Lời chúa mỗi ngày

Thứ Tư 30/10/2024 – Thứ Tư tuần 30 thường niên. – Cửa Hẹp.

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,487
  • Ngày đăng: 29/10/2024 10:00:00

Cửa Hẹp.

30/10 – Thứ Tư tuần 30 thường niên.

"Người ta sẽ từ đông sang tây đến dự tiệc trong nước Chúa".

 

Lời Chúa: Lc 13, 22-30

Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. Có kẻ hỏi Người rằng: "Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?" Nhưng Người phán cùng họ rằng: "Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được.

Khi chủ nhà đã vào đóng cửa lại, thì lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: "Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi". Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: "Ta không biết các ngươi từ đâu tới". Bấy giờ các ngươi mới nói rằng: "Chúng tôi đã ăn uống trước mặt Ngài và Ngài đã giảng dạy giữa các công trường của chúng tôi". Nhưng chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: "Ta không biết các ngươi từ đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta".

Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa. Phải, có những người sau hết sẽ trở nên trước hết, và những người trước hết sẽ nên sau hết".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy niệm 1: Cửa hẹp

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Cuộc đời thật ra gồm nhiều cửa hẹp.

Cửa hẹp khi thi vào đại học.

Cửa hẹp khi đi xin việc làm.

Cửa hẹp khi muốn đưa trái banh vào lưới.

Sống là phấn đấu bước qua nhiều cửa hẹp.

Cửa càng hẹp, càng phải cố gắng nhiều.

Cửa hẹp mà vào được mới quý.

Nếu thiên đàng có cửa,

thì hẳn vào cửa thiên đàng chẳng phải như dạo chơi.

“Hãy chiến đấu để vào qua cửa hẹp” (Lc 13,24),

vì “cửa hẹp dẫn đến sự sống” (Mt 7,14).

Chiến đấu ở đây là chiến đấu với chính mình,

với cái tôi cồng kềnh của mình,

nặng nề vì những vun vén cá nhân,

phình to vì tự hào và tham vọng.

Thật ra cửa vào sự sống không hẹp

nhưng hẹp vì cái tôi của tôi to quá.

Cần nỗ lực liên tục để giữ cho cái tôi nhỏ lại,

khiêm hạ trước Thiên Chúa, cởi mở trước anh em.

Cần có một cái tôi như trẻ thơ

mới được vào Nước Trời (Mt 18,3).

Cái tôi của chúng ta luôn có khuynh hướng bành trướng

nhờ thu tích nơi mình tri thức, tiền bạc, khả năng.

Cả kinh nghiệm, tuổi tác, đạo đức, chức vụ,

cũng có thể làm cái tôi xơ cứng và khép lại.

Ðể “người lớn” trở nên hồn hậu như trẻ thơ,

cần phải biến đổi và tự hạ (x. Mt 18,3-4).

Ðây thật là một cuộc chiến với chính mình.

Khi hủy mình ra không, ta sẽ dễ đi qua cửa hẹp.

Nhiều người Do Thái đến chậm, khi cửa đã đóng.

Họ gõ cửa và đòi vào.

Họ tưởng thế nào mình cũng có một chỗ nơi bàn tiệc,

bởi lẽ mình đã từng ngồi đồng bàn với Ðức Giêsu,

và đã nhiều lần nghe Ngài giảng dạy.

Tiếc thay, tương quan đó lại quá hời hợt

đến độ Chúa phải lên tiếng nói với họ:

“Ta không biết các anh từ đâu đến!”

Chúa cũng có thể nói với chúng ta như vậy,

dù chúng ta đã dự lễ, rước lễ, nghe giảng, tĩnh tâm...

Chúa vẫn không quen biết chúng ta

vì chúng ta chẳng để cho Ngài đi vào đời mình.

Chúng ta vẫn là những người xa lạ trước mắt Chúa.

Ðời sống Kitô hữu là một cuộc chiến đấu liên tục.

Chiến đấu để qua cửa hẹp nhờ bỏ cái tôi ích kỷ.

Chiến đấu để vào trước khi cửa đóng lại.

Cứu độ là một ơn Chúa ban,

nhưng ta phải nỗ lực mới dám đưa tay đón nhận.

Ước gì chúng ta đừng tự hào vì đã biết Chúa,

nhưng phải làm sao để Chúa biết ta và reo lên:

“Ðây là đầy tớ tốt lành và trung tín.”

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con dám hành động

theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.

Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,

vì xác tín rằng

Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,

Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,

và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.

Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,

xin cho con dám liều theo Chúa

mà không tính toán thiệt hơn,

anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,

can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,

và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.

Ước gì khi dâng lên Chúa

những hy sinh làm cho tim con rướm máu,

con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt

của người một lòng theo Chúa.Amen

 

Suy niệm 2: Cửa hẹp

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Cửa vào thiên đàng rất hẹp. Có lần Chúa nói nó còn hẹp như lỗ kim. Muốn qua phải trở nên bé nhỏ. Làm thế nào để trở nên bé nhỏ? Có những người đã “từng được ăn uống trước mặt” Chúa, và Chúa “cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của” họ. Nhưng thật lạ lùng khi Chúa nói: “Ta không biết các anh từ đâu tới. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính”. Chúa không biết họ từ đâu tới. Vì họ không xuất phát từ Chúa. Họ làm điều bất chính. Vì họ làm theo ý riêng. Vì thế cần từ bỏ tất cả. Từ bỏ chính mình. Để xuất phát từ Chúa. Làm theo ý Chúa. Sẽ đến với Chúa. Đó là tấm gương của tổ phụ Áp-ra-ham. Hoàn toàn từ bỏ chính mình. Nên ông trở thành gương mẫu của những ai muốn vào qua cửa hẹp. Khi đã từ bỏ chính mình. Cửa lại trở thành rất rộng. Vì bất cứ ai từ đông, tây, nam, bắc, làm theo ý Chúa đều được đón nhận.

Điều này không dễ. Thư Rô-ma dạy ta phải xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Thánh Thần cầu nguyện cho ta. Thánh Thần giúp ta từ bỏ ý riêng để làm đúng ý Chúa. Như Chúa Giê-su. Một đời dương thế sống theo Thánh Thần. Hoàn toàn từ bỏ ý riêng. Luôn vâng phục ý Cha. Nên đã trở thành anh cả của chúng ta. Người đã trở nên bé nhỏ. Đã mở cửa trời. Đi theo Người ta đi trong thánh ý Chúa. Mà “những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (năm lẻ).

Vậy thì không cần phải làm những việc lớn lao. Không cần phải đi xa xôi để tìm cửa thiên đàng. Ở đâu ta từ bỏ ý riêng. Ở đó là cửa thiên đàng. Ở đâu ta làm theo ý Chúa. Ở đó có Nước Trời. Ở bậc nào sống cho tốt ở bậc ấy. “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tình thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo….Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy”…. “Kẻ làm nô lệ, hãy vâng lời những người chủ…Ai làm việc tốt, sẽ được Chúa trả công, bất luận nô lệ hay tự do. Người làm chủ cũng hãy đối xử như thế với nô lệ. Đừng doạ nạt nữa: anh em biết rằng Chúa của họ cũng là Chúa của anh em. Người ngự trên trời và không thiên vị ai” (năm chẵn).

Chỉ khi từ bỏ chính mình. Để Chúa ngự trị. Làm theo ý Chúa. Như Chúa hướng dẫn. Ta mới trở nên bé nhỏ. Mới vào qua cửa hẹp.

 

Suy niệm 3: Hãy Vào Qua Cửa Hẹp

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Câu hỏi mà một người vô danh đặt ra cho Chúa Giêsu đang khi Ngài trên đường lên Giêrusalem, đó cũng là câu hỏi thông thường nơi các trường phái của các vị thông luật thời Chúa Giêsu, và là câu hỏi như muốn giới hạn số lượng những người vào Nước Chúa: "Thưa Thầy, phải chăng ít người được cứu thoát?" Trong câu trả lời, Chúa Giêsu không nhằm đến số lượng nhưng là hướng tới một bình diện khác, tức là phẩm chất của những kẻ muốn vào Nước Chúa: họ phải qua cửa hẹp và cố gắng vào đúng lúc, khi còn thời giờ thuận tiện, đừng cậy dựa vào những liên hệ hời hợt bên ngoài với Chúa. Ơn cứu rỗi được Thiên Chúa trao ban cho mọi người: những kẻ trong dân Chúa chọn và cả những kẻ ở ngoài, bởi vì Chúa Giêsu đã đến để dẹp bỏ mọi hàng rào ngăn cách, thiên hạ sẽ từ đông, tây, nam, bắc đến dự tiệc trong Nước Chúa.

Ðặc tính phổ quát của ơn cứu rỗi không được hiểu theo phạm trù số lượng, nghĩa là không phải mọi người tự động đều được cứu rỗi. Sự cộng tác từ phía con người là điều cần thiết. "Hãy vào qua cửa hẹp", hẹp, vì nó đòi con người phải từ bỏ nhiều. Hình ảnh cậu bé Charlie trong phim hoạt hình, đứng trước cửa, ôm trên người rất nhiều thứ; cậu muốn bước ra ngoài chơi với bạn bè, nhưng lại không muốn bỏ những thứ đang chồng chất trên người mình; cậu bé bực tức nói lớn: "Làm sao tôi có thể bước qua cửa này được?". Nhiều người Kitô hữu chúng ta cũng có thể hành xử như vậy: vừa muốn vào Nước Chúa, vừa muốn giữ lấy mọi thứ không phù hợp với Nước Chúa; muốn vào Nước Chúa, nhưng lại không thực hành giáo huấn của Ngài, không canh tân đời sống của mình.

Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì đã ban ơn cứu rỗi cho mọi người. Xin cho chúng ta biết từ bỏ những gì không cần thiết, nhất là những gì mất lòng Chúa, để chúng ta có thể bước qua cửa hẹp trở về Nhà Chúa.

 

Suy niệm 4: Con Ðường Dẫn Ðến Tự Do

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Chính phủ Nam Phi mới đây đã quyết định cho đúc bức tượng cao ba mươi tầng lầu của nhà tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền là cựu tổng thống Nelson Mandela. Theo dự trù, tượng đài kỷ niệm ông Mandela sẽ cao một trăm mười thước và được đặt tại hải cảng Elisabeth để cho những du khách tới Nam Phi qua đường biển phía đông chiêm ngưỡng người lãnh tụ khả kính này.

Song song với dự án bức tượng này, chính phủ Nam Phi sẽ làm một con đường đi bộ dài khoảng sáu trăm thước dẫn tới tượng đài. Con đường đi bộ này được đặt tên như trong bảng tóm lược đọc lên khi ông Nelson Mandela nhận giải Nobel Hòa Bình như sau: "Con đường dẫn đến tự do". Ông Nelson Mandela được trả tự do sau hai mươi bảy năm bị chế độ phân biệt chủng tộc Nam Phi cầm tù. Ông đã được bầu là tổng thống Nam Phi năm 1994.

Con đường dẫn đến tự do cho cá nhân ông Nelson Mandela, cho dân tộc Nam Phi cũng như cho cả thế giới là một con đường dài đến hai mươi bảy năm, qua đó ông đã trải qua không biết bao nhiêu gian khổ trong chốn tù đày. Con đường dẫn đến tự do nào cũng là con đường hẹp, đầy chông gai. Qua hình ảnh con đường của nhà đấu tranh Nelson Mandela chúng ta hiểu được con đường mà Chúa Giêsu đã vạch ra cho những ai muốn làm môn đệ Ngài.

Trong Tin Mừng hôm nay, một lần nữa thánh Luca lại đặt Chúa Giêsu trong tư thế lên đường tiến về Giêrusalem. Với cái nhìn của vị thánh sử này cuộc đời của Chúa Giêsu là một cuộc hành trình về Giêrusalem mà điểm đến cuối cùng là Núi Sọ và vinh quang phục sinh.

Sinh ra ngoài đường, sống và rao giảng Tin Mừng ngoài đường, cuối cùng cũng chết ngoài đường. Cả cuộc đời của Chúa Giêsu là một cuộc lên đường và ra đi không ngừng. Ngài kêu gọi tất cả những ai muốn làm môn đệ Ngài lên đường và ra đi như thế: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mỗi ngày và đi theo Ta". Trong lệnh lên đường ban bố cho các môn đệ, Ngài nói rõ với các môn đệ: "không mang theo giày dép, bao bị, túi tiền, vào nhà nào người ta cho ăn thứ nào hãy ăn thứ đó, ai không đón tiếp thì đi ra".

Tóm lại, ra đi và lên đường là tư thế đích thực của người môn đệ Chúa Giêsu. Mệnh lệnh ấy ngày nay vẫn tiếp tục có giá trị cho tất cả những ai muốn làm môn đệ để đi theo Chúa Giêsu. Sống đức tin là không ngừng ra đi và lên đường. Ra đi và lên đường không chỉ có nghĩa là rời bỏ một nơi này để đến một nơi khác. Cuộc ra đi và lên đường cam go nhất đòi hỏi nhiều quyết tâm và chiến đấu nhất hẳn phải là ra đi và lên đường khỏi con người cũ của tội lỗi. Trước khi lên đường về nhà Cha, người con hoang đàng đã phải phấn đấu mãnh liệt để ra khỏi bản thân và đứng dậy lên đường. Ðây chính là cuộc ra đi và lên đường mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta dấn bước vào, đây chính là cánh cửa hẹp mà Ngài mở ra cho chúng ta.

Lạy Mẹ Maria

Ðấng đã vội vã lên đường để đến với người chị họ Elisabeth luôn đồng hành với chúng ta, Mẹ giúp chúng ta biết nhìn về phía trước và tiến bước trong hân hoan, tin tưởng và cậy trông.

 

Suy niệm 5: Không Có Đồ Bổ Béo Trên Bàn Tiệc Nước Trời

Có kẻ hỏi Người: “Thưa Ngài những kẻ được cứu thoát thì ít có phải không?” Người bảo họ: “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.” (Lc. 13, 23-24)

Đức Giêsu lên đường về Giê-ru-sa-lem để chịu chết. Nhiều lần Đức Giêsu nói Giê-ru-sa-lem là thành nơi các ngôn sứ bị kết án chết. Lời kêu gọi của Đức Giêsu càng ngày càng khẩn cấp. Thời giờ gần hết, phải lo cải thiện kẻo quá trễ.

Kẻ không được vào

Trong dân Ít-ra-en, người ta tranh luận nhiều về ơn cứu độ, một số kẻ cho rằng tất cả con cái Ít-ra-en đều được cứu độ. Số khác nói chỉ có những kẻ còn sót lại thôi. Khi nghe Đức Giêsu nói về nước trời đã đến, người ta hỏi Người: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít có phải không?”. Người không đáp thẳng. Người nhấn mạnh mọi người phải cố gắng để vào vì cửa nước trời rất hẹp, những kẻ kiêu ngạo bành trướng, những kẻ tham lam, nông nổi chạy theo những tham vọng xác thịt không thể vào được nước trời. Chỉ có những kẻ bé mọn, những kẻ kiềm chế được dục vọng xác thịt, mới có thể ép mình lại chui qua cửa hẹp để vào được dự tiệc thiên quốc.

Xã hội chúng ta chỉ thích tìm an nhàn thoải mái, sung sướng thỏa mãn và tiêu xài phung phá của cải trái đất, không nghĩ gì đến tương lai. Mọi người đều phì nộn cả thể xác lẫn tinh thần vì đã thỏa mãn những ham muốn thì những lớp mỡ béo bọc lấp con tim không còn chỗ cho lời Chúa thấm nhập nữa.

Trương phình do quá đầy đủ

Ngoài ra, đến lúc người ta không ngờ, cửa đóng lại và không ai có thể vào được nữa. Những kẻ đứng ngoài dù nói ngon ngọt hay lắm: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt Ngài và Ngài cũng từng giảng dạy trong những đường phố của chúng tôi. Chúng tôi còn là con cháu của tổ phụ Áp-ra-ham, thuộc gia đình thừa hưởng lời Chúa”. Chúng thích hiểu biết và giữ lề luật Chúa, nhưng không có con tim, tấm lòng mộ mến sống lề luật, nên tất cả những kẻ đó đều bị loại ra ngoài. “Tất cả các ngươi đều làm điều bất chính”.

Để thuộc về dân Thiên Chúa thật phải đón tiếp Đức Giêsu. Chính đức tin vào Đức Giêsu làm cho họ nhỏ bé, gầy gò đi để có thể vào cửa hẹp trước khi cửa đóng lại. Như vậy, con cháu của các tổ phụ là khách được mời trước nhất, lại tự thấy mình bị loại, trong khi lương dân đến sau đã sống theo lời Chúa, nên đã được nhận vào nước trời.

RC

 

Suy niệm 6: Đường hẹp dẫn đến sự sống

Xem lại CN 21 TN C

Một gia đình nọ có hai người con trai. Cha của hai anh em là một người nông dân bình thường. Mẹ là người nội trợ. Nói chung gia đình nghèo, cộng thêm chuyện ông bố lại thường xuyên đau bệnh. Hai anh em bàn tính với nhau, người anh nói với người em rằng: “Em ở nhà chăm sóc cha mẹ, anh đi kiếm tiền thật nhiều để về giúp mẹ cha tuổi già và lo thuốc thang cho cha”. Người em hỏi: “Anh định kiếm tiền bằng cách nào?” Anh trả lời: “Anh sẽ đi tham gia băng cướp, chỉ có cách này là nhanh có tiền để lo cho cha mẹ...”. Và cuối cùng thì người anh đã quyết định hành nghề đâm thuê, chém mướn. Lúc ban đầu tiền bạc đến với anh quá nhiều, đến nỗi không những có tiền lo cho gia đình, anh ta còn nổi tiếng về cách ném tiền qua cửa sổ nơi những cuộc ăn chơi trác táng, thâu đêm suốt sáng... Tuy nhiên, chẳng bao lâu, anh ta đã bị căn bệnh thế kỷ Sida và đã chết khi tuổi đời còn khá trẻ.

Câu chuyện trên đây chỉ là ngụ ngôn nhằm dẫn chúng ta vào bài Tin Mừng hôm nay để hiểu được giáo huấn của Đức Giêsu rằng: con đường hẹp là con đường dẫn đến sự sống. Còn con đường thênh thang là con đường dẫn đến diệt vong. Muốn có được sự sống đời đời, con người phải cộng góp vào hành trình tìm kiếm đó bằng những sự hy sinh, và đôi khi cả cái chết hữu hạn để đổi lấy sự sống đời đời. Trên hành trình tìm kiếm đó, thánh Phaolô đã ví mình như một vận động viên chạy đua. Phải dày công tập luyện và chiến đấu với những cám dỗ... Vòng hoa chiến thắng chỉ được trao cho những ai đạt được thành tích xuất sắc sau những vất vả mà thôi.

Thật vậy, con đường theo Chúa của mỗi chúng ta sẽ gặp đầy thử thách chông gai. Con đường đó là con đường hẹp. Con đường lên Golgotha. Con đường của thập giá. Nhưng nếu muốn được hạnh phúc thật thì hẳn chúng ta không có con đường nào khác, đó là con đường đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu: “Hãy theo Ta”.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: hãy trung thành theo Chúa trên con đường thập giá. Con đường của yêu thương, phục vụ. Con đường đi đến với những người ốm đau, bệnh tật, những người nghèo... Con đường hy sinh của thập giá. Con đường đó là con đường hẹp. Con đường của tự hủy, hy sinh, từ bỏ chính mình để xây dựng hạnh phúc của tha nhân.

Đây là con đường khó và chẳng mấy ai đi! Tuy nhiên, nếu chúng ta trung thành đi trên con đường đó với tình yêu được lồng vào ngang qua hành động, cử chỉ của chúng ta, ắt chúng ta sẽ bình an và sẽ được phục sinh. Nếu không đi theo con đường đó, ngược lại, chúng ta cứ mải mê trong vũng lầy êm ái của tội, của thực dụng, của danh vọng, của quyền hành, thì đến ngày chung cuộc, chúng ta sẽ bị loại ra ngoài, nơi đó sẽ phải khóc lóc và nghiếm răng.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con can đảm đi theo Chúa trên con đường hẹp, để được sống đời đời. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy niệm 7: Dự Bàn Tiệc Nước Thiên Chúa

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Thiên Chúa là Cha chung đã mời gọi muôn dân từ khắp bốn phương trời đến dự Bàn Tiệc Nước Thiên Chúa. Điều kiện để vào dự tiệc không phải là nại đến thân thế của mình, nhưng phải biết chiến đấu đi qua cửa hẹp mà vào.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, những lời Chúa cảnh cáo người Do thái ngày xưa có thể là những lời cảnh giác cho chính con hôm nay. Con mang danh là một Kitô hữu, nhưng con đã làm gì để xứng đáng được tham dự vào Bàn Tiệc Nước Trời ? Có phần nào con giống người Do thái cứng lòng ngày xưa, khi con lãnh nhận các bí tích một cách máy móc, lười biếng, hay giữ đạo một cách hình thức, và tưởng rằng như thế là đủ cho con được ơn cứu rỗi. Con quên rằng Chúa luôn nhìn thấu suốt mọi tâm hồn và mời gọi con đóng góp những cố gắng hy sinh của chính mình. Chúa mời gọi chiến đấu để đi qua cửa hẹp mà vào Nước Trời. Bởi vì Chúa đã khẳng định: “Không phải bất cứ ai nói: lạy Chúa, lạy Chúa, mà được vào Nước Trời đâu”. Vâng, lạy Chúa, cửa hẹp chính là con đường thập giá mà Chúa đã đi qua. Đi vào cửa hẹp là dấn thân từ bỏ chính mình, là biết hy sinh cho tha nhân, là vui lòng thực thi Thánh Ý Chúa trong mọi nghịch cảnh của cuộc đời.

Lạy Chúa, xin Chúa giúp con biết xác tín vào chân lý đó, để mỗi bước chân con đi trên con đường thánh giá, sẽ dẫn đưa con đến Bàn Tiệc Nước Chúa. Xin cho con trong suốt cuộc hành trình tiến về Quê Trời, sẽ không chọn cho mình những con đường rộng thênh thang của những khát vọng đam mê tội lỗi, nhưng xin cho con dám can đảm đi vào con đường hẹp, con đường dẫn đến núi Sọ, để rồi từ đó mở ra cho con Bàn Tiệc Phục sinh vinh quang. Amen.

Ghi nhớ: “Người ta sẽ từ đông sang tây đến dự tiệc trong nước Chúa”.

 

Suy niệm 8: Hãy đi qua cửa hẹp

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Người Do thái hay quan tâm đến số lượng những người được cứu. Vì thế có một người hỏi Ngài rằng:”Thưa Thầy, những người được cứu thoát thì ít, có phải không”?  Đức Giêsu thấy trước cái nguy của câu trả lời : nếu nói mọi người đều được cứu thì thái độ của họ sẽ là ỷ lại; còn nếu chỉ một số nhỏ được cứu thoát thì họ sẽ chán nản vì có cố gắng cũng uổng công. Nên Ngài không nói về số lượng mà chỉ nói đấn cách thức làm sao cho mình  được ở trong số lượng những kẻ được cứu ấy, đó là phải “đi qua cửa hẹp”, nghĩa là phải cố gắng, phải chiến đấu.

Như thế, để chiếm được Nước Trời , để được cứu rỗi, chúng ta phải chiến đấu với bản thân, phải từ bỏ và phải chết đi cho những dục vọng, những thói xấu trong chúng ta.

2. Theo quy luật của cuộc sống, chẳng có gì đạt được mà không có nỗ lực cố gắng. Muốn giỏi thì  phải học chứ không tự nhiên mà thi đậu, một hạt lúa vàng chín giọt mồ hôi chứ không phải bỏ ruộng hoang để chờ có lúa gặt. Của cải không từ trên trời rơi xuống, tri thức cũng không tự nó toàn tri, hạnh phúc không tự có nếu không vun đắp xây dựng... Cũng thế, Nước Trời đã được Thiên Chúa dọn sẵn và dành cho bất cứ ai, nhưng không phải tự nhiên mà đạt tới, mà phải trải qua những gian truân khổ ải và hy sinh thì mới mong đạt tới.

3. Dựa trên tư tưởng của thánh Phaolô, chúng ta có thể hiểu “Qua cửa hẹp” là phải chiến đấu, cuộc chiến đấu cho đến cùng đường, phải đi vào con đường hẹp của Thập giá, phải can đảm chống lại  sự lôi cuốn của ba thù, không thỏa hiệp, không nhân nhượng với chúng: ”Không phải cứ kêu lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời, nhưng chỉ những ai  làm theo ý Cha Ta ở trên trời mới được vào”. Ước gì chúng ta đừng đến lầm cửa, đó là cửa rộng thênh thang, cửa tiền tài, sắc dục, hư danh, cửa dẫn vào cái chết muôn đời. Cũng đừng đến mà cửa đã đóng kín để không phải nghe Chúa nói: ”Ta không biết các người từ đâu đến” (Lc 13,27).

4. Đức Giêsu kêu gọi: ”Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mỗi ngày và đi theo Ta”. Chúa ban bố lệnh lên đường cho những ai theo Ngài. Ra đi và lên đường, đó là tư thế đích thực của người môn đệ Đức Giêsu. Mệnh lệnh ấy ngày nay vẫn tiếp tục có giá trị cho tất cả những ai muốn làm môn đệ để đi theo Đức Giêsu. Sống đức tin là không ngừng ra đi và lên đường. Ra đi và lên đường không chỉ có nghĩa là rời bỏ nơi này để đến một nơi khác. Cuộc ra đi và lên đường cam go nhất  đòi hỏi nhiều quyết tâm và chiến đấu nhất hẳn phải là ra đi và lên đường khỏi con người cũ của tội lỗi. Trước khi lên đường về nhà Cha, người con hoang đàng đã phải phấn đấu mãnh liệt để ra khỏi bản thân và đứng dậy lên đường. Đây chính là cuộc ra đi và lên đường mà Đức Giêsu mời gọi chúng ta dấn bước vào, đây chính là cánh cửa hẹp mà Ngài mở ra cho chúng ta (R.Veritas).

5. Người Ai-len kể câu chuyện vào thiên đàng như sau: Một người đến trước cửa thiên đàng và xin thánh Phêrô cho mình vào. Ngài trả lời: ”Đương nhiên là được, chỉ cần con chỉ cho ta các vết sẹo của con”. Người ấy trả lời: ”Con không có vết sẹo nào”. Thánh nhân nói: ”Thật đáng tiếc vì chẳng có gì đáng cho con phải chiến đấu sao”?  Đức Giêsu xác quyết với ta: Đường về Nước Trời là con đường Thập giá, vào cửa sự sống là đi qua cửa hẹp, phải chiến đấu “trầy da tróc vẩy” mới vào được. Những vết sẹo trong hành trình  nỗ lực đấu tranh của ta với bản thân ươn lười, với mưu mô ma quỉ tinh vi, với môi trường xã hội nặng tính trần tục, nhất là xã hội đề cao tiện nghi, hưởng thụ cách ích kỷ như hiện nay (5 phút Lời Chúa).

6. Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta phải quyết tâm đi vào con đường hẹp, phải phấn đấu hết mình để vào qua cửa hẹp, đây là điều kiện mà tiếng La tinh gọi là “conditio sine qua non”, điều kiện bắt buộc, không có không được. Chúng ta đã có nhiều bài học do tiền nhân để lại :

- Nước chảy đá mòn,

- Kiến tha lâu đầy tổ,

- Có công mài sắt có ngày nên kim.

Thì trên phương diện thiêng liêng cũng thế, vì Chúa đã phán :”Ai muốn theo Ta...hãy vác thập giá mình hằng ngày mà theo” hoặc :”Ai bền đỗ đến cùng mới được cứu rỗi”. Cũng thế, nếu ở đời:”Có khó mới có miếng ăn” hoặc “Không hạnh phúc nào có thể đạt được một cách dễ dàng”, thì hạnh phúc Nước Trời cũng đòi hỏi chúng ta phải chịu khó gấp bội mới chiếm được. Tương lai đang chờ đón ta !

7. Truyện: Muốn vào hàng trai tráng.

Trong nhiều bộ lạc Da Đỏ ở Mỹ châu họ có nghi thức huấn luyện và thu nhận thiếu niên vào hàng ngũ trai tráng trong làng, người ta tổ chức như sau : khi mặt trời sắp lặn, người bố sẽ dắt đứa con của mình vào sâu trong một cánh rừng. Đứa bé được trao cho một cây lao với lời nhắn nhủ :”Con sẽ ở một mình trong rừng đêm nay”. Sau đó người bố rút lui.

Màn đêm buông xuống rất nhanh. Không gian chập chờn với bao tiếng gầm rú rùng rợn. Người ta dễ có cảm tưởng đang bị thú dữ rình chờ tấn công. Thỉnh thoảng, vài tiếng vỗ cánh của chim ăn đêm có thể làm cho người yếu vía giật mình. Thời gian chậm chạp trôi qua. Mỗi giây phút  là cả một khoảng dài vô định...

Nhưng cuối cùng, màn đêm cũng rút lui. Bầu trời từ từ hừng sáng. Nỗi sợ hãi trong đứa bé cũng phai mờ theo. Từ trong một lùm cây, một bóng người xuất hiện : cha của đứa bé. Đứa bé nhận ra và vui mừng chạy đến ôm chằm lấy bố, reo lên :”Bố đã trở lại”. Người cha hãnh diện khi thấy con mình trải qua đêm đen như một người trưởng thành. Đứa bé không hề biết rằng suốt đêm qua cha nó không ngừng trông chừng nó.

 

Suy niệm 9: Cách thức để được cứu độ

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

1. c.23: Câu hỏi mà một người kia đặt ra cho Chúa Giêsu phản ánh quan tâm của người Do Thái đương thời về số lượng những kẻ được cứu.

  Khi đặt vấn đề dựa theo số lượng, người ta sẽ có thái độ không thích hợp: nếu mọi người đều được cứu thì thái độ sẽ là ỷ lại; còn nếu có một số nhỏ được cứu thì thái độ sẽ là chán nản, cố gắng làm chi cho uổng công.

2. c.24: Chúa Giêsu không trả lời thẳng câu hỏi. Người ta hỏi về số lượng. Ngài trả lời về cách thức làm sao cho mình được ở trong số lượng những kẻ được cứu ấy, đó là phải cố gắng, diễn tả bằng hình ảnh “đi qua cửa hẹp”.       

- “Đi qua”: Động từ “qua” diễn ta sự thay đổi cách sống. Có rất nhiều người đứng trước cái của hẹp ấy, nhưng chỉ những ai biết “đi qua” (thay đồi cách sống) thì mới vào nhà được.

  - “Cửa hẹp” diễn ta sự cố gắng. Muốn vào Nước Trời thì phải cố gắng nhiều (và khó khăn như lạc đà chui qua lỗ kim: xem Mt 19,24, Mc 10,25, Lc 18,25).

B.... nẩy mầm.

1. “Một cặp vợ chồng trẻ nọ chia sẻ cho nhau nghe ước muốn có được một ngôi nhà khang trang. Một nhà tỉ phú tình cờ theo dõi câu chuyện. Với tất cả nghiêm chỉnh, ông đề nghị với họ: nếu cô vợ chịu ngủ với ông một đêm, ông sẽ tặng họ một triệu mỹ kim. Hai vợ chồng đồng ý. Nhưng khi người vợ lên đường đến với nhà tỉ phú thì người chồng cũng bắt đầu hối hận. Nhưng đã quá muộn. Sau một đêm để có một triệu mỹ kim, hai vợ chồng đã tan vỡ (...) Con đường dễ dãi là con đường dẫn tới hư mất. Sự thành đạt thường không đến cách ngẫu nhiên, mà là kết quả của những cố gắng và kiên nhẫn lâu dài” (Trích "Mỗi ngày một tin vui").

2. Chịu ảnh hưởng của nền văn minh hưởng thụ, người thời nay có khuynh hướng làm cho mọi việc thành thoải mái dễ chịu, kể cả việc sống đạo. Thí dụ: trong nhà thờ ghế phải rộng và êm, phải có quạt máy, cha phải giảng ngắn... Những lời nhắc nhở của ĐGH về hôn nhân bất khả li, về luật cấm phá thai, về độc thân Linh mục v.v. bị coi là chói tai nên không được đáp ứng v.v. Cách sống đạo như thế không phải là đi qua cửa hẹp. Thánh Phaolô đã so sánh cuộc sống tín hữu như một cuộc chạy đua: để đạt huy chương, người lực sĩ nào cũng phải dày công khổ luyện.

3. Chúa Giêsu nói với dân chúng: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào...” (Lc 13,24)

Đậu tốt nghiệp hạng ưu, thằng nhóc nó vui mừng hớn hở về báo tin cho tôi. Tôi đã đọc được niềm vui trong lòng nó, tôi tự nhủ rằng: “Cậu tú nhà tôi đậu được thủ khoa cũng đáng”, bao công lao thức khuya dậy sớm “dùi mài kinh sử” nó còn phải giã từ cả sân cỏ: không đá banh, không patin, cũng không bén mảng đến hồ bơi, nó bỏ hết những cuộc chơi.

Từ đó tôi nghiệm ra rằng thành đạt là kết quả của những cố gắng lâu dài mà con đường dẫn đến không dễ dàng, đòi hỏi nhiều hy sinh và phấn đấu. Con đường tiến về quê trời cũng vậy, đòi hỏi tôi lực chọn đi qua cửa hẹp. Đó chính là điều Chúa Giêsu mời gọi hôm nay, như chính Ngài đã lựa chọn con đường của thập giá.

Lạy Chúa! Mỗi ngày trong cuộc sống của con, xin cho biết chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào Nước Trời. (Hosanna).

 

Suy niệm 10: Người được cứu độ

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

Câu hỏi mà một người nào đó đặt ra cho Chúa Giêsu hôm nay, phản ánh mối quan tâm rất lớn của người Do Thái đương thời về số lượng những kẻ được cứu.

Khi đặt vấn đề dựa theo số lượng, người ta sẽ có thái độ không thích hợp: nếu mọi người đều được cứu thì thái độ sẽ là ỷ lại; còn nếu có một số nhỏ được cứu thì thái độ sẽ là chán nản thất vọng, không chịu cố gắng.

Theo thánh Luca, Chúa đã không trả lời thẳng câu hỏi. Người ta hỏi về số lượng, Ngài trả lời về cách thức làm sao cho mình được ở trong số lượng những kẻ được cứu, đó là phải cố gắng. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh ”đi qua cửa hẹp” để diễn tả ý tưởng này.

”Đi qua”: Động từ “qua” diễn tả sự thay đổi cách sống.

”Cửa hẹp” ở đây diễn tả sự cố gắng.

Thánh Thomas More (1478-1535) nguyên là Chưởng ấn của triều đình vua Henry VIII nước Anh, có nhiệm vụ duy trì công lý cho toàn vương quốc. Vua Henry VIII muốn ly di vợ mình là Catherine để kết hôn với Anne Boylen, người hầu của Hoàng Hậu. Vua hy vọng Thomas More sẽ giúp mình trong việc này. Nhưng vua đã phải thất vọng vì Thomas More cương quyết trung thành với luật Chúa hơn là nghe theo hành động sai trái của nhà vua.

Sau khi lấy Anne Boylen làm vợ, vua Henry VIII thành lập Giáo Hội Anh Giáo, ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo và giành cho mình quyền làm giáo chủ. Vua bắt thần dân phải thề trung thành với Hoàng hậu mới và chấp nhận quyền bính thiêng liêng của vua. Thomas More vì quyết trung thành với Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội Công Giáo nên bị tống ngục. Các bạn hữu Ngài đến thăm và khuyên:

- Ông cứ giả bộ trung thành và tuân phục vua đi, còn trong lòng ông cứ tự bảo mình chỉ tuân hành mệnh lệnh của Chúa Kitô là Vua Các Vua thì cũng có sao đâu.

Nhưng Thomas More đáp lại: - Tôi không thể thề gian như vậy. Tôi không thể lừa dối chính mình và lừa đảo người khác như thế được.

Ít lâu sau, vào ngày 06/07/1535, Thomas More bị chém đầu và 400 năm sau, người được Đức Giáo Hoàng Piô XI tôn phong hiển thánh.

Vâng, đó là con đường hẹp nhưng lại là con đường dẫn tới vinh quang. Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta được can đảm bước vào con đường như thế, để mai sau được xứng đáng với vinh quang Nước Trời.

 

Suy niệm 11: Người khắp mọi nơi vào dự tiệc trong nước Chúa

(Lm. Micae Võ Thành Nhân)

Nước Thiên Chúa mà Chúa nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay, hiện tại là Giáo Hội. Giáo Hội do chính Chúa thiết lập, Giáo Hội không dành riêng cho một ai mà là cho tất cả mọi người, dù họ thuộc nước nào, dân tộc nào, thành phần nào, giai cấp nào, màu da nào trong cuộc sống … tất cả được Chúa mời gọi vào trong Giáo Hội của Chúa. Ở trong Giáo Hội của Chúa, chúng ta được Chúa thiết đãi tiệc hàng ngày là lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa diễn ra trong thánh lễ. Đàng khác, nước Thiên Chúa mà chúng ta đang hướng tới, là tương lai của chúng ta, đó chính là nước thiên đàng, nước trời. Tiệc mà Chúa thiết đãi chúng ta trong nước đó là bánh Chúa dưỡng nuôi các thiên thần, là chính con người của Chúa, là nguồn sống của chúng ta: “Và người ta sẽ từ đông sang tây, từ bắc chí nam, đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa. Phải, có những người sau hết sẽ nên trước hết, và những người trước hết sẽ nên sau hết” (Lc 13, 28 – 30).

Để được vào nước Chúa mai sau, chúng ta cần phải vào nước Chúa hiện giờ là Giáo Hội đây qua bí tích Rửa tội. Chúng ta vào trong Giáo Hội của Chúa để chúng ta sống đạo Chúa, để chúng ta hy sinh, hãm mình, để chúng ta đi con đường hẹp, vác thập giá theo Chúa mỗi ngày và chuẩn bị hành trang vào nước Chúa vĩnh cửu. Vì thế, không phải vào Giáo Hội để chúng ta có đặc quyền, đặc lợi đâu. Vào Giáo Hội để chúng ta cởi bỏ con người cũ với những tội lội, đam mê xác thịt, tính hư tật xấu, đóng đinh vào thập giá Chúa để được sống lại với Chúa sau này. Do đó, có rất nhiều người ngại không muốn vào, muốn sống theo bản năng dễ dãi của mình, thích sao sống vậy, nuông chiều xác thịt, thì chắc chắn sẽ không vào được nước Chúa mai sau.

Thời gian không có nhiều trên trần gian này cho mỗi người để mà chúng ta khoan giãn, chần chừ, do dự. Chúa chỉ chờ đợi chúng ta có hạn, một khi Chúa vào rồi, Chúa sẽ đóng cửa tiệc nước Chúa lại, và Chúa sẽ không biết chúng ta là ai cả, cho dù chúng ta có theo Chúa khi còn sống: “Khi chủ nhà đã vào và đóng cửa lại, thì lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: Thưa ngài xin mở cửa cho chún tôi. Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: Ta không biết các ngươi từ đâu đến. Bây giờ các ngươi mới nói rằng: Chúng tôi đã ăn uống trước mặt Ngài, và Ngài đã giảng dạy giữa các công trường chúng tôi. Nhưng chủ nhà sẽ trả lời các ngươi rằng: Ta không biết các ngươi từ đâu tới, hỡi những kẻ làm điếu gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta. Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacob và tất cả các tiên tri trong nước Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiên răng” (Lc 13, 25 – 28) .

Chúa từ chối nhận chúng ta vào nước Chúa, dù chúng ta có nói là khi còn sống chúng ta thuộc về Chúa mà. Vì người đời thường nói “Nhất thân nhì thế“ và có rất nhiều người hưởng bổng lộc ân huệ từ điều này. Nhưng trong đạo Chúa, chúng ta không có vậy đâu. Chúng ta có đạo, tức là chúng ta là những người tín hữu trên danh nghĩa thôi, còn khi nào chúng ta sống đạo, cố gắng đi con đường hẹp, con đường dấn thân hy sinh, đóng đinh tính xác thịt mình vào thập giá, thì chúng ta mới là những người tín hữu thật sự và Chúa muốn điều này. Chính vì thế mà các tông đồ mới nói với Chúa là phải chăng có một số ít người sẽ được cứu độ (Lc 13, 23).

Lạy Chúa, nước của Chúa là nước vĩnh cửu, trường tồn, bất biến, Chúa ban nước đó cho chúng con khi chúng con sống đạo tốt, xin Chúa ban ơn giúp chúng con biết cao rao vinh quang Chúa, và suy phục quyền năng của Chúa. Amen.

 

Suy niệm 12: Từ đông sang tây sẽ về dự tiệc nước trời

(Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB)

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Tư Tuần 30 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa cho chúng ta được thêm lòng tin cậy mến, và biết yêu chuộng những điều Chúa truyền dạy, hầu đáng hưởng những gì Chúa hứa ban.

Yêu chuộng những điều Chúa truyền dạy, sẽ trở nên khôn ngoan và được trị vì mãi mãi, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Khôn Ngoan kêu gọi: Hãy tôn trọng Đức Khôn Ngoan. Người nào tôn trọng Đức Khôn Ngoan thì sẽ được trị vì mãi mãi. Khi trao ban Thần Khí, Thiên Chúa thực hiện lời hứa này. Đức Khôn Ngoan tôi đã thành tâm học hỏi được, xin truyền đạt hết, không dè sẻn chi. Đức Khôn Ngoan là kho báu vô tận cho con người. Vô phúc cho kẻ xem thường lẽ khôn ngoan, coi khinh lễ giáo; Thiên Chúa chỉ yêu chuộng những người chung sống với Đức Khôn Ngoan.

Yêu chuộng những điều Chúa truyền dạy, để chúng ta được chung hưởng các hồng ân Chúa đã hứa, và được kể vào số những kẻ đợi trông Người, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Cơlêmentê I nói: Chúng ta sẽ được những điều đó, nếu chúng ta chuyên cần tìm kiếm những điều đẹp lòng Chúa, và thi hành những điều phù hợp với thánh ý Người… Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết; lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con. Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài. Chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con. Sớm hôm con những cậy trông Ngài. Lạy Chúa, xin đoái nhìn và xót thương con, vì thân này bơ vơ khổ cực.

Yêu chuộng những điều Chúa truyền dạy, quy phục quyền tối thượng của Chúa qua việc phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Đừng chỉ vâng lời trước mặt, như muốn làm đẹp lòng người ta, nhưng, như nô lệ của Đức Kitô, đem cả tâm hồn thi hành ý Thiên Chúa. Hãy vui lòng phục vụ, như thể phục vụ Chúa, chứ không phải người ta. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 144, vịnh gia cho thấy: Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán. Lạy Chúa, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ, kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài, nói lên rằng: triều đại Ngài vinh hiển, xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng mà kêu gọi chúng ta, để chúng ta được hưởng vinh quang của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. Chúa dùng Tin Mừng để kêu gọi chúng ta đến hưởng vinh quang, mọi người từ đông sang tây sẽ về dự tiệc Nước Trời. Ơn cứu độ là ơn phổ quát, Chúa dành cho tất cả mọi người. Nước Trời rộng mở chào đón tất cả mọi người, ấy thế mà, chỉ những ai khôn ngoan: mới khát khao tìm kiếm Nước Trời; chỉ những ai khôn ngoan: mới chiến đấu vào qua cửa hẹp, cửa hẹp không phải do cửa, nhưng, do lòng người quá cồng kềnh, vướng víu bởi những toan tính, quyến luyến thế gian; chỉ những ai khôn ngoan: mới đón nhận thập giá, bởi vì, khôn ngoan của thập giá sẽ giúp chúng ta trút bỏ được những gánh nặng, để nhẹ nhàng, thanh thoát tiến vào Nước Trời. Thật vậy, ai mến chuộng Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan dễ dàng cho chiêm ngưỡng. Ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan cho gặp. Ai khao khát Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho biết. Ai từ sáng sớm đã tìm Đức Khôn Ngoan, thì không phải nhọc nhằn vất vả. Để tâm suy niệm về Đức Khôn Ngoan là đạt được sự minh mẫn toàn hảo. Ai vì Đức Khôn Ngoan mà thức khuya dậy sớm, sẽ mau trút được mọi lo âu. Xin Chúa cho chúng ta được thêm lòng tin cậy mến, và biết yêu chuộng những điều Chúa truyền dạy, hầu, chúng ta đáng được hưởng những gì Chúa hứa ban. Ước gì được như thế!

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 96)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,571)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,096)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,721)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,751)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,849)

Thứ Hai tuần 33 thường niên.

+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 14,984)

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,539)

Thứ Bảy tuần 32 thường niên.

Thứ Sáu 15/11/2024 – Thứ Sáu tuần 32 thường niên. – Sống trong ngày của Chúa. (14/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,932)

Thứ Sáu tuần 32 thường niên.

Thứ Năm 14/11/2024 – Thứ Năm tuần 32 thường niên. – Sống giây phút hiện tại. (13/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,695)

Thứ Năm tuần 32 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7