Thứ Sáu 27/09/2024 – Thứ Sáu tuần 25 thường niên. – Thánh Vinh sơn Phaolô, linh mục. Lễ nhớ. – Đấng Kitô chịu nhiều đau khổ.
- In trang này
- Lượt xem: 4,415
- Ngày đăng: 26/09/2024 10:00:00
Đấng Kitô chịu nhiều đau khổ.
27/09 – Thứ Sáu tuần 25 thường niên. – Thánh Vinh sơn Phaolô, linh mục. Lễ nhớ.
“Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa. Con Người phải chịu nhiều đau khổ”.
* Thánh nhân sinh năm 1581 tại Gát-côn, nước Pháp. Người làm linh mục rồi đi Pa-ri phục vụ một giáo xứ. Người sáng lập Tu Hội Thừa Sai để giúp đào tạo các giáo sĩ và nâng đỡ những người nghèo. Được thánh nữ Lu-y Ma-ri-lắc cộng tác, người đã lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái. Người là gương mẫu hoàn hảo về việc sống đức bác ái như Chúa Kitô dạy, luôn sẵn sàng cứu giúp những người cùng khốn. Người nhận ra khuôn mặt của Chúa Kitô nơi bất cứ ai đang gặp đau khổ. Người qua đời tại Pa-ri năm 1660.
Lời Chúa: Lc 9, 18-22
Việc xảy ra là khi Chúa Giêsu cầu nguyện riêng một nơi, và có các môn đệ ở với Người, thì Người hỏi các ông rằng: “Những đám dân chúng bảo Thầy là ai?”
Các ông thưa rằng: “Người thì bảo là Gioan Tẩy giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa, đã sống lại”.
Người lại hỏi các ông rằng: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”
Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”.
Và Người ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai mà rằng: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại”.
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
Suy niệm 1: Anh em bảo Thầy là ai?
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu đã đi cầu nguyện một mình,
trước khi đặt những câu hỏi quan trọng cho các môn đệ.
“Dân chúng nói Thầy là ai?” (c. 18).
Ngài muốn biết dư luận nghĩ gì về mình.
Nói chung họ nghĩ Ngài là một ngôn sứ đầy quyền năng (x. Lc 24, 19).
Điều đó đúng nhưng không đủ.
Đức Giêsu mong nghe ý kiến của những người đã ở gần Ngài hơn.
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (c. 20).
Phêrô đại diện anh em trả lời: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.”
Câu trả lời này đúng hơn và đủ hơn,
nhưng cũng dễ gây hiểu lầm và chưa đến lúc cần công bố.
Chính vì thế Đức Giêsu đã cấm các môn đệ không được tiết lộ (c. 21).
Phêrô đã trả lời đúng, vì Thầy Giêsu quả là Đấng Kitô
hay còn gọi là Đấng Mêsia mà dân Do Thái mong đợi từ bao đời.
Nhưng Phêrô có thể hiểu sai khuôn mặt của Đấng Mêsia đó.
Mêsia Giêsu không phải là người sẽ giải phóng Ítraen khỏi ách Rôma,
cũng không phải là người muốn nắm quyền lực trần thế.
Nhưng Ngài sẽ phải chịu khổ hình và bị giết chết bởi giới lãnh đạo (c. 22).
Mêsia Giêsu mang khuôn mặt đau khổ của Người Tôi Trung.
Phêrô đã đi theo Mêsia nào?
Nếu ông biết số phận bi đát đang chờ đợi Thầy của ông,
ông có còn muốn theo Ngài nữa không?
“Còn con, con bảo Thầy là ai?”
Đức Giêsu cũng hỏi từng người chúng ta như vậy, nhiều lần trong đời.
Tôi phải trả lời, vì tôi không nên đi theo Đấng mà tôi không biết là ai.
Tôi nghe câu hỏi trên ở mọi chặng đường của cuộc sống,
và có thể đưa ra những câu trả lời khác nhau, dựa trên kinh nghiệm,
bởi lẽ Đức Giêsu là một Mầu nhiệm không ngừng mở ra cho tôi.
Qua từng biến cố trong đời, tôi lại khám phá ra những nét mới nơi Ngài.
Ngài vẫn là một, nhưng mang nhiều dáng dấp khác nhau khi đến với tôi,
để đáp lại những khát vọng sâu thẳm nơi trái tim.
Nhưng trả lời câu hỏi của Thầy Giêsu không hẳn đã là điều quan trọng.
Điều quan trọng là sống câu trả lời của mình.
Đời tôi là một chuỗi những câu trả lời cho câu hỏi đó.
Nếu tôi coi Ngài là Thầy, xin được ngồi nghe và để Thầy uốn nắn.
Nếu tôi coi Ngài như Bạn, xin được dành giờ để tâm sự, sẻ chia.
Nếu tôi tin Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người,
xin được cúi đầu thờ lạy trước tình yêu khiêm hạ.
Nếu tôi gọi Ngài là Chúa, xin được hiến trọn đời mình
để cùng Ngài phục vụ cho kế hoạch cứu độ của Cha.
Nếu tôi gọi Ngài là Đấng Giải Phóng, xin Ngài cho tôi được tự do,
và cho tôi được cộng tác với Ngài giúp thế gian ra khỏi vòng nô lệ.
Cuối cùng, nếu tôi biết rõ Ngài yêu tôi cách độc nhất,
xin để cho đời mình đáp lại tình yêu.
Cầu nguyện:
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ cõi chết đến sự sống,
từ lầm lạc đến chân lý.
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ thất vọng đến hy vọng,
từ sợ hãi đến tín thác.
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ ghen ghét đến yêu thương,
từ chiến tranh đến hòa bình.
Xin hãy đổ đầy bình an
trong trái tim chúng con,
trong thế giới chúng con,
trong vũ trụ chúng con. (Mẹ Têrêxa Calcutta)
Suy niệm 2: Đến thời đến buổi
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Sau thời gian lưu đầy, dân Ít-ra-en chán nản. Vì Đền Thờ xưa kia lộng lẫy nguy nga. Nhưng nay đã điêu tàn xiêu vẹo. Chúa khích lệ họ: “Hỡi Dơ-rúp-ba-ven, hãy mạnh bạo lên! Này thượng tế Giê-su-a, con ông Gio-hô-xa-đắc, mạnh bạo lên nào! Toàn dân trong xứ hãy mạnh bạo lên!...Chỉ còn một thời gian ngắn nữa thôi…Ta sẽ làm cho Đền Thờ này rực rỡ vinh quang”. Quả thực Đền Thờ phải trải qua những thăng trầm. Lộng lẫy nguy nga. Điêu tàn xiêu vẹo. Rồi Chúa sẽ tái thiết cho Đền Thờ rực rỡ vinh quang hơn trước (năm lẻ).
Chúa hứa tái thiết Đền Thờ. Nhưng thực ra sau này Chúa Giê-su cho biết, chính Người là Đền Thờ. Đền thờ Chúa Giê-su cũng đã có thời nguy nga lộng lẫy. Đó là khi danh tiếng Người vang dội. Toàn dân ngưỡng mộ. Tuy nhiên đó là những cảm tính chưa đúng thực và chưa sâu xa. Họ cho rằng Chúa là một người nào khác: “Họ bảo Thầy là Gio-an Tẩy giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại”. Chỉ có Phê-rô có nhận thức đúng: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa”. Tuy nhiên vẫn chưa đến thời đến buổi để tiết lộ. Vì dân còn mang nặng não trạng trần tục về một Đấng Cứu Thế oai phong lẫm liệt. Nếu sớm biết Chúa là Đấng Ki-tô, họ sẽ tôn Chúa lên làm vua. Sẽ chính trị hoá tôn giáo. Và cuộc chạm trán với người Rô-ma là không tránh khỏi. Chúa muốn họ hiểu cho đúng về Đấng Cứu Thế. Muốn họ đi vào tâm tình tôn giáo. Chính Người cần phải trải qua đau khổ, và cả chịu chết. Để mọi người không còn ảo tưởng về Đấng Cứu Thế chính trị. Chính vì thế trước toà Phi-la-tô, khi đã thân tàn ma dại, Người mới xưng mình là vua. Người phải nhụ nhã. Rồi sau đó mới được vinh quang. Đền Thờ phải phá đi rồi mới xây lại (Tin mừng).
Sách Giảng viên dạy ta biết “Thiên Chúa làm mọi sự hợp thời đúng lúc”. Đó là qui luật ở đời này: “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế;…một thời để giết chết, một thời để chữa lành…”(năm chẵn).
Ta hãy noi theo gương Chúa Giê-su. Sống ở trần gian phải chấp nhận đau khổ thử thách. Nhưng đừng thất vọng. Vì rồi đến thời đến buổi Chúa sẽ ban ơn giải thoát ta. Phải trải qua thời sám hối ăn năn mới đến thời trong trắng an bình. Phải chịu phá đổ. Rồi mới xây dựng lại. Chấp nhận quên mình đi. Từ bỏ mình. Chết cho bản thân. Đến thời đến buổi ta sẽ tìm lại được chính mình. Sẽ được Chúa làm phần thưởng. Và sẽ được sống muôn đời.
Suy niệm 3: Thầy Là Ðức Kitô
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Trong số các trò chơi để trắc nghiệm mức hiểu biết của các em, có trò chơi đưa hình một danh nhân cho các em xem, sau đó yêu cầu các em nói thật vắn tắt và chính xác về nhân vật ấy. Em nào trả lời đúng sẽ được thưởng. Chúa Giêsu đã có lần áp dụng phương thức này với các môn đệ, chỉ khác ở chỗ nhân vật được đưa ra không ai xa lạ hơn là chính Ngài. Ðã có những câu trả lời được đưa ra, nhưng chỉ có câu trả lời của Phêrô là đúng, như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay.
Chúa Giêsu vốn là một vấn đề khó hiểu đối với nhiều người. Những giả thuyết về Ngài đều từ từ bị chứng minh là sai. Có người bảo Ngài là Gioan Tẩy giả, nhưng trong cách sống và giáo lý của Ngài, có nhiều điểm khác với Gioan Tẩy giả; có kẻ bảo Ngài là Êlia hay một ngôn sứ nào đó, nhưng ở đây cũng vậy, giáo lý và thái độ của Chúa Giêsu có nhiều điểm vượt quá và cắt đứt với giáo lý và thái độ của bất cứ ngôn sứ nào trong Cựu Ước. Dù đồng hóa Chúa Giêsu với Gioan Tẩy giả, với Êlia hay với một ngôn sứ nào đó, tất cả đều giống nhau ở chỗ chưa có câu trả lời nào nhận ra Chúa Giêsu là nhân vật chính, còn các vị kia chỉ là người loan báo và chuẩn bị.
Chúa Giêsu đã bị dư luận quần chúng coi là một trong các vị tiền hô cuối cùng, cho đến khi Phêrô đưa ra câu trả lời chính xác: "Thầy là Ðức Kitô Con Thiên Chúa". Phêrô đã nhìn thấy nơi Chúa Giêsu chính nhân vật mà muôn dân mong đợi. Ngài là Ðức Kitô, có nghĩa là Ðấng hội tụ mọi hy vọng và chờ mong của con người, là Ðấng quyết định vận mệnh của dân tộc và cá nhân, là Ðấng nắm giữ và đưa lịch sử đến hồi kết thúc. Ðức Kitô có đủ mọi tư cách đó, bởi vì Ngài là Ðấng được Thiên Chúa sai đến, Ngài là Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, Chúa Giêsu linh cảm thấy lời tuyên xưng của Phêrô có thể bị giải thích sai lạc, nếu được tung ra cho mọi người biết; chính vì thế chẳng những Ngài cấm ngặt các ông không được nói điều ấy với ai, mà kể từ đó Ngài còn đích thân nói rõ về tư cách Kitô của Ngài.
Xin Chúa cho chúng ta biết lặp đi lặp lại mỗi ngày lời tuyên xưng của thánh Phêrô: "Thầy là Ðức Kitô Con Thiên Chúa" để chúng ta vững bước trên con đường theo Chúa và làm chứng cho Chúa.
Suy niệm 4: Cầu nguyện như Chúa
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời tuyên xưng của thánh tông đồ Phêrô: "Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" được nhắc lại trong đoạn Phúc Âm hôm nay. Lời tuyên xưng đó chuẩn bị cho một giai đoạn mới trong cuộc đời của Chúa Giêsu, giai đoạn được bắt đầu cuộc hành trình tiến về Giêrusalem để hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại.
Ðoạn Phúc Âm được chia ra làm ba phần:
- Chúa Giêsu hỏi các tông đồ xem người ta nghĩ gì về chính Ngài và hỏi các tông đồ xem các ông nghĩ như thế nào về Chúa.
- Lời tuyên xưng của Phêrô: "Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa"
- Chúa Giêsu loan báo lần đầu tiên về cuộc thương khó của Ngài. Biến cố này cũng được kể như Phúc Âm theo thánh Marcô và Mátthêu, nhưng Luca có ghi thêm chi tiết đặc biệt, đó là việc Chúa Giêsu cầu nguyện trước khi hỏi các môn đệ về thực thể mình là ai?
Chúng ta biết rằng thánh sử Luca luôn luôn ghi lại chi tiết Chúa Giêsu cầu nguyện trong những giây phút quan trọng của cuộc đời Chúa. Chúa cầu nguyện khi lãnh nhận phép rửa của Gioan tiền hô để bắt đầu cuộc đời rao giảng Tin Mừng; Chúa cầu nguyện suốt đêm trước khi gọi riêng mười hai tông đồ; rồi Chúa cầu nguyện trước khi hỏi các môn đệ: "Các con nghĩ Thầy là ai?"; Chúa Giêsu cầu nguyện trước khi dạy các tông đồ kinh Lạy Cha; Chúa Giêsu cầu nguyện nơi vườn cây dầu trước khi bước vào cuộc thương khó và Chúa Giêsu cầu nguyện trên thập giá. Việc Chúa cầu nguyện cho những giây phút quan trọng của cuộc đời Chúa, mời gọi chúng ta tự vấn về đời sống thiêng liêng của mình: "tôi thường cầu nguyện lúc nào và trong những giây phút quan trọng của cuộc đời tôi có cầu nguyện hay không và cầu nguyện như thế nào?"
Biến cố Chúa Giêsu tra hỏi các môn đệ về thực thể Ngài là ai để cuối cùng đi đến lời tuyên xưng đức tin: "Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" là một biến cố quan trọng. Chúa Giêsu đã cầu nguyện trước khi bắt đầu tra hỏi các môn đệ: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" để theo Chúa trọn vẹn, không cần biết rõ cái chết của Chúa cho bằng có được mối tương quan thân tình mật thiết với Chúa. Chúa Giêsu không hỏi các môn đệ về giáo lý nhưng về chính mình, về chính thực thể Ngài là ai đối với họ. Và để trả lời được cho câu hỏi này thì cần phải trả lời hai điều: thứ nhất là biết Chúa và thứ hai là yêu mến Chúa. Ðây không phải là vấn đề biết Chúa một cách trí thức qua sách vở, nhưng là biết cảm nghiệm trực tiếp giữa người với người, giữa Chúa và đích thân mỗi người, biết Chúa như biết một người bạn; đây không phải là vấn đề giáo thuyết nhưng là vấn đề cụ thể con người, hoặc trực tiếp tiếp xúc với con người Chúa Giêsu Kitô, là Ðấng hằng luôn luôn hiện diện bên cạnh mỗi người chúng ta. Do đó, cần phải có đức tin và tình yêu thương thì ta mới có thể trả lời đúng cho câu hỏi Chúa Giêsu là ai đối với tôi? Một người không có đức tin hay ít đức tin, sống nguội lạnh thì quả thực là khó để trả lời cho câu hỏi của Chúa.
Lạy Chúa,
Xin thương ban cho con được ơn trưởng thành trong đức tin và trong tình thương Chúa. Xin cho con luôn được trung thành với lời tuyên xưng "Thầy là Ðấng Kitô" để rồi có thể múc lấy từ đó sức mạnh để dấn thân phục vụ Chúa và anh chị em chung quanh trong mọi hoàn cảnh.
Suy niệm 5: Môn đệ có cái nhìn đúng
Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đức Kitô của Thiên Chúa” (Lc. 9, 20)
Phải, môn đệ có cái nhìn đúng, môn đệ này chính là Phê-rô. Phê-rô này có lúc rất sáng suốt, có lúc lại té ngã lạc đường, thất vọng. Tuy nhiên chính ông đã xé được bức màn mầu nhiệm về con người của Đức Giêsu.
Một hôm, Đức Giêsu, như mỗi lần trước một biến cố quan trọng sắp xảy đến, Người đi cầu nguyện không xa các môn đệ lắm, các ông cũng tôn trọng những lúc Thầy chí thánh nói chuyện với Thiên Chúa. Tự nhiên, Người tiến đến với các ông và hỏi: “Đám đông nói Thầy là ai?” Tại sao Đức Kitô lại quan tâm lo lắng về dư luận quần chúng? tại sao Người coi đó là quan trọng? chả nhẽ Người hồ nghi về sứ mệnh của Người sao? sự oán ghét của đồng hương đối với Người là một thử thách khiến người bối rối đến nỗi phải tìm đến các môn đệ để tìm an ủi và nâng đỡ sao? hay Người sợ các ông sẽ bị lôi cuốn theo những kẻ đói nghịch đang công khai tìm mọi cơ hội truy lùng Người chăng?
Cần phải biết ý nghĩ thầm kín của Đức Kitô mới có thể trả lời tất cả các câu hỏi trên. Có phải Người lo âu hay chỉ muốn biết một cách chắc chắn người ta nghĩ gì về mình thôi chăng? bản văn của Thánh Lu-ca kể quá gọn và khô, không cho biết gì hơn nữa.
Các tông đồ cũng đơn giản trả lời Người: Kẻ thì bảo Người là Gioan Tẩy Giả, kẻ khác lại nói là Ê-li-a hay một ngôn sứ thời xưa. Nhưng Phê-rô, người một ngày kia sẽ trở thành “sếp” hướng đạo các bạn, đã đứng lên trả lời Đức Kitô đã hỏi cảm nghĩ của các ông về Người rằng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Đó chính là điều mà Đức Kitô muốn khẳng định về mình khi Người giải thích Kinh Thánh ở hội đường Nagiarét trong ngày sabát. Vậy Phê-rô đã hiểu và các bạn khác cũng thế! các ông đã không bỏ Người vì các ông biết Người như thế và các ông tin vào Người. Người hỏi các ông, tuy nhiên, Người vẫn im lặng về căn tính của mình. Người không muốn người ta hiểu lầm Người là Đấng Kitô nhất thời ở trần thế, nên Người nói thêm: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại”.
GF
Suy niệm 6: Tuyên xưng niềm tin đi đôi với cuộc sống
Xem lại CN 21 TN A - CN 24 TN B, CN 12 TN C, thứ Năm tuần 6 TN, thứ Sáu tuần 18 TN - lễ thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ ngày 29.6
Vào một buổi học Giáo lý nọ, một cô Giáo lý viên hỏi em nhỏ: “Con có tin Đức Giêsu là Thiên Chúa không?”. Em trả lời ngay: “Dạ, thưa không ạ!”. Quá ngỡ ngàng, cô Giáo lý viên hỏi tiếp: “Tại sao con không tin?”. Em đó nói: “Nếu Đức Giêsu là Thiên Chúa, ắt Ngài làm được nhiều sự, Ngài sẽ làm cho bố con không nghiện rượu, mẹ con không cãi nhau với bố con và hàng xóm nữa”; “Nếu Ngài là Thiên Chúa, thì những người tin Ngài phải sống tốt!”.
Qua câu chuyện trên, chúng ta học được bài học đầy ý nghĩa về một câu trả lời xem ra bướng bỉnh của cậu bé, nhưng hàm chứa những điều căn bản trong Đạo!
Thật vậy, trong xã hội và đôi khi cả chính chúng ta, miệng vẫn tuyên xưng niềm tin vào Chúa, nhưng trong cuộc sống, nơi hành vi, lời nói lại mâu thuẫn với những gì chúng ta tuyên xưng. Hình ảnh méo mó, lệch lạc về Đức Giêsu lại được những môn đệ của Chúa trong thời đại hôm nay vui vẻ trình bầy qua cách sống lệch lạc của mình...!
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta, một mặt noi gương thánh Phêrô để tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa. Nhưng ngay sau đó, phải là người phản ánh niềm tin cách trung thực trong cuộc sống của mình, để mọi người nhận ra Đức Giêsu trong cuộc sống của chúng ta.
Muốn làm được điều đó, chúng ta phải hiểu về Đức Giêsu và sứ mạng của Ngài là: chết để đền tội thay cho nhân loại, chứ không phải lãnh đạo và cứu độ bằng quyền lực. Đừng để lối hiểu của những người Dothái đương thời với Đức Giêsu và ngay cả các môn đệ thời bấy giờ về Đức Giêsu chi phối lựa chọn của chúng ta, rồi từ đó hy vọng một điều phù phiếm, hão huyền.
Thật vậy, những người đó, họ hiểu Đức Giêsu là Đấng Cứu Tinh theo kiểu trần tục, đến để tái lập nước Israel và giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của ngoại bang và mang lại độc lập phồn vinh cho xứ sở. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn không nằm trong ý định của Thiên Chúa và Đức Giêsu, vì Đức Giêsu đến để giải thoát bằng con đường khiêm hạ và phục vụ, hy sinh và phải chết.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con một khi đã tuyên xưng Chúa là Đấng Cứu Độ, thì đồng thời cũng phải là người phản chiếu tình yêu cứu độ của Chúa ngang qua cuộc sống của chúng con mỗi ngày. Ước gì mỗi người chúng con là chứng nhân trung thành của Chúa trong xã hội hôm nay. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy niệm 7: Nỗ lực khám phá Chúa Giêsu
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chúa Giêsu đã mở lối cho các tông đồ xác định cuộc đời của Ngài. Qua đó, Chúa cũng mời gọi từng người Kitô hữu khám phá ra khuôn mặt của Chúa. Chúng ta cần phải nỗ lực khám phá từng ngày, vì hình ảnh Chúa Giêsu là một mầu nhiệm.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con đã được nghe nói nhiều về Chúa, hoặc đã được học biết về Chúa. Nhưng có thể chính bản thân con chưa một lần gặp Chúa. Vì thế, con cũng chưa bao giờ có thể trả lời được câu hỏi Chúa đã đặt ra: “Con bảo Thầy là ai?”.
Hôm nay, con muốn gặp Chúa thực sự bằng cách tự nguyện giơ tay ra nắm lấy tay anh chị em con. Con tin rằng khi sống trong bầu khí hiệp nhất yêu thương là con đang làm sống dậy hình ảnh của Chúa, là con đang khám phá ra khuôn mặt dịu hiền của Chúa. Xin Chúa giúp con đủ nghị lực và can đảm thực hiện điều này, để khuôn mặt của Chúa luôn sáng tỏ nơi cuộc đời con.
Lạy Chúa Giêsu, không những con nhận ra nét đẹp khuôn mặt Chúa khi cùng nắm tay nhau, nhưng con còn khám phá được những nét đẹp đáng yêu khi con mau mắn giơ tay ra giúp đỡ những người cô đơn túng thiếu. Họ là hình ảnh sống động của Chúa. Đồng thời, con cũng mang hình ảnh Chúa nơi cuộc đời mình. Chúa đang ẩn mình trong từng cử chỉ, từng lời nói của con. Xin Chúa giúp con đừng bao giờ bôi nhọ khuôn mặt đáng yêu của Chúa, đừng bao giờ làm méo mó biến dạng khuôn mặt thánh thiện của Chúa. Nhưng mỗi ngày, xin Chúa giúp con tô đẹp thêm và làm sáng tỏ khuôn mặt của Chúa, như những lần giới thiệu Chúa cho anh chị em mình. Amen.
Ghi nhớ: “Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa. Con Người phải chịu nhiều đau khổ”.
Suy niệm 8: Hướng về thập giá Chúa Kitô
(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Cho đến năm 1896, vùng Cayenne ở Saint Ouen không bao giờ thấy bóng dáng chiếc áo dòng đen. Nhưng một ngày trong năm đó, một vị linh mục cả gan xâm nhập vào vùng ấy. Một người thấy vậy liền ném đá vào đầu vị linh mục. Vị linh mục cúi xuống nhặt lấy viên đá đầy máu đỏ.
- Xin cảm ơn ông, đây là viên đá đầu tiên của một đền thờ tôi muốn xây ở đây.
Và sự thật viên đá đó là viên đá đầu tiên của đền thờ Mân côi được xây ở đó.
Nước Chúa trên mặt đất này là Giáo hội, cũng bắt đầu trong nhỏ hèn, trong bạc đãi như vậy. Giáo hội vẫn phát triển trong âm thầm và đau khổ (Theo Nguyễn Hài Đồng, Tự điển câu chuyện, 1969, tr. 114).
Suy niệm
Chúa Giêsu với những giáo huấn mới lạ kèm theo những phép lạ làm cho người câm nói được, người điếc được nghe, người mù thấy được, người què và bại liệt đi lại được, người bị quỷ ám được giải thoát… Dân chúng bàn tán về Ngài, người thì cho rằng: Ngài là ngôn sứ Êlia, vị ngôn sứ phải đến chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế, hay Gioan Tẩy giả mà vua Hêrôđê đã sát hại nay sống lại trở về hay một ngôn sứ thời xưa đã sống lại… Đức Giêsu đặt câu hỏi trên cho các môn đệ: “Các con bảo Thầy là ai?” khi họ đã ở với Ngài đã thấy việc Ngài làm, nghe lời Ngài giảng và được Ngài sai đi (x. Mc 3,14). Nhóm Mười hai mà thánh Phêrô đứng đầu trả lời: “Thầy là Đấng “Christos” nghĩa là Kitô”, “Mêssia” (Mesiah) trong tiếng Hêbrơ có một nghĩa rất mạnh như biến cố bùng nổ tại Israel: Đó là Đấng được Thiên Chúa xức dầu, Đấng mà mọi người mong đợi để đến “hoàn tất lịch sử”, đã được các ngôn sứ báo trước.
Dù tuyên xưng Thầy là Đức Kitô, Đấng Mêssia, nhưng Phêrô vẫn chưa hiểu hết được mầu nhiệm cứu độ của Ngài trong sứ mạng Mêssia. Theo ông, Đấng Mêssia phải vinh quang, chiến thắng theo kiểu loài người, Đấng đến để giải phóng dân tộc Do Thái và làm cho nước này trở nên hùng cường, bá chủ địa cầu. Với Phêrô, Đức Kitô phải được tôn vinh như: Thiên Chúa hùng mạnh, danh Ngài lừng vang trên toàn cõi đất, Người là Đấng Thánh của Israel và nước Người tồn tại đến vô cùng tận (x. Tv 11; Tv 12). Nhưng Chúa Giêsu lại mạc khải Đấng Kitô phải đối diện với thập giá, phải chịu đau khổ như ngôn sứ Isaia loan báo về tư thế của người tôi tớ đau khổ (Is 50,5-9a).
Khi nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Kitô, Đấng bước vào đau khổ và sự chết, chúng ta cũng được mời gọi bước theo Người: Vác thập giá và bước đi như Người, bên cạnh Người, được Người nâng đỡ, để tiến về với Chúa Cha.
Xin cho cuộc sống của chúng con luôn hướng về thập giá Chúa Kitô và bước đi trong tâm tình yêu mến, phụng sự và tín thác.
Ý lực sống
“Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người” (2Tm 2,11).
Suy niệm 9: Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
Trong dân chúng có ba dư luận về Đức Giêsu: Ngài là Gioan Tẩy giả sống lại, là Êlia xuất hiện, hay một tiên trì thời xưa sống lại. Đại khái họ coi Ngài không phải là một người thường như mọi người, nhưng đặc biệt là người thuộc hàng tiên tri: giảng dạy và có khả năng làm phép lạ. Riêng ông Phêrô được ơn trên soi sáng đã tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Tuy thế, ông vẫn nghĩ về Đấng Kitô theo cách thông thường của đa số người thời đó, tức là một Đấng Cứu Thế oai phong hiển hách. Bởi đó Đức Giêsu phải sửa lại cách nghĩ ấy: Ngài là Đấng Kitô chịu nạn chịu chết và phục sinh.
Hôm nay, qua bài Tin mừng, các môn đệ lâm vào cảnh khó tin và rất bất ngờ. Bởi vì, sau những phép lạ Chúa làm, như phép lạ hóa bánh ra nhiều cho 5000 người ăn, danh tiếng của Chúa lẫy lừng khắp nơi. Người ta còn muốn tôn người làm vua nữa. Ai ngờ hôm nay, Ngài tuyên bố những điều thật khó hiểu, làm mất hứng: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại”.
Đức Giêsu là Đấng Messia như Phêrô đã đoán chính xác. Nhưng Ngài không là Đấng Messia vinh quang như dân chúng đã mong chờ. Ngài phải là Đấng Messia đau khổ. Ngài không thống trị, Ngài chỉ phục vụ. Đức Giêsu không quan tâm chiếu rọi loại hình ảnh mà dân chúng muốn. Ngài biết Ngài có một số phận mà Thiên Chúa đã định mà Ngài phải hoàn thành, không sai sót.
Tiếp theo đó, Đức Giêsu đưa ra lời mời gọi mọi người chứ không riêng gì các môn đệ, là hãy theo Ngài: “Ai muốn theo Ta”. Đức Giêsu muốn khơi động lòng muốn cho những ai theo Ngài. Điều đó chứng tỏ Chúa tôn trọng quyền tự do lựa chọn của con người, theo hay không theo cũng được. Tiếng La tinh dùng chữ “Si quis” (nếu ai) càng rõ nghĩa hơn: chữ “nếu” nói lên sự tự do hoàn toàn.
Nếu câu hỏi của Đức Giêsu chỉ có bấy nhiêu chữ “Nếu ai muốn theo Ta”, thì tất cả chúng ta, những người đã được rửa tội, đều có thể đáp lại thật nhanh: “Con muốn... Con muốn theo Chúa” . Nhưng nếu nghe trọn câu Ngài nói: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”, thì chắc hẳn số người nhanh chóng trả lời “Con muốn” sẽ giảm đi rất nhiều.
Có một câu hỏi quan trọng trong cuộc đời cần được trả lời: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Đây không phải là bài thi trắc nghiệm để biết kết quả đúng sai, cũng chẳng nhằm xem bao nhiêu phần trăm ủng hộ hay chống đối, mà là một bước để tỏ bày, để đi vào một tương quan mới. Từ câu hỏi thăm dò xa xa, chung chung “Đám đông nói Thầy là ai?” đến câu hỏi mang tương quan cá nhân, biệt vị “còn anh em”. Câu trả lời không có chỗ cho sự hời hợt, sự giả vờ, lấy lệ, hay xã giao. Câu trả lời của ta xuất phát từ con tim, kinh nghiệm, sự hiểu biết dựa trên nền tảng đức tin, cũng như từ sự kín đáo của ơn mạc khải: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” (5 phút Lời Chúa).
Hôm nay Thầy Giêsu vẫn đặt câu hỏi ấy với bạn: “Đối với con, Thầy là ai?” Bạn sẽ trả lời thế nào? Phải chăng là những gì được tuyên xưng trong kinh Tin Kính, hay được “vay mượn” từ người khác?”Nếu muốn trả lời Người cách xa xa, ta sẽ khám phá ra một điều làm mình chắc chắn là sự sống lại, nghĩa là sự sống phát xuất từ mầu nhiệm sự đóng đinh và sự chết... “Đối với con, Thầy là ai? Con có liên kết số mệnh con với số mệnh của Thầy không? Con có nhận rằng Thầy cần sự đau khổ của con để Thánh giá của Thầy có đầy đủ kích thước không? Nếu có, con sẽ sống” (A. Degeest).
Cùng với thánh Phêrô, chúng ta hãy tuyên xưng Chúa Giêsu là Đức Kitô của Thiên Chúa. Tuyên xưng như thế cũng có nghĩa là tuyên xưng mầu nhiệm Thập giá. Chúa Giêsu là Đức Kitô, bởi vì Ngài đã chấp nhận đi qua con đường Thập giá để cứu rỗi con người. Tuyên xưng mầu nhiệm ấy cũng chính là để mầu nhiệm Thập giá tỏ bày trong cuộc sống chúng ta. Chính trong mầu nhiệm Đức Kitô, con người có thể hiểu chính mình. Do đó, để thực hiện ơn gọi Kitô hữu, chúng ta được mời gọi đi lại con đường Thập giá mà Chúa đã đi qua (Mỗi ngày một tin vui).
Truyện vui: Vác thập giá minh
Vào chiều thứ sáu Tuần thánh, cha sở kêu gọi giáo dân: khi quí vị đến nhà thờ đi chặng đàng Thánh giá để tưởng niệm sự chết và đau khổ của Chúa Giêsu, mỗi người nên làm một cây thập giá bằng bất cứ vật liệu nào tượng trưng cho sự đau khổ của mình trong cuộc sống đang phải chịu. Sau chặng đàng Thánh giá yêu cầu quí vị mang lên bàn thờ cho tôi làm phép. Mọi người đều mang lên đủ loại thập giá. Ông trùm bước lên tay không, cùng với bà vợ. Khi cha sở hỏi, thập giá của ông đâu, ông chỉ ngay vào bà vợ và nói: “Thưa cha, đây là thập giá của con”. Cha sở cũng làm phép, nhưng sau đó liền bảo ông rằng: “Bây giờ ông hãy ôm lấy cây thập giá này và hôn lên cây thập giá của ông đi”.
Đây là câu chuyện vui cười! Nhưng Thập giá Đức Giêsu đề cập đến không phải chỉ là bà vợ hay ông chồng. Nó không đơn thuần chỉ là một đám cưới không hạnh phúc, hay những trở ngại khó khăn đến với chúng ta ngoài ý muốn, cũng không chỉ là những điều xui xẻo, không may xảy đến như thi rớt, bệnh tật, mất việc. Thập giá Đức Giêsu đề cập chính là sự chọn lựa từ bỏ mình để dâng hiến hoàn toàn cho thánh ý Thiên Chúa (Rm 6,13; 12,1). Từ bỏ những ý kiến, suy nghĩ riêng tư, cả cái tôi kiêu căng, tự ái, ích kỷ và lòng ham hố danh lợi (Pl 2,21). Đó là tự làm rỗng mình đi cho Thần khí của Thiên Chúa ngự trị, để làm theo thánh ý của Thiên Chúa. Đó là với Đức Tin Cậy Mến chúng ta biến đổi Thập giá thành Thánh giá, đau khổ trở nên giá cứu chuộc linh hồn cho mình và cho nhân loại.
Suy niệm 10: Đấng Kitô chịu nạn chịu chết rồi mới sống lại
(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Hạt giống...
Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục nói đến những dư luận về Chúa Giêsu:
- Trong dân chúng thì có 3 dư luận:
a/ Ngài là Gioan Tẩy giả sống lại;
b/ Ngài là Êlia xuất hiện;
c/ Ngài là một ngôn sứ thời xưa sống lại. Cách chung, dân chúng đánh giá Ngài khá cao: Ngài không phải là một người thường như mọi người, nhưng là người đặc biệt thuộc hàng tiên tri: giảng hay và có khả năng làm phép lạ.
- Chỉ một mình Phêrô, do ơn soi sáng đặc biệt, nên biết Chúa Giêsu chính là “Đấng Kitô của Thiên Chúa”.
- Tuy nhiên Phêrô vẫn nghĩ về Đấng Kitô theo cách nghĩ thông thường của đa số người thời đó, tức là một Đấng cứu thế oai phong hiển hách. Bởi đó Chúa Giêsu phải sửa lại cách nghĩ ấy: Ngài là Đấng Kitô chịu nạn chịu chết rồi mới sống lại.
B.... nẩy mầm.
1. Tôi hãnh diện vì được làm môn đệ Chúa Giêsu. Nhưng tôi hãnh diện về phương diện nào? Vì Chúa Giêsu là Chúa, cao cả hơn Đức Phật và các vị sáng lập những tôn giáo khác? Vì Giáo Hội của Chúa có đông tín đồ, có tổ chức quy mô? vv… Có khi nào tôi hãnh diện vì Chúa của tôi là một vị Thiên Chúa chết trên Thập giá không? Tôi có nghĩ như thánh Phaolô rằng “Vinh dự của chúng ta là thập giá Đức Kitô” không?
2. “Simon Phêrô thưa rằng ‘Thầy là Đức Kitô của Thiên Chúa’. Và Ngài ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai”: Ngày nay chắc Chúa không còn ngăn cấm chúng ta rao giảng về Ngài như là một Đức Chúa quyền phép vinh quang. Nhưng Ngài sẽ chưa hài lòng nếu chúng ta chưa rao giảng về Ngài như một Đức Chúa chết trên Thập giá vì tội loài người và vì yêu thương loài người.
3. Vị khách đến uỷ lạo một thương binh trong bệnh viện:
- Anh thuộc giáo hội nào?
- Tôi thuộc giáo hội của Chúa Kitô.
- Cái gì thuyết phục anh vào giáo hội đó?
- Thuyết phục ư? Rồi nhìn lên tượng chịu nạn, anh tiếp: phải, tôi bị Ngài thuyết phục đến độ ngay cả sự sống sự chết, thần quyền, thế quyền... không gì có thể tách tôi ra khỏi lòng mến Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô.” (Góp nhặt)
4. “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế và các luật sĩ từ bỏ”: đau khổ là điều Chúa Giêsu phải chịu; bị từ bỏ, và từ bỏ không những bởi dân thường mà bởi những kẻ chính thức mắm quyền lãnh đạo tôn giáo, đó cũng là điều Chúa Giêsu phải chịu.
Khi tôi gặp đau khổ; khi tôi bị từ bỏ, nhất là từ bỏ bởi những người mà tôi đặt rất nhiều hy vọng vào họ, tôi có nghĩ đó là thập giá mà tôi phải vác không? Tôi có ý thức rằng mình đang được chia sẻ thân phận của Chúa tôi không?
5. “Chúa Giêsu hỏi: Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Lc 9,20)
Hình như có ai đang hỏi, đang mời tôi suy nghĩ.
Giờ này, đối với tôi, Chúa Giêsu là ai? Giờ này, đối với tôi, Ngài có còn là Ngài không?
Hay chỉ là một chiếc bóng bên đường, một lần cất bước đi qua để lại thoáng nhớ mong manh, rồi chìm dần vào quên lãng.
Giờ này, đối với tôi, Chúa Giêsu là ai? Giờ này, đối với tôi, Ngài có còn là Ngài không?
Hay một lần Ngài đến giữa đêm khuya, rồi thầm cất bước ra đi, để lại thoáng chút dư âm, tàn dần với thời gian…
Ngài là ai? Là ai lúc tôi vui, lúc tôi buồn, lúc tôi ghen, lúc tôi hờn, lúc tôi yêu…?
Ngài là ai? là ai khi tôi thành công, lúc tôi thất vọng, khi lầm than, lúc thanh nhàn, và trong suốt cuộc đời…?
Giêsu ơi, khi quì đây và trong suốt cuộc đời, xin được gọi Ngài là Cứu Chúa của con. (Hosanna).
Suy niệm 11: Biết Chúa và biết con
(Lm Giuse Đinh Tất Quý)
1. Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục nói đến những dư luận về Chúa Giêsu: Chúa Giêsu là ai? Hêrôđê thắc mắc như thế. Đây không phải là một câu hỏi dễ trả lời.
Tại tu viện nổi tiếng nhất vùng Galaria, người ta chỉ mở cửa thu nhận một thỉnh sinh duy nhất và một lần trong năm mà thôi. Mỗi lần mở cửa thu nhận một thỉnh sinh, cha bề trên thường đích thân phỏng vấn ứng sinh. Năm nào ngài cũng chỉ hỏi một câu duy nhất, nhưng không ai biết đó là câu gì, bởi vì tất cả các ứng sinh rớt cuộc thi đều phải uống một viên thuốc có công dụng làm cho họ quên mất câu hỏi đã được đặt ra. Chính vì thế, thói quen chiêu sinh của tu viện đã trải qua nhiều năm mà chưa có ai có thể biết câu hỏi đó là gì.
Trong số những thanh niên chuẩn bị cuộc thi của tu viện, có anh Ramin tỏ ra quyết chí hơn cả. Để chuẩn bị bước vào cuộc thi sắp tới, anh đã dành ra một thời gian dài 5 năm để tôi luyện với nhiều bộ môn khác nhau, như lịch sử, địa lý, văn chương, triết lý, nghệ thuật, tâm lý, xã hội học… Đến ngày thi, Ramin nhận được câu hỏi duy nhất từ cha Bề Trên: “Con hãy tự hỏi: tôi là ai?”. Ramin lặp lại câu hỏi, nhưng không biết phải trả lời như thế nào cho đúng, liền rút lui không bao giờ trở lại tu viện nữa.
Khi đứng trước câu hỏi Chúa Giêsu là ai, thì dân chúng đã có một câu trả lời. Tuy câu trả lời không đúng nhưng ít nhất nó cũng đã nói lên một vài hình ảnh về Chúa: Có người bảo
a/ Ngài là Gioan Tẩy Giả sống lại.
b/ Ngài là Êlia xuất hiện
c/ Ngài là một ngôn sứ thời xưa sống lại.
Cách chung, dân chúng đánh giá Chúa khá cao: Ngài không còn là một người thường như mọi người nữa, nhưng đã là người đặc biệt thuộc hàng tiên tri ngôn sứ, giảng hay và có khả năng làm phép lạ. Nhưng như thế đã đủ chưa? Chắc là Chúa còn muốn hơn thế cho nên Ngài mới hỏi các môn đệ thân tín của Ngài: “ Phần anh em. Anh em bảo Thầy là ai?”. Câu trả lời của Phêrô tạm làm Chúa an tâm nhưng chưa phải là đã hoàn hảo.
2. Ngày xưa thì như thế. Còn hôm nay thì sao? Chúa Giêsu là ai? Đây cũng vẫn là một câu hỏi khó trả lời.
Vâng, con người luôn ý thức Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự. Chẳng có gì, có ai qua mặt được Ngài.
Vậy thì chúng ta có thực sự hiểu được Chúa Giêsu là ai không? Câu trả lời không dễ.
Một tu sĩ nọ muốn hoạ lại chân dung của Đức Giêsu. Được phép của bề trên, ông đi rảo khắp nơi để tìm cho người mẫu thích hợp. Thế nhưng, càng tìm kiếm, ông càng khám phá ra rằng: không thể có một người nào trên trần gian này hoàn toàn giống Đức Giêsu. Từ đó, ông đi đến kết luận: Gương mặt của Đức Giêsu phải là tổng hợp của tất cả mọi nét đẹp của con người trên trần gian này! Do đó, thay vì chỉ chọn một người mẫu, ông đi thu nhặt tất cả nét đẹp trên mọi gương mặt mà ông bắt gặp.
Gặp các bạn trẻ đang nô đùa chạy nhảy, ông cố gắng rút ra được nét đơn sơ. Từ một em bé gái đang hát ca múa nhảy, ông tìm thấy nét vui tươi trong cuộc sống. Nơi một người đàn ông lực lưỡng đang gồng gánh nặng, ông nhận ra được sức mạnh của con người. Nhưng chân dung của Đức Giêsu không chỉ có những nét hùng nét đẹp, mà còn phải có cả những nét đau buồn nữa. Nghĩ như thế nên nhà họa sỹ mới đi gặp một cô gái điếm. Ông nhìn thấy nét u buồn trong đôi mắt của cô ta. Gặp một người hành khất, ông khám phá ra nét thành khẩn van xin trên gương mặt. Lắng nghe một tu sỹ đang rao giảng sự sám hối, ông nhận ra được sự nghiêm nghị. Và cuối cùng, trên gương mặt người mẹ đang đi chôn cất đứa con thân yêu, ông hiểu được thế nào là khổ đau.
Mỗi người một vẻ! Nhà họa sỹ cố gắng đưa chúng ta vào chân dung của Đức Giêsu, nhưng ông vẫn chưa hài lòng, vì dường như trên mặt Người vẫn còn thiếu một nét nào đó mà ông chưa thể thực hiện được. Ngày kia, đi vào khu rừng, ông bỗng gặp thấy một người che mặt bỏ chạy. Đuổi kịp theo con người che mặt ấy, ông khám phá ra đó là người mắc bệnh phong. Ánh sáng bỗng lóe lên trong đầu ông: Thì ra điều còn thiếu sót trên gương mặt của Đức Giêsu chính là “mầu nhiệm”. Với ý nghĩ ấy, ông cầm lấy cọ vẽ một tấm vải trắng che phủ gương mặt Đức Giêsu.
Khi tác phẩm đã được hoàn thành, tất cả những ai đã một lần cung cấp cho họa sỹ một nét riêng của mình đều hớn hở đến nhận diện chính mình trên gương mặt Đức Giêsu. Thế nhưng, họ chỉ thấy một tấm vải trắng che kín gương mặt.
Họa sĩ giải thích: “Mãi mãi Đức Giêsu vẫn là một mầu nhiệm!”
Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa,
Xin cho con biết con.
Biết Chúa là ai và biết con là gì để con luôn gắn bó với Chúa. Amen.
Suy niệm 12: Thầy là Con Thiên Chúa
(Lm. Micae Võ Thành Nhân)
Câu nói của ông bà chúng ta ngày xưa và ngay cả ngày hôm nay: “Vô tri bất mộ, hữu tri đắc đạo” rất đúng trong cuộc sống đời này, nghĩa là không biết thì không yêu thích, không mộ mến được, còn khi biết rồi thì mới sống trọn vẹn đạo làm người. Và câu nói này cũng rất đúng trong hoàn cảnh theo như lời Chúa trong bài Tin Mừng đây, khi Chúa hỏi các tông đồ rằng: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” (Lc 9, 20).
Người trần gian thời của Chúa chỉ biết Chúa như là một con người nổi tiếng thành nhân, thành danh qua những lời Chúa rao giảng Tin Mừng, qua các phép lạ Chúa làm để chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền, qua việc Chúa phục sinh kẻ chết, và Chúa xua trừ ma quỷ để rồi dân chúng lúc đó xem Chúa như một tiên tri cao cả xuất hiện giữa chúng ta và Thiên Chúa thăm viếng dân Người, và lời Chúa được loan truyền khắp cả miền Giuđêa và vùng lân cận (Lc 7, 16 – 17), hoặc là Thiên Chúa đã ban cho loài người một quyền năng như thế (Mt 9, 8). Vì dân chúng chỉ biết Chúa như là một Gioan Tẩy Giả, như là Êlia hay là một tiên tri thời xưa đã sống lại (Lc 9, 19), cho nên họ chỉ biết làm cho những việc tốt lành của Chúa được lan rộng khắp nơi, danh Chúa đồn ra khắp chốn. Do đó mà dân chúng chưa toàn tâm toàn ý với Chúa nhiều, chưa tin tưởng phó thác trọn vẹn cuộc sống cho Chúa, chưa đi theo sự hướng dẫn dứt khoát của Chúa, chưa sống chết vào Chúa. Vì như vậy, họ đã nghe theo lời xúi dục của những người biệt phái, luật sỹ, trưởng tế, kỳ lão mà thay lòng đổi dạ kết án Chúa trong cuộc khổ nạn …Còn về phần riêng của các tông đồ, trong những ngày tháng theo Chúa, được nghe Chúa rao giảng Tin Mừng, được thấy Chúa làm các phép lạ, và xua trừ ma quỷ, cho kẻ chết sống lại, cho nên bây giờ Chúa hỏi sự hiểu biết của các ngài về Chúa tới đâu rồi để Chúa biết các ngài yêu mến Chúa như thế nào? Sống chết vì Chúa ra sao? Các ngài có phó thác trọn vẹn cuộc sống cho Chúa không? Có đi theo sự dẫn dắt của Chúa dứt khoát không? Đồng thời, một khi các tông đồ biết Chúa rồi, Chúa sẽ nhờ các ngài làm cho mọi người biết về Chúa nhiều hơn để càng ngày họ càng gắn bó với Chúa mà được Chúa cho sống mãi muôn đời.
Khi các tông đồ biết Chúa mà như lời thánh Phêrô, đã đại diện cho các ngài tuyên xưng Chúa: “Thầy là Đấng Kitô, con Thiên Chúa” (Lc 9, 20), các tông đồ sẽ hoàn toàn tựa nương vào Chúa, bám chặt vào Chúa. Thế nhưng, Chúa biết cái biết của các tông đồ chưa có sâu sắc, chưa có vững vàng, dễ bị ngoại cảnh tác động, dễ bị lay chuyển, nhưng Chúa vẫn chấp nhận trong tình thế như vậy để rồi Chúa mới cho các ngài biết Chúa sẽ đi vào khổ nạn, cứu chuộc con người chúng ta: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các trưởng tế và các luật sỹ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại” (Lc 9, 22). Chúa muốn các ngài biết Chúa là Chúa của khổ nạn và phục sinh, chứ không phải Chúa là Chúa vinh quang, giàu sang, phú quý, quyền lực. Cái biết về Chúa của các ngài lúc này vẫn còn mang nặng bụi trần tục lụy của kiếp người, chưa được thanh luyện, cho nên khi Chúa đi vào cuộc khổ nạn, các ngài đã bỏ Chúa chạy trốn hết. Bởi vậy, sự hiểu biết của các tông đồ về Chúa còn quá hạn chế, quá giới hạn, vì thế mà các tông đồ hay lỗi nhịp với Chúa trong cuộc sống. Nhưng Chúa vẫn chấp nhận, vẫn tha thứ, vẫn hướng dẫn dạy dỗ, để rồi sau này các ngài biết ơn Chúa, và đền đáp lại tình thương của Chúa bằng cách chu toàn nhiệm vụ Chúa trao phó cách hoàn hảo.
Lạy Chúa, xin Chúa cho chúng con biết Chúa, xin cho chúng con biết con. Biết Chúa để chúng con phó thác hoàn toàn cuộc sống chúng con cho Chúa. Biết chúng con là những người tội lỗi để chúng con sống khiêm nhường và luôn xin Chúa tha thứ cứu vớt chúng con (St Augustino). Amen.
Suy niệm 13: Phục vụ người cùng khốn
(Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB)
Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Vinhsơn Phaolô hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã ban cho thánh Vinhsơn Phaolô linh mục mọi đức tính xứng bậc tông đồ, để thánh nhân phục vụ người cùng khốn và đào tạo hàng giáo sĩ. Xin Chúa cho chúng ta biết nghe lời người dạy, bắt chước việc người làm mà xả thân vì bác ái. Thánh nhân sinh năm 1581 tại Gátcôn, nước Pháp. Người làm linh mục rồi đi Pari phục vụ một giáo xứ. Người sáng lập tu hội Thừa Sai để giúp đào tạo các giáo sĩ và nâng đỡ những người nghèo. Được thánh nữ Luy Marilắc cộng tác, người đã lập tu hội Nữ Tử Bác Ái. Người là gương mẫu hoàn hảo về việc sống đức bác ái như Chúa Kitô dạy, luôn sẵn sàng cứu giúp những người cùng khốn. Người nhận ra khuôn mặt của Chúa Kitô nơi bất cứ ai đang gặp đau khổ. Người qua đời tại Pari năm 1660.
Phục vụ người cùng khốn, như Chúa luôn từ ái một niềm, xót thương Dân Người đang bị lưu đày vì tội phản nghịch, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Êdêkien cho thấy: Trong một thị kiến hùng vĩ, Ítraen được tái thiết: đất nước được dành riêng cho một dân tộc toàn thiện chu toàn nghĩa vụ tôn thờ Thiên Chúa một cách toàn hảo. Sự thật mới chỉ là bản phác thảo của lý tưởng này thôi, nhưng việc Thiên Chúa trở lại Đền Thờ của Người là nét đặc thù chính yếu: ơn Chúa đang tác động trong chúng ta, Nước Người đang hình thành, chương trình cứu độ của Người đang được thực hiện. Vinh quang Đức Chúa tiến vào Đền Thờ qua cổng quay về phía Đông, và này vinh quang Đức Chúa tràn ngập Đền Thờ.
Phục vụ người cùng khốn, bởi vì, chính Chúa đã tự đồng hóa mình với những người bé nhỏ nghèo hèn, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Vinhsơn Phaolô với các Nữ Tử Bác Ái rằng: Khi thăm nom người túng thiếu và nghèo khổ, chúng ta hãy cố gắng hiểu hoàn cảnh của họ mà thông cảm với họ sao cho tâm hồn chúng ta cũng rung động trước những ưu tư và khốn cùng của tha nhân… Tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người. Tôi đã trở nên yếu với những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả để hòa mình với mọi người, hầu cứu được một số người... Tôi nên mắt cho kẻ mù lòa, thành chân cho người què quặt, là cha của người nghèo túng.
Phục vụ người cùng khốn, bởi vì, cho dù, thân phận con người bọt bèo, mỏng manh, mau qua, chóng tàn, chẳng đáng chi, nhưng, Chúa hằng để tâm nhìn đến, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Giảng Viên nói: Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 143, vịnh gia cũng đã cho thấy: Chúc tụng Chúa là núi đá cho tôi nương ẩn. Lạy Chúa, con người có là chi, mà Chúa cần biết đến? Phàm nhân đáng là gì, mà Chúa phải lưu tâm? Ấy con người khác chi hơi thở, vùn vụt tuổi đời tựa bóng câu.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Con Người đến để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy. Con người có là chi mà Chúa cần nhớ đến, mà Chúa phải chịu nhiều đau khổ, bị loại bỏ, bị giết chết, để cứu độ con người? Vì loài người khốn cùng, Thiên Chúa đã muốn là người cùng khốn, chẳng còn dáng vẻ của một con người, bị coi là điên rồ, ngu dại. Người tự xưng là Đấng loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo khó, khốn cùng. Khi yêu thương những người khốn cùng, thì Chúa cũng yêu thương cả những kẻ thương yêu họ, vì khi ai thân thiết với người nào, thì cũng yêu thương cả bạn hữu của người ấy hoặc những kẻ giúp đỡ người ấy. Thánh Vinhsơn Phaolô đã phục vụ người cùng khốn và đào tạo hàng giáo sĩ, ước gì chúng ta biết nghe lời người dạy, bắt chước việc người làm mà xả thân vì bác ái. Ước gì được như thế!
Bài cùng chuyên mục:
Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 117)
Thứ Bảy tuần 33 thường niên.
Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,657)
Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.
Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,107)
Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.
Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,726)
Thứ Tư tuần 33 thường niên.
Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,752)
Thứ Ba tuần 33 thường niên.
Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,850)
Thứ Hai tuần 33 thường niên.
+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 14,987)
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.
Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,539)
Thứ Bảy tuần 32 thường niên.
Thứ Sáu 15/11/2024 – Thứ Sáu tuần 32 thường niên. – Sống trong ngày của Chúa. (14/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,933)
Thứ Sáu tuần 32 thường niên.
Thứ Năm 14/11/2024 – Thứ Năm tuần 32 thường niên. – Sống giây phút hiện tại. (13/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,695)
Thứ Năm tuần 32 thường niên.
-
Gia vị cho bài giảng CN lễ Chúa Kito là Vua - 2024
Khi Người đến trong vinh quang, Chúa Kitô Vua sẽ xét xử chúng ta về những việc bác ái chúng ta làm cho tha nhân. (Cha Tony)
-
Kinh Tin Kính phổ quát
Mầu nhiệm của Chúa Kitô hoạt động thông qua các Giáo hội kitô lịch sử nhưng cũng hoạt động, và hoạt động rộng rãi, bên ngoài các Giáo hội...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 34 TN B - 2024
Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật,...
-
Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh
Ngoài việc cầu nguyện, các vị thánh sẽ đưa ra ba lời khuyên nào cho những người đang tìm kiếm người phối ngẫu tương lai?
-
Linh hướng là gì?
Trong xã hội và thời đại hỗn loạn của chúng ta, hơn bao giờ hết, hướng dẫn đời sống tâm linh là một nguồn lực tinh thần cần thiết. Người...
-
Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình?
Tôi là phụ huynh của ba đứa trẻ, tất cả chúng tôi đều cố gắng sống theo đức tin Công giáo. Một trong số chúng có vẻ không mấy hứng thú,...
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi
Người trẻ làm gì để không bị cuốn đi với những "tư tưởng" rất đời kia? Nếu có nhu cầu thì sao kiểm soát khi chưa lập gia đình? Tụi con...
-
Bác ái là nhân đức cần thiết cho sự phát triển tâm linh
Chúng ta phải xin Chúa ban cho chúng ta đức ái mỗi ngày cho đến khi chúng ta gặp được Ngài trên Thiên Đàng!
-
Đạo còn sống khi ta còn sống đạo
Phải chăng giá trị Tin Mừng trong lòng tín hữu đang phai nhạt dần ? Phải chăng việc đạo nghĩa chỉ còn là sự quan tâm thứ yếu ? Phải chăng...
-
Gia vị cho bài giảng CN 33 & Các Thánh Tử đạo VN - 2024
Đôi khi những người muốn dẫn dắt Người khác đến với Chúa Kitô cũng trở thành chướng ngại vật lớn nhất cho ơn cứu rỗi của họ.
-
Nghĩ đến những điều tốt đẹp
Hãy thôi nghĩ đến chuyện buồn ấy và hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp và đáng yêu khác trong cuộc sống để lòng bà được thanh thản
- Sự cần thiết của việc lắng nghe
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất