Thứ Tư 24/04/2024 – Thứ Tư tuần 4 Phục Sinh. – Ðức tin là ánh sáng.
- In trang này
- Lượt xem: 4,494
- Ngày đăng: 23/04/2024 10:00:00
Ðức tin là ánh sáng.
24/04 – Thứ Tư tuần 4 Phục Sinh.
"Ta là sự sáng đã đến thế gian".
Lời Chúa: Ga 12, 44-50
Khi ấy, Chúa Giêsu lớn tiếng nói rằng: "Ai tin vào Ta thì không phải là tin vào Ta, nhưng là tin vào Đấng đã sai Ta. Và ai thấy Ta là thấy Đấng đã sai Ta.
Ta là sự sáng đã đến thế gian, để bất cứ ai tin Ta, người ấy sẽ không ở trong sự tối tăm. Nếu ai nghe lời Ta mà không tuân giữ, thì không phải chính Ta xét xử người ấy, vì Ta đã đến không phải để xét xử thế gian, nhưng là để cứu độ thế gian. Ai khinh dể Ta, và không chấp nhận lời Ta, thì đã có người xét xử: lời Ta đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết.
Bởi vì Ta đã không tự mình nói ra, nhưng Cha là Đấng sai Ta, chính Người đã ra lệnh cho Ta phải nói gì và phải công bố gì. Và Ta biết rằng lệnh của Người là sự sống đời đời. Những điều Ta nói, thì Ta nói theo như Cha đã dạy".
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
Suy Niệm 1: Không tự mình nói
(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
Tự do là điều con người trân trọng.
Bao người dám chết để đổi lấy một chút tự do.
Các bạn trẻ thèm được tự do, để được là mình.
Người ta vẫn hiểu người có tự do là người muốn làm gì thì làm,
muốn nói gì thì nói, không bị bất cứ ràng buộc nào.
Nếu thế thì Đức Giêsu có tự do không?
Đức Giêsu có tự do không khi trong bài Tin Mừng Ngài khẳng định:
“Không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi,
truyền lệnh cho tôi phải nói gì, phải tuyên bố gì” (c. 49)?
“Những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi” (c.50).
Ngài có tự do không khi Ngài cũng chẳng tự mình làm bất cứ điều gì?
“Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi, Người không để tôi cô độc,
vì tôi luôn làm những điều đẹp ý Người” (Ga 8, 29).
Bao nhiêu lần trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu quả quyết
Ngài không tự mình nói gì, cũng không tự mình làm gì.
Ngài chỉ sống theo lệnh truyền của Cha (Ga 15, 10).
Lệnh truyền này không áp đặt Ngài từ bên ngoài,
nhưng chi phối sâu xa từ bên trong
toàn bộ hướng đi và những chọn lựa cụ thể của cuộc sống trần thế.
Đức Giêsu đã tự do đón lấy ý Cha, lệnh truyền của Cha.
Chính khi hoàn toàn để Cha chi phối, mà Ngài được tự do thật sự.
Chính khi đó Đức Giêsu trở thành sự hiện diện trong suốt của Cha.
“Ai thấy tôi là thấy Chúa Cha, Đấng đã sai tôi (Ga 12, 45; 14, 9).
Lời của Ngài là lời của Cha, việc Ngài làm là việc của Cha.
Chúng ta có thể gặp được Thiên Chúa một cách nguyên tuyền nơi Đức Giêsu,
Đấng đã dâng hiến tất cả tự do để sống hoàn toàn tùy thuộc.
Chính khi hoàn toàn tùy thuộc mà Ngài được hoàn toàn tự do.
Người được sai là một với người sai mình.
“Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10, 30).
Hãy đến với Giêsu Ánh Sáng và ra khỏi những bóng tối (c.46).
Hãy nghe, đón nhận và tuân giữ lời của Giêsu (cc. 47-48).
Chỉ khi ở lại trong lời của Giêsu chúng ta mới gặp được sự thật
và sự thật sẽ cho chúng ta được tự do (Ga 8, 31-32).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu,
và trọn cả ý muốn của con,
cùng hết thảy những gì con có,
và những gì thuộc về con.
Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con,
lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.
Tất cả là của Chúa,
xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.
Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng.
Được như thế, con hoàn toàn mãn nguyện. Amen.
(Kinh dâng hiến của thánh I-Nhã)
Suy Niệm 2: Ánh sáng sự sống
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Chúa Giê-su đi từ hữu hình đến vô hình. Từ lời nói đến ý tưởng. Từ ngọn đến nguồn. Nguồn sự sống. Nguồn sáng. Từ người được sai đi đến Đấng sai đi. Từ Chúa Con đến Chúa Cha. Chúa Cha vô hình nhưng Chúa Con hữu hình. Chúa Con nói nhưng là lời của Chúa Cha. “Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi; ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi”.
Tất cả phát xuất từ Chúa Cha. Chúa Giê-su phát xuất từ Chúa Cha. Lời Chúa nói, việc Chúa làm, đều phát xuất từ Chúa Cha. “Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì…Vậy những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi”.
Mà lời Chúa Cha chính là lời sự sống: “Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời”. Sự sống là ánh sáng. Cái chết là bóng tối. Chúa Giê-su đến đem lời Chúa Cha ban sự sống đời đời. Đem ánh sáng sự sống soi vào bóng tối chết chóc cõi nhân gian. “Tôi là ánh sáng, tôi đã đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối”. Vì thế ai đón nhận Chúa Giê-su là đón nhận Chúa Cha. Là đón nhận ánh sáng. Là đón nhận sự sống.
Cộng đoàn các môn đệ và các tín hữu đầu tiên đã tin nhận Chúa Giê-su là Thiên Chúa. Vì thế các ngài đón nhận được ánh sáng và sự sống. Vì thế cộng đoàn không ngừng phát triển mạnh mẽ. Khi làm cho lời lan tràn khắp nơi. Bác-na-ba liên tục kêu gọi tăng cường nhân sự. Thoạt tiên là đi đón Phao-lô ở Tác-sô. Nay lại cho vời Gio-an Mác-cô. Cho một sức sống bừng lên mạnh mẽ, tại An-ti-ô-khi-a có một bộ khung hùng hậu: “có những ngôn sứ và thầy dạy, đó là các ông Ba-na-ba, Si-mê-on biệt hiệu là Đen, Lu-ki-ô người Ky-rê-nê, Ma-na-en, bạn thời thơ ấu của tiểu vương Hê-rô-đê, và Sao-lô”.
Vì phát triển mạnh mẽ, nên phải tách ra: “Một hôm, đang khi họ làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo: “Hãy dành riêng Ba-na-ba và Sao-lô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm”…Vậy được Thánh Thần sai đi, …. Đến Xa-la-min, hai ông loan báo lời Thiên Chúa trong các hội đường người Do thái”.
Đón nhận Lời Chúa là ánh sáng ban sự sống, các môn đệ lớn mạnh. Ra đi khắp nơi. Rao giảng Lời Chúa không ngừng. Để soi sáng sự sống vào mọi chân trời trần gian.
Suy Niệm 3: Ðức tin là ánh sáng
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Theo cơ cấu của Phúc Âm thánh Gioan thì những câu chúng ta vừa đọc trên là những câu cuối cùng trong cuộc đời rao giảng công khai của Chúa Giêsu, bởi vì liền đó với chương 13, tác giả Phúc Âm thánh Gioan bắt đầu nói về biến cố Chúa rửa chân cho các môn đệ trong bữa Tiệc Ly, khởi đầu cuộc Thương Khó của Ngài. Vì thế, những lời vừa trích dẫn trên có thể tóm lược một cách tổng quát những lời giảng công khai của Chúa Giêsu cho dân chúng và Chúa Giêsu nhắc đến hai điểm chính yếu nhất:
- Tin Chúa là tin Thiên Chúa Cha, thấy Chúa là thấy được Thiên Chúa Cha. Tin Chúa sẽ mang lại ánh sáng soi cho cuộc đời của mình. Ðức tin là ánh sáng, không tin là sống trong bóng tối.
- Từ chối không tin. Con người tự kết án mình. Mặc dầu Chúa Giêsu không đến để kết án mà để cứu rỗi, không ai có thể thoát ra khỏi sự cứu rỗi cuối cùng này, và sự xét xử đến từ thái độ của người đó, đón nhận hay chối từ Thiên Chúa. "Ai nghe lời Ta mà không tuân giữ thì không phải Ta là người kết án kẻ ấy vì Ta không đến để luận phạt thế gian mà đến để cứu rỗi. Ai chê chối Ta và không nhận lời Ta thì sẽ có người xét xử kẻ ấy, tức là lời giảng dạy của Ta sẽ xét xử kẻ ấy trong ngày sau hết. Không ai có thể thoát khỏi sự xét xử này, nhưng sự xét xử đó sẽ đến trong ngày sau hết".
Trong hiện tại, Thiên Chúa luôn luôn kêu mời con người hãy trở về lại với Ngài sau những lần sa ngã, chối từ không tin Ngài. Thời giờ chúng ta đang sống là thời giờ của lòng nhân từ của Thiên Chúa. Ước gì mỗi người chúng ta đừng lợi dụng lòng nhân từ này, đừng khinh dễ bỏ qua ơn soi sáng của Chúa. Những trang Phúc Âm cho chúng ta biết rõ ý muốn của Thiên Chúa như thế nào nơi mỗi người chúng ta. Ngài muốn chúng ta tin nhận Ngài, lắng nghe lời Ngài và sống kết hiệp với Ngài.
Lạy Chúa, Chúa đã vạch ra một con đường cho mỗi người chúng con, đó là những dự án của tình yêu của Chúa để chúng con thực hiện. Xin Chúa giúp chúng con được luôn sẵn sàng thực hiện thánh ý Chúa lắng nghe lời Chúa chứ không phải là kẻ chịu đựng bất đắc dĩ, ý Chúa phải là ý con chứ không phải ý con là ý Chúa.
Suy Niệm 4: Từ bóng tối đến ánh sáng
Tin mừng theo thánh Gio-an được viết ra sau một thời gian dài cầu nguyện đến lúc chín mùi. Trước khi cho chúng ta những lời chứng, thánh nhân đã dầy kinh nghiệm sống với sức sống của Thiên Chúa, Cha, Con và Thánh Thần. Tin mừng này bày tỏ về Thiên Chúa Ba ngôi, qua con tim của một người, một người xác tín, một người tông đồ yêu dấu.
Đức Giêsu tự định nghĩa mình là người được sai đi của Cha. Thánh Gio-an không giới thiệu Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng là Con Cha. Hầu như bất cứ điều quan trọng nào đều chỉ về Cha và không chỉ về Con. Tất cả đều tương quan với Cha. Đức Giêsu thực hiện sứ mệnh do Cha ban, Người làm cho họ nhận biết sứ điệp của Cha. Đức Giêsu chính là sứ điệp của Cha.
Thái độ của Đức Kitô luôn luôn bày tỏ sự hoàn toàn tùy thuộc, hoàn toàn vâng lời lúc nào cũng sẵn sàng đối với Cha. Nếu Người cho lời Người là quan trọng vì đó là lời của Cha: “Chính lời Tôi nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết, thật vậy, không phải Tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai Tôi, truyền lệnh cho Tôi phải nói gì và tuyên bố gì”.
Chúng ta có lẽ phán đoán đây là một sự lệ thuộc quá nô lệ. Đức Giêsu không có một sự tự chủ của người trưởng thành …
Trái lại, chính đó là một hành động tự do của Đức Giêsu vì Người tự ý đặt mình sẵn sàng theo ý Cha: Đó chính là con đường cứu chuộc.
Con người muốn độc lập với Thiên Chúa, không muốn sống hợp với nguyên lý sự sống. Nhưng muốn được cứu chuộc phải vâng lời, phải tiến lại sống thân mật với Thiên Chúa. Thánh Phao-lô nói: Vì không vâng lời của một người, mà án phạt đã đến trong thế gian.
Chúng ta hãy để cho con tim chúng ta được tự do dâng lời cảm tạ biết ơn Đức Giêsu, là nguồn ơn cứu chuộc chúng ta, và Thánh lễ tạ ơn chúng ta sắp cử hành để tuyên xưng hồng ân của Chúa Cha là đã sai Con Một Ngài đến cho chúng ta.
C.G
Suy Niệm 5: Ánh sáng của Đức Kitô
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Nơi con người Chúa Giêsu có nhiều thứ ánh sáng. Đó có thể là thứ ánh sáng phản chiếu vinh quang quyền năng, thứ ánh sáng mà khi đối diện con người phải cúi đầu. Chúa Giêsu không tỏ lộ ánh sáng này cho các môn đệ và dân chúng theo Ngài, ngoại trừ một lần trên núi Thabor, Ngài biến hình sáng láng trước mặt ba môn đệ: Phêrô, Yacôbê và Gioan.
Ánh sáng thường gặp nơi Ngài là ánh sáng soi đường dẫn lối, một thứ ánh sáng không làm cho con người sợ hãi, nhưng mời gọi bước theo. Anh sáng phát xuất từ ngọn lửa yêu thương phục vụ xem ra không huy hoàng rực rỡ, nhưng lại hữu hiệu. Đối diện với ánh sáng này, con người sẽ hoặc là tiếp nhận, hoặc là chối từ. Khi chối từ tức là con người còn nằm trong bóng tối và ánh sáng trở thành ánh sáng xét xử. Chúa Giêsu không kết án, vì Ngài đến để cứu chuộc, nhưng chính thái độ cố chấp của con người sẽ kết án họ.
Không có ánh sáng đồng thời với bóng tối, ở đâu có ánh sáng, ở đó sẽ không còn bóng tối. Nhưng để tiếp nhận ánh sáng, con người phải chấp nhận từ bỏ, tiêu hao chính mình. Chúa Giêsu đã đem lửa xuống trần gian và Ngài ước mong cho nó cháy lên. Gặp gỡ Đức Kitô, con người sẽ gặp được ngọn lửa yêu thương của Ngài. Ngọn lửa càng sáng, càng đòi tiêu hao nhiều nhiên liệu. Ngọn lửa Đức Kitô đã tỏa sáng khắp vũ trụ khi Ngài được giương cao trên Thập giá và hiến thân cho đến giọt máu cuối cùng.
Bước theo Đức Kitô, người kitô hữu chúng ta không những được mời gọi tiến vào miền ánh sáng, mà còn có bổn phận trở thành ánh sáng. Ngài không cần chúng ta phải chiếu ánh sáng quyền năng của Ngài bằng những việc phi thường, nhưng là sẵn sàng tiêu hao chính mình để ánh sáng Đức Kitô được chiếu tỏa, và nhờ đó chính chúng ta cũng được đổi mới và nhận được vinh quang Phục Sinh của Ngài.
Suy Niệm 6: Nhờ ánh sáng, con người được sống
Trong cuộc sống, ánh sáng là thứ cần thiết đến độ không thể có gì thay thế. Ánh sáng làm cho con người và vạn vật có được sự sống và triển nở. Vì thế, không có ánh sáng, thì cho dù một sự sống sơ đẳng cũng không thể sống nổi như cỏ cây...thảo mộc...
Đây là sự cần thiết của ánh sáng dưới góc độ tự nhiên, còn với góc độ siêu nhiên, ánh sáng còn cần hơn gấp bội. Nếu không có ánh sáng siêu nhiên, thì con người sẽ lầm lũi bước đi trong đêm tối và có nguy cơ bị tận diệt sự sống đời đời. Tại sao vậy? Thưa, bởi vì ánh sáng siêu nhiên chính là biểu tượng chỉ về Thiên Chúa (x. Xh 19,18). Đấng đã dùng cột lửa để soi sáng và dẫn dân Dothái về Đất Hứa (x. Xh 13,21t). Như thế, khi dân thấy ánh sáng là an tâm (x. Tv 4,7.31; Cn 16,15). Ánh sáng còn là dấu chỉ về giới luật của Thiên Chúa (x. Cn 6,23). Người dẫn dân đi trong đường lối của Người (x. Tv 119,105). Người làm tội ác loạng choạng trong tối tăm (x. Is 59,9).
Hôm nay, chính Đức Giêsu mạc khải rõ nét chân tính của Thiên Chúa, và Ngài là Đấng Bởi Thiên Chúa mà đến, nên khẳng định: “Ta là ánh sáng đến trong thế gian” (Ga 12,46).
Như vậy, Ánh Sáng là biểu trưng cho hạnh phúc viên mãn trong nguồn ơn cứu chuộc và được sự sống đời đời. Đi ngược lại với Ánh Sáng chính là ở trong bóng tối và sẽ đi về chỗ diệt vong (x. Mt 22,13). Cho nên có Ánh Sáng là có sự sống, có ơn cứu chuộc.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết chạy đến với Đức Giêsu là Ánh Sáng thật để được hạnh phúc như chính Ngài đã nói: “Ta là ánh sáng đến trong thế gian để ai tin Ta không đi trong tăm tối”. Vì thế, ngay trong giây phút này, chúng ta hãy sống những điều thuộc về Ánh Sáng như thánh Phaolô mời gọi: “Anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng” (Ep 5,8).
Không những chúng ta thuộc về Ánh Sáng, nhưng chúng ta còn phải trở nên ánh sáng cho trần gian, để soi sáng cho người khác đến nguồn Ánh Sáng là chính Đức Giêsu, để họ cũng được sự sống đời đời.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được đi trong đường lối của Chúa là Ánh Sáng. Xin cho chúng con được tránh xa bóng tối là kẻ thù của Ánh Sáng. Và xin cho chúng con được trở nên ánh sáng soi đường cho người khác bằng đời sống tốt lành của chúng con. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 7: Tin và đón nhận Chúa Giêsu
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Đức Kitô là Ngôi Lời, là tiếng nói tỏ bày Thánh Ý Chúa Cha. Ai tin và đón nhận Người, sẽ được sống đời đời. Ai từ chối Người thì chính họ sẽ bị xét xử.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con tưởng tượng chính lúc mà Chúa nói lên những lời Tin Mừng hôm nay, con mới thấy được tâm huyết và tấm lòng Chúa dành cho con.
Lời Chúa mạc khải cho con biết Chúa Cha, cho con nhận ra Chúa là lẽ sống của con. Thế mà con vẫn chưa nhận ra được điều ấy. Chúa phải nói to lên, Chúa phải cậy dựa vào thế lực và uy tín của Chúa Cha để minh chứng cho chân lý Lời Chúa. Không có Chúa con sẽ phải chết, sẽ lãnh án phạt, sẽ ở lại mãi mãi trong tăm tối.
Chúa là tất cả cuộc sống con. Xin cho con đừng bao giờ quên điều ấy. Xin cho con biết khao khát chính Chúa, biết trân trọng sự hiện diện của Chúa trong đời sống con: một sự hiện diện không thể thiếu được.
Cho đến bây giờ Chúa vẫn chưa được hiện diện giữa cuộc sống loài người. Trên thế giới này, chỉ có một phần tư nhân loại mang danh Kitô hữu. Trong số một phần tư ít ỏi đó, lại càng có ít người ý thức được rằng họ cần Chúa mỗi ngày, và nếu vắng Chúa, họ không thể sống được. Rất nhiều người lầm tưởng rằng họ vẫn có thể sống mà không cần Chúa. Có khi chính con cũng ở trong số những người sai lầm đó.
Hôm nay, con đón nhận Lời Chúa, xin cho con ngày càng tin vào Chúa, để con đón nhận ánh sáng sự sống rất cần thiết cho cuộc đời của con. Xin Chúa ở lại với chúng con và ban ơn cứu độ cho chúng con. Amen.
Ghi nhớ: “Ta là sự sáng đã đến thế gian”.
Suy Niệm 8: Tin Chúa Giêsu, sẽ không tối tăm
(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Chú bé cùng với bố đang đi trên con đường mòn trong đêm dày đặc, trên tay chỉ có cây đèn nhỏ. Bóng đêm trước mặt gây cho chú cảm giác sợ hãi mơ hồ. Chú nói với bố: “Bố ơi, chiếc đèn này chỉ chiếu sáng có chíu xí trên đường, con sợ quá!”. Bố đáp: “Con ạ, ánh sáng này đúng là hơi yếu, nhưng nó cũng đủ soi cho con đi tới cuối đường”.
Đời sống Kitô hữu cũng là một con đường đầy tăm tối, nhưng Chúa luôn ban đủ ánh sáng cho mỗi bước đi. Và ta cũng chỉ cần bấy nhiêu. Nhưng ta chắc chắn một điều: Ánh sáng đó không bao giờ tắt. Nếu ta lên đường, ánh sáng đó đủ soi cho ta đến cuối đường đời.
Suy niệm
Ánh sáng luôn rất cần thiết trong cuộc sống con người. Chúa Giêsu - Ngôi Lời đến như là ánh sáng siêu nhiên cho con người như Tin Mừng thứ tư khẳng định: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9) soi chiếu sự hiện diện của Thiên Chúa ở trần gian.
Người không tin thì không giữ lời Ngài và sống trong tối tăm bất hạnh. “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12). Thật thế, tin vào Chúa thì sẽ mang lại ánh sáng cho cuộc đời.
Ðức Giêsu được sai đến không để xét xử nhưng để ban ơn cứu độ như ánh sáng chiếu soi vào bóng tối. Nhưng nếu khước từ lời Ngài, là tự lên án chính mình, tự tách mình ra khỏi ánh sáng vinh quang Thiên Chúa. Không thể thoát ra khỏi sự xét xử cuối cùng, vì sự xét xử ấy là bởi thái độ do con người tin nhận hay từ chối từ Thiên Chúa: “Ai nghe lời Ta mà không tin giữ thì không phải Ta kết án kẻ đó, nhưng chính lời Ta sẽ xét xử nó” (Ga 12,47-48),
Thật thế, người từ chối không tin vào Ngài, không nghe lời Ngài, hoặc nghe mà không thực hành thì tự kết án mình như người từ chối ánh sáng để sống trong tăm tối.
Thiên Chúa luôn kêu mời chúng ta trở về với Ngài, với lòng nhân từ, lòng Chúa thương xót. Ngài muốn chúng ta lắng nghe lời Ngài và sống kết hợp với Ngài “biết giới răn Cha Ta là sống đời đời” (Ga 12,50).
Nhờ ánh sáng của Chúa Kitô, chúng ta tìm ra con đường đem lại hạnh phúc: Khi nghe, biết, tin tưởng phó thác và sống theo sự hướng dẫn của Ngài cũng trở nên ánh sáng nhỏ soi chiếu cho anh em.
Ý lực sống: “Ta là sự sáng đã đến thế gian, để bất cứ ai tin Ta, người ấy sẽ không ở trong sự tối tăm” (Ga 12,46).
Suy Niệm 9: Chúa là ánh sáng thế gian
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Hôm nay Đức Giêsu khẳng định Ngài là Ánh Sáng cho thế gian. Ngài là ánh sáng xuất phát từ Cội Nguồn Ánh Sáng là Chúa Cha, Ngài phản chiếu hình ảnh của Chúa Cha. Vì thế, mọi lời nói và việc làm của Đức Giêsu làm là theo điều Ngài đã thấy nơi Chúa Cha. Thế nhưng, người Do thái đã dường như cố tình không nhận ra điều đó, bởi chính ánh sáng thật từ Thiên Chúa đã phơi bầy mọi tâm can đen tối của con người.
2. Tất cả phát xuất từ Chúa Cha. Đức Giêsu phát xuất từ Chúa Cha. Lời Chúa nói, việc Chúa làm, đều phát xuất từ Chúa Cha: “Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì... Vậy những gì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi”.
Mà lời Chúa Cha chính là sự sống: “Và tôi biết: mệnh lệnh của Ngài là sự sống đời đời”. Sự sống là ánh sáng. Cái chết là bóng tối. Đức Giêsu đến đem lời Chúa Cha ban sự sống đời đời. Đem ánh sáng sự sống soi vào bóng tối chết chóc cõi nhân gian: “Tôi là ánh sáng, tôi đã đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối”. Vì thế ai đón nhận Đức Giêsu là đón nhận Chúa Cha. Là đón nhận ánh sáng. Là đón nhận sự sống.
3. Qua lời Đức Giêsu đã khẳng định, con người chúng ta phải có thái độ tin hay không tin nhận.
- Tin Chúa là tin Thiên Chúa Cha, thấy Chúa là thấy được Thiên Chúa Cha. Tin Chúa sẽ mang lại ánh sáng soi cho cuộc đời của mình. Đức tin là ánh sáng, không tin là sống trong bóng tối.
- Từ chối không tin, con người tự kết án mình. Mặc dầu Đức Giêsu không đến để kết án mà để cứu rỗi, không ai có thể thoát ra khỏi sự cứu rỗi cuối cùng này, và sự xét xử đến từ thái độ của người đó, đón nhận hay từ chối Thiên Chúa: “Ai nghe lời tôi mà không tuân giữ thì không phải tôi là người kết án kẻ ấy vì tôi không đến để luận phạt thế gian mà đến để cứu rỗi. Ai chê chối tôi và không nhận lời tôi thì sẽ có người xét xử kẻ ấy, tức là lời giảng dạy của tôi sẽ xét xử kẻ ấy trong ngày sau hết”.
4. Ánh sáng là một tác phẩm quan trọng đến nỗi Chúa đã làm ra nó trước cả trời và đất. Khi đã có ánh sáng thì mọi sự khác xuất hiện theo. Hãy nhìn quanh ta, ta sẽ thấy ánh sáng giúp ta rất nhiều cách: ánh sáng mặt trời làm cho sinh vật lớn lên, sưởi ấm con người và hong khô quần áo. Nhờ có ánh sáng ta mới thấy được sự vật chung quanh ta. Ánh sáng còn là thuốc chữa trị nhiều chứng bệnh và tiêu diệt nhiều thứ độc hại. Hãy nghĩ tới ánh sáng của các ngọn đèn: ta dùng chúng để trang hoàng nhà cửa, nhờ chúng ta mới thấy đường mà đi trong đêm tối. Nếu không có ánh sáng, sinh vật không lớn lên được và sẽ chết dần mòn... Bởi thế người ta sợ bóng tối và vui mừng vì ánh sáng (Frank Mihalic).
5. Khi Suy Niệm về Đức Giêsu Kitô, có người ví Đức Giêsu là người thầy tốt lành luôn giảng dạy điều hay lẽ phải, người khác lại xem Đức Giêsu là người bạn thân thiết luôn đồng hành chia sẻ niềm vui nỗi buồn. Đối với linh mục nhạc sĩ Nguyễn Duy, Đức Giêsu là ánh sáng, là đường đi. Vì thế, linh mục viết như sau: “Giêsu ơi, Ngài là ánh sáng, xin cho con được tan chảy trong Ngài. Giêsu ơi, Ngài là đường đi xin cho con đồng hành với Chúa” (Bài hát Giêsu Ánh sáng).
Đức Giêsu ví mình là ánh sáng của thế gian này. “Ánh Sáng” ở đây không phải là ánh sáng vật lý như vẫn thường thấy nơi bóng đèn, tivi... nhưng là mạc khải đích thực về Thiên Chúa, con người và thế giới.
6. Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết chạy đến với Đức Giêsu là Ánh sáng thật để được hạnh phúc như chính Ngài đã nói: “Ta là ánh sáng đến trong thế gian để ai tin Ta không đi trong tối tăm”. Vì thế, ngay trong giây phút này, chúng ta hãy sống những điều thuộc về Ánh sáng như thánh Phaolô mời gọi: “Anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng” (Ep 5,8).
Không những chúng ta thuộc về Ánh sáng, nhưng chúng ta còn phải trở nên ánh sáng cho trần gian, để soi sáng cho người khác đến nguồn Ánh sáng là chính Đức Giêsu, để họ cũng được sự sống đời đời.
7. Truyện: Hãy bật sáng lên
Tại nhà thờ nọ, trong một buổi tối giảng tĩnh tâm, có hàng ngày tín hữu đến tham dự, nhằm khuyến khich con cái Chúa biết chiếu sáng lòng tốt của mình ra cho mọi người, linh mục thuyết giảng ra lệnh cho tắt hết các đèn trong nhà thờ.
Trong giây lát, bóng tối bao trùm cả nhà thờ. Cha nói:
- Bây giờ tôi đốt lên một que diêm. Tất cả những ai nhìn thấy ánh sáng của que diêm này, xin hô lên rằng mình thấy nhé!
Cả nhà thờ to lớn, song chỉ ánh sáng một que diêm nhỏ, ai cũng nhìn thấy nên đồng thanh hô to:
- Thấy!
Cha liền giải thích:
- Bất cứ hành động nào của lòng tốt cũng đều tương tự như thế. Một nguồn sáng dù nhỏ cũng có thể chiếu sáng ra giữa muôn ngàn tội lỗi xấu xa của nhân loại. Một hành động của lòng tốt dù thật nhỏ, cũng vẫn được phơi bầy trước Chúa và loài người.
Kế đến, linh mục cho phân phát mỗi người một que diêm và bảo:
- Bây giờ mỗi người hãy đốt que diêm lên!
Trong giây lát, bóng tối trong nhà thờ đã nhường chỗ cho ánh sáng tỏa ra từ những que diêm li ti khiến nhà thờ tràn ngập những ánh sáng lung linh một cách kỳ diệu. Vị linh mục kết luận:
- Hãy coi đó, dù nghèo nàn về phần thiêng liêng, chúng ta cũng có thể đánh bại bóng tối tăm của tội lỗi và chiếu sáng cả thế giới bằng tình yêu và sự thánh thiện của mình.
Suy Niệm 10: Chúa Giêsu là ánh sáng
(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống...)
Chủ đề ánh sáng là chủ đề lớn trong Phúc Âm Gioan. Ngay từ bài tiền ngôn Gioan đã viết: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người”. Việc Chúa Giêsu giáng thế cũng như một luồng ánh sáng đến trong đêm tối. Và rồi sau một thời gian Chúa Giêsu sống với loài người, một số đã đến với Ngài, nhưng một số vẫn từ chối Ngài. Bài Phúc Âm này là phần cuối sứ vụ của Chúa Giêsu. Ngài nhắc lại: “Ta là sự sáng đã đến thế gian…” Những ai không đón nhận Người là tự ý ở trong tối tăm, ấy là án xét xử họ do chính họ tự xử lấy.
B. Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. Sống ở đời là sống trong cảnh tranh tối tranh sáng. Ngay trong lòng ta cũng có bóng tối và ánh sánh phân tranh. Nhiều khi ta cứ lưỡng lự trước những sự lựa chọn, nửa muốn chọn theo ánh sáng, nửa muốn chọn theo bóng tối. Là Kitô hữu, ta phải tập quen hành động theo sự sáng.
2. Người đời hay mê lầm: có người nghĩ rằng trong cuộc sống không gì quan trọng bằng tiền bạc, người khác nghĩ không gì quan trọng bằng lạc thú, người khác nữa nghĩ không gì quan trọng bằng địa vị… Tại vì họ không được ánh sáng Chúa soi dẫn. Bởi thế, Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy theo ánh sáng của Ngài.
3. Một hôm, vị đạo sĩ hỏi đệ tử: làm sao có thể biết được là ngày đã đến và đêm sắp kết thúc. Mỗi đệ tử trả lời một cánh khách nhau nhưng không câu nào làm ông hài lòng. Sau cùng ông nói: “khi chúng ta nhìn vào người bên cạnh, nếu chúng ta có thể nhìn người đó như người anh em của chúng ta, thì lúc đó là ngày cho chúng ta, nhưng bao lâu chúng ta chưa đạt được điều này thì chúng ta sống trong đêm tối”. (Góp nhặt).
4. Chúng ta phải sống như con cái sự sáng, không phải vì ích lợi cho chúng ta, mà còn để cho đời này bớt tối tăm. Thánh Phalô khuyên: “Anh em hãy chiếu sáng như những vòm sao trên bầu trời thế gian”.
5. Ánh sáng là một tác phẩm quan trọng đến nỗi Chúa đã làm ra nó trước cả trời và đất. Khi có ánh sáng thì mọi sự khác xuất hiện theo. Hãy nhìn quanh ta, ta sẽ thấy ánh sáng giúp ta rất nhiều cách: ánh sáng mặt trời làm cho sinh vật lớn lên, sưởi ấm con người, hong khô quần áo. Nhờ có ánh sáng ta mới thấy được sự vật quang ta. Ánh sáng còn là thuốc chữa trị nhiều thứ bệnh và tiêu diệt nhiều thứ độc hại. Hãy nghĩ tới ánh sáng của các ngọn đèn: ta dùng chúng để trang hoàng nhà cửa, nhờ chúng ta mới thấy đường đi trong đêm tối, nếu không có ánh sáng, sinh vật sẽ chết dần chết mòn… Bởi thế, người ta sợ bóng tối và vui mừng vì ánh sáng (Frank Mihalic).
Suy Niệm 11: Sống như con cái sự sáng
(Lm Giuse Đinh Tất Quý)
Chúng ta bước sang đề tài mới: Chúa Giêsu là ánh sáng.
1. Chủ đề ánh sáng là chủ đề lớn trong Tin Mừng Gioan.
David L. Weatherford đã viết rất hay: “Ta thích hơi ấm bởi ta đã biết thế nào là giá lạnh. Ta trân trọng ánh sáng bởi ta từng trải qua bóng tối. Và cũng như thế, ta thấm thía được niềm vui bởi ta đã nếm mùi đau khổ”.
Là Kitô hữu, ta phải tập quen hành động theo sự sáng.
Một vị đạo sĩ nọ một lần kia hỏi các học trò của mình như thế này:
- Bằng cách nào người ta có thể xác định rõ, lúc nào là lúc chấm dứt đêm tối và bắt đầu ánh sáng ban ngày ?
Một học trò đáp:
- Đó là lúc mà ta nhìn một con vật ở đàng xa và ta có thể biết đó là một con cừu hay một con chó.
- Không đúng - Vị đạo sĩ trả lời.
Một học trò khác thưa:
- Đó là lúc mà ta nhìn một cây lớn ở đàng xa và có thể biết đó là một cây vả hay một cây đào!
Một lần nữa vị đạo sĩ cũng lắc đầu và nói:
- Không phải.
- Thưa thầy, vậy thì đó là lúc nào ? - Các học trò xôn xao hỏi.
Vị đạo sĩ giải đáp:
- Đó là lúc mà bạn nhìn lên khuôn mặt của bất cứ ai, bạn cũng nhận ra người ấy là anh em của mình. Vì nếu bạn không nhận ra như vậy thì bất luận đó là giờ nào, đó cũng là bóng tối thôi.
2. Ánh sáng là một tác phẩm quan trọng, quan trọng đến nỗi Chúa đã làm ra nó trước cả trời và đất. Khi có ánh sáng thì mọi sự khác xuất hiện theo. Ánh sáng còn là thuốc chữa trị nhiều thứ bệnh và tiêu diệt nhiều thứ độc hại.
Mới đây, một bệnh viện thuộc trường đại học y khoa Stanford bên Hoa Kỳ đã sáng chế ra một loại cửa sổ nhân tạo đặt trong các phòng hồi sức, nhằm giúp cho bệnh nhân chóng được hồi phục. Người vẽ kiểu cho loại cửa sổ nhân tạo này là một người chuyên chụp ảnh ở tiểu bang California. Khi chăm sóc cho người cha ruột của mình trong bệnh viện, ông đã chứng kiến cảnh thoi thóp thở của cha mình, khi nhìn lên trần nhà của phòng hồi sức. Nhìn lên trần nhà ấy người ta chỉ thấy toàn một màu trắng với những lỗ đen. Các bác sĩ ở đấy cho biết, vì phải nằm lâu ngày trong căn phòng thiếu cửa sổ, thiếu ánh sáng tự nhiên, nên không những bệnh nhân khó hồi phục mà còn để lộ ra những triệu chứng của bệnh tâm thần.
Nhưng rồi với những cánh cửa sổ nhân tạo được ráp mới, nhờ một hệ thống điện toán tinh vi, bệnh nhân có thể cảm thấy như đang tiếp xúc với ánh sáng bên ngoài. Trong 24 giờ đồng hồ, ánh sáng trên khung cửa nhân tạo thay đổi 65 lần. Bệnh nhân có thể nhìn thấy ánh mặt trời lên cũng như những áng mây bay qua khung cửa. Những bệnh nhân tuy nằm trong phòng hồi sức nhưng vẫn cảm thấy mình như gần gũi với thiên nhiên. Họ thấy bớt cô đơn và nhờ đó mà họ mau bình phục.
Trong tương lai gần đây, người ta cũng có thể tạo ra cảnh trăng lên cũng như những vì sao lấp lánh trên khung cửa.
3. Chúng ta phải sống như con cái sự sáng, không phải vì ích lợi cho chúng ta, mà còn để cho đời này bớt tối tăm. Thánh Phaolô khuyên: “Anh em hãy chiếu sáng như những vòm sao trên bầu trời”.
Chúa Giêsu nói: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).
Tại nhà thờ nọ, trong một buổi tối giảng tĩnh tâm, có hàng ngàn tín hữu đến tham dự, nhằm khuyến khích con cái Chúa biết chiếu sáng lòng tốt của mình ra cho mọi người, linh mục thuyết giảng ra lệnh cho tắt hết các đèn trong nhà thờ.
Trong giây lát, bóng tối phủ trùm. Cha nói:.
- Bây giờ tôi đốt lên một que diêm. Tất cả những ai nhìn thấy ánh sáng của que diêm này, xin hô to lên rằng mình thấy nhé!
Cả nhà thờ to lớn, song chỉ ánh sáng một que diêm nhỏ, ai cũng nhìn thấy nên đồng thanh hô to:
- Thấy!
Cha liền giải thích:
- Bất cứ một hành động nào của lòng tốt cũng đều tương tự như thế. Một nguồn sáng dù nhỏ cũng có thể chiếu sáng ra giữa muôn ngàn tội lỗi xấu xa của nhân loại. Một hành động của lòng tốt dù thật nhỏ, cũng vẫn được phơi bày trước Chúa và loài người.
Kế đến, linh mục cho phân phát đến mỗi người một que diêm và bảo:
- Bây giờ mỗi người hãy đốt que diêm lên!
Trong giây lát, bóng tối trong nhà thờ đã nhường chỗ cho ánh sáng tỏa ra từ những que diêm li ti khiến nhà thờ tràn ngập những ánh sáng lung linh một cách kỳ diệu. Vị linh mục kết luận:
- Hãy coi đó, dù nghèo nàn về phần thiêng liêng, chúng ta cũng có thể đánh bại bóng tối tăm của tội lỗi và chiếu sáng cả thế giới bằng tình yêu và sự thánh thiện của mình.
Bài cùng chuyên mục:
Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 1,969)
Thứ Bảy tuần 33 thường niên.
Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,366)
Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.
Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,292)
Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.
Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,763)
Thứ Tư tuần 33 thường niên.
Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,778)
Thứ Ba tuần 33 thường niên.
Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,868)
Thứ Hai tuần 33 thường niên.
+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,048)
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.
Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,555)
Thứ Bảy tuần 32 thường niên.
Thứ Sáu 15/11/2024 – Thứ Sáu tuần 32 thường niên. – Sống trong ngày của Chúa. (14/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,943)
Thứ Sáu tuần 32 thường niên.
Thứ Năm 14/11/2024 – Thứ Năm tuần 32 thường niên. – Sống giây phút hiện tại. (13/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,696)
Thứ Năm tuần 32 thường niên.
-
Đức Giesu Kito, một vị Vua khác
Hôm nay, “nếu bạn tin vào Chúa Kitô, hãy để Ngài là Vua trong cuộc đời bạn. Hãy để Ngài hướng dẫn bạn sống theo sự thật, bởi vì Ngài là...
-
Gia vị cho bài giảng CN lễ Chúa Kito là Vua - 2024
Khi Người đến trong vinh quang, Chúa Kitô Vua sẽ xét xử chúng ta về những việc bác ái chúng ta làm cho tha nhân. (Cha Tony)
-
Kinh Tin Kính phổ quát
Mầu nhiệm của Chúa Kitô hoạt động thông qua các Giáo hội kitô lịch sử nhưng cũng hoạt động, và hoạt động rộng rãi, bên ngoài các Giáo hội...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 34 TN B - 2024
Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật,...
-
Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh
Ngoài việc cầu nguyện, các vị thánh sẽ đưa ra ba lời khuyên nào cho những người đang tìm kiếm người phối ngẫu tương lai?
-
Linh hướng là gì?
Trong xã hội và thời đại hỗn loạn của chúng ta, hơn bao giờ hết, hướng dẫn đời sống tâm linh là một nguồn lực tinh thần cần thiết. Người...
-
Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình?
Tôi là phụ huynh của ba đứa trẻ, tất cả chúng tôi đều cố gắng sống theo đức tin Công giáo. Một trong số chúng có vẻ không mấy hứng thú,...
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi
Người trẻ làm gì để không bị cuốn đi với những "tư tưởng" rất đời kia? Nếu có nhu cầu thì sao kiểm soát khi chưa lập gia đình? Tụi con...
-
Bác ái là nhân đức cần thiết cho sự phát triển tâm linh
Chúng ta phải xin Chúa ban cho chúng ta đức ái mỗi ngày cho đến khi chúng ta gặp được Ngài trên Thiên Đàng!
-
Đạo còn sống khi ta còn sống đạo
Phải chăng giá trị Tin Mừng trong lòng tín hữu đang phai nhạt dần ? Phải chăng việc đạo nghĩa chỉ còn là sự quan tâm thứ yếu ? Phải chăng...
-
Nghĩ đến những điều tốt đẹp
Hãy thôi nghĩ đến chuyện buồn ấy và hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp và đáng yêu khác trong cuộc sống để lòng bà được thanh thản
- Sự cần thiết của việc lắng nghe
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất