Suy tư - Cảm nghiệm

Chúa Giêsu thấu hiểu cõi lòng sâu thẳm

  • In trang này
  • Lượt xem: 4,266
  • Ngày đăng: 28/10/2022 15:25:36

CHÚA GIESU THẤU HIỂU CÕI LÒNG SÂU THẲM

 

Hãy tưởng tượng nếu bạn là một nhân viên thu thuế và tham dự một bữa tiệc vào một ngày cuối tuần. Khi có ai hỏi, “Vậy bạn kiếm sống bằng nghề gì?” thì ngay sau khi bạn cho biết cái nghề của bạn, cuộc trò chuyện có thể sẽ rơi vào một khoảng lặng lâu mau nào đó.
 

 

Một người thu thuế vào thời của Chúa Giêsu còn hơn vậy. Họ bị những người đồng hương khinh rẻ, thậm chí bị xếp vào loại tội lỗi công khai, ngang hàng với gái điếm! Nhưng sự thực thì thế nào, nhất là theo cách nhìn của Chúa Giêsu?

 

Ở Giuđêa thời Chúa Giêsu, có nhiều loại thuế: thuế đền thờ của người Do Thái và thuế của người Rôma. Đối với những người Do Thái ngoan đạo, có một khoản thuế đền thờ được Môsê ra lệnh trả cho các của lễ như để “chuộc mạng sống mình”. Số tiền là một nửa shekel nghĩa là khoảng hai chỉ bạc: “Đây là những gì mà bất cứ ai thuộc diện kiểm tra dân số phải nộp : hai chỉ bạc, tính theo đơn vị đo lường của thánh điện; hai chỉ bạc đó sẽ là phần dâng cúng Chúa. Bất cứ ai thuộc diện kiểm tra dân số, từ hai mươi tuổi trở lên, sẽ phải nộp phần dâng cúng Chúa. Người giàu sẽ không nộp hơn hai chỉ bạc, và người nghèo sẽ không nộp ít hơn, để dâng cúng Chúa mà chuộc mạng mình” (Xh 30: 13). Hai chỉ bạc ấy trị giá khoảng hai denarius tiền Rôma bấy giờ, tương đương với hai ngày lương công nhật. Tất cả đàn ông Do Thái, ngoại trừ các thầy tư tế, đều phải nộp thuế này, nhưng chủ yếu chỉ có những người Pharisêu mới làm như vậy. Chúng ta thấy Phêrô được hỏi liệu Chúa Giêsu có trả thuế này không: “Khi thầy trò tới Caphácnaum, thì những người thu thuế cho đền thờ đến hỏi ông Phêrô: "Thầy các ông không nộp thuế sao? " Ông đáp: "Có chứ! " Ông về tới nhà, Chúa Giêsu hỏi đón ông: "Anh Simôn, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài? " Ông Phêrô đáp: "Thưa, người ngoài ." Chúa Giêsu liền bảo: "Vậy thì con cái được miễn” (Mt 17: 24-26). Chúa Giêsu đã yêu cầu Phêrô trả thuế cho cả hai người bằng một đồng shekel tìm thấy trong miệng một con cá: “Nhưng để chúng ta không xúc phạm họ, anh hãy đi ra biển, thả một lưỡi câu, và lấy con cá đầu tiên bắt lên. Mở miệng ra và anh sẽ thấy một đồng tiền có giá trị gấp đôi tiền thuế đền thờ. Hãy trao đồng tiền đó cho họ cho Thầy  và cho anh” ( Mt 17: 27) [1] 

 

Còn thuế của người Rôma thì thế nào? Giuđêa thời Chúa Giêsu là một tỉnh thuộc Rôma. Nhà cầm quyền Rôma cũng áp đặt thuế. Ngoài các loại thuế gián thâu đánh trên mọi công dân của đế quốc (thuế thông lưu, thuế thương chính, thuế kế sản và thuế mại vật), các tỉnh còn phải nộp cống thuế (tributum) cho nhà vua; cùng với việc kiểm tra, cống thuế này là dấu chỉ rõ ràng nhất của việc lệ thuộc; người Do thái rất ghét thứ thuế đó và đảng Nhiệt thành coi việc từ chối nộp thứ thuế đó là một bổn phận tôn giáo. Tại Giuđêa, thuế đó đã được giòng tộc Séleucos thiết lập từ lâu và được người Rôma duy trì dưới hai hình thức là thuế điền thổ (tributum soli) và thuế thân (tributum capitis) mà nhiều nhân viên có nhiệm vụ thu dưới sự kiểm soát của các quan chức chuyên môn là các tổng trấn, được đặt đứng đầu mỗi khu vực tài chính. [2] 

 

Về mặt kỹ thuật, các tổng trấn cùng các quan chức của ông lập ra cái giống như “công ty cổ phần”, mua một số vùng của người Do Thái trong thời gian 5 năm. Những doanh nhân La Mã của công ty cổ phần này sẽ cho những người đàn ông Do Thái tại địa phương đấu thầu thu thuế tại những vùng lãnh thổ này. Người thầu nào trả giá cao nhất sẽ giành được quyền thu thuế tại lãnh thổ đó. Những người thu thuế sau đó sẽ đánh thuế nhập khẩu, xuất khẩu, phí cầu đường, tiền đường bộ, phí thành phố, và nhiều loại khác nữa mà họ có thể nghĩ ra. Do đó, những người thu thuế Do Thái tại địa phương tìm mọi cách để thu thuế vượt càng nhiều càng tốt số tiền họ đã đấu thầu. Và với danh sách các loại thuế khác nhau như ở trên, làm thế nào một người dân bình thường có thể theo dõi những gì họ thực sự phải đóng? Chúng ta có thể gọi đó là “lợi dụng tống tiền”. Đây là lý do tại sao Gioan Tẩy Giả khuyên những người thu thuế ăn năn đến với ông rằng: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh” (Lc 3,13).

 

Tuy nhiên, hầu như mọi lúc, những gì thực sự xảy ra là “lạm thu tối đa”. Những người thu thuế địa phương gốc Do thái này thu thuế tùy thích. Những kiểu bắt nạt này, cùng với thực tế là nhiều “người Do Thái ngoan đạo” thời đó tin rằng việc nộp thuế cho người Rôma là một tội lỗi, thậm chí các giáo sĩ Do Thái còn coi là hợp pháp bất cứ cách nói dối nào có thể nghĩ ra được để tránh trả tiền cho những người thu thuế (Nedarim 27, 28a). [3] Nên những người thu thuế bị coi là tội lỗi và thậm chí còn bị vạ tuyệt thông, không được tham dự các buổi quy tụ trong các hội đường. Ngay cả Chúa Giêsu cũng ghi nhận tai tiếng của họ khi Ngài giảng dạy về một tội nhân không ăn năn: “Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế” (Mt 18:17).

 

Sự kết hợp của nhiều loại thuế cùng kiểu “tính thuế” như “tống tiền” tùy lòng tham của những người thu thuế địa phương dẫn đến sự không hài lòng của dân chúng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu, ngay cả khi công nhận sự mất lòng dân của những người thu thuế, Ngài vẫn không tẩy chay họ, không phân biệt họ. Chúng ta thấy điều này khi những người Pharisêu tố cáo Chúa Giêsu: “Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?” (Lc 5: 30).

 

Lời “lẩm bẩm trách cứ” này xẩy ra sau khi Chúa Giêsu gọi một người thu thuế, tên là Lêvi, làm tông đồ. Các học giả Kinh thánh tin rằng Lêvi, còn gọi là Mátthêu, một người thu thuế tại Caphácnaum: “Khi  đó, Chúa Giêsu đi ra và trông thấy một người thu thuế, tên là Lêvi, đang ngồi ở trạm thu thuế. Ngài bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Ngài” (Lc 5: 27-28). Điều này gây tai tiếng đến mức Celsus, một người Do Thái đầy nghi kỵ, đã thực sự sử dụng điều này làm “bằng chứng” chống lại Chúa Giêsu, bởi vì Chúa Giêsu đã chọn một thứ cặn bã như Mátthêu làm môn đệ. [4]

 

Một người thu thuế khác mà chúng ta biết tên là Giakêu, được mô tả trong Luca là người “đứng đầu những người thu thuế và là một người giàu có” (Lc 19: 2) sống và làm việc ở Giêricô. Và Giêricô là một nơi thu thuế rất béo bở, vì nó được mô tả là “Thành phố các cây cọ dầu”, có nhiều suối nước dồi dào ở trong và chung quanh, là trung tâm sản xuất dầu cọ phát đạt. Giakêu, với tư cách là một người đứng đầu những người thu thuế, có những người thu thuế bậc thường, giống như Mátthêu, làm việc dưới quyền ông; Giakêu giống như một người quản lý cấp huyện. Điều đó cũng có nghĩa là ông ấy đã “ăn chặn từ trên xuống” của tất cả những người làm việc cho ông ấy. Chính Giakêu thừa nhận điều này khi nói với Chúa Giêsu: “Nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19: 8). 

 

Tuy nhiên, Chúa Giêsu quyết định đến nhà Giakêu và dùng bữa với ông. Trên thực tế, đó là sáng kiến của Chúa Giêsu, không phải của Giakêu. Tại sao? Trước tiên, phải thừa nhận rằng mỗi người đều có giá trị đối với Thiên Chúa, như chính Chúa Giêsu đã nói: “người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham” (Lc 19: 9). Thứ hai, Chúa Giêsu muốn “công bố ơn cứu độ” cho mọi người, kể cả những người tội lỗi, mà tiêu biểu nhất ở đây là Giakêu. Lời Cứu Độ của Chúa Giêsu có quyền năng hoán cải cõi lòng của mọi người. Giakêu là một minh chứng rõ ràng, ông đã thay đổi ngay lập tức - ngay cả trước khi Chúa Giêsu ngồi xuống bàn ăn: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19: 8)

 

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về Giakêu trong một bài huấn từ: 

Sự khinh miệt và khép kín đối với tội nhân chỉ cô lập anh ta và làm anh ta cứng lòng trước những điều xấu xa mà anh ta làm chống lại chính mình và chống lại cộng đồngThiên Chúa lên án tội lỗi, nhưng Ngài cố gắng cứu tội nhân, Ngài đến gặp tội nhân để đưa anh ta trở lại con đường ngay thẳng.Chúa Giêsu tìm gặp Giakêu và đề nghị đến thăm nhà ông. Một sự “thay đổi tâm thế” liền diễn ra trong đầu của người đứng đầu những người thu thuế, ông nhận ra rằng “cuộc sống bị tiền bạc chi phối là một cuộc sống tầm thường.” 

 

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Có Chúa Giêsu trong nhà, khiến ông ta nhìn mọi thứ bằng con mắt khác, và thậm chí với một chút dịu dàng mà Chúa Giêsu nhìn ông đã khiến Giakêu quyết định chia sẻ cho người nghèo. Chúa Giêsu bộc lộ cho ông thấy rằng có thể yêu thương một cách vô điều kiện: từ trước đến nay ông ta keo kiệt, nay ông ta trở nên quảng đạiNói cách khác, bằng cách gặp gỡ Tình yêu, bằng cách khám phá ra rằng mình được yêu thương bất chấp tội lỗi của mình, ông đã trở nên có khả năng yêu thương người khác, coi tiền bạc là dấu hiệu của sự đoàn kết và hiệp thông.” [5]

 

Nhìn Giakêu lùn ngồi vắt vẻo chờ đợi trong lùm cây, dân chúng Do thái ngày xưa và cả chúng ta ngày nay đều thấy thật lố bịch, nhưng Chúa Giêsu nhìn thấy nơi hành động đó một sự tìm kiếm hướng thiện, điều kiện tiên quyết để được cứu độ. Chúa Giêsu hôm nay cũng muốn thấy và khơi lên nơi chúng ta lòng khát khao âm thầm nhưng thánh thiêng ấy: “Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19:10).

 

Tuần trước, thánh Luca cho thấy Chúa Giêsu nói về một người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện và ông ta được chính Chúa Giêsu công bố: “Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi” (Lc 18: 14) dù ông ta chỉ biết thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18: 13). Có lẽ đôi khi chúng ta tự hỏi: làm nhiều việc “đạo đức tốt lành” để được gì, nếu một kẻ thu thuế tội lỗi, chẳng làm gì ngoài một lời cầu nguyện, lại có thể được tuyên bố là công chính? Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Giakêu hôm nay cho chúng ta câu trả lời: nhận ra và xưng thú tội lỗi mình là điều cần thiết, nhưng nếu chỉ dừng lại đó thì lại giống như một bệnh nhân biết mình mắc bệnh nhưng không chịu đi tìm thầy thuốc để chữa trị và thay đổi cách sinh hoạt để không mắc bệnh trở lại! Chúng ta đều là tội nhân, điều quan trọng không chỉ là “nhận ra tội lỗi” của mình mà còn cần phải “cải tà quy chánh”, hoán cải và thay đổi: “anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Êphêsô 4: 22-23).

 

Để được như vậy, một khi đã hoán cải, chúng ta cần phải: “sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Chúa Kitô vì Ngài là Đầu… Ngài làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái” (Êphêsô 4: 15-16). 

 

 Phêrô Phạm Văn Trung

[1] theo bản Kinh thánh NABRE, New American Bible Revised Edition.

[2] Học viện Giáo Hoàng Piô X Đà Lạt, tonggiaophanhanoi.org

[3] evidenceunseen.com

[4] Origen, Contra Celsum 1.62; 2.46, Đã dẫn trên. 

[5] Bài huấn từ trong buổi đọc kinh Truyền tin ngày 3/11/2019. 

Bài cùng chuyên mục:

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật lễ Phục sinh năm B (29/03/2024 08:44:15 - Xem: 30)

Lời loan báo “Chúa Kitô đã sống lại!” nhắc nhở chúng ta rằng Chúa luôn gần gũi chúng ta. Nhận biết sự hiện diện của Người củng cố con người yếu đuối của chúng ta trong cuộc đời.

THÁNH GIÁ, nguồn mạch của Lòng Thương Xót (28/03/2024 07:44:50 - Xem: 122)

Yêu với thiện chí vượt trên mọi cản trở, mọi căng thẳng đang có, Để chữ yêu tìm thấy ý nghĩa trọn vẹn của nó trong mái ấm gia đình.

Có phải Giu-đa tham tiền bán Chúa? (28/03/2024 05:42:17 - Xem: 96)

Bi kịch của Giuđa là đã để ý mình trên ý Chúa, theo Chúa nhưng nhất định không để Chúa biến đổi mình.

Gia vị cho bài giảng Lễ Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B (20/03/2024 16:23:14 - Xem: 393)

“Chúng ta là những người thích nghe các câu chuyện về đời sống hằng ngày cũng như trong đời sống đức tin…

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa Nhật lễ Lá (20/03/2024 07:40:34 - Xem: 486)

Trên con đường thập giá, Ðức Giêsu đã đi đến tột cùng của nỗi cô đơn: “Lạy Thiên Chúa tôi, tại sao Ngài bỏ tôi?”.

Tội nào đáng bị lên án! (19/03/2024 14:18:30 - Xem: 333)

Biết bao hòn đá của ngôn từ nơi miệng “thanh cao” từ cá nhân hay đám đông đầy tiêu cực, giả dối, lọc lừa… cứ thoải mái ném vào tâm hồn những người mỏng manh yếu đuối.

Tình yêu khôn dò của Thiên Chúa nơi cái chết trên thập giá của Đức Kitô (15/03/2024 07:27:06 - Xem: 399)

Trong khi chờ đợi tới ngày chung thẩm, chúng ta sẽ sống như thế nào? Chúng ta sẽ chuẩn bị ra sao?

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa Nhật 5 MC năm B (12/03/2024 14:56:18 - Xem: 618)

Con người tội lỗi chết dần đi thì con người đích thực được dựng nên giống hình ảnh Chúa mới hình thành.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 5 MC năm B (12/03/2024 05:52:15 - Xem: 457)

Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta hãy chôn mình trong lòng đất bằng cách hy sinh cho tha nhân như Chúa Giêsu đã làm.

Chay tịnh internet (10/03/2024 05:05:23 - Xem: 366)

Khi tự nguyện kiêng khem là để loại bỏ những hậu quả tiêu cực trong việc sử dụng internet, kể cả những hậu quả trên sức khoẻ tâm lý.

Bài viết mới