Văn hóa - Lẽ sống

Không có thành đô trường cửu

  • In trang này
  • Lượt xem: 1,023
  • Ngày đăng: 12/07/2023 07:25:15

KHÔNG CÓ THÀNH ĐÔ TRƯỜNG CỬU

 

Kinh Thánh cho chúng ta biết, trên đời này, chúng ta không có thành đô vĩnh cửu. Đúng thế. Xét tận cùng, không có thứ gì trường cửu cả.

 

 

Kinh Thánh cho chúng ta biết, trên đời này, chúng ta không có thành đô vĩnh cửu. Đúng thế. Nhưng có vẻ chúng ta cũng không có ngôi nhà vĩnh cửu, trường học, khu phố, thành phố, địa chỉ hay bất kỳ thứ gì khác trường cửu. Xét tận cùng, không có thứ gì trường cửu cả.

 

Có lẽ trường hợp của tôi không phải là trường hợp chung, nhưng nhiều thứ trong đời tôi chẳng có gì trường cửu. Ông bà tôi là dân nhập cư, gốc Nga và Đức, chuyển đến vùng đồng cỏ Canada và nằm trong số những nông dân đầu tiên khai hoang ở đó vào đầu thế kỷ 19. Họ còn trẻ, và cuộc sống ở đồng cỏ quá mới mẻ, thế hệ của họ gây dựng những nông trại, trường học, thị trấn mới trên khắp vùng đồng bằng Canada và Hoa Kỳ. Tôi thuộc thế hệ thứ hai, vào thời điểm đô thị hóa và những thay đổi khác bắt đầu khiến nhiều thứ mà thế hệ ông bà tôi gầy dựng biến mất.

 

Đây là câu chuyện của tôi về việc không có thành đô trường cửu. Năm tôi lên lớp sáu, trường tiểu học của tôi bị đóng cửa. Chúng tôi đi xe buýt đến một trường có nhiều học sinh hơn, còn trường cũ thì bị tháo dỡ. Ngày nay chẳng còn dấu vết gì cho biết ở đó đã từng có một ngôi trường. Vài năm sau khi tôi tốt nghiệp, trường mới cũng bị đóng cửa. Tòa nhà đó bị san bằng, và hiện nay toàn bộ khu vực trường trở thành một phần của cánh đồng nông trại, chỉ còn lại một tấm bảng nhỏ cho thấy ở đây từng là nơi náo nhiệt với hàng trăm tiếng líu lo của học sinh. Ngôi trường đó cách thị trấn vài dặm và thị trấn đó giờ cũng đã biến mất, không còn lại tòa nhà nào.

 

Tôi rời trường trung học và vào tập viện dòng Hiến sĩ nằm ở trung tâm thung lũng Qu’Appelle, một tòa nhà đẹp cạnh bờ hồ. Vài năm sau khi tôi rời tập viện, tòa nhà bị đem bán và không lâu sau bị tiêu hủy trong một vụ hỏa hoạn. Hiện giờ ở đó chỉ là một dải đồng cỏ trống không. Rồi tôi chuyển đến một chủng viện khác, một tòa nhà cổ nguy nga (trước đây là Tòa nhà Chính quyền Khu vực Tây Bắc), tôi ở đó sáu năm. Một lần nữa, vài năm sau khi tôi tốt nghiệp, tòa nhà đó bị bỏ hoang và cuối cùng cũng bị tiêu hủy trong một vụ hỏa hoạn.

 

Rồi tôi chuyển đến Trường Thần học Newman ở Edmonton, tôi ở đây suốt 15 năm. Trường Newman có khuôn viên đẹp nằm ở rìa thành phố, nhưng vài năm sau khi tôi rời trường, khu vực trường đã bị thành phố lấy để mở đường vành đai và mọi tòa nhà ở đó đều bị san bằng. Rồi tôi chuyển đến một tòa nhà rất ấm cúng, nhà của Tỉnh dòng Hiến sĩ ở Saskatoon. Vài năm sau, khi tôi rời đi, tòa nhà đó cũng bị san bằng, không còn lại chút gì. Đồng thời, thị trấn mà gia đình tôi gắn bó, nơi chúng tôi đến để gởi thư, mua hàng hóa, làm giấy tờ, đã trở thành một thị trấn ma, không người ở, mọi nhà cửa đều bỏ hoang.

 

Cuối cùng, tôi chuyển đến Trường Thần học Hiến sĩ ở Texas, sống ở ngôi nhà nhỏ dành cho viện trưởng. Tuy nhiên vài năm sau, Dòng cần xây chủng viện mới trên mảnh đất đó, và tòa nhà cũng bị san bằng. Cuối cùng, và đau đớn hơn cả, là hai năm trước, ngôi nhà của gia đình tôi, ngôi nhà với hơn 70 năm tuổi, đã bị bán và chủ mới đã đốt trụi nó (dĩ nhiên họ rất tế nhị, họ ngỏ ý xin gia đình tôi cho phép làm).

 

Rất nhiều cội rễ của tôi đã biến mất: trường tiểu học, trường trung học, thị trấn có căn nhà tôi gắn bó, cả hai chủng viện tôi theo học, trường tôi dạy khi mới vào nghề, cả hai nhà Hiến sĩ tôi đã có những năm tháng tuyệt vời, và ngôi nhà của gia đình tôi, tất cả đều ra đi, đều bị san bằng, không còn lại gì nữa.

 

Những chuyện này đã tạo những gì trong tâm hồn chúng ta? Những hoài niệm, có. Tôi muốn bước đi trong những tòa nhà đó biết bao, muốn được cảm nhận ý nghĩa một thời của chúng với tôi và chìm trong ký ức. Nhưng không thể. Mỗi một chuyện này là một cái chết nhỏ, mỗi một lần như vậy là nó làm cho tâm hồn tôi mất gốc rễ. Mặt khác, và tích cực hơn, tất cả những buông bỏ không mong muốn đó giúp tôi chuẩn bị cho một buông bỏ tận cùng, khi tôi đối diện với cái chết của tôi.

 

Nó còn dạy cho tôi một chuyện về thực chất. Những tòa nhà có thể biến mất, nhưng mái ấm không biến mất. Rene Fumoleau, nhà thơ người bộ lạc Dene, chia sẻ về chuyện ông ghé thăm một gia đình ngay sau khi nhà của họ bị ngọn lửa thiêu rụi, và ông đã chuyện trò với một cô bé như thế này:

Hôm sau, tôi ghé thăm gia đình bị hỏa hoạn.

Tôi biết nói gì sau thảm kịch đây?

Tôi thử nói với cô con gái mười tuổi:

“Joan, hẳn cháu đau lòng lắm khi không có mái ấm”.

Nhưng cô bé khôn hơn tôi tưởng:

“Ồ, nhà cháu vẫn có mái ấm đấy thôi.

Nhưng không có ngôi nhà để đặt nó vào thôi”.

(Home – Here I Sit)

 

Phải, chúng ta vẫn có mái ấm dù không có ngôi nhà cũ của nó.

 

Ronald Rolheiser,

J.B. Thái Hòa dịch

 

 

Bài cùng chuyên mục:

Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình? (18/11/2024 08:57:32 - Xem: 226)

Tôi là phụ huynh của ba đứa trẻ, tất cả chúng tôi đều cố gắng sống theo đức tin Công giáo. Một trong số chúng có vẻ không mấy hứng thú, đứa thì khá căm ghét

Bác ái là nhân đức cần thiết cho sự phát triển tâm linh (17/11/2024 08:40:31 - Xem: 196)

Chúng ta phải xin Chúa ban cho chúng ta đức ái mỗi ngày cho đến khi chúng ta gặp được Ngài trên Thiên Đàng!

Người tự kỷ có gì để cống hiến (11/11/2024 07:34:12 - Xem: 149)

Một trong những điều khiến người bệnh tự kỷ mắc phải là sự phụ thuộc vào đồ vật, con người hoặc theo thói quen.

Nền tảng thần học về Luyện ngục (01/11/2024 15:23:04 - Xem: 912)

Vấn đề luyện ngục có nền tảng trong Kinh Thánh tuy chưa thực sự rõ ràng, nhưng Thánh Truyền đã minh định rất rõ về chủ đề này. Có người bông đùa rằng luyện ngục là một loại “hoả ngục có lối thoát”.

Lãnh đạo thương dân thì hết lòng lo cái sự học (26/10/2024 07:52:26 - Xem: 329)

Lo cho cái sự học những nơi này rất khó khăn, cần có sự cộng tác chung tay của các tổ chức xã hội, bất kể đạo đời.

Viết nhật ký thiêng liêng – Bí quyết để duy trì (22/10/2024 07:21:00 - Xem: 392)

Bạn đang tìm cách làm cho đời sống cầu nguyện của mình trở nên cá vị hơn? Bạn có thể cân nhắc việc viết một cuốn nhật ký – giống như cách mà nhiều vị thánh đã làm.

Sức mạnh của thinh lặng (20/10/2024 14:40:48 - Xem: 479)

“Người năng nói năng lỗi, ai dè giữ lời nói mới là người khôn. Lưỡi người ngay là bạc ròng hảo hạng, tâm kẻ dữ chẳng đáng giá bao nhiêu.” (Cn 10:19-20).

4 cách lần hạt Mân Côi dành cho người bận rộn (17/10/2024 07:34:56 - Xem: 497)

Để tôn kính Đức Mẹ Mân Côi, đây là 4 cách đơn giản để áp dụng lần hạt Mân Côi khi bạn đã kín lịch.

Lòng trần còn tơ vương khanh tướng… (08/10/2024 13:42:18 - Xem: 528)

Chức tước, danh xưng trong Giáo hội VN vẫn là cơn cám dỗ rất lớn nơi người tu. Nó ít nhiều trở thành đặc ân ban phát, hay cơ cấu và thân thế nặng mùi trần.

Đọc kinh Mân côi có thực sự cần thiết nữa chăng ? (05/10/2024 05:37:18 - Xem: 1,310)

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chia sẻ : “Kinh Mân Côi đã đồng hành với tôi trong những lúc vui sướng và trong những giai đoạn rất khó khăn.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7