Lời chúa mỗi ngày

Thứ Tư 21/04/2021 – Thứ Tư tuần 3 Phục Sinh. – Ý nghĩa của cuộc sống.

  • In trang này
  • Lượt xem: 14,137
  • Ngày đăng: 20/04/2021 11:00:00

Ý nghĩa của cuộc sống.

21/04 – Thứ Tư tuần 3 Phục Sinh.

"Ý muốn của Cha Ta là: hễ ai thấy Con thì có sự sống đời đời".

 

Lời Chúa: Ga 6, 35-40

Khi ấy, Chúa Giêsu phán với đám đông rằng: "Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ. Nhưng Ta đã bảo các ngươi rằng: Các ngươi đã thấy Ta, nhưng các ngươi không chịu tin. Những ai Cha đã ban cho Ta sẽ đến với Ta. Và ai đến với Ta, Ta sẽ không xua đuổi ra ngoài.

Bởi vì Ta từ trời xuống không phải để làm theo ý Ta, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Ta. Vậy ý của Cha, Đấng đã sai Ta, là hễ sự gì Người đã ban cho Ta, Ta chẳng để mất, nhưng ngày sau hết, Ta sẽ cho nó sống lại. Quả vậy, ý của Cha Ta là hễ ai thấy Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

SUY NIỆM 1: Đến với tôi, tin vào tôi

Suy niệm:

Cuộc sống làm người ở đời chẳng mấy dễ dàng.

Con người lúc nào cũng phải đối diện với những vấn đề của cuộc sống.

Môi trường sống bị ô nhiễm do bụi, khí thải, tiếng ồn.

Thiên tai, bão lũ, hạn hán ngày thêm trầm trọng bởi sự biến đổi khí hậu.

Dịch bệnh đủ loại thỉnh thoảng lại bất ngờ bùng phát ở một nơi nào đó

và có nguy cơ lan rộng toàn thế giới.

Khủng hoảng kinh tế lại càng xô đẩy nhiều người đến chỗ đói nghèo.

Chiến tranh vẫn kéo dài giữa một số quốc gia, bộ tộc.

Căng thẳng trong mối quan hệ giữa người với người, ngay trong gia đình.

Có những vấn đề riêng tư mà tự mỗi người không sao giải quyết nổi.

Con người lúc nào cũng phải vất vả trăn trở trước cuộc sống.

Kinh Lạy Nữ Vương gọi trần gian là thung lũng đầy nước mắt.

Chúng ta thuộc Giáo Hội chiến đấu trước khi thuộc Giáo Hội khải hoàn.

Để sống ở cuộc đời chóng qua này một cách tận tụy, nghiêm túc,

để sống như một người con xứng đáng của Trời và Đất,

người Kitô hữu cần nhận được sự đỡ nâng của ơn trên.

Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã chia sẻ phận làm người ở đời như ta.

với đủ mọi cay đắng ngọt bùi của phận người và cái chết trên thập giá.

Ngài mong trở nên bạn được đồng hành của chúng ta

trên đường đời nhiều thách đố, gai chông và cạm bẫy.

Ngài thỏa mãn những khát vọng thâm sâu và thầm kín nhất của ta.

“Ai đến với tôi, sẽ không hề đói.

Ai tin vào tôi sẽ chẳng hề khát bao giờ” (c. 35).

Thiên Chúa Cha muốn gửi gắm chúng ta cho Chúa Giêsu lo liệu.

“Tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai,

nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (c. 39).

Hãy đến với Chúa Giêsu để nhận được sự bảo vệ của Thiên Chúa.

Hãy tin vào Ngài và cùng với Ngài đi trên con đường gập ghềnh,

bạn sẽ đến được quê hương vĩnh cửu đang chờ đợi bạn.

Sự sống vĩnh cửu thực ra đã bắt đầu ngay từ đời này rồi,

khi chúng ta đến với Giêsu với niềm tin tưởng:

“Ai tin vào Người Con, thì được sống muôn đời” (c. 40).

Hãy trở thành món quà của Chúa Cha cho Con của Ngài là Đức Giêsu.

Hãy trở thành món quà của Đức Giêsu cho thế giới.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,

xin ban cho con đức tin lớn hơn hạt cải,

để con làm bật rễ khỏi lòng con

những ích kỷ và khép kín.

Xin cho con đức tin can đảm

để con chẳng sợ thiệt thòi khi trao hiến,

chẳng sợ từ bỏ những gì con cậy dựa xưa nay.

Xin cho con đức tin sáng suốt

để con thấy được thế giới

mà mắt phàm không thấy,

thấy được Đấng Vô hình,

nhưng rất gần gũi thân thương,

thấy được Đức Kitô nơi những người nghèo khổ.

Xin cho con đức tin liều lĩnh,

dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân,

dám tiến bước trong bóng đêm

chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa,

dám lội ngược dòng với thế gian

và khước từ những mời mọc quyến rũ của nó.

Xin cho con đức tin vui tươi,

hạnh phúc vì biết những gì

đang chờ mình ở cuối đường,

sung sướng vì biết mình được yêu

ngay giữa những sa mù của cuộc sống.

Cuối cùng, xin cho con đức tin cứng cáp

qua những cọ xát đau thuong của phận người,

để dù bao thăng trầm dâu bể,

con cũng không để tàn lụi niềm tin

vào Thiên Chúa và vào con người.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2: ĂN BẰNG ĐỨC TIN

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Hôm nay Chúa Giê-su một lần nữa khẳng định Người là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Nhưng Người không mời gọi chúng ta ăn bánh mà lại mời gọi chúng ta hãy đến với Người và tin vào Người để khỏi đói khỏi khát.

Mỗi loại thực phẩm có một cách tiếp thu khác nhau. Một cách “ăn” khác nhau. Hấp thụ khí trời bằng hít thở. Hấp thụ nước bằng uống. Hấp thụ nhiều loại thuốc men bằng xông hơi nước, xông hương. Hấp thụ tư tưởng bằng trí tuệ. Hấp thụ tình yêu bằng tâm hồn. Hôm nay Chúa dạy ta hấp thụ Bánh Hằng Sống bằng đức tin.

Giáo Lý Công Giáo khẳng định: Tin là gắn bó bản thân, phó thác đời mình cho Thiên Chúa (GLCG 150). Như thế tin là nên một với Chúa. Khi ta dùng thực phẩm, thực phẩm trở nên máu thịt ta. Khi ta tin vào Chúa, ta nên một với Chúa.

Nên một với Chúa, ta sẽ suy nghĩ bằng suy nghĩ của Chúa. Nói tiếng nói của Chúa. Cư xử bằng hành động của Chúa. Đi trên những nẻo đường của Chúa. Sống bằng sự sống của Chúa. Đây chính là cao điểm cho ta hoàn toàn kết hợp với Chúa.

Chính Chúa Giê-su làm gương cho ta khi Người hoàn toàn tin tưởng Chúa Cha. Nên Người không sống cho bản thân. Nhưng luôn sống và làm theo thánh ý Chúa Cha.

Các Ki-tô hữu đầu tiên làm gương cho ta khi các ngài hoàn toàn tin tưởng Chúa. Tin tưởng nên từ bỏ của cải trần gian để chia sẻ cho những người túng thiếu. Tin tưởng nên dù bị bắt bớ phải trốn chạy mà vẫn vui tươi. Tin tưởng nên đang khi trốn chạy vẫn hăng say rao giảng Lời Chúa.

Sau khi Phó tế Stê-pha-nô chịu tử đạo, phó tế Phi-lip-phê nổi bật như một người hoàn toàn kết hợp với Chúa Giê-su Phục Sinh. Vì thế ngài xuất hiện ở đâu thì Chúa Giê-su xuất hiện ở đó. Ngài rao giảng đầy thuyết phục. Ngài làm được nhiều điều kỳ diệu. Xua đuổi thần ô uế. Chữa lành nhiều bệnh tật. Và làm cho mọi người được hân hoan.

Hôm nay tôi hiểu rằng Chúa Giê-su là Bánh Hằng Sống. Cách ăn bánh này là phải tin vào Chúa. Tin vào Chúa tôi phải từ bỏ mình để Chúa sống trong tôi. Khi hoàn toàn nên một với Chúa, tôi sẽ đạt đến sự sống đời đời.

 

SUY NIỆM 3: Ý nghĩa của cuộc sống

Một nhà thơ nào đó đã nói lên thái độ bất cần của một số người như sau:

"Cần gì truy nguyên ta từ đâu đến

Lỡ sinh ra rồi, ta chơi đến nơi

Chết rồi đi đâu thì cũng mặc kệ

Trước khi sinh ra có ai hỏi đâu

Lỡ sinh ra đây ta không câu nệ

Từ đâu tới đây, chết rồi về đâu

Ôi thôi mặc kệ".

Vào thời Chúa Giêsu cũng không thiếu những người sống theo chủ trương mặc kệ ấy. Cái đám đông đi theo Ngài để chỉ được ăn uống nô nê là một điển hình. Họ chỉ biết có của ăn cho thân xác. Nói như thánh Phaolô: "Ðạo của họ là cái bụng". Là Ðấng Toàn Năng, Chúa Giêsu có thể vung chiếc đũa thần lên để thỏa mãn tất cả mọi nhu cầu thể lý của con người. Bằng chứng là với năm chiếc bánh và hai con cá, Ngài có thể nuôi sống một đám đông trên năm ngàn người. Nhưng Chúa Giêsu đã không đến trong trần gian để cung cấp một thức ăn chóng hư nát như thế. Ngài đến để làm cho con người được sống và sống sung mãn, và sự sống sung mãn ấy chính là sự sống vĩnh cửu. Của ăn dư dật mà Ngài đã dâng lên từ năm chiếc bánh và hai con cá là dấu chỉ của bánh trường sinh mà Ngài sẽ ban cho con người trong phép Thánh Thể, chỉ có bánh này mới làm cho con người được thỏa mãn trong nỗi khát vọng mà không một lương thực nào trên trần gian này có thể đắp đầy, chỉ có bánh này mới làm cho cuộc sống con người được sung mãn, chỉ có bánh này mới mang lại ý nghĩa cho cuộc sống con người, chỉ có bánh này mới không ngừng khơi dậy nỗi khát khao cõi trường sinh trong lòng người.

Cuộc sống tự nó là một nỗi khao khát khôn nguôi. Mỗi một ngày mới là một chuỗi những khắc khoải mới. Mỗi một ngày mới là một chuỗi những câu hỏi không ngừng được đặt ra cho chúng ta. Những người túng thiếu, những kẻ khốn khổ chung quanh chúng ta không ngừng hỏi chúng ta đã biết yêu thương đến mức độ nào. Cái chết của một người thân không ngừng hỏi chúng ta về cứu cánh của cuộc sống. Cô đơn và khổ đau không ngừng hỏi chúng ta về ý nghĩa của từng biến cố trong cuộc sống. Mỗi ngày sống là một chuỗi những câu hỏi mà chúng ta không thể tránh né được và đi cho đến ngọn nguồn những câu hỏi ấy là những câu hỏi ngàn đời của kiếp người: "Tôi từ đâu đến? Tôi sống để làm gì? Tôi sẽ đi về đâu? Tôi không thể dửng dưng trước sự chất vấn của cuộc sống" Tôi không thể mặc lấy thái độ mặc kệ trước những tra vấn ấy của cuộc sống?"

Chúa Giêsu không những đến để khơi dậy những câu hỏi ngàn đời của cuộc sống: "Phần các con, các con bảo Ta là ai?" Câu hỏi Ngài đã từng đặt ra cho các môn đệ của Ngài cách đây hai ngàn năm. Ngày nay, Ngài cũng không ngừng đặt ra cho mỗi người. Ngài không những tra vấn con người của mọi thời đại, Ngài là giải đáp cho mọi thắc mắc của con người. Ngài là Ðấng đang hiện diện trong từng biến cố của cuộc sống chúng ta. Ngài đang đồng hành với chúng ta.

Nguyện xin Ðấng Hôm Qua, Hôm Nay, và Mãi Mãi Vẫn Là Một cho chúng ta luôn được tác động bởi sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Sức mạnh Phục Sinh

Vì tôi từ trời mà xuống

Không phải là để làm theo ý tôi,

Nhưng là để làm theo ý Đấng đã sai tôi.

Mà ý của Đấng đã sai tôi

Là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi,

Tôi sẽ không để mất một ai,

Nhưng sẽ cho họ sống lại

Trong ngày sau hết.

Thất vậy ý của Cha tôi

Thì tất cả những ai thấy người Con

Và tin vào người Con

Thì được sống muôn đời,

Và tôi sẽ cho họ sống lại

Trong ngày sau hết. (Ga. 6, 38-40)

Chúng ta đã nhấn mạnh đến giá trị tương quan giữa hai ngôi vị như của nuôi con người: Người ta chỉ có thể sống khi có sự tương quan với nhau, có sự cần tới nhau. Nói cách khác, ai có thể nuôi người khác được thì mới giải thoát được chính mình, mới gắn bó với người khác được.

Đức Giêsu, qua dấu chỉ tấm bánh, quả quyết với chúng ta rằng Người là một thứ của nuôi. Chính Người cam kết với chúng ta rằng: Người ban chính mình cho chúng ta, rằng: Chính mình Người là bằng chứng tình yêu gắn bó của Chúa Cha đối với chúng ta.

Hôm nay, Người cắt nghĩa rõ ràng Người được Đức Chúa Cha nuôi sống, Người sống nhờ Chúa Cha, cho chúng ta có sự sống của Người trong chúng ta. Thiên Chúa đã cam kết với chúng ta và cho chúng ta thấy dấu chỉ của sự cam kết này là chính Đức Giêsu Kitô đến dẫn đưa chúng ta đến sự sống lại: “Tất cả những ai thấy Chúa Con và tin ở Người thì được sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết”.

Tóm lại, bất kỳ ai chấp nhận liên đới với chính mình Đức Kitô đều được chúc phúc, được hưởng sức mạnh cứu độ của Người. Đời sống nhân loại của mình sẽ đi tới vô cùng để được tham dự vào đời sống của Thiên Chúa.

Sự mặc khải này đã làm cho chúng ta hôm nay thấy rằng tiếp xúc với Đức Giêsu Kitô là sức mạnh sự sống lại giúp ta bày tỏ lòng cảm tạ Thiên Chúa. Chúng ta phải biết rằng Đức Giêsu là quà tặng của Chúa Cha ban cho ta để Người đến tái tạo sự hợp nhất con người với Thiên Chúa, để tiêu diệt sự chết và tỏ bày sự sống lại.

Hành động tạ ơn của chúng ta có thể tô điểm cho ta thấy những sự lạ lùng để ý thức sự trung tín, vâng lời và sẵn sàng hiến dâng của Đức Giêsu Kitô đối với Đức Chúa Cha, Đấng đã sai Người đến thực hiện kế hoạch trao ban sự sống đời đời cho loài người.

C.G

 

SUY NIỆM 5: Sống là chính Đức Kitô

Một mục sư nọ kể câu chuyện sau:

Hai người bộ đội vào một giáo đường để trốn các cuộc truy lùng. Khi bước vào giáo đường, họ đe dọa: Ai không bỏ đạo sẽ bị bắn ngay tại chỗ, ai bỏ đạo đứng sang bên phải. Có một số người đứng sang bên phải và được thả về nhà ngay, những người còn lại vẫn hiên ngang chờ đợi cái chết. Khi những kẻ nhát đảm ra khỏi nhà thờ, hai người lính mới hạ súng xuống và ôn tồn nói: “Chúng tôi cũng là Kitô hữu, sở dĩ chúng tôi làm thế, vì chúng tôi muốn biết ai là người thực sự sẵn sàng chết cho đức tin của mình, chỉ những người đó mới đáng tin cậy”.

Sống đức tin có nghĩa là sống cho Đức Kitô và vì Đức Kitô. Đó là đức tin mà Giáo Hội mời gọi chúng ta củng cố khi cho chúng ta lắng nghe đoạn Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu đã khẳng định: “Chính Ta là Bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ”. Duy chỉ mình Ngài mới cho chúng ta sự sống đích thực.

Những người Do Thái đã thấy Chúa Giêsu nhưng họ không tin, thật ra họ đã không thấy gì. Cái nhìn của họ dừng lại nơi những cái chóng qua, họ tìm kiếm Thiên Chúa không phải vì đã tin nhận Ngài, mà chỉ vì chờ đợi được Ngài cho ăn no nê bằng của ăn hư nát. Muốn được thấy Chúa Giêsu, muốn tin nhận Ngài, trước tiên con người cần ra khỏi cái vỏ ích kỷ tham lam của mình. Có sẵn sàng ra khỏi thế giới hẹp hòi của mình, con người mới có thể thấy được Đức Kitô và đi vào thế giới của Ngài. Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Phúc cho những ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”. Quả thật, chỉ những tâm hồn trong sạch, nghĩa là biết quên đi cái thế giới ích kỷ, phàm trần mới nhìn thấy Thiên Chúa.

Ước gì chúng ta luôn sống kết hiệp với Ngài và nhận ra Ngài trong mọi biến cố cuộc sống, và khi cuộc lữ hành trần gian chấm dứt “Ngài thế nào, chúng ta sẽ được thấy như vậy”.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 6: SỐNG ĐỨC TIN CÁCH TRƯỞNG THÀNH (Ga 6, 35-40)

Tin vào Đức Giêsu có nghĩa là đến với Ngài. Không chỉ dừng lại ở đó, mà chúng ta còn được mời gọi đi xa hơn nữa để đón nhận, tức là thông dự vào sự sống thần linh của Ngài bằng việc đón nhận chính Ngài.

Đây cũng chính là lời mời gọi của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay: “Ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết" (Ga 6, 40).

Tại sao Đức Giêsu phải tuyên bố như vậy? Thưa, bởi vì Ngài thấy lòng trai dạ đá nơi những người Do thái và họ đi tìm Ngài vì của ăn hư nát chứ không phải là của ăn tinh thần, tức là sự sống đời đời.

Lối sống và lựa chọn của người Do thái khi xưa cũng chính là lối sống và lựa chọn của nhiều người trong chúng ta! Nhiều khi chúng ta sẵn sàng bỏ lễ, bỏ nhà thờ chỉ vì mớ rau, củ hành, củ tỏi, con cá, con tôm, hay cũng có khi chỉ vì một nhu cầu nào đó rất tầm thường mà chúng ta sẵn sàng đánh đổi...!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống đức tin cách trưởng thành. Tức là sống cho Đức Kitô và vì Đức Kitô. Quả thật: “Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh, mà còn nhờ Lời miệng Thiên Chúa phán ra”.

Muốn được như thế, chúng ta phải bỏ qua lối sống thực dụng, phải sống vượt lên trên những gì là vật chất, hẹp hòi, ích kỷ của mình. Có thế, con mắt đức tin của chúng ta mới nhận ra những dấu chỉ thiêng liêng và lý trí của chúng ta mới trong sáng để nhận biết điều gì quan trọng, điều gì thứ yếu.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho ban chúng con ơn khôn ngoan để chúng con biết lựa chọn điều cần thiết cho sự sống đời đời hơn là những thứ chỉ nuôi được thân xác. Xin cho chúng con biết quý trọng Bánh Hằng Sống chính là Thánh Thể Chúa và siêng năng rước Chúa vào trong linh hồn với trọn lòng mến. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 7: Chu toàn ý Cha

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Vào những ngày cuối tháng 6 năm 1848. Cuộc nội chiến xảy ra ác liệt trên những đường phố của kinh thành Paris. Tiếng la hét om sòm vang lên khắp nơi. Nằm trên giường bệnh, nhà văn Chateaubriand nghe rõ mồm một. Ông cầm lấy cây thánh giá và cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, chỉ có Chúa mới cứu vãn được xã hội hiện tại này”.

Rồi dán chặt đôi mắt một cách trìu mến vào tượng Chúa Giêsu chịu chết trên cây thánh giá, nhà văn thốt ra những lời cuối cùng đầy xúc động: “Đây chính là Chúa của con. Đây chính là Vua của con!”.

Suy niệm

Ðức Giêsu đến không làm theo ý mình, nhưng là để chu toàn ý Cha: “Ý của Cha Ta là hễ ai thấy Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời”. Ai tin vào Đức Giêsu thì sẽ không còn phải chết trong tội nữa, nhưng được Người ban sự sống đời đời, như thánh Phaolô với kinh nghiệm người được đức tin chiếm hữu, đã quả quyết: “Cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã (là Adam), mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất (là Đức Giêsu), đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống” (Rm 5,18).

Tin vào Chúa Kitô thì được sống. Rải rác khắp trang Tin Mừng, nói về sức mạnh của đức tin vào Con Người - Đức Kitô: Người phụ nữ bị băng huyết cả chục năm với đức tin được chữa khỏi, như ông trưởng hội đường Do Thái với đức tin của ông đã khiến Chúa làm cho con gái ông đã chết được sống lại (x. Mt 9,18-26; Mc 5,1-43; Lc 8,40.55). Người phụ nữ dân ngoại Canaan có người con bệnh gần chết, dù Chúa thử thách bà, nhưng tâm hồn bà vẫn tin mạnh mẽ vào Ngài, và con bà được chữa lành. (x. Mt 15,21-28; Mc 7,24-30), người bị bệnh phong cùi với lòng tin cũng được khỏi (Mt 8,1-4; Mc 1,40-45; Lc 5,12-13; 17,11-19)... Người mù thành Giêricô với tất cả niềm tin kêu cầu Chúa và anh được sáng (Mt 20,29 -34; Mc 10,46-52; Lc 18,35-44)…

Người tin Chúa Kitô, là người để Chúa Cha lôi kéo và giáo hóa, nhưng trong thực tế, chúng ta sống tin thật sự, hay chúng ta để các thực tại quyền lực trần gian chiếm hữu. Tuy môi miệng tôi tuyên xưng “tin” Đức Kitô, nhưng con tim và khối óc lại hướng theo tiền bạc, danh lợi, vì nó mà tôi có thể bất chấp tất cả, ghen ghét, hãm hại, chà đạp anh em bạn hữu để được những cái bánh to, lợi lộc trần thế. Tâm tư của tôi của bạn như thánh Phaolô đã từng ví von: Chúa của họ thờ là cái bụng tức là mọi sự quyến rũ thấp kém của thế gian (x. Pl 3,19). Vì thế người sống niềm tin theo lời khuyên dạy của thánh Phaolô: “Anh em hãy loại ra khỏi anh em tính gay gắt, tức giận, nóng nảy, khoác lác, chửi rủa, cùng mọi thứ độc ác... Anh em hãy ăn ở hiền hậu, thương xót và tha thứ cho nhau” (Ep 4,31-32).

Sống đức tin sâu sắc, như thánh tông đồ Giacôbê xác tín: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Thật thế, người tin nhận Chúa Giêsu là Cứu Chúa của mình, chắc chắn cuộc đời của họ, mọi lời nói việc làm, được xây dựng và đặt nền tảng trên đức tin.

Ý lực sống: “Ai có đức tin thì làm được mọi việc… “Dù đức tin chỉ bằng hạt cải…” (x. Lc 17,5-6).

 

SUY NIỆM 8: Hãy tin vào Đức Kitô

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Bài Tin Mừng này cho chúng ta thấy: từ đầu bài giảng về Bánh Hằng Sống, Đức Giêsu có ý  để thính giả đi từ phép lạ manna đến phép lạ hóa bánh ra nhiều; và từ phép lạ hóa bánh ra nhiều đến mầu nhiệm về Chúa và sứ mạng của Ngài. Khi thấy dân chúng chưa tin Ngài, Ngài lại hướng họ về Chúa Cha. Hôm nay, Đức Giêsu giải thích về ý nghĩa của lời Ngài nói: “Chính Ta là bánh trường sinh”.

2. Như chúng ta biết, đám đông dân chúng đi theo Đức Giêsu là chỉ để được ăn uống no nê. Họ chỉ biết có của ăn cho thân xác. Như thánh Phaolô nói: “Đạo của họ là cái bụng”. Là Đấng Toàn Năng, Đức Giêsu có thể  vung chiếc  đũa thần lên để thỏa mãn tất cả tất cả mọi nhu cầu thể lý của con người. Bằng chứng là với 5 chiếc bánh và 2 con cá, Ngài có thể nuôi sống một đám đông trên 5000 người.

Nhưng Đức Giêsu đã không đến trong trần gian để cung cấp một thức ăn chóng hư nát như thế. Ngài đến làm cho con người được sống và sống sung mãn, và sự sống sung mãn ấy chính là sự sống vĩnh cửu. Của ăn dư dật mà Ngài đã dâng lên từ 5 chiếc bánh và 2 con cá là dấu chỉ của bánh trường sinh mà Ngài sẽ ban cho con người trong phép Thánh Thể, chỉ có bánh này mới làm cho con người được thỏa mãn trong nỗi khát vọng mà không một lương thực nào trên trần gian này có thể lấp đầy.

3. Tin vào Đức Giêsu có nghĩa là đến với Ngài. Không chỉ dừng lại ở đó, mà chúng ta còn được mời gọi đi xa hơn nữa  để đón nhận, tức là thông dự vào sự sống thần linh của Ngài bằng việc đón nhận chính Ngài. Đây cũng chính là  lời mời gọi của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay: “Ai thấy người Con và tin vào người Con ấy, thì được sống muôn đời, và Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,40).

Tại sao Đức Giêsu phải tuyên bố như vậy? Thưa, bởi vì Ngài thấy lòng chai dạ đá nơi những người Do thái và họ đi tìm Ngài vì của ăn hư nát chứ không phải là của ăn tinh thần, tức là sự sống đời đời.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống đức tin cách trưởng thành. Tức là sống cho Đức Kitô và vì Đức Kitô. Quả thật: “Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh mà còn nhờ Lời miệng Thiên Chúa phán ra”.

4. Người tin Chúa Kitô, là người để Chúa Cha lôi kéo và giao hòa, nhưng trong thực tế, chúng ta sống tin thật sự hay chúng ta để các thực tại quyền lực trần gian chiếm hữu. Tuy môi miệng tuyên xưng “Tin” Đức Kitô, nhưng con tim và khối óc hướng theo tiền bạc, danh lợi, vì nó mà ta có thể bất chấp tất cả, chà đạp anh em bạn hữu để được cái bánh to, lợi lộc trần thế.

Tâm tư của ta như thánh Phaolô đã từng ví von: Chúa của họ thờ là cái bụng, tức là mọi sự quyến rũ thấp hèn của thế gian (x.Pl 3,19).

Sống đức tin sâu sắc, như thánh tông đồ Giacôbê xác quyết: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Thật thế, phải được xây dựng và đặt nền tảng trên đức tin.

5. “Tất cả những người Chúa Cha đã ban cho Ta đều sẽ đến với Ta’.

Câu nói trên đây của Đức Giêsu có thể gây ra một vấn nạn: Phải chăng có những người Chúa Cha không ban cho Đức Giêsu?

Chúng ta nhớ lại chân lý bắt nguồn từ Thánh Kinh: Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu rỗi. Về phía Thiên Chúa, đó là tuyệt đối không luật trừ. Nhưng về phía con người, chúng ta cần phân biệt:

Chúa Cha đã ban cho Đức Giêsu toàn thể nhân loại, là những con người có tự do. Và tất cả, cách này hay cách khác, đều được mời gọi để chọn lựa: chấp nhận hoặc từ chối Đức Giêsu. Chính trên bình diện tự do trách nhiệm này, sẽ có tách biệt giữa những người “đến” hay “không đến” với Đức Giêsu. Nói cách khác, giữa cộng đoàn nhân loại, có người tự do đáp trả “vâng” với ân huệ đức tin, đức tin này đưa họ đến với Đức Giêsu, và đã có những người trả lời “không”, những người này đã từ chối Đức Giêsu.

6. Truyện: Lạy Chúa của con.

Vào những ngày cuối tháng 6 năm 1848. Cuộc nội chiến xẩy ra ác liệt trên những đường phố của kinh thành Paris. Tiếng la hét om sòm vang lên khắp nơi. Nằm trên giường bệnh, nhà văn Chateaubriand nghe rõ mồn một. Ông cầm lấy cây Thánh giá và cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, chỉ có Chúa mới cứu vãn được xã hội hiện tại này”.

Rồi dán chặt đôi mắt một cách trìu mến vào tượng Chúa Giêsu chịu chết trên cây thánh giá, nhà văn thốt ra những lời cuối cùng đầy xúc động: “Đây chính là Chúa của con. Đây chính là vua của con”.

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 99)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,573)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,097)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,722)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,751)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,849)

Thứ Hai tuần 33 thường niên.

+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 14,984)

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,539)

Thứ Bảy tuần 32 thường niên.

Thứ Sáu 15/11/2024 – Thứ Sáu tuần 32 thường niên. – Sống trong ngày của Chúa. (14/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,932)

Thứ Sáu tuần 32 thường niên.

Thứ Năm 14/11/2024 – Thứ Năm tuần 32 thường niên. – Sống giây phút hiện tại. (13/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,695)

Thứ Năm tuần 32 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7