Thứ Năm 12/12/2024 – Thứ Năm tuần 2 mùa vọng. – Gioan Tẩy giả được Chúa khen.
- In trang này
- Lượt xem: 4,220
- Ngày đăng: 11/12/2024 10:00:00
Gioan Tẩy giả được Chúa khen.
12/12 – Thứ Năm tuần 2 mùa vọng.
"Chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả".
LỜI CHÚA: Mt 11, 11-15
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả, nhưng người nhỏ nhất trong nước trời lại cao trọng hơn ông.
Từ thời ông Gioan Tẩy Giả đến giờ, nước trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy, và những kẻ mạnh mẽ can đảm mới chiếm được. Tất cả các tiên tri và lề luật đã tuyên sấm cho đến Gioan và nếu các ngươi muốn hiểu, thì chính Gioan là Elia, kẻ phải đến.
Ai có tai, thì hãy nghe!"
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
Suy Niệm 1: Gioan chính là Êlia
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ. )
Đã từ lâu dân tộc Do Thái không có vị ngôn sứ nào xuất hiện.
Thiên Chúa thinh lặng như chẳng muốn nói với dân Ngài.
Người ta thường coi vị ngôn sứ cuối cùng là Malaki.
Ông sống trước công nguyên gần năm thế kỷ.
Ông đã mạnh mẽ phê phán những bê bối của các tư tế và dân Do Thái
sau khi họ trở về từ nơi bị lưu đầy ở Babylon.
Malaki tiên báo ngày đoán phạt của Đức Chúa gần đến.
Nhưng trước khi Ngài đến, sẽ có người đi trước để dọn đường (Ml 3, 1).
Êlia chính là người làm công việc đó:
“Này đây Ta sẽ sai đến với ngươi Êlia, vị ngôn sứ” (Ml 3, 23).
Gioan Tẩy giả là người đã làm nhiệm vụ của Êlia,
tuy ông không phải là một Êlia từ cõi chết sống lại.
Gioan xuất hiện như một ngôn sứ khắc khổ nơi sa mạc hoang vu.
Ông đã cất tiếng mời gọi mọi người sám hối và chịu phép rửa.
để dọn lòng đón Đấng Mêsia sắp đến.
Thế là sau bao thế kỷ mong chờ, Thiên Chúa lại ngỏ lời với dân Ngài.
Gioan Tẩy giả luôn là nhân vật nổi bật trong Mùa Vọng.
Đức Giêsu khẳng định ông còn trọng hơn một ngôn sứ nữa (Mt 11, 9).
Đã có bao ngôn sứ trong Cựu Ước xuất hiện trước ông,
loan báo về Đấng Cứu độ mà Thiên Chúa hứa ban.
Nhưng Gioan là người duy nhất đã chỉ cho dân thấy Đấng ấy là ai.
Chính là Đức Giêsu, người ông đã ban phép rửa.
Gioan cao trọng vì ông là cầu nối giữa hai giai đoạn của lịch sử cứu độ.
Ông vừa thuộc nhóm những ngôn sứ của giai đoạn trước (c. 11),
vừa là người đã chạm đến Nước Trời ở giai đoạn sau (cc. 12-13).
Giai đoạn trước của những lời Thiên Chúa hứa,
và giai đoạn sau khi Thiên Chúa thực hiện những lời hứa này.
Đức Giêsu là Đấng khai mở giai đoạn sau.
Nhưng Ngài cần Gioan để làm người trực tiếp giới thiệu.
Chúng ta không thánh thiện hơn Gioan Tẩy giả,
nhưng chúng ta có phần hạnh phúc hơn ông,
vì được sống trong giai đoạn lời hứa của Thiên Chúa nên thành tựu.
Ơn cứu độ đã đến, Nước Trời đã ở ngay bên.
“Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông” (c. 11).
Cao trọng hơn vì những kho tàng mới do Đức Giêsu mang lại.
Ngài đem đến ơn cứu độ toàn diện cho từng người,
vượt xa những gì mà các ngôn sứ thời xưa mong đợi.
Gioan hẳn sẽ có mặt trong bữa tiệc cánh chung (Mt 8, 11).
Ông đã chiếm được Nước Trời bằng sức mạnh phấn đấu (c. 12).
Ông đã sống bất khuất và đã chết anh hùng.
Mỗi lần Mùa Vọng, chúng ta lại gặp Gioan.
Đức Giêsu mãi mãi cần những Gioan cho đến ngày tận thế,
để bắc một nhịp cầu, để làm người môi giới trung gian
để tình yêu cứu độ được mọi người đón nhận.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến.
Xin đừng mỉm cười mà nói rằng
Chúa đã ở bên chúng con rồi.
Có cả triệu người chưa biết Chúa.
Nhưng biết Chúa thì được cái gì?
Chúa đến để làm gì
nếu đời sống con cái của Chúa
cứ tiếp tục y như cũ?
Xin hoán cải chúng con.
Xin lay chuyển chúng con.
Ước gì sứ điệp của Chúa
trở nên máu thịt của chúng con,
trở nên lẽ sống của cuộc đời chúng con.
Ước gì sứ điệp đó
lôi chúng con ra khỏi sự an nhiên tự tại,
và đòi buộc chúng con,
làm chúng con không yên.
Bởi lẽ chỉ như thế,
sứ điệp đó mới mang lại cho chúng con
bình an sâu xa,
thứ bình an khác hẳn,
đó là Bình An của Chúa. (Helder Câmara)
Suy Niệm 2: Mùa vọng: sống mạnh mẽ
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Gioan Tẩy giả là mẫu gương đáng mơ ước của Mùa Vọng.
Ông là tiên tri cao cả nhất vì các vị tiên tri khác chỉ loan báo theo linh hứng của Chúa. Trong khi Gioan là tiên tri duy nhất được thấy Đấng Cứu Thế xuất hiện. Ông cao cả nhất trong số nam nhân vì được Chúa tha tội nguyên tổ ngay từ khi còn trong lòng mẹ. Ông cao cả nhất vì được chính Đấng Cứu Thế đến tận nhà viếng thăm.
Ông là người phấn đấu vào Nước Trời là nước phải chiếm đoạt bằng sức mạnh. Gioan tràn đầy sức mạnh không chỉ vì lời rao giảng của ngài mạnh mẽ, cương trực, nhưng còn vì đời sống của ngài thật mạnh mẽ. Mạnh mẽ khi đối đầu với cái ác. Dám gọi những bậc vị vọng trong dân như phái Phariseu là “nòi rắn độc”. Dám lên án đời sống vô luân của vua Hêrôđê. Mạnh mẽ đáng khâm phục trong đời sống từ bỏ. Từ bỏ nơi phồn hoa đô hội để sống trong sa mạc. Từ bỏ những hoạt động bên ngoài để chìm sâu trong cầu nguyện. Từ bỏ tìm ý riêng để tìm thánh ý Chúa. Từ bỏ những gì phụ thuộc để tìm điều cốt yếu. Biết rằng sự sống quí hơn của ăn nên ngài chỉ ăn uống đơn sơ cho đủ sống trong sa mạc. Biết rằng thân thể quí hơn áo mặc nên ngài chỉ cần tấm da thú che thân. Nhất là dám từ bỏ mạng sống vì làm chứng cho chân lý. Biết quên mình vì Chúa. Biết bảo vệ giáo lý chân chính của Chúa. Phục vụ Chúa đến quên thân mình, đến máu chảy đầu rơi vì Chúa.
Gioan Tẩy giả là chiếc bừa mà Isaia loan báo. Được Chúa ban sức mạnh lưỡi bừa đã bừa nát những giả trá, hư ảo của trần gian, đã làm cho những giá trị phù phiếm tan tành bay tơi tả như trấu trong cơn gió, để xuất hiện những giá trị chân thực vĩnh cửu.
Chúng ta chỉ là loài sâu bọ hèn kém, là người dân bé nhỏ tầm thường, cần được ơn Chúa ban để trở nên mạnh mẽ, để nên như chiếc bừa của Chúa, mới mẻ, sắc nhọn và mạnh mẽ. Và chỗ cần cầy bừa nhất là chính linh hồn ta. Cần có chiếc bừa nhọn sắc của Chúa. Cần có sức mạnh của Chúa. Để ta cầy xới linh hồn. Phá bỏ những giả trá, phù vân trong tâm hồn. Như thế ta mới mong gặp được Chúa và chiếm đoạt được Nước Trời trong mùa Vọng này.
Suy Niệm 3: Người Ðược Chúa Khen
(‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’)
Nhìn vào các chi tiết đã xảy ra cho Gioan Tẩy Giả mà Thiên Chúa đã làm, chúng ta thấy cũng là một chuyện lạ lùng. Zacharia, cha của Gioan Tẩy Giả, là người thuộc ban Abina, tức là một tư tế phục dịch trong Ðền Thờ; và Elizabeth, mẹ của ngài, thuộc dòng dõi Aaron. Cả hai ông bà là người công chính trước mặt Thiên Chúa, ăn ở tuân giữ mọi giới răn và lề luật của Ngài. Nhưng cả hai người không có con và tuổi đã già cả. Zacharia đến phiên mình vào dâng hương trong Ðền Thờ khi trúng thăm. Khi vào Ðền Thờ dâng hương, ông thấy thiên thần Gabriel hiện ra bên phải hương án và cho ông biết: Bạn ông sẽ sinh một con trai và tên con trẻ sẽ gọi là Gioan Tẩy Giả, và con trẻ này sẽ nên cao trọng trước mặt Thiên Chúa, ngài sẽ không uống rượu và thức có men, sẽ được tràn đầy Thánh Thần ngay từ trong lòng mẹ, sẽ đem nhiều con cái Israel trở về cùng Chúa là Thiên Chúa. Và thiên thần Gabriel còn cho biết thêm: Con trẻ là người đi trước dọn đường cho Ðấng Cứu Thế đến.
Rồi khi Mẹ Maria đến thăm bà Elizabeth, lúc ấy bà đang mang thai Gioan Tẩy Giả được sáu tháng thì con trẻ trong lòng bà cũng đã nhảy mừng và được khỏi tội tổ tông.
Sau khi Gioan Tẩy Giả sinh ra, cả hai ông bà muốn đặt tên cho con trẻ là Gioan Tẩy Giả, nhưng bấy giờ Zacharia đang bị câm không nói được nên ông ra hiệu là đặt tên cho con trẻ là Gioan Tẩy Giả. Mặc dù mọi người trong dòng họ đều không bằng lòng, vì không ai trong họ hàng có tên đó.
Từ những sự kiện trên cho ta thấy Gioan Tẩy Giả được sinh ra một cách khác thường và khắp các miền núi phía Giuđêa lúc bấy giờ đều nghĩ thầm rằng: Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực bàn tay Thiên Chúa đã ở với con trẻ này.
Ðiều đó đã được Chúa Giêsu xác nhận trong bài Tin Mừng hôm nay: "Thật, Ta bảo các ngươi hay, trong con cái do người nữ sinh ra chưa có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả". Con người có lẽ ai cũng mong ước được như Gioan Tẩy Giả. Chúng ta cũng thấy trong một đoạn Tin Mừng khác, lúc Chúa Giêsu đang giảng dạy thì có một người đàn bà buột miệng nói rằng: "Phúc thay dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú. Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng::Ai nghe và giữ lời Chúa thì còn có phúc hơn nhiều". Hoặc chúng ta cũng thấy trong lúc Chúa Giêsu đang thi hành sứ mệnh công khai của Ngài, Mẹ Maria và các người thân thuộc tìm đến nghe, nhưng vì dân chúng quá đông không chen vào được, có mấy người thấy thế nói với Chúa Giêsu: "Kìa Mẹ và anh em Thầy đến tìm Thầy", Chúa Giêsu liền trả lời: "Ai là Mẹ Ta, ai là anh em Ta? Ðó là những kẻ nghe và giữ lời Ta".
Qua những lời trên, Chúa Giêsu cho chúng ta một cái nhìn mới, một ý nghĩa mới: thân thuộc, bà con bằng máu mủ không quan trọng cho bằng thân thuộc bà con thiêng liêng: "Ai theo Ta mà không từ bỏ cha mẹ anh em thì chưa xứng đáng là môn đệ Ta". Nói thế không phải chúng ta không tôn kính hay không yêu mến cha mẹ chúng ta, vì giới răn thứ tư trong Mười Ðiều Răn, Ðức Kitô dạy rằng: "Hãy thảo kính cha mẹ". Giới răn này nằm sau giới răn thứ nhất: "Thờ phượng Ðức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự".
Chúng ta đừng đặt nặng vấn đề gia đình, vấn đề tình thân thuộc máu huyết mà chúng ta quên mất việc thờ Thiên Chúa. Chúng ta cũng đừng tìm danh giá, giàu sang bên ngoài mà quên mất lương thực Thần Linh nuôi sống chúng ta, đó là Mình và Máu Chúa. Mình Máu Chúa nuôi sống phần hồn, lương thực Lời Chúa nuôi sống tinh thần chúng ta.
Từ Gioan Tẩy Giả trở về sau, tức là từ khi Chúa Giêsu Kitô đem ơn cứu rỗi của Thiên Chúa đến cho nhân loại thì Nước Trời phải dùng sức mạnh mới chiếm lấy được và kẻ nào mạnh mẽ can đảm mới chiếm được. Trước Chúa Kitô chưa ai có được ơn cứu rỗi cho đến khi Chúa Kitô chết trên Thánh Giá Ngài mới kéo tất cả mọi sự lên cùng Ngài. Ai muốn nhận được ơn cứu rỗi đó phải qua cửa hẹp, phải vác thập giá mình mà theo Chúa mới vào được Nước Trời, vì ngày nào có sự khốn khó của ngày ấy.
Theo Chúa để vào Nước Trời, chúng ta phải chiến đấu với chính bản thân mình, phải từ bỏ những đam mê, những thói quen không tốt, những việc làm không chính đáng, phải hy sinh cho người thân quen thuộc trong gia đình, cho tha nhân và làm tất cả những gì khi có thể để giúp đỡ người khác mới thực sự là dấn thân thi hành giới răn "Mến Chúa Yêu Người".
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn hiểu rõ được giá trị của sự yêu thương, tránh tìm những gì hào nhoáng bên ngoài nhưng thực sự sống cảm thông, yêu thương nhau và tha thứ khoan dung hơn để mong chờ Ðấng Cứu Thế đến. Amen.
Suy Niệm 4: Gioan Tẩy giả.
Lustiger là người Do Thái đã từng chứng kiến cảnh phân biệt chủng tộc và việc Đức quốc xã tiêu diệt người Do Thái. Là người Do Thái, nhưng có bạn là người Công giáo, một hôm theo bạn đến nhà thờ và từ đó muốn trở lại Công giáo. Anh muốn thuộc về Chúa và dâng hiến cuộc đời cho Chúa. Mặc dù ông bố không chấp thuận, nhưng anh nhất quyết đi tu để phục vụ người nghèo khổ, yếu đuối.
Năm 1954, thụ phong linh mục. Năm 1964 được chọn làm Giám mục và được đề cử về làm Tổng Giám mục Paris. Bị một số người bất bình phản đối, nhưng ngài vẫn kiên vững trong đức tin và quan tâm phục vụ mọi người.
Bài Tin Mừng hôm nay nói đến một con người đặc biệt, có sứ mệnh chuẩn bị tâm hồn người Do Thái đón nhận Chúa, con người ấy là Gioan Tẩy giả. Kể từ khi gặp Chúa Giêsu, nhất là từ khi bị Hêrôđê tống ngục, cố gắng quan trọng của Gioan là làm sao cho môn đệ của ông nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Thiên sai. Dù tống giam Gioan, nhưng Hêrôđê vẫn còn nể Gioan, nên cho ngài được liên lạc với bên ngoài, bằng chứng là các việc Chúa Giêsu làm đều đến được tai Gioan và các môn đệ vẫn được tiếp xúc với ngài. Chúa Giêsu cũng đã từng ca tụng Gioan với dân chúng đi theo và nghe Ngài giảng dạy. Bằng lối văn đặt câu hỏi dồn dập, Ngài nhấn mạnh đến một số đức tính của Gioan. Trước hết, là thái độ cứng rắn không chịu thua sự dữ: “Các người đi ra sa mạc để coi cái gì? Cây sậy rung trước gió ư?” Gioan không phải là cây sậy. Gioan đã dám đương đầu với sự xấu. Gioan không nể vua Hêrôđê khi khuyến cáo vua không được lấy vợ của người anh cùng cha khác mẹ với mình là Philip. Thứ đến là việc từ bỏ mọi sự để sống nghèo khó. Gioan không ăn mặc mịn màng và sống xa hoa. Gioan chỉ vận tấm da thú, ăn những thức ăn đơn sơ tìm được nơi rừng hoang, như châu chấu, mật ong. Sau cùng Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sứ mệnh của Gioan: “Các người đi xem một tiên tri ư? Ta bảo các người: và còn hơn một tiên tri nữa”. Về ông đã có viết: “Này Ta sai sứ thần đi trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi”.
Tuy nhiên, nếu vai trò của Gioan cao trọng, thì Nước Trời còn cao trọng hơn, vì người nhỏ nhất trong Nước Trời còn lớn hơn Gioan. Sở dĩ Nước Trời có giá trị lớn lao vì có sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô. Nước Trời được mô tả như vương quốc của sức mạnh và chỉ những kẻ mạnh mới dành được phần thắng.
Ước gì chúng ta biết sống trọn vẹn ơn gọi của chúng ta và tìm gặp được Đức Giêsu là Đấng cứu độ và niềm vui của chúng ta nơi trần gian này.
Suy Niệm 5: Ngôn sứ Gioan Tẩy Giả
“Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông. Từ thời ông Gioan Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì sẽ chiếm được. Cho đến ông Gioan, tất cả các ngôn sứ cũng như Lề Luật đều đã nói tiên tri. Và nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gioan chính là Ê-li-a, người phải đến. Ai có tai thì nghe. (Mt. 11, 11-12)
Trong mùa vọng, hình ảnh Gioan tẩy giả nổi bật, ông là nhân vật tích cực hoạt động: rao giảng, loan báo, làm phép rửa, kêu gọi ăn năn trở lại. Người ta cảm thấy ông rất lo lắng, rất vội vã thúc bách khẩn trương: “Có Đấng đang đến, đang ở giữa các anh chị em, anh chị em hãy cải thiện con tim gấp lên … Chiếc rìu đã kề gốc cây”.
Gioan tẩy giả là ngôn sứ cuối cùng. Mọi người kéo đến với ông, đến với sứ điệp của ông. Quả thực suốt dòng lịch sử dân Ít-ra-en, những lời tiên tri đã lan sâu rộng và được tập trung vào một Đấng. Tất cả mọi hy vọng đều đổ dồn vào một Đấng: Đấng thực hiện lời giao ước. Ngày nay, chúng ta suy nghĩ và tự hỏi xem thời hạn của Gioan đã chấm dứt chưa?
Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu nói kẻ bé mọn nhất trong nước trời còn cao trọng hơn Gioan. Nghĩa là, một đàng, sứ mệnh của Gioan đã kết thúc vì có Đấng đã đến phục hưng nước Thiên Chúa. Nhưng đàng khác, nước trời còn chịu nhiều bạo lực, nước trời này chưa đến thời toàn hảo, Đức Kitô chưa được hoàn toàn biểu lộ. “Từ thời Gioan tới chúng ta ngày nay, nước trời phải chịu đau khổ vì bạo hành”. Chính vì thế, Gioan tẩy giả đã sát nhập với tất cả những ai khẩn cấp kêu gọi đổi mới tâm can trong thế giới đang chịu đau khổ vì bạo lực, như: chiến tranh do chủng tộc, chiến tranh do chủ thuyết, chiến tranh do nội chiến, chiến tranh do phân hóa quốc tế.
Gioan tẩy giả, một lần nữa, sát nhập với những người hô hào cần phải ăn năn trở lại với Đấng đến giải phóng, chỉ có Người mới có thể xây dựng công trình hòa bình toàn hảo thôi.
Còn chúng ta, dâng tế lễ Thánh Thể là tiếp tục vai trò của Gioan, vì tế lễ Thánh Thể là tuyên xưng sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cộng đoàn tụ họp để chia sẻ với Người trong công trình cứu độ cho tới khi Người đến hoàn tất thế giới.
Cử hành Thánh lễ, chính là tuyên xưng quyền phép ban hòa bình của Đức Kitô, là loan báo hoàng tử hòa bình và nước trời bình an.
J. Y. G
Suy Niệm 6: Gioan Tẩy giả là người cao trọng
Trong các cuộc diễn nguyện, lời dẫn phải đi sâu vào nội dung, và người dẫn chương trình phải là người biết truyền cảm hứng cho thính giả thì nội dung mới được toát lên và hấp dẫn. Nhưng điều quan trọng là làm sao cho người tham dự rút ra được bài học từ những cuộc diễn xuất đó mới là điều đáng nói!
Thánh Gioan Tẩy Giả đã xuất sắc trong vai trò này khi ngài trở thành người tiền hô loan báo về Đấng Cứu Thế, và, ngài cũng thành công trong việc truyền cảm cho những người đương thời về tinh thần sám hối, chuẩn bị cho giáo huấn của Đức Giêsu. Ngoài những lý do trên, ngài còn là tiên tri cuối cùng của thời Cựu Ước, là người loan báo trực tiếp về Đức Giêsu. Cuối cùng, Gioan đã thực hiện thành công xuất sắc sứ mạng của mình bằng cái chết để làm chứng cho sự thật. Như vậy, ngài xứng đáng được Đức Giêsu khen ngợi: "Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả”.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy noi gương Gioan Tẩy Giả: sẵn sàng lên tiếng loan báo Đức Giêsu cho mọi người, dù thuận tiện hay không thuận tiện. Sẵn sàng sống sự khiêm tốn để cho nội dung lời loan báo có hồn và vui lòng nhường lại sân khấu cho diễn viên chính là Đức Giêsu. Có thế, chúng ta mới hy vọng Đức Giêsu khen ngợi là người có phúc như Gioan Tẩy Giả khi xưa.
Lạy Chúa Giêsu, thánh Gioan khi xưa đã hết lòng vì sứ vụ và đã sống chết cho sự thật. Xin Chúa cũng ban cho chúng con hôm nay biết làm chứng cho Chúa bằng sự khiêm tốn, can đảm và trung thành như Gioan khi xưa. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 7: Dũng cảm chiến đấu với bản thân
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Thánh Gioan Tẩy Giả là người cuối cùng chuẩn bị cho Chúa Giêsu đến thiết lập triều đại Thiên Chúa. Ai muốn vào Nước Trời phải biết dũng cảm chiến đấu với bản thân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Thánh Gioan Tẩy Giả là một chân tu đúng nghĩa: sống khắc khổ với thức ăn là châu chấu và mật ong rừng, cái mặc là đồ bằng da thú, nhà ở là rừng, là sa mạc. Suốt đời ông đã hy sinh mọi sự để loan báo, dọn đường cho Chúa Giêsu đến.
Chúa ơi, con biết tìm đâu ra một hình ảnh Gioan trong đời sống xã hội hôm nay, khi mà nhiều người đang sống trong ích kỷ, chạy theo lợi nhuận cho riêng mình. Trong thời buổi kinh tế thị trường, người ta quảng cáo rầm rộ bằng những lời lẽ hấp dẫn, ngọt ngào. Còn Gioan, ông đã đòi hỏi quyết liệt những ai muốn sống theo Tin mừng. Ông đã loan báo Nước Trời bằng lời lẽ cứng rắn: “Ai mạnh sức thì mới chiếm được”.
Lạy Chúa, liệu rằng con có can đảm để đón nhận lời Thánh Gioan kêu gọi hay không? Liệu con có dám bắt chước cuộc sống của Thánh Gioan trong hoàn cảnh hôm nay hay không? Con biết con yếu đuối, con bất lực. Nhưng con cũng ý thức rằng: nếu những người kitô hữu chúng con mà không can đảm sống theo Lời Chúa, thì nói gì đến những người khác.
Lạy Chúa, Thánh Gioan luôn lập đi lập lại như một điệp khúc: “Hãy dọn đường cho Chúa”. Xin Chúa cho con biết quay về với Chúa. Xin ban cho con nguồn sống thiêng liêng để con dám sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, mất mát, hầu có thể bước theo con đường mà Thánh Gioan mời gọi. Amen.
Ghi nhớ: ”Chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả”.
Suy Niệm 8: Chúa khen Gioan Tẩy giả
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Gioan Tẩy Giả từ trong ngục tù đã sai các môn đệ đến phỏng vấn Đức Giêsu có phải là Đấng Cứu Thế không. Sau khi đã trả lời, Đức Giêsu khen và so sánh Gioan Tẩy Giả với mọi người thì Gioan cao trọng hơn hết, vì ông đã giúp dọn đường cho Chúa đến cứu nhân loại, đã làm phép rửa giúp mọi người thống hối. Nhưng nếu so sánh Gioan với người ở trong Nước Trời, thì người nhỏ nhất trong nước này còn cao trọng hơn ông: phần thưởng ở đó rất lớn lao vì luôn có Chúa hiện diện.
2. Đức Giêsu khen Gioan Tẩy Giả về chức vụ tiền hô của ông vì ông đã thi hành rất hoàn hảo. Ông là người cao trọng hơn tất cả mọi người phàm từ trước tới nay, vì ông được vinh dự dọn đường cho Đấng Cứu Thế, và khi Ngài đến, ông còn được vinh dự giới thiệu Ngài cho mọi người biết.
Quả vậy, sánh với đạo cũ, ông là tiên tri trọng hơn các tiên tri vì ông đã giúp vào việc dọn đường cho Đấng Cứu Thế ra đời gần hơn các tiên tri khác, và vì ông đã được thấy Chúa cũng như các việc Người làm.
Nhưng ông vẫn là người thuộc đạo cũ, bởi vậy, tuy là trọng nhất trong các tín đồ đạo cũ, nhưng lại nhỏ hơn hết sánh với các tín đồ thời đạo mới, vì trong luật đạo mới Thiên Chúa ban các ân huệ cao quí cho loài người cách rộng rãi hơn.
2. ”Cuộc lữ hành khám phá thật sự không phải là nhìn những cảnh tượng mới, nhưng là nhìn bằng đôi mắt mới”(M. Proust).
Gioan Tẩy Giả đi trước dọn đường với lòng nhiệt thành nóng bỏng như Êlia ngày nào, rồi Đức Giêsu xuất hiện với quyền năng của Đấng Cứu Thế, y như cảnh tượng các tiên tri loan báo từ xa xưa. Thế nhưng, người Do thái chỉ quen nhìn với đôi mắt cũ: Đấng Cứu Thế phải đáp ứng mong mỏi của họ, phải là người giải phóng họ khỏi ách đô hộ của đế quốc Rôma. Vì thế, họ khước từ Gioan, người Thiên Chúa sai đến. Họ cũng chối bỏ Đức Giêsu, không chấp nhận tư cách Thiên Sai của Ngài. Với đôi mắt cũ, họ không nhận ra sự thật, một ”sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8,32) (5 phút Lời Chúa).
3. Có câu: “Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được”.
Người ta chỉ có thể chiếm được Nước Trời bằng sức mạnh. Chúng ta có thể hiểu câu này bằng hai cách:
- Ai muốn vào Nước Trời thì phải dũng cảm chiến đấu với bản thân. Muốn vào Nước Trời để nên cao trọng thì phải can đảm chiến đấu với ba thù là ma quỉ, thế gian và xác thịt.
- Những người ở trong Hội thánh luôn luôn bị người đời chèn ép và chống đối, người ta dùng áp lực để ngăn cản việc gia nhập Nước Trời, nên ai mạnh sức thì mới vượt thắng được những cản trở để vào Nước Trời.
4. Theo đó, người ta phải can đảm mới chiếm được Nước Trời.
Thánh Gioan Tẩy Giả là người quả cảm không bao giờ chịu lùi bước và chịu thua sự dữ. Ông dám can đảm ngăn cản vua Hêrôđê không được lấy vợ của người anh cùng cha khác mẹ với mình. Ông đã từ bỏ mọi sự, sống đời khó nghèo và sám hối trong hoang địa. Và sau cùng đã chịu cho người ta chặt đầu bỏ trên đĩa.
Đức Giêsu đã từng bảo chúng ta: “Muốn vào được Nước Trời phải “qua cửa hẹp”.
Khi Đức Giêsu nói về cửa hẹp, Ngài muốn ám chỉ việc từ bỏ, từ bỏ hết mọi của cải trần gian, từ bỏ những gì cản bước chúng ta trên đường theo Chúa. Bước qua cửa hẹp còn có nghĩa là giữ và sống Lời Chúa, thi hành giáo huấn của Giáo hội một cách nghiêm chỉnh. Bước qua cửa hẹp còn là nhìn vào chính con người của mình như thể Thiên Chúa nhìn chúng ta bước đi dưới con mắt của Ngài, vì biết rằng Chúa luôn luôn làm chủ cuộc sống của ta.
5. Truyện: Muốn vào hàng trai tráng.
Trong nhiều bộ lạc Da Đỏ Mỹ Châu, họ hay có nghi thức huấn luyện và thu nhận thiếu niên vào hàng ngũ trai tráng trong làng. Người ta tổ chức như sau: Khi mặt trời sắp lặn, người bố sẽ dắt đứa con của mình vào sâu trong một cánh rừng. Đứa bé được trao cho một cây lao với lời nhắn nhủ: “con sẽ ở một mình trong rừng đêm nay”. Sau đó người bố rút lui.
Màn đêm buông xuống rất nhanh. Không gian chập chờn với bao tiếng gầm rú rợn rùng. Người ta dễ có cảm tưởng đang bị thú dữ rình chờ tấn công. Thỉnh thoảng, vài tiếng vỗ cánh của con chim ăn đêm cũng có thể làm cho người yếu vía giật mình. Thời gian chậm chạp trôi qua. Mỗi giây phút là cả một khoảng dài vô định.
Nhưng cuối cùng, màn đêm cũng rút lui. Bầu trời từ từ bừng sáng. Nỗi sợ hãi của đứa bé cũng phai mờ theo. Từ trong một lùm cây, một bóng người xuất hiện: cha của đứa bé. Đứa bé nhận ra và vui mừng chạy đến ôm chầm lấy bố, reo lên: “Bố đã trở lại”. Người cha sẽ hãnh diện khi thấy con mình trải qua đêm đen như một người trưởng thành. Đứa bé không hề biết rằng suốt đêm qua cha nó không ngừng trông chừng nó.
Để trở thành chiến binh anh dũng trên mặt trận đức tin, lắm khi chúng ta cũng phải chấp nhận biết bao thách đố trong bóng đêm cuộc đời. Những đe dọa của sự dữ, gầm rú của đau khổ, rình chờ của xác thịt như những phương thế giúp tinh luyện lòng ta thêm can trường dũng mãnh. Và trong suốt chiều dài của bóng đêm đó, dù ta có ý thức hay không, Thiên Chúa vẫn luôn ở bên cạnh dõi mắt trông nhìn chúng ta.
Suy Niệm 9: Muốn được cứu độ, phải cố gắng, sám hối quay về đường chính
(Lm Carôlô Hồ Bắc Xái)
A. phân tích (Hạt giống ... )
Đoạn này nói về Gioan Tẩy giả:
- Ông là người cao trọng hơn tất cả mọi người phàm từ trước tới nay (nghĩa là tới lúc Chúa Giêsu đến khai mở thời Tân Ước, thiết lập Nước Trời), vì ông được vinh dự dọn đường cho Đấng Messia, và khi Ngài đến, ông còn được vinh dự giới thiệu Ngài cho người ta biết.
- Nhưng từ nay trở đi, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời vẫn còn cao trọng hơn Gioan, bởi vì dù sao Gioan cũng thuộc thời Cựu Ước và phải dừng lại ở ngưỡng cửa Nước Trời, không hạnh phúc bằng kẻ ở trong thời Tân Ước và ở trong Nước Trời.
- “Từ thời Gioan Tẩy giả đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được”.
Câu này có thể hiểu 2 cách:
a/ muốn vào Nước Trời thì phải dũng cảm chiến đấu với bản thân.
b/ có nhiều điều cản trở người ta vào Nước Trời, cho nên muốn vào đó thì phải cố gắng rất nhiều.
- “Ông Gioan chính là Êlia”: xưa kia ngôn sứ Êlia kêu gọi người ta sám hối để quay về thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất. Việc đó Gioan tẩy giả cũng đã làm để chuẩn bị người ta đón Đấng Messia.
B. Suy niệm ( ... nẩy mầm)
1. Chúa Giêsu nói chúng ta hạnh phúc hơn cả Gioan Tẩy giả, vì chúng ta sinh ra vào thời Tân Ước, sinh ra là con của Giáo Hội. Hai hạnh phúc lớn đó lại phát sinh nhiều hạnh phúc khác nữa ...
2. Nhưng ta đừng ỷ lại. Muốn được cứu độ thì vẫn phải cố gắng, phải luôn sám hối quay về đường chính.
3. “Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được”. Trong đời sống đạo, cái quý là làm sao sống trọn vẹn được cả hai khía cạnh sau đây:
- Vừa êm ái dịu dàng, bình an, thoải mái.
- Vừa hăng say, quyết liệt, chiến đấu.
Một người ươn lười, ẻo lả, xười xĩnh, ngại phấn đấu chẳng có hy vọng chiếm được nước Trời. Cần phải “khó với mình, và dễ với người”.
Một người lúc nào cũng hung hăng, quyết liệt chiến đấu, duy ý chí sẽ có nguy cơ chẳng bao giờ hưởng được sự bình an. Dễ sống bất mãn với người, với mình. Dễ biến thành kiểu sống đạo của mình, hơn là kiểu sống đạo Chúa muốn.
4. “Từ thời ông Gian Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được” (Mt 11,12)
Nhà giam chìm ngập trong khói lửa. Gió xô rạp những cành cây khẳng khiu, ngập ngụa trong khói đen dầy đặc. Bọn quan, lính chạy lăng xăng canh giữ mọi cửa nhà giam. Làng xóm lịm đi trước cuộc tàn sát dã man. Ba trăm giáo dân xứ Thơm tỉnh Bà Rịa bị thiêu đốt trong lửa đỏ. Họ đã chiến thắng và chiếm lĩnh Nước Trời bằng chính mạng sống mình.
Có những lúc tôi đã không dám làm dấu thánh một cách nghiêm túc trước bữa ăn ở nơi có đông người. Tôi vẫn thường yếu đuối như thế khi phải tuyên xưng lòng tin, lòng cậy trông nơi Chúa của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con là kẻ yếu đuối. Xin nâng đỡ con bằng cánh tay mạnh mẽ của Người. Xin cho con biết vươn mình lên cao mãi, mặc cho mọi cơn gió tung hoành, để đáng được ở bên Người và được Người chia xẻ vinh quang. (Epphata)
Suy Niệm 10: Nước Trời phải dùng sức mạnh mới chiếm được
(Lm Giuse Đinh Tất Quý)
1. Vâng! Quả là bài Tin Mừng hôm nay nói đến một con người đặc biệt, có sứ mệnh cũng đặc biệt, con người đó là Gioan Tẩy Giả. Chúa Giêsu ca tụng ông vì ông có một số đức tính cao cả mà ít ai có được như ông.
Trước hết, ông là một người quả cảm không bao giờ chịu lùi bước và chịu thua sự dữ: "Các người đi ra sa mạc để coi cái gì? Cây sậy rung trước gió ư?" (Mt 11,7) Gioan không phải là cây sậy. Gioan đã dám đương đầu với sự xấu. Gioan không nể vua Hêrôđê khi khuyến cáo vua không được lấy vợ của người anh cùng cha khác mẹ với mình. .
Thứ đến là ông dám hy sinh vì sứ mạng.
Một nông dân đi xe ngựa ra phố. Đến một cửa tiệm, ông dừng xe vào mua đồ. Ông vừa tới cửa thì con ngựa hí lên và bỏ chạy. Ông vội vàng chạy ra xiết chặt dây cương.
Con ngựa càng hoảng sợ hơn và chạy tứ tung trên đường, kéo theo người nông dân tội nghiệp. Dân chúng đổ xô ra, đến khi ghìm được ngựa thì người nông dân bê bết máu và thoi thóp thở. Một người nói:
- Sao mà ông dại dột hy sinh đời mình vì con ngựa và chiếc xe như thế?
Ông thều thào:
- Cứ nhìn vào trong xe thì biết!
Họ nhìn vào và thấy đứa con nhỏ của ông còn đang ngủ.
Người nông dân hy sinh vì đứa con. Gioan Tẩy Giả hy sinh vì sứ mạng. Vì sứ mạng, Gioan từ bỏ mọi sự để sống cuộc sống nghèo khó. Cuộc sống của ông rất đơn giản và đạm bạc: thức ăn là những thứ tìm được ở rừng, đồ mặc thì làm bằng những tấm da thú; dép ông mang ở dưới chân cũng như vậy.
Và sau cùng, ông dám lãnh nhận một sứ mệnh mà ông biết là rất khó khăn: "Các ngươi lên rừng xem gì? Xem một tiên tri ư? Ta bảo các ngươi: còn hơn cả một tiên tri nữa. " (Mt 11,9) Về ông đã có lời chép: "Này Ta sai sứ thần đi trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi".
Vâng! Gioan quả xứng đáng với lời ca tụng của Chúa. .
2. Thế nhưng, Chúa lại nói thêm: "Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông" (Mt 11,11).
Gioan cao trọng nhưng chỉ cao trọng hơn những người ở trần gian. Còn một thực tại khác cao trọng hơn. Đó là Nước Trời và những người được ở trong Nước đó. Sở dĩ Nước Trời có giá trị lớn lao như vậy vì có sự hiện diện của Chúa. Cho nên những người ở trong Nước đó dù có nhỏ cũng còn cao trọng hơn Gioan.
Nhưng ai là người xứng đáng được ở trong Nước đó? Chúa Giêsu đã chẳng dấu diếm gì những điều Ngài đòi hỏi: "Nước Trời phải dùng sức mạnh mới chiếm được" (Mt 11,12).
Trong một cuốn sách nổi tiếng viết cho giới trẻ, Đức Cha Tiamer Toth đã để lại những lời như thế này: "Nam tướng J. Eotvos, một nhà tư tưởng có tiếng của Hungary đã nói:
"Giá trị chân chính của con người không phải bởi trí năng, nhưng là bởi sức mạnh của chí khí"
Một mùa xuân, anh nông dân đứng bên cạnh thửa ruộng, đưa mắt nhìn những luống cày thân yêu đang phơi mình dưới ánh sáng và tự hỏi:
- Năm nay, hỡi mảnh ruộng của ta, mi có đem lại cho ta cái gì chăng?
Những mảnh ruộng kia lại trả lời bằng một câu hỏi khác:
- Nhưng thưa ông, trước hết ông hãy cho tôi biết ông định cho tôi cái gì đã?
Người bạn trẻ cũng dừng bước trước cánh cửa nhiệm mầu của đời sống và cũng hỏi một lời tương tự:
- Hỡi đời sống, mi có dành cho ta cái gì không? Cái gì sẽ chờ đợi ta từ năm này sang năm khác?
Nhưng đời sống sẽ đáp lại chàng trẻ tuổi:
- Hỡi anh, điều đó còn tùy ở những gì anh cho tôi, phần của anh sẽ được xứng với công việc của anh. Anh sẽ hái quả của hạt giống anh gieo.
Vào thời kỳ cấm đạo đẫm máu trong thế kỷ thứ nhất của đạo Thiên Chúa, một người dân quê tên là Barlaam bị bắt và bị dẫn ra trước tượng thần Jupiter.
Người ta giục anh: "Hãy bỏ hương vào lửa rồi dâng cúng cho Thần Linh chúng ta đi!"
- "Không"! Anh trả lời.
Người ta bắt đầu hành hạ anh, nhưng anh vẫn đứng im. Người ta nâng tay anh lên trên ngọn lửa, người ta nhét hương vào bàn tay anh và bảo anh chỉ có việc bỏ rơi hương xuống lửa:
- Hãy bỏ hương xuống, mày sẽ được tự do!
- Không.
Barlaam, người dân quê đó vẫn trả lời như thế. Anh vẫn đứng im, tay giơ lên ... ngọn lửa bốc mạnh liếm hẳn vào bàn tay anh, hương bắt đầu bén khói, nhưng anh vẫn không động đậy ...
Bàn tay anh bị cháy xém với hương, nhưng Barlaam thà chịu chết vì Đạo còn hơn chối Chúa.
Vâng, một quả tim quả cảm, biết chịu đựng! Đó chính là sức mạnh để chiếm Nước Trời.
Lạy Chúa, chúng con là những kẻ yếu đuối. Xin nâng đỡ chúng con bằng cánh tay mạnh mẽ của Người. Xin cho chúng con biết vươn mình lên, mặc cho những sóng gió tung hoành, để đáng được ở bên Người và được Người chia sẻ vinh quang. (Epphata).
Suy Niệm 11: Sức mạnh của nước trời
(PM Cao Huy Hoàng)
Có nhiều người nghe lời kêu gọi của Gioan mà sám hối và chịu phép rửa để dọn lòng đón Đấng Cứu Thế đến. Nhưng cũng không thiếu những người lòng chai dạ đá, cứng lòng tin. Có thể họ là những người chẳng khao khát Đấng Cứu Thế, hoặc không muốn sám hối vì mãi còn lưu luyến những chuyện bất chính phàm trần. Nguyên nhân của việc cứng tin là kiêu căng. Nguyên nhân của việc không khát khao Đấng Cứu Thế, và bám víu vật chất cũng là vì kiêu căng dẫn tới chỗ mê muội.
Ơn cứu độ không dành cho người kiêu căng. Bởi lẽ, kiêu căng là bản tính của ma quỷ, là đối tượng phải tiêu diệt, và vòng vây hãm con người cần phải được giải nguy. Chúa Giê-su đến để cứu chúng ta khỏi vòng vây kiêu căng của ma quỷ, để được Thiên Chúa xót thương cứu độ. Vì thế, Chúa nói ông Gioan cao trọng vì sứ vụ Thiên Chúa đã trao, nhưng kẻ bé mọn trong nước trời còn cao trọng hơn ông. Nghĩa là, ai nên giống Chúa Giê-su hiền lành khiêm nhượng, mới chiếm được nước trời, và sẽ nên cao trọng trong Nước trời. Muốn được như thế, con người cần phải chiến đấu anh dũng với cái tôi kiêu căng của mình. Chúa nói: “Phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy. Những kẻ mạnh mẽ can đảm mới chiếm được nước trời”.
Lấy đâu ra sức mạnh, sự can đảm mà chiến đấu? Hãy tin vào Chúa Giê-su, và học với Người bài hiền lành khiêm nhượng. Khiêm nhượng và hiền lành nhân từ xót thương là sức mạnh của Nước Trời, trong Chúa Giê-su. Chính Chúa Giê-su đã làm người nhỏ nhất trong Nước Trời. Người vâng Thánh ý Cha, từ bỏ địa vị cao sang của mình, làm thân phận con người hèn mọn, để cứu con người hèn mọn khốn khổ.
Lạy Chúa, xin cho các gia đình đón nhận Chúa Giê-su và học sống hiền lành, khiêm nhượng, yêu thương. Amen.
Suy Niệm 12: Chưa có ai cao trọng hơn Gioan
(Lm. Micae Võ Thành Nhân)
Từ xưa tới nay, các người nam trong những người nữ sinh ra thì chưa có ai cao trong hơn thánh Gioan (Mt 11, 11). Thánh Gioan Tẩy Giả trở nên cao trọng vì Chúa đã chọn ngài làm tiền hô của Chúa. Mặt khác, vì cuộc sống của ngài quá gương mẫu, đạo hạnh, kiêng khem, khổ chế, hãm mình: “Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu cháu và mật ong rừng làm thức ăn” (Mt 3, 4). Vì thế mà dân chúng tuôn đến với ngài rất đông: “Bây giờ, người ta từ Giêrusalem và khắp miền Giuđêa cùng khắp vùng ven sông Giođan, kéo đến với ông” (Mt 11, 5). Tuy ngài cao trọng như thế, được Chúa đề cao, được Chúa tuyên dương, được Chúa yêu quí, nhưng mà lại người nhỏ nhất trong nước trời lại cao trọng hơn ngài. Tại sao Chúa nói về ngài có vẻ nghịch lý vậy.
Thật thế, thời thánh Gioan Tẩy Giả, mặc dù ngài được thấy Chúa, được tiếp xúc với Chúa, được thưa chuyện với Chúa, mà ai trong chúng ta cũng mơ ước được như ngài, nhưng mà ngài chưa được hưởng các nguồn ơn thánh qua các bí tích mà Chúa đã thiết lập từ cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa, nhất là bí tích Thánh Thể, Chúa ban sự sống thần linh, đời đời của Chúa cho con người chúng ta, nuôi dưỡng chúng ta trên con đường lữ thứ trần gian về với Chúa mà ngài chưa được điều cao quí bậc nhất này. Vì thế, mà con người chúng ta thời ấy còn rất mập mờ, chưa hiểu được ơn Chúa ban và sự cộng tác với ơn Chúa. Nếu con người chúng ta cộng tác với ơn Chúa thì hiệu quả ơn Chúa mới lớn nhanh, mới phát triển mạnh, có lợi cho con người chúng ta. Do vậy, mà con người chúng ta dựa vào sức mình chứ không dựa vào ơn Chúa trong việc hướng đến tương lai để mình được vào trong nước trời: “Từ thời Gioan Tẩy giả đến giờ, nước trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy, và những kẻ mạnh mẽ can đảm mới chiếm được” (Mt 11, 12). Qua đó, chúng ta thấy con người thời nay cần phải dựa vào ơn Chúa, công tác với ơn Chúa ban thì chúng ta sẽ được nước trời làm gia nghiệp muôn đời.
Riêng đối với Chúa, thánh Gioan Tẩy Giả đã đến trong tinh thần của tiên tri Êlia. Nghĩa là tinh thần trung thành với giao ước, tuân giữ lề luật Chúa, làm việc thiện để mưu cầu lợi ích cho mọi người, giúp mọi người sống theo thánh ý Chúa để được hạnh phúc. Cuối cùng thánh Gioan Tẩy Giả đã chết vì làm chứng cho sự thật, ngài không tháo lui trong sứ mạng làm chứng cho cho Chúa, ngăn cản con người chúng ta đừng làm điều ác, hại người anh chị em của mình, gây đau khổ cho anh chị em của mình để rồi làm cho thế giới lộn xộn, bất ổn. Ngài chấn chỉnh tất cả mọi sự để đón Chúa đến thăm viếng chúng ta, mang theo phần thưởng cho chúng ta là ơn cứu độ.
Lạy Chúa, xin Chúa ban ơn thúc đẩy chúng con để chúng con lo dọn linh hồn, lo dọn con đường trong Mùa Vọng này để Chúa đến với chúng con. Lạy Chúa, vì mầu nhiệm Chúa xuống thế làm người, xin Chúa cứu chữa chúng con. Amen.
Suy Niệm 13: Chưa có ai cao trọng hơn ông Gioan
(Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB)
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Năm Tuần 2 Mùa Vọng hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa thôi thúc tâm hồn chúng ta lo dọn đường cho Con Một Chúa, để nhờ mầu nhiệm giáng lâm của Người, lòng trí chúng ta được trở nên trong sạch mà phụng thờ Chúa.
Lòng trí chúng ta được trở nên trong sạch, nhờ sương ánh sáng mà Chúa sẽ ban cho những ai khao khát đợi trông Người, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia cho thấy: Vừa cầu xin, vừa tha thiết mong chờ, khi cầu nguyện và cậy trông, chúng ta mong Chúa ban cho dân Người sự sống viên mãn. Ngày Chúa Kitô ngự đến, Người sẽ cứu thế gian khỏi chết. Này những kẻ nằm trong bụi đất, hãy trỗi dậy, hãy reo mừng! Vì sương Đức Chúa ban là sương ánh sáng. Trong số những kẻ nghỉ yên trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy.
Lòng trí chúng ta được trở nên trong sạch, nhờ lòng khao khát được ngắm nhìn Thiên Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Phêrô Kim Ngôn nói: Vì yêu mến, người ta khát khao được ngắm nhìn Thiên Chúa. Tình yêu không thể không nhìn thấy điều mình yêu. Bởi thế, tất cả các thánh đều cho rằng những điều mình đã đạt được, vẫn còn quá ít, nếu không được nhìn thấy Chúa… Đức Chúa phán: Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy. Các ngươi sẽ nhận được ơn phù trợ từ Giêrusalem là đền thánh Ta đã chọn. Nhìn thấy thế, lòng các bạn sẽ chan chứa niềm vui. Ta sẽ ban ơn cứu độ tại Xion, sẽ cho Giêrusalem được vinh quang rạng rỡ.
Lòng trí chúng ta được trở nên trong sạch, nhờ tin tưởng vào lòng từ bi thương xót, và tình yêu cứu chuộc của Thiên Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, Đức Chúa phán qua miệng ngôn sứ Isaia cho thấy: Chính Ta là Đấng cứu chuộc ngươi, là Đức Thánh của Ítraen. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 144, vịnh gia đã kêu xin: Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương. Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con, con nguyện tán dương Chúa và chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời. Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Trời cao hỡi, nào hãy gieo sương mây hãy đổ mưa, mưa đức công chính đất mở ra đi, cho nẩy mầm Đấng cứu độ. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Không ai cao trọng hơn ông Gioan, bởi vì, ông là ngôn sứ trực tiếp dọn đường cho Đấng Cứu Độ, Đấng mà muôn dân khao khát đợi trông. Khi thấy thế gian chìm ngập trong sợ hãi, Thiên Chúa không ngừng hành động. Người lấy tình thương mà kêu gọi, lấy ân sủng mà thúc giục, lấy đức ái mà giữ gìn, và lấy sự dịu dàng mà ấp ủ. Đó là lý do khiến Người phải dùng đến hình phạt Hồng Thủy mà tẩy rửa mặt đất đã hóa ra khô cằn vì bao điều xấu xa. Đó cũng là lý do khiến Người kêu gọi ông Ápraham từ giữa dân ngoại, thêm cho tên ông một vần, đặt ông làm tổ phụ những người tin. Đó cũng là lý do khiến Người dùng các chiêm bao để khích lệ ông Giacóp, đang lúc ông trốn chạy. Đó cũng là lý do khiến Người dùng tiếng mẹ đẻ của ông Môsê kêu gọi ông, trò chuyện thân mật với ông như cha con, mời ông trở nên anh hùng giải phóng dân tộc mình. Ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa đốt cháy lòng người, nên những ai mang vết thương lòng đều mong ước được nhìn xem Thiên Chúa nhãn tiền. Tình yêu nếu không được thoả mãn, sẽ làm cho người đang yêu héo hắt. Tình yêu làm nảy sinh ước muốn, lao mình vào những điều quá giới hạn. Chúa luôn thôi thúc tâm hồn chúng ta lo dọn đường cho Con Một Chúa, ước gì nhờ mầu nhiệm giáng lâm của Người, lòng trí chúng con được trở nên trong sạch mà phụng thờ Chúa. Ước gì được như thế!
Bài cùng chuyên mục:
Thứ Năm 19/12/2024 – Thứ Năm tuần 3 mùa vọng. – Truyền tin cho ông Gia-ca-ri-a. (18/12/2024 10:00:00 - Xem: 738)
Thứ Năm tuần 3 mùa vọng.
Thứ Tư 18/12/2024 – Thứ Tư tuần 3 mùa vọng. – Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. (17/12/2024 10:00:00 - Xem: 3,247)
Thứ Tư tuần 3 mùa vọng.
Thứ Ba 17/12/2024 – Thứ Ba tuần 3 mùa vọng. – Gia Phả Của Chúa Giêsu Kitô. (16/12/2024 10:00:00 - Xem: 3,902)
Thứ Ba tuần 3 mùa vọng.
Thứ Hai 16/12/2024 – Thứ Hai tuần 3 mùa vọng. – Quyền phép nào? (15/12/2024 10:00:00 - Xem: 3,801)
Thứ Hai tuần 3 mùa vọng.
+ Chúa Nhật 15/12/2024 – CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG năm C. – Tôi phải làm gì? (14/12/2024 10:00:00 - Xem: 5,536)
CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG năm C.
Thứ Bảy 14/12/2024 – Thứ Bảy tuần 2 mùa vọng. – Thánh Gioan Thánh Giá, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. – Gioan Tẩy Giả chính là Elia. (13/12/2024 10:00:00 - Xem: 3,708)
Thánh Gioan Thánh Giá, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.
Thứ Sáu 13/12/2024 – Thứ Sáu tuần 2 mùa vọng. – Thánh Luxia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Chủ quan, phiến diện. (12/12/2024 10:00:00 - Xem: 4,124)
Thánh Luxia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.
Thứ Tư 11/12/2024 – Thứ Tư tuần 2 mùa vọng. – Dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng. (10/12/2024 10:00:00 - Xem: 3,973)
Thứ Tư tuần 2 mùa vọng.
Thứ Ba 10/12/2024 – Thứ Ba tuần 2 mùa vọng. – Con chiên lạc đàn. (09/12/2024 10:00:00 - Xem: 3,805)
Thứ Ba tuần 2 mùa vọng.
Thứ Hai 09/12/2024 – Thứ Hai tuần 2 mùa vọng. – ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI. Lễ trọng. Lễ HỌ. Cầu cho giáo dân. – Xin Vâng. (08/12/2024 10:00:00 - Xem: 7,206)
ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI. Lễ trọng. Lễ HỌ. Cầu cho giáo dân.
-
Giá trị của việc nói “Không”
Học cách nói “không” cho phép chúng ta tôn vinh thánh ý Chúa về một cuộc sống mà nơi đó chúng ta phát triển không chỉ về mặt nghề nghiệp...
-
Tìm lại ý nghĩa đích thực của Mùa Vọng
Đôi khi, chúng ta nỗ lực hoàn thành danh sách những việc phải làm trong mùa Giáng Sinh, mà lại quên đi ý nghĩa thực sự của Mùa Vọng và...
-
Tháp Babel
Thế giới chia rẽ chúng ta ở mọi cấp độ: gia đình, láng giềng, nhà thờ, đất nước và thế giới. Tất cả chúng ta hiện đang nói những ngôn ngữ...
-
Tại sao ngày Chúa Giêsu ra đời được gọi là Christmas?
Thuật từ tiếng Anh cho ngày sinh của Chúa Giêsu rất độc đáo, vì từ này không hề liên quan đến cách chúng ta thường gọi ngày sinh nhật của...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 3 mùa Vọng năm C - 2024
Những chỉ dẫn của Gioan vẫn còn nguyên giá trị cho chúng ta hôm nay, đặc biệt là các bạn trẻ đang bước vào đời, đang tìm một định hướng...
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 146 - Thiên Chúa yêu thương đến cùng
Em thấy trên mạng hoặc đôi lần biết có người bị Thiên Chúa trừng phạt vì dám xúc phạm đến Ngài. Nếu ai đó làm điều tàn ác, họ sẽ gặp tai...
-
Những thách thức về tính liêm khiết khi sinh viên sử dụng AI trong các trường đại học
Không có gì ngạc nhiên khi công cụ ChatGPT (Chat Generative Pre-Trained Transformer) trở nên phổ biến đối với các sinh viên đại học
-
Bốn cách để noi gương Thánh Giuse trong Mùa Vọng này
Mùa Vọng này mang đến cơ hội để chúng ta gia tăng ước muốn noi gương vị thánh vĩ đại được Đức Mẹ và Đấng Cứu Độ của chúng ta yêu mến.
-
Một thực tại căn tính kép trong nội tâm
Những lựa chọn chính trong cuộc sống đã là một căng thẳng lớn vì những lựa chọn này cố gắng trung thành với hai căn tính nguyên thủy trong...
-
Suy niệm Tĩnh tâm năm 2024 : kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa đích thực(1)
Sau đây là 4 bài suy niệm sáng trong dịp tĩnh tâm năm 2024 của linh mục đoàn giáo phận Long Xuyên. 4 bài đều theo cùng một chủ đề: kinh...
-
Nghĩ đến những điều tốt đẹp
Hãy thôi nghĩ đến chuyện buồn ấy và hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp và đáng yêu khác trong cuộc sống để lòng bà được thanh thản
- Sự cần thiết của việc lắng nghe
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất