Văn hóa - Lẽ sống

Thái độ trước những trái ý

  • In trang này
  • Lượt xem: 1,144
  • Ngày đăng: 24/07/2023 07:19:20

THÁI ĐỘ TRƯỚC NHỮNG TRÁI Ý

 

Thái độ tích cực là thái độ của người biết khôn ngoan nhận định sự việc, nghĩa là biết nhìn nhận lý luận và lập trường của người khác, biết lắng nghe với tâm hồn cởi mở...

 

 

Nhiều lúc tôi cảm thấy phân vân khó xử vì câu Phúc âm này : “Nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên kia ra nữa” (Mt 5,39). Có lẽ tôi hiểu sai hoặc áp dụng không đúng chăng! Nhiều lúc tôi giữ thái độ thụ động trước những điều trái ý, cả những khi người khác xúc phạm và làm khổ tôi. Thế nhưng, tôi rất khó quên những điều người khác làm phiền lòng tôi, ngày này qua ngày khác, những điều bực tức đó chồng chất trong tâm trí tôi và bùng nổ lúc tôi không ngờ hoặc không còn chịu đựng được nữa. Đâu là sự sai lầm của tôi?

Biết bao lần chúng ta cũng phân vân không biết mình cư xử có đúng hay không? Có phải thay đổi cách cư xử và phải thay đổi ra sao? Thật ra, biết nhận định việc phải làm và cách thức phải cư xử trong mọi trường hợp không phải là điều luôn luôn dễ dàng. Những khó khăn trong việc tiếp xúc thường gây nên những căng thẳng tinh thần; những căng thẳng này có thể khiến người ta tránh né mọi liên hệ xã hội để rồi khép kín trong cô đơn. Trước những điều trái ý, chúng ta có thể phản ứng một cách tích cực hoặc tiêu cực. Thái độ tiêu cực là thái độ thụ động chịu đựng, hoặc với xung khắc trả thù. Thái độ thụ động thường được diễn tả qua những khó khăn trong việc từ chối lời thỉnh cầu của người khác cũng như của chính mình, trong việc khen ngợi hoặc chấp nhận lời khen ngợi của người khác. Thái độ tiêu cực còn được thể hiện qua những xung khắc và những hình thức độc tài, muốn người khác làm những gì mình ưa thích, muốn được toàn quyền quyết định về người khác, nhưng lại không muốn nhượng bộ ý riêng của mình.

 

Thái độ tích cực là thái độ của người biết khôn ngoan nhận định sự việc, nghĩa là biết nhìn nhận lý luận và lập trường của người khác, biết lắng nghe với tâm hồn cởi mở đón nhận điều chân thật và sẵn sàng thay đổi những gì cần thay đổi. Người có thái độ tích cực biết nhận định sự việc, không để mình bị điều khiển, cũng không điều khiển hoặc áp đặt ý riêng của mình trên người khác, nhưng biết cộng tác với tinh thần trách nhiệm vì lợi ích chung.

 

Trong mỗi người chúng ta có thể có cả hai thái độ trên. Điều quan trọng là nhận ra đâu là thái độ thông thường của mình, đâu là phản ứng thường bộc phát mỗi khi gặp điều trái ý. Sau đây là một vài đề nghị có thể giúp bạn khám phá ra thái độ nội tâm và phản ứng bên ngoài của bạn, nhờ đó điều trị và sửa đổi cách dễ dàng hơn: Trong cuốn sổ tay, bạn có thể ghi lại những hoàn cảnh khó khăn và phản ứng của bạn trong mỗi hoàn cảnh đó. Bạn đã hành động, đã cư xử ra sao? Bạn có thể làm gì để thay đổi cách cư xử của bạn cho tốt đẹp hơn? Sau một thời gian theo dõi cách cư xử của bạn như thế, bạn sẽ nhận định dễ dàng đâu là thái độ bình thường của bạn, để từ đó có thể vạch ra những bước cụ thể phải thi hành và lý tưởng phải đạt tới, và đó chính là bước đầu con đường tiến tới của bạn.

 

Trở lại trường hợp của người thanh niên trên đây, chúng ta không thể tách rời câu Phúc âm khỏi bối cảnh của nó. Thánh Matthêu ghi lại câu nói ấy của Chúa Giêsu khi Ngài dạy bảo dân chúng về việc đối xử với thù địch: đừng lấy ác báo ác, cũng đừng tìm cách trả thù, nhưng hãy lấy thiện báo ác. Người Ý có câu nói bất hủ:  “Tha thứ là cách trả thù tốt nhất” Thật vậy, thái độ Chúa Giêsu muốn đề cao ở đây không phải là thái độ thụ động, tiêu cực, rút lui trước thù địch và đóng kín trong chính mình, nhưng là thái độ tích cực, can đảm thắng vượt oán hờn để tha thứ và nối lại mối liên hệ đã bị cắt đứt. Qua câu nói ấy, Chúa Giêsu không chỉ muốn chúng ta chọn lựa một cách tích cực con đường yêu thương, tha thứ, chứ không tìm cách báo thù.

 

Cái sai lầm dẫn đến thất bại của người thanh niên trên đây là vì đã hiểu sứ điệp của Chúa Giêsu như lời mời gọi đi vào con đường thụ động, tức là đối xử như người yếu thế, bó tay trước điều trái ý, vì không còn lối thoát nào khác. Thái độ bất đắc dĩ ấy chắc chắn sẽ gây nên những căng thẳng, giằng co, rồi sớm muộn gì cũng sẽ bùng nổ để tìm cách thoát khỏi những dồn nén bên trong cũng như bên ngoài. Xét về mặt tâm lý, đừng chống cự lại người ác, không chỉ có nghĩa tiêu cực, thụ động, mà còn có nghĩa tích cực, tức là không xét đoán tư tưởng của người khác khi họ suy nghĩ khác với chúng ta, là biết chấp nhận tất cả với thái độ tự do, thanh thản, đồng thời có thái độ cởi mở, tìm kiếm sự thật và đón nhận những điều tốt đẹp.

 

Bí quyết hạnh phúc và bình an nội tâm không hệ tại việc chống đối, mà là chấp nhận những hạn hẹp của thân phận thụ tạo, và đó cũng là chìa khóa của tiến trình phát triển nhân cách về mọi phương diện. Riêng đối với người có lòng tin vào Thiên Chúa, Đấng nắm trong tay vận mệnh của mỗi người, cũng như của toàn nhân loại, thì họ còn xác quyết như thánh Phaolô rằng : “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Ngài”.

 Pasquale Ionata(dongten.net)

Bài cùng chuyên mục:

Lãnh đạo thương dân thì hết lòng lo cái sự học (26/10/2024 07:52:26 - Xem: 204)

Lo cho cái sự học những nơi này rất khó khăn, cần có sự cộng tác chung tay của các tổ chức xã hội, bất kể đạo đời.

Viết nhật ký thiêng liêng – Bí quyết để duy trì (22/10/2024 07:21:00 - Xem: 274)

Bạn đang tìm cách làm cho đời sống cầu nguyện của mình trở nên cá vị hơn? Bạn có thể cân nhắc việc viết một cuốn nhật ký – giống như cách mà nhiều vị thánh đã làm.

Sức mạnh của thinh lặng (20/10/2024 14:40:48 - Xem: 375)

“Người năng nói năng lỗi, ai dè giữ lời nói mới là người khôn. Lưỡi người ngay là bạc ròng hảo hạng, tâm kẻ dữ chẳng đáng giá bao nhiêu.” (Cn 10:19-20).

4 cách lần hạt Mân Côi dành cho người bận rộn (17/10/2024 07:34:56 - Xem: 384)

Để tôn kính Đức Mẹ Mân Côi, đây là 4 cách đơn giản để áp dụng lần hạt Mân Côi khi bạn đã kín lịch.

Lòng trần còn tơ vương khanh tướng… (08/10/2024 13:42:18 - Xem: 445)

Chức tước, danh xưng trong Giáo hội VN vẫn là cơn cám dỗ rất lớn nơi người tu. Nó ít nhiều trở thành đặc ân ban phát, hay cơ cấu và thân thế nặng mùi trần.

Đọc kinh Mân côi có thực sự cần thiết nữa chăng ? (05/10/2024 05:37:18 - Xem: 1,210)

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chia sẻ : “Kinh Mân Côi đã đồng hành với tôi trong những lúc vui sướng và trong những giai đoạn rất khó khăn.

Thiên Chúa yêu thích sự bé nhỏ (30/09/2024 05:53:57 - Xem: 1,102)

Sự bé nhỏ không phải là yếu kém hay bất lực, mà là sự nhận ra rằng tất cả những gì chúng ta “có”, chúng ta “là”, đều phụ thuộc vào Thiên Chúa.

Nếu không Công giáo thì là gì? (24/09/2024 06:30:56 - Xem: 369)

Trong Giáo hội Công giáo, ta tìm thấy một chuẩn mực của sự cân bằng. Trên phương diện này, không đâu sánh bằng Giáo hội. Tội lỗi được đền tạ bằng sự tha thứ. Hình phạt được dịu đi bởi lòng thương xót.

Đức khó nghèo đem chúng ta đến gần Thiên Chúa (19/09/2024 08:40:16 - Xem: 419)

Những người nghèo khó về mặt vật chất dễ dàng nhận ra sự phụ thuộc tinh thần của họ vào Chúa hơn vì chính thực tại của họ luôn nói cho họ về những nhu cầu thiêng liêng.

Đừng để ngày sống qua đi mà thiếu nụ cười có Chúa trên môi (10/09/2024 08:03:34 - Xem: 545)

Đừng để ngày sống qua đi, mà thiếu nụ cười có Chúa trên môi. Bạn hãy trao bảy nụ cười có Chúa đến với những anh chị em bạn gặp hôm nay!

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7