Suy tư - Cảm nghiệm

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 21 TN năm C

  • In trang này
  • Lượt xem: 3,035
  • Ngày đăng: 18/08/2022 05:15:10

CỬA HẸP

Chúa Nhật 21 thường Niên năm C : Lc 13, 22-30

 

 

Suy niệm

Trong đoạn cuối của Sách Isaia (Is 66,18-21), Thiên Chúa cho biết giai đoạn cuối của chương trình cứu độ của Ngài không còn dành riêng cho dân Do thái, mà là tất cả mọi dân tộc sẽ tin vào Ngài, đến với Ngài và được hưởng hạnh phúc muôn đời trong Ngài.

 

Trong bài Phúc Âm hôm nay có người lên tiếng hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, phải chăng chỉ có một số ít người sẽ được cứu rỗi?”. Câu hỏi cho thấy người này muốn Đức Giêsu xác nhận quan điểm của mình. Điều này không lạ gì vì dân Do thái vẫn nghĩ rằng, ơn cứu rỗi được dành riêng cho dân tộc họ thôi. Một câu hỏi sai phát xuất từ một quan niệm sai, nên Chúa Giêsu không trả lời. Những điều Ngài nói sau đó cho thấy Ngài muốn đặt lại câu hỏi cho đúng: “Ai sẽ được cứu rỗi?” và “Muốn được cứu rỗi thì phải làm gì ?”.

 

Ơn cứu rỗi hay Nước Thiên Chúa không phải là đặc quyền của một số người nào, của một dân tộc nào, của một phe nhóm nào, mà thuộc về bất cứ ai biết sống theo Lời Chúa dạy. Đó là điều kiện, là thử thách, là “cửa hẹp” phải vượt qua như Chúa Giêsu đã nói rõ: “Hãy chiến đấu để vào qua cửa hẹp”, vì “cửa hẹp dẫn đến sự sống” (Mt 7,14). Đó là cuộc chiến đấu với chính mình: với cái tôi cồng kềnh của mình, vì những vun vén cá nhân, vì niềm tự hào và tham vọng.

 

Thật ra, cửa vào sự sống không hẹp nhưng vì cái tôi của mình quá to: to tham lam, to ích kỷ, to kiêu kỳ, nên phải nỗ lực liên tục để giữ cho cái tôi nhỏ lại trước Chúa và tha nhân. Phải trở nên như trẻ thơ mới được vào Nước Trời (Mt 18,3). Cái tôi của chúng ta luôn có khuynh hướng bành trướng do ham muốn thu tích cho mình nhiều kiến thức, nhiều tiền bạc, nhiều uy tín. Cả những kinh nghiệm, tuổi tác, đạo đức, chức vụ, cũng có thể làm cái tôi xơ cứng và khép lại. (Manna).

 

Nhiều người Do thái đến chậm khi cửa đã đóng, và họ gõ cửa đòi vào. Họ nghĩ thế nào cũng có một chỗ nơi bàn tiệc Nước Trời, bởi lẽ mình đã từng ngồi đồng bàn với Đức Giêsu, từng nghe Ngài giảng dạy. Tiếc thay, tương quan đó quá hời hợt, một tương quan ngoài da mà không lọt vào trái tim thì quá đỗi tầm thường. Một tương quan qua đường thì làm sao có thể vào chốn yêu thương. Cho dù dân Do thái được biết Chúa sớm hơn, được chọn làm dân riêng, nhưng không vì thế mà nắm chắc phần rỗi, nếu không chiến đấu để qua cửa hẹp là sống theo đường lối và tinh thần của Đức Giêsu. Thế nên không lạ gì mà Chúa lên tiếng: “Ta không biết các anh từ đâu đến!”.

 

Cửa hẹp đưa vào bàn tiệc Nước Trời, nhưng không phải cửa cứ mở mãi, vì sẽ đến giờ “chủ nhà đứng dậy và khoá cửa lại”. Đó là lúc vô cùng bất hạnh cho những kẻ đến trễ, vì mải mê tìm của cải danh vọng trên con đường rộng thênh thang, mà quên đi hạnh phúc vĩnh hằng, quên Đấng mà họ phải tìm về để sống với, để yêu mến, để thuộc về. Vì thế, ngay con cái trong nhà cũng có thể bị đuổi ra ngoàiđang khi thiên hạ từ khắp nơi lại đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.

 

Cũng vậy,“Có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót”. Những kẻ đứng đầu vẫn luôn có nguy cơ tụt hậu. Có thể họ là những người lãnh đạo, được Chúa ban cho tài năng, chức vụ, quyền hành, trong xã hội hay trong Giáo hội, nhưng lại sống cho mình, không tận tình yêu thương phục vụ. Chính sự thành đạt, thu tích và lớn mạnh bên ngoài khiến họ to kềnh, nên không thể qua “cửa hẹp” mà vào Nước Trời.

 

Qua Lời Chúa, chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình, không phải cứ mang danh nghĩa là người Công giáo là đương nhiên được ơn cứu rỗi. Không phải có rửa tội, có giữ đạo, là đương nhiên được vào Nước Trời. Có thể Chúa vẫn không quen biết ta, vì ta chẳng sống Tin Mừng của Ngài, chẳng để cho Ngài đi vào lòng để thay đổi suy nghĩ và lối sống cũ kỹ của ta. Có thể ta vẫn xa lạ trước mắt Chúa, vì đã không giống Chúa, không có tâm tình và cái nhìn của Chúa.

 

Mong sao bản thân ta đừng tự hào về những gì mình đã làm nên cho Chúa, nhưng thấy Chúa đã làm nên tất cả cho mình; cũng đừng tự hào vì mình đã biết Chúa, nhưng làm thế nào để Chúa biết mình và nhận ra rằng: “Ðây là đầy tớ tốt lành và trung tín”. Chỉ trong tâm tình và thái độ khiêm tốn đó, chúng ta mới đón nhận được hồng ân sự sống, do lòng thương xót của Thiên Chúa mà thôi.

 

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Ơn cứu rỗi là món quà vô giá,
mà Chúa muốn ban tặng cho tất cả,
nhưng rồi lại tùy thuộc ở người ta,
có sẵn sàng để hết lòng đáp trả.

 

Cuộc sống cái gì cũng có giá,
huống chi ơn cao cả Chúa ban,
nên con cần một tấm lòng vàng,
thì mới có thiên đàng hạnh phúc.

 

Phải chiến đấu để vào qua cửa hẹp,
cửa không hẹp nhưng vì con quá to,
to tham vọng và ích kỷ kiêu kỳ,
to danh giá và chức quyền địa vị,
to tự hào đạo đức mà khinh khi,
khiến bản thân ra xơ cứng chai lì.

 

Không lạ gì cuộc sống ra nghịch lý,
vì những kẻ đứng cuối sẽ lên đầu,
còn những kẻ đứng đầu lại xuống cuối,
chỉ khác nhau vì đã tiến hay lùi,
là vượt qua chính mình hay thoái lui,
là nỗ lực chứ không phải hên xui.

 

Xin cho con chỉnh đốn lại đời mình,
đừng dựa vào những gì con đã có,
điều quan trọng là biết luôn từ bỏ,
không để cho cái “tôi” quá cồng kềnh,
kẻo vướng vít không thể qua cửa hẹp,
làm mất đi nét đẹp của tâm hồn.

 

Xin cho con sống thân tình với Chúa,
luôn ra sức thực thi thánh ý Ngài,
để đời con không héo úa tàn phai,
mà hướng đến một ngày mai tươi sáng,
trong niềm vui sự sống mới huy hoàng,
là chính Chúa niềm hân hoan vô tận. Amen.

 

Lm. Thái Nguyên

Bài cùng chuyên mục:

Đức Giesu Kito, một vị Vua khác (23/11/2024 05:51:35 - Xem: 203)

Hôm nay, “nếu bạn tin vào Chúa Kitô, hãy để Ngài là Vua trong cuộc đời bạn. Hãy để Ngài hướng dẫn bạn sống theo sự thật, bởi vì Ngài là Vua của tình yêu và sự sống” (Thánh Augustinô).

Gia vị cho bài giảng CN lễ Chúa Kito là Vua - 2024 (21/11/2024 10:04:15 - Xem: 260)

Khi Người đến trong vinh quang, Chúa Kitô Vua sẽ xét xử chúng ta về những việc bác ái chúng ta làm cho tha nhân. (Cha Tony)

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 34 TN B - 2024 (21/11/2024 07:57:59 - Xem: 224)

Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật, mà sự thật là điều gì có lợi cho tôi.

Đạo còn sống khi ta còn sống đạo (16/11/2024 11:20:12 - Xem: 859)

Phải chăng giá trị Tin Mừng trong lòng tín hữu đang phai nhạt dần ? Phải chăng việc đạo nghĩa chỉ còn là sự quan tâm thứ yếu ? Phải chăng việc học văn hóa và công ăn việc làm được đặt trên việc nuôi dưỡng đức tin ?

Gia vị cho bài giảng CN 33 & Các Thánh Tử đạo VN - 2024 (16/11/2024 05:36:01 - Xem: 368)

Đôi khi những người muốn dẫn dắt Người khác đến với Chúa Kitô cũng trở thành chướng ngại vật lớn nhất cho ơn cứu rỗi của họ.

Ngày tận thế: Bí ẩn chỉ có Chúa Cha biết (16/11/2024 05:28:22 - Xem: 181)

Chúng con luôn sẵn sàng đón nhận Ngài trong bình an và hân hoan, với trái tim tràn đầy hy vọng vào ngày vinh quang của Chúa.

“Có làm mưa làm gió” (11/11/2024 07:52:43 - Xem: 234)

Khi tôi chết đi, thế giới này cũng vẫn cứ vần xoay theo định luật đã được mặc định cho nó. Chẳng phải vì tôi chết đi mà vũ trụ này có rúng động hay biến đổi gì.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 32 TN năm B - 2024 (08/11/2024 07:28:19 - Xem: 546)

Chúng ta không xây dựng đời mình trên vật chất hay chiếm hữu, nhưng trên tình yêu, để sẵn sàng cho đi và dâng hiến.

Gia vị cho bài giảng CN 32 TN năm B - 2024 (08/11/2024 07:24:57 - Xem: 462)

Sứ điệp Tin Mừng Chúa nhật này là về sự cho đi. Mỗi người đều có khả năng chia sẻ dù họ nghèo khó hay túng thiếu đến đâu.

Suy ngẫm về Thiên đàng – Nơi an bình vĩnh cửu (05/11/2024 07:26:42 - Xem: 283)

Việc suy ngẫm và tưởng nghĩ về Thiên đàng rất có lợi cho tâm hồn chúng ta, chiêm nghiệm xem Thiên đàng sẽ như thế nào, xinh đẹp và hoàn hảo ra sao.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7