Thứ Tư 29/05/2024 – Thứ Tư tuần 8 thường niên. – Tiên báo Thương Khó.
- In trang này
- Lượt xem: 4,354
- Ngày đăng: 28/05/2024 10:00:00
Tiên báo Thương Khó.
29/05 – Thứ Tư tuần 8 thường niên.
"Giờ đây chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp".
Lời Chúa: Mc 10, 32-45
Khi ấy, các môn đệ và Chúa Giêsu lên đường đi Giêrusalem, Chúa Giêsu dẫn đầu đi trước họ, và các ông hết sức bỡ ngỡ, những người theo sau thì sợ hãi. Người gọi mười hai ông lại gần và nói cho các ông biết những gì sẽ xẩy đến cho Người: "Giờ đây chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế, các luật sĩ và các kỳ lão. Họ sẽ kết án tử hình Người và nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo cười Người, phỉ nhổ vào Người, đánh đòn và giết Người, và ngày thứ ba Người sẽ sống lại".
Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, đến gần Người và thưa Người rằng: "Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy". Người đáp: "Các con muốn Thầy làm gì cho các con?" Các ông thưa: "Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy". Chúa Giêsu bảo: "Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?" Các ông đáp: "Thưa được". Chúa Giêsu bảo: "Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định".
Mười môn đệ khác nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan.
Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: "Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người".
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
Suy Niệm 1: Không được như vậy
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Khi nghĩ đến những đau khổ Đức Giêsu phải chịu
chúng ta thường nghĩ ngay đến cuộc Khổ nạn của Ngài.
Chúng ta ít nghĩ đến một đau khổ khác,
đó là Ngài phải chịu đựng sự chậm hiểu của các môn đệ.
Bài Tin Mừng hôm nay là một thí dụ khá rõ.
Khi đang trên đường lên Giêrusalem,
Thầy Giêsu kéo riêng Nhóm Mười Hai để loan báo cho họ lần thứ ba
về những gì sắp xảy đến cho mình trong cuộc Khổ nạn (c. 32).
Tiếc thay, hai môn đệ thân tín là Giacôbê và Gioan,
vẫn loay hoay ở lại trong tham vọng về chức quyền của mình.
Họ nói với Thầy Giêsu một câu không được lịch sự lắm:
“Chúng con muốn Thầy làm cho chúng con bất kỳ điều gì chúng con xin.”
Vậy mà Thầy vẫn nhẹ nhàng trả lời họ:
“Các anh muốn Thầy làm gì cho các anh?” (c. 36).
Họ đã dám xin được ngồi hai chỗ cao nhất trong vinh quang Nước Thầy.
Thầy Giêsu thú nhận mình không có quyền cho điều đó,
nhưng Thầy lại mời hai ông chia sẻ chén đắng Thầy sắp uống
và dìm mình thật sâu trong phép rửa Thầy sắp chịu (c. 38).
Khi thấy mười môn đệ kia tức giận với Giacôbê và Gioan,
Thầy Giêsu đã huấn dụ cho cả nhóm về cách lãnh đạo trong Giáo Hội.
Cách lãnh đạo này khác hẳn cách lãnh đạo ngoài đời,
thường dùng quyền uy để thống trị và mưu cầu tư lợi.
“Giữa anh em thì không được như vậy!” (c. 43).
Mọi chức vụ và quyền bính là để phục vụ cho Dân Chúa.
Thầy Giêsu chỉ cách hành xử cho những ai muốn làm lớn, làm đầu.
Đó là sống như người đầy tớ, người phục vụ (c. 44).
Thầy Giêsu đã không nói suông, nhưng sống điều Ngài giảng.
Rõ ràng Thầy là người có uy quyền (Mc 1, 22.27; 2, 10).
Nhưng quyền uy đó chỉ được dùng để rao giảng và để giải phóng.
Suốt đời Thầy đã sống như một người phục vụ.
Và giờ đây, cái chết của Thầy chính là một việc phục vụ cao nhất.
Lần đầu tiên Thầy Giêsu nói rõ ý nghĩa cái chết của mình.
Như người Tôi Trung trong ngôn sứ Isaia (Is 52,13 - 53,12)
Thầy phải trả giá bằng mạng sống để cứu chuộc muôn người (c. 45).
Không dễ kéo các môn đệ ra khỏi những tham vọng trần tục.
Thầy Giêsu vẫn thấy mình lạc lõng bên cạnh các môn đệ.
Họ không hiểu được Thầy, và cũng chẳng muốn đi đường Thầy đi.
Làm sao để chúng ta cảm được hạnh phúc của việc phục vụ?
Làm sao để chúng ta hiểu rằng phục vụ không làm con người hèn hạ,
nhưng lại nâng cao con người và ban cho nó sự lớn lao đích thực?
Chính Chúa Giêsu, Đấng được thành toàn nhờ suốt đời phục vụ,
là chỗ dựa đầy hy vọng của chúng ta.
Cầu nguyện:
Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các Kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.
Suy Niệm 2: Phục hồi vinh quang
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Bị ngoại bang xâm lấn. Mất nước. Nô lệ. Nhục nhã. Người Do thái nhớ lại thời huy hoàng. Được Chúa phù trợ. Ngẩng đầu hiên ngang trước các cường quốc. Vì thế họ nài xin Chúa hãy trở lại. Hãy tái diến những kỳ công thuở xa xưa. Hãy phục hồi dân Chúa. Để cho mọi người nhận biết và tôn thờ Chúa. “Xin cho tái diễn những điềm thiêng và lại làm những dấu lạ khác. Các chi tộc Gia-cóp, nguyện chúa thương quy tụ cả về. Xin thương trả lại phần gia sản, như Chúa đã cho họ thuở ban đầu…Xin làm cho khắp cả Xi-on vang lời tường thuật những kỳ công của Chúa, và làm cho thánh điện, được rực rỡ ánh vinh quang của Ngài.. Và mọi người trên mặt đất sẽ nhìn nhận Ngài là Đức Chúa, là Thiên Chúa muôn thuở muôn đời” (năm lẻ).
Thiên Chúa đáp lời. Gửi Con Một từ trời xuống cứu độ con người. Nhưng không phải bằng bạo quyền thống trị theo thói người đời. Như hai anh em nhà Dê-bê-đê lầm tưởng. Nhưng bằng khiêm nhường phục vụ. Đến hi sinh mạng sống. Như Chúa dạy dỗ các tông đồ: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em, thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến, không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Con đường của Chúa là con đường khiêm nhường. Hạ mình để phục hồi anh em. Chịu chết để cứu sống anh em. Chịu nhục nhã để anh em được vinh quang. Vì thế Chúa quả quyết lên Giê-ru-sa-lem để chịu chết. Điều đó khiên các môn đệ kinh hoàng. Nhưng đó mới là con đường vinh quang. Chúa được vinh quang. Và Chúa phục hồi ta trong vinh quang.
Vì thế thánh Phê-rô khuyên nhủ chúng ta. Trước hết phải nhận biết sự thật. Chúng ta được phục hồi không phải do thế lực trần gian. Nhưng do bửu huyết của Chúa Giê-su. Chúa đi vào con đường khiêm nhường phục vụ. Chịu chết rồi phục sinh. Đó là niềm hi vọng của chúng ta. Nếu đã biết sự thật. Ta hãy thanh luyện tâm hồn khỏi các thế lực trần gian. Hãy biết khiêm nhường phục vụ lẫn nhau. Yêu thương nhau: “Anh em hãy tha thiết yêu mến nhau với tất cả tâm hồn. Vì anh em đã được tái sinh, không phải do hạt giống mục nát, mà do hạt giống bất diệt, nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống và tồn tại mãi mãi” (năm hẵn).
Suy Niệm 3: Tiên báo cuộc tử nạn
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Dù không có ghi lại những chỉ dẫn địa lý chính xác, người ta cũng biết rằng Chúa Giêsu đang tiến đến gần các biến cố trọng yếu của định mệnh Ngài. Ngài đã băng ngang vùng Galilê từ Bắc tới Nam. Thánh sử Marcô đã nhấn mạnh hành trình lên Yêrusalem này qua ba lần loan báo về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, và đây là lần loan báo thứ ba.
Thật vậy, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cập đến cái chết của Ngài như một con đường tất yếu phải đi qua. Giữa lúc mọi người đang thán phục về những lời rao giảng và các phép lạ của Ngài, giữa lúc mọi người đang chờ những điều phi thường hơn nữa, thì Chúa Giêsu lại tuyên bố: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, sẽ bị đánh đòn và bị giết chết".
Chết là điều tất yếu của thân phận làm người. Ðã nhập thể làm người, Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi định luật ấy. Thế nhưng, khi loan báo về cái chết của mình, Chúa Giêsu muốn nối kết nó với sứ mệnh của Ngài. Sứ mệnh của Ngài chỉ được thực hiện bằng con đường sự chết. Người ta chống đối Ngài, người ta giết chết Ngài vì cuộc sống, lời nói và việc làm của Ngài là một tố cáo tội ác của con người; Ngài bị chống đối đến cùng, vì cuộc sống và sứ mệnh của Ngài là một hành trình đi ngược dòng đời.
Người Kitô hữu đích thực cũng không thể tránh được số phận ấy. Là chứng nhân của Ðấng đã đi ngược dòng đời, họ cũng không thể thoát khỏi những chống đối. Cái chết âm thầm, cái chết từng giây phút chống lại tội lỗi và sự dữ là điều tất yếu trong cuộc sống người môn đệ Chúa Kitô; có chết như thế, họ mới biết rằng mình đang đi đúng con đường của Chúa Kitô, con đường dẫn đến sự sống đích thực.
Dù sống trong nghèo nàn, dù sống trong cơ cực, khổ đau, xin cho chúng ta luôn vững tin vào Ðấng đã đi qua con đường sự chết để dẫn đưa chúng ta vào cõi trường sinh.
Suy Niệm 4: Thập giá Chúa Kitô, Tin Mừng của ta
“Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào mặt Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau Người sẽ sống lại.” (Mc. 10, 33-34)
Trên đường lên Giêrusalem, Chúa Giêsu lại loan báo cho Nhóm Mười Hai, cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Người. Đây là lần loan báo thứ ba và cũng là dài hơn cả. Câu trả lời của các môn đệ xác nhận các ông đã quen cả rồi, ngay cả không còn sững sờ về điều tiên tri này nữa. Các ông vẫn bận tâm muốn biết mình sẽ có được địa vị nào trong cái vương quốc trần gian, mà theo các ông ước đoán, thì Thầy của họ sẽ gặp phải đau khổ và phải chết.
Khi thuận lợi và khi không thuận lợi
Chẳng lạ gì một sứ điệp phải loan báo đi mà lại mang vẻ ít hấp dẫn như vậy, gặp phải và luôn luôn sẽ gặp phải sự không hiểu; bao giờ sứ điệp ấy cũng vẫn sẽ là dấu hiệu bị người đời chống đối; phần chúng ta cho đến tận cùng thời gian sẽ bị cám dỗ muốn quên đi hay lẩn tránh sứ điệp ấy. Mầu nhiệm ấy, sứ điệp ấy vừa khó sống, lại vừa khó loan đi và ở mọi thời sẽ là đối tượng tầm thường cho bộ máy tuyên truyền nhắm vào. Tuy nhiên chính đó lại là nét đặc trưng của chúng ta. Nếu ta đánh mất đi thì còn gì để nói cũng như còn gì khôn ngoan hơn để dạy.
Hạnh phúc, công bình, chính trực chúng ta đâu có độc quyền. Nhưng “sự điên rồ của thập giá, nguồn tràn chảy ơn phục sinh” mới thật sự là của chúng ta. Khi ta loan báo điều gì khác không phải là “Đức Giêsu chịu đóng đinh, đã sống lại từ cõi chết”, ta đua tranh với những người giầu lòng nhân ái yêu thương, những bậc hiền nhân quân tử, và những vị ân nhân của nhân loại, điều đó tốt, nhưng không biện minh được cho hiện hữu cuộc đời Kitô hữu của ta. Không có ta, người ta vẫn có thể sống hạnh phúc và chính trực. Nhưng nếu ta không sống và loan đi sứ điệp của ta bằng một tình yêu nhưng không, tự do chấp nhận hiến thân, chết không chỉ cho bạn hữu mình mà còn cho cả những ai xa lạ, thù địch thì người ta sẽ không bao giờ hiểu biết được tình yêu sâu thẳm khôn lường của Thiên Chúa là thế nào.
Chẳng ai đã trông thấy Thiên Chúa bao giờ, mà chỉ thông qua những dấu chỉ, những bí tích mà con người được tiếp xúc với Người. Chỉ có một dấu chỉ tương xứng với một Thiên Chúa yêu thương chính là Đức Giêsu chết vì yêu thương, chính là những Kitô hữu nối gót Người, nhờ Người, và trong Người góp phần làm cho cái mầu nhiệm của một tình yêu đã làm nên những việc lạ lung của Thiên Chúa được trải dài đến thiên thu bất tận. Phúc âm không phải là công bố một hiệp ước xã hội đã được soạn thảo cách khoa học, nhưng là việc của Thánh Thần ngự trị trong Vương quốc tình yêu điên dại tuyệt vời, xâm nhập trái tim con người vậy.
Suy Niệm 5: Qua sự chết mới đến vinh quang
Câu chuyện Tin Mừng hôm nay có thể ví như nước thủy triều dâng. Tại sao thế? Thưa! Vì Đức Giêsu đang tiến dần đến cái chết của Ngài. Ngài tiến gần cả về địa lý lẫn thời gian cũng như khung cảnh bề ngoài.
Về mặt địa lý, Ngài đang lên gần đến thành Giêrusalem;
Về thời gian, đây là thời điểm thuận lợi để những người Pharisêu, Kinh Sư và những kẻ không ưa Ngài dễ dàng thực hiện ý định giết Ngài;
Về tâm lý, việc Ngài giảng dạy hấp dẫn và những việc Ngài làm thu hút dân chúng, nên người ta không ngớt lời khen ngợi, đây là dịp châm ngòi cho sự ghen tương sẵn có nơi giới lãnh đạo Dothái.
Vì thế, Ngài đã loan báo lần cuối cùng về số phận của Người Tôi Trung: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, sẽ bị đánh đòn và bị giết chết”.
Chết là quy luật không thể bỏ qua cho những ai muốn sống. Không có sự chết, không có phục sinh. Nhưng điều quan trọng là chết như thế nào và làm sao phải chết? Đây mới là điều cốt lõi.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta noi gương Đức Giêsu, đó là vì yêu thương mà không chịu xã hội mua chuộc; không chấp nhận sợ tiếng chửi và ăn mày tiếng khen mà đánh mất tinh thần vâng phục cũng như sứ vụ cứu rỗi nhân loại... Vì thế, Đức Giêsu đã chấp nhận chết vì yêu, vì sứ vụ.
Mỗi người Kitô hữu cần phải xác định rõ quy luật tất yếu này là: nếu ta thuộc về Đức Kitô, ấy là chúng ta chấp nhận đi cùng Ngài để lội ngược dòng. Khi lội ngược dòng như thế, chúng ta sẽ không tránh khỏi sự thù nghịch, khinh khi, và ngay cả mạng sống.
Như Đức Giêsu, chúng ta chỉ có được sự sống viên mãn khi chấp nhận quy luật ngược đời như vậy mà thôi.
Lạy Chúa Giêsu, tin và theo Chúa thật không dễ! Nhưng xin cho con hiểu rằng, vinh quang và hạnh phúc vĩnh cửu chỉ có được nơi những tâm hồn trung thành đến cùng. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 6: Phục vụ trong khiêm tốn
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Lý tưởng cao cả nhất của Kitô giáo là phục vụ trong khiêm tốn. Chúa Giêsu ở giữa chúng ta như một người tôi tớ. Chúa mời gọi chúng ta từ bỏ chính mình, để cùng Ngài đi vào con đường thập giá bằng đời sống phục vụ mọi người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, các môn đệ và người Do Thái ngày xưa, đã mong chờ Chúa là Đấng cứu tinh uy quyền và đầy sức mạnh. Nhìn thấy phép lạ Chúa thực hiện, cảm nhận uy tín trong lời Chúa giảng dạy, họ hy vọng một cuộc đổi mới, và họ sẽ được vinh quang. Nhưng chính lúc tưởng rằng sắp đạt tới tột đỉnh uy quyền, thì các ông lại ngỡ ngàng thất vọng khi nghe Chúa nói đến cái chết. Lạy Chúa, quyền bính mà Chúa thiết lập là thứ quyền bính của phục vụ. Cái chết của Chúa trên thánh giá là đỉnh cao của phục vụ, như một tên nô lệ. Nếu một người nô lệ sống là sống cho người khác, và chết cũng là chết cho người khác, thì Chúa đã chấp nhận sống và chết như một tên nô lệ.
Lạy Chúa Giêsu, hôm nay Chúa đang phục vụ con nơi bàn tiệc Thánh, Chúa phục vụ con nơi bà tiệc Lời Chúa, và bàn tiệc Thánh Thể. Chúa đã hoán đổi địa vị một cách bất ngờ. Con được trở thành người ngồi bàn, còn Chúa tự nguyện đi lại hầu hạ con. Chúa đã dọn bữa sẵn sàng và mời con hưởng dùng. Con xin dâng lời tạ ơn Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa giúp con biết sống tinh thần phục vụ theo kiểu của Chúa: muốn làm lớn thì phải làm nhỏ. Xin giúp con biết khám phá rằng: cuộc sống không phải để hưởng thụ, nhưng là để phục vụ. Và trong phục vụ, con sẽ có hạnh phúc. Bởi vì nếu con thông phần vào thập giá của Chúa thì con cũng được chia phần sự sống phục sinh với Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Giờ đây chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp”.
Suy Niệm 7: Tinh thần phục vụ
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
Địa vị và quyền hành đã gây ra chia rẽ giữa các môn đệ. Điều đó cho thấy mục đích theo Đức Giêsu của các môn đệ còn thấp kém. Chính vì thế, trước lời loan báo của Đức Giêsu về cuộc khổ nạn, các ông vẫn không hiểu, dù Ngài đã nói đến lần thứ ba.
Đức Giêsu thì cương quyết lên Giêrusalem để chấp nhận khổ nạn, còn các môn đệ thì sợ hãi kinh hoàng. Đức Giêsu nói rõ, con đường của Ngài là con đường đau khổ, là chấp nhận chén đắng. Sự thanh tẩy tức là từ bỏ mình, là chấp nhận khiêm tốn phục vụ như một đầy tớ của mọi người. Đó là vinh quang đích thực của Đức Giêsu và của những môn đệ Ngài.
Trên đường đi Giêrusalem, Đức Giêsu loan báo cho các môn đệ: “Ngài sẽ bị nộp cho các thượng tế và luật sĩ. Họ sẽ lên án xử tử Ngài... nhưng ba ngày sau Ngài sẽ sống lại” (Mc 10, 33). Đây là lần thứ ba Chúa nói cho các môn đệ biết về điều này. Nhưng thật đau lòng, khi nghe Chúa nói như vậy, các môn đệ không quan tâm gì, các ông lại tranh giành ngôi thứ với nhau. Nhân cơ hội này Chúa đã sửa bảo các ông một cách tế nhị, và dạy các ông bài học sâu xa về lòng khiêm nhường phục vụ và thắng vượt tính ghen tương.
Khởi đầu câu chuyện là hai ông Giacôbê và Gioan, hai anh em ruột, xin Chúa cho mỗi ông được ngồi bên hữu bên tả Chúa, nghĩa là muốn xin được địa vị cao trong nước Chúa khi Ngài được làm vua dân Do thái. Đây cũng là điều bình thường, ai lại không muốn cho mình được chỗ tốt nhất, được vinh dự?
Đức Giêsu quá biết tâm lý tự nhiên của mỗi người, muốn được làm lớn, được vinh dự, được làm thủ lãnh sai khiến người khác. Bởi vì các môn đệ hãy còn suy nghĩ về nước Đức Giêsu ở trần gian này, nên các ông còn thích quyền hành danh vọng và muốn người ta phục vụ mình.
Nhưng Đức Giêsu lại suy nghĩ khác, nước Ngài không thuộc về thế gian, cho nên người có quyền hành không được dùng địa vị của mình để cai trị áp bức người khác, để lên mặt ta đây, và bắt người khác phục vụ mình, nhưng trái lại phải biết phục vụ, không phải chỉ dành quyền lợi cho cá nhân mình, nhưng để bảo vệ quyền lợi cho tất cả mọi người.
Các môn đệ được coi như những con người còn rất “thô sơ”, còn đầy những nết xấu ví dụ như trường hợp hôm nay, các ông có tính ghen tị. Lòng kiêu ngạo muốn tranh đấu để làm đầu mọi người là điều không tốt, nhưng lòng ganh tị cũng không tốt đẹp gì. Khi thấy hai ông Giacôbê và Gioan xin Chúa được ngồi bên hữu bên tả Chúa, các môn đệ khác khó chịu, bực mình. Các ông ghen tị, không muốn cho hai anh em kia được phần hơn. Các môn đệ của Chúa cũng vẫn còn hẹp hòi, ích kỷ. Điều này cũng chứng tỏ các ông còn suy nghĩ về nước Đức Giêsu ở trần gian. Vì thế, Chúa cũng sửa bảo các ông phải loại bỏ tính xấu này.
Kiêu ngạo và ghen tị là hai nết xấu đã cản trở sự phát triển đời sống chúng ta về mọi phương diện. Chúng ta phải loại bỏ hai tật xấu này để sống hòa hợp, vui vẻ với nhau, cộng tác với nhau, đừng ai kiêu ngạo muốn hơn người, và cũng đừng ai phân bì, ghen tị khi thấy người khác hơn mình.
Đối với Đức Giêsu, chức quyền là để phục vụ. Chức quyền cũng như tiền bạc, tự nó không xấu. Bất cứ nhóm nào cũng cần có một người phụ trách. Nhưng theo ý Chúa, phụ trách trước hết không phải là một địa vị thống trị hưởng lợi, hưởng uy thế, mà là một địa vị để phục vụ nhiều hơn: “Con Người đến không phải được phục vụ, nhưng là để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người” (Mc 10, 45).
Người lãnh đạo trong Hội thánh là “đầy tớ”. Trong các văn kiện, Đức giáo hoàng thường dùng danh hiệu “Servus servorum”: đầy tớ của các đầy tớ. Những chức vụ có vai trò đặc biệt chỉ nên gọi là “thừa tác” hay “trợ tá” theo đúng nghĩa của chữ Latinh “Minister” là tôi tớ; hoặc tiếng Hy lạp “Diakonos” là đầy tớ và “Doulos” là nô lệ.
Trong các vị lãnh đạo của Giáo hội cũng phải có phẩm trật như người ta nói: “Kim chỉ phải có đầu” (tục ngữ), cần phải có một người đứng đầu điều khiển một cộng đoàn, chứ không thể có cảnh “Cá đối bằng đầu” (tục ngữ) mà mọi việc được xuôi lọt, vì sẽ không ai muốn phục tùng ai. Điều quan trọng mà Đức Giêsu muốn nhấn mạnh: không phải là huỷ bỏ chức vụ của những người đứng đầu, chức vụ của những người lãnh đạo, nhưng đừng dùng địa vị và quyền bính của mình để áp bức người khác.
Truyện: Gương Đức Giáo hoàng Gioan 23
Một lần kia, phái đoàn tòa Giám mục ra đón Đức Hồng y Roncalli mới đi xa về, vừa từ trên xe xuống. Mọi người ngạc nhiên, vì trên áo Hồng y có vương mấy cọng rơm đồng quê.
Ai hỏi, ngài cũng cười, nhưng các người đi cùng thì hiểu. Vì xe của Ngài đang từ hướng bắc về miền nam, đi qua đồng ruộng. Giữa đường có chiếc xe bò chở rơm sa hố. Ngài liền cho xe của Ngài dừng lại, xắn tay áo, ngài hò dô ta đẩy phụ, và chiếc xe rơm sa lầy lại chuyển bánh lên đường.
Những cọng rơm trên áo Hồng y, ngài chỉ cười xòa cho qua. Nhưng sự thực tỏ rõ cho chúng ta một Hồng y không quản ngại khó khăn hay sợ bẩn chiếc áo dòng sang trọng.
Sau này lên ngôi Giáo hoàng, với tước hiệu Gioan 23, Ngài vẫn tiếp tục nếp sống bình dị phục vụ như thế.
Lần khác, cả giáo triều Rôma báo động: “Đức Giáo hoàng mất tích”. Nhân viên an ninh đi tìm. Cuối cùng gặp ngài đang nói chuyện với tù nhân trong khám đường Rôma.
Suy Niệm 8: Muốn làm lớn làm đầu giữa giữa anh em
(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Hạt giống...
Hai cảnh tượng đối nghịch nhau một cách trắng trợn:
- Chúa Giêsu loan báo (đây đã là lần thứ ba) rằng Ngài sắp chịu nạn, chịu chết và sống lại.
- Hai môn đệ Giacôbê và Gioan lại xin hai địa vị ưu tiên trong "nước" mà họ nghĩ Chúa Giêsu sắp thành lập. 10 môn đệ kia bực tức. Không phải vì cho rằng hai môn đệ này sai mà vì nghĩ họ đã muốn "chơi trội" hơn mình trong cuộc chạy đua tranh dành địa vị.
Trong bối cảnh đó, Chúa Giêsu dạy về Nước Thiên Chúa và nước trần gian, về cách cư xử của những người lớn trong hai nước đó:
- Trong nước trần gian, kẻ làm lớn thì lấy quyền mà trị dân, bắt dân phục vụ mình.
- Trong Nước Thiên Chúa, làm lớn là làm đầy tớ, càng làm lớn thì càng phải phục vụ.
B.... nẩy mầm.
1. "Chúa Giêsu lên đường đi Giêrusalem. Chúa Giêsu dẫn đầu đi trước họ, và các ông hết sức bỡ ngỡ, những người theo sau thì sợ hãi": Khi viết câu này, có lẽ thánh Mác-cô cũng muốn nói lên tâm trạng của các kitô hữu trong giáo đoàn của ngài. Họ đang bị đế quốc rôma bắt bớ. Họ biết rằng làm môn đệ là phải đi theo Chúa Giêsu. Họ cũng biết có Chúa Giêsu dẫn đầu đi trước họ. Nhưng họ vẫn bỡ ngỡ và sợ hãi. Đó cũng là tâm trạng của chúng ta ngày nay.
Lạy Chúa, chúng con sợ. Nhưng xin Chúa nâng đỡ chúng con, để chúng con kiên trì theo chân Chúa cho đến cùng.
2. "Các con không biết các con xin gì": nhiều khi tôi cũng xin Chúa những điều mà tôi không hiểu, những điều hoàn toàn ngược với thánh ý Chúa.
3. "Lãnh tụ các nước thì sai khiến dân chúng như ông chủ…. Còn các con… ai muốn làm lớn thì hãy làm đầy tớ…": Trong cộng đoàn, tôi cũng có một chút "quyền", một chút "địa vị". Tôi đã dùng chúng như thế nào: như một ông chủ hay như một đầy tớ?
4. "Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em, ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em." (Mc 10,43-44)
Lượm cuốn sách lên cho nội, bé Thảo thắc mắc:
- Tại sao bà không cúi xuống được hở bà?
- Chân người già yếu lắm con, vả lại, khi cúi xuống bà thường bị chóng mặt, hoa mắt chỉ chực té thôi!
- Ồ, "cúi xuống" mà khó đến vậy sao? cô bé thốt lên đầy kinh ngạc...
... Đã từ lâu, người ta thường nhắc tới căn bệnh "sĩ" trong thời sinh viên, những kẻ "coi trời bằng vung". Vì "sĩ" người ta có thể làm tất cả, người ta học giỏi, chấp nhận nghèo khổ; vì "sĩ" người ta ăn chơi, người ta đánh nhau vì một câu nói vô tình v.v... Nhưng mấy ai vì "sĩ" mà "cúi xuống" để phục vụ người?
Lạy Chúa, xin cho đôi chân con thật vững, trái tim con đầy ắp yêu thương, để con biết "cúi xuống", dẫu có lúc chỉ vì thế mà phải chịu nhiều chuyện rắc rối, bởi xác tín rằng ngày xưa và mãi mãi, Ngài vẫn luôn làm như thế. (Hosanna)
5. Đây là câu chuyện vui của thầy Anrê với cây Thập giá bị bỏ lại. Trước khi bắt đầu cuộc hành hương về Núi Thánh, thầy tu viện trưởng dẫn các tu sĩ của mình đến nơi có trưng bày nhiều loại Thập giá lớn nhỏ khác nhau và nói: “Nào chúng ta mỗi người hãy chọn lấy cho mình một cây Thập giá để vác trong suốt cuộc hành hương này.” Các tu sĩ chạy đến tranh nhau dành cho mình cây Thập giá nhỏ nhất bao nhiêu có thể. Họ nghĩ thầm rằng đó là cây Thập giá nặng nhất, tiện đường vì cuộc hành hương còn xa.
Khi mọi tu sĩ đã chọn cho mình cây Thập giá rồi, thì còn lại một cây Thập giá to nhất cho thầy tu viện trưởng. Thầy bước đến vác lấy cây Thập giá đó mà chỉ dùng có một tay nhấc cây Thập giá lên cùng đi. Ai cũng có vẻ thích thú vì có thái độ “Lãnh nặng, tìm nhẹ” để vác lấy Thập giá trên đường hành hương, nhưng người dành được cây Thập giá nhỏ nhất mới vỡ lẽ ra rằng Thập giá mà mình cầm lấy lúc đầu lại là Thập giá nặng nhất.
Câu chuyện vui phơi bày tâm lý tầm thường của mỗi người. Miệng chúng ta quyết mạnh mẽ là mình vác lấy Thập giá theo Chúa nhưng có thể trong thâm tâm chúng ta ước ao có một cây Thập giá nhẹ nhàng, tiện lợi theo ý muốn riêng của mình hơn là vác lấy Thập giá theo thánh ý Chúa gởi đến cho mình. Hay tệ hơn nữa, chúng ta có thể xin Chúa cho mình được vâng lời, hay ngồi bên hữu, bên tả Chúa, như lời cầu xin của hai anh em con ông Giêbêđê được kể lại trong Phúc Âm (Mc 10,32-45).
Suy Niệm 9: Làm lớn như là cơ hội để phục vụ
(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)
1. Hai cảnh tượng đối nghịch nhau một cách trắng trợn:
* Chúa Giêsu loan báo (đây đã là lần thứ ba) rằng, Ngài sắp chịu nạn, chịu chết và sống lại. Trong lúc đó thì hai môn đệ Giacôbê và Gioan lại xin hai địa vị ưu tiên trong “Nước” mà họ nghĩ Chúa Giêsu sắp thành lập. 10 môn đệ kia bực tức. Không phải vì cho rằng, hai môn đệ này sai mà vì nghĩ họ đã muốn “chơi trội” hơn mình trong cuộc chạy đua tranh dành địa vị.
* Trong bối cảnh đó, Chúa Giêsu muốn dạy về Nước Thiên Chúa và nước trần gian, về cách cư xử của những người lớn trong hai nước đó:
- Trong nước trần gian, kẻ làm lớn thì lấy quyền mà trị dân, bắt dân phục vụ mình.
Mẹ Têrêsa kể ở Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại Johannesburg. Trong lúc người dân đói khổ, không cơm ăn, không nước uống, các phái đoàn hùng hậu của các quốc gia tham dự Hội Nghị, sống tại các khách sạn bốn sao, năm sao, với những thực phẩm hảo hạng, cả rượu “champagne” được chở từ các nước Tây Phương đến Johannesburg, để thỏa mãn khẩu vị của các phái đoàn trong 10 ngày Hội nghị thượng đỉnh.
Còn trong Nước Thiên Chúa, làm lớn là làm đầy tớ, càng làm lớn thì càng phải phục vụ.
Chúa Giêsu đã không coi việc cai trị như là cơ hội để hưởng thụ mà là để phục vụ.
Ngày xưa, vua nước Tề sai sứ giả đem thư sang thăm bà Uy Hậu nước Triệu, là mẹ của Triệu Uy Vương được giữ quyền nhiếp chính. Khi nhận được thư của sứ giả, bà Uy Hậu chưa vội xem nhưng hỏi ngay sứ giả:
- Tề năm nay không mất mùa chứ? Dân tình yên chứ? Vua cũng mạnh khoẻ chứ?
Sứ giả nghe hỏi, không bằng lòng, nói:
- Tôi vâng mạng vua nước tôi sang xứ bên này, Thái Hậu không hỏi đến vua tôi mà lại hỏi thăm mùa màng với dân sự trước, thế chẳng ra, tôn trọng kẻ hèn hơn người sang ư?
Uy Hậu mỉm cười bảo:
- Không phải! nếu không có mùa màng thì lấy đâu có dân, không có dân thì lấy đâu có vua? Ai lại bỏ gốc mà hỏi ngọn bao giờ!
Đoạn, Uy Hậu lại hỏi luôn một loạt:
- Chung Ly Tử là sử sĩ bên ấy vẫn được bình yên chứ? Người ấy có lương ăn cũng thế, không có ăn cũng thế. Có áo mặc cũng thế mà không có áo mặc cũng vậy. Ấy là người có thể giúp vua mà phục vụ dân đấy. Sao nhà vua đến bây giờ vẫn chưa triệu người ấy ra làm quan?
Còn Nghiệp Dương Tử bên ấy vẫn bình yên chứ? Người ấy thương xót kẻ quan quả, chu tuất kẻ cô độc, chân tế kẻ khốn cùng, giúp đỡ kẻ túng bấn, đó là một người có thể giúp vua để sinh lợi cho dân.
Còn người con gái Bắc cung tên Anh Nhi Tử vẫn bình yên đấy chứ? Người ấy bỏ cả đồ trang sức, đến già không lấy chồng để phụng dưỡng cha mẹ. Ấy là người làm gương mẫu cho dân, bắt chước ăn ở với cha mẹ cho có hiếu có đạo, sao đến bây giờ nhà vua chưa cho người ấy vào chầu? Nếu hai kẻ sỹ ấy không được làm quan, người con gái ấy không được vào chầu thì làm sao vua nước Tề trị được vạn dân?
À, còn tên Tử Trọng ở Ô Lăng vẫn còn đấy chứ? Tên này trên không làm nên tôi vua, dưới không trị được việc nhà, giữa không kết giao với ai, thế là tên này chuyên dạy dân làm điều vô dụng, sao đến bây giờ nhà vua chưa đem ra xử tử?
Hỏi xong, bấy giờ Uy Hậu mới xem thư.
3.”Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em, ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.” (Mc 10, 43-44).
Gần chúng ta bên nhà thờ Chí Hòa, có một cộng đoàn nữ tu gọi là tu hội Eau-Vive (Nước hằng sống). Tu hội này có nguồn gốc từ Bỉ. Ngoài công việc đạo đức ra, họ còn mở quán ăn phục vụ khách hàng. Cái đặc biệt của họ là sau giờ cơm tối, thông thường vào tối 9 giờ, tu hội có giờ cầu nguyện, chia sẻ Tin Mừng giữa các chị. Các chị thường thưa với khách hàng: “Giờ đây chúng tôi có giờ cầu nguyện, quý vị nào muốn tham gia, chúng tôi xin kính mời, ai không tham gia xin cứ tự nhiên”. Thế rồi các chị cùng một số thực khách sắp ghế vòng quanh lại và bắt đầu cầu nguyện với những bài thánh ca sốt sắng, truyền cảm. Có nhiều người mới đầu không tham gia, dần dần thấy hay hay cũng lắng tai nghe, rồi những lần kế tiếp xách ghế ngồi phía sau tìm hiểu. Khi đã quen, đã mê thì tuần nào cũng ít là một vài lần đến để ăn cơm, nhưng cốt là để tham dự các giờ cầu nguyện ban tối mà họ cho là rất tự nhiên, hấp dẫn và cảm động. Quán ăn đã trở nên nhà nguyện, vì có Chúa hiện diện giữa họ.
Lạy Chúa, xin cho đôi chân con thật vững, trái tim con đầy ắp yêu thương, để con biết “cúi xuống”, dẫu có lúc chỉ vì thế mà phải chịu nhiều chuyện rắc rối, bởi xác tín rằng, ngày xưa và mãi mãi, Ngài vẫn luôn làm như thế. (Hosanna).
Bài cùng chuyên mục:
Thứ Năm 10/10/2024 – Thứ Năm tuần 27 thường niên. – Hiệu Lực Của Lời Cầu Nguyện. (09/10/2024 10:00:00 - Xem: 438)
Thứ Năm tuần 27 thường niên.
Thứ Tư 09/10/2024 – Thứ Tư tuần 27 thường niên. – Chúa Giêsu dạy lời cầu nguyện. (08/10/2024 10:00:00 - Xem: 2,939)
Thứ Tư tuần 27 thường niên.
Thứ Ba 08/10/2024 – Thứ Ba tuần 27 thường niên. – Con đường yêu Chúa. (07/10/2024 10:00:00 - Xem: 3,816)
Thứ Ba tuần 27 thường niên.
Thứ Hai 07/10/2024 – Thứ Hai tuần 27 thường niên. – Đức Mẹ Mân Côi. Lễ nhớ. – Tôi tớ Chúa xin vâng. (06/10/2024 10:00:00 - Xem: 3,528)
Đức Mẹ Mân Côi. Lễ nhớ.
+ Chúa Nhật 06/10/2024 – CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN năm B. – Kính trọng thể ĐỨC MẸ MÂN CÔI. – Tôi tớ Chúa xin vâng. (05/10/2024 10:00:00 - Xem: 6,865)
CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN năm B. – Kính trọng thể ĐỨC MẸ MÂN CÔI.
Thứ Bảy 05/10/2024 – Thứ Bảy đầu tháng, tuần 26 thường niên. – Mừng vui đích thực. (04/10/2024 10:00:00 - Xem: 3,706)
Thứ Bảy đầu tháng, tuần 26 thường niên.
Thứ Sáu 04/10/2024 – Thứ Sáu đầu tháng, tuần 26 thường niên. – Thánh Phanxicô Assisi. Lễ nhớ. – Lắng nghe và sám hối. (03/10/2024 10:00:00 - Xem: 5,097)
Thánh Phanxicô Assisi. Lễ nhớ.
Thứ Năm 03/10/2024 – Thứ Năm đầu tháng, tuần 26 thường niên. – Sai bảy mươi hai người rao giảng. (02/10/2024 10:00:00 - Xem: 4,251)
Thứ Năm đầu tháng, tuần 26 thường niên.
Thứ Tư 02/10/2024 – Thứ Tư tuần 26 thường niên. – Các thiên thần hộ thủ. Lễ nhớ. – Thiên thần bảo trợ. (01/10/2024 10:00:00 - Xem: 4,918)
Các thiên thần hộ thủ. Lễ nhớ.
Thứ Ba 01/10/2024 – Thánh TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ kính. Bổn mạng các xứ truyền giáo. – Con đường thơ ấu thiêng liêng. (30/09/2024 10:00:00 - Xem: 5,785)
Thánh TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 28 TN năm B - 2024
Không thể có chuyện lựa chọn mà lại không từ bỏ, muốn được mà lại không chịu mất. Không chịu mất điều chi thì cũng chẳng được điều gì.
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 142 - Tình yêu nam nữ
Thưa cha, con thấy tình yêu thì giống nhau. Trong khi đó, đạo Công giáo có vẻ đề cao tình yêu hơn, nghĩa là có cả một bí tích liên quan...
-
Lòng trần còn tơ vương khanh tướng…
Chức tước, danh xưng trong Giáo hội VN vẫn là cơn cám dỗ rất lớn nơi người tu. Nó ít nhiều trở thành đặc ân ban phát, hay cơ cấu và thân...
-
Tại sao hôn nhân dễ tan vỡ? 10 nguyên nhân chính và cách ngăn ngừa
Dưới đây là cách đảm bảo cho cuộc hôn nhân của bạn có thể phát triển bất chấp mọi khó khăn mà nó có thể gặp phải.
-
Di sản của chúng ta: sinh lực chúng ta để lại
Nếu chúng ta sống trong cay đắng giận dữ, trong ghen tương và không sẵn lòng chấp nhận người khác, nếu cuộc sống chúng ta gieo hỗn loạn...
-
Đọc kinh Mân côi có thực sự cần thiết nữa chăng ?
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chia sẻ : “Kinh Mân Côi đã đồng hành với tôi trong những lúc vui sướng và trong những giai đoạn rất khó...
-
Hội chứng “Burn Out” – Người tông đồ nên làm gì ?
Burn out là hội chứng thường được nhắc tới trong đời sống xã hội hiện đại với dòng chảy quá nhanh và hối hả, với quá nhiều giao động cùng...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN lễ Đức Mẹ Mân Côi - 2024
Đối với người trẻ hôm nay đang sống trong một thời đại tốc độ, nghĩ rằng đọc kinh như thế thật mất giờ. Đó là một suy nghĩ cạn cợt và hời...
-
Gia vị cho bài giảng lễ Chúa nhật lễ Đức Mẹ Mân Côi - 2024
Chúng ta hãy luôn sống trong niềm vui mừng và tạ ơn nhớ đến sự hiện diện của Đức Maria và Con của Mẹ là Chúa Giêsu đã biến đổi cái thế...
-
Chuỗi Mân Côi – Chuỗi ngày sống
Chuỗi Mân Côi như chuỗi ngày sống của một đời người. Chuỗi Mân Côi có thể dùng để gột bỏ những đam mê, gạn lọc những tình cảm, và kết nối...
-
Câu chuyện chiều thứ bảy: Sự cần thiết của việc lắng nghe
Lắng nghe đòi hỏi chúng ta phải chú tâm để nghe, hiểu và thấu cảm. Như vậy, lắng nghe cũng là yếu tố quyết định cuộc sống của mỗi người.
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất
- Câu chuyện truyền cảm hứng về...