Suy tư - Cảm nghiệm

Gia vị cho bài giảng Chúa Nhật 3 Phục sinh năm A

  • In trang này
  • Lượt xem: 1,176
  • Ngày đăng: 20/04/2023 15:34:54

GIA VỊ CHO BÀI GIẢNG LỄ

CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH, NĂM A

 

 

1/ THỢ CẮT TÓC

Karl Barth, một trong những nhà thần học Tin lành nổi tiếng nhất của thế kỷ 20, một ngày nọ đang ngồi trên xe điện ở Basel, Thụy Sĩ, nơi ông sống và thuyết trình. Một du khách đến thành phố leo lên xe điện và ngồi xuống cạnh Barth. Hai người đàn ông bắt đầu trò chuyện với nhau. Barth hỏi: “Bạn mới đến thành phố à?” Khách du lịch nói: “Vâng”. Barth hỏi: “Có điều gì bạn đặc biệt muốn biết ở thành phố này không?” “Vâng,” anh ấy nói, “Tôi rất muốn gặp nhà thần học nổi tiếng Karl Barth. Bạn có biết ông ta không?” Barth trả lời: “Thực tế là tôi có biết. Tôi cạo râu cho ông ấy mỗi sáng.” Du khách xuống xe điện khá vui mừng. Anh ta trở về khách sạn và tự nhủ: “Hôm nay mình đã gặp thợ cắt tóc của Karl Barth.”

* Điều đó làm tôi thích thú. Vị khách du lịch đó đã đứng trước mặt chính người mà anh ta muốn gặp nhất, nhưng ngay cả khi có manh mối rõ ràng nhất, anh ta lại không bao giờ nhận ra rằng người đàn ông mà anh ta đang nói chuyện chính là người đàn ông vĩ đại đó. Nó làm tôi nhớ đến phản ứng của Maria vào buổi sáng Phục Sinh. Trong cơn đau buồn, cô ấy nghĩ người đàn ông mà cô đang nói chuyện là người làm vườn. Tất nhiên là không. Nhưng phải cho đến khi Người gọi tên cô, cô mới nhận ra rằng mình đã nói chuyện với Chúa Phục Sinh. Và, dĩ nhiên, nó làm tôi nhớ đến cảnh tượng trên đường Emmaus, hai môn đệ đi bộ một lúc với Chúa Phục Sinh, và họ cũng không biết mình đang trò chuyện với ai. (Rev. King Duncan, Collected Sermons, www.Sermons.com. Được trích dẫn bởi cha Tony Kayala)

 

2/ ĂN TRƯA VỚI CHÚA

Một cậu bé đi bộ qua công viên về nhà sau khi dự lớp học giáo lý ngày Chúa nhật. Cậu không thể ngừng suy nghĩ về bài học ngày hôm đó về lời dạy của Chúa Giêsu về Ngày Phán Xét Cuối Cùng. Điều khiến cậu ấn tượng nhất là điều mà giáo lý viên nói: “Khi bạn cho người khác một thứ gì đó là bạn đang thực sự cho Chúa Giêsu, và bạn sẽ tìm thấy Chúa Giêsu phục sinh trong mọi người bạn gặp.” Khi tiếp tục đi qua công viên, cậu để ý thấy một bà lão đang ngồi trên băng ghế. Bà ấy trông cô đơn và đói khát. Vì vậy, cậu ngồi xuống cạnh bà, lấy một thanh sô-cô-la mà cậu đã để dành và đưa cho bà một ít. Bà đón nhận với một nụ cười tươi tỉnh, và cậu nhìn bà cười khi bà nhai sô-cô-la. Rồi họ ngồi bên nhau trong im lặng, chỉ mỉm cười với nhau. Cuối cùng, cậu bé đứng dậy ra về. Khi bắt đầu bước đi, cậu quay lại, chạy trở lại băng ghế và ôm chặt lấy người phụ nữ. Khi cậu về đến nhà, mẹ cậu nhìn thấy nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt cậu và hỏi: “Hôm nay điều gì làm con vui thế?” Cậu ấy nói: “Con đã chia sẻ thanh sô-cô-la của mình với Chúa Giêsu.” Trước khi mẹ cậu kịp hỏi thêm, cậu nói: “Mẹ biết không, bà ấy có nụ cười đẹp nhất thế giới.” Trong khi đó, bà lão trở về căn hộ nhỏ nơi bà sống với em gái. Em gái bà hỏi: “Lại cứ cười! Hôm nay điều gì làm chị vui thế?” Bà ấy trả lời: “Chị ngồi trong công viên và ăn một thanh sô-cô-la với Chúa Giêsu. Và, em biết đấy, Ngài trông trẻ hơn chị tưởng rất nhiều.”

* Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết rằng chúng ta sẽ gặp gỡ và cảm nghiệm Chúa Giêsu phục sinh ở những nơi và những con người không ngờ tới.

 

3/ CÓ PHẢI LÀ CHÚA GIÊSU

Vài năm trước, một nhóm nhân viên bán máy tính từ Milwaukee đã tham gia một hội nghị bán hàng ở Chicago. Họ đã hứa với vợ rằng họ sẽ về nhà đúng giờ để ăn tối. Nhưng cuộc họp kéo dài quá giờ, và những người này phải chạy lao đến nhà ga tay cầm sẵn vé. Khi họ đi qua nhà ga, một người trong nhóm đã vô tình đá phải chiếc bàn đặt một giỏ táo. Không dừng lại, tất cả đã đến tàu và lên tàu với những tiếng thở phào nhẹ nhõm. Nhưng một người trong số họ dừng lại, cảm thấy hối hận cho cậu bé bị đổ giỏ táo. Ông vẫy tay tạm biệt những người bạn đồng hành của mình và quay trở lại với cậu bé. Ông bỗng nhận ra cậu bé mười tuổi bị mù. Người đàn ông nhặt những quả táo lên và nhận thấy rằng một số quả bị thâm tím. Ông thò tay vào ví và nói với cậu bé: “Đây, làm ơn cầm lấy tờ 10 đôla này cho những thiệt hại mà chúng tôi đã gây ra. Tôi hy vọng nó sẽ không làm hỏng ngày của cậu. Khi ông bắt đầu bỏ đi, cậu bé ngơ ngác gọi theo: “Ông có phải là Chúa Giêsu không?”

* Chúa Giêsu đến với chúng ta dưới nhiều hình dạng khác nhau.

 

4/ LUÔN TIN TƯỞNG

Alexander I. Solzhenitsyn đã chứng tỏ sức mạnh của Lời Chúa trong cuốn sách của mình, One Day in the Life of Ivan Denisovich (Một ngày trong cuộc đời của Ivan Denisovich), một cuốn sách dựa trên những trải nghiệm trong tù của chính ông. Ivan nhận thấy rằng một trong những bạn tù của anh ta ở Quần đảo Gulag không bị suy sụp, và ánh sáng hi vọng trong mắt anh ta không suy giảm như ở tất cả những người bị kết án khác. Điều này là do mỗi đêm trong cái chõng của mình trước khi tắt bóng đèn tù mù, người đàn ông này cung kính mở ra một số mảnh giấy nhàu nát, mà bằng cách nào đó đã thoát khỏi sự kiểm duyệt gắt gao. Trên đó là những đoạn được sao chép từ Phúc Âm. Cuốn Sách Sự Sống này là bí mật về sức mạnh và sự bền bỉ của người đàn ông này, trong góc tối nhất sau Bức màn sắt.

* Đó là một cách chúng ta gặp gỡ Chúa Kitô phục sinh – trong việc “Bẻ Bánh Sự Sống” là Lời Chúa.

 

5/ CHỈ ĐƯỜNG

Có một câu chuyện kỳ lạ về một du khách nọ, một hôm đang đi trên đường thì một người đàn ông cưỡi ngựa chạy vụt qua. Trong mắt người này có một cái nhìn gian ác và có vệt máu trên tay anh. Vài phút sau, một đám đông những người cưỡi ngựa kéo đến và muốn biết liệu người du khách có nhìn thấy ai đó với bàn tay vấy máu đi ngang qua hay không. Họ đang ráo riết truy đuổi anh ta. Du khách hỏi: “Anh ấy là ai?” Thủ lĩnh đám đông nói: “Một kẻ làm ác.” Người du khách hỏi: “Và chắc các bạn đuổi theo anh ta để đưa anh ta ra trước công lý phải không?” “Không,” người lãnh đạo nói, “chúng tôi đuổi theo anh ta để chỉ đường cho anh ta.” [Cha Anthony de Mello, Taking Flight (New York: Bantam Doubleday Dell Publishing Group, Inc., 1990), tr. 65.]

* Bức tranh mà chúng ta có trong Tân Ước là về một Thiên Chúa theo đuổi chúng ta để có thể chỉ đường cho chúng ta. Chúa Kitô đến với hai môn đệ. Họ không nhận ra Người, nhưng chính Chúa Giêsu là người chủ động. Người đồng hành  với họ và giải thích Kinh Thánh cho họ.

 

6/ LẤY LẠI TỰ TIN

Có một câu chuyện về một người lính Anh trong Thế chiến thứ nhất đã mất tinh thần vì trận chiến dai dẳng và anh đã đào ngũ. Anh cố gắng đến bờ biển để đi thuyền về nước Anh vào đêm đó, nhưng cuối cùng anh lại lang thang trong đêm tối như mực, lạc lối một cách vô vọng. Trong bóng tối, anh bắt gặp thứ mà anh nghĩ là một biển chỉ đường. Trời tối đến nỗi anh phải trèo lên cột để có thể đọc nó. Khi lên đến đỉnh cột, anh đánh một que diêm để xem và thấy mình đang nhìn thẳng vào mặt Chúa Giêsu. Anh ta nhận ra rằng, thay vì leo lên biển chỉ đường, anh đã trèo lên một cây thánh giá bên đường. Rồi anh nhớ đến Đấng đã chết vì anh. . . người đã chịu đau khổ. . . người đã không bao giờ thoái lui. Sáng hôm sau, người lính trở lại chiến hào. [“To Illustrate,” Preaching Magazine, (tháng 1-tháng 2 năm 1989).]

* Có lẽ đó là điều bạn và tôi cần làm trong những khoảnh khắc đau khổ và tăm tối – đánh một que diêm trong bóng tối và nhìn lên khuôn mặt của Chúa Giêsu. Người đến với chúng ta như Người đã đến với hai môn đệ trên đường Emmaus, cho dù chúng ta có thể không nhận ra Người.

 

7/ CHỮA BỆNH

Ông nội của triết gia người Do Thái Martin Buber bị què. Một ngày nọ, người ta yêu cầu ông kể một câu chuyện về thầy của mình. Và ông bắt đầu kể lại việc thầy của ông thường nhảy và múa trong khi cầu nguyện như thế nào. Ông già vừa nói vừa đứng dậy và bị cuốn hút bởi câu chuyện của mình đến nỗi bản thân ông cũng bắt đầu nhảy và múa để diễn tả ông thầy của mình đã làm điều đó thế nào. Kể từ lúc đó, ông đã được chữa khỏi bệnh tật của mình.

* Khi kể câu chuyện về Chúa Kitô, chúng ta đạt được hai điều. Chúng ta giúp người khác cảm nghiệm Người, và chính chúng ta cũng trải nghiệm quyền năng của Người nhiều hơn nữa. Chúng ta có thể thấy điều đó xảy ra trong Tin Mừng hôm nay.

 

8/ BẢN DANH SÁCH

Trong bộ phim đoạt giải Oscar năm 1993, Schindler’s List (Bản danh sách của Schindler) đứng đầu. Oskar Schindler là một doanh nhân ích kỷ, giữa Thế chiến II, đã biến nhà máy sinh lời của mình thành một vỏ bọc nhà xưởng làm ăn thua lỗ để cứu người Do Thái khỏi phòng hơi ngạt. Cuối phim, khi chiến tranh kết thúc, Schindler đứng cùng chung với những người mà ông đã cứu. Ông nhìn quanh các khuôn mặt của họ và sau đó ông bắt đầu suy sụp. Ông giơ chiếc đồng hồ lên và nói rằng nếu ông bán nó đi thì ông đã có thể cứu được năm người khác. Ông cũng làm như vậy với các khuy áo măng sét của mình. Sau đó, ông bắt đầu liệt kê tất cả những cách mà ông có thể đã cứu được nhiều người hơn nếu ông bớt lười biếng hơn và bớt tự cho mình là trung tâm sớm hơn một chút. Ông đã nhận ra sứ mệnh của mình, nhưng ông tiếc rằng mình đã không thực hiện đầy đủ hơn.

* Chúng ta cũng mang một sứ mệnh. Chúng ta đang trên một hành trình đầy ý nghĩa, một cuộc hành hương, hành trình Emmaus của chúng ta. Chúa Kitô không muốn chúng ta phải hối tiếc, nên hôm nay Người nhắc nhở chúng ta điều này một lần nữa. (E-Priest).

 

9/ NGHI THỨC GIẢI TÁN

Một giáo lý viên nọ giảng cho thiếu nhi của mình về Bí tích Thánh Thể. Cô hỏi các thiếu nhi, theo ý kiến của các em, đâu là phần quan trọng nhất của Thánh lễ. Không chớp mắt, một cậu thiếu nhi trả lời: “Lễ xong! Chúc anh chị em đi bình an!” Ban đầu, giáo lý viên nghĩ rằng cậu bé nói đùa, nhưng cậu ấy hoàn toàn nghiêm túc và muốn nói những gì cậu ấy nói. Vì vậy, giáo lý viên đã yêu cầu cậu giải thích, và đây là câu trả lời của cậu ấy: “Toàn bộ mục đích của Thánh lễ là nuôi dưỡng chúng ta về mặt thiêng liêng - trước hết, bằng Lời Chúa trong Phụng vụ Lời Chúa; và thứ hai, bằng Sự sống của Chúa trong Phụng vụ Thánh Thể, đỉnh cao là Rước Lễ. Và Thiên Chúa nuôi dưỡng chúng ta để chúng ta có thể ra đi làm chứng cho Người bằng đời sống, lời nói và việc làm của chúng ta.” Giáo lý viên rất ấn tượng và khuyến khích cậu thiếu nhi tiếp tục. Và vì thế cô nói thêm: “Thánh lễ không kết thúc với Nghi thức Giải tán. Ngược lại, nó bắt đầu từ đó. Giống như hai môn đệ Emmaus, chúng ta phải ra đi và nói cho người khác biết ý nghĩa của Chúa Giêsu đối với chúng ta.” (James Valladares in Your Words, O Lord, Are Spirit, and They Are Life; do cha Botelho trích dẫn).

 

10/ CÙNG VỚI CHÚA PHỤC SINH

Trong chuyến đi tàu đầu tiên, một bé gái được mẹ đặt ở giường ngủ phía trên. Người mẹ trấn an cô ấy rằng Chúa Giêsu sẽ trông chừng cô suốt đêm. Khi đèn tắt, cô gái trở nên hoảng hốt và gọi nhỏ: “Mẹ ơi, mẹ có ở đó không?” “Có con yêu,” mẹ cô trả lời. Một lát sau, đứa trẻ gọi to hơn: “Bố ơi, bố cũng ở đó à?” “Có”, là câu trả lời. Sau khi điều này được lặp đi lặp lại nhiều lần, một trong những hành khách khó chịu và mất kiên nhẫn và nói to: “Tất cả chúng tôi đều ở đây. Cha của cháu, mẹ của cháu, anh chị em của cháu và anh em họ của cháu, chú thím của cháu – tất cả đều ở đây. Bây giờ thì ngủ đi!” Có sự im lặng trong một lúc. Sau đó, bằng một giọng thì thầm, đứa trẻ hỏi: “Mẹ ơi, có phải Chúa Giêsu phục sinh đang đi cùng chúng ta không?”

 

11/ CHÚA Ở ĐÂU

Một cặp vợ chồng nọ có hai đứa con trai, 8 tuổi và 10 tuổi, chúng rất nghịch ngợm. Chúng luôn gây ra rắc rối và cha mẹ chúng biết rằng nếu có bất kỳ trò nghịch ngợm nào xảy ra trong khu phố của họ, con của họ có liên lụy. Mẹ của các cậu bé nghe nói rằng một linh mục ở giáo xứ trung tâm thành phố đã thành công trong việc kỷ luật trẻ em, vì vậy bà đã hỏi liệu ngài có thể nói chuyện với các cậu con của bà không. Vị linh mục đồng ý nhưng yêu cầu gặp riêng từng đứa. Vì vậy, người mẹ đã cho đứa con 8 tuổi của mình gặp trước vào buổi sáng, và ấn định cuộc hẹn cho cậu bé lớn hơn vào buổi chiều. Vị linh mục, một người to lớn với giọng nói oang oang, đặt cậu bé ngồi xuống và hỏi cậu một cách nghiêm nghị: “Chúa ở đâu?” một câu hỏi giáo lý căn bản. Cậu bé há hốc miệng và không đáp lại. Vì vậy, vị linh mục lặp lại câu hỏi với giọng nghiêm khắc hơn: “Chúa ở đâu!!?” Một lần nữa, cậu bé không cố gắng trả lời. Vì vậy, cha càng cao giọng hơn và hất ngón tay vào mặt cậu bé và hỏi to: “THIÊN CHÚA ĐANG Ở ĐÂU!?” Cậu bé hét lên hoảng hốt chạy thẳng về nhà và lao vào tủ quần áo của mình, đóng sầm cửa lại sau lưng. Khi anh cậu tìm thấy cậu trong tủ quần áo, anh ấy hỏi: “Chuyện gì đã xảy ra vậy?” Người em thở hổn hển trả lời: “Lần này chúng ta gặp rắc rối LỚN rồi, Dave. Chúa đang mất tích - và họ nghĩ CHÚNG TA đã làm điều đó!

 

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm

Bài cùng chuyên mục:

Đức Giesu Kito, một vị Vua khác (23/11/2024 05:51:35 - Xem: 136)

Hôm nay, “nếu bạn tin vào Chúa Kitô, hãy để Ngài là Vua trong cuộc đời bạn. Hãy để Ngài hướng dẫn bạn sống theo sự thật, bởi vì Ngài là Vua của tình yêu và sự sống” (Thánh Augustinô).

Gia vị cho bài giảng CN lễ Chúa Kito là Vua - 2024 (21/11/2024 10:04:15 - Xem: 240)

Khi Người đến trong vinh quang, Chúa Kitô Vua sẽ xét xử chúng ta về những việc bác ái chúng ta làm cho tha nhân. (Cha Tony)

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 34 TN B - 2024 (21/11/2024 07:57:59 - Xem: 213)

Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật, mà sự thật là điều gì có lợi cho tôi.

Đạo còn sống khi ta còn sống đạo (16/11/2024 11:20:12 - Xem: 857)

Phải chăng giá trị Tin Mừng trong lòng tín hữu đang phai nhạt dần ? Phải chăng việc đạo nghĩa chỉ còn là sự quan tâm thứ yếu ? Phải chăng việc học văn hóa và công ăn việc làm được đặt trên việc nuôi dưỡng đức tin ?

Gia vị cho bài giảng CN 33 & Các Thánh Tử đạo VN - 2024 (16/11/2024 05:36:01 - Xem: 368)

Đôi khi những người muốn dẫn dắt Người khác đến với Chúa Kitô cũng trở thành chướng ngại vật lớn nhất cho ơn cứu rỗi của họ.

Ngày tận thế: Bí ẩn chỉ có Chúa Cha biết (16/11/2024 05:28:22 - Xem: 178)

Chúng con luôn sẵn sàng đón nhận Ngài trong bình an và hân hoan, với trái tim tràn đầy hy vọng vào ngày vinh quang của Chúa.

“Có làm mưa làm gió” (11/11/2024 07:52:43 - Xem: 234)

Khi tôi chết đi, thế giới này cũng vẫn cứ vần xoay theo định luật đã được mặc định cho nó. Chẳng phải vì tôi chết đi mà vũ trụ này có rúng động hay biến đổi gì.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 32 TN năm B - 2024 (08/11/2024 07:28:19 - Xem: 545)

Chúng ta không xây dựng đời mình trên vật chất hay chiếm hữu, nhưng trên tình yêu, để sẵn sàng cho đi và dâng hiến.

Gia vị cho bài giảng CN 32 TN năm B - 2024 (08/11/2024 07:24:57 - Xem: 462)

Sứ điệp Tin Mừng Chúa nhật này là về sự cho đi. Mỗi người đều có khả năng chia sẻ dù họ nghèo khó hay túng thiếu đến đâu.

Suy ngẫm về Thiên đàng – Nơi an bình vĩnh cửu (05/11/2024 07:26:42 - Xem: 283)

Việc suy ngẫm và tưởng nghĩ về Thiên đàng rất có lợi cho tâm hồn chúng ta, chiêm nghiệm xem Thiên đàng sẽ như thế nào, xinh đẹp và hoàn hảo ra sao.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7