Suy tư - Cảm nghiệm

Trở về quê nhà

  • In trang này
  • Lượt xem: 9,801
  • Ngày đăng: 30/06/2021 10:47:28

TRỞ VỀ QUÊ NHÀ

 

Tại sao ngôn sứ không được tiếp đón khi trở về quê nhà? Có nhiều lý do dẫn đến điều này. Đó có thể do ghen tương, định kiến, cố chấp, có thể do bị mù lòa về đức tin, không nhận ra căn tính của Chúa Giêsu.

 

 

Chắc hẳn rằng hai từ quê nhà với bạn gợi nhớ biến bao nhiêu những kỷ niệm thân thương và gắn bó nhưng có lẽ với những người khác nó lại gợi lên những kinh nghiệm về những nỗi đau và sự mất mát. Chúa Giêsu trải qua kinh nghiệm về sự khước từ ngay chính tại quê hương của mình. “Người đã đến nhà mình nhưng người ta lại chuộng bóng tối hơn ánh sáng.”[1] Thực ra, thái độ của dân làng đón tiếp Chúa Giêsu phản ánh thái độ nội tâm của bạn và tôi trong hành trình tiến về quê nhà đích thực trên thiên đàng. 

 

1/ Hai từ quê nhà

Nói đến quê nhà thường bạn nghĩ ngay đến gia đình, tương quan, nơi cảm thấy an toàn, nơi được dưỡng dục hình thành nhân cách. Quê nhà thường gắn với những tương quan, nơi bạn được sinh ra và lớn lên, được nuôi dưỡng và cưu mang những ước mơ. Nó là bệ phóng để bạn bước vào đời. Nói chung quê nhà thường là không gian được bảo vệ và nơi khao khát được trở về. Tuy nhiên không chỉ mang nghĩa cụ thể, quê nhà ở đây còn mang nghĩa trừu tượng.[2] Quê nhà chính là không gian nội tâm, thái độ sống, cung cách và hành vi ứng xử, là nơi ta gặp lại chính ta, là nơi thân mật gặp gỡ Thiên Chúa và chính mình. Quê nhà là quốc gia, là dân tộc[3], là dòng dõi của một người, là quê hương vĩnh cửu mà mỗi người hằng khao khát. Như thế quê nhà ở đây không chỉ là không gian cụ thể nhưng là không gian nội tâm, là điểm đến khi bạn hoàn tất cuộc sống lữ hành. Quê hương gợi nhớ nguồn cội. Tuy nhiên có một nghịch lý khi nói về quê nhà mà bạn ít để ý. 

 

2/ Nghịch lý khi trở về quê nhà

Các bài đọc trong Chúa Nhật Tuần XIV TN Năm B có nói đến nhà hay ít nhiều liên quan đến quê nhà. Bài Đọc I “Thiên Chúa răn dạy nhà Ít-ra-en qua miêng ngôn sứ Êzêkiel bởi vì nhà ít-ra-en đã ra cứng lòng.”[4] Bài Đọc II Thánh Phao-lô biểu lộ sự vui sướng được đón nhận Đức Kitô vào trong ngôi nhà tâm hồn của mình.[5] Bài Tin Mừng: “Ngôn sứ không được tiếp đón khi ở tại nhà mình.”[6] Tin Mừng chỉ ra sự đối lập về sự mù tối của dân làng và sự mặc khải về căn tính của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa, ngôn sứ nói Lời của Chúa, nhưng Ngài đã bị chối từ ngay chính tại quê hương của mình. Ngài bị khước từ ở tại một nơi tưởng chừng như là nơi an toàn nhất. Thái độ dân làng Na-za-rét đón tiếp Chúa Giêsu phản ánh thái đội nội tâm của mỗi người khi đón tiếp Thiên Chúa, khi Ngài bước vào cuộc đời của mình.

 

Tại sao ngôn sứ không được tiếp đón khi trở về quê nhà? Có nhiều lý do dẫn đến điều này. Đó có thể do ghen tương, định kiến, cố chấp, có thể do bị mù lòa về đức tin, không nhận ra căn tính của Chúa Giêsu. Và có khi bạn không chấp nhận chính mình, khó tha thứ cho chính mình và ngay cả những người khác. Thâm chí không chấp nhận con người thật của mình và chấp nhận chính Chúa. Điều này có thể là cách bạn chối bỏ việc đón tiếp Thiên Chúa. Đôi khi bóng tối trong tâm hồn bạn cũng có thể ngăn cản bạn gặp gỡ Thiên Chúa. Gặm nhấm những vết thương của quá khứ cũng giúp bạn cảm thấy khoan khoái, ở lại trong tội cũng có thể giúp bạn cảm thấy được một chút ủi an.

 

Vả lại, khi bạn đối diện với những đau khổ và những mất mát trong đời sống, có lẽ bạn chỉ thấy và tập trung vào nỗi đau của chính mình và sự dữ trong đời sống mà quên mất hàng nghìn điều lớn lao hơn mà Thiên Chúa đang quan phòng và chăm sóc cho bạn. Bạn chỉ nhìn thấy những vết đốm nhỏ mà không nhìn thấy bức tranh lớn lao hơn. Có khi bạn đối diện với một sự mâu thuẫn và khó hiểu giữa sự tốt lành của Thiên Chúa, sự tồn tại của sự dữ và sự đau khổ của những người công chính. Đại dịch cũng là một thách đố cho niềm tin của bạn vào một Thiên Chúa tốt lành và sự hiện diện của sự dữ trong đời sống. Vấn đề là bạn có còn thực sự tin và cảm nhận vào sự hiện diện của Ngài giữa những phong ba bão táp của cuộc sống hay không. Phải chăng con sóng cuộc đời xô ngã trái tim tôi.

 

Khi bạn nhìn vào bức tranh gia đình ngày hôm nay hay nơi chính gia đình của bạn, có thể bạn không tìm thấy được hạnh phúc trong chính ngôi nhà của mình. Con cái suốt ngày bị tra tấn bởi sự cãi vã và bất hòa. Ngôi nhà không còn thực sự là tổ ấm, trường học đầu tiên và là sự hiệp thông của các ngôi vị nhưng gia đình là hỏa lò thiêu đốt tuổi thơ. Tuổi thơ bị lạc mất khỏi vòng tay gia đình. Trẻ em bị khước từ ở một nơi an toàn nhất, nơi cưu mang sự sống và ươm mầm những ước mơ. Chúa Giêsu không được đón nhận ngay cả những tương quan ruột thịt.

 

Giới lãnh đạo tôn giáo và chính trị Do Thái thời Đức Kitô cũng chối bỏ việc đón nhận Lời của Ngài. “Bởi lẽ Lời này nghe chói tai quá.”[7] Lời Chúa không thể bén rễ trong tâm hồn và trái tim ủa họ. Họ không mở lòng ra với chân lý và sự thật cho nên sự thật không thể giải phóng họ được. Việc từ chối Chúa Giêsu vẫn là một hiện thực đang diễn ra trong xã hội và thế giới hôm nay. Nhiều nhà lãnh đạo chính trị tìm cách ngăn cản Tin Mừng và dập tắt niềm tin của người tín hữu bởi vì họ sợ rằng giáo lý đụng chạm đến lương tâm con người và họ sẽ được biến đổi.

 

Và thực tế đáng buồn ngay tại những quốc gia có truyền thống Kitô giáo tại Châu Âu cũng đã đang tìm cách chối bỏ chân lý của Đức Kitô cả trên bình diện lý thuyết lẫn thực hành. Có lẽ hơi quá đáng khi nói rằng không có Kitô Giáo thì sẽ không có Châu Âu ngày nay, ít nhất về mặt tổ chức xã hội, ý thức về nhân phẩm và sự tự do liên đới chứ chưa nói đến những giá trị siêu nhiên. Tuy nhiên có một sự thật đáng buồn là sau khi có được Châu Âu họ lại tìm cách loại bỏ chính nền tảng đã kiến tạo nên quê hương của mình. Nói thế không có nghĩa rằng, Giáo Hội và những nhà lãnh đạo tôn giáo đã hoàn thiện và thực sự trở nên tốt lành như người mục tử mà Đức Kitô hằng mong muốn. Trái lại, Giáo Hội cũng cần phải căn tân và hoán cải mỗi ngày. Vậy nếu hôm nay, Chúa Giêsu bước vào căn nhà nội tâm của bạn, Ngài sẽ thấy được điều gì?    

  

3/ Quê nhà trong trái tim tôi

Chúa Giêsu bước vào căn nhà nội tâm của bạn với những ngổn ngang và yếu đuối, những ước mơ còn dang dở, những vết thương chưa được chữa lành, những tội lỗi thầm kín chưa dám xưng ra, những góc khuất mà trong đó ân sủng của Thiên Chúa chưa đụng chạm tới. Rất có thể Chúa Giêsu không có chỗ đứng trong trái tim bạn khi bạn không chấp nhận chính mình và sự tha thứ của Ngài.

 

Khi đối diện với chính mình và với những khao khát sâu thẳm trong lòng mình bạn thấy được điều gì? Phải chăng đó là khao khát sự nối kết và sự trao tặng chính mình, phải chăng là những yếu đuối và lời mời gọi phía trên cao, và cũng nơi đó bạn gặp được Đấng hiện diện sâu thăm hơn chính sự sâu thẳm trong trái tim bạn. Phải chăng đây là khao khát được là chính mình ngay trong chính căn nhà của mình. Bạn được ở với bạn ngay trong nhà mình, bạn được ở với Ngài ngay trong căn nhà nội tâm của mình. Dĩ nhiên trước khi được ở lại với chính mình trong chính căn nhà của mình, bạn vẫn có thể đang bị “lưu vong.” Điều mà thánh Phaolô gọi là sự yếu hèn. Nhưng điều làm cho thánh Phaolô cảm thấy được an ủi là sức mạnh của Đức Kitô ngự trong sự yếu đuối và mang lấy sự yếu đuối của tôi. Có được điều này, bạn thực sự được “hồi hương.”

 

Chúa Giêsu nói, trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, và Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Chúa Giêsu không cách xa bạn nhưng Ngài luôn ở với bạn cho dù bạn không ý thức về sự hiện diện của Ngài. Một khi bạn có chỗ trong trái tim và được cư ngụ trong nhà Chúa khi đó bạn thực sự được ở trong nhà mình. Bạn được hưởng Phúc Kiến Nhan Thánh Chúa. Phải chăng đó là hành trình mà mỗi người đang tìm về.

 

Gioan Phạm Duy Anh SJ

………

[1] Ga 1,11

[2] Rabbi Chaim Weiner, There Is No Place Like Homehttps://myhebrewwords.wordpress.com/2015/12/17/19-%d7%91%d7%99%d7%aa-bayit-there-is-no-place-like-home/ (21 June, 2021)

[3] https://biblehub.com/greek/3624.htm

[4] Ed 2, 2-5

[5] 2 Cr 12, 7-10

[6] Mc 6, 1-6

[7] Ga 6,60

Bài cùng chuyên mục:

Suy Tư Tin Mừng CN4PS: Cách Mục Tử Giêsu chăm sóc con người (21/04/2024 00:27:16 - Xem: 182)

Chúa Giêsu biết rất rõ chúng ta. Câu này nghe có vẻ lạ tai, nhưng phản ánh đúng tính chất siêu phàm của Thiên Chúa.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 4 PS năm B (19/04/2024 00:46:30 - Xem: 383)

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành nói rằng Người biết tên từng con chiên của mình.

Tại sao 40 ngày sau phục sinh, Chúa Giê-su mới về trời! (18/04/2024 00:00:21 - Xem: 241)

Cách thức Chúa chứng minh Ngài đã sống lại rất thực tế với tâm lý con người. Từ đó cho thấy tường thuật của các tác giả Tin Mừng không hề hư cấu, không bịa đặt vẽ vời…

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 4 Phục sinh năm B (17/04/2024 23:56:59 - Xem: 0)

Ngày nay có nhiều người trẻ không muốn đi tu, có thể vì họ thấy nơi một số các linh mục và tu sĩ có một kiểu sống khô khan vị kỷ, không quảng đại và vui tươi hồn nhiên...

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 3 PS năm B (11/04/2024 08:22:12 - Xem: 599)

Việc Chúa Giêsu phục sinh không phải là một thứ kinh nghiệm tôn giáo nào đó, mà rõ ràng là chuyện thực tế trước mắt, vì các tông đồ đã chứng kiến tận mắt.

Gia vị cho bài giảng lễ Chúa Nhật 3 Phục sinh năm B - 2024 (10/04/2024 08:06:33 - Xem: 679)

Các tông đồ không nhận ra Chúa Phục Sinh vì sợ hãi, nhưng người ta có thể không nhận ra chân lý vì tự mãn, kiêu ngạo và thành kiến.

Bốn gợi ý của Đức Thánh Cha Phanxicô để thêm kiên nhẫn (09/04/2024 08:07:28 - Xem: 249)

Thiên Chúa là Đấng chậm giận. Đức Kitô đã thể hiện sự kiên nhẫn ngay chính trong cuộc Khổ nạn của Người.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 2 Phục sinh năm B (05/04/2024 07:31:00 - Xem: 507)

Chính đức tin kích hoạt lòng mến cao độ, để chúng ta có thể làm chứng cho lòng thương xót của Chúa bằng chính đời sống mình ở giữa mọi người hôm nay.

Gia vị cho bài giảng lễ CN 2 Phục sinh năm B - 2024 (02/04/2024 07:16:18 - Xem: 323)

Chúa Nhật Thứ Hai của Mùa Phục Sinh mời gọi chúng ta suy ngẫm về tình yêu thương và lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa dành cho chúng ta

Sự thật là gì? (30/03/2024 10:41:24 - Xem: 300)

Sự thật của Thiên Chúa đi kèm với chống đối và bách hại. Ai muốn sống sự thật này, hãy tự đóng cho mình cây thập giá và lê lết vác nó đi cả kiếp người.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7