Suy tư - Cảm nghiệm

Mười đặc nét của sự thánh thiện

  • In trang này
  • Lượt xem: 1,011
  • Ngày đăng: 22/04/2023 15:39:10

MƯỜI ĐẶC NÉT CỦA SỰ THÁNH THIỆN

 

Với 10 đặc nét đơn sơ về sự thánh thiện, như lời mời gọi chúng ta sống ý nghĩa cuộc đời mình như là một thụ tạo được dựng nên và dành riêng cho Thiên Chúa: 

 

 

Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh. Làm sao mà chúng ta biết được điều này? Chính Chúa Giêsu đã truyền lệnh: “Hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Nói cách khác: Hãy trở thành một vị thánh! Trong phụng vụ Giáo hội, chúng ta mừng kính rất nhiều vị thánh, nhưng chắc chắn, con số những vị thánh ẩn danh còn đông hơn gấp nhiều lần.  

 

Ý thức lời mời gọi hãy nên thánh này, chúng ta cùng suy tư về 10 đặc điểm nổi bật của đời sống thánh thiện, như một cách thúc đẩy chúng ta cố gắng mỗi ngày để trở thành người mà Thiên Chúa muốn chúng ta trở thành —một vị thánh!

 

1. Tránh xa tội lỗi

Chúng ta hãy khởi đầu từ mặt tiêu cực: tránh xa tội lỗi. Nền văn hóa hiện đại cổ võ lối sống ích kỷ, hướng chiều theo tội lỗi, trong khi đó, lời mời gọi nên thánh đòi hỏi chúng ta đi ngược với xu hướng này. Thánh Đaminh Savio có một Khẩu hiệu khi Rước Lễ Lần Đầu: Thà chết còn hơn phạm tội!

 

2. Sống đời cầu nguyện

Một sự thật không thể chối cãi đó là không có cuộc đời của bất kỳ vị Thánh nào mà lại không coi trọng đời sống cầu nguyện, có nghĩa là, lại không kết hợp và xây dựng tình bằng hữu với Thiên Chúa. Để được như vậy, chúng ta cần dành thời gian để cầu nguyện và cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn chúng ta nâng cao đời sống cầu nguyện trong việc theo đuổi sự thánh thiện.

 

3. Khiêm nhường qui hướng về Thiên Chúa

Các thánh là những người khiêm nhường thực sự. Ở đây, khiêm nhường được hiểu là: Các Thánh quy tất cả những điều tốt lành mình đã làm được cho Thiên Chúa, Đấng là nguồn gốc, tác giả và cùng đích của mọi điều tốt lành. Do đó, khi được khen ngợi về bất kỳ việc tốt nào thực hiện được, hầu như các ngài đáp lại một cách tự nhiên: Tạ ơn Chúa!

 

4. Khao khát nên thánh

Trong cuộc sống, nhiều người khao khát tiền bạc, quyền lực, lạc thú, thành công và của cải. Các Thánh thì không như vậy: các ngài khao khát yêu mến Thiên Chúa ngày càng sâu xa hơn, trọn vẹn hơn và kết hợp với Chúa bền chặt hơn, như lời Thánh Vịnh 42, 1: “Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa”. Các thánh cũng thừa nhận rằng mình không phải là một thánh nhân nhưng thực sự khao khát một ngày nào đó sẽ trở thành một vị thánh. Khao khát này, có thể nói, giúp chúng ta đạt được một nửa chặng đường trong trận chiến giành lấy vương miện của sự thánh thiện.

 

5. Thực thi đức ái

Các thánh được thúc đẩy để suy niệm và thực hiện một cách cụ thể bằng lời nói và hành động giới răn cao trọng nhất đó là: yêu mến Thiên Chúa cách trọn vẹn và yêu tha nhân như chính mình. Nếu muốn nhìn thấy một hình ảnh sống động về đức ái, chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá.

 

Một ngày kia, Chúa Giêsu hiện ra với thánh Thánh Tôma Aquino và hỏi xem ngài muốn được phần thưởng gì nhất sau những thành tựu đã đạt được, thánh nhân trả lời không do dự: “Lạy Chúa, xin ban cho con ơn để yêu mến Chúa mỗi ngày một nhiều hơn”.

Thánh Gioan Thánh Giá đã khẳng định: “Vào điểm cuối của cuộc đời, chúng ta sẽ bị xét xử về tình yêu”. Thánh Phanxicô Salesiô nói thêm: “Mức độ mà chúng ta yêu mến Thiên Chúa là chúng ta yêu mến Ngài không có mức độ”.

 

6. Nhiệt thành đối với phần rỗi các linh hồn

Một ngày kia, có một thiếu niên đến gặp một vị linh mục. Cậu thiếu niên nhìn lên và thấy trên tường có viết một vài từ bằng tiếng Latinh và cậu hỏi vị linh mục những từ đó là gì và ý nghĩa ra sao. Vị linh mục trả lời bằng cách nói rằng những từ đó là phương châm sống của ngài: “Xin hãy cho con các linh hồn và hãy cất lấy tất cả những gì còn lại”. Vị linh mục đó là Thánh Gioan Bosco; và cậu thiếu niên là Thánh Đaminh Savio.

 

Một vị thánh đích thực là người biết yêu Chúa và yêu những gì Chúa yêu—phần rỗi đời đời của các linh hồn. Lý do cho sự đau đớn tột cùng mà Chúa Giêsu phải chịu trong Cuộc Khổ nạn đó chính là để mang lại phần rỗi cho nhân loại. Thánh Padre Pio mang Thánh tích trong 50 năm để cầu nguyện cho các linh hồn; Thánh Gioan Vianney ngồi toà giải tội 13-18 tiếng mỗi ngày để đưa các linh hồn trở về với Thiên Chúa; Thánh Faustina chịu nhiều đau khổ vì khao khát phần rỗi các linh hồn.

 

7. Can đảm đứng dậy khi vấp ngã

Các thánh không phải là những người được miễn trừ khỏi những yếu đuối, thất bại, sa ngã, nhưng giống như chúng ta, các ngài cũng là những tội nhân. Tuy nhiên, có điểm khác là, dù sai phạm, dù lỗi lầm, dù vấp ngã, các ngài vẫn kiên cường đứng dậy; thật lòng trở về với Chúa qua việc lãnh bí tích hoà giải, và khiêm tốn, với thiện chí để thay đổi và cố gắng sống tốt hơn. Đấng đáng kính Bruno Lanteri có lời khuyên là: Hãy bắt đầu lại, có nghĩa là, nếu chúng ta sa ngã, hãy đứng dậy ngay và càng tin tưởng hơn vào ân sủng và lòng thương xót của Trái Tim đầy lòng thương xót của Chúa Giêsu. Chẳng có gì ngạc nhiên khi trong Nhật ký của Thánh nữ Faustina, Chúa Giêsu nhắc nhở rằng một tội nhân nặng nề có thể trở thành một vị thánh vĩ đại nhất nếu biết hoàn toàn tin tưởng vào lòng thương xót của Người.

 

Đấng đáng kính Fulton J. Sheen cũng cho thấy rằng vị thánh đầu tiên được Chúa Giêsu công nhận là một tội phạm, bị treo trên thập giá bên cạnh Người trên đồi Canvê: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Ðàng” (Lc 23, 43). Thật thế, “người ấy đã chết như một tên trộm vì anh đã lấy trộm được thiên đàng”! Chúng ta hãy đọc và suy niệm Dụ ngôn Người con hoang đàng (Lc 15,11-32) để nhắc nhở mình về việc can đảm trở về mỗi khi lầm đường lạc lối.

 

8. Nhiệt tâm yêu mến Thánh Thể

Nguồn mạch của ân sủng, sự trong sạch, sức mạnh và sự thánh thiện là chính Chúa Giêsu, và phương thế hữu hiệu nhất để chúng ta kết hiệp với Người là Bí tích Thánh Thể. Khi được nuôi dưỡng bằng Mình, Máu, Linh hồn và Thần tính của Chúa Giêsu với đức tin, lòng sùng kính, nhiệt thành và tình yêu, thì chúng ta cũng được biến đổi để trở nên giống Chúa Giêsu qua từng suy nghĩ, cảm nhận, lời nói, hành động như Thánh Phaolô đã khẳng định: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20).

 

9. Cởi mở và ngoan nguỳ đối với Chúa Thánh Thần

Trong cuốn sách “Trong Trường Học của Chúa Thánh Thần”, cha Jacques Philippe nhắc nhở độc giả của mình rằng, sự thánh thiện chủ yếu tùy thuộc vào một thái độ, hành động và kế hoạch sống cơ bản: ngoan nguỳ trước sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Dù nhẹ nhàng nhưng kiên quyết, Chúa Thánh Thần hướng dẫn những tâm hồn khiêm nhường vào lộ trình dẫn đến đời sống thánh thiện, giúp họ trở thành những vị thánh theo đúng ý muốn của Thiên Chúa. Thánh Phaolô nhìn nhận: “chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 8, 26). Chính vì lý do này mà Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã tuyên bố: “Các Thánh là kiệt tác của Chúa Thánh Thần”.

 

10. Yêu mến Mẹ Maria

Mẹ Maria, Đấng được mệnh danh là Nữ vương các Thiên Thần, và Nữ vương Các Thánh. Mẹ Maria truyền cảm hứng cho Các Thánh nhiệt thành cầu nguyện; Mẹ nhắc nhở Các Thánh trở về với Chúa sau khi phạm tội; Mẹ khuyến khích Các Thánh yêu mến Chúa Giêsu với trọn vẹn con người của mình. Sự hiện diện từ mẫu của Mẹ giúp Các Thánh tránh khỏi những nguy hiểm về đời sống đạo đức; Sự hiện diện đầy yêu thương của Mẹ Maria dẫn Các Thánh đi từ sự phiền muộn đến sự an ủi. Chắc chắn, chẳng có vị Thánh nào mà lại không có lòng yêu mến Mẹ Maria.

 

* * *

Với 10 đặc nét đơn sơ về sự thánh thiện, như lời mời gọi chúng ta sống ý nghĩa cuộc đời mình như là một thụ tạo được dựng nên và dành riêng cho Thiên Chúa: sống trọn vẹn mỗi ngày với sự khao khát nên thánh thiện; can đảm và khiêm tốn đặt sự yếu đuối của bản thân trong tình yêu tha thứ của Thiên Chúa; sống liên đới với mọi người bằng mối dây đức ái. Nhờ đó, chúng ta cùng nhau đạt tới cùng đích ơn gọi làm người của mình: nên hoàn thiện, như Cha chúng ta trên trời là Ðấng hoàn thiện.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Lược dịch từ: 
catholicexchange.com (17. 4. 2023)

 

Bài cùng chuyên mục:

Tại sao 40 ngày sau phục sinh, Chúa Giê-su mới về trời! (18/04/2024 00:00:21 - Xem: 78)

Cách thức Chúa chứng minh Ngài đã sống lại rất thực tế với tâm lý con người. Từ đó cho thấy tường thuật của các tác giả Tin Mừng không hề hư cấu, không bịa đặt vẽ vời…

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 4 Phục sinh năm B (17/04/2024 23:56:59 - Xem: 0)

Ngày nay có nhiều người trẻ không muốn đi tu, có thể vì họ thấy nơi một số các linh mục và tu sĩ có một kiểu sống khô khan vị kỷ, không quảng đại và vui tươi hồn nhiên...

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 3 PS năm B (11/04/2024 08:22:12 - Xem: 556)

Việc Chúa Giêsu phục sinh không phải là một thứ kinh nghiệm tôn giáo nào đó, mà rõ ràng là chuyện thực tế trước mắt, vì các tông đồ đã chứng kiến tận mắt.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 3 Phục sinh năm B - 2024 (10/04/2024 08:06:33 - Xem: 647)

Các tông đồ không nhận ra Chúa Phục Sinh vì sợ hãi, nhưng người ta có thể không nhận ra chân lý vì tự mãn, kiêu ngạo và thành kiến.

Bốn gợi ý của Đức Thánh Cha Phanxicô để thêm kiên nhẫn (09/04/2024 08:07:28 - Xem: 239)

Thiên Chúa là Đấng chậm giận. Đức Kitô đã thể hiện sự kiên nhẫn ngay chính trong cuộc Khổ nạn của Người.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 2 Phục sinh năm B (05/04/2024 07:31:00 - Xem: 499)

Chính đức tin kích hoạt lòng mến cao độ, để chúng ta có thể làm chứng cho lòng thương xót của Chúa bằng chính đời sống mình ở giữa mọi người hôm nay.

Gia vị cho bài giảng lễ CN 2 Phục sinh năm B - 2024 (02/04/2024 07:16:18 - Xem: 315)

Chúa Nhật Thứ Hai của Mùa Phục Sinh mời gọi chúng ta suy ngẫm về tình yêu thương và lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa dành cho chúng ta

Sự thật là gì? (30/03/2024 10:41:24 - Xem: 295)

Sự thật của Thiên Chúa đi kèm với chống đối và bách hại. Ai muốn sống sự thật này, hãy tự đóng cho mình cây thập giá và lê lết vác nó đi cả kiếp người.

THÁNH GIÁ, nguồn mạch của Lòng Thương Xót (28/03/2024 07:44:50 - Xem: 435)

Yêu với thiện chí vượt trên mọi cản trở, mọi căng thẳng đang có, Để chữ yêu tìm thấy ý nghĩa trọn vẹn của nó trong mái ấm gia đình.

Có phải Giu-đa tham tiền bán Chúa? (28/03/2024 05:42:17 - Xem: 299)

Bi kịch của Giuđa là đã để ý mình trên ý Chúa, theo Chúa nhưng nhất định không để Chúa biến đổi mình.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7