Suy tư - Cảm nghiệm

Suy nghĩ và cầu nguyện Chúa nhật 5 Phục sinh năm B - 2024

  • In trang này
  • Lượt xem: 791
  • Ngày đăng: 24/04/2024 21:22:10

NHƯ CÀNH LIỀN CÂY

Chúa Nhật 5 Phục Sinh năm B : Ga 15, 1-8 

 

 

Suy niệm

Với Chúa Nhật 4 Phục Sinh, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đi vào mối tương quan thân thương với Ngài như là mục tử với đoàn chiên. Chúa Nhật 5 Phục Sinh này, Chúa mời gọi chúng ta đi vào một mối tương quan sâu đậm hơn nữa với Ngài qua hình ảnh cây nho và cành nho.

 

Cây nho là biểu tượng bình an và thịnh vượng của dân Do Thái. Có lẽ vì thế mà hình ảnh cây nho đã được khắc trên đồng tiền Do Thái dưới thời Maccabê, thế kỷ II trước Công nguyên. Theo sử gia Josephus, vua Hêrôđê còn trang trọng gắn trên cửa Đền thờ một cây nho bằng vàng.

 

Trong Kinh Thánh, cây nho cũng từng được nhắc đến với tần xuất khá cao, để khắc họa dân tộc Israel, mà Thiên Chúa đã từng yêu thương giải thoát khỏi kiếp đọa đầy nô lệ ở Ai Cập: “Gốc nho này Chúa bứng từ Ai Cập, đuổi chư dân lấy chỗ mà trồng. Chúa khẩn hoang bốn bề quang đãng, cho bén rễ sâu mà lan rộng khắp nơi.” (Tv 80, 9-10).

 

Isaia sáng tác một bài dân ca mừng vườn nho xinh tươi của người bạn (5, 1-2) để ám chỉ tình thương của Thiên Chúa đối với dân Ngài. Còn Giêrêmia nói đến việc Thiên Chúa chăm sóc Israel như một khu vườn nho gia bảo; ai ngờ đâu Israel lại đền đáp lại bằng thái độ bất trung, bất nghĩa, khiến Thiên Chúa phải buồn trách: “Ta đã trồng ngươi như cây nho hảo hạng, cây nho thuần chủng. Sao ngươi lại thoái hóa thành những cây nho tạp chủng?” (Gr 2,21). Dù sự việc tệ hại đã xảy ra, nhưng tác giả Thánh Vịnh vẫn xướng lên một bài ca với niềm hy vọng: “Lạy Thiên Chúa, xin hãy viếng thăm và bảo trợ vườn nho mà chính tay Chúa đã vươn trồng” (Tv. 80, 15-16).

 

Hôm nay, Đức Giêsu đã đến, Ngài xóa đi hình ảnh cây nho đã bị thoái hóa, lai tạo, và long trọng tuyên bố: “Thầy là cây nho thật và Cha Thầy là người trồng nho…, anh em là cành”. Như cành nho được thông phần sự sống khi gắn liền với thân nho, người tín hữu cũng nhờ gắn bó với Đức Kitô mà được thông dự vào sự sống của chính Thiên Chúa. Vì thế, “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em”. Lời mời gọi lặp lại nhiều lần gần như nài van, nhưng làm thế nào để chúng ta có thể thực hiện sự kết hợp thâm sâu này với Chúa?

 

Đức Giêsu cho chúng ta biết cách kết hợp với Ngài là để cho “Lời Thầy ở lại trong anh em”. Thực tế là chúng ta đang được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, bằng việc tuân giữ giới răn và huấn lệnh của Ngài. Nhưng bản thân ta không phải lúc nào cũng có thể tiếp nhận dồi dào sự sống của Đức Kitô. Vì phận người hèn yếu, mà ma quỉ lại không ngừng gieo rắc những xấu xa trong tâm tưởng, là những con sâu đục khoét làm cho cành cây bị thương tổn. Những con sâu của sự ích kỷ, kiêu căng, lười biếng, ghen ghét, hận thù… Cần nhận ra tình trạng của mình và tìm cách tẩy sạch những mầm bệnh đang khống chế bản thân.

 

Có thể cành lá không bị sâu xia mà lại mọc ra rất um tùm. Xem ra cây rất xanh tươi, nhưng Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái”. Vì thế, cây nào không sinh hoa trái thì Người chặt đi.  Nhưng muốn cây có hoa trái, thì phải để cho Người cắt tỉa lá cành. Việc cắt tỉa làm cho dòng nhựa không bị phân tán, nhưng tập trung vào việc sinh hoa kết trái. Cành đã sinh trái, nhưng cũng cần phải cắt tỉa để sinh trái nhiều hơn. Cắt tỉa như vậy làm ta nhức nhối và đau đớn. Nhưng chỉ có như vậy, ta mới loại bỏ được những tệ hại đang xâm chiếm các năng lực, để đón nhận nhựa sống tràn đầy của Đức Giêsu.

 

Để ở lại và hưởng nguồn sống của Ðấng Phục Sinh, ta phải thông phần với thập giá của Chúa. Chính Ngài là “Con yêu dấu” của Chúa Cha cũng phải được cắt tỉa qua khổ đau và cái chết để đem lại hoa quả là ơn cứu độ cho con người. Chúng ta cần để Chúa Cha cắt tỉa những kiểu sống hình thức bên ngoài, những um tùm của lòng tự ái, của bệnh sĩ diện, bệnh thành tích, tính phô trương và háo danh… Chúa để ta gặp những thống khổ như một cách thanh luyện. Nhận ra như thế để ta không lo sợ và buồn sầu, trái lại, càng bám sát lấy Chúa bằng chìm sâu trong cầu nguyện, và tận dụng mọi cơ hội để cải hóa bản thân.

 

Vinh quang của Thiên Chúa là chúng ta sinh nhiều hoa trái. Thất bại của Thiên Chúa là sự cằn cỗi của chúng ta. Không hề có sự xung đột giữa vinh quang Thiên Chúa và sự sống phong phú của con người. Bất cứ kết quả phong phú nào trong đời sống hay việc truyền giáo đều hoàn toàn tùy thuộc vào mức độ chúng ta được liên kết với Đức Giêsu.

 

Chỉ trong Chúa, đời ta mới triển nở dồi dào. Một sự độc lập khờ khạo sẽ dẫn đến héo khô và tàn úa. Bất cứ sự toan tính nào nhằm đạt tới kết quả mà không cần tới sự hiệp thông với Chúa đều là một thất bại, “vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”. 

 

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Có những cành nho ra đầy hoa trái,
nhờ sức sống của thân cây mang lại,
muốn thế cành phải gắn chặt với cây,
để đón nhận dòng nhựa sống tràn đầy.

 

Cuộc đời con cũng phải y như vậy,
luôn ở lại trong Chúa mỗi phút giây,
tiếp nhận sự sống Chúa hằng tuôn chảy,
hầu sinh hoa và kết trái mỗi ngày.

 

Nhưng ở lại trong Chúa không phải dễ,
vì đời con luôn có những đam mê,
Bản thân con hay lỗi ước quên thề,
và những lời Chúa dạy dễ bỏ bê.

 

Nhưng con biết khi mình xa rời Chúa,
là đời con sẽ héo úa khô cằn,
chẳng còn mong tươi tốt và triển nở,
và mọi cái sẽ dang dở không thành.

 

Xin cho con luôn bám chặt vào Chúa,
dù nhiều khi bị cắt tỉa đau thương,
bởi đời con có những thứ tầm thường,
vẫn đeo bám làm tiêu hao năng lượng,
những vấn vương như cành lá rườm rà,
khiến đời con không sinh hoa kết quả.

 

Chúa vẫn mong có từng mùa thu lợi,
nhiều hoa trái con cống hiến cho đời,
xin cho con hằng ở lại trong Chúa,
hầu đón nhận dòng nhựa nguyên tươi mới,
là sự sống Phục Sinh vẫn rạng ngời,
để lan tỏa an bình đến mọi nơi. Amen.

Lm. Thái Nguyên

Bài cùng chuyên mục:

Gia vị cho bài giảng CN lễ Chúa Kito là Vua - 2024 (21/11/2024 10:04:15 - Xem: 112)

Khi Người đến trong vinh quang, Chúa Kitô Vua sẽ xét xử chúng ta về những việc bác ái chúng ta làm cho tha nhân. (Cha Tony)

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 34 TN B - 2024 (21/11/2024 07:57:59 - Xem: 95)

Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật, mà sự thật là điều gì có lợi cho tôi.

Đạo còn sống khi ta còn sống đạo (16/11/2024 11:20:12 - Xem: 817)

Phải chăng giá trị Tin Mừng trong lòng tín hữu đang phai nhạt dần ? Phải chăng việc đạo nghĩa chỉ còn là sự quan tâm thứ yếu ? Phải chăng việc học văn hóa và công ăn việc làm được đặt trên việc nuôi dưỡng đức tin ?

Gia vị cho bài giảng CN 33 & Các Thánh Tử đạo VN - 2024 (16/11/2024 05:36:01 - Xem: 354)

Đôi khi những người muốn dẫn dắt Người khác đến với Chúa Kitô cũng trở thành chướng ngại vật lớn nhất cho ơn cứu rỗi của họ.

Ngày tận thế: Bí ẩn chỉ có Chúa Cha biết (16/11/2024 05:28:22 - Xem: 175)

Chúng con luôn sẵn sàng đón nhận Ngài trong bình an và hân hoan, với trái tim tràn đầy hy vọng vào ngày vinh quang của Chúa.

“Có làm mưa làm gió” (11/11/2024 07:52:43 - Xem: 233)

Khi tôi chết đi, thế giới này cũng vẫn cứ vần xoay theo định luật đã được mặc định cho nó. Chẳng phải vì tôi chết đi mà vũ trụ này có rúng động hay biến đổi gì.

Suy nghĩ và cầu nguyện CN 32 TN năm B - 2024 (08/11/2024 07:28:19 - Xem: 544)

Chúng ta không xây dựng đời mình trên vật chất hay chiếm hữu, nhưng trên tình yêu, để sẵn sàng cho đi và dâng hiến.

Gia vị cho bài giảng CN 32 TN năm B - 2024 (08/11/2024 07:24:57 - Xem: 462)

Sứ điệp Tin Mừng Chúa nhật này là về sự cho đi. Mỗi người đều có khả năng chia sẻ dù họ nghèo khó hay túng thiếu đến đâu.

Suy ngẫm về Thiên đàng – Nơi an bình vĩnh cửu (05/11/2024 07:26:42 - Xem: 280)

Việc suy ngẫm và tưởng nghĩ về Thiên đàng rất có lợi cho tâm hồn chúng ta, chiêm nghiệm xem Thiên đàng sẽ như thế nào, xinh đẹp và hoàn hảo ra sao.

Gia vị cho bài giảng CN 31 TN năm B -2024 (01/11/2024 11:31:26 - Xem: 396)

Yêu người lân cận như chính mình cũng được hiểu theo chiều ngược lại: mở rộng tâm hồn đón nhận quà tặng tình yêu được trao ban.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7