Lời chúa mỗi ngày

Thứ Năm 19/12/2024 – Thứ Năm tuần 3 mùa vọng. – Truyền tin cho ông Gia-ca-ri-a.

  • In trang này
  • Lượt xem: 392
  • Ngày đăng: 18/12/2024 10:00:00

Truyền tin cho ông Gia-ca-ri-a.

19/12 – Thứ Năm tuần 3 mùa vọng.

"Thiên Thần Gabriel báo trước việc Gioan Tẩy Giả sinh ra".

 

LỜI CHÚA: Lc 1, 5-25

Vào thời Hêrôđê làm vua xứ Giuđêa, có một tư tế tên là Giacaria, thuộc phiên ban Abia, và vợ ông bởi dòng dõi Aaron, tên là Elisabeth. Cả hai là người công chính trước mặt Thiên Chúa, ăn ở theo mọi giới răn và lề luật của Chúa, không ai trách được điều gì. Nhưng họ lại không con, vì Elisabeth son sẻ, và cả hai đã đến tuổi già.

Xảy ra khi Giacaria chu toàn chức vụ tư tế trước mặt Thiên Chúa, theo lượt của phiên mình như tục lệ hàng tư tế, ông bắt thăm và trúng việc vào cung thánh Chúa mà dâng hương. Ðang lúc toàn thể đám đông dân chúng cầu nguyện bên ngoài, trong giờ dâng hương. Bấy giờ Thiên Thần Chúa hiện ra cùng ông, đứng bên phải hương án. Giacaria thấy vậy hoảng hốt, sự kinh hoàng đột nhập vào ông. Nhưng Thiên Thần nói với ông rằng: "Giacaria, đừng sợ, vì lời ngươi cầu nguyện đã được nhậm rồi. Elisabéth  vợ ngươi sẽ hạ sinh cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ gọi tên trẻ là Gioan. Ngươi sẽ được vui mừng hân hoan, và nhiều người cũng sẽ vui mừng, vì việc trẻ sinh ra. Vì trẻ nầy sẽ nên cao trọng trước mắt Chúa, sẽ không uống rượu và thức có men, sẽ được tràn đầy Thánh Thần ngay từ lòng mẹ, sẽ đem nhiều con cái Israel trở về cùng Chúa là Thiên Chúa. Trẻ nầy sẽ đi trước Người, trong thần trí và quyền lực của Elia, để đổi lòng dạ cha ông về với con cháu, kẻ ngổ nghịch về lại với lương tri của những người công chính, dọn cho Chúa một đoàn dân chuẩn bị.

Giacaria thưa với Thiên Thần rằng: "Làm sao tôi biết được, vì tôi đây đã già, và vợ tôi cũng đã cao niên?" Thiên Thần liền đáp: "Ta là Gabriel, ta đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, ta được sai đến nói với ngươi, và báo cho ngươi tin lành nầy. Thì đây, ngươi sẽ nín câm và không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra; bởi vì ngươi đã không tin lời ta, là những lời sẽ nên trọng khi đến thời của chúng".

Dân chúng đang trông đợi Giacaria, lấy làm lạ vì ông ở lâu trong cung thánh. Nhưng lúc ra, ông không nói được, và họ biết ông đã thấy điềm lạ trong cung thánh. Còn ông thì chỉ làm hiệu cho họ, và vẫn bị câm. Khi những ngày thánh vụ của ông đã mãn, ông trở về nhà. Sau những ngày ấy, Elisabéth vợ ông thụ thai, và bà ẩn mình trong năm tháng, bà nói rằng: "Chúa đã làm cho tôi thế nầy, trong những ngày Người đoái thương, cất nỗi khổ nhục tôi khỏi người đời.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Chuẩn bị sẵn sàng

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Ở nước Do Thái, vợ chồng lấy nhau mà không con nối dõi

là một điều bất hạnh, thậm chí là một hình phạt của Thiên Chúa.

Chúng ta không rõ hai ông bà Dacaria và Êlisabét

đã sống với nhau bao lâu mà không có con.

Chỉ biết bây giờ ông đã cao niên rồi, và bà đã quá tuổi sinh sản (c. 7).

Hai vợ chồng già đã kiên nhẫn cầu xin và chờ đợi trong nhiều năm.

Có vẻ Đức Chúa ngoảnh mặt đi, không nghe lời họ,

dù cả hai đều thuộc dòng tộc tư tế Aharon và rất mực đạo đức (cc. 5-6).

Bây giờ họ có còn hy vọng nữa không?

Chính khi ta thất vọng, thì Chúa đến loan báo Tin Vui (c. 19).

Tư tế Dacaria may mắn trúng thăm, nên ông được vào Nơi Thánh

để lau hương án và dâng hương mới.

Tại nơi thâm nghiêm này, khi ông lo việc tế tự,

ông được sứ thần Chúa báo tin về đứa con sắp chào đời của mình.

Gioan, nghĩa là Đức-Chúa-thi-ân, sẽ là món quà ông được tặng.

Nhưng Gioan sẽ còn là món quà cho nhiều người Ítraen,

vì Gioan có sứ mạng giải hòa dân tộc ông với nhau và với Chúa.

Một con người chưa được mang thai và chào đời,

nhưng về người ấy, Thiên Chúa đã có bao ước mơ và dự tính.

Ngài cho Gioan được đầy Thánh Thần từ trong lòng mẹ (c. 15).

“Làm cho kẻ ngỗ nghịch trở về nẻo chính đường ngay,

và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (c. 17).

Đó là những việc Gioan sẽ làm sau này trong tư cách là Êlia mới.

Dacaria có vẻ không tin vào lời sứ thần,

Có vẻ ông không còn nuôi hy vọng có một đứa con (c. 18).

Ông quên mất chuyện Ápraham đã sinh con trong lúc tuổi già.

Là một tư tế hẳn ông phải biết có nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn

đã sinh con làm thủ lãnh đất Ítraen (Tl 13, 2; 1Sm 1-2; St 16, 1).

Việc ông bị câm là một hình phạt, nhưng ông không bị loại trừ.

Thinh lặng chín tháng là thời gian ông chờ đợi để lời hứa nên trọn.

Từ khi bà Êlisabét có thai, bà ẩn mình một thời gian.

Bà chưa muốn cho ai hay biết chuyện này.

Niềm vui bất ngờ đến với bà, người được hưởng hạnh phúc làm mẹ.

“Chúa đã làm cho tôi như thế đó,

khi Ngài đoái thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời. ”

Mỗi một trẻ thơ chào đời đều có nét của Gioan.

Chẳng người nào thấy ánh mặt trời mà lại nằm ngoài ý Thiên Chúa.

Như Gioan, ngay từ khi tôi chưa hiện hữu trong lòng mẹ,

Thiên Chúa đã nghĩ đến tôi, và biết tên tôi.

Tôi có chỗ rất riêng trong chương trình của Chúa.

Chúa có một sứ mạng rất riêng cho tôi hôm nay.

Thời nào cũng cần Gioan, cần những người kêu gọi hoán cải.

Nhân loại thời nay cần những người dọn đường sáng tạo,

có khả năng mở những con đường mới đi vào lòng thế nhân.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa,

Chúa đã làm người như chúng con,

nên Chúa hiểu gánh nặng của phận người.

Cuộc đời đầy cạm bẫy mời mọc

mà con người lại yếu đuối mong manh.

Hạnh phúc thường được trộn bằng nước mắt,

và giữa ánh sáng,

cũng có những bóng mờ đe dọa.

Lạy Chúa Giêsu,

nếu có lúc con mệt mỏi và xao xuyến,

xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu

Chúa đã buồn muốn chết được.

Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây,

xin nhắc con nhớ rằng trên thập giá

Chúa đã thốt lên: Sao Cha bỏ con?

Xin nâng đỡ con, để con đừng bỏ cuộc.

Xin đồng hành với con, để con không cô đơn.

Xin cho con yêu đời luôn

dù đời chẳng luôn đáng yêu.

Xin cho con can đảm

đối diện với những thách đố

vì biết rằng cuối cùng

chiến thắng thuộc về người

có niềm hy vọng lớn hơn. Amen.

 

Suy Niệm 2: Thành đạt

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Sam-son và Gio-an có nhiều điểm giống nhau. Trước hết các ngài đều là người của Thiên Chúa. Cha mẹ các ngài đều cao niên và hiếm hoi. Trước mặt người đời thì các ngài không còn khả năng sinh con. Nhưng Thiên Chúa đã ra tay. Quyền năng Thiên Chúa thật lớn lao. Có thể làm từ không ra có. Từ chết thành sống. Các ngài là ân huệ của Thiên Chúa. Tuy nhiên các ngài phải tuân thủ một số qui luật của Thiên Chúa. Đây chính là điều làm nên khác biệt giữa các ngài.

Sam-son và Gio-an có những khác biệt. Khi được thiên sứ báo tin thì bà Ma-nô-ác tin ngay. Còn ông Gia-ca-ri-a không tin. Nên bị câm cho đến ngày Gio-an chào đời. Nhưng khi lớn lên thì xảy ra điều ngược lại.

Sam-son thất bại. Vì không thực hành Lời Chúa. Sam-son được lệnh không được cạo đầu: “Dao cạo sẽ không được lướt trên đầu nó, vì con trẻ sẽ là một na-dia của Thiên Chúa. Chính nó sẽ bắt đầu cứu Ít-ra-en khỏi tay người Phi-li-tinh”. Sam-son yếu đuối rơi vào chước cám dỗ của Đa-li-la, để bị cạo đầu. Ông không giữ được lệnh Chúa truyền. Nên không cứu được Ít-ra-en. Chính ông bị rơi vào tay người Phi-li-tinh. Ông trở nên mù tối. Và làm tôi mọi cho họ.

Gio-an thành công. Vì hoàn toàn tuân giữ Lời Chúa. Ông vào sa mạc. Chuyên tâm cầu nguyện. Ăn châu chấu và mật ong. Mặc áo da thú. Đã thành công trong việc dọn đường cho Chúa. Giới thiệu Chúa cho mọi người. Ông hoàn thành nhiệm vụ “đi trước mặt Chúa, để đưa tâm hồn cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa”. Được Chúa khen ngợi là người cao cả nhất. Là ngọn đèn chiếu sáng.

Chúng ta sinh ra không phải do quyền năng người phàm. Nhưng do quyền năng Thiên Chúa. Khi sinh ra ta, Chúa trao cho ta một nhiệm vụ phải hoàn thành. Ta sẽ thất bại nếu không tuân giữ Lời Chúa. Ta sẽ thành đạt nếu tuân theo chỉ thị của Chúa.

Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng nên con. Sự sống là một hồng ân cao cả. Chỉ có Chúa mới ban tặng được. Và khi cho con có mặt ở đời, Chúa đã dành sẵn cho con một định mệnh cao quí. Xin cho con biết chu toàn mệnh lệnh của Chúa. Để con thành đạt trong Chúa.

 

Suy Niệm 3: Gioan Tẩy Giả Sinh Ra

(‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)

Trong bài đọc I hôm nay, sách Thẩm Phán cũng kể lại việc thiên thần Chúa hiện ra với bà có chồng là Manuel thuộc chi họ Dan, và nói với bà rằng: "Ngươi son sẻ không có con, nhưng sẽ được thụ thai và sinh một con trai. Vậy ngươi hãy cẩn thận đừng uống rượu và thức có men, cũng đừng ăn món gì không thanh sạch vì ngươi sẽ thụ thai hạ sinh một con trai. Lưỡi dao cạo sẽ không chạm đến đầu nó, nó sẽ được hiến dâng cho Thiên Chúa từ thuở nhỏ và từ lòng mẹ. Chính nó sẽ bắt đầu giải phóng Israel khỏi tay người Philitinh. Bà hạ sinh một con trai và con trẻ sinh ra tên là Samson".

Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay nêu lên hai ý tưởng:

- "Không có sự gì mà Thiên Chúa không làm được". Hai người đàn bà son sẻ vợ của Zacharia và Manuel, tuổi đã già vậy mà sinh được hai người con là Gioan Tẩy Giả và Samson. Theo tục lệ Á Ðông xưa của chúng ta có nói: "Nữ thập tam, nam thập lục". Nghĩa là người nữ khoảng mười ba đến bốn mươi tuổi là cơ thể bắt đầu biến đổi để có thể chuẩn bị trở thành một người mẹ. Luật Giáo Hội xác định mười sáu tuổi, mà đa số các quốc gia chấp nhận mười tám tuổi là tuổi trưởng thành cho nữ giới để có thể kết hôn. Khả năng sinh con của người đàn bà có thể kéo dài từ đó đến quãng đời từ bốn mươi lăm đến năm mươi tuổi. Qua khỏi tuổi năm mươi thì hầu như không thể thụ thai được nữa. Lẽ dĩ nhiên phải năm mươi đến sáu mươi tuổi thì mới gọi là đã già, lại càng không thể có hy vọng sinh con cái được nữa. Hơn nữa khi nhìn vào trường hợp của Abraham, ông được mệnh danh là cha của kẻ tin. Mặc dầu Sara vợ ông đã già nhưng được thiên thần báo tin sẽ sinh một con trai trong lúc tuổi già. Abraham đã tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Ðấng mà ông tôn thờ: "Không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được".

- Muốn hiến thánh cho Thiên Chúa để lo việc phụng sự Ngài, Thiên Chúa đòi hỏi con người phải cộng tác với Người: "Ngươi hãy cẩn thận, không uống rượu và thức ăn có men, cũng đừng ăn những món gì không thanh sạch". Tất nhiên chúng ta cũng không hoàn toàn hiểu theo nghĩa đen nhưng phải hiểu theo nghĩa bóng nữa.

Mùa Vọng là mùa chuẩn bị mừng Chúa Cứu Thế đến, chúng ta không chỉ sửa soạn sạch sẽ, tô vôi, sơn quét lại ngôi thánh đường thân yêu trong Giáo Xứ, làm hang đá thật đẹp, thật lộng lẫy để Chúa Hài Nhi nằm nhưng chúng ta còn phải lo quét dọn tâm hồn, trang hoàng hang đá và làm cho ngôi thánh đường nhỏ bé xinh xinh ở trong tâm hồn chúng ta luôn sạch sẽ để như chiên bò ngày xưa thở hơi ấm áp cho Chúa nơi hang đá giá lạnh trần gian. Chúng ta hãy chuẩn bị tâm tình đón Chúa như lời thánh Gioan Tẩy Giả đã rao giảng: "Núi đồi hãy san cho bằng, hố sâu hãy lấp cho đầy, đường quanh queo hãy uốn cho ngay thẳng, và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa".

Lạy Chúa, không có gì mà Chúa không làm được. Xin cho chúng con nhận biết Quyền Năng của Chúa để chúng con luôn sống trong tin yêu và hy vọng trong cuộc đời. Lạy Chúa, để dấn thân phục vụ Nước Chúa cho rộng lớn, xin Chúa ban cho mỗi người chúng con luôn biết dùng tự do, thời giờ, tâm trí và tài năng riêng của mỗi người mà Chúa đã ban cho để tham dự vào việc mở mang nước Chúa mà không một đắn đo suy tính thua thiệt theo kiểu nhân loại. Amen.

 

Suy Niệm 4: Truyền tin cho Zacaria

Bài tin mừng hôm nay làm nổi bật tác động cứu độ của Thiên Chúa: Thiên Chúa không bỏ rơi ý định cứu độ của Ngài, nhưng Ngài chuẩn bị và thực hiện bằng những bước vững chắc suốt chiều dài lịch sử- cho đến Gioan, vị sứ giả sống sát thời Đấng Mêsia.

Việc Thiên Chúa can thiệp tích cực trong mầu nhiệm cứu độ chính là biểu hiện của tình thương hải hà. Thiên Chúa can thiệp và cứu độ chỉ có nghĩa là Ngài quá xót thương con người mà thôi. Bởi đó, càng nhìn lại những sự kiện, những hoàn cảnh hay những con người đã giúp thực hiện việc cứu độ, chúng ta càng nhận thấy vai trò sự cứu độ viên mãn. Đây là một điểm quan trọng, bởi vì đứng trước hoạt động lớn lao của Thiên Chúa, con người thời này thường có thái độ phản kháng khi cho rằng Thiên Chúa xử sự bằng cách giữ phần chủ chốt tức là đã coi thường con người, trong khi lẽ ra họ phải bày tỏ tâm tình khiêm tốn, thán phục và biết ơn Thiên Chúa. Đấng đã yêu thương, đã dấn thân và làm mọi sự chỉ vì hạnh phúc cho con cái mình.

Sống mùa vọng, ước gì chúng ta biết  nhận ra tác động của Thiên Chúa trong đời mình và trong lịch sử nhân loại, đồng thời biết hướng theo lời mời gọi hoán cải tâm hồn để đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.

 

Suy Niệm 5: Một Thiên Chúa đột xuất

Vậy một sứ thần của Chúa hiện ra với ông, đứng bên phải hương án. Thấy vậy, ông Da-ca-ri-a bối rối và nỗi sợ hãi ập xuống trên ông. Nhưng sứ thần bảo ông: “Này ông Da-ca-ri-a đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gioan…”. (Lc. 1,11-13)

Ở tuổi già và với người vợ son sẻ, ông già Gia-ca-ri-a không còn hy vọng gì có con nữa. Đứa con trong ước mơ đã được ông liên lỉ cầu nguyện. Nhưng bây giờ về cuối đời rồi, ông không còn cầu nguyện xin sinh cậu ấm như trước nữa. Không còn trông cậy kêu xin một điều hão huyền đó với Thiên Chúa.

Tuy nhiên, với Thiên Chúa, không có gì hão huyền, không có gì bất lực. Điều không thể đó sẽ xảy ra. Ê-li-gia-bét, vợ ông, sẽ sinh Gioan tẩy giả.

Ông Gia-ca-ri-a đã suy ngắm Kinh thánh suốt đời ông, tuy vậy, ông vẫn nghi ngờ một chút rằng Thiên Chúa đã luôn luôn hài lòng nắm giữ trong tay mọi sự và thực hiện những kỳ công trong lúc bất ngờ. Ông đã biết rõ rằng trong quá khứ, nhiều lần hình như tuyệt vọng, như mất hết, Thiên Chúa đã can thiệp giải thoát cho dân khốn cùng. Ông đã biết thế, nhưng ông không thể tưởng tượng được Thiên Chúa lại làm như thế cho ông.

Chúng ta nhiều lần có những nghi ngờ như ông Gia-ca-ri-a. Đọc Kinh thánh, chúng ta thấy lạ lùng trước những sự kiện cao cả đã được Thiên Chúa thực hiện trong suốt dòng lịch sử, nhưng ý nghĩ như thế không còn xảy đến nên không còn làm cho chúng ta ngạc nhiên nữa. Chúng ta tin nhiều kỳ công Thiên Chúa đã làm cách đột xuất lạ lùng xưa kia hơn là ngày nay. Chúng ta phải tự hỏi mình xem mình còn tin thật rằng Thiên Chúa luôn luôn sống động không?

Hiện thời Giáo hội đang trải qua một cơn khủng hoảng trầm trọng. Giáo hội đang đi trong đen tối, không còn ảnh hưởng như xưa. Nhiều con cái đã bỏ Giáo hội. Nhiều con cái khác lại phản đối Giáo hội trầm trọng. Hầu như chạy tán loạn! Sau cùng … nhiều kẻ nghĩ và nói rằng: “Tương lai không còn Giáo hội nữa”.

Nhưng chính những lúc đó, khi tất cả đều đen tối và như tuyệt vọng, thì Thiên Chúa lại hiện ra mạnh mẽ hơn xưa. Chúng ta có còn đủ niềm tin rằng Ngài sẽ lại hiện đến không? Chúng ta còn đủ lòng hy vọng cậy trông rằng khủng hoảng hiện thời sẽ là một khủng hoảng trưởng thành, khủng hoảng thăng tiến không?

Thiên Chúa mà chúng ta cử hành lễ tạ ơn Ngài là một Thiên Chúa đột xuất và sống động hàng ngày.

G. F

 

Suy Niệm 6: Thiên Chúa ban ơn cho người công chính

Trong cuộc sống luôn có những điều kỳ diệu làm cho chúng ta phải ngỡ ngàng. Đây là tâm trạng của ông Giacaria và bà Êlisabét. Hai ông bà là người cao niên. Qua nhiều năm, họ đã tha thiết khẩn cầu Thiên Chúa ban cho mình một mụn con. Tuy nhiên, càng mong càng mất. Vì thế, đã có lúc, ông bà thất vọng và không còn dám mơ ước một điều mà ông bà cho là viển vông.

Tuy nhiên, giờ của Thiên Chúa đã đến, Người đã đoái thương đến người công chính, vì thế, Ngài đã ban cho ông bà một điều kỳ diệu, đó là cho bà Êlisabét mang thai một người con trai, mà sau này chính là Gioan Tẩy Giả.

Đây là một phép lạ cả thể, đến nỗi chính bản thân ông Giacaria cũng ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng vì không phải do ông không tin Thiên Chúa, bởi vì trong suốt lịch sử dân Israel, nhiều lúc Thiên Chúa đã can thiệp cách phi thường cho dân. Tuy vậy, vì sự chờ mong quá lâu, và hai ông bà đã về già, nên những chuyện mà hai ông bà đang cầu xin là điều khó có thể xảy ra! Nhưng Chúa có cách của Ngài.

Trong cuộc sống của chúng ta ngày hôm nay cũng vậy. Nhiều khi niềm tin của chúng ta bị thử thách bằng thời gian, đôi khi trong sự chờ mong của chúng ta bị đánh đổi bằng đau khổ và nước mắt. Thiên Chúa để chúng ta chờ mong như vậy, không có nghĩa Ngài là vị Thiên Chúa vô cảm, nhưng ngang qua đó, Thiên Chúa muốn biểu lộ quyền năng mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, trong lịch sử cho thấy, đã có biết bao người thua cuộc. Đã có nhiều người phải đầu hàng vì thiếu niềm tin mạnh mẽ, can trường.

Thật vậy, muốn chứng minh niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa, đôi khi chúng ta phải có đủ độ lỳ trong hy vọng vào quyền năng của Người.

Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con thêm niềm hy vọng. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Báo trước việc Gioan Tẩy Giả sinh ra

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Thánh Gioan Tẩy Giả đã được sinh ra trong thời kỳ ông Da-ca-ri-a và bà Ê-li-da-bét đã cao niên và son sẻ. Chính Chúa đã can thiệp. Chúa cũng hằng ngày can thiệp vào cuộc sống của ta để ta sinh hoa trái trước mặt Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã can thiệp cách đặc biệt để Thánh Gioan Tẩy Giả được sinh ra và trở nên vị tiên tri dọn đường cho Chúa cách trung thành. Con và gia đình con được hồng ân trở thành con Chúa. Đó chính là nhờ sự can thiệp đầy tình yêu thương của Chúa. Chúa đã giáng trần, đã chịu bao nhiêu thương khó, chịu nạn và sống lại vinh quang. Chúa đã hạ mình xuống thân phận tôi đòi để chúng con được sống sự sống của chính Thiên Chúa.

Chúa lại ban các tông đồ, các vị chủ chăn, để giúp chúng con sống cuộc đời làm con Chúa. Chúa lại còn can thiệp bằng cách thánh hiến các linh mục vì chúng con. Con còn gặp biết bao anh chị em thánh thiện, làm gương sáng và dắt dìu nhau về cùng Chúa. Con quên sao được ơn sống đạo của ông bà cha mẹ trong gia đình con. Chúa đang dùng nhiều cách để giúp con sống thân tình với Chúa mỗi ngày một hơn. Con chúc tụng tạ ơn Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đang đến với con và đang muốn dùng con để Chúa đến với các linh hồn xung quanh. Ngày ngày Chúa vẫn can thiệp vào cuộc sống của con. Ngày ngày Chúa vẫn thanh tẩy con như thanh tẩy Thánh Gio-an. Còn hơn thế nữa, ngày ngày Chúa vẫn dùng Mình Máu Chúa mà nuôi dưỡng thánh hóa con. Con cũng muốn sống theo gương Thánh Gio-an. Con muốn trung thành dọn đường cho Chúa đến với mọi người. Xin Chúa giúp con. Amen.

Ghi nhớ: ”Thiên Thần Gabriel báo trước việc Gioan Tẩy Giả sinh ra”.

 

Suy Niệm 8: Truyền tin cho ông Giacaria

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Thời vua Hêrôdđê, có vị tư tế tên là Giacaria và vợ là Elizabeth. Cả hai là người công chính, nhưng đã già mà không có con. Một hôm ông Giacaria trúng thăm vào cung thánh dâng hương cho Chúa. Đang lúc dâng hương ông thấy Thiên thần hiện ra báo cho ông biết: Chúa đã nhận lời ông cầu nguyện, vợ ông sẽ mang thai và sinh con trai đặt tên là Gioan. Người này sẽ nên cao trọng, sống khắc khổ, sẽ dọn đường cho Chúa Cứu Thế.

Nhưng ông Giacaria không tin, nên ông bị câm. Còn vợ ông thì thật sự có thai đúng như lời Thiên thần truyền.

2. Thử thách đối với ông Giacaria và bà Elizabeth.

Trong những lúc bị thử thách, chúng ta không biết bám víu vào đâu vì những người chung quanh đều bất lực không thể giúp chúng ta. Lúc đó, chúng ta chỉ biết dựa vào đức tin phó thác cho Chúa, xin Ngài đến cứu giúp.

Kinh Thánh cho biết hai ông bà là người công chính trước mặt Thiên Chúa (Lc 1,6), nhưng Chúa lại để cho hai ông bà bị hiếm muộn, son sẻ, mà theo quan niệm người Do thái là người có tội bị Thiên Chúa phạt, như người ta nói: “Cây khô không lộc, người độc không con”.

Nhưng công việc của Thiên Chúa thì chúng ta không hiểu được. Có thể đó là những điều Chúa thử thách rồi Người sẽ ban ơn cho như trường hợp hai ông bà hôm nay.

Vấn đề son sẻ được đề cập đến rất nhiều trong Cựu Ước như bà Sara, bà Rebecca, bà Rakhen, mẹ ông Samson, mẹ ông Samuel và Elizabeth đều là những phụ nữ son sẻ, nhưng đã sinh con và những người con của họ đều là những người đã được Thiên Chúa chọn và dùng vào trong công trình vĩ đại của Người. Điều đó cho chúng ta thấy sự bất lực của con người lại tỏ bày quyền năng của Thiên Chúa trong công việc của Người.

3. Theo tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay, một gia đình đã có một lời cầu nguyện rất sốt sắng: Lạy Chúa, qua câu chuyện trên đây, Chúa muốn cho con biết: nếu con sống đẹp lòng Chúa, thì dù con xin điều gì khó khăn cách mấy, Chúa cũng sẽ sẵn sàng ban cho con. Như trường hợp vợ chồng ông Giacaria không hy vọng gì có con, nhưng ông bà là người công chính luôn luôn sống đẹp lòng Chúa, nên chẳng những cho được sinh con mà còn chọn con ông bà làm tiền hô dọn đường cho Chúa.

Xin cho gia đình con và các gia đình luôn sống đẹp lòng Chúa, hằng ngày siêng năng sốt sắng thờ phượng Chúa, tuân giữ luật Chúa, để được Chúa ban ơn cần thiết, nhất là để được Chúa thương chọn nhiều người trong gia đình chúng con giúp việc Chúa.

4. Theo gương thánh Gioan Tẩy giả đến làm chứng cho ánh sáng cũng là làm chứng cho Chúa Cứu Thế. Chúng ta cũng phải làm chứng cho Chúa bằng bất cứ cách nào: ” Các con là chứng nhân của Thày” (Lc 24,48).

Chúng ta có thể làm chứng cho Chúa bằng lời nói, chữ viết hay bất cứ phương tiện nào, nhưng phương tiện có tính cách thuyết phục nhất là đời sống thực tế của chúng ta, chính con người chúng ta là dấu ấn của Thiên Chúa để người ta trông thấy chúng ta  thì đồng thời cũng nhìn ra Chúa. Trong việc phong thánh cho Linh mục Gioan Vianney, cha sớ xứ Ars, một nhà điều tra phong thánh có hỏi một người trong giáo xứ về đời sống của Ngài, thì người giáo dân ấy  chỉ trả lời vỏn vẹn bằng mấy chữ: ”Tôi đã trông thấy Thiên Chúa trong một con người”.

5. Truyện: Một chứng tích hùng hồn.

Sau những tháng năm làm đầy tớ cho một gia đình quí phái, Sophie Beranski phải thất nghiệp.

Ngày kia, gia đình Hersten, một gia đình Do thái thuê nàng về chăm sóc cho mấy đứa trẻ trong nhà họ.  Ngay hôm đầu tiên khi biết được Sophie là người Công giáo,  ông chủ đã đặt điều kiện là nàng không được “giảng đạo” cho con cái ông. Sophie nhận lời. Và chiều hôm ấy, lúc còn lại một mình trong phòng, nàng lấy một mảnh giấy nhỏ, viết một dòng chữ xếp lại và bỏ vào chiếc huy chương cha nàng để lại, rồi mang vào cổ. Lũ trẻ trong nhà nhiều lần đòi Sophie cho coi chiếc huy hương ấy nhưng nàng nhất định không cho: bí mật của đời cô mà!

Dưới sự săn sóc chỉ bảo của Sophie, lũ trẻ trong gia đình của Hersten càng ngày càng trở nên nhu mì ngoan ngoãn. Cuộc sống đang lặng lẽ trôi qua, tai họa dồn dập xẩy đến: Bé Naim đau nặng. Cả nhà cuống quít đưa đi bệnh viện. Sophie tình nguyện túc trực ngày đêm ở đó. Rồi thêm hai đứa nữa cũng ngã bệnh. Gánh đã nặng lại càng nặng thêm. Tuy nhiên Sophie vẫn tận tình phục vụ cách vui vẻ cho đến khi ba đứa nhỏ  trở lại bình thường. Rồi một hôm, kết quả của những ngày lao nhọc thức khuya dậy sớm, Sophie ngã bệnh và từ trần.

Hai năm trôi qua. Hôm nay là ngày giỗ của Sophie Beranski. Người ta thấy cả gia đình Hersten dậy sớm và cùng nhau đến nhà thờ Công giáo dự thánh lễ. Phải chăng là phép lạ?

Không! Sau khi Sophie đã mất được ít lâu, tình cờ khi mở chiếc huy chương mà tụi trẻ đã vất lăn lóc từ lâu trong một hộc tủ, ông Hersten rút ra được mảnh giấy trên có ghi dòng chữ: ”Khi người ta cấm tôi nói về đạo của tôi, tôi quyết sống đạo của tôi trước mặt họ như một chứng từ hùng hồn”.

Ông hết sức cảm phục. Cả gia đình ông cũng thế. Sau đó tất cả mọi người đều đến nhà thờ xin được học đạo và lãnh nhận bí tích Rửa tội.

 

Suy Niệm 9: Giới thiệu nhân vật dọn đường cho Chúa Cứu Thế

(Lm Carôlô Hồ Bắc Xái)

Phân tích

Bài Tin mừng hôm nay giới thiệu hoàn cảnh sinh ra nhân vật thứ hai, sẽ dọn đường cho Chúa Cứu Thế: Gioan Tiền Hô.

1. Ông Dacaria và bà Êlisabét được trình bày theo hình ảnh của những tổ phụ thời Cựu Ước: công chính, tuân giữ mọi đều răn và mệnh lệnh Thiên Chúa, nhưng son sẻ và cao niên cũng như Abraham, Sara; cha mẹ của Samson; cha mẹ của Samuel… Do đó có thể nói hai ông bà là đại diện cho Cựu Ước.

2. Đứa con mà họ sẽ sinh ra cũng là đại diện của Cựu Ước: Gioan được mô tả như các ngôn sứ, được Thiên Chúa gọi ngay từ lòng mẹ, chính Thiên Chúa đặt tên cho, rượu lạt rượu nồng đều không uống, đầy Thần Khí và uy quyền của ngôn sứ. Gioan sẽ thay mặt Cựu Ước để giới thiệu Đức Giêsu của Tân Ước.

3. Việc sinh con trong hoàn cảnh son sẻ tuổi già của các nhân vật Cựu Ước và của vợ chồng Dacaria chuẩn bị cho cuộc sinh ra đặc biệt của Chúa Giêsu, bởi vì “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37)

Suy gẫm

1. Theo cái nhìn đức tin, và trong chương trình cứu độ của Chúa, mỗi người sinh ra đều có một ơn gọi, một sứ mệnh. Xin Chúa cho con nhìn ra và xác tín ơn gọi, sứ mệnh của con hôm nay. Xin Chúa cho con cũng nhìn ra và quý trọng ơn gọi, sứ mệnh của anh chị em đang sống bên con, nhất là sứ mệnh dọn đường cho Chúa đến.

2. Việt Nam ta có một truyện cổ nói lên niềm tin dân gian vào sứ mệnh, vào số mệnh của từng con người trên đời. Nhà kia có ba cậu con trai. Một cậu nổi tiếng là ‘phá gia chi tử’, tiêu xài phung phí, phá của. Cậu khác quanh năm làm ăn quần quật, không dám tiêu xài một xu nào. Cậu thứ ba tuy không phá của nhưng cũng chẳng chịu làm gì hết. Một ngày nọ ba cậu đều hấp hối. Trước khi chết ba cậu lần lượt nói rõ lý do tại sao mình sắp chết. Cậu ‘phá của’ nói rằng nhà này (ý nói cha mẹ cậu) kiếp trước nợ nần tôi nên kiếp này tôi đầu thai vô để đòi nợ. Nay đòi xong, tôi ra đi. Cậu ‘làm quần quật’ nói rằng kiếp trước tôi mắc nợ nhà này, nay đầu thai để trả nợ, đã trả xong nay tôi ra đi. Còn cậu cuối cùng nói rằng tôi chẳng dính dáng nợ nần gì với nhà này. Tôi đầu thai vô đây để làm nhân chứng. Nay chứng kiến hai đứa kia đã đòi xong nợ, đã trả hết nợ, vậy tôi ra đi. Chúng ta không tin vào quan niệm đầu thai để đi vào một định mệnh nghiệt ngã, nhưng chúng ta tin vào một sứ mệnh riêng, có tính cách mời gọi và thôi thúc, mà Chúa gửi gắm cho mỗi người chúng ta.

3. Giacaria bị câm nín một thời gian sau đó hát lên bài ca nổi tiếng Benedictus. Đời sống đạo của ta cũng có thể có nét gì tương tự như vậy. Sau những thử thách, sau những gian khổ nghiền ngẫm, sau mùa đông… Sẽ là niềm hân hoan an bình, sẽ là bài ca chúc tụng, sẽ là những bông hoa tươi đẹp… nếu ta biết vững niềm tin cậy phó thác vào tình thương của Chúa.

4. “Một sứ thần hiện ra với Dacaria và bảo: “Bà Êlisabét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai và ông phải đặt tên cho con là Gioan. ” Dacaria thưa rằng: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già mà nhà tôi cũng đã lớn tuổi” (Lc 1,13. 18)

Cô Isabelle 19 tuổi, nữ sinh viên người Pháp, đã cảm thấy “Thiên Chúa không còn là Thiên Chúa nữa,” vì sau những đau khổ, mất mát xảy đến với cô, Thiên Chúa đã “ngoảnh mặt làm ngơ. ” Cô không còn thiết sống nữa. Nhưng chính trong bước đường cùng ấy, theo lời khuyên của một người bạn, cô đã “đến và ở lại với Chúa,” và cô đã cảm nghiệm được lòng nhân từ của Người, đến nỗi có thể thốt lên như thánh Phaolô: “Không gì có thể tách tôi ra khỏi Tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Kitô. ”

Cuộc sống đã hơn một lần khiến tôi cảm thấy không biết phải dựa vào đâu để tin vào Thiên Chúa và chấp nhận những gì xảy đến cho tôi. Cũng như ông Dacaria và cô Isabelle, trước những thách đố của cuộc sống, tôi cũng cảm thấy bối rối, lo âu, không biết nương nhờ ai để có thể đứng vững.

Lạy Chúa, xin cho con biết đến và ở lại với Chúa, tìm và gặp nơi Ngài chỗ nương thân.

 

Suy Niệm 10: Mọi người, và Gioan Baotixita có sứ mệnh

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Theo cái nhìn đức tin, và trong chương trình cứu độ của Chúa, thì mỗi người sinh ra đều có một ơn gọi, một sứ mệnh. - Không phải chỉ có các tổ phụ hay các đấng bậc có chức có vị trong Giáo Hội mới là những người có sứ mệnh nhưng là tất cả mọi người.

Tháng 7-1972 sau những tháng dài bị tra tấn trong trại lính, nơi ngài thi hành nghĩa vụ linh mục, cha Vania đã ngã gục dưới làn mưa đạn. Trong lá thư cuối cùng, ngài viết cho cha mẹ già có những dòng như sau:

“Cha mẹ yêu dấu! Thiên Chúa đã chỉ cho con một con đường phải theo. Con không chắc có thể còn sống để trở về với cha mẹ nữa không, bởi vì những cuộc tra tấn lúc này dã man hơn trước rất nhiều. Thế nhưng, con cũng không sợ, vì có Chúa ở cùng con. Xin cha mẹ cứ an tâm, đừng lo lắng, cũng đừng buồn sầu vì con. Rồi đây, cha mẹ cũng không còn nhận được thư của con nữa. Lúc này con yếu và kiệt sức lắm rồi. Con xin chào thăm cha mẹ trong tình yêu Chúa Kitô và trong sự bình an của Thiên Chúa Cha. Người ta cấm cản con không được rao giảng về Chúa Kitô nữa, và con phải trải qua nhiều khó khăn thử thách. Thế nhưng, con tuyên bố với họ là con sẽ tiếp tục rao giảng Tin Mừng và tình yêu Chúa Kitô. Đây là một sứ mệnh cao cả mà con hãnh diện được tiến bước theo mệnh lệnh của Chúa. Con không xấu hổ rao giảng về Chúa. Các phép lạ Chúa Giêsu làm đều được minh chứng rằng, có Thiên Chúa, do đó con vẫn tiếp tục gieo vãi hạt giống Tin Mừng, vì đó là điều Thánh Thần Chúa phán bảo con. Mười tháng sau, khi nghe con rao giảng về Chúa Kitô, một binh sĩ đã được ơn tin nhận Chúa và xin rửa tội. Điều đó giúp con rất nhiều và giúp con thêm bền lòng vững chí.

Thân ái chào cha mẹ yêu dấu, và có lẽ đây là lời chào cuối cùng, của con gửi đến cha mẹ trên trần gian này”.

2. “Sứ thần hiện ra với Giacaria và bảo: “Bà Êlisabeth vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai và ông phải đặt tên cho con là Gioan”. Giacaria thưa rằng: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già mà nhà tôi cũng đã lớn tuổi” (Lc 1,13. 18).

Giacaria muốn xin một dấu lạ. Việc xin một dấu lạ thực ra không có gì đáng trách cả. Môisen xưa kia đã từng xin Giavê một dấu lạ. (Xh 15,28). Tướng Gêđêon cũng thế, ông cũng muốn xin một dấu lạ khi thiên thần báo cho ông hay là Chúa đã chọn ông làm tướng cứu dân Israel. Ở đây, Giacaria cũng xin một dấu lạ nhưng ông đã bị phạt vì ông không đủ lòng tin.

Giacaria bị câm nín một thời gian nhưng sau đó hát lên bài ca nổi tiếng ”Benedictus”. Đời sống đạo của mỗi người chúng ta cũng có thể có nét gì tương tự như vậy. Chính vì thế mà chúng ta phải biết luôn kiên trì trên con đường theo Chúa.

Sau những tháng năm làm đầy tớ cho một gia đình quí tộc, Sophie Beranska phải thất nghiệp.

Ngày kia, gia đình Hersten, một gia đình Do Thái thuê nàng về chăm sóc cho mấy đứa trẻ trong nhà họ. Ngay hôm đầu tiên khi biết được Sophie là người Công giáo, ông chủ đặt điều kiện là nàng không được “giảng đạo” cho con cái ông. Sophie nhận lời. Và chiều hôm ấy, lúc còn lại một mình trong phòng, nàng lấy một mảnh giấy nhỏ, viết một dòng chữ xếp lại và bỏ vào chiếc huy chương cha nàng để lại, rồi mang vào cổ. Lũ trẻ trong nhà nhiều lần đòi Sophie cho coi chiếc huy chương ấy nhưng nàng nhất định không cho: bí mật của đời cô mà!

Dưới sự chăm sóc chỉ bảo của Sophie, lũ trẻ trong gia đình của Hersten càng ngày càng trở nên nhu mì ngoan ngoãn. Cuộc sống đang lặng lẽ trôi qua thì một hôm, tai họa dồn dập xảy đến: Bé Naim đau nặng. Cả nhà cuống quít đưa đi bệnh viện. Sophie tình nguyện túc trực ngày đêm ở đó. Rồi thêm hai đứa nữa cũng ngã bệnh. Gánh đã nặng thì càng nặng thêm trên đôi vai Sophie. Tuy nhiên, nàng vẫn tận tình phục vụ cách vui vẻ cho đến khi 3 đứa nhỏ trở lại bình thường. Rồi một hôm, kết quả của những ngày lao nhọc thức khuya dậy sớm, Sophie ngã bệnh và từ trần.

Hai năm trôi qua. Hôm nay, là ngày giỗ của Sophie Beranska. Người ta thấy cả gia đình Hersten dậy sớm và cùng nhau đến một nhà thờ Công giáo dự thánh lễ. Phải chăng là phép lạ?

Không! Sau khi Sophie đã mất được ít lâu, tình cờ khi mở chiếc huy chương của nàng mà tụi trẻ đã vất lăn lóc từ lâu trong một hộc tủ, ông Hersten rút ra được một mảnh giấy trên có ghi dòng chữ: “Khi người ta cấm tôi nói về đạo của tôi, tôi quyết sống đạo của tôi trước mặt họ như một chứng tích hùng hồn”.

Ông hết sức bàng hoàng cảm phục. Rồi gia đình ông cũng thế. Và sau đó tất cả mọi người đều đến nhà thờ xin được học đạo và lãnh nhận bí tích Rửa tội.

 

Suy Niệm 11: Thiên thần Gabriel báo trước việc Gioan Tẩy giả sinh ra

(Lm. Micae Võ Thành Nhân)

Thánh Gioan Tẩy Giả được Chúa chọn làm người tiền hô của Chúa. Người tiền hô là người đi trước dọn đường cho Chúa ngự đến, bằng cách dùng lời nói và gương sáng cũng như kinh nghiệm cuộc sống của mình để giúp cho dân chúng cách thức thống hối, trở về với Chúa và rồi được gặp Chúa khi Chúa đến.

Chẳng phải vì là tiền hô của Chúa mà cuộc đời của ngài dường như có vẻ rất huyền nhiệm, bí ẩn, khó hiểu, thách đố con người chúng ta. Thật sự những gì diễn ra trong bài Tin Mừng hôm nay theo tường thuật của thánh sử Luca đều nằm trong chương trình cứu độ của Chúa, đặt trên nền tảng tình yêu vô biên của Chúa đối với con người chúng ta và cách riêng là với thánh Gioan Tẩy Giả. Ngài được thiên thần Gabriel vâng lệnh Chúa đến truyền tin cho ông Zacaria là cha của ngài khi mà tuổi đã về chiều, đang dâng hương trong Đền Thờ Chúa theo phiên trực của mình, là Êlisabét, mẹ ngài sẽ cưu mang ngài. Lúc này, chúng ta cảm thông cho ông Zacaria chưa chịu tin vì lý do: “Làm sao tôi biết được, vì tôi đây đã già, vợ tôi cũng đã cao niên” (Lc 1, 18), bởi nếu ai trong chúng ta mà rơi vào trường hợp như thế này thì làm gì mà dễ dàng tin được. Ông Zacaria có một niềm tin mạnh mẽ vào Chúa mà cũng còn hồ nghi như vậy, huống hồ chúng ta còn yếu đức tin thì làm gì chúng ta không đặt nghi vấn. Chúa chẳng vì vậy mà bắt bẻ hay khó chịu, hoặc trừng phạt ông Zacaria, vì Chúa biết đây là ơn ban quá lớn lao cho ông  Zacaria và bà Êlisabét mà hai ông bà khẩn xin Chúa gần như suốt cả cuộc đời. Do đó, Chúa để cho ông Zacaria bị câm và rồi sau những ngày thánh vụ quan trọng đó, ông trở về nhà, sống với bà Êlisabét trong âm thầm, khiêm hạ để suy gẫm ơn trong đại Chúa ban này.

Trong lúc truyền tin cho ông Zacaria, thiên thần Gabriel cũng cho ông và chúng ta biết sứ mạng của thánh Gioan Tẩy Giả là: “Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì lời ngươi cầu nguyện đã được nhậm rồi. Ê-li-sa-bét vợ ngươi sẽ hạ sinh cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ gọi tên trẻ là Gio-an. Ngươi sẽ được vui mừng hân hoan, và nhiều người cũng sẽ vui mừng, vì việc trẻ sinh ra. Vì trẻ nầy sẽ nên cao trọng trước mắt Chúa, sẽ không uống rượu và thức có men, sẽ được tràn đầy Thánh Thần ngay từ lòng mẹ, sẽ đem nhiều con cái Ít-ra-en trở về cùng Chúa là Thiên Chúa. Trẻ này sẽ đi trước Người, trong thần trí và quyền lực của Êli-a, để đổi lòng dạ cha ông về với con cháu, kẻ ngổ nghịch về lại với lương tri của những người công chính, dọn cho Chúa một đoàn dân chuẩn bị” (Lc 1, 13 – 17). Vậy là cuộc đời và sứ mạng của ngài đã được thiên thần báo trước khi ngài thực hiện những gì Chúa muốn, đó là điều mà chúng ta cần biết được là muốn thực hiện sứ mạng chứng nhân cho Chúa, chúng ta phải sống đúng ý Chúa thì mới đươc.

Ơn Chúa ban luôn làm cho con người chúng ta hạnh phúc, vì thế chúng ta cần phải luôn tạ ơn Chúa, tạ ơn suốt cuộc đời, chúng ta cũng cần nhờ người khác cùng tạ ơn Chúa với chúng ta: “Chúa đã làm cho tôi thế này, trong những ngày Người đoái thương, cất nổi khổ nhục tôi khỏi người đời” (Lc 1, 25).

Lạy Chúa, chỉ còn mấy ngày nữa là chúng con mừng Chúa giáng sinh, trong những ngày này, xin Chúa cho chúng con biết khẩn trương dọn linh hồn chúng con cách chu đáo hơn để chúng con đón Chúa đến. Amen.

 

Suy Niệm 12: Mầm non từ gốc tổ Giesê

(Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB)

Qua Lời Tổng Nguyện của Ngày 19 Tháng 12 hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Qua điềm lạ Đức Trinh Nữ sinh con, Chúa đã tỏ cho trần gian thấy Vầng Hồng chiếu tỏa vinh quang Chúa là chính Đức Giêsu Kitô. Xin Chúa giúp chúng ta biết họp mừng Mầu Nhiệm Giáng Sinh với một niềm kính tin toàn vẹn và một lòng vâng phục thẳm sâu.

Kính tin toàn vẹn và vâng phục thẳm sâu, bởi vì, Chúa luôn nhìn đến những người nghèo khổ bé mọn, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia cho thấy: Than khóc Babylon, qua sự kiện xảy ra cho Babylon, Thiên Chúa muốn dùng việc Người làm để nói với một thế giới chỉ tin cậy vào sức riêng của mình, đồng thời cho biết, sự khôn ngoan kiêu hãnh của họ đưa họ đến chỗ suy vong. Ơn cứu độ đích thực ở bên những người nghèo của Đức Chúa: sống niềm tin trong cảnh lầm than và đôi khi cả áp bức, phải tìm sự cứu thoát ở đó, bây giờ cũng như ngày xưa. Trời hãy hò reo, đất hãy nhảy múa, núi non hãy bật tiếng hò reo. Vì Đức Chúa chạnh lòng thương những kẻ nghèo khổ của Người. Đấng cứu chuộc chúng ta, Đấng mang danh hiệu là Đức Chúa các đạo binh, là Đức Thánh của Ítraen.

Kính tin toàn vẹn và vâng phục thẳm sâu, bởi vì, chắc chắn Chúa sẽ đến cứu độ chúng ta, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Irênê nói: Chính Chúa cứu độ con người, vì con người không thể tự cứu mình được… Muôn dân hỡi, lắng nghe lời Chúa và loan tin đến cùng cõi địa cầu. Hãy nói cho các đảo xa vời được biết: Đấng cứu độ chúng ta sắp ngự đến rồi. Hãy loan tin, thông báo, hãy lớn tiếng kêu lên.

Kính tin toàn vẹn và vâng phục thẳm sâu, bởi vì, Chúa sẽ thực hiện lời hứa của Người và chúng ta sẽ ca ngợi những kỳ công Chúa thực hiện, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Thủ Lãnh cho thấy: Samsôn được sinh ra theo lời sứ thần báo. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 70, vịnh gia đã kêu xin: Miệng chứa chan lời tán tụng Chúa, suốt ngày con chẳng ngớt tôn vinh Ngài. Lạy Chúa, xin Ngài nên như núi đá cho con trú ẩn, như thành trì để cứu độ con, núi đá và thành trì bảo vệ con, chính là Ngài. Lạy Thiên Chúa, xin giải thoát con khỏi bàn tay kẻ dữ.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Đức Kitô là mầm non từ gốc tổ Giesê, Ngài chiêu tập muôn dân dưới hiệu kỳ. Xin đến mà giải thoát, đừng trì hoãn làm chi. Bài Tin Mừng cho thấy: Gioan Tẩy Giả sinh ra theo lời sứ thần Gáprien báo. Samsôn và Gioan sinh ra theo lời sứ thần báo, và Đấng Cứu Độ cũng từ gốc tổ Giesê sẽ sinh ra như lời Người đã hứa. Chúa đã thực hiện lời hứa của Người. Ơn cứu độ của ta không do ta mà có, nhưng, do Thiên Chúa. Thầy thuốc chứng tỏ tài năng của mình nơi các con bệnh thế nào, thì Thiên Chúa cũng biểu lộ quyền năng của Người nơi loài người như thế. Nhờ Con Thiên Chúa, con người lại được hưởng lòng thương xót, được ơn làm nghĩa tử. Ngôi Lời đã nên giống như thân xác tội lỗi, để lên án tội lỗi, và khi kết án rồi, Người trục xuất tội lỗi ra khỏi thân xác. Làm như vậy, Người thúc đẩy phàm nhân nên giống như Người, đặt họ vào mối dây liên hệ cha con để họ được nhìn thấy Thiên Chúa, và giúp họ hiểu được Chúa Cha. Ngôi Lời Thiên Chúa ngự trong con người và trở thành Con của loài người để làm cho con người quen nhận biết Thiên Chúa và để Thiên Chúa quen ngự trong con người. Người nào không kiêu căng, không tự phụ, lại biết vâng phục và tạ ơn, người ấy sẽ được Thiên Chúa ban cho vinh quang lớn lao, và được tăng triển cho đến khi nên giống Đấng đã chịu chết vì mình. Qua điềm lạ Đức Trinh Nữ sinh con, Chúa đã tỏ cho trần gian thấy Vầng Hồng chiếu tỏa vinh quang Chúa là chính Đức Giêsu Kitô. Ước gì chúng ta biết họp mừng Mầu Nhiệm Giáng Sinh với một niềm kính tin toàn vẹn và một lòng vâng phục thẳm sâu. Ước gì được như thế!

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Tư 18/12/2024 – Thứ Tư tuần 3 mùa vọng. – Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.  (17/12/2024 10:00:00 - Xem: 2,891)

Thứ Tư tuần 3 mùa vọng.

Thứ Ba 17/12/2024 – Thứ Ba tuần 3 mùa vọng. – Gia Phả Của Chúa Giêsu Kitô.  (16/12/2024 10:00:00 - Xem: 3,869)

Thứ Ba tuần 3 mùa vọng.

Thứ Hai 16/12/2024 – Thứ Hai tuần 3 mùa vọng. – Quyền phép nào? (15/12/2024 10:00:00 - Xem: 3,791)

Thứ Hai tuần 3 mùa vọng.

+ Chúa Nhật 15/12/2024 – CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG năm C. – Tôi phải làm gì? (14/12/2024 10:00:00 - Xem: 5,514)

CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG năm C.

Thứ Bảy 14/12/2024 – Thứ Bảy tuần 2 mùa vọng. – Thánh Gioan Thánh Giá, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. – Gioan Tẩy Giả chính là Elia.  (13/12/2024 10:00:00 - Xem: 3,706)

Thánh Gioan Thánh Giá, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

Thứ Sáu 13/12/2024 – Thứ Sáu tuần 2 mùa vọng. – Thánh Luxia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Chủ quan, phiến diện.  (12/12/2024 10:00:00 - Xem: 4,118)

Thánh Luxia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 12/12/2024 – Thứ Năm tuần 2 mùa vọng. – Gioan Tẩy giả được Chúa khen.  (11/12/2024 10:00:00 - Xem: 4,218)

Thứ Năm tuần 2 mùa vọng.

Thứ Tư 11/12/2024 – Thứ Tư tuần 2 mùa vọng. – Dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng.  (10/12/2024 10:00:00 - Xem: 3,969)

Thứ Tư tuần 2 mùa vọng.

Thứ Ba 10/12/2024 – Thứ Ba tuần 2 mùa vọng. – Con chiên lạc đàn.  (09/12/2024 10:00:00 - Xem: 3,804)

Thứ Ba tuần 2 mùa vọng.

Thứ Hai 09/12/2024 – Thứ Hai tuần 2 mùa vọng. – ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI. Lễ trọng. Lễ HỌ. Cầu cho giáo dân. – Xin Vâng.  (08/12/2024 10:00:00 - Xem: 7,205)

ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI. Lễ trọng. Lễ HỌ. Cầu cho giáo dân.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7