Suy tư - Cảm nghiệm

Ta chẳng quên con

  • In trang này
  • Lượt xem: 903
  • Ngày đăng: 02/05/2023 14:56:53

TA CHẲNG QUÊN CON

 

Các Linh mục của Chúa - dù có chết âm thầm cô đơn, nhưng ngày lễ An táng của các ngài và những ngày giỗ sau đó, hầu hết đều ken đặc giáo dân từ khắp nơi - thậm chí cả đến nhiều thành phần xã hội cũng đến kính viếng, tham dự trang trọng như một cử chỉ đẹp tỏ lòng yêu mến tiếc thương.

 

 

Từ những chuyện đã qua…

Thật bất ngờ, vào ngày thứ Năm 21/05/2020, trong hộp thư điện tử của tôi, gọi tắt là email, có một bức thư của Cha Antôn T., Tổng Thư ký Liên Đoàn Công giáo Hoa kỳ gửi cho các Linh mục từ thành phố Houston, tiểu bang Texas, Hoa kỳ.

 

Nói về Cha Antôn T. : Qua phương tiện truyền thông và với đại dịch Covid-19, tôi được biết ngài là một Linh mục thuộc Tu hội Tận hiến Nhập Thể Truyền giáo (ICM) đang phục vụ tại giáo phận Galveston, Houston, Texas. Hưởng ứng lời kêu gọi của Thống đốc Tiểu bang New York ở ngay tâm dịch Covid-19 của Hoa kỳ lúc bấy giờ, đồng thời đã là bác sĩ trước khi trở thành Linh mục, nên Cha T. đã tình nguyện đến phục vụ cho các bệnh nhân tại tiểu bang này trong một thời gian.

 

Trở lại nội dung bức thư điện tử, Cha T. báo cho các Cha 2 tin buồn sau đây :

1) Cha Phêrô Nguyễn Văn Th. mới qua đời vì Covid-19, hưởng thọ 70 tuổi. Điều lôi kéo sự chú ý của tôi là, Cha Phêrô Th. xuất thân từ chủng viện thuộc giáo phận vùng đồng bằng sông Cửu Long, qua Mỹ trễ, nên ngài phải sang Đài Loan học Đại Chủng viện, chịu chức Linh mục và làm việc mục vụ tại đó một thời gian. Sau đó, ngài trở lại Mỹ, nhưng không có cơ hội làm việc mục vụ, nên phải tìm kế sinh nhai và sống như một người dân bình thường. Ngài đã qua đời cô đơn trong một phòng trọ thuê mà không ai hay biết. Thánh lễ An táng được cử hành vào thứ Năm 21/05/2020 tại Nhà thờ St. Albert, Houston.

 

2) Nhà dòng Chúa Cứu Thế tại giáo xứ Holy Ghost, Houston có tất cả 8 cha, trong đó Bề trên là Cha B.. Trong tuần, Cha K. 79 tuổi qua đời vì Covid-19, 5 Cha dương tính, còn lại 2 Cha (gồm có Cha Bề trên) là âm tính với Covid-19.

 

Theo tin được biết : Virus Corona lây lan khủng khiếp đến mức độ, ngay trong  nhà dòng, các Cha các thầy mỗi người cũng chỉ cô quạnh trong phòng riêng của mình. Đến bữa, người phục vụ lặng lẽ đến đặt “gà mên” gồm đồ ăn thức uống ở cửa, rồi âm thầm rút lui. Thậm chí, ở phòng bên có Cha hay thầy nào qua đời, các phòng khác không hề hay biết và đưa tiễn. Cùng trong một nhà dòng mà sự chia cắt đã ghê sợ như thế, chỉ vì con virus vô hình lởn vởn quẩn quanh trước mặt, phương chi là ngoài cộng đồng xã hội còn tang thương đau đớn biết là dường nào, trong một thế giới xưng mình là hiện đại, văn minh tột bực.

 

...đến chuyện của những tháng năm gần đây.

Emails báo tin các Cha trong giáo phận qua đời dồn dập trong sự ngỡ ngàng và đầy thương tiếc. Bởi, có người thuộc thế hệ cha anh. Có người đồng trang lứa. Cũng có người chỉ là em, là con, hoặc cháu thôi. Nhưng gần như chung nhất, các ngài ra đi rất nhanh - khi sức còn rộng, vai còn dài, nhiệt huyết căng phồng, tinh thần phục vụ còn hăng hái. Có người còn vì “dư chấn” Covid-19, nhưng nhiều người hoàn toàn do “không ngờ”!

 

Dường như cũng chung một số phận như Thầy Giêsu vì “tôi tớ không lớn hơn chủ mình” (Ga 15, 20), thì phải ? Nhưng gần hơn cả, khi emails của bạn bè từ Mỹ, Úc và người nhà báo tin : Anh bạn từ ngày đầu nhập Tiểu chủng viện, là Linh mục Phêrô N. qua đời trong tư thế nằm ngửa trên sàn nhà hưu riêng, bên dòng máu đột quỵ rỉ ra đã khô quánh. Khi phát hiện, không biết Anh chết vào giờ nào, chính xác vào ngày nào nữa - chỉ có thể phỏng đoán là cuối tháng 3/2023 tại Canada và với Việt Nam thì là vào ngày 01 tháng 04. Điều chắc là không có bất cứ ai bên cạnh trong một không gian lạnh lẽo nơi vùng đất thật xa quê hương - nơi chôn nhau cắt rốn. Tận cùng sâu thẳm đơn côi. Xa vắng mọi người thân yêu bằng hữu.

 

Nhớ lại quá khứ, Anh từng là một mục tử năng động với nụ cười nhẹ nhàng hiền hoà. Ngắm khuôn hình Anh ngày kỷ niệm 24 năm Tác Vụ Linh Mục bên ca đoàn Phanxicô ở Canada sẽ thấy họ quý mến Anh biết là dường nào ! Anh xả thân cho đoàn chiên nơi Anh được nở hoa thánh chức và Anh vui trong tinh thần phục vụ đến quên cả thân mình. Nói không chút ngoa ngữ và cường điệu nào, bởi có lần Anh đã bị tai biến mà vẫn không chú tâm đến sức khoẻ của mình - phần vì thái độ lạc quan sẵn có - phần khác có khi vì quá mải mê công việc, cho dù ở một đất nước có sự chăm sóc y tế tương đối khả quan, chu đáo.

 

Anh không cho nhiều thông tin cá nhân với bạn bè cũng như gia đình, nhưng tất cả những gì liên quan đến họ, Anh đều gom hết vào trong tim óc. Bởi, có lần Anh tiết lộ : “Các cậu sinh hoạt thế nào, tớ đều biết hết cả đấy !”. Để rồi, tuỳ từng hoàn cảnh, Anh sẽ có những ứng xử thích hợp. Đây cũng có thể là thái độ khôn ngoan khéo léo, để không ai bị làm phiền và khỏi nghĩ ngợi khi phải chối từ với một đề nghị nào đó ? Thiết nghĩ, chọn thái độ như vậy dễ rơi vào tình thế đơn côi lạnh lùng không muốn có, và thực tế đã xảy ra với Anh.

 

Trên đây chỉ là cái nhìn phiến diện theo quan điểm của tôi mà thôi. Cũng như khi nhận những bản tin “không ngờ” về sự ra đi của rất nhiều thành phần trong xã hội đạo đời, đặc biệt là những mảnh đời bị bỏ rơi, sống quạnh quẽ cô đơn cô độc khắp đó đây. Họ chính là hiện thân sống động của khuôn mặt Đức Kitô đang hấp hối trên thánh giá. Lời kêu cứu thật thống thiết : “Lạy Thiên Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con ! Sao Chúa bỏ con !” (Mc 15, 34b), không chỉ được thốt lên yếu ớt một lần trên ngọn đồi Calvê năm xưa, nhưng vẫn còn tiếp tục rên rỉ trong đáy lồng ngực của rất nhiều người đã cạn khô hy vọng mong manh tình người và tình đời của ngày hôm nay. Vì vậy, luôn mới và rất hiện sinh.

 

Có lẽ chỉ đến khi xảy ra một biến động mạnh gây đớn đau, tương tự như “màn đền thờ xé ra làm đôi từ trên xuống dưới” (Mc 15, 38), mới đủ liều lượng dạy ta bài học đổi đời ý nghĩa hơn là những bài thuyết giảng cao siêu. Chẳng vậy mà, để nhận ra, “Đúng thật người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15, 39b), viên đại đội trưởng - người chỉ huy việc thi hành án tử hình các tử tội, đã phải trải qua một cơn lốc nội tâm kinh hoàng như cuộc động đất, mới nhận thực được đâu là chân lý vĩnh cửu giữa bộn bề hận thù và man trá bủa vây.

 

Vì thế, tôi xác tín và nhận thực vấn nạn được “Ông Phêrô lên tiếng thưa Người : “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy !” Đức Giêsu đáp : “Thầy bảo thật anh em : Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Mc 10, 28-30). Bởi, như Đức Kitô trên thánh giá cô quạnh giữa ngọn đồi đầy tiếng hú gào thét kinh tởm, chỉ có ít tiếng lặng thầm yêu thương của “một số sót” đang nhỏ lệ sụt sùi - nhưng như lời Chúa : “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách luật Môsê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm”. Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói : “Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại;  phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24, 44-48). Tương tự như thế,  các Linh mục của Chúa - dù có chết âm thầm cô đơn, nhưng ngày lễ An táng của các ngài và những ngày giỗ sau đó, hầu hết đều ken đặc giáo dân từ khắp nơi - thậm chí cả đến nhiều thành phần xã hội cũng đến kính viếng, tham dự trang trọng như một cử chỉ đẹp tỏ lòng yêu mến tiếc thương. Đó chẳng phải lời Chúa đã hứa được hiện thực sinh động trong đời sống Giáo hội, minh chứng : “Đúng thật (những) người này là Con (vì họ được dành riêng cho) Thiên Chúa ?” (Mc 15, 39b) và “cho dù có người phụ nữ nào chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau ? Thì Ta (là Thiên Chúa), Ta cũng chẳng quên con bao giờ. (Bởi vì) Ta đã ghi khắc con trong lòng bàn tay Ta (Is 49, 15-16a).

 

Lm. Bùi Văn Khiết Tâm.

 

Bài cùng chuyên mục:

Đức Giesu Kito, một vị Vua khác (23/11/2024 05:51:35 - Xem: 186)

Hôm nay, “nếu bạn tin vào Chúa Kitô, hãy để Ngài là Vua trong cuộc đời bạn. Hãy để Ngài hướng dẫn bạn sống theo sự thật, bởi vì Ngài là Vua của tình yêu và sự sống” (Thánh Augustinô).

Gia vị cho bài giảng CN lễ Chúa Kito là Vua - 2024 (21/11/2024 10:04:15 - Xem: 250)

Khi Người đến trong vinh quang, Chúa Kitô Vua sẽ xét xử chúng ta về những việc bác ái chúng ta làm cho tha nhân. (Cha Tony)

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 34 TN B - 2024 (21/11/2024 07:57:59 - Xem: 220)

Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật, mà sự thật là điều gì có lợi cho tôi.

Đạo còn sống khi ta còn sống đạo (16/11/2024 11:20:12 - Xem: 857)

Phải chăng giá trị Tin Mừng trong lòng tín hữu đang phai nhạt dần ? Phải chăng việc đạo nghĩa chỉ còn là sự quan tâm thứ yếu ? Phải chăng việc học văn hóa và công ăn việc làm được đặt trên việc nuôi dưỡng đức tin ?

Gia vị cho bài giảng CN 33 & Các Thánh Tử đạo VN - 2024 (16/11/2024 05:36:01 - Xem: 368)

Đôi khi những người muốn dẫn dắt Người khác đến với Chúa Kitô cũng trở thành chướng ngại vật lớn nhất cho ơn cứu rỗi của họ.

Ngày tận thế: Bí ẩn chỉ có Chúa Cha biết (16/11/2024 05:28:22 - Xem: 178)

Chúng con luôn sẵn sàng đón nhận Ngài trong bình an và hân hoan, với trái tim tràn đầy hy vọng vào ngày vinh quang của Chúa.

“Có làm mưa làm gió” (11/11/2024 07:52:43 - Xem: 234)

Khi tôi chết đi, thế giới này cũng vẫn cứ vần xoay theo định luật đã được mặc định cho nó. Chẳng phải vì tôi chết đi mà vũ trụ này có rúng động hay biến đổi gì.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 32 TN năm B - 2024 (08/11/2024 07:28:19 - Xem: 545)

Chúng ta không xây dựng đời mình trên vật chất hay chiếm hữu, nhưng trên tình yêu, để sẵn sàng cho đi và dâng hiến.

Gia vị cho bài giảng CN 32 TN năm B - 2024 (08/11/2024 07:24:57 - Xem: 462)

Sứ điệp Tin Mừng Chúa nhật này là về sự cho đi. Mỗi người đều có khả năng chia sẻ dù họ nghèo khó hay túng thiếu đến đâu.

Suy ngẫm về Thiên đàng – Nơi an bình vĩnh cửu (05/11/2024 07:26:42 - Xem: 283)

Việc suy ngẫm và tưởng nghĩ về Thiên đàng rất có lợi cho tâm hồn chúng ta, chiêm nghiệm xem Thiên đàng sẽ như thế nào, xinh đẹp và hoàn hảo ra sao.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7