Suy tư - Cảm nghiệm

Gia vị cho bài giảng Chúa Nhật lễ Lá năm A

  • In trang này
  • Lượt xem: 1,050
  • Ngày đăng: 31/03/2023 08:00:26

GIA VỊ CHO BÀI GIẢNG LỄ

CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM A

 

 

1/ CHÍNH LÀ NGÀI

Sau khi Đavít phạm tội ngoại tình với Bátsêva và sắp đặt để giết chồng bà là Urigia, Thiên Chúa đã sai tiên tri Nathan đến để tố cáo tội lỗi của Đavít. Nathan kể câu chuyện về một người giàu có, mặc dù có nhiều gia súc, vẫn quyết định bắt giết con chiên cái của người hàng xóm nghèo để dùng bữa với vị khách (x. 2 Sm 12,1tt). Điều này khiến Đavít tức giận và khiến ông phải thốt lên: “Có Đức Chúa hằng sống, kẻ đã làm điều này thật đáng chết.” Ngay lúc đó, Nathan làm Đavít sửng sốt khi nói: “Kẻ đó chính là ngài!” Trong khi lắng nghe Bài Thương Khó, chúng ta có thể bị cám dỗ trở nên phẫn nộ với Giuđa, Philatô, Phêrô, Hêrôđê, những người lính và rất nhiều người khác. Nhưng Chúa đã cho chúng ta câu chuyện này để suy nghĩ, giống như Nathan đã nói với Đavít: “Chính ông là người đó!” Bạn chính là Giuđa! Bạn là Philatô! Bạn là Phêrô! Đã có những cuộc tranh luận dai dẳng qua nhiều thế kỷ về việc cuối cùng ai phải chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giêsu. Một số người nói người Do Thái. Những người khác nói rằng người La Mã. Người khác nói cả hai. Nhưng Công đồng Vatican II, dựa trên cách hiểu truyền thống từ các bức thư của thánh Phaolô và những giáo huấn sớm nhất của Giáo hội, đã nói rằng – mặc dù rõ ràng là những hành động cấu kết của các nhà lãnh đạo Do Thái và chính quyền La Mã – TẤT CẢ CHÚNG TA đã giết Chúa Giêsu vì tội của chúng ta phạm.

* Chúa Giêsu đã chết vì tội lỗi của chúng ta. Giáo hội mời gọi chúng ta hãy nhìn vào chính chúng ta, bởi vì trong cuộc đời của mình, chúng ta đã hành động giống như những người đóng đinh Chúa và hành động đó cũng gây ra những hậu quả giống như họ. (Cha Roger Landry)

 

2/ NHƯ MỘT CON CHIÊN

Andy sống ở thành phố Jersey. Cha cậu làm việc cho một công ty lớn đóng gói thịt. Cha của Andy tận dụng mọi cơ hội để giáo dục con trai mình theo hướng thực tế. Một ngày nọ, khi cậu bé được khoảng mười tuổi, ông đưa cậu đi tham quan các nhà đóng gói thịt để chỉ cho cậu cách người ta giết động vật để bán thịt. Người ta gọi những nơi này là “lò mổ”. Đó là một công việc kinh doanh cần thiết nhưng đầy máu me, không phải lúc nào cũng dễ chịu đối với một người khách. Andy đặc biệt chú ý đến cách phản ứng của các loại động vật khác nhau trước cái chết cận kề. Những con bò thịt và bê vùng vẫy và rống lên vì sợ hãi. Lợn thì kêu eng éc, vùng vẫy tìm cách thoát thân. Nhưng lũ chiên thì khác. Chúng chỉ đơn giản là đứng đó nhu mì và im lặng, không phản kháng lại những kẻ giết chúng. Khi Andy lớn lên, anh trở thành linh mục. Anh không bao giờ quên những gì anh đã thấy về những con chiên phản ứng trước cái chết. Và anh thường trình bày trong các bài giảng Tuần Thánh về việc Chúa Giêsu đã chết như là “Chiên Con” một cách thích hợp như thế nào. Người Do Thái vào thời Kinh Thánh biết rất rõ cách chiên phản ứng trong hoàn cảnh này. Chiên và dê là vật nuôi chính của họ. Isaia đã nói lên kinh nghiệm khi ông báo trước trong thị kiến về việc Đấng Messia sẽ chết như thế nào: “Ngài như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông lông, Người làm thinh, chẳng hề mở miệng” (Is 53,7).

* Hôm nay khi chúng ta bước vào Tuần Thánh, chúng ta hãy ghi nhớ biểu tượng này về Chúa Kitô là một con chiên, và trong câu chuyện về cuộc khổ nạn và cái chết của Người, hãy xem điều đó đã được ứng nghiệm chính xác như thế nào. (Cha Robert F. McNamara).

 

3/ CON LỪA CHÚA GIÊSU CƯỠI

Có một câu chuyện ngụ ngôn cổ kể về con lừa đã đưa Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem trong Chúa nhật Lễ Lá. Chú lừa con nghĩ rằng cuộc rước được tổ chức là để tôn vinh nó. “Tôi là một con lừa độc nhất vô nhị!” Con vật có thể đã nghĩ một cách phấn khích như vậy. Khi nó hỏi mẹ nó rằng liệu nó có thể đi một mình trên con phố vào ngày hôm sau để được tôn vinh một lần nữa hay không, mẹ nó nói: “Không, con chẳng là gì nếu không có Ngài đã cưỡi con.” Năm ngày sau, con lừa con nhìn thấy một đám người rất đông trên đường phố. Hôm đó là thứ sáu Tuần Thánh, và những người lính đang đưa Chúa Giêsu đến đồi Canvê. Chú lừa con không thể cưỡng lại sự cám dỗ về một buổi cung nghinh hoàng gia khác. Nó bỏ qua lời cảnh báo của mẹ và phóng nhanh ra đường, nhưng phải bỏ chạy vì bị quân lính đuổi theo và mọi người ném đá nó tới tấp. Vì vậy, con lừa con cuối cùng đã học được bài học rằng nó chỉ là một con lừa tội nghiệp nếu không có Chúa Giêsu cưỡi lên.

* Khi bước vào Tuần Thánh, các bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình để xem liệu chúng ta có mang Chúa Giêsu trong mình và làm chứng cho Ngài qua cuộc sống của chúng ta hay không.

 

 

4/ HOAN HÔ MARCONI

Khi con tàu Titanic chìm trong vực thẳm của Đại Tây Dương vào ngày 15 tháng 4 năm 1912, 1517 người đã thiệt mạng. Tuy nhiên, 705 người đã thoát chết nhờ liên lạc vô tuyến được thiết lập giữa tàu Titanic và tàu Carpathia. Khi Carpathia, một tàu hơi nước chở khách xuyên Đại Tây Dương nhận được tin nhắn vô tuyến, nó đã chạy thật nhanh tới để đón những người sống sót trên xuồng cứu sinh. Khi tàu Carpathia đến New York, Marconi, người đã phát minh và giới thiệu liên lạc vô tuyến, đã có mặt tại cảng để tiếp nhận những người sống sót. Khi những người sống sót nghe tin Marconi ở đó, họ đã ca ngợi ông là “vị cứu tinh” của họ và họ đã đổ xô đến để gặp ông.

* Hai ngàn năm trước, người ta đã ca ngợi Chúa Giêsu ở Giêrusalem và họ đổ xô đi xem Người khi biết Người đến để cứu họ khỏi tội lỗi và ban cho họ sự sống mới. (Cha Jose. P, CMI).

 

5/ THÂN PHẬN NÔ LỆ

Có một sự kiện trong cuộc đời của thầy dòng Đa Minh người da đen, thánh Martinô de Porres, rất đáng được nhắc lại vào Chúa nhật Thương Khó. Nhiều độc giả đã biết được điều gì đó về sư huynh này ở Lima, nước Peru. Ngài sinh năm 1579, mất năm 1639, và được tôn vinh là thánh năm 1962. Trở lại thời thuộc địa của nước Peru, những người Tây Ban Nha cầm quyền đã đưa hàng nghìn người da đen châu Phi đến đây làm nô lệ. Một số nô lệ cuối cùng đã được tự do, còn hầu hết thì không. Ở Nam Mỹ như ở Hoa Kỳ việc kỳ thị chủng tộc rất nặng. Martinô đã tóm tắt lại bằng chính con người của mình, những tai ương của chủng tộc da đen bị bắt làm nô lệ. Mẹ của ngài, bà Anna Velasquez, là một phụ nữ da đen tự do; cha ngài là một nhà quý tộc Tây Ban Nha. Khi bà Anna cho Juan de Porres xem đứa con trai bé bỏng của mình, ông thốt lên: “Tôi không chấp nhận nó là của tôi. Nó đen đủi quá!” Tuy nhiên cuối cùng, ông cũng nhìn nhận quan hệ cha con hợp pháp của mình với Martinô. Nhưng ông rất ít giúp đỡ con trai mình, vì vậy Martinô phải sống như một người con lai ở rìa xã hội Lima. Một người lai nữa có thể vấy bẩn cuộc sống xã hội. Và ngài đã chọn cuộc đời tu trì. Gia nhập Dòng Đa Minh, ngài sống hết mình trong sự khiêm nhường và phục vụ người khác. Một ngày nọ, người cư sĩ tốt lành này biết được rằng bề trên của mình phải đối mặt với tình trạng thiếu tiền để điều hành tu viện, đã ra chợ bán một số vật có giá trị nhất của ngôi nhà. Martinô chạy theo vị bề trên và đuổi kịp ngài trước khi ngài đến chợ. Vị thánh thốt lên: “Xin đừng bán tài sản của chúng ta, bán con đi! Dù sao thì con cũng không cần được giữ lại; con mạnh mẽ và có thể làm việc!” Bề trên vô cùng cảm động, lắc đầu: “Con trở về tu viện.” Ngài nhẹ nhàng nói: “Con không phải để bán!” Vì vậy, Martinô vẫn được tự do.

* Vị tu sĩ cũng đã cố gắng chân thành noi gương Chúa Kitô đã “trút bỏ chính mình và mặc lấy hình hài nô lệ… sẵn sàng chấp nhận ngay cả cái chết, chết trên cây thập giá.” (Pl 2, 7.8) Bài đọc hai hôm nay. (Cha Robert F. McNamara).

 

6/ VUA GIÊSU TIẾN VÀO THÀNH THÁNH

Tác giả người Hy Lạp Plutarch mô tả cách các vị vua khải hoàn tiến vào một thành phố. Ông kể về một vị tướng La Mã, Aemilius Paulus, người đã giành chiến thắng quyết định trước quân Macêđônia. Khi Aemilius quay trở lại Rôma, cuộc rước khải hoàn tôn vinh ông kéo dài ba ngày. Ngày đầu tiên được dành để trưng bày tất cả các tác phẩm nghệ thuật mà Aemilius và quân đội của ông đã cướp được. Ngày thứ hai được dành cho tất cả vũ khí của quân Macêđônia mà họ đã chiếm được. Ngày thứ ba bắt đầu với phần còn lại của chiến lợi phẩm được kéo với 250 con bò đực, có sừng dát vàng. Số tiền này tương đương hơn 17.000 cân vàng. Tiếp sau đó là vị vua bị bắt và bị sỉ nhục của Macêđônia cùng với đại gia đình của ông ta. Cuối cùng, Aemilius tự mình tiến vào thành Rôma, cưỡi trên một cỗ xe lộng lẫy. Aemilius mặc một chiếc áo choàng màu tím, được đính các lá vàng. Ông cầm vòng nguyệt quế của mình trên tay phải. Ông đứng trên một chiếc xe, tiến đi cùng với một dàn hợp xướng lớn hát những bài quân nhạc hùng tráng, ca ngợi những thành tích quân sự của Aemilius vĩ đại.

* Thưa các bạn, đó là cách một vị vua trần gian tiến vào một thành phố, nhưng còn Vua các vua thì sao? Người chỉ cưỡi trên một con lừa con theo lời ngôn sứ Dacaria đã mô tả. Vua các vua, Đấng Messia, đến không phải trên một con chiến mã oai hùng, mà cưỡi một con lừa khiêm tốn.

 

7/ THẬP GIÁ QUA NHIỀU THẾ KỶ

Cho đến thế kỷ thứ năm sau Công nguyên, các Kitô hữu đầu tiên thường tránh trưng bày thập giá có thân thể của Chúa Giêsu. Thật sự, ngay cả những cây thánh giá trần cũng hiếm khi được trưng bày cho đến thế kỷ thứ tư sau Công nguyên. Như J. H. Miller đã giải thích, có nhiều lý do khiến Giáo hội miễn cưỡng dựng hình tượng cây thánh giá công khai. Đối với nhiều người Do Thái và dân ngoại, thập giá phô bày sự mâu thuẫn dường như không thể dung hòa của niềm tin Kitô giáo, theo đó một người bị đóng đinh cũng là vị Thiên Chúa. Khi các tà giáo khác nhau tấn công vào thần tính hoặc nhân tính của Chúa Kitô thì biểu tượng cây thập giá dường như càng làm trầm trọng thêm cuộc xung đột và đối kháng tư tưởng ấy. Hệ quả là hình ảnh thập giá đã bị tránh né. Phải đến thế kỷ thứ tư (dưới thời trị vì của Constantine), thập giá mới bắt đầu xuất hiện ở mọi nơi trước công chúng như là biểu tượng riêng của Kitô giáo. Mặc dù xuất hiện rộng rãi trong nghệ thuật và kiến trúc Kitô giáo, thập giá vẫn là một biểu tượng đa chiều ý nghĩa. Nơi xà ngang của nó, cái chết giao thoa với sự sống; tội lỗi gặp được ơn cứu rỗi; sự quy phục nối liền với chiến thắng; trần gian kết nối với siêu việt. Thập tự giá phô bày vừa những khía cạnh hèn hạ nhất của thân phận con người vừa phản ánh vẻ cao cả và uy nghiêm nhất của thần tính.

* Như nhà thần học Karl Rahner đã từng giải thích: “Thập giá Chúa Kitô cho thấy rõ nhất tội lỗi thực sự là gì. Thập giá Chúa Kitô đã không ngần ngại mở toang điều mà thế gian vẫn muốn giấu kín cho chính nó: rằng nó đã nuốt chửng Con Thiên Chúa trong tội lỗi mù quáng điên rồ- một tội lỗi mà sự căm ghét độc ác đã thực sự bùng cháy tiêu tan khi được tiếp xúc với tình yêu Thiên Chúa.

 

8/ BỎ CHÚA HAY BỎ VIỆC

Constantine là đại hoàng đế La Mã đầu tiên theo Kitô giáo. Cha của ông, Constantius I, người kế vị Điôclêtianô lên ngôi hoàng đế vào năm 305 sau Công nguyên, là một người ngoại giáo nhưng có trái tim ôn hòa đối với các Kitô hữu. Người ta kể rằng sau khi Constantine lên ngôi, ông đã phát hiện ra rằng nhiều người theo Kitô giáo đã nắm giữ những công việc quan trọng trong chính phủ và trong triều đình. Vì vậy, ông ban hành một mệnh lệnh hành pháp cho tất cả những Kitô hữu đó: “Hoặc là các bạn từ bỏ Chúa Kitô hoặc từ bỏ công việc.” Phần lớn các Kitô hữu đã bỏ công việc của họ chứ không bỏ Chúa. Chỉ có một số kẻ hèn nhát từ bỏ tôn giáo vì sợ mất việc làm. Hoàng đế hài lòng với đa số những người đã thể hiện sự can đảm của họ và giao lại công việc cho họ trong khi ông đuổi hết những người đã cam tâm bỏ lòng trung thành với Chúa để giữ công việc. Ông nói với họ: các bạn không trung thành với Chúa của các bạn, thì các bạn cũng không trung thành với tôi!”

* Hôm nay chúng ta cùng với một đám đông vô danh no nức rước Chúa vào Thành Thánh để đi tới những ngày đau khổ, chúng ta có dám đứng lên ủng hộ Chúa khi Người bị tuyên án tử hình không?

 

9/ DẤU THẬP TRÊN CỔ CON LỪA

Dù sách Tin Mừng không ghi rõ, chúng ta biết rằng đây không phải là chuyến cưỡi lừa đầu tiên của Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem. Bản văn của Mátthêu không trình bày chi tiết về việc Giuse đã cùng Maria đi Ai Cập và trở lại Nazarét bằng phương tiện gì. Tin Mừng Luca cũng không mô tả cách Maria và Giuse hành trình đến Bêlem như thế nào. Nhưng tất cả chúng ta đều lưu dấu trong đầu hình ảnh Mẹ Maria mang thai ngồi trên lưng một con lừa khỏe mạnh. Tâm trí của chúng ta in rõ hình ảnh Mẹ Maria ẵm Chúa ngồi trên con vật đó để chạy trốn đến Ai Cập, rồi hành trình trở về nhà tại Nazarét sau khi vua Hêrôđê chết. Truyền thống của Giáo hội từ lâu đã cho rằng để tôn vinh sự phục vụ khiêm nhường của con lừa đối với Chúa Giêsu, con vật đã được khen thưởng bằng một “dấu ấn hình thập giá” vĩnh viễn, bởi đó hầu hết các con lừa đều có hình chữ thập đen đặc trưng trên vai vững chắc của chúng.

* Nếu sứ mệnh của Giáo hội là mang Chúa Kitô đến trong thế gian, thì có thể nói mỗi chúng ta được kêu gọi trở thành một con lừa, tận tụy, trung thành, vượt khó…và tiến bước!

 

10/ CON LỪA BIẾT NÓI

Có bao giờ bạn thắc mắc tại sao lừa là con vật duy nhất trong Kinh Thánh biết nói? Karl Barth (một nhà thần học Tin Lành nổi tiếng) trong bữa tiệc sinh nhật lần thứ 80 của mình đã đưa ra lời chứng của mình. Ông nói: “Kinh Thánh có nói về một con lừa, hay nói đúng hơn là một con lừa cái, nó biết dùng lời nói phản đối ông Bơliam đánh nó (Ds 22,28-30). Còn theo sách Dacaria 9,9 một con lừa được diễm phúc mang Chúa Giêsu đến Giêrusalem.”…“Nếu tôi làm được điều gì đó trong cuộc sống này để phục vụ Chúa và tha nhân thì tôi cũng làm như thân phận một con lừa: mang một gánh nặng những suy tư thần học và những trải nghiệm thiêng liêng để trình bày về đời sống Kitô hữu, mà các môn đệ của Chúa nói: “Thầy chúng tôi cần nó!” Vì vậy, dường như Chúa đã vui lòng sử dụng tôi vào lúc này, tôi sẵn sàng phục vụ hết sức mình…”

* ĐHY Roger Etchegaray (1922-1919) cũng đã viết một cuốn sách “Comme un âne, j’avance” (như một con lừa tôi tiến bước) để nói lên thái độ phục vụ của mình cống hiến cho Giáo hội. Quả thật, những tư tưởng lớn đều gặp nhau!

 

11/ GIÚP ĐỠ

(Chuyện vui)

Có một câu chuyện xưa kể về một nhà giảng thuyết nọ gặp vấn đề khó khăn trong sứ vụ và quyết định rời bỏ thánh chức. Nhưng ông gặp khó khăn khi tìm một công việc khác. Cuối cùng, trong cơn tuyệt vọng, ông nhận một công việc tại sở thú địa phương. Con khỉ đột ở đó đã chết, và vì nó là con vật yêu thích của bọn trẻ, các nhà quản lý vườn thú đã quyết định cho ông mặc trang phục khỉ đột cho đến khi họ tìm được con vật khác. Trước sự ngạc nhiên của nhiều người, nhà cựu giảng thuyết yêu thích công việc này. Ông thích phục vụ trẻ em như con lừa chở Chúa Giêsu vào Chúa nhật Lễ Lá. Ông nhận được rất nhiều sự chú ý và người ta cho ông rất nhiều đồ ăn. Không có căng thẳng, không có thời hạn, khiếu nại hay ca thán. Một ngày nọ, ông cảm thấy rất phấn khởi. Vì vậy, ông bắt đầu đu trên dây, càng lúc càng cao hơn. Nhưng đột nhiên ông mất thăng bằng, lộn vài vòng và rơi xuống chiếc lồng sắt gần bên. Choáng váng và xây xẩm, ông nhìn lên và thấy một con sư tử hung dữ. Trong cơn hoảng loạn, ông ta quên mất rằng mình chỉ đóng vai một con khỉ đột và hét lên: “Cứu với! Giúp đỡ!” Con sư tử hung dữ đó quay về phía ông ta và nói: “Ồ, im đi, anh bạn, tôi cũng là người đóng vai.”

* Không giống như những người đóng vai khỉ đột và sư tử này, tất cả chúng ta đều là người phục vụ Chúa. Chúng ta hãy cho Chúa Giêsu mượn con lừa của mình để Người cưỡi khi vào thành Giêrusalem.

Lm Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm

Bài cùng chuyên mục:

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 23 TN năm B - 2024 (04/09/2024 05:19:29 - Xem: 602)

Chỉ nghe bằng tai thôi thì không đủ, mà phải lắng nghe với cả trái tim. Chỉ có trái tim yêu thương, chân thành và quảng đại mới có thể hiểu đầy đủ, hiểu chính xác...

Gia vị cho bài giảng Chúa Nhật 23 TN năm B -2024 (04/09/2024 05:14:40 - Xem: 400)

Khi Chúa Giêsu đi vào thế giới này mọi tạo vật đã được biến đổi. Khi Người chạm vào một ai đó, người ấy sẽ được chữa lành.

Gia vị cho bài giảng Chúa Nhật 22 TN năm B -2024 (26/08/2024 15:04:21 - Xem: 526)

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết những người Pharisêu đã cảm thấy ức chế như thế nào khi chất vấn Chúa Giêsu về các môn đệ của Người bỏ qua nghi thức rửa tay trước khi dùng bữa.

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 22 TN năm B - 2024 (26/08/2024 07:45:13 - Xem: 542)

Lời Đức Giêsu khiển trách người Do Thái cũng là lời khuyên chúng ta lo tu luyện lại bản thân từ bên trong, chứ đừng lo phê phán người khác.

Cần làm gì khi đối diện với các xung đột nội tâm? (24/08/2024 10:04:30 - Xem: 247)

Bạn hãy mạnh dạn thưa những lời đó với Đức Giê-su và tâm sự với Ngài về tất cả những cảm xúc đang có ở trong tâm hồn.

Gia vị cho bài giảng Chúa Nhật 21 TN năm B - 2024 (19/08/2024 15:01:39 - Xem: 530)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu thách thức các môn đệ tin vào Người và đón nhận lời hứa của Người về bánh trường sinh.

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 21 năm B - 2024 (19/08/2024 10:43:32 - Xem: 618)

Hôm nay vẫn có những câu Lời Chúa bất ngờ làm ta choáng váng, vẫn có những lúc thử thách làm ta chao đảo, vẫn có những cơn cám dỗ và lôi kéo làm ta bỏ cuộc.

Đức Trinh nữ Maria có giọng nói như thế nào? (14/08/2024 07:54:41 - Xem: 336)

Người ta có thể tưởng tượng được âm sắc giọng nói của Đức Trinh Nữ Maria không? Nơi Mẹ, người ta nghe thấy sự thanh khiết siêu nhiên của Mẹ

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 20 TN năm B - 2024 (14/08/2024 05:35:03 - Xem: 583)

Những ai nhận ra Chúa Giêsu trong Thánh Thể thì cũng nhận ra Ngài nơi anh chị em đau khổ, đói khát, bệnh tật hay tù đày.

Gia vị cho bài giảng Chúa Nhật 20 TN năm B - 2024 (14/08/2024 05:25:48 - Xem: 533)

Gioan chương sáu là lời giải thích đơn giản của Chúa Giêsu về mặc khải của Chúa về Bánh Hằng Sống được ban cho con người.

Bài viết mới