Lời chúa mỗi ngày

Thứ Tư 16/03/2022 – Thứ Tư tuần 2 Mùa Chay. – Phục vụ đích thực.

  • In trang này
  • Lượt xem: 7,032
  • Ngày đăng: 15/03/2022 08:00:00

Phục vụ đích thực.

16/03  – Thứ Tư tuần 2 Mùa Chay.

“Họ đã lên án tử cho Người”.

 

Lời Chúa: Mt 20, 17-28

Khi ấy, Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, đem riêng mười hai môn đệ đi theo. Dọc đường, Người nói với họ: “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các vị thượng tế và luật sĩ. Người ta sẽ lên án tử cho Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại để chúng nhạo báng, đánh đòn, rồi treo Người lên thập giá, nhưng đến ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”.

Bấy giờ bà mẹ các con ông Giêbêđê cùng với hai con đến gặp Người. Bà sấp mình xuống lạy Người, có ý xin Người điều chi đó. Người hỏi: “Bà muốn gì”. Bà ta thưa lại: “Xin Ngài hãy truyền cho hai con tôi đây được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài, trong Nước Ngài”. Chúa Giêsu đáp lại: “Các ngươi không biết điều các ngươi xin. Các ngươi có thể uống chén mà ít nữa đây Ta sắp uống chăng?” Họ nói với Người: “Thưa được”. Người bảo họ: “Vậy các ngươi sẽ uống chén của Ta, còn việc ngồi bên hữu hay bên tả, thì không thuộc quyền Ta ban, nhưng Cha Ta đã chuẩn bị cho ai, thì người ấy mới được”.

Nghe vậy, mười người kia tỏ ra bất bình với hai anh em.

Chúa Giêsu gọi họ lại mà bảo: “Các con biết thủ lãnh của các dân tộc thì thống trị họ và những người làm lớn thì hành quyền trên họ. Giữa các con thì không được thế.

Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu trong các con, thì hãy làm tôi tớ các con.

Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người”.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Anh em không được như vậy

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Ghế tượng trưng cho chức vụ và chức vị.

Chính vì thế bình thường người ta ai cũng thích ghế.

Ghế trong tôn giáo cũng như ghế ngoài đời.

Tìm cách có ghế, giữ ghế hay tìm cách lên một ghế cao hơn,

đó vẫn là điều khiến nhiều người vất vả,

và đó cũng là điều khiến thế giới loạn lạc và xung đột.

Bài Tin Mừng kể cho chúng ta chuyện tranh cãi giữa nhóm Mười Hai.

Vẫn là chuyện những cái ghế.

Quan trọng nhất là hai ghế nằm hai bên tả hữu của Thầy

khi Thầy vào vinh quang trong Nước Thiên Chúa.

Chỉ tiếc là chuyện tranh cãi này lại xảy ra ngay sau khi

Thầy Giêsu tâm sự riêng với các môn đệ về cuộc Khổ Nạn của mình.

Chẳng rõ có phải Gioan và Giacôbê đã nhờ mẹ mình xin giùm không.

Từ chối lời xin ngây thơ của một người mẹ thương con là điều không dễ.

Thầy Giêsu có bực mình không khi phải chịu một áp lực như thế?

“Các người không biết các người xin gì!”

Điều các người xin xa lạ với con đường Thầy sắp đi.

Điều các người mơ ước lại là điều Thầy sắp phải quyết liệt từ bỏ:

quyền lực, tiếng tăm, vinh dự…

“Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?”

Như thế Thầy Giêsu thách đố nhóm Mười Hai

về khả năng chia sẻ cuộc Khổ Nạn với Ngài,

khả năng dám uống chung một chén đắng mà Ngài sắp uống.

Chỉ những ai dám cùng chịu đau khổ mới được chung phần vinh quang.

Chẳng rõ các môn đệ có lường được cái giá phải trả không,

nhưng họ đã vội trả lời là uống nổi.

Thầy Giêsu xác nhận chọn lựa của họ,

nhưng Ngài lại không hứa cho họ ngồi hai bên tả hữu của mình,

đơn giản là vì điều đó thuộc quyền của Cha.

Chuyện tranh cãi giữa các môn đệ là cơ hội để Thầy Giêsu vạch ra

cách hành xử cho những nhà lãnh đạo tương lai của Giáo Hội.

Chắc chắn nó khác với lối lãnh đạo ngoài đời,

khi người ta dùng quyền uy để thống trị và làm bá chủ (c. 25).

“Giữa anh em thì không được như vậy,” anh em không được theo thói đời.

Thầy Giêsu dạy các môn đệ điều ngược đời:

kẻ làm lớn, làm đầu phải làm đầy tớ phục vụ cho anh em mình (cc. 26-27).

Tấm gương lớn nhất là tấm gương Thầy phục vụ (c. 28).

Cuộc Khổ nạn sắp đến là việc phục vụ khiêm hạ nhất của Thầy.

Lần đầu tiên Đức Giêsu cho biết ý nghĩa cái chết sắp đến của mình,

cái chết như giá chuộc để cứu độ muôn người (c. 28).

Mười môn đệ khác có còn ghen tức hai anh em con ông Dêbêđê nữa không

nếu họ biết rằng ngồi ghế cao chính là để thấy rõ mà dễ phục vụ hơn?

 

Cầu nguyện:

Lạy Thầy Giêsu,

Thầy không gọi chúng con là tôi tớ,

Thầy cũng không chỉ coi chúng con là môn đệ.

Thầy còn coi chúng con như bạn hữu của Thầy,

vì Thầy đã thổ lộ cho chúng con

những điều riêng tư thầm kín nhất

trong tương quan giữa Thầy với Cha.

Hơn nữa, sau phục sinh,

Thầy đã gọi các môn đệ là anh em.

Mặc nhiên Thầy tự nhận mình là Anh Trưởng

đứng đầu một đoàn em đông đúc.

Xin cho chúng con

luôn thi hành ý muốn của Cha

để trở nên những người em

cùng huyết nhục với Thầy.

Lạy Thầy Giêsu, Thầy đã nâng chúng con lên

làm môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy.

Còn Thầy lại hạ mình xuống

phục vụ chúng con như người tôi tớ,

rửa chân cho chúng con như một nô lệ

và chết thay cho chúng con trên thập giá.

Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầy

và sống yêu thương mọi người như anh em. Amen.

 

Suy Niệm 2: Tục hóa

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Thế gian chạy theo thế gian. Giá trị Nước Trời trở thành cản đường. Vì thế họ muốn tiêu diệt các tiên tri. Giê-rê-mi-a làm điều tốt lành cho họ. Nhưng họ vẫn muốn giết chết ngài. Họ muốn tẩy trừ tư tế, hiền nhân và tiên tri ra khỏi đời sống để hoàn toàn có thể theo đuổi trần gian.

Thói thế gian len lỏi cả vào hàng ngũ môn đệ thân tín của Chúa. Thật đáng buồn khi Thầy trò đồng sàng dị mộng. Chúa dậy các ông con đường Nước Trời là tự hạ để được nâng lên, quên mình để được tôn vinh, phục vụ để được lãnh đạo, chịu chết để được sống. Nhưng họ vẫn theo con đường trần gian.

Hai người đã cậy thế cậy thân vận động để được chức quyền. Thật là đem cả thói thế gian vào chính trung tâm của sự thánh thiện. Dám đem những lời nhơ uế làm bẩn lỗ tai thánh thiện. Buồn hơn nữa là các tông đồ tỏ ra bất bình. Tại sao? Vì cũng nặng lòng với thế gian. Cũng đang ngắm nghé chỗ cao chỗ thấp. Có cạnh tranh nên có bất bình. Nói ra hay không cũng đều giống nhau cả.

Một lần nữa Chúa phải nói rõ ràng về những khác biệt giữa thói thế gian và thái độ của Nước Trời. Đó là hai con đường ngược chiều. Thói thế gian muốn danh, lợi, thú. Muốn thống trị, ăn trên ngồi trước. Nhưng trong Nước Trời thì phải ngược lại. “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em”.

Chính Chúa đã mở ra con đường khiêm nhường phục vụ vì “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dân mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Phục vụ là quên mình. Quên mình đến hiến dâng mạng sống là phục vụ ở mức cao nhất. Là hoàn toàn coi mình là tầm thường, là tôi tớ, là không có giá trị gì. Coi anh em là tuyệt đối, là đáng quí, đáng trọng.

Tôi đang thao thức điều gì? Theo thói thế gian hay theo phong cách Nước Trời? Tôi đi vào con đường của Chúa hay của trần gian?

 

Suy Niệm 3: Phục vụ đích thực

Alexandre Thompson năm nay 74 tuổi, hiện đang sống tại Thuỵ Sĩ. Mới đây ông đã viết thư cho toà đô chính Copenhagen để báo tin ông sẵn sàng tặng thành phố 40 triệu Mỹ kim để làm bất cứ dự án nào, với điều kiện tên tuổi ông phải được đặt cho một con đường ở thủ đô nơi ông đã sinh trưởng. Nhưng đề nghị của ông đã bị từ chối và dĩ nhiên số tiền ông hứa tặng vẫn còn giữ chặt trong tay ông.

Cho đi để được cho lại, đó là tính toán thường tình của con người. Người ta làm ơn làm phúc để được đền đáp, người ta hy sinh phục vụ đã tên tuổi của mình được nhắc đến. Tiền tài, quyền bính, danh vọng là ẩn số luôn ẩn núp sau những công việc mà con người gọi là phục vụ. Tựu trung, điều con người tìm kiếm trong mọi phục vụ vẫn là cái tôi của mình. Chúa Giêsu đã mang lại cho hai chữ “phục vụ” ý nghĩa đích thực của nó: phục vụ như Chúa Giêsu đã sống là sống như một người tôi tớ. Người tôi tớ trong thời phong kiến chỉ có một hiện hữu duy nhất, đó là sống cho và sống vì người khác. Như vậy, phục vụ đích thực chính là sống trọn vẹn cho tha nhân, vì tha nhân, chứ không vì bất cứ một tính toán lợi lộc nào. Phục vụ như thế cũng đồng nghĩa với quên mình và quên mình cho đến chết. Xét cho cùng, theo mẫu gương của Chúa Giêsu, phục vụ cũng đồng nghĩa với chết đi. Đó là bài học mà Chúa Giêsu đã muốn lặp lại khi cho chúng ta lắng nghe trong Tin mừng hôm nay.

Những dân chài Galilê đã bỏ mọi sự theo Chúa Giêsu, nhưng các ông từ bỏ mọi sự với một tính toán, đó là trở thành công hầu khanh tướng trong vương quốc tương lai của Ngài. Các ông cũng không thoát khỏi cái lý luận thường tình của con người: “Tôi cho đi để được lấy lại”, “tôi từ bỏ mọi sự để được giầu sang hơn”, “tôi phục vụ để được phục vụ lại”. Quyền bính, danh vọng vẫn luôn là cám dỗ đối với Giáo Hội qua mọi thới đại. Dưới lớp áo thâm chùng của từ bỏ vẫn còn ẩn núp nhưng tham sân si. Đội lốt tôn giáo, lời tố cáo ấy xem ra không phải là quá đáng, bất công đối với không biết bao nhiêu thành phần được gọi là người của Giáo hội.

Gồm những con người yếu hèn, tội lỗi, Giáo hội Chúa Kitô luôn cần được thanh luyện trong ý hướng, cũng như trong thể hiện của mình. Trong cuộc trở về chung của toàn Giáo Hội, mọi Kitô hữu đều được mời gọi để không ngừng hoán cải. Hoán cải là quay về với Chúa, là chỉ tìm kiếm và yêu mến một mình Ngài, là tham dự vào cuộc Tử nạn của Chúa Kitô bằng những hy sinh và từ bỏ chính mình mỗi ngày.

Ước gì cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá mà chúng ta Suy Niệm trong Mùa Chay này luôn nhắc nhở chúng ta về ơn gọi của người môn đệ, đó là phục vụ, quên mình, và ý thức mình chỉ là đầy tớ vô dụng, chỉ làm những gì phải làm mà thôi.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Tinh thần phục vụ

Sau khi Chúa Giêsu tiên báo lần thứ ba về cuộc thương khó của Người, giữa nhóm mười hai đã xảy ra nhiều cuộc tranh luận. Càng gần tới thành Giêrusalem, cuộc tranh luận càng sôi nổi hơn. Họ bàn tán xôn xao: Thầy sắp thực hiện kế hoạch mà Thầy đã ôm ấp bấy lâu. Kế hoạch này xem ra khó hiểu đối với họ, nhưng thôi, đó là công việc của Thầy, hãy để Thầy lo liệu, và họ bàn luận với nhau về tương lai của họ sau khi Thầy được đăng quang. Họ phân chia nhau ngôi thứ, ai lớn ai nhỏ như thế nào đây. Ai là người có công nhiều, ai là người có công ít hơn. Và cuộc tranh luận này không chỉ gói gọn giữa nhóm Mười Hai, mà còn mở rộng ra đến cả người nhà của họ nữa. Hai ông Giacôbê và Gioan, con ông Dêbêđê, đưa mẹ đến xin Chúa Giêsu cho họ được ngồi bên tả bên hữu Chúa. Thấy mẹ con bà Dêbêđê hành xử như vậy, mười môn đệ kia tức tối ra mặt. Nhân cơ hội này, Chúa Giêsu dạy cho các ông bài học về tinh thần phục vụ mà các môn sinh của Chúa phải có.

Khác với cách thức cai trị của vua quan trần thế là những người đã dùng uy quyền để ổn định dân nước, những người lãnh đạo trong Nước Trời phải dùng quyền hạn mà Thiên Chúa ủy thác cho để phục vụ lợi ích của tha nhân. Ðịa vị càng cao càng phải hạ mình để phục vụ người khác nhiều hơn: "Ai muốn làm đầu các con thì phải làm đầy tớ các con. Cũng như Con Người đến không phải để người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người."

Lời dạy của Chúa Giêsu thức tỉnh chúng ta và mời gọi chúng ta xét mình. Chúng ta tự hào mình là người có công, là những người cộng tác vào công cuộc mở mang Nước Chúa ở trần gian. Ðôi lúc chúng ta cũng bỏ công sức, thời giờ, tiền của vào các việc tông đồ truyền giáo. Chúng ta có nhiệt tình, chúng ta lao tâm khổ tứ, chúng ta ăn ngủ không yên, nhưng thử hỏi, chúng ta dấn thân như vậy vì Chúa, vì phục vụ anh em hay vì một cái gì khác. Mỗi người chúng ta hạ cố tự vấn lương tâm mình trong mùa Chay này.

Lạy Chúa, con rất muốn hoạt động cho Danh Cha cả sáng, cho Nước Cha trị đến, cho Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Tuy nhiên, đôi lúc con cũng muốn mặc cả với Chúa, con làm cho Nước Chúa điều này thì xin Chúa hãy làm cho bản thân con điều nọ. Con phục vụ người khác và con cũng muốn mình được người ta phục vụ. Xin Chúa dạy con biết lột bỏ quan niệm trần tục này để mặc lấy tinh thần của người tôi tớ khiêm hạ mà tận tình phục vụ anh chị em vì lòng yêu mến Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 5: Chỉ có một tham vọng là phục vụ

“Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải là người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải là đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt. 20, 26b-28)

1) Qua mẹ con ông Giê-bê-đê, Đức Giê-su nhắc nhở chúng ta về một điều đắt giá này: Nếu chúng ta muốn theo Chúa, thì đừng mơ ước vinh quang loài người, nhưng hãy chấp nhận chia sẻ cuộc tử nạn của Người để cứu độ thế giới. Không ai gần Đức Giê-su bằng Đức Mẹ, nhưng trước khi được muôn thế hệ ngợi khen Mẹ đầy diễm phúc, Mẹ đã là Mẹ của một người bị kết án tử hình.

2) Dù sao những người con của ông Giê-bê-đê cũng đáng thiện cảm. Lòng tham vọng phàm trần của các ông là dấu chỉ có lòng quảng đại, và chính vì đó mà đã được Đức Giê-su tuyển chọn. Chúa chỉ muốn mở rộng tấm lòng tham vọng của họ ra tới chân trời vô tận, nên Chúa hỏi: “Các anh có uống nổi chén Ta uống không?”. Họ đáp: “Thưa uống nổi”, nhưng Chúa chưa đòi các ông phải lăn xả ngay để chứng tỏ hết sức mình các ông đâu, các ông sẽ uống dần dần bằng việc phục vụ rất khiêm tốn trước đã, vì thế chưa nói phải uống chén đắng.

3) Không chỉ hầu hạ, mà còn “phải hiến mạng sống”. Lời của Thầy có thể vẫn là những chữ chết không có hiệu lực gì, nếu Thầy không cho họ một tấm gương sống động chứng tỏ rõ rệt và có sức thuyết phục đặc biệt, nếu những lời này không được thực hiện từng chữ, thì người ta sẽ nghĩ rằng những lời này chỉ là cách nói có ý phóng đại để gây ấn tượng và đánh động người nghe thôi. Giáo huấn của Đức Ki-tô không phải là thứ yêu sách không thể đạt được. Người ta có thể đọc được nó ngay trong đời sống của con người. Chính Đức Giê-su đã sống hoàn toàn đúng với luật đời sống này. Người bày tỏ đời sống mình làm mẫu cho Giáo hội. Người không đến để cai trị, nhưng đến để phục vụ. Toàn diện sứ mệnh của Người là phục vụ. Thiện chí lôi cuốn Người là ý chí phục vụ. Ơn kêu gọi của Người là phục vụ. Trong bữa tối sau hết, Người đã hoàn tất việc phục vụ dành riêng cho kẻ nô lệ bằng rửa chân cho mười hai môn đệ.

Môn đệ thấy trước mặt mẫu gương phục vụ này, sẽ không chỉ nói lý thuyết phục vụ, nhưng nuôi dưỡng nó như là luật sống của mình để sống phục vụ hết mình. Môn đệ phải đón nhận lấy mẫu gương mà chính Chúa đã ban cho mình, một mẫu gương nổi bật có sức làm phai mờ mọi phần tử khác. Chính bản thân mỗi môn đệ phải thực hiện giá trị cao cả đó: Ơn kêu gọi của tôi là thí mạng sống mình cho mọi người, cho thế giới, vì yêu thương.

 

Suy Niệm 6: Ơn cứu chuộc của chúng ta nơi Thánh Giá Chúa

Có nhiều người ngày nay, theo tâm lý tự nhiên, họ đều muốn có danh tiếng cá nhân, phần thưởng cá nhân, địa vị cá nhân và sự thành công cá nhân, nhưng ít ai nghĩ đến sự hi sinh cá nhân!

Thật thế, đây là cám dỗ nguy hiểm cho con người thời nay, bởi vì ai cũng chỉ nghĩ đến mình, họ luôn xây dựng cái tôi của mình thật lớn để rồi như một thành trì bảo vệ uy lực cho cá nhân mà không hề nghĩ đến người khác và bổn phận trách nhiệm của mình với cộng đồng.

Đây cũng chính là mối nguy hại cho các Tông đồ thời Đức Giêsu! Các ông theo Ngài, được Ngài mặc khải nhiều điều, và, nhất là hôm nay, Ngài loan báo cuộc khổ nạn, đồng thời mời gọi họ đi theo trên con đường khổ giá để cùng Ngài cứu chuộc nhân loại, thay vì ưng thuận,  họ đã tỏ vẻ khó chịu, bởi vì các ông đã phỏng chiếu một Đức Giêsu uy quyền, lẫm liệt khi thể hiện quyền năng của mình để đánh đông dẹp bắc theo kiểu binh đao, nhưng đằng này, Đức Giêsu đã lật đổ những mơ ước hão huyền của các môn đệ, làm cho giấc mộng công hầu khanh tướng mà các ông đang theo đuổi tan thành mây khói khi loan báo cái chết sẽ đến với Ngài.

Cám dỗ về uy quyền, danh vọng, sung túc... mà các môn đệ thời Đức Giêsu mắc phải cũng chính là cám dỗ triền miên của mỗi chúng ta ngày nay!

Mùa Chay là mùa mời gọi chúng ta nhìn thẳng vào Thánh Giá Chúa để thấy được tình thương của Đức Giêsu, thấy được sứ vụ của cuộc đời chúng ta, khám phá ra ý nghĩa của ơn cứu độ ngang qua đau khổ, nhất là khám phá ra sự vĩ đại, sức mạnh phi thường và ơn giải thoát ở sự phục vụ trong yêu thương.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con biết sống cho người khác như Chúa, luôn mong được phục vụ hơn là tìm sự phục vụ nơi người khác cho mình. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Phục vụ và phó mạng sống

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu tự nguyện trở nên đầy tớ phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc nhân loại. Chúa mời gọi ta noi gương Chúa sống khiêm tốn, phục vụ, và hiệp thông với lễ hy sinh của Chúa trên Thánh giá.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, thế giới không mấy lúc được bình an. Chiến tranh nơi này chưa kết thúc, đã xảy ra chiến tranh nơi khác: vì có những dân tộc muốn thống trị toàn thế giới, vì có những cá nhân muốn áp đặt ý mình trên mọi người. Bao nhiêu người giành giật địa vị, tranh chấp quyền lực. Bao nhiêu người tìm mọi cách ngoi lên chiếm lấy một địa vị xã hội để khỏi bị chèn ép. Bản thân con cũng khó hạ mình xuống để chịu cho người khác hơn con. Không phải chỉ có các con ông Dê-bê-đê xin chỗ nhất, cũng chẳng phải chỉ có mười môn đệ kia tức tối, mà tất cả chúng con đều như vậy.

Lạy Chúa, để làm một cuộc cách mạng, Chúa đã bắt đầu từ bản thân Chúa. Chúa để lại cho chúng con gương mẫu khiêm tốn tuyệt vời. Cả cuộc đời, Chúa đã chẳng sống cho mình, nhưng hoàn toàn quên mình để phục vụ chúng con, và hy sinh mạng sống trên Thánh giá để trở nên hy lễ cứu độ chúng con. Thánh giá Chúa muôn đời vẫn còn đó như ngọn hải đăng giữa biển đời đầy bão táp biến động.

Lạy Chúa, xin giúp con nhìn lên Chúa và bắt chước Chúa. Xin Chúa cho các nhà lãnh đạo các quốc gia biết hy sinh tận tụy phục vụ dân tộc cách vô vụ lợi. Xin cho chúng con là bậc cha mẹ đứng đầu các gia đình biết phục vụ con cái trong tinh thần quên mình, hiền hòa, cảm thông, không gắt gỏng, khó tính hoặc cứng cỏi. Xin Chúa cho các vị lãnh đạo trong Hội Thánh biết sống tinh thần hiền lành và khiêm nhường như Chúa. Và xin cho chúng con không ngần ngại hầu hạ nhau như Chúa đã từng hầu hạ chúng con. Amen.

Ghi nhớ: “Họ đã lên án tử cho Người”.

 

Suy Niệm 8: Con Người đến để phục vụ

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Một hôm Đức Hồng y Roncalli vừa trên xe bước xuống. Ngài mới đi xa về. Phái đoàn Tòa Giám mục ra đón. Mọi người ngạc nhiên trên vai áo Hồng y có vướng mấy cọng rơm đồng quê. Ai hỏi ngài cũng cười xòa vui vẻ, nhưng mấy nhân viên phụ tá trên xe đều hiểu chuyện.

Chiếc xe của Đức Hồng y đang từ hướng Bắc xuống miền Nam qua vùng đồng ruộng. Giữa đường một chiếc xe bò chở rơm sa hố. Người đánh xe gắng sức đẩy phụ nhưng xe không nhúc nhích. Đức Hồng y cho xe dừng lại, xắn tay áo hò dô ta đẩy phụ, và chiếc xe rơm sa lầy lại chuyển bánh tiếp tục lên đường.

Những cọng rơm trên vai Đức Hồng y đối với ngài chỉ cười xòa cho qua. Nhưng thực sự tỏ rõ cho chúng ta thấy một Hồng y không quản ngại khó khăn hay sợ bẩn chiếc áo dòng sang trọng.

Sau này khi lên ngôi Giáo hoàng - Đức Gioan XXIII vẫn tiếp tục nếp sống bình dị phục vụ.

Suy Niệm

Chúa Giêsu loan báo về cuộc thương khó của Ngài lần thứ ba, các môn đệ vẫn chưa hiểu hết được mầu nhiệm thập giá, các ông vẫn hy vọng một triều đại Mêssia mà Thầy sắp sửa khai mạc với sự vinh quang của Thầy - Đấng Mêssia - Đấng Cứu Thế. Mẹ của hai anh em Giacôbê và Gioan nhanh chân xin trước hai chỗ danh dự trong nước Ngài: Cho ngồi bên tả và bên hữu Thầy khi vương quốc Mêssia khai mạc. Rõ ràng lời thỉnh cầu này bỏ qua mạc khải hành trình Giêrusalem, bỏ qua thập giá mà Thầy đang mạc khải.

Họ vẫn chưa hiểu gì cả về định mệnh đích thực của Chúa Giêsu. Bằng những câu hỏi: “Các ngươi không biết điều các ngươi xin. Các ngươi có thể uống chén mà ít nữa đây Ta sắp uống chăng?”. Đức Giêsu cố gắng chuyển biến tư tưởng của họ từ “vinh quang của Đấng Mêssia” theo quan niệm con người sang “con đường dẫn đến vinh quang” là xuyên qua khổ giá qua hình ảnh chén đắng. Giacôbê và Gioan dù không hiểu điều các ông xin, nhưng vẫn thưa được. Giacôbê và Gioan đã được Chúa cải hóa tham dự vào chén đắng của Thầy khiến các ông như Thầy sau này đối diện tử nạn: Giacôbê bị vua Hêrôđê Agrippa giết năm 44 và là vị tông đồ tử đạo đầu tiên ở Giêrusalem (x. Cv 12,2) và Gioan sẽ phải chịu bắt bớ thời hoàng đế Nêrôn, đã bị bỏ vào vạc dầu sôi ở cửa Latinh. Ông thoát chết bị khổ sai tại đảo Patmos (x. Kh 1,9).

Trong ý nghĩa của mầu nhiệm thập giá qua hình ảnh chén đắng và phép rửa, Chúa Giêsu dẫn từ sự mộng mơ về quyền bính vinh quang mà các ông mong muốn đến sự hiệp thông đời sống với Ngài: “Ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu trong các con, thì hãy làm tôi tớ các con…” (Mt 20,26-27). Chúa Giêsu có quyền hạn đầy đủ của một vị Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không hành xử như một vị thống trị, mà trở nên như “một người đầy tớ”. Ngài đã không như “lãnh chúa” mà là “gia nhân” (x. Ga 13,13) bằng cách rửa chân cho các môn đệ vào chiều thứ Năm tuần thánh và dạy bài học phục vụ cho các môn đệ. Cho nên, người môn đệ Đức Giêsu được chọn để phục vụ anh em theo lời giảng dạy và mẫu gương của chính Thầy - Đức Giêsu. Ngài đã khẳng định bổn phận phục vụ dựa trên nền tảng là lối cư xử của Ngài: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người” (Mt 20,28).

Cuộc sống là hành trình thập giá, như hai môn đệ Gioan và Giacôbê, chúng ta được mời gọi uống chén đắng xuyên qua những đối diện mọi gian nan khốn khó của cuộc đời… Là gánh vác cuộc đời như Chúa Giêsu vác thập giá là chén đắng mà Chúa Cha trao, xuyên qua và trỗi dậy.

Ý lực sống: “Lạy Cha, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,40).

 

Suy Niệm 9: Tinh thần phục vụ

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Gần tới lễ Vượt Qua, Đức Giêsu lên Giêrusalem để mừng lễ và đây là lần sau hết của đời Ngài. Trên đường đi, Chúa giáo huấn các ông, mặc dầu các ông không hiểu. Để giáo dục các ông, Ngài làm hai việc: một là loan báo cho các ông biết  Ngài sẽ bị nộp vào tay kẻ thù để hiến thân chuộc tội cho loài người; hai là dạy họ bài học phục vụ: “Ai muốn làm đầu thì hãy làm đầy tớ...” và “Con Người đến không phải để được phục vụ, mà để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người”. Đức Giêsu cho chúng ta một mẫu gương là khiêm tốn phục vụ và hy sinh vì người khác.

2. “Nào chúng ta lên Giêrusalem...”.

Tâm lý của các môn đệ: mặc dầu đã đi theo Chúa gần ba năm, nhưng các môn đệ cũng chưa lĩnh hội giáo lý của Ngài được bao nhiêu. Ngay sau lần thứ ba Đức Giêsu loan báo cho các môn đệ sự thương khó của Ngài: “Nào chúng ta lên Giêrusalem...Con người sẽ bị nộp cho các thượng tế. Họ sẽ lên án tử Người. Họ sẽ nhạo báng Người, sẽ khạc nhổ vào Người, sẽ đánh đòn và giết Người  (10,32-34), các ông cũng không quan tâm lời loan báo ấy, có lẽ chẳng hiểu gì; hơn nữa đầu óc các ông còn đang mơ tưởng đến vương quốc Đức Giêsu sắp lập. Như vậy có nghĩa là vào lúc Đức Giêsu “chọn chỗ chót” thì các ông lại cố “đua nhau” chiếm chỗ tốt hơn: Họ vẫn còn mơ mộng về Đấng Cứu Thế vinh quang của dân tộc. Đấng Cứu Thế đối với họ đó là Đấng chiến thắng hiển hách, sẽ dùng quyền lực của mình điều khiển mọi sự.

3. “Con người đến không phải để được phục vụ...”

Câu Phúc âm này nói lên tất cả cuộc sống của Đức Giêsu: Ngài đã nhập thể làm người để phục vụ và phục vụ cho đến chết. Chẳng những Ngài đã hy sinh phục vụ, mà còn mời gọi những kẻ tin theo Ngài cũng noi gương sống phục vụ như Ngài.

Trong Tin mừng, đây là lần thứ ba Đức Giêsu nói đến con đường Thập giá mà Ngài sẽ trải qua. Nhưng cứ mỗi lần Ngài loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài, các Tông đồ đều phản ứng ngược lại: trong lần loan báo đầu tiên, Phêrô đã ngăn cản Ngài; lần thứ hai các ông tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất; và lần này thì Giacôbê và Gioan xin được chức tước cao nhất làm cớ cho những người khác trong nhóm Mười Hai phân bì ghen tị.

4. Cho đi để được lại...

Cho đi để được lại, đó là tính toán quá thường tình của con người. Người ta làm ơn làm phúc để được đền đáp, người ta hy sinh phục vụ để tên tuổi của mình được nhắc đến. Tiền tài, quyền bính, danh vọng là ẩn số luôn ẩn núp sau những công việc mà người ta gọi là phục vụ.

Các Tông đồ đã bỏ mọi sự mà theo Chúa, đã được Chúa dạy dỗ bằng lời nói và gương sáng của Ngài, thế mà các ông vẫn còn ích kỷ, vụ lợi, tham vọng; và điều đó cho thấy các ông đã từ bỏ với tính toán: cho đi để được cho lại, phục vụ để được phục vụ. Đó là tâm trạng chung của con người. Nhưng Đức Giêsu đã nêu gương phục vụ cho chúng ta, Ngài đã hoàn toàn phục vụ cách vô vị lợi. Ngài đã mang lại cho hai chữ “phục vụ” ý nghĩa đích thực của nó, đó là sống cho và sống vì người khác, sẵn sàng hy sinh quên mình vì lợi ích của người khác.

5. Chọn con đường phục vụ nào?

Con người chúng ta trong mọi hoàn cảnh, cứ bị dẫn đến những ngã ba đường: nghĩa là trước mắt ta luôn có hai ngả mà ta phải chọn một. Hai ngả đó thường dẫn đến hai chiều khác nhau: một hướng vị kỷ và một hướng vị tha.

- Hướng vị kỷ có một sức mạnh tự nhiên lôi cuốn ta vào, nó khiến ta chỉ nghĩ đến bản thân mình, hạnh phúc hay đau khổ của mình, quyền lợi hay trách nhiệm của mình. Nói chung, nó thu hút ta vào chính bản thân ta. Hầu hết mọi người, trong hầu hết mọi trường hợp, đều bị lôi cuốn vào ngả này.

- Còn hướng vị tha rất ít khi lôi cuốn ta, nhưng lương tâm ta lại thúc đẩy ta, đôi khi còn ép buộc ta bước vào. Nó đòi hỏi ta phải quên bản thân, quên những gì liên quan tới bản thân để nghĩ đến người khác, đến đám đông bên ngoài ta, đến hạnh phúc hay đau khổ của họ.

Dù đi vào hướng nào, thì sau khi đi một đoạn đường nữa, ta sẽ lại đến một ngã ba khác, cũng với hai hướng vị kỷ và vị tha trước mặt. Mỗi lần gặp ngã ba đó là mỗi lần ta phải lựa chọn hướng đi cho mình.

6. Truyện: Một sự hy sinh tuyệt vời.

Có hai nhà doanh nghiệp du lịch vòng quanh thế giới. Họ xem được nhiều danh lam thắng cảnh, biết được nhiều lối sống của nhiều dân tộc, thấy được bao điều mới lạ. Nhưng họ nói tại Triều Tiên đã có một hình ảnh đánh động họ nhất, làm họ ghi nhớ mãi.

Một buổi sáng nọ, họ đi dạo trên đường làng, họ thấy cảnh một ông già đang kéo cầy thay trâu, đi sau cầy là một cậu bé. Họ đứng lại xem, bộ mặt ông già không có gì là buồn khổ cả. Họ xúc động, lấy máy ảnh chụp cảnh ấy. Sau đó họ đến thăm một nhà thờ và chìa bức ảnh trên cho cha sở xem. Sau khi nhìn bức ảnh cha nói:

- Vâng, đối với các ông đây là một chuyện lạ. Nhưng tôi biết rõ cha con ông ấy. Họ rất nghèo, và khi nhà thờ này khởi công xây dựng, họ muốn đóng góp vào việc xây cất. Nhưng họ không có tiền, không có lúa để bán, và mùa đông lại sắp tới họ bèn bán con bò duy nhất để lấy tiền giúp nhà thờ. Bây giờ hai cha con phải thay bò kéo cầy làm đất.

Hai người khách nhìn nhau một lát rồi một người nói:

- Thật là một sự hy sinh ngoài trí tưởng tượng! Sao cha cho phép họ làm thế?

Cha đáp:

- Họ xem đó là chuyện bình thường. Tôi đã can ngăn, nhưng họ xem việc hy sinh con bò là dâng một lễ vật cho Chúa.

 

Suy Niệm 10: Trường đào tạo người làm đầy tớ

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

1. Bài đọc một là lời tâm sự của ngôn sứ Giêrêmia: làm ngôn sứ của Chúa, Giêrêmia chỉ muốn điều lành cho dân mình (rao giảng cho họ, chỉ bảo họ, cầu nguyện biện hộ cho họ) thế mà lại bị họ ghét, chống đối và tìm cách hãm hại. Giêrêmia phải than “Làm lành mà phải gặp dữ sao!”. Sứ mạng và thân phận của sứ giả Chúa là như thế.

2. Bài Tin Mừng cho thấy các tông đồ chưa hiểu đúng sứ mạng của mình: họ theo Chúa Giêsu nhưng để được vinh dự và địa vị (lời xin của 2 con ông Dêbêđê, sự khó chịu của các tông đồ kia). Để giáo dục họ, Chúa Giêsu làm hai việc: một là loan báo cho các ông biết Ngài sẽ bị nộp vào tay kẻ thù để hiến thân chuộc tội cho loài người; hai là dạy họ bài học phục vụ: “Ai muốn cầm đầu thì hãy làm đầy tớ...” “Con Người đến không phải để được phục vụ, mà để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người”

B.... nẩy mầm.

1. Hai người con của ông Dêbêđê là Gioan và Giacôbê. Họ là hai trong số  những môn đệ đầu tiên đi theo Chúa Giêsu, thế mà họ cũng không thấm nhuần tinh thần phục vụ mà Chúa Giêsu dạy. Huống chi những môn đệ khác. Huống chi tôi... Phải chăng lâu nay tôi theo Chúa mà chỉ nghĩ đến quyền lợi, danh dự, ơn ích... Nói cách khác, tôi nghĩ đến nhận mà không nghĩ đến cho, tôi nghĩ đến được người ta phục vụ mà không nghĩ đến phục vụ người ta.

2. Chương trình đào tạo trong trường của Chúa Giêsu là “đào tạo những người làm đầy tớ”. Vào trường của Chúa bấy lâu nay, tôi đã học làm đầy tớ được đến mức nào rồi?

3. Người môn đệ Chúa còn phải chuẩn bị để sau này có thể uống “chén” mà Chúa đã uống. Tôi đã chuẩn bị việc này chưa?

4. Cha Maximilien Kolbe làm gương cho chúng ta về cung cách sống của người môn đệ Chúa: Một buổi sáng cuối tháng 7 năm 1941 tại trại tập trung Oswiccim của Đức quốc xã, có một người vượt ngục, 10 người khác bị xử thay vào. Các nạn nhân run rẩy bước ra, đứng không vững, khiếp đảm, không dám kêu la, trừ một người kêu ré lên ”Ôi vợ và các con tôi”.

Hàng trăm dãy tù nhân xếp hàng dài im thin thít, hú hồn vì chưa phải tên mình, không một ai dám cựa quậy. Bỗng từ dãy tù nhân bên trái, một người gầy guộc rời hàng bước về phía viên trưởng trại. Mọi người nín thở: chuyện chưa từng có ! Viên trưởng trại đặt tay lên súng: 

- Anh muốn gì? 

- Tôi muốn chết thay một người trong bọn họ.

Viên trưởng trại sửng sốt. Y tưởng mình nghe lầm. Nhưng không, người kia thực sự xin được chết thay cho kẻ có vợ và các con đang đợi ở nhà. Sau mấy câu gượng gạo, viên trưởng trại nhượng bộ, chấp nhận lời yêu cầu. Kẻ tình nguyện đó là Maximilien Kolbe, một linh mục công giáo. Cha đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong thánh ngày 10.10.1082 tại  Rôma. (Trích ”Phúc”)

 

Suy Niệm 11: Phục vụ và hy sinh

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

Qua bài Tin Mừng vừa nghe, chúng ta thấy quan niệm của Chúa Giêsu và quan niệm của các môn đệ về cuộc sống có một khoảng cách thật xa.

Với Chúa Giêsu thì cuộc sống là phục vụ và hy sinh.

Còn với các môn đệ thì chưa được như thế.

1. Chúa bảo: “Ai muốn cầm đầu thì hãy làm đầy tớ và phục vụ mọi người”. (Mt 20,27)

Sống đối với Chúa là phục vụ. Chúa phục vụ đến quên mình, phục vụ như một người tôi tớ. “Con Người đến không phải để được phục vụ, mà để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người” (Mt 20,28).

Còn con người thì sao? Qua những gì được kể lại trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy con người thường chỉ nghĩ đến quyền lợi, danh dự, ơn ích... Nói cách khác, chỉ nghĩ đến nhận mà không nghĩ đến cho, nghĩ đến việc được người ta phục vụ chứ chưa nghĩ đến việc phục vụ người khác.

Thánh Antôn, là giám mục của vùng Firenze nước Ý vào khoảng thế kỷ thứ 15, có kể lại một câu chuyện mà ngài đã tận mắt chứng kiến trong đời mục vụ tông đồ:

Một hôm, ngài đang đi trên đường thì Thiên Chúa cho ngài thấy có một thiên thần cứ bay lượn bên trên một ngôi nhà nghèo nàn lụp xụp. Ngài ghé vào hỏi thăm cha sở vùng này thì được biết, gia đình ấy tuy rất nghèo nhưng rất đạo đức và tốt bụng, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Thánh Antôn động lòng thương, hiểu ra ý Chúa muốn soi sáng cho mình, ngài bèn trích quỹ từ thiện, kín đáo trợ cấp hàng tháng cho gia đình đó một số tiền vừa đủ để có vốn liếng mà chí thú làm ăn cho đỡ nghèo khổ.

Bẵng đi một thời gian, ngài lại có việc đi qua vùng ấy. Ngài chợt giật mình trông thấy một tên quỉ xấu xa đang bay lượn trên mái một ngôi nhà khang trang đẹp đẽ nhất vùng. Ngài lại ghé vào cha sở để hỏi thăm, thì hóa ra đó chính là ngôi nhà của gia đình mà ngài đã từng trợ cấp lâu nay. Ngài biết họ đã cố gắng ăn nên làm ra, nhưng dần dần, vì tham lam, họ đã học đòi những thủ đoạn mánh khóe bất lương để làm giàu nhanh chóng, đời sống họ hoàn toàn vô đạo đức, trở nên ích kỷ và độc ác. Hiện tại họ lại còn thói ăn chơi trụy lạc.

Vâng! Khi có tiền có bạc con người ta dễ sinh ra ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình chứ không để ý đến người khác.

Mẹ Têrêsa Calcutta có lần đã nói: “Thế giới thiếu vắng đức tin vì có quá nhiều ích kỷ, quá nhiều cái tôi. Để sống đức tin chân thật, lòng người phải quảng đại cho đi”.

2. Chúa đã phục vụ, phục vụ đến quên mình. “Con Người đến để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người” (Mt 20,28).

Có lần mẹ Têrêsa nói với các chị em trong dòng của mẹ “Tình yêu đòi hỏi hy sinh. Đừng sợ yêu thương đến độ phải hy sinh, tới mức phải nhức nhối”.

Vâng, hãy tập hy sinh để được nên giống Chúa.

Trong căn nhà nhỏ ở một vùng ngoại ô, có hai vợ chồng nọ đã luống tuổi. Họ từng trải qua những ngày tháng bên nhau đầy yêu thương và yên bình. Niềm vui chung của họ là cùng chăm sóc một vườn dưa chuột xanh tốt sau nhà. Ông cụ chăm sóc vườn dưa rất cẩn thận, hết dậy sớm tưới nước lại bỏ công bắt sâu, nhổ cỏ. Những trái dưa chuột ngon nhất sẽ được hái để bà cụ muối dưa - bởi đó là thói quen của bà từ rất lâu. Mùa đông tới, khi vụ thu hoạch dưa chuột đã hết, ông cụ lại nghiên cứu các bảng danh sách giới thiệu hạt giống để đặt mua loại tốt nhất. Xuân về, các con của ông bà sống gần đấy giúp họ xới đất, gieo hạt. Bà cụ lại tìm đọc các sách nấu ăn để học hỏi thêm những bí quyết làm dưa chuột muối. Trong mắt mọi người, ông bà là một cặp vợ chồng hạnh phúc. Họ sống thân thiện, gần gũi với những người chung quanh. Bất cứ vị khách nào đến chơi cũng được ông bà tặng một bình dưa chuột muối mang về.

Nhưng một ngày kia, ông cụ qua đời. Mùa xuân năm đó, tất cả con cái tụ họp bên mẹ mình và nói:

- Chúng con biết mẹ rất thích làm dưa chuột muối, nên chúng con sẽ thay cha tiếp tục đặt mua hạt giống, sẽ trồng và chăm sóc dưa chuột cho mẹ.

Người mẹ mỉm cười:

- Cảm ơn các con, các con không cần trồng dưa nữa đâu. Thật ra thì mẹ không thích ăn dưa muối nhưng vì bố các con thích trồng dưa chuột nên mẹ muối thôi.

Những người con ngỡ ngàng. Trước khi cha mất, ông từng kể với họ rằng ông không hề thích trồng dưa chuột. Ông làm điều đó chỉ vì bà thích trổ tài muối dưa mà thôi.

Vì muốn đẹp lòng người bạn đời của mình, họ chấp nhận làm những điều mình không hề thích. Họ sống vì người khác, đến mức quên cả sở thích riêng của mình.

Lạy Chúa, xưa Chúa đã vì chúng con mà xuống thế làm người. Xin dạy chúng con biết yêu thương. Amen.

 

Bài cùng chuyên mục:

+ Chúa Nhật 24/11/2024 – CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ. – Vua Giêsu. (23/11/2024 10:00:00 - Xem: 2,354)

CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN năm B. – ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ.

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 2,849)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,633)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,370)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,789)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,793)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,885)

Thứ Hai tuần 33 thường niên.

+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,118)

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,565)

Thứ Bảy tuần 32 thường niên.

Thứ Sáu 15/11/2024 – Thứ Sáu tuần 32 thường niên. – Sống trong ngày của Chúa. (14/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,955)

Thứ Sáu tuần 32 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7