ông tiếp nhận bạn mình, nhưng không ăn ở với nhau cho đến khi Maria sinh con trai đầu lòng, thì Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ. )

Thiên Chúa bất ngờ và mãi mãi bất ngờ.

Ngài muốn cứu độ nhân loại bằng cách sai Con Một làm người.

Cách trở thành người của Con Thiên Chúa

vừa bình thường, lại vừa tuyệt đối khác thường.

Bình thường vì Ngài được một phụ nữ sinh ra (x. Gl 4, 4).

Khác thường vì Ngài được sinh ra không do một người cha ruột,

nhưng do quyền năng của Thánh Thần (cc. 18. 20).

Đây là niềm tin ngay từ thuở ban đầu của các Kitô hữu.

Giáo Hội sung sướng đến với máng cỏ

để chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu và Mẹ đồng trinh của Ngài.

Nhưng chúng ta không được quên thánh Giuse.

Giuse đã bối rối, đau khổ khi thấy vị hôn thê của ông mang thai,

dù Maria chưa về chung sống với ông, dù chưa làm đám cưới.

Ông không muốn tố cáo Maria vì tội ngoại tình,

nhưng ông cũng không thể lấy Maria làm vợ,

với thai nhi trong bụng không phải của ông.

Cuối cùng ông chọn giải pháp là chia tay bà một cách kín đáo (c. 19).

Như thế ông hy vọng sẽ bảo vệ được danh dự và an toàn cho Maria.

Nhưng Thiên Chúa Cha cần Giuse,

cần một người cha nhân loại cho Con mình.

Con Thiên Chúa không thể sinh ra trong một gia đình không cha.

Người cha cần biết bao cho sự phát triển quân bình của đứa trẻ.

Maria cũng cần chỗ dựa và không thể một mình nuôi con.

Qua sứ thần, Thiên Chúa mong Giuse đón Maria về làm vợ (c. 20),

nghĩa là làm đám cưới chính thức với Maria.

Việc này đi kèm với việc đặt tên cho người con trai của Maria,

nghĩa là nhận người con ấy là con của mình trước pháp luật (c. 21).

Một lời mời quan trọng chờ nơi Giuse một tiếng Xin Vâng.

Đâu phải Thiên Chúa chỉ cần tiếng Xin Vâng của Maria là đủ.

Giuse có thể từ khước vì thấy mầu nhiệm khó hiểu và khó tin.

Làm sao quyền năng Thánh Thần lại có thể làm cho Maria mang thai?

Giuse có thể sợ vì thấy mình phải chịu trách nhiệm làm chồng làm cha,

dù thực sự mình chẳng hề là thế.

Thiên Chúa đã mời Giuse trong giấc ngủ đêm khuya.

Và ông đã làm y như lời sứ thần truyền khi thức dậy (c. 24).

Tiếng Xin Vâng của Giuse quá quan trọng cho kế hoạch cứu độ,

nhờ đó Con Thiên Chúa đàng hoàng bước vào cuộc đời,

có một mái nhà, có mẹ, có cha, có tên, có tuổi.

Nếu không có những tiếng Xin Vâng của Maria và Giuse,

thì điều gì sẽ xảy ra cho nhân loại đang cần ơn cứu độ?

Thiên Chúa chỉ ở-với-chúng ta nếu có những tấm lòng xin vâng.

Ngài vẫn cần tấm lòng của người mẹ biết cưu mang như Maria,

và tấm lòng của người cha dám chịu trách nhiệm

để Giêsu có chỗ đứng hợp pháp trong thế giới.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

sống cho Chúa thật là điều khó.

Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.

Chúa đòi con cho Chúa tất cả

để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.

Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa

để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.

Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà

để cây đời con sinh thêm hoa trái.

Chúa cương quyết chinh phục con

cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.

Xin cho con dám ra khỏi mình,

ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan

để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,

dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con cảm nghiệm được rằng

trước khi con tập sống cho Chúa

và thuộc về Chúa

thì Chúa đã sống cho con

và thuộc về con từ lâu. Amen.

 

Suy Niệm 2: Triều đại công chính

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Từ xưa người nghèo luôn bị bóc lột. Dân nghèo luôn bị nô lệ. Vì thế luôn mong chờ một triều đại công chính. Giê-rê-mi-a loan báo sẽ có vua công chính từ dòng dõi Đa-vit. Sẽ thi hành điều chính trực công minh. Sẽ là “sự công chính của chúng ta”.

Công bình chính trực. Công bình là của ai phải trả lại cho người ấy. Người ta bất công vì muốn chiếm đoạt của người khác. Vì thế sinh ra chiến tranh, oán hờn, bất ổn. Đặc biệt người ta chiếm đoạt quyền của Thiên Chúa. Cần phải “của Xê-da trả cho Xê-da; của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa”(Mc 12,17). Chỉ khi Vua Công Chính đến ta mới được hưởng nền “thái bình thịnh trị”.

Thánh Giu-se thuộc về triều đại công chính. Nên Người sống công chính. Chỉ dám nhận những gì thuộc về mình. Không dám nhận Ma-ri-a vì Mẹ thuộc về Thiên Chúa. Không dám nhận Chúa Giê-su vì Chúa là Con Thiên Chúa. Không dám tố cáo Ma-ri-a vì quyền xét đoán thuộc về Thiên Chúa. Thánh nhân chỉ biết lặng lẽ rút lui. Để Thiên Chúa ra tay. Vì quyền thuộc về Thiên Chúa. Quả nhiên Thiên Chúa đã nói với thánh Cả: “Đừng sợ nhận Ma-ri-a”. Lại còn truyền cho ngài đặt tên cho con trẻ. Đặt tên là có quyền trên con trẻ. Con trẻ được trinh nữ sinh ra. Trinh nữ làm sao sinh con. Đó chỉ có thể là quyền năng của Thiên Chúa. Nhưng Giu-se được quyền. Vì Chúa là Em-ma-nu-en. Là Thiên Chúa ở với loài người. Chỉ khi được Thiên Chúa trao quyền, Giu-se mới dám trở về lãnh nhận. Đó là người công chính.

Người công chính. Thuộc về triều đại công chính. Xứng đáng đón nhận Vua Công Chính. Đó là tấm gương cho ta. Ta cũng phải sống công chính. Để được là thần dân của Vua Công Chính. Ta phải làm chứng cho Vua Công Chính. Nên phải sống công chính. Ta phải cùng người xây dựng triều đại công chính. Nên phải sống công chính.

Lạy Vua Công Chính, xin hãy đến. Xin hãy giúp con sống công chính. Để góp phần thay đổi thế giới này. Một thế giới còn quá nhiều bất công. Nơi người mạnh ức hiếp người yếu. Người giầu chèn ép người nghèo. Người có quyền chà đạp người dân lành. Xin cho con biết xây dựng triều đại công chính. Để Chúa ngự trị trên thế giới. Để muôn dân được hưởng nền thái bình thịnh trị.

 

Suy Niệm 3: Dòng Tộc Của Chúa Kitô

(‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)

Có một vị vua kia đã già cả nhưng lại không có con nối dõi tông đường, nên nhà vua đã ra lệnh mời các chàng trai trẻ đến cung vua để chọn một người làm dưỡng tử mà sau này sẽ lên ngôi cai trị. Ðiều kiện thật đơn giản, chỉ cần người đó biết mến Chúa và yêu mến anh em hết lòng.

Từ một vùng quê xa xôi, một chàng thanh niên cũng biết đến việc chọn này của nhà vua. Chàng muốn đến cung vua ứng thi nhưng khốn nỗi chàng chẳng có một bộ áo quần nào xứng cho buổi triều yết. Sau một thời gian dành dụm, cuối cùng chàng cũng cố gắng sắm cho mình một bộ đồ tạm xứng với lối triều yết.

Ðến gần hoàng cung, chàng gặp một ông lão xá lạy bên vệ đường trong bộ quần áo rách rưới. Ông lão ngửa tay xin bộ đồ chàng đang mặc.

Ðộng lòng thương, chẳng chút ngần ngừ chàng đổi cho ông già bộ quần áo của mình.

Khi đến gần cửa thành, lòng chàng lại hoang mang chẳng biết lính canh có cho chàng vào với quần áo tả tơi như vậy không. May mắn thay chẳng một ai hạch hỏi về quần áo của chàng và khi đến trước ngai rồng chàng càng ngạc nhiên hơn nữa, vị vua đang ngồi trên ngai chính là ông già ăn xin đã được chàng giúp cho bộ quần áo. Chàng không tin vào mắt của mình. Nhưng kìa, vua đang mỉm cười nhìn chàng: "Hỡi con yêu dấu, hãy đến đây, ta đang chờ con".

Anh chị em thân mến!

Chàng thanh niên đã được chọn làm dưỡng tử và làm thừa kế nhờ tấm lòng quảng đại bao dung của anh. Hôm nay thánh sử Matthêu cũng tường thuật việc Vua trời đất chọn lựa một người Cha cho mình trước khi Ngài đến ở với con người.

Xét về nguồn gốc, thánh Giuse đích thực thuộc dòng dõi David, hậu duệ của vua David. Ðấng Cứu Thế sẽ sinh ra trong dòng dõi này để ứng nghiệm lời các tiên tri đã báo trước: "Này đây đã tới ngày Ta gây cho David một mầm giống công chính, mầm giống này sẽ làm Vua thống trị, sẽ là người khôn ngoan thực hiện công lý và công bình trên đất nước". Hoặc ở một chỗ khác: "Chúa sẽ tạo lập cho David một nhà. Nhà của Người và triều đại của Người sẽ vững chắc đến muôn đời. Ngôi báu của Người sẽ vững bền mãi mãi".

Tuy nhiên, hậu duệ của David không phải chỉ có một mình Giuse nhưng đã có hàng trăm hàng ngàn hậu duệ ấy Giuse đã được chọn làm dưỡng tử của Con Thiên Chúa, vì Ngài quảng đại và bao dung.

Một gia đình sống đời vợ chồng ai lại chẳng mơ ước đến chuyện chung chăn gối, thế mà Giuse lại ký kết hôn ước với một người đã thề hứa suốt đời không biết đến người Nam. Và rồi người Nữ mà Ngài hết lòng yêu mến và quí trọng ấy bỗng dưng lại mang thai. Nàng là người đức hạnh đoan trang sao lại bụng mang dạ chửa cách lén lút?

Theo luật Do Thái, Giuse có thể tố cáo người Nữ ấy trước Hội Trường Do Thái để nàng bị ném đá vì tội ngoại tình. Nhưng do tấm lòng bao dung ngài đã không làm thế. Ngài chỉ muốn âm thầm rút lui, không cãi vã to tiếng. Ngài tôn trọng nàng, ngài muốn để mặc cho nàng tự phân xử.

Ðang khi định tâm như vậy thì Thiên Chúa đã ra tay can thiệp, vì ngần ấy diễn tiến cũng đủ để cho Giuse làm dưỡng tử của Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Lời của sứ thần đã soi sáng giải đáp thắc mắc bấy lâu đang dày vò tâm hồn Giuse. Hơn thế nữa, sứ thần đã trao cho Giuse nhiệm vụ đặt tên cho con trẻ mới sinh. Với người Do Thái chỉ có người cha là người có quyền tối hậu trong việc đặt tên cho đứa trẻ, dù cho bà con thân thuộc có muốn gì đi nữa khi chưa có ý kiến của người cha thì việc đặt tên cũng không mang lại giá trị gì.

Như chúng ta đã thấy buổi lễ đặt tên cho Gioan Tẩy Giả cũng phải do người cha đặt tên. Ở đây cũng vậy, Giuse được Thiên Chúa ra tay can thiệp để lòng yêu thương nơi Ngài không bị rạn nứt, sứt mẻ, mà từ đây lòng yêu thương đã có dịp bộc lộ trọn vẹn. Giuse đã đón nhận người bạn đời về nhà mình và hết lòng yêu thương chăm sóc cho nàng cũng như cho người Con nàng đang cưu mang.

Thật thế, cuộc đời của mỗi người cũng có lúc căng thẳng, phân vân, đau khổ vì phải chọn lựa quyết định, nhưng Thiên Chúa Ngài đã thông suốt tất cả những giai cấp này, thế nhưng Ngài vẫn im lặng chờ đợi. Ngài chờ phản ứng nơi mỗi người chúng ta do yêu thương hay giận ghét, nếu chúng ta xử sự với tấm lòng yêu thương quảng đại thì chắc chắn Ngài sẽ kịp thời trợ giúp và chẳng bao giờ Ngài để cho lòng yêu thương bị rạn nứt sứt mẻ. Trong mùa đón chờ vị Vua tình yêu giáng thế, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta sẽ luôn dùng thái độ bao dung quảng đại làm kim chỉ nam hướng dẫn các suy tưởng và hành động của mỗi người chúng ta.

 

Suy Niệm 4: Đấng Emmanuel

Giữa lúc dân Israel đang bị lưu đầy ở Babylon, Thiên Chúa đã sai Yêrêmia loan báo một Tin mừng là Ngài sẽ ban cho họ một vị vua sẽ đưa dân lưu đầy trở lại quê hương và thiết lập một dân Israel mới. Vị vua ấy được thánh Matthêu giới thiệu là Đấng Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng tôi.

Ngay từ đầu, Thiên Chúa đã ở giữa dân Ngài. Ngài đã ở với họ trong áng mây, cột lửa, Ngài đã ở nơi họ trong Hòm Bia giao ước và nơi các nhân vật đặc tuyển. Nhưng vì muốn ở với họ một cách sâu xa hơn. Ngài đã trở nên Đấng Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng tôi.

Tuy nhiên, để có thể ở giữa loài người, Ngài đã muốn có sự cộng tác của con người. Đức Maria là người đầu tiên và gương mẫu của việc thực hiện kế hoạch Emmanuel. Đứng trước kế hoạch hoàn toàn trái ngược với hoài bão và mơ ước của mình, Người đã tự xoá bỏ mình và cúi đầu vâng phục. Thánh Giuse cũng vậy, sau khi đã được giải thích cho biết về kế hoạch thần linh, Người cũng đã sẵn lòng quên mình để  cho ý định của Thiên Chúa được hoàn tất. Chính việc tự xoá mình và hoàn toàn giao phó đời mình cho Thiên Chúa đã làm cho tình yêu của các ngài sung mãn và đạt đến mức thiên giới mà không cần quan hệ giới tình.

Đấng Emmaanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng tôi vẫn đang làm cho nhân loại xoá bỏ những chia rẽ, đố kỵ, ngăn cách để được hợp nhất với nhau trong tình yêu, bởi vì, Ngài là Tình yêu, Ngài sẽ không thể tìm được nơi ở, bao lâu nhân loại còn đầy những ích kỷ, oán hận, tranh chấp.

Nhưng trên tất cả, Ngài muốn có một chỗ trong tâm hồn chúng ta. Ước gì chúng ta biết mở rộng lòng đón lấy Ngài, nên một với Ngài, nhờ đó Ngài có thể mãi mãi là Đấng Emmanuel cho ta và cho nhân loại hôm nay.

 

Suy Niệm 5: Trong kế hoạch của Thiên Chúa

Ông đang toan tính như vậy, thì sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, là con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”. (Mt. 1, 20-21)

Nhiều khi chúng ta làm hỏng kế hoạch của Thiên Chúa vì không biết được tính chất huyền nhiệm. Hôm nay, Tin mừng cho chúng ta thấy Giu-se như chống lại đường lối huyền nhiệm của Thiên Chúa.

Giu-se bị đặt trước sự kiện một con trẻ được cưu mang bởi một nữ đồng trinh. Đức Maria, vị hôn thê của ông, được chọn làm Mẹ theo ý định mầu nhiệm của Thiên Chúa. Mẹ được chọn đi vào đường lối khác thường. Thái độ của Mẹ thế nào? Thái độ của người công chính ra sao? Không phải thứ công chính giữ theo luật pháp, cũng không theo ý niệm loài người của Maria. Công chính đây theo nghĩa riêng của Kinh thánh là hợp với thánh ý Thiên Chúa. Giu-se công chính vì ông kính trọng công trình của Thiên Chúa và thực thi vai trò Thiên Chúa xếp đặt cho ông. Trong khi thánh Giu-se chuẩn bị cho Maria hoàn toàn tự do theo đường lối nhiệm mầu của Thiên Chúa đã se định, thì Thiên Chúa đã làm cho ông khám phá ra rằng ông cũng giữ một vai trò thiết yếu đối với xã hội là bảo lãnh cho Đức Giêsu thuộc gia hệ ông. Thực vậy, chính nhờ ông, Đức Giêsu thuộc dòng Đa-vít. Ông đã làm tròn vai trò đó khi nhận Maria làm vợ, đồng thời bảo đảm cho con trẻ sắp sinh ra có cha trước luật pháp. Nhờ thế Thiên Chúa đã thực hiện kế hoạch đã định cho Đấng Cứu thế thuộc con dòng Đa-vít.

Khi nhận ra thân phận loài người chúng ta, Đức Giêsu cho chúng ta thấy rõ rằng chính trong lịch sử đời mỗi người chúng ta, trong cuộc sống hàng ngày Chúa Cha cũng thực hiện kế hoạch cứu độ của Ngài. Chúng ta có thể noi theo thái độ của người công chính như thánh Giu-se không? Với con mắt đức tin, chúng ta có sẵn sàng luôn luôn chú ý tuân theo ý Chúa đang thực hiện trong đời sống chúng ta không?

R. St. G

 

Suy Niệm 6: Thiên Chúa ở cùng chúng ta

Giữa lúc dân Israel đang quằn quại trong cảnh lưu đầy tại Babylon. Dân mong ngóng được Thiên Chúa giải thoát khỏi cảnh sầu thương tang tóc. Sự mong đợi của dân đã được Thiên Chúa nhìn đến khi cho xuất hiện tiên tri Giêrêmia đến để loan báo tin vui cho dân, ngài loan báo: một vị Vua Công Chính, Khôn Ngoan sẽ ngự trị để lãnh đạo dân, và Ngài sẽ được gọi là: “Chúa công bình của chúng ta”. Sứ vụ của vị vua này chính là đưa dân trở về quê hương để lập lại một dân mới.

Sang bài Tin Mừng, thánh Mátthêu giới thiệu cho chúng ta biết vị vua đó chính là Đấng Emmanuel, nghĩa là  Đấng Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài ngự giữa dân cách cụ thể và cứu dân bằng con đường tự hủy. Ngài vốn là một Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không dành cho mình địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, mà Ngài đã tự hủy mình đi, nhận lấy thân phận người phàm, trở nên giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi để cứu chuộc chúng ta.

Thật vậy, Đức Giêsu, Đấng là Emmanuel đó đã xóa đi mọi ngăn cách để ở giữa loài người và không ngừng thi ân giáng phúc cho mọi người.

Trong những ngày này, nhiều nơi đang chuẩn bị làm hang đá, tập những bài thánh ca ... để chuẩn bị đón mừng đại lễ Giáng Sinh. Tuy nhiên, những việc làm đó sẽ trở nên vô ích khi chính đời sống nội tâm chúng ta không chuẩn bị thanh lọc những thứ như đố kỵ, giận hờn, ghen ghét ... Vẫn còn bộn bề với lối sống hình thức bên ngoài ... !

Nếu không chừng, Đấng Emmmanuel, đã ở cùng nhân loại nhưng vô phúc cho chúng ta vì Ngài lại không có một chỗ để ở trong cung lòng của ta!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy yêu thương nhau, đón nhận nhau trong tình huynh đệ. Hãy mở rộng cánh cửa tâm hồn để trong sâu thẳm nội tâm, chúng ta có một chỗ cho Đấng Emmanuel ở cùng chúng ta.

Lạy Đấng Emmanuel, xin cho tâm hồn chúng con xứng đáng là máng cỏ cho Ngài ngự trị. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Hạnh phúc khi để Chúa thực hiện điều Chúa muốn

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Thiên Chúa là Đấng Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở giữa loài người để yêu thương và ban ơn cứu độ. Ngài mời gọi ta cùng thực hiện kế hoạch này theo gương Đức Maria và thánh Giuse.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con phải tri ân và cảm phục biết bao vì Đức mẹ và Thánh Giuse vâng phục và cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa. Đứng trước việc Mẹ sẽ thụ thai và sinh con, Mẹ hoàn toàn choáng váng, ngỡ ngàng, nhưng khi hiểu ra được Thánh Ý Chúa, Mẹ hết lòng xin vâng. Đứng trước việc Đức Maria mang thai, thánh Giuse thực sự bối rối và hốt hoảng, nhưng khi hiểu ra được kế hoạch của Chúa về Đấng Em-ma-nu-en, Thánh Giuse xin hết lòng cộng tác.

Lạy Chúa, Lời Chúa hôm nay giúp con hiểu được rằng: con chỉ có thể có được sự bình an, sự cảm thông và hạnh phúc, khi con để cho Chúa thực hiện điều Chúa muốn. Sở dĩ bao gia đình công giáo hôm nay vẫn bất hòa chia rẽ, nghi ngờ nhau và đi đến tình cảnh bi đát là li dị nhau, phải chăng vì đã không để cho Đấng Em-ma-nu-en ngự trị trong lòng họ và họ đã chối từ Thánh Ý Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con biết cộng tác với kế hoạch Em-ma-nu-en của Chúa, để con nỗ lực xóa tan đi những đố kỵ ngăn cách giữa người với người. Xin Chúa hãy cắm lều và ở lại trong lòng con, để biến đổi trái tim chai lì khô cứng của con thành một trái tim yêu thương, luôn biết nhạy cảm trước những nỗi đau khổ của tha nhân. Xin cho con biết chấp nhận thánh giá, những nghịch cảnh trong cuộc đời, để Ý Chúa được nên trọn trong con. Và xin Đấng Em-ma-nu-en ở giữa gia đình con cũng như bao gia đình trên thế giới, để xua đuổi đi những hiểu lầm, tranh chấp, những ích kỷ nhỏ nhen, và ban ơn bình an hiệp nhất cho muôn người. Amen.

Ghi nhớ: ”Chúa Giêsu sẽ sinh bởi Ðức Trinh Nữ Maria, vị hôn thê của Thánh Giuse, thuộc dòng dõi Ðavít”.

 

Suy Niệm 8: Khiêm tốn đón nhận và thực thi ý Chúa

(Lm Carôlô Hồ Bắc Xái)

Phân tích

Bài Tin mừng hôm nay giới thiệu nét thứ hai của Chúa Cứu Thế sắp sinh ra: Ngài là Emmanuel, Thiên Chúa ở với loài người (C. 23). Bài Tin mừng cũng giới thiệu một người đóng vai trò tích cực cho việc Ngài sinh ra: Thánh Giuse.

1. Phần đóng góp của Thánh Giuse vào công trình nhập thể của Chúa Giêsu là:

a/ Cho Chúa Giêsu một tư cách pháp lý là con cháu Đavít, nhờ thế thực hiện đúng lời Thiên Chúa đã hứa xưa từ thời Cựu Ước C. 20b: “Này ông Giuse, là con cháu Đavít”; C. 21 “Ông sẽ đặt tên cho con trẻ”: Thánh Giuse đặt tên cho Chúa Giêsu nghĩa là nhận Chúa Giêsu là con mình theo pháp lý.

b/ Bao bọc Đức Maria và Chúa Giêsu: C. 20c “Đừng ngại đón Maria về; c. 24 “Khi tỉnh giấc, Giuse làm như lời sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà”; c. 25 “Và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu. ”

2. Về ý định ban đầu, Thánh Giuse muốn bỏ đi cách âm thầm kín đáo, các chuyên viên Thánh Kinh còn chưa nhất trí nhau ở một số chi tiết. Nhưng mọi người đều nhất trí về động cơ hướng dẫn mọi hành động của thánh Giuse (ý định ban đầu, và quyết định ở lại sau đó), đó là vì “Giuse là người công chính. ” Một giải thích rất đáng lưu ý là: Ban đầu, Giuse biết mình không phải là cha của đứa bé nên vì công chính mà không dám nhận quyền làm cha, bởi đó định âm thầm ra đi (Công chính=không xâm phạm quyền lợi của người khác); sau đó khi biết ý Thiên Chúa muốn mình bảo bọc Đức Maria và Chúa Giêsu thì, cũng vì công chính nên Ngài đã ở lại (Công chính=thi hành ý Thiên Chúa).

3. Chúa Giêsu là Đấng Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta. ” Tuy là Thiên Chúa, nhưng vì yêu thương loài người, Ngài đã nhập thể sống chung với loài người, bất chấp mọi nghèo nàn, túng thiếu, hèn hạ, khổ sở ... Yêu thương là chia vui sẻ buồn, chia sẻ thân phận ...

Suy gẫm

1. Emmanuel “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”: Chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm nhập thể và nhập thế của Đức Giêsu Kitô. Muốn cứu người, không phải chỉ đứng xa chỉ tay năm ngón, hoặc vẽ kế hoạch rồi cho người khác thực hiện. Nhưng là chia sẻ thân phận, đồng hành, và cuối cùng là chịu thiệt vào thân, leo lên cây Thập Giá. Thập Giá là bước cuối cùng của nhập thể và nhập thế của Chúa Giêsu Kitô. Lạy Chúa, xin dạy con biết dấn thân phục vụ như Chúa.

2. Giuse đã thay đổi kế hoạch của mình để theo ý Chúa. Những nhận định và tính toán của ta, dù đầy thiện chí, nhiều khi lại không hợp với chương trình và ý định của Thiên Chúa. Người công chính là người biết bỏ ý riêng, biết thi hành ý Chúa, biết sống lời Fiat như Mẹ Maria, biết sống câu “Xin đừng theo ý con, nhưng theo ý Cha” như Chúa Giêsu.

3. Với con mắt người đời, tình yêu của đôi nam nữ Giuse và Maria xem ra chỉ là chuyện bình thường. Nhưng với kế hoạch của Thiên Chúa, với sự quảng đại đáp trả ơn Chúa gọi, Mẹ Maria và Thánh Giuse đã góp phần cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa. Lạy Chúa, xin cho con biết dùng tình cảm và tình yêu của con để phục vụ Nước Chúa.

4. “Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như thiên thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” (Mt 1,24)

Tên thánh của tôi là Giuse. Tôi rất tự hào về điều đó và thường tự hỏi “Mình phải làm thế nào để trở nên giống thánh bổn mạng?” Thánh Giuse đã làm như thiên thần dạy là đón nhận Đức Maria. Ngài chấp nhận cuộc sống âm thầm để phục vụ Mẹ Maria và Chúa Giêsu. Còn tôi thì sao? Một lần, tôi nhờ mẹ giặt hộ một bộ quần áo để đi dự tiệc. Vì bận việc, mẹ tôi đã quên. Tôi cằn nhằn và bỏ luôn buổi tiệc… Ngay cả chuyện nhỏ như vậy mà tôi chưa sẵn sàng vui vẻ đón nhận thì kể gì đến những chuyện lớn lao.

Xin Thánh Giuse dạy con biết khiêm tốn đón nhận và thực thi ý Chúa cách trọn vẹn như Ngài.

 

Suy Niệm 9: Truyền tin cho ông Giuse

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Bài Tin Mừng cho chúng ta biết: Đức Maria đã đính hôn với thánh Giuse ... Vì cả hai đã khấn giữ mình đồng trinh nên không chung sống với nhau. Nhưng Maria lại có thai, nên thánh Giuse buồn sầu  định lén bỏ đi. Chúa liền sai Thiên thần đến báo cho ông biết: Maria mang thai là do phép Đức Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai, phải đặt tên là Giêsu. Đây là Đấng Cứu chuộc nhân loại, là Đấng mà các tiên tri đã loan báo và gọi là Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Thánh Giuse đã làm đúng như lời Thiên thần truyền, ông tiếp nhận Maria và khi bà sinh con thì đặt tên là Giêsu.

2. Mẹ Người là Maria đã đính hôn với Giuse (Mt 1,18).

Chúng ta cần tìm hiểu phong tục cưới hỏi của người Do thái. Luật Do thái phân biệt rõ ràng trong hôn nhân: việc đính hôn và cưới xin. Tuy cũng có lễ hỏi và lễ cưới nhưng giá trị và ý nghĩa khác với Việt nam chúng ta.

Lễ đính hôn (cũng gọi là lễ hỏi) được diễn ra như sau:

Thời gian đính hôn kéo dài trong một năm. Trong năm đó đôi bạn được kể như vợ chồng dù họ không có những quyền của vợ chồng. Lễ hỏi Việt nam chưa làm vợ chồng, còn lễ hỏi Do thái coi như thành vợ chồng. Chứng cớ là theo luật:

- Vị hôn thê bất trung sẽ bị ném đá như vợ chính thức.

- Vị hôn phu có chết thì vị hôn thê trở thành quả phụ.

- Vị hôn thê cũng giống như người vợ chính thức chỉ có thể bỏ nhau bằng tờ ly dị.

- Đứa con cưu mang trong thời gian đính hôn được coi là con chính thức.

Như thế luật cho hai người quyền ăn ở với nhau trong thời gian này.

Giuse và Maria đang ở trong giai đoạn này.

3. Giuse được báo mộng trong giấc mơ về chương trình của Thiên Chúa được thực hiện qua cuộc hôn nhân  giữa ông và Maria, việc nàng có thai không phải ý của phàm nhân nhưng dưới tác động của Chúa Thấn Thân. Vì thế ông đã đón nhận Maria  về nhà mình theo sự báo mộng của Thiên Thần thay vì ý định ruồng bỏ nàng lúc phát hiện người bạn đời có thai (không phải của mình). Giấc mơ của Giuse đã thành hiện thực bởi sự trung tín vào Thiên Chúa với báo mộng về lời phán truyền của tiên tri Isaia về Đấng Thiên Sai sẽ thành hiện thực ở nơi gia đình ông (x. Is 7,14-16). Chính con trẻ này sẽ trở nên ơn cứu độ và bao bọc cho cả nhân loại.

4. Ông Giuse là người công chính.

Kinh thánh gọi Giuse là người công chính: “Giuse bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1,19).

Chúng ta biết, nơi người Do thái, không phân biệt rõ  thời kỳ đính hôn và cưới hỏi. Mặc dù chưa cưới, hai người đã đính hôn cũng có thể ăn ở như vợ chồng mà không có lỗi gì đối với lề luật. Do đó, người ta thấy vị hôn thê có thai, thì chỉ một mình vị hôn phu có thể phán đoán trong việc đó là có tội hay không. Như vậy, thánh Giuse có thể hành động bằng hai cách: hoặc là tuyên bố theo sự hiểu biết tự nhiên của mình là Maria đã phạm tội ngoại tình, và như thế Maria mất thể diện hoàn toàn; hoặc là để mặc cho người ta tin rằng ngài là cha của đứa bé sắp sinh. Giuse chọn giải pháp nào?

Đang phân vân lo nghĩ không biết xử trí ra sao thì Thiên Chúa báo mộng  cho ông: “Hỡi Giuse con vua Đavít, đừng ngại nhận Maria về làm vợ mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20). Ông Giuse được báo mộng và ông yên tâm nhận Maria làm vợ. Việc này thường xẩy ra trong Cựu ước khi Thiên Chúa muốn truyền cho ai một điều gì. Vậy hôm nay, việc báo mộng cho Giuse là cách thức Thiên Chúa dùng để tỏ ra thánh ý của Ngài về việc thụ thai đồng trinh của Đức Maria.

5. Hài nhi  sinh ra sẽ được gọi là Emmanuel nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Tuy là Thiên Chúa, nhưng vì yêu thương loài người, Ngài đã nhập thể sống chung với loài người, bất chấp con người xấu xa tội lỗi, nghèo nàn, túng thiếu, khổ sở ... Thiên Chúa làm người đã vui lòng chia sẻ thân phận với người trần thế. Ngài muốn cho ngày Giáng sinh trở thành ngày Đấng Tối Cao xa lạ trở thành thân quen, thành bạn hữu con người để kêu gọi con người hãy nhận nhau là anh em, là bạn hữu.

6. Truyện: Thiên Chúa nói bằng tiếng nào?

Ngày xưa có chú bé Phi châu tên là Emmanuel. Chú luôn thắc mắc: “Thiên Chúa nói bằng tiếng nào”? Chú hỏi thầy giáo thì thầy cũng không biết. Sau đó chú Emmanuel lại đi hỏi các nhà trí thức trong làng cũng như các vùng lân cận, nhưng họ cũng chỉ biết lắc đầu mà thôi.

Tuy nhiên, Emmanuel vẫn tin có người biết được điều ấy.

Một đêm nọ, Emmanuel đến ngôi làng Belem. Chú cố tìm chỗ để nghỉ đêm trong các nhà trọ, nhưng tất cả đều không còn chỗ. Vì thế, chú quyết định tìm cái hang ngoài trời để trú đêm. Quá nửa đêm chú mới tìm được một cái hang. Nhưng khi bước vào, chú nhận ra đã có một đôi vợ chồng và một hài nhi đang trú ngụ. Nhìn thấy chú, người mẹ liền nói: “Hân hạnh đón chào Emmanuel, chúng tôi đang mong chờ con”.

Chú bé quá sửng sốt, và người mẹ trẻ nói tiếp: “Đã từ lâu, con đi tìm để hỏi xem Chúa nói bằng thứ tiếng nào. Giờ đây cuộc hành trình của con đã có câu trả lời. Ngài nói bằng ngôn ngữ của tình yêu. “Thiên Chúa quá yêu thương thế gian đến nỗi đã ban cho thế gian chính Con Một của Ngài”.

 

Suy Niệm 10: Thánh Giuse người công chính

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

Hôm nay, chúng ta nói với nhau về một nhân vật mà chúng ta đã quá quen thuộc với Ngài. Đó là Thánh Giuse.

Ngay từ những giây phút đầu tiên của cuộc nhập thể, chúng ta đã thấy Thánh Giuse đã có mặt ở đó rồi.

Chúng ta thử hỏi lý do nào đã làm cho Giuse được Chúa ưu ái như thế ?

1- Đọc trong bài Tin Mừng hôm nay chúng ta có thể tìm ra câu trả lời. Trước hết Thánh Giuse được Kinh Thánh gọi là “người công chính”. Danh hiệu “người công chính” theo Kinh Thánh phải được hiểu như thế nào ?

a- Hình ảnh người công chính xuất hiện đầu tiên trong Kinh Thánh là hình ảnh về một con người biết chu toàn mọi giới luật của Thiên Chúa. Nói một cách khác: đó là những người sống phù hợp với Luật. Chúng ta biết là luật có một vai trò rất quan trọng trong đời sống tôn giáo. Người nào chu toàn Luật một cách trọn vẹn thì người đó sẽ được kể là người công chính. Hình như đây cũng là qui luật chung cho tất cả những ai muốn trở thành người đáng kính trọng trong xã hội loài người.

Tôi đọc trong lịch sử các vĩ nhân trên thế giới, tôi thấy có một người đã được cả thế giới biết đến và kính phục vì người ấy đã biết trung thành với những lề luật. Đó là thánh Gandhi.

Lịch sử thuật lại rằng: Hồi còn nhỏ khi ở trường về, vì sợ mẹ quở mắng cho nên ông đã nói dối mẹ một việc nhỏ thôi. Bà mẹ biết chuyện nên ngày hôm đó bà nhất định bỏ không ăn cơm. Gandhi hết lời van xin mẹ nhưng bà cũng nhất định không chịu. Ông van xin mãi thì được bà giải thích:

- Mẹ thà thấy con chết hơn là thấy con nói dối. Vì con nói dối là con tỏ ra con có một tâm hồn khiếp nhược. Có đứa con như thế là nỗi nhục cho mẹ, Mẹ không muốn sống nữa.

Thấy lòng mẹ cương quyết như thế, cậu bé Gandhi đứng lên đi thẳng xuống bếp, lấy một cục than hồng đặt vào lòng bàn tay của mình rồi trước mặt mẹ cậu hứa với mẹ như sau:

- Con thề với mẹ, suốt đời con sẽ không bao giờ nói dối nữa.

Mừng quá bà mẹ ôm chặt con vào lòng, vừa khóc vừa nói:

- Có thế mới là con của mẹ và mẹ mới có đủ can đảm mà sống với con.

Kể từ đó cho dến chết. Gandhi đã giữ lời...không bao giờ ông nói dối. Ông thường kể lại:

“Vết sẹo trên tay tôi là hình ảnh của mẹ tôi. Người không bao giờ rời khỏi tôi. Đó là vị thần phù hộ và nâng đỡ tôi để tôi luôn biết sống ngay thẳng và trọng danh dự”.

Đó là cách sống của một người công chính.

b- Thêm vào đó cũng theo Kinh Thánh thì người công chính còn là người đạo hạnh, là tôi tớ hoàn thiện và nhất nữa còn là bạn của Thiên Chúa. Đó là hình ảnh về một người công chính mà chúng ta có thể tìm thấy ở trong sách St 7,1;18,23, sách Châm Ngôn 12,10, sách Ez 18,5-26.

Chúng ta hãy nhớ lại một chút câu chuyện của Ađam và bà Evà. Lúc đầu mối liên hệ giữa Thiên Chúa và hai ông bà thật tốt đẹp. Nó chỉ xấu đi sau khi hai ông bà đã phạm tội. Kinh Thánh ghi lại: Cứ chiều chiều Thiên Chúa xuống bách bộ và đàm đạo với hai ông bà. Hỏi còn cảnh nào đẹp hơn thế, thân tình hơn thế. Chỉ tiếc rằng, những cảnh như thế không kéo dài mãi mãi.

Rồi sau đó đến tổ phụ Abraham, đến Môisen, đến các ngôn sứ.

Và sau cùng không một ai ngoại trừ Đức Mẹ Maria được gần gũi với Chúa....được Chúa đối xử thân tình như thánh Giuse. Giuse không chỉ là bạn mà Chúa còn chọn làm cha nuôi của Chúa Cứu Thế.

2 - Bên cạnh hình ảnh một Giuse là người công chính tôi còn thấy ở nơi thánh Giuse một nhân đức rất đặc biệt này: Đó là lòng kính sợ Thiên Chúa cao độ.

Có thể nói tất cả các thánh đều là những người biết kính sợ Thiên Chúa. Sách Châm Ngôn gọi lòng kính sợ Thiên Chúa là cội nguồn mọi sự khôn ngoan.

Và tôi cũng có thể quả quyết với anh chị em là: mọi tội ác, thảm họa ở trên cõi đời này đều do sự thiếu lòng kính sợ Thiên Chúa mà ra.

Trở lại với đề tài của chúng ta... Chúng ta mở Kinh Thánh:

Abraham sẵn sàng tế lễ Isaac.

Môisen chấp nhận trách nhiệm giải phóng dân Do Thái ra khỏi Ai Cập.

Các ngôn sứ sẵn sàng chấp nhận sứ mệnh mà Thiên Chúa muốn ủy thác.

Đặc biệt là Giuse. Đọc lại những đoạn Tin Mừng có liên hệ đến Ngài, tôi có cảm giác như Ngài không còn là Ngài tí nào nữa mà đã hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Giữa lúc còn băn khoăn chưa hiểu được những gì xảy đến cho Maria, Chúa bảo Giuse nhận Maria về nhà làm vợ. Giuse nhận.

Lúc Chúa Giêsu giáng sinh ở Bêlem...đang đêm, Chúa bảo đem Hài nhi và Mẹ người đi. Giuse đi.

Đang ở bên Ai Cập, Chúa bảo về... Giuse về. Hoàn toàn thuộc về Chúa.

Phải có một tâm hồn mến Chúa cao độ lắm mới có thể sống được như thế.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết sống công chính như Thánh Giuse. Amen.

 

Suy Niệm 11: Chúa được sinh ra bởi Đức Mẹ

(Lm. Micae Võ Thành Nhân)

Sứ mạng của Chúa khi đến trần gian mà theo như tiên tri Giêrêmia từ ngàn xưa đã tiên báo: “…từ các nước chúng bị Ta phân tán. Ta dẫn đưa chúng về quê hương” (Gr 23, 8). Điều đó có nghĩa là Chúa đến, Chúa sẽ giải chúng chúng ta khỏi tội lỗi, cho chúng ta được hưởng gia nghiệp nước trời sau này. Hơn nữa, Chúa đã bỏ vinh quang, danh dự, quyền lực….để xuống thế làm người, lẽ ra Chúa phải được cuộc đời này ưu đãi lắm chứ, vì Chúa đã mất nhiều thứ, con người chúng ta thì đón nhận được biết bao nhiều điều tốt đẹp. Chúa phải hy sinh nhiều thứ, còn chúng ta thì được vô vàn điều lợi lộc cho mình…thế mà khi nhập thể làm người, Chúa gặp bao nhiêu điều trắc trở. Điều trắc trở lớn nhất là câu chuyện hôn hân của Đức Mẹ là Mẹ của Chúa và thánh Cả Giuse là cha nuôi của Chúa.

Theo bài Tin Mừng hôm này, trước khi về sống với nhau dưới một mái nhà, ăn chung một bàn, làm chung một việc, lo lắng cho nhau, thì thánh Cả Giuse thấy Đức Mẹ có thai vì Đức Mẹ đã nhận cưu mang Chúa trong ngày truyền tin rồi (Lc 1, 26 – 38). Chúng ta thấy có hai trường hợp này xảy ra như sau:

1-Thánh Giuse không hiểu lý do tại làm sao mà có chuyện lạ lùng này xảy ra như vậy? Hay là như tiên tri Isaia đã nói từ rất lâu rồi: “…Một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh một con trai và đặt tên là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Is, 6, 14), với câu nói này, các thiếu nữ Israel qua bao thế hệ, đều có hy vọng làm mẹ Đấng Cứu Thế, vì “ Một người nữ “, không có tên cụ thể, không thuộc chi tộc nào trong nười hai chi tộc, cho nên bất kỳ là người nữ trong dân tộc Israel đều có hy vọng đó. Có thể Mẹ được đặc ân này chăng.

2-Hay là ngài có hiểu, nhưng cái hiểu này còn quá mập mờ, bé nhỏ, và nhiều những thắc mắc diễn ra, rồi có khi ngài tự đi tìm câu giải đáp, nhưng vì ngài là người công chính, mà Đức Mẹ là một người thiếu nữ quá đoan trang, đức hạnh, thánh thiện, cho nên ngài luôn nghĩ tốt cho Đức Mẹ. Cũng có thể ngài nghĩ ngài không xứng đáng với bí nhiệm này, nên ngài chọn giải pháp là tự rút lui cách âm thầm, vừa bảo vệ danh thơm tiếng tốt cho Đức Mẹ, vừa làm cho Đức Mẹ khỏi bị oan, vừa làm cho ngài đỡ day dức. Giả sử mà tố cáo Đức Mẹ ra tòa với lý do là bào thai Đức Mẹ đang cưu mang là không phải của ngài thì có lẽ Đức Mẹ sẽ không thoát khỏi cái chết do luật thời bấy giờ qui định.

Về phần Đức Mẹ, Mẹ vẫn thinh lặng phó dâng cho Chúa tất cả những sự rắc rối này. Mẹ tin Chúa đã cho Mẹ cưu mang Đấng Cứu Thế, thì Chúa cũng sẽ giúp cho Mẹ giải quyết vấn đề hệ trọng này. Mẹ vẫn âm thầm cầu nguyện với Chúa mỗi ngày. Và thực sự trong lúc thánh Cả Giuse suy nghĩ như thế thì Chúa sai thiên thần đến nói với thánh Cả Giuse sự thật về Mẹ cưu mang Chúa và thánh Cả đã hoàn toàn cộng tác với Chúa trong công trình cứu độ con người chúng ta: “Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền; ông tiếp nhận bạn mình, nhưng không ăn ở với nhau, cho đến khi Maria sinh con trai đầu lòng, thì Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu” (Mt 1, 24).

Tuy Chúa đã can thiệp và mọi sự đã trở nên tốt đẹp, nhưng chúng ta thấy tội nghiệp Chúa, vì khi Đức Mẹ suy nghĩ chuyện rắc rối này, có lẽ Chúa cũng bị ảnh hưởng, nhưng mà Chúa đồng cảm với mẹ của Chúa. Vì thế, con người chúng ta tin rằng Chúa, Đức Mẹ, thánh Cả Giuse sẽ thương những đôi vợ chồng có các hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Do đó, chúng ta hãy cầu nguyện và phó thác cuộc sống của chúng ta cho Ba Đấng để các ngài nâng đỡ chúng ta.

Lạy Chúa, chúng con sắp mừng lễ Chúa giáng sinh rồi, xin Chúa mau đến với chúng con, vì chúng con cần có Chúa để chúng con mới thoát ách tội lỗi và sống xứng đáng là con cái Chúa. Amen.

 

Suy Niệm 12: Thủ lãnh nhà Ítraen – Đấng Cứu Độ

(Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB)

Qua Lời Tổng Nguyện của Ngày 18 Tháng 12 hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúng ta đang quằn quại dưới ách nô lệ tội lỗi từ ngàn xưa lưu truyền, xin Chúa cho mầu nhiệm Giáng Sinh của Con Chúa đem lại cho chúng ta ơn giải thoát và canh tân như chúng ta hằng mong đợi.

Ơn giải thoát và canh tân, đó chính là lời Chúa đã hứa, và Chúa luôn thành tín trong mọi lời Người phán, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia cho thấy: Đức Chúa chống lại các ngẫu tượng của Babylon. Trong khi các thần giả trá sụp đổ và phải đi đày, thì ánh huy hoàng của Thiên Chúa lại bừng lên chói lọi: Thiên Chúa vẫn một mực trung thành, cả vào giờ phút Dân Người ngỡ rằng mình bị bỏ rơi. Thiên Chúa không quên lãng giao ước Người đã thiết lập. Người đang thực hiện kế hoạch đã định. Hãy nghe Ta, hỡi kẻ cứng lòng, kẻ xa đường công chính! Ta sẽ ban ơn cứu độ tại Xion, và sẽ cho Ítraen được vinh quang rạng rỡ. Ngày Ta thể hiện đức công chính của Ta đã đến gần, chẳng còn xa nữa đâu; ơn cứu độ của Ta, Ta sẽ không trì hoãn.

Ơn giải thoát và canh tân, duy chỉ một mình Đức Kitô, Đấng Cứu Độ Duy Nhất, mới mang lại cho chúng ta, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, trích thư gửi cho Điônhêtô nói: Tội ác của muôn người được chôn vùi trong sự công chính của một người, còn sự công chính của một người lại làm cho muôn người bất chính nên công chính… Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ. Vì dưới gầm trời này, không có một Danh nào khác đã được ban cho loài người để chúng ta phải nhờ vào Danh đó mới được cứu độ. Danh hiệu được tặng cho Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hòa bình.

Ơn giải thoát và canh tân, là phần thưởng dành cho những ai giữ vững lòng trông cậy vào Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, Đức Chúa phán qua miệng ngôn sứ Giêrêmia rằng: Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà Đavít một chồi non chính trực. Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người khôn ngoan tài giỏi trong xứ sở, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 71, vịnh gia đã cho thấy: Triều đại Người, đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị đến muôn đời. Người giải thoát bần dân kêu khổ và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương, chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo. Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Chúa là thủ lãnh nhà Ítraen, Ngài đã ban lề luật cho ông Môsê trên núi Xinai. Xin ngự đến mà ra tay cứu chuộc loài người. Trong bài Tin Mừng, thánh Mátthêu cho thấy: Đức Giêsu sinh làm con bà Maria. Bà đã thành hôn với ông Giuse, con cháu vua Đavít. Thủ lãnh nhà Ítraen là Chiên Thiên Chúa đến gánh tội trần gian, được sinh ra làm con Đức Trinh Nữ Maria, được cha nuôi là thánh Giuse, thuộc dòng tộc vua Đavít, gìn giữ chăm lo trong giai đoạn đầu của công trình cứu độ. Đấng Cứu Độ đền thay cho tội nhân: Đấng không hề làm điều ác, chịu thay cho, những kẻ gian ác; Đấng Công Chính, chịu thay cho, những kẻ bất chính; Đấng không hề hư hỏng, chịu thay cho, những kẻ hư hỏng; Đấng không thể chết, chịu thay cho, những kẻ phải chết. Sự công chính của Người che lấp mọi tội lỗi của ta; nhờ duy mình Con Thiên Chúa, mà ta, là những kẻ tội lỗi, được nên công chính. Ôi cuộc trao đổi mới kỳ diệu làm sao, sự sắp đặt thật khôn dò khôn thấu, những kỳ công vượt quá lòng ta mong đợi. Ta là những kẻ bất chính, ấy thế mà, Chúa đã không ghét bỏ, không xua đuổi, nhưng, hằng kiên nhẫn, chịu đựng. Vì thương xót, Thiên Chúa đã trao nộp Con của mình làm giá chuộc ta. Chúng ta đang quằn quại dưới ách nô lệ tội lỗi từ ngàn xưa lưu truyền, ước gì mầu nhiệm Giáng Sinh của Con Chúa đem lại cho ta ơn giải thoát và canh tân như ta hằng mong đợi. Ước gì được như thế!

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Năm 19/12/2024 – Thứ Năm tuần 3 mùa vọng. – Truyền tin cho ông Gia-ca-ri-a.  (18/12/2024 10:00:00 - Xem: 387)

Thứ Năm tuần 3 mùa vọng.

Thứ Ba 17/12/2024 – Thứ Ba tuần 3 mùa vọng. – Gia Phả Của Chúa Giêsu Kitô.  (16/12/2024 10:00:00 - Xem: 3,868)

Thứ Ba tuần 3 mùa vọng.

Thứ Hai 16/12/2024 – Thứ Hai tuần 3 mùa vọng. – Quyền phép nào? (15/12/2024 10:00:00 - Xem: 3,790)

Thứ Hai tuần 3 mùa vọng.

+ Chúa Nhật 15/12/2024 – CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG năm C. – Tôi phải làm gì? (14/12/2024 10:00:00 - Xem: 5,513)

CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG năm C.

Thứ Bảy 14/12/2024 – Thứ Bảy tuần 2 mùa vọng. – Thánh Gioan Thánh Giá, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. – Gioan Tẩy Giả chính là Elia.  (13/12/2024 10:00:00 - Xem: 3,706)

Thánh Gioan Thánh Giá, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

Thứ Sáu 13/12/2024 – Thứ Sáu tuần 2 mùa vọng. – Thánh Luxia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Chủ quan, phiến diện.  (12/12/2024 10:00:00 - Xem: 4,118)

Thánh Luxia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 12/12/2024 – Thứ Năm tuần 2 mùa vọng. – Gioan Tẩy giả được Chúa khen.  (11/12/2024 10:00:00 - Xem: 4,218)

Thứ Năm tuần 2 mùa vọng.

Thứ Tư 11/12/2024 – Thứ Tư tuần 2 mùa vọng. – Dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng.  (10/12/2024 10:00:00 - Xem: 3,969)

Thứ Tư tuần 2 mùa vọng.

Thứ Ba 10/12/2024 – Thứ Ba tuần 2 mùa vọng. – Con chiên lạc đàn.  (09/12/2024 10:00:00 - Xem: 3,804)

Thứ Ba tuần 2 mùa vọng.

Thứ Hai 09/12/2024 – Thứ Hai tuần 2 mùa vọng. – ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI. Lễ trọng. Lễ HỌ. Cầu cho giáo dân. – Xin Vâng.  (08/12/2024 10:00:00 - Xem: 7,205)

ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI. Lễ trọng. Lễ HỌ. Cầu cho giáo dân.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7