Phụ lục

5 PHÚT LỜI CHÚA THÁNG 05/2024

  • In trang này
  • Lượt xem: 498
  • Ngày đăng: 05/05/2024 10:57:56

17/05/24 thứ sáu tuần 7 ps
Ga 21,15-19

trắc nghiệm lòng mến

Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Si-mon con ông Gio-an anh có yêu mến Thầy không?... Ông đáp: Lạy Thầy, Thầy biết rõ mọi sự Thầy biết con yêu mến Thầy.” (Ga 21,17)

Suy niệm: Nói theo kiểu học trò thời nay, ba câu trắc nghiệm của Chúa Giê-su hỏi Phê-rô quá dễ. Cả ba câu cùng một nội dung, mà nhắm mắt cũng biết đáp án đúng phải trả lời là ‘có’. Nhưng đây không phải là bài kiểm tra kiến thức trong sách giáo khoa. Để chính thức trao cho Phê-rô quyền lãnh đạo Hội Thánh ở trần gian, Chúa khảo sát về một phẩm chất duy nhất mà người mục tử cho đoàn chiên của Ngài cần có: “Có yêu Thầy hơn tất cả những người này không?” Câu trả lời cũng không dễ dàng vì không có đáp án đúng trong sách vở; Phê-rô chỉ trả lời đúng với tấm lòng của mình: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Con số 3 là con số thể hiện mức độ cao nhất. Ba lần thưa “có” của Phê-rô cũng chính là lời tuyên thệ nhậm chức, lời tuyên khấn trọn đời của ngài. Để rồi từ đây Phê-rô hiến trọn tình yêu và cuộc sống của mình chăm sóc đoàn chiên Thầy giao phó.

Mời Bạn: Người Anh có câu: “Chỉ mất ba giây để nói ‘anh yêu em’ nhưng phải mất cả đời để chứng minh điều đó”. Bạn đã thưa có khi Ngài hỏi bạn có yêu Ngài không. Mời bạn hãy dùng cuộc sống của bạn để thực hành giới răn yêu thương tha nhân như Chúa yêu thương bạn.

Sống Lời Chúa: Lòng mến Chúa là lý do sâu xa nhất và động lực thúc đẩy tôi làm việc phục vụ gia đình, cộng đoàn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa. Xin giúp con ngày càng yêu Chúa qua các việc bác ái cụ thể với anh em con, chứ không chỉ trong một ít giờ thờ phượng Chúa trong nhà thờ. Amen.

 

18/05/24 thứ bảy tuần 7 ps
Th. Gio-an I, giáo hoàng, tử đạo
Ga 21,20-25

để nên giống chúa hơn

Còn có nhiều điều khác Đức Giê-su đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra. (Ga 21,25)

Suy niệm: Câu kết thúc của Tin Mừng theo thánh Gio-an tưởng chừng là dấu chấm hết nhưng lại mở ra một viễn cảnh mới dẫn chúng ta vào kho tàng vô tận là mầu nhiệm Chúa Ki-tô. Có những điều Chúa nói, ngôn từ thật đơn sơ, nhưng ý nghĩa thì sâu thẳm: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy” (Ga 3,8). Có “người môn đệ kia” theo sát Thầy từng bước đến cả dưới chân thập giá, chỉ tự nhận mình là “người được Chúa thương mến”, phải chăng có ý dành một khoảng trống để mỗi người đọc điền tên mình vào chỗ người môn đệ bí ẩn đó? Và chính Đức Giê-su là một huyền nhiệm vô biên vô cùng như Ngài nói với Phi-líp-phê: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh chưa biết Thầy ư?” Chúa mang thân phận con người như chúng ta, nhưng Ngài là chính Con Một Thiên Chúa. Càng chiêm ngắm những gì Chúa nói, Chúa dạy, Chúa sống, ta càng đi sâu vào mầu nhiệm và càng gần Chúa hơn để giống Ngài hơn. Phúc Âm Gio-an kết thúc để mở ra tới vô cùng là như vậy.

Bạn thân mến, hẳn bạn cảm nghiệm được Lời Chúa không phải là những con chữ chết khô nằm trong cuốn sách gọi là Kinh Thánh. Trái lại, đó là Lời Hằng Sống; khi bạn suy gẫm Lời Chúa, bạn đi vào trò chuyện với Chúa đang sống. Bạn nhớ dành thời gian để đọc và suy gẫm mỗi ngày để sống thân tình với Chúa và nên giống Ngài hơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Lời Chúa là sức sống của con. Xin cho con luôn say mê Lời Ngài. Amen.

 

19/05/24
chúa nhật chúa thánh thần hiện xuống

Ga 20,19-23

“những người loan báo tin mừng đầy thánh thần”

“Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20,21)

Suy niệm: Chúa Giê-su là ‘người loan báo Tin Mừng đầu tiên và vĩ đại nhất’, vì đã thi hành cách tuyệt hảo sứ mạng Chúa Cha giao phó, trong tình yêu và vâng phục. Ngay trong chiều ngày phục sinh, Ngài đã hiện ra với các môn đệ và ủy thác sứ mạng ấy cho các ông. Niềm vui vì được thấy Chúa Phục Sinh xua tan nỗi sợ trong lòng các môn đệ. Căn phòng đóng kín không thể nhốt được Tin Mừng quá đỗi lớn lao này. Nó cần được loan truyền, chia sẻ! Chúa Giê-su không để các môn đệ ‘đơn thương độc mã’ trên hành trình sứ mạng, nhưng gửi Chúa Thánh Thần cùng đi với các ông để thánh hóa, dạy dỗ và trợ lực. Chúa Thánh Thần là tác nhân chính yếu của công cuộc loan báo Tin Mừng. Thánh giáo hoàng Phao-lô VI xác quyết: “Nếu Chúa Thánh Thần không hoạt động thì sẽ không có bất cứ công cuộc Loan báo Tin Mừng nào”. Thật vậy, Người là Đấng hướng dẫn chúng ta bước đi trong tự do nhờ sức mạnh của Thần Khí (x. Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, 280).

Mời Bạn: Loan báo Tin Mừng không phải là việc làm phụ tùy, nhưng là sứ mạng thuộc bản chất của Giáo Hội, là lý do hiện hữu của Giáo Hội! Đức Thánh Cha Phan-xi-cô khích lệ mọi Ki-tô hữu trở nên đích thực là những môn đệ thừa sai, đầy Thánh Thần, nghĩa là luôn mở lòng mình ra cho hoạt động của Chúa Thánh Thần. Lời mời gọi này có đánh động trái tim của bạn không?

Sống Lời Chúa: Lời cầu nguyện đầu ngày của bạn là xin Thánh Thần biến mọi việc trong ngày của bạn thành việc loan báo Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy sai con đi loan báo Tin Mừng cho anh em.

 

20/05/24 thứ hai tuần 7 tn
Đức Ma-ri-a, Mẹ Hội Thánh
Ga 19,25-34

đưa mẹ về nhà mình

Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. (Ga 19,26-27)

Suy niệm: Đứng dưới chân thập giá Đức Ki-tô có Đức Ma-ri-a. Đứng bên cạnh Đức Ma-ri-a lại có người môn đệ Chúa thương mến. Khi cùng đứng chung với nhau trước cơn đau khổ, người ta thấy mình có liên hệ gần gũi với nhau hơn, người ta được tăng thêm sức mạnh. Lời trăng trối của Đức Giê-su càng củng cố làm cho mối liên hệ ấy trở nên bền vững. Trên thập giá Ngài thiết lập căn tính mới, liên hệ mới giữa Mẹ của Ngài với người môn đệ: Mẹ của Thầy cũng là Mẹ của anh. Khi phục sinh Chúa sẽ nói: “Thầy lên cùng Cha Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17).

Mời Bạn: Khi rước Mẹ về nhà mình, chúng ta được cùng với Mẹ thông phần cuộc khổ nạn với Đức Ki-tô. Giờ đây,  đau khổ của ta được thông phần với đau khổ của Chúa, cuộc chiến của ta chống lại ma quỷ, tội lỗi cũng chính là cuộc chiến mà Đức Ki-tô tham chiến và đã chiến thắng. Rước Mẹ về nhà mình, chúng ta được gần nhau hơn, gần Chúa hơn và nhất là được tăng sức mạnh mẽ hơn cho sứ mạng của chúng ta.

Sống Lời Chúa: Gia đình, cộng đoàn tôi “rước Mẹ về nhà mình” bằng cách cầu nguyện và lần chuỗi Mân Côi chung với nhau.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, Mẹ đứng kề Thánh Giá hiệp thông với Đức Giê-su Con Mẹ trong cuộc khổ nạn. Xin Mẹ dắt chúng con đến với Chúa để Thánh Giá Chúa trở nên bí tích cứu độ chúng con.

 

21/05/24 thứ ba tuần 7 tn
Mc 9,30-37

ai lớn hơn ai?

“Khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả.” (Mc 9,34)

Suy niệm: Chúng ta không lạ lẫm gì khi biết nhóm này nhóm nọ có lúc tranh dành xem ai lớn hơn ai. Việc tranh giành này có khi đưa tới chỗ đánh nhau vỡ đầu sứt trán; có lúc âm ỉ thù hận như lò thuốc súng chực chờ bùng nổ. Nơi các môn đệ ngày ấy cũng vậy, cãi cọ tranh luận xem ai là người lớn nhất trong nhóm là căn bệnh thuộc loại mãn tính: trong nhà, ngoài đường, thậm chí cả trong Bữa Tiệc ly. Thầy Giê-su kiên nhẫn đợi đến nhà mới hỏi các ông; khi các ông làm thinh, Ngài cũng chẳng ép các ông phải trả lời. Là thầy thuốc tâm hồn tài giỏi, Ngài chữa trị căn bệnh mãn tính của học trò bằng cách dạy các ông hiểu thế nào là đứng đầu trong Nước Trời; minh họa làm người rốt hết cách cụ thể qua hình tượng một em nhỏ; cuối cùng, đồng hóa mình với em nhỏ, hình tượng người rốt hết ấy. Sau này, Ngài còn quỳ hẳn xuống rửa chân cho các môn đệ, làm công việc của đầy tớ, nêu gương rằng muốn làm lớn phải biết phục vụ mọi người, làm người rốt hết.

Mời Bạn: Có thể bạn sốc khi Chúa đảo lộn một số các giá trị ta quen hành xử. Thế mới biết đó là ý Chúa. Ý Ngài không phải lúc nào cũng như ta nghĩ, nhưng nâng tầm hiểu biết và ứng xử của lên tầm cao mới của người công dân Nước Trời. Là môn đệ Chúa, bạn có dám sống như Ngài dạy không, hay còn ngại ngùng, sợ sự phê phán của người khác?

Sống Lời Chúa: Làm một việc mọn hèn kín đáo để phục vụ trong cộng đoàn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin tha lỗi cho con vì con cũng mắc căn bệnh mãn tính như các Tông đồ. Xin ban cho con thêm can đảm, được giải thoát khỏi những ràng buộc tầm thường của đời sống để vươn lên đỉnh trọn lành Chúa muốn.

 

22/05/24 thứ tư tuần 7 tn
Th. Ri-ta Ca-xi-a, nữ tu
Mc 9,38-40

cổ võ sự Bao dung

“Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” (Mc 9,40)

Suy niệm: Cổ võ sự bao dung không đồng nghĩa với đồng lõa hay im lặng trước bạo lực, bạo quyền. Bao dung là cung cách không loại trừ người khác dù họ khác chính kiến, sở thích, quan điểm với ta, được bày tỏ cách trực tiếp công khai hay gián tiếp, không chủ ý. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ta thinh lặng tâm phục khẩu phục một giáo huấn, hành vi tốt đẹp của một ai đó mình gặp trên trường đời, mãi về sau mới tỏ bày cơ sự, rồi nhìn nhận, kết thân. Chúa Giê-su có rất nhiều môn đệ theo cung cách ấy. Tin Mừng gọi họ là “trong số những người nghe Đức Giê-su, có nhiều kẻ đã tin vào Người” là thế đấy.

Mời Bạn: Cộng đoàn nào cũng có khuynh hướng thích người khác nhìn nhận, giơ tay bỏ phiếu ủng hộ, hoặc đứng về nhóm mình cách công khai. Vì vậy, ta không thích kiểu “im lặng là đồng ý” cho lắm. Thế nhưng, ta cũng không nên bắt người khác phải thế này, thế nọ với nhóm mình. Hiệp hành là cùng đi trên một con đường để tiến về cùng đích Nước Trời. Trên quãng đường ấy, mỗi người đều có các nhân sinh quan khác biệt, chứ không phải lúc nào cũng giơ tay biểu quyết như nhau.

Sống Lời Chúa: “Không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy.” Ước chi bạn và tôi cùng nhau thực hiện các ‘phép lạ’ trong cuộc sống, là thái độ yêu thương và tôn trọng lẫn nhau, dù có lắm dị biệt.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin tha lỗi cho con, vì thường đòi người khác phải giống mình. Xin cho con biết bao dung đón nhận những khác biệt của anh chị em, nhất là nhìn nhận những điều tốt lành nơi họ. Amen.

 

23/05/24 thứ năm tuần 7 tn
Mc 9,41-50

hãy nên như muối mặn mà

“Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hòa thuận với nhau.”(Mc 9,50)

Suy niệm: Ge Hinnon (tiếng Hípri) có nghĩa là “thung lũng Hinnon.” Đó là một thung lũng nhỏ phía tây nam Giê-ru-sa-lem, được dùng để chỉ hỏa ngục, do nơi đây xưa kia người Am-môn cúng tế trẻ em cho thần Moloch, sau này thành bãi rác cháy liên lỉ đêm ngày. Đức Giê-su cảnh cáo ai gây cớ cho mình hay người khác sa ngã, đều bị ném vào Ge Hinnon ấy, nơi giòi bọ không hề chết và lửa chẳng đời nào tắt. Như một vị bác sĩ giỏi, Ngài dùng kiểu nói quyết liệt “hãy chặt nó đi” để đòi hỏi người môn đệ phải mạnh mẽ cắt bỏ những mầm mống của tội lỗi như những khối u ác tính. Đồng thời, phải trui rèn đời sống tâm linh của mình nghiêm ngặt như “được luyện bằng lửa, như thể ướp bằng muối”.

Mời Bạn: Một sự giúp đỡ nho nhỏ, một chút tâm tình ấm áp, một cử chỉ yêu thương, một giây phút ân cần,… là muối ướp, giữ cho cuộc sống bạn thêm thi vị, tăng niềm vui, vẻ đẹp. Nếu tình yêu như muối mất đi vị mặn mà của mình, thì không có muối nào có thể mang lại hương vị cho nó nữa. Bạn đã có chất “muối” trong cuộc sống mình, hãy giữ và đem muối ấy ướp vào môi trường của bạn! “Một chút trong đời trở thành một chút thật tuyệt vời, chắt chiu từng chút ấy cho đời này thêm sáng tươi” (Thông Vi Vu, Một chút).

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ tập ân cần, quảng đại góp thêm vị “muối” niềm vui, niềm tin, bình an trong môi trường mình sống mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã mời gọi con là muối cho đời. Xin cho con cộng tác với ơn Chúa, để giữ gìn và hưởng nếm hương vị của muối tình yêu, muối thuận hòa, muối bình an. Amen.

 

24/05/24 thứ sáu tuần 7 tn
Mc 10,1-12

hôn nhân linh thánh

“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mc 10,9)

Suy niệm: Chúng ta có thể lấy làm lạ tại sao việc ly dị đã được luật Mô-sê cho phép (x. Đnl 24,1) mà người Pha-ri-sêu còn “hỏi thử” Chúa Giê-su có chấp nhận hay không. Nếu đã cho phép thì cứ theo luật mà thực hành, hà tất phải đặt vấn đề như thế làm chi nữa? Khoa chú giải Thánh Kinh cho biết trong nội bộ phái Pha-ri-sêu bấy giờ quả thực đang có tranh cãi kịch liệt về vấn đề này. Phải chăng tự thâm tâm người ta vẫn ray rứt –dù đã có luật cho phép ly dị– khi họ “phân ly những gì Thiên Chúa đã kết hợp”? Chúa Giê-su cho biết hiện trạng của luật Mô-sê chỉ là một sự nhân nhượng vì họ “lòng chai dạ đá”. Ngài nhắc lại nguyên lý đã có ngay từ đầu: “sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” để dứt khoát xoá bỏ quan điểm mập mờ cũng như lối thực hành du di của luật cũ và quả quyết rằng hôn nhân là thánh thiện và vô cùng cao quý.

Mời Bạn: Xã hội hiện đại có xu hướng phá vỡ những giá trị văn hoá tốt đẹp của gia đình truyền thống: hôn nhân như chiếc bình thuỷ tinh mong manh dễ vỡ. Thực hành lời cam kết trong bí tích hôn nhân: “yêu thương và kính trọng nhau suốt đời” là viên đá góc để các gia đình Ki-tô hữu tân Phúc-Âm-hoá gia đình mình và để góp phần Phúc-Âm-hoá các gia đình lương dân.

Sống Lời Chúa: Sắp xếp thời gian để gia đình bạn đọc kinh chung và nhắc nhở nhau thực hành “yêu thương và kính trọng nhau” như lời cam kết.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã chúc phúc và thánh hoá mối giây liên kết vợ chồng. Xin cho các gia đình trung thành với lời cam kết hôn nhân để nên nhân chứng tình yêu Chúa ở giữa thế gian.

 

25/05/24  thứ bảy tuần 7 tn
Thánh Bê-đa Khả Kính, linh mục, tiến sĩ HT
Mc 10,13-16

bí quyết vào nước trời

“Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào. (Mc 10,15)

Suy niệm:Nếu muốn biết hạnh phúc là gì thì hãy nhìn một cánh hoa, một chú chim hay một đứa trẻ.” Nhận định này rất thích hợp để minh họa cho hình ảnh hoàn hảo về Nước Trời. Tại sao?  - Vì bông hoa, đứa trẻ hay chú chim luôn tận hưởng niềm vui từng ngày, những bộn bề lo toan cuộc sống, tranh giành hơn thua không át được niềm hạnh phúc họ cảm nhận ngay hiện tại. Chúa Giê-su đã chỉ rõ bí quyết sống ấy cho những ai khao khát Nước Trời qua hình tượng ‘tâm hồn trẻ thơ.’ Bí quyết này vừa dễ nhưng cũng rất khó. Dễ khi ta dám trở nên như trẻ thơ. Khó vì sau đó có thể ta sẽ ‘không là gì’ và sẽ ‘không còn gì’! Chính Ngài đã sống bí quyết này đến cùng trên thập giá, tự hủy mình ‘ra không,’ vâng theo ý Chúa Cha, để trở nên Người Con Yêu Dấu của Cha.

Mời Bạn: Nhiều người khổ sở, chán ngán, bất hạnh, muốn tìm cho được bí quyết hạnh phúc mà không hề biết nó ở ngay cạnh mình, trước mắt mình: chân thành, đơn sơ như trẻ nhỏ và bớt đi cái ‘người lớn’ trong mình. Chị Thánh Tê-rê-xa Hài đồng Giê-su đã sống ‘con đường thơ bé’ trong sự chân thành, đơn sơ, luôn đặt mình như trẻ nhỏ trước người Cha vĩ đại  là Thiên Chúa, làm những việc nhỏ với tình yêu lớn lao. Con đường thiêng liêng ấy có thực sự gợi hứng cho bạn không? Phần bạn, con đường nhỏ mà bạn sẽ chọn để đi mỗi ngày là gì?

Sống Lời Chúa: Tập sống đơn sơ, phó thác mọi sự cho Thiên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Cha, xin cho con trở nên bé mọn, phó thác mọi sự cho Cha, để con được gặp thấy Nước Trời ở ngay chính thế gian này. Amen.

 

26/05/24 chúa nhật tuần 8 tn - b
Chúa Ba Ngôi
Mt 28,16-20

sự sống nơi thiên chúa

“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần.” (Mt 28,19)

Suy niệm: Không ai biết Thiên Chúa là Đấng như thế nào, nếu không có Đức Giê-su mạc khải cho. Rất nhiều lần trong các sách Tin Mừng, Đức Giê-su nói về Chúa Cha và Thánh Thần. Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm cao cả, vượt trí khôn loài người, nhưng nhờ Ngài mà chúng ta hiểu được, dẫu còn mơ hồ, về đời sống của Thiên Chúa. Đặc tính ‘một mà là ba, ba mà là một’ cho thấy tình yêu là mối dây liên kết Ba Ngôi với nhau. Tình yêu đó Thiên Chúa không giữ cho riêng mình, nhưng đã cho nhân loại được thông phần khi dựng nên con người giống hình ảnh Ngài. Hơn nữa, chính Ngôi Hai cũng đã nhập thể làm một con người, đã yêu hết tình và yêu hết mình. Thầy Giê-su muốn chúng ta nên giống Người “cứ dấu này người ta sẽ nhận biết anh em là môn đệ của thầy, là anh em hãy yêu mến nhau” (Ga 13,35).

Mời Bạn: “Vạn sự đã do tình yêu sáng tạo, vạn sự được tình yêu nâng đỡ, vạn sự đi về tình yêu và đi vào trong tình yêu” (R. Tagore). Ta chỉ có thể hiểu được sự sống Thiên Chúa Ba Ngôi qua hai chữ tình yêu. Vũ trụ và con người được sáng tạo do tình yêu chia sẻ, được nâng đỡ do tình yêu quan phòng, được mời gọi đi vào tình yêu hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa. Mời Bạn sống tình yêu ấy.

Sống Lời Chúa: Khi làm dấu thánh giá, tôi ghi nhớ tình yêu Ba Ngôi tràn ngập tâm hồn mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Ba Ngôi, con thật bất xứng khi lãnh nhận hồng ân cao cả là tình yêu Chúa. Con xin hết lòng cảm tạ. Xin giúp con luôn sống tâm tình người con hiếu thảo của Chúa. Amen.

 

27/05/24 thứ hai tuần 8 tn
Th. Âu-tinh, giám mục Can-tơ-bơ-ri
Mc 10,17-27

hạnh phúc thật

“Anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.” (Mc 10,27)

Suy niệm: Thật là ngược đời khi có quá nhiều của cải lại khiến con người khó được hạnh phúc! Ta nhận ra trong cuộc đời này, không riêng chi người nghèo, nhưng lắm kẻ giàu cũng khóc vì đau khổ. Cũng vậy, dù rất giàu có, người thanh niên trong Tin Mừng chưa tìm thấy hạnh phúc; anh đã tìm đến Thầy Giê-su, xin hướng dẫn con đường đưa đến hạnh phúc đời đời. Thế nhưng, câu trả lời của Ngài làm anh choáng váng, bất ngờ: Ngài muốn anh đừng dừng lại ở những dòng chữ của lề luật, nhưng vươn đến một Ngôi vị cụ thể là chính Ngài, Đấng vừa là Thiên Chúa, nhưng cũng là con người, qua việc bước theo làm môn đệ Ngài. Tuy nhiên, làm môn đệ Ngài kèm theo một đòi hỏi quyết liệt: từ bỏ của cải, phân phát cho người nghèo. Thật đáng tiếc cho anh, đòi hỏi ấy không nằm trong dự tính của anh, anh gắn bó với tiền bạc của cải hơn, không thể buông bỏ những điều quý giá trần thế ấy!  Thế là anh đã vuột mất cơ hội nắm lấy hạnh phúc thật sự, vĩnh cửu mà chỉ có Chúa Giê-su mới có thể trao tặng.

Mời Bạn hãy tự hỏi: tôi có quá gắn bó với của cải, với những đam mê trần tục  không? Đâu là hạnh phúc thật mà tôi đang tìm kiếm? Là Chúa hay là tiền bạc, danh vọng, đam mê?

Sống Lời Chúa: Chia sẻ tiền bạc, thời giờ, sự quan tâm chăm sóc… cho một người thiếu thốn đang ở gần tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con thường quá gắn bó với cuộc sống trần thế này, tưởng đó là hạnh phúc thật. Xin giúp con thức tỉnh, nhận ra hạnh phúc thật sự là chính Chúa. Để nhờ đó, con chỉ biết tìm kiếm, làm vui lòng Chúa mà thôi. Amen.

 

28/05/24 thứ ba tuần 8 tn
Mc 10,28-31

VÌ THẦY VÀ VÌ TIN MỪNG

“Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy.” (Mc 10,28)

Suy niệm: Chàng trai trẻ sa sầm nét mặt, buồn rầu bỏ đi, vì anh “có nhiều của cải” (Mc 10,22). Còn các môn đệ vẫn ở lại đó, bên Thầy, nhưng lòng ngổn ngang trăm mối: Cái mất thì thấy ngay trước mắt, còn cái được thì được gì đây? Câu trả lời của Thầy không chỉ dành cho các ông, nhưng còn cho tất cả những ai chấp nhận từ bỏ mọi sự vì Ngài và Tin Mừng của Ngài. Vẫn còn đó nhà cửa, ruộng đất, chị em, mẹ, con, nhưng gấp trăm, không theo nghĩa sở hữu cá nhân chật hẹp,  hay tương quan bà con họ hàng thông thường, để vươn lên tầm tương quan của người công dân Nước Trời, tương quan yêu thương, hiệp thông, quan tâm, chia sẻ, khi mọi người thật sự là anh chị em, người thân của mình. Tuy nhiên, điều được trên hết là sự sống vĩnh cửu ở đời sau, không gì ở đời này có thể so sánh được.

Mời Bạn: Hôm nay cũng vậy, bạn sẽ mất rất nhiều khi theo Ngài. Mất thời giờ đọc Lời Chúa, cầu nguyện mỗi tối, dâng lễ Chúa nhật, thực thi tông đồ giáo dân; mất ý riêng để vâng lời bề trên, ý Chúa; mất những món tiền “dễ bỏ túi” để sống đức công bằng; mất thú vui xác thịt để sống đức khiết tịnh… Những gì bạn được sẽ lớn gấp trăm, cùng với hạnh phúc vĩnh cửu của Nước Trời.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tôi sẽ chọn mất nhiều những gì thuộc hạ giới để được gấp trăm theo thượng giới, vì tôi tin vào lời hứa của Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa buồn khi nhìn người thanh niên bỏ đi. Nhưng Chúa được an ủi khi vẫn còn đó các môn đệ bên cạnh mình. Xin cho con cũng luôn bên cạnh Chúa, sẵn lòng đánh đổi bao điều quý giá cuộc đời để có thể trọn đời là môn đệ Ngài. Amen.

 

29/05/24 thứ 4 TUẦN 8 tn
Th. Phao-lô VI, giáo hoàng
Mc 10,32-45

CÙNG ĐI VỚI CHÚA GIÊ-SU

“Đức Giê-su và các môn đệ đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Người dẫn đầu các ông.” (Mc 10,32)

Suy niệm: Cùng bước đi bên Chúa Giê-su trên con đường lên Giê-ru-sa-lem, nhưng lòng trí các môn đệ lại cách xa Thầy mình vời vợi. Trong khi Thầy hướng về cuộc Khổ nạn, nỗ lực thi hành ý muốn của Chúa Cha, các ông chỉ nghĩ đến cái danh cái lợi, làm sao có địa vị bản thân. Thế nên, không lạ gì các ông sợ hãi, trốn chạy biến cố thập giá, không thể chia sẻ nỗi khắc khoải với Thầy, mà giữa các ông còn nẩy sinh sự đố kỵ, tranh giành, đấu đá lẫn nhau, gây nên sự chia rẽ, mất bình an. Chúa Giê-su đã gọi các ông đến và nhắn nhủ các ông: để hiệp hành với Ngài, hợp nhất với nhau, và nhằm vinh danh Cha trên trời trên bước đường theo Ngài, các ông phải sống con đường phục vụ, sẵn sàng hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người như chính Ngài đã sống.

Mời Bạn: Có những khủng hoảng, xung đột, chia rẽ trong đời sống gia đình, hay sinh hoạt hội đoàn đến từ việc ta chỉ muốn mọi sự theo ý mình. Những lúc đó, ta được mời gọi cùng ngồi lại với nhau và với Chúa, xin Ngài soi sáng giúp ta sẵn lòng từ bỏ ý riêng, hướng dẫn cách làm theo thánh ý Ngài. Chỉ khi làm vậy, ta mới có thể hiệp hành với nhau xây dựng Hội thánh, loan báo Tin mừng.

Sống Lời Chúa: Bắt đầu ngày mới, bạn xin Chúa soi sáng cho mình biết việc phải làm, cũng như đủ sức mạnh để làm theo điều Chúa muốn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết luôn tìm và sống theo ý Chúa trong bậc sống, trong bổn phận Chúa trao. Nhờ đó, chúng con có thể hiệp hành với nhau trên con đường theo Chúa và làm chứng cho Nước Trời. Amen.

 

30/05/24 thứ năm tuần 8 tn
Mc 10,46-52

cửa sổ tâm hồn

“Anh muốn tôi làm gì cho anh ? Thưa Thầy xin cho tôi nhìn thấy được”... “Cứ về đi, lòng tin của anh đã cứu chữa anh...” Tức khắc anh ta nhìn thấy được và theo Người lên đường. (Mc 10,51-52)

Suy niệm: Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Nhờ cặp mắt chúng ta có thể nhận biết và tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Vì chúng ta sáng mắt nên nhiều khi chúng ta ít quan tâm đến sự quan trọng của đôi mắt. Chúng ta cứ thử bịt mắt lâu giờ mới cảm nhận được sự đau khổ cùng cực của những người bị mù, cũng như nỗi khao khát của họ muốn được thấy ánh sáng. Do đó chúng ta dễ hiểu tại sao anh mù Ba-ti-mê vất áo choàng và nhảy chồm lên đến gần Chúa khi Chúa gọi anh. Chắc chắn lúc đó anh rất vui sướng vì biết mình sắp sửa được thoát khỏi bóng tối, sắp sửa được nhìn thấy ánh sáng.

Mời Bạn: Anh mù đã kêu xin Chúa cứu chữa dù người ta cấm cản anh. Càng ngăn cấm anh càng kêu lớn hơn. Anh không xin tiền, xin gạo, xin bánh như mọi khi, nhưng xin được nhìn thấy. Thái độ vất áo choàng, chạy chồm đến với Chúa chứng tỏ anh có lòng tin sâu xa mạnh mẽ vào quyền năng của Chúa. Chính niềm tin này mà Chúa đã chữa anh và khi được sáng mắt anh đã đi theo Chúa. Thái độ và hành động của anh là mẫu gương cho bạn. Phần bạn, bạn làm thế nào để cặp mắt tâm hồn của bạn luôn trong sáng ?

Sống Lời Chúa: Quyết tâm gìn giữ cặp mắt tâm hồn không bị hoen ố bởi những phim ảnh hình ảnh xấu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết bắt chước anh Ba-ti-mê sẵn sàng và dứt khoát vứt bỏ mọi quyến luyến lệch lạc để nhảy đến với Chúa trong Bí tích giải tội để cặp mắt tâm hồn luôn được trong sáng. Amen.

 

31/05/24 thứ sáu tuần 8 tn
Đức Ma-ri-a thăm viếng Bà Ê-li-sa-bét
Lc 1,39-56

SỐNG TÂM TÌNH TRI ÂN

“Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.” (Lc 1,46)

Suy niệm: Động lực nào thúc đẩy Đức Ma-ri-a vội vã đi trên quãng đường dài 144 km từ Na-da-rét đến Ein Karem để thăm bà Ê-li-sa-bét? Ta tìm thấy động lực ấy nơi lời kinh Magnificat. Ngài ngợi khen Đức Chúa không chỉ bằng lời kinh, nhưng còn qua nghĩa cử yêu thương cụ thể: thăm viếng, phục vụ người chị họ ba tháng ròng rã. Thần trí hớn hở vui mừng vì dù chỉ là phận nữ tỳ hèn mọn, Đấng Toàn năng đã thực hiện cho Mẹ bao điều cao cả vượt quá suy tưởng con người, thì nay Mẹ cũng muốn chia sẻ niềm hớn hở vui mừng ấy cho người thân, cũng trong tư thế nữ tỳ: vất vả đi lại, ân cần thăm hỏi, tận tụy đỡ nâng. Đức Chúa không chỉ thương xót Mẹ, nhưng cũng bày tỏ lòng thương xót với những ai kính sợ Ngài như ông Da-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét; do đó, Mẹ cũng phải đến tận nhà để chia sẻ niềm vui ấy của ông bà.

Mời Bạn: Khi có tâm tình tri ân Thiên Chúa, lòng trí vui tươi hân hoan vì cảm nhận bao điều kỳ diệu Chúa thực hiện trong lịch sử đời mình, bạn sẽ dễ dàng thực thi tình yêu thương: thăm viếng, phục vụ, ủi an, giúp đỡ, quan tâm, ân cần… với người lân cận, nhất là với các người bé nhỏ của Chúa Giê-su.

Sống Lời Chúa: Để đào tạo một tâm hồn biết ơn Chúa, thỉnh thoảng tôi tập cầu nguyện hồi tưởng: ghi nhớ những điều tốt đẹp Chúa thực hiện cho mình qua các giai đoạn của lịch sử cuộc đời, những người Chúa gởi đến nâng đỡ mình trong các hoàn cảnh khác nhau, để rồi dâng lời cảm tạ Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa luôn ở bên con trong mọi tình huống của đời con. Xin ban cho con một tâm hồn luôn biết tri ân cảm tạ. Amen.

 

Bài cùng chuyên mục:

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7