Thứ Sáu 25/10/2024 – Thứ Sáu tuần 29 thường niên. – Dấu Chỉ Của Thời Ðại.
- In trang này
- Lượt xem: 4,089
- Ngày đăng: 24/10/2024 10:00:00
Dấu Chỉ Của Thời Ðại.
25/10 – Thứ Sáu tuần 29 thường niên.
"Các ngươi biết tìm hiểu diện mạo trời đất? Còn về thời đại này, sao các ngươi không tìm hiểu?"
Lời Chúa: Lc 12, 54-59
Khi ấy, Chúa Giêsu phán bảo dân chúng rằng: "Khi các ngươi xem thấy đám mây nổi lên ở phía tây, lập tức các ngươi nói rằng: Trời sắp mưa; và sự thật xảy ra như thế. Và khi gió nam thổi đến, thì các ngươi nói: Trời sắp nóng nực. Và việc đã xảy ra như thế.
Hỡi những kẻ giả hình, các ngươi biết tìm hiểu diện mạo của trời đất, còn về thời đại này, sao các ngươi không tìm hiểu? Tại sao các ngươi không tự mình phê phán điều gì phải lẽ? Thế nên, khi ngươi cùng với kẻ đối phương ra trước mặt quan quyền, thì đang lúc đi dọc đường, ngươi hãy cố lo liệu cho ổn thoả với nó đi, kẻo nó lôi ngươi đến trước quan toà, và quan toà trao ngươi cho lý hình và lý hình tống ngươi vào ngục. Ta bảo cho ngươi hay, ngươi sẽ không thể ra khỏi đó cho đến khi nào trả xong đồng xu cuối cùng".
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
Suy niệm 1: Nhận xét thời đại này
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Tục ngữ ca dao nước ta không thiếu những câu nói về thời tiết.
Kinh nghiệm dân gian cho phép dự đoán những gì sắp xảy ra.
Có những dấu hiệu báo trước cơn mưa hay dông bão.
“Sấm đàng đông vừa trông vừa chạy, sấm đàng nam vừa làm vừa chơi.”
Người dân nước Paléttin cũng có những kinh nghiệm tương tự.
“Mây kéo lên ở phía tây” là mây đến từ biển Địa Trung Hải.
Khi thấy mây từ biển tiến vào, người ta đoán mưa đến nơi rồi (c. 54).
Khi thấy gió từ phương nam thổi đến,
luồng gió nóng từ vùng núi Ả-rập,
người ta biết ngay thời tiết sẽ hết sức oi bức (c. 55).
“Và xảy ra đúng như vậy”, Đức Giêsu nhắc lại câu này hai lần.
Ngài cho thấy dự đoán của dân chúng về thời tiết ít khi sai.
Họ khá bén nhạy trước những dấu hiệu thay đổi nhỏ của trời đất.
Tiếc là dân chúng thời Đức Giêsu lại không đủ bén nhạy
để có thể nhận biết được ý nghĩa của những dấu chỉ
đang diễn ra trước mắt họ.
Đức Giêsu ngạc nhiên vì những người cùng thời với Ngài
không thấy được cái độc nhất vô nhị của thời đại họ đang sống.
Họ không cảm thấy hạnh phúc khi được Thiên Chúa đến viếng thăm.
Chính vì thế ơn cứu độ của Thiên Chúa có thể bị quên lãng.
“Hỡi những kẻ đạo đức giả!” Đức Giêsu đã gọi họ như thế (c. 56).
Tại sao các anh nhạy bén trước điều này, mà lại thờ ơ trước điều kia?
Thiếu bén nhạy về mặt tôn giáo cũng là cơn bệnh của con người thời nay.
Thiên Chúa vẫn nói với con người hôm nay qua các dấu chỉ.
Vấn đề là làm sao đọc được ý nghĩa của những dấu chỉ đó.
Thiên Chúa không hiện ra để dạy con người biết tôn trọng trái đất.
Nhưng những hậu quả mà con người phải chịu là lời nhắc nhở của Ngài.
Khi trái đất ấm dần lên, khi băng tan ra và mực nước biển dâng cao,
một số phần đất của quê hương ta sẽ bị chìm dưới nước.
Khi người dân chặt phá rừng, thì lụt lội và hạn hán là chuyện dĩ nhiên.
Cơn bệnh của thế kỷ cũng có thể là một lời nhắc nhở.
Thiên Chúa mời gọi vợ chồng sống chung thủy trong hôn nhân,
và mời các bạn trẻ sống trong sạch trước khi lập hôn ước.
Ngay cả cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng là một dấu chỉ.
Con người được mời gọi tìm ra những cơ cấu kinh tế vững vàng hơn,
để không bị một số ít nhà tư bản hay nước tư bản thao túng.
Mở mắt to để thấy, mở tai to để nghe, đó phải là thái độ của Kitô hữu,
vì hôm nay Thiên Chúa vẫn nói, vẫn làm nơi Đức Kitô, Con của Ngài.
Ngài vẫn nói với chúng ta qua hơn 90% người Việt Nam chưa biết Chúa.
Ngài vẫn nói với ta khi có những bạn trẻ Kitô hữu nghiện ngập, hư hỏng.
Ngài vẫn mời chúng ta làm một điều gì đó cho bao người nghèo khó,
cho trẻ em thất học, cho những phụ nữ lỡ làng, cho những người neo đơn.
Chỉ xin cho ta cảm được chút gió nhẹ của Chúa trong đời ta.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, đây là ước mơ của con về thế giới:
Con mơ ước tài nguyên của cả trái đất này
là thuộc về mọi người, mọi dân tộc.
Con mơ ước
không còn những Ladarô đói ngồi ngoài cổng,
bên trong là người giàu yến tiệc linh đình.
Con mơ ước mọi người đều có việc làm tốt đẹp,
không còn những cô gái đứng đường
hay những người ăn xin.
Con mơ ước
những ngưòi thợ được hưởng lương xứng đáng,
các ông chủ coi công nhân như anh em.
Con mơ ước
tiếng cười trẻ thơ đầy ắp các gia đình,
các công viên và bãi biển đầy người đi nghỉ.
Lạy Chúa của con,
con ước mơ một thế giới đầy màu xanh,
xanh của rừng, xanh của trời, xanh của biển,
và xanh của bao niềm hy vọng
nơi lòng những ai ham sống và ham dựng xây.
Nếu Chúa đã gieo vào lòng con những ước mơ,
thì xin giúp con thực hiện những ước mơ đó. Amen.
Suy niệm 2: Dấu chỉ Giêsu
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Biết nhìn ra dấu chỉ thật quan trọng. Biết nhìn thời tiết sẽ sắp xếp công việc hợp lý. Đặc biệt là công việc đồng áng. Để cầy cấy cho đúng thời vụ. Đem lại lương thực cho đời sống thân xác. Nhưng biết nhìn dấu chỉ thiêng liêng còn quan trọng hơn. Vì giúp lo liệu công việc cung cấp lương thực thiêng liêng. Cho sự sống đời đời.
Chúa mắng những người Do thái là giả hình. Vì họ không thể không biết những dấu chỉ về Đấng Cứu Thế: kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, người nghèo được nghe Tin Mừng. Chính Chúa đã thực hiện những điều các tiên tri loan báo từ ngàn xưa. Họ giả hình. Vì biết mà không tin. Có lẽ họ sợ phải thay đổi đời sống. Hay là sợ mất quyền lợi khi phải tin theo Chúa. Giả dối. Tâm thần phân liệt.
Chúa cảnh báo họ. Nếu không có phán đoán chính xác. Nếu không thay đổi thái độ để có hành xử đúng đắn. Họ sẽ lãnh lấy hậu quả tai hại. Sẽ bị trừng phạt vì sự thiếu khôn ngoan đó: “Kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục”.
Chứng tâm thần phân liệt được thánh Phao-lô nhận biết ngay trong bản thân mình. Ngài nhận thấy sự bất lực của mình trong đời sống thiêng liêng: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm”. Và ngài nhận biết mình bị tội lỗi trói buộc. Không sao thoát ra được. Ngài nhận biết chỉ mình Chúa Ki-tô mới có thể cứu ngài thoát sự nô lệ tội lỗi đó: “Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta” (năm lẻ).
Ngài nhận biết thế giới này xung đột chia rẽ. Và sự chia rẽ xuất phát ngay từ nội tâm con người. Đó là do tội lỗi. Cần thống nhất đời sống. Cần thống nhất thế giới. Chỉ có một phương thế: Chịu phép rửa nhân danh Chúa Ki-tô. Như thế “chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hi vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người, và trong mọi người”. Chỉ Thiên Chúa mới có thể giải cứu thế giới. Chỉ Thiên Chúa mới có thể giải thoát con người. Chỉ Thiên Chúa mới có thể duy nhất đời sống. Nhờ Chúa Giê-su Ki-tô (năm chẵn).
Suy niệm 3: Lạc Quan, Tin Tưởng
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
"Sinh ngày mùng 4 tháng 7", và "Bàn chân trái của tôi", đó là tựa đề của hai cuốn phim Mỹ hay nhất năm 1990. "Sinh ngày mùng 4 tháng 7" kể truyện một thanh niên Mỹ bị động viên sang VN và trở thành kẻ tàn tật suốt đời. Bất mãn, hận đời, người thanh niên gia nhập phong trào phản chiến ở Mỹ. Còn cuốn phim "Bàn chân trái của tôi" cho thấy hình ảnh một con người phấn đấu với những bất hạnh của mình để đạt thành công. "Bàn chân trái của tôi" nêu bật bài học về lạc quan tin tưởng trong cuộc sống.
Thiên Chúa không bao giờ bỏ mặc con người. Ngay cả khi con người tưởng chừng như mất tất cả, thì đó chính là lúc Thiên Chúa ban ơn dồi dào hơn; từ những mất mát, Thiên Chúa biến thành khởi điểm của những điều kỳ diệu.
Chúa Giêsu luôn mời gọi chúng ta mặc lấy cái nhìn lạc quan và tin tưởng. Chúng ta dễ cảm tạ Thiên Chúa khi gặp may mắn, thịnh đạt, thành công; nhưng chúng ta lại dễ bị cám dỗ để không nhận ra sự hiện diện và tác động của Ngài trong những mất mát, thua thiệt. Nhìn vào điềm báo thời tiết, chúng ta biết được trời sắp mưa hay sắp nóng nực; cũng thế, nhìn vào những may mắn và cả những thất bại, chúng ta hãy nhận ra lời mời gọi tin tưởng và dâng lời cảm tạ Chúa. Mỗi gặp gỡ, mỗi biến cố đều là dấu chỉ thời gian, vừa bày tỏ sự hiện diện và tác động yêu thương của Chúa, vừa mời gọi chúng ta tín thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.
Chỉ với một bàn chân trái, một người tàn tật có thể vươn lên. Chúng ta hãy tự nhủ: những mất mát, khổ đau, thử thách là cơ may Thiên Chúa ban để giúp chúng ta vươn cao trong niềm tin. Chúng ta hãy nói lên niềm tin vào Ðấng luôn có mặt trong cuộc sống chúng ta và tiếp tục yêu thương chúng ta, ngay cả khi chúng ta yếu hèn tội lỗi.
Suy niệm 4: Dấu Chỉ Của Thời Ðại
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Chúng ta rất quen với những thời tiết trong một năm và quen như vậy thì chúng ta mới biết tính toán trong công việc làm ăn, canh tác. Thiên Chúa, Cha chúng ta, Người là Ðấng vô hình và Người tạo dựng nên chúng ta hữu hình. Vì thế, Người nói chuyện với chúng ta về tình yêu của Người bằng dấu chỉ. Mục đích Người muốn cho chúng ta nhận ra được ý muốn của Người và phục vụ ý muốn đó với tất cả tấm lòng của người con hiếu thảo. Chỉ tiếc một điều là chúng ta quen thuộc với những dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa để rồi thành công trong công việc làm ăn và nuôi sống cho thân xác, nhưng lại không muốn quan tâm đến những dấu chỉ tình yêu vô cùng cần thiết cho đời sống chúng ta. Chúng ta có vẻ lo lắng cho của cải vật chất của mình mà quên rằng chúng ta còn cuộc sống làm con cái của Thiên Chúa, con cái của Ðấng Tạo Hóa. Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta biết nhận ra dấu chỉ ngôn sứ để có thể có được một đời sống đời đời. Những dấu chỉ ấy, Thiên Chúa Cha đặt để khắp mọi nơi, mọi chốn trong cuộc sống mỗi người qua giáo huấn của Kinh Thánh, qua giáo huấn của Giáo Hội, qua những cơ cấu tổ chức của xã hội, những khoản lề luật để đảm bảo trật tự trong cộng đồng, những biến cố lớn nhỏ trong lịch sử của một đời người, một dân tộc và toàn thế giới. Vấn đề là chúng ta biết nhìn ngắm, biết nhận ra và biết vâng phục yêu mến Thiên Chúa khi Người cho chúng ta những dấu chỉ và những dấu chứng ấy.
Dấu chỉ, dấu chứng lớn nhất là chúng ta có một Thiên Chúa là Cha. Người đã làm được tất cả những gì làm được cho chúng ta, kể cả việc trao ban cho chúng ta Người Con yêu dấu duy nhất của Người, để chúng ta được hòa giải với Người và hòa giải với nhau trong tình anh chị em. Vì thế, chúng ta phải xử với nhau như anh chị em. Hơn nữa đối với Chúa Giêsu, trần gian này chẳng qua là nơi Thiên Chúa giáo huấn cho chúng ta, làm cho chúng ta nên cao cả qua những việc mình làm mỗi ngày để mang lại hạnh phúc cho nhau. Một mai đây khi đến thời đến buổi chúng ta cũng sẽ cùng nhau về với Cha. Sống ở đời này với ưu tiên một là Thiên Chúa thì chúng ta mới có thể mong được về hưởng hạnh phúc với Người.
Lạy Cha yêu thương,
Cha thật là tuyệt vời khi nói với chúng con về tình yêu bằng dấu chỉ và bằng ngôn ngữ. Cha muốn cho chúng con đọc được những dấu chỉ ấy, những hình thức ngôn ngữ ấy để chúng con cảm nghiệm được tình Cha, sống tình Cha và chia sẻ tình Cha với anh chị em chúng con, khi chúng con cùng nhau hành trình về nhà Cha. Thật ra thì dấu chỉ Cha dùng, ngôn ngữ Cha sử dụng rất rõ ràng, hiển nhiên và dễ hiểu, có chăng là tại chúng con cố tình làm như không hiểu. Dưới sự nhắc nhở của Chúa Giêsu, chúng con cố đào sâu hơn nữa những dấu chỉ và chúng con cũng biết tôn thờ Cha bằng những dấu chỉ nghiêm túc của phụng vụ, của các hoạt động tông đồ giáo dân, để dẫn đưa tất cả anh chị em chúng con về với Cha.
Suy niệm 5: Thứ Điếc Bất Trị
Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các ngươi biết nhận xét, còn thời đại này, sao các ngươi lại không biết nhận xét? (Lc. 12, 56-57)
Một trong những ơn Chúa Thánh Thần cần thiết nhất cho con người suy xét và biết rõ, phân biệt rõ, bản dịch xưa kia gọi là ơn suy biết, nay gọi là ơn minh luận. Đối với việc đời, người ta tự khoe mình có cảm thức rất rõ, giúp người ta phán đoán mọi tình cảnh, lượng định đánh giá để hành động thích hợp, như Đức Giêsu đã nói với đám đông: “Các ngươi biết nhận xét bộ mặt trời đất”.
Thế mà “thời đại này, sao các ngươi lại không biết nhận xét”. Thời đại nước trời đã đến, được Gio-an loan báo và được Chúa tuyên bố với những dấu chỉ toàn năng của Thiên Chúa?
Thứ điếc nhất là không muốn nghe
Khi Người nói phải biết phân biệt lấy điều phải để theo, người ta lại không muốn nghe, họ không muốn nhận xét tự mình, vì lương tâm họ có thể sẽ chỉ cho họ phải theo con đường mà họ không thích. Ăn năn trở lại là nói đến thay đổi hướng đi, từ bỏ những thói quen xấu đã gắn bó với mình, nhận ra tội lỗi mình, chấp nhận mình đã bất trung, họ cự tuyệt với hành động hạ mình xuống, quả quyết từ chối nghe tiếng lương tâm của họ. Họ hoàn toàn điếc không sợ súng.
Mỗi thế hệ ở một thời điểm nhất định và tương lai tùy thuộc vào phán đoán của mình về thời đại đang sống. Ngày nay Thiên Chúa vẫn hoạt động trong đời sống chúng ta, Ngài nói với chúng ta qua những biến cố, qua những người mà chúng ta gặp. Hãy lắng nghe lời Ngài, Ngài khẩn thiết gọi ta trở về với tình yêu của Ngài. Rất nhiều khi chúng ta quay lỗ tai điếc ra nghe. Chúng ta từ chối bồi đắp cho cuộc đời mình. Chúng ta sống quá thoải mái bởi những tiện nghi.
Cố chấp hay ngu đần
Thủ tục tố tụng của đế quốc La-mã xưa rất khắc nghiệt. Một khi khởi tố phải theo những thủ tục rất bất nhân. Cho nên Đức Kitô nhắc nhở và khuyên cố gắng giải quyết với đối phương trước khi phải ra tòa án xét xử. Ngày phán xét cũng sẽ không khoan nhượng và rất khắc nghiệt. Chúng ta hãy lo ăn năn trở lại trước đi, kẻo quá trễ. Người ta lầm tưởng rằng Thiên Chúa rất tốt lành, Ngài không thể để ai bị kết án và Ngài sẽ bãi bỏ công lý. Sự cố chấp, ngoan cố làm chúng ta không muốn nghe lời Chúa, chẳng những là thứ ngu đần mà còn là một trọng tội đẩy ta đến chỗ chết đời đời.
RC
Suy niệm 6: Nhận ra dấu chỉ... và sám hối, canh tân
Khi nói về dấu chỉ của thời tiết, ca dao tục ngữ Việt Nam có câu:
“Cơn đàng Đông vừa trông vừa chạy,
Cơn đàng Nam vừa làm vừa chơi”.
Hay:
“Chuồn chuồn bay thấp thì mưa,
Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã khen ngợi những người Dothái về khả năng tiên đoán điềm trời của họ. Tuy nhiên, Ngài lại khiển trách họ chỉ biết dự báo về điềm trời, còn không biết dùng khả năng vốn có của mình để sử dụng vào lãnh vực cao hơn là những dấu chỉ ơn cứu độ. Ngài trách: “Hỡi những kẻ giả hình, các người biết tìm hiểu diện mạo của trời đất, còn về thời đại này, sao các ngươi lại không tìm hiểu?”.
Khi nói như thế, Đức Giêsu muốn xác định rằng: sự xuất hiện của Ngài ngang qua các hành động và những lời giáo huấn cho thấy: Đức Giêsu chính là Đấng Thiên Sai, đến để cứu thoát con người khỏi tội lỗi, khỏi chết phần hồn và đem lại cho nhân loại hạnh phúc thật. Đây chính là một điềm lạ vĩ đại, cả thể, nhằm loan báo Triều Đại Thiên Chúa đã đến và đang hiện diện giữa nhân loại thì họ lại không tin, không nhận ra.
Tại sao vậy? Thưa! Họ mong đợi nơi Đấng Cứu Thế phải là một người hùng, đánh đông dẹp bắc bằng vũ lực; phải là Đấng giải phóng dân tộc Dothái khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma. Phải là người giỏi giang về binh đao và xuất xứ của Đấng ấy phải là quyền quý, cao sang.
Tuy nhiên, điều họ mong chờ ấy đã không phù hợp với bản chất của Đấng Thiên Sai, nên họ đã bị tối mắt và lu mờ lương tâm khi Đức Giêsu xuất hiện trong một gia đình nghèo, tầm thường. Hơn nữa, Ngài đến trong thân phận là người tôi tớ của Giavê, để phục vụ và đứng về phía người nghèo, tội lỗi, người không có tiếng nói... Đường lối cứu độ của Ngài lại là con đường khổ giá, khiêm nhường và hiền hậu. Sự nghiệp giải phóng của Ngài không chỉ dành riêng cho một quốc gia, dân tộc nào, mà là cho hết mọi người. Tất cả những điều đó họ đã không nhận ra, nên họ đâu màng chi đến những dấu chỉ về sự hiện diện của Đức Giêsu! Vì thế, họ không sám hối cũng chẳng cần thay đổi đời sống...!!!
Nơi xã hội hay trong cuộc sống, đôi khi chúng ta cũng chẳng khác gì những người Dothái khi xưa khi phỏng chiếu một vị Thiên Chúa phải đứng về phe mình, mặc cho điều mình làm có đúng hay sai? Cũng vẫn còn đó những người luôn có khái niệm: “Tự nhiên có”, mà không hề nhận ra rằng: Chúa đang yêu thương, bao bọc ta và những thứ ta có là do lòng nhân từ của Chúa ban. Đôi khi có những bất chắc trong cuộc sống như tai nạn, bệnh tật, ốm đau... chúng ta đã được Chúa thương cứu sống cách nhiệm mầu. Ấy vậy mà khi chúng ta được chữa lành, thay vì tạ ơn Chúa, cải hóa đời sống và trung thành với Chúa, thì lại vui vẻ cho rằng mình gặp may... Rồi cũng không thiếu những lúc ta ích kỷ đến độ không hài lòng với người anh chị em của mình khi họ gặp điều thuận lợi hơn ta...
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy nhạy bén với ơn Chúa để nhận ra sự hiện diện của Ngài nơi chính Lời của Ngài trong Tin Mừng. Đồng thời, luôn nhận ra tình thương của Chúa qua sự quan phòng kỳ diệu trong cuộc sống nơi các biến cố vui buồn, sướng khổ, thành công hay thất bại của chúng ta. Mặt khác, hãy lo sám hối, cải thiện đời sống và quay trở về với Thiên Chúa một khi đã nhận ra tình thương của Ngài.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cám ơn Chúa đã yêu thương chúng con vô bờ. Xin cho chúng con nhận ra tình thương của Chúa và biết sám hối, ăn năn, cải thiện đời sống để xứng đáng trở thành con Chúa và anh chị em của nhau. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy niệm 7: Dấu chỉ của Thiên Chúa
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Từng biến cố lớn nhỏ trong cuộc sống là những dấu chỉ chứng tỏ Thiên Chúa vẫn đang làm chủ lịch sử và thực hiện việc cứu độ nhân loại. Khi nhận ra những dấu hiệu ấy, chúng ta cần phải xác định lập trường sống một cách dứt khoát.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cuộc sống của con được đan dệt với những vui buồn sướng khổ, may mắn và thất bại. Con nhận biết rằng Chúa đang can thiệp vào những biến cố ấy. Ngày nay không thiếu những dấu chỉ chứng tỏ Chúa vẫn đang hiện diện trong cuộc đời con.
Ngày xưa Chúa đã trách người Do thái vì họ không biết đọc những dấu chỉ thời đại. Họ sáng suốt đoán trước thời tiết qua những hiện tượng thiên nhiên, nhưng họ lại mù tối không nhận ra được những dấu chỉ mà Chúa đang ngỏ với họ qua các phép lạ và giáo lý của Chúa. Chúa mời gọi những ai theo Chúa hãy đọc và hiểu dấu chỉ ơn cứu độ của Chúa đang thực hiện giữa loài người.
Lạy Chúa, xin cho con được đôi mắt sáng của đức tin, để thấy được bàn tay yêu thương của Chúa đang dẫn dắt con trong từng biến cố. Con cũng cần Chúa cho đôi tai tỉnh thức, để sẵn sàng lắng nghe tiếng Chúa đang mời gọi con đáp lại tình Chúa thương yêu. Và giữa những thất bại khổ đau, xin cho con nghe được tiếng Chúa vẫn không ngừng kêu gọi sống vui tươi lạc quan và tin tưởng phó thác.
Xin cho con nhận ra những dấu chỉ của Chúa, luôn biết can đảm dứt khoát từ bỏ thói hư tật xấu, cương quyết sửa những lỗi lầm, để cuộc sống của con cũng trở thành một dấu chỉ sống động của Chúa cho những người khác. Amen.
Ghi nhớ: “Các ngươi biết tìm hiểu diện mạo trời đất? Còn về thời đại này, sao các ngươi không tìm hiểu?”
Suy niệm 8: Nhận ra dấu chỉ của Chúa
(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Nhà nông Việt Nam qua kinh nghiệm của ông cha từ xa xưa, họ có những quan sát đoán biết thời tiết để gieo trồng cho đúng thời đúng vụ và đạt năng suất cao, ví dụ qua các câu ca dao sau:
Đêm trời lạnh, trăng sao không tỏ,
Ấy là điềm mưa gió tới nơi.
Đêm nào sao sáng xanh trời,
Ấy là nắng ráo yên vui suốt ngày.
Những ai chăm việc cấy cày,
Điềm trời trông đó, liệu xoay việc làm.
Hay:
Kiến đen tha trứng lên cao,
Thế nào cũng có mưa rào rất to.
Đoán biết thời tiết để tiên liệu cho công việc, cho cuộc sống là điều cần thiết.
Suy niệm
Mọi dân tộc đều trân trọng truyền thống, kinh nghiệm sống của cha ông ví dụ như những bài học áp dụng từ lao động, từ thiên nhiên, người Do Thái thời Chúa Giêsu cũng vậy, họ đón nhận kinh nghiệm từ cha ông họ, biết nhìn cảnh sắc đất trời để có những cách đối phó, ứng xử: Nhìn mây đoán được mưa, thấy gió đoán được trời sẽ oi bức...
Nhưng họ lại không nhận biết được dấu chỉ của thời đại: Không nhận ra Chúa Giêsu, Đấng phải đến loan báo Tin Mừng, chữa lành bệnh tật cho người đau yếu, trừ quỷ cho người bị quỷ ám và làm cho kẻ điếc được nghe, kẻ què đi được, người mù được thấy… như lời các ngôn sứ loan báo, nhưng họ lại không nhận ra đó là dấu chỉ của nước Thiên Chúa đang đến.
Cho nên, Đức Giêsu đã khiển trách họ chỉ biết “nhận xét cảnh sắc đất trời” trong vũ trụ tự nhiên, nhưng lại không nhận biết những dấu lạ của Con Người đang hiện diện.
Ðức Giêsu kêu gọi hãy nhận ra dấu chỉ thời đại qua sự hiện diện của Ngài, mà tỏ lòng sám hối. Khi bất hòa với anh em, phải biết đi tìm sự hòa giải với anh em trước khi đến với tòa xét xử của Thiên Chúa, vị Thẩm Phán Tối Cao, Ngài sẽ xét xử chúng ta theo tình yêu thương mà chúng ta đối xử với anh em.
Thật thế, chúng ta, những môn đệ của Chúa Kitô trong thời đại hôm nay, cần phải tỉnh táo để nhận ra những dấu chỉ, những ý định của Chúa qua từng biến cố hằng ngày để sám hối, canh tân biến đổi chính mình mỗi ngày.
Ý lực sống
“Anh em đừng phạm tội, chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn.
Ðừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng” (Ep 4,26-27).
Suy niệm 9: Tìm hiểu các hiện tượng trời đất
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
Đức Giêsu giáo huấn dân chúng: Người trách họ, vì họ biết đem điềm trời mà đoán được thời tiết, nhưng lại không biết cách xét các việc đang xảy ra để nhận biết thời giờ cứu rỗi. Người khuyến dụ thính giả hãy để ý đến các dấu hiệu của thời đại mà lo tính công việc của mình trước ngày thẩm phán.
Người cũng nhấn mạnh đến sự cần kíp phải làm hoà với anh em, nghĩa là phải chấm dứt càng sớm càng tốt tình trạng gây hấn, oán hờn trước khi đến với quan toà xét xử. Người cũng là vị Thẩm phán tối cao sẽ xét xử chúng ta về tình yêu đối với anh em. Thế nên đừng chần chừ kéo dài cơn giận như lời giáo huấn của thánh Phaolô: “Anh em đừng phạm tội, chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn, đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng” (Ep 4,26-27).
Khác với ngày nay với máy móc hiện đại về khí tượng thuỷ văn, có thể dự báo trước về thời tiết và phát hiện được những cơn bão từ xa mà phòng tránh; người xưa thì đúc rút những kinh nghiệm xảy ra, từ đó đoán biết những hiện tượng thiên nhiên sắp xảy đến, như:
Ráng vàng thì nắng, ráng trắng thì mưa,
Mỡ gà thì gió, mỡ chó thì mưa...
Dân Do thái thời Đức Giêsu vốn từ du mục qua định cư, họ có nhiều kinh nghiệm về đoán biết thời tiết như vậy:
Mây kéo lên phía tây, mưa đến ngay tức khắc,
Khi gió nồm thổi tới, trời oi bức bắt đầu.
Đức Giêsu trách những người Do thái giỏi đoán biết về hiện tượng thiên nhiên, để phòng tránh hay đón mùa, nhưng lại không nhận ra những lời nói và việc làm của Đức Giêsu làm để đón nhận đó chính là dấu chỉ của Đấng Messia, và để canh tân đời sống (Hiền Lâm).
Khi nói như thế, Đức Giêsu muốn xác định rằng: sự xuất hiện của Ngài ngang qua các hành động và lời giáo huấn cho thấy: Đức Giêsu chính là Đấng Thiên Sai, đến để cứu thoát con người khỏi tội lỗi, khỏi chết phần hồn và đem lại cho nhân loại hạnh phúc thật. Đây chính là một điềm lạ vĩ đại, cả thể, nhằm loan báo Triều đại Thiên Chúa đến và đang hiện diện giữa nhân loại thì họ lại không tin, không nhận ra. Tại sao vậy? Thưa, họ mong đợi nơi Đấng Cứu Thế phải là một người hùng, đánh đông dẹp bắc bằng vũ lực; phải là Đấng giải phóng dân tộc Do thái khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma. Phải là người giỏi giang về binh đao và xuất xứ của Đấng ấy phải là quyền quý, cao sang...
Cha ông ta ngày xưa muốn dự đoán thời tiết thì dựa vào kinh nghiệm mà đặt ra những “công thức” đại loại như: “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng bay vừa thì râm”. Ngày nay với những phương tiện như vệ tinh, đài khí tượng thủy văn, người ta có thể dự báo được thời tiết xa hơn và chính xác hơn. Chính nhờ những dự đoán thời tiết như vậy, con người có thể phòng tránh được thiên tai, cũng như sắp xếp công việc của mình sao cho đạt kết quả cách tốt đẹp nhất. Tiếc thay khoa học tự nhiên phục vụ con người trong những lĩnh vực thuộc cuộc sống đời này có những bước tiến nhảy vọt, còn khoa học tâm linh giúp đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu thì sao mà èo uột, khập khiễng!!! Chúa than phiền về những người biết nhận xét cảnh sắc đất trời mà không biết nhận xét dấu hiệu của thời đại này, và Ngài gọi họ là người “đạo đức giả” (5 phút Lời Chúa).
Thiên Chúa không bao giờ bỏ mặc con người. Ngay cả khi con người tưởng chừng như mất tất cả, thì đó chính là lúc Thiên Chúa ban ơn dồi dào hơn; từ những mất mát, Thiên Chúa biến thành khởi điểm của những điều kỳ diệu.
Chúa Giêsu luôn mời gọi chúng ta mặc lấy cái nhìn lạc quan và tin tưởng. Chúng ta dễ cảm tạ Thiên Chúa khi gặp may mắn, thịnh đạt, thành công; nhưng chúng ta dễ bị cám dỗ để không nhận ra sự hiện diện và tác động của Ngài trong những mất mát, thua thiệt. Nhìn vào điểm báo thời tiết, chúng ta biết được trời sắp mưa hay sắp nóng nực; cũng thế, nhìn vào những may mắn và cả những thất bại, thua thiệt, chúng ta hãy nhận ra lời mời gọi tin tưởng và dâng lời cảm tạ Chúa. Mỗi gặp gỡ, mỗi biến cố đều là dấu chỉ thời gian, vừa bày tỏ sự hiện diện và tác động yêu thương của Chúa, vừa mời gọi chúng ta tín thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa (Mỗi ngày một tin vui).
Truyện: Nhìn ra dấu chỉ
Một trong những cuốn phim hay nhất của Charlot đó là cuốn phim có tựa đề: “Ánh sáng đô thị”. Câu chuyện tình này kể về gã lang thang và một cô gái mù bán hoa.
Một nhà tỉ phú trong vùng ngày nào cũng dừng lại mua hoa của nàng. Và một ngày kia, gã lang thang là chàng Charlot cũng dừng lại mua hoa. Cô bán hàng tưởng là người tỷ phú. Thế là một giấc mộng đã nối kết hai tâm hồn lại với nhau. Nàng tưởng mình gặp người mình mơ mộng từ lâu nay. Chàng hết lòng yêu nàng, cố gắng làm việc để kiếm tiền giúp nàng chữa bệnh, với hy vọng nàng sẽ được khỏi tật mù lòa.
Nhưng vì một sự ngộ nhận, cảnh sát bắt chàng. Sau thời gian cầm tù, chàng được tự do. Chàng trở lại chỗ cũ để tìm cô gái mù, nhưng nàng không còn ở đó nữa. Nhờ tiền bạc trước kia chàng đã gửi cho, người con gái đã được chữa lành và nay đứng trông coi một cửa hàng bán hoa rộng lớn hơn. Chàng đi qua đi lại nhiều lần, nhưng không thể nào nhận ra nàng.
Tình cờ một cánh hoa hồng rơi xuống đất, chàng nhặt lấy. Cô gái cười như nhạo báng. Chàng định bỏ đi, nhưng chợt nhận ra tiếng cười, chàng quay lại. Chàng hỏi một cách nhút nhát: “Cô đã thấy được rồi sao?”... Người con gái nhận ra tiếng nói quen thuộc... nàng từ từ nhặt chiếc hoa và gắn lên áo chàng. Và nàng thốt lên trong cảm xúc: “Anh đấy sao?”
Suy niệm 10: Dấu chỉ thời đại
(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Hạt giống...
Những lời này Chúa Giêsu nói cho những người do thái thời Ngài nghe. Ý chính là khuyên họ hãy sáng suốt nhận ra những dấu chỉ thời đại:
- cc 54-56: họ rất giỏi nhìn những dấu chỉ thiên văn để đoán trước trời sẽ mưa hay sẽ oi bức. Tại sao họ không nhận ra ý nghĩa của những lời Chúa Giêsu nói và những việc Ngài làm để biết rằng đã đến thời cuối cùng của lịch sử cứu độ?
- cc 57-59: bằng dụ ngôn hai người đưa nhau ra tòa, Chúa Giêsu khuyên hãy gấp rút lo hòa giải với nhau trước khi bị tòa kết án.
B.... nẩy mầm.
1. Khi cơ thể ta mang thêm một chứng bệnh, khi một phần cơ thể ta yếu đi... tất cả đều là những tín hiệu cho biết trước ngày lìa thế của ta càng lúc càng gần. Tại sao nhiều người không nhận ra những tín hiệu ấy và sống như sẽ không bao giờ chết?
2. “Thiên Chúa nói thì thầm trong cơn vui sướng của chúng ta; Ngài nói đủ nghe trong lương tâm của chúng ta; nhưng Ngài la lớn trong những cơn đau của chúng ta” (C.S. Lewis).
3. Khi biết chắc mình không còn nhiều thời giờ, người ta phải giải quyết nhiều vấn đề một cách rất gấp rút. Đối với những vấn đề quan trọng, thì cho dù không biết chắc thời giờ của mình còn lại nhiều hay ít, người khôn ngoan cẩn thận cũng lo giải quyết sớm. Điều chắc chắn: số phận đời đời là một vấn đề quan trọng. Điều ta không nắm chắc: thời giờ của mình còn lại bao nhiêu.
4. “Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời thì các ngươi biết nhận xét, còn thời đại này sao các ngươi không biết nhật xét?” (Lc 12,56)
Đất nước đã thay đổi rất nhiều. Tôi nhận ra điều đó ở trang phục của người dân thành phố. Người ta bỏ ra nhiều thời gian hơn để mua sắm, may mặc. Các mode áo quần xuất hiện liên tục rồi thay đổi liên tục. Có những kiểu lịch sự, sang trọng làm người mặc trở nên duyên dáng, đáng yêu. Nhưng cạnh đó cũng có những kiểu hạ thấp giá trị người mặc. Vật chất giúp người ta sống thoải mái và xứng đáng hơn; nhưng cũng chính nó làm cho kẻ yếu lòng đánh mất phẩm giá cao quí của con người. Đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, tôi cảm thấy trao đảo trước những biến đổi của xã hội. Các chuẩn mực đạo đức văn hoá dường như đang lung lay. Đâu là ranh giới giữa đời sống thoải mái và một đời sống quá phụ thuộc vào vật chất, đâu là ranh giới giữa hạnh phúc và lầm lạc?
Lạy Cha, xin cho biết sáng suốt nhận ra con đường đúng đắn cho cuộc đời. (Hosanna).
Suy niệm 11: Thiên Chúa vẫn hoạt động qua dấu chỉ
(Lm Giuse Đinh Tất Quý)
1. Những lời chúng ta vừa nghe là những Lời Chúa Giêsu nói cho những người Do Thái thời của Ngài. Ngài muốn khuyên họ hãy sáng suốt để nhận ra những dấu chỉ thời đại.
Ca dao Việt Nam có rất nhiều những câu tiên đoán về thời tiết, chẳng hạn như:
Cơn đàng Đông vừa trông vừa chạy,
Cơn đàng Nam vừa làm vừa chơi.
Hay:
Ráng vàng thì nắng
Ráng trắng thì gió
Ráng đỏ thì mưa.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nêu lên khả năng tiên đoán thời tiết rất chính xác của người Do Thái, nhưng Ngài lại chê họ vì họ không biết sử dụng những khả năng ấy vào một lãnh vực cao hơn. Ngài nói: “Hỡi những kẻ giả hình, các người biết tìm hiểu diện mạo của trời đất, còn về thời đại này, sao các ngươi lại không tìm hiểu?” (Lc 12,56)
2. Vâng! Hãy cố mà hiểu những gì đang xảy ra chung quanh chúng ta. C.S. Lewis: “Thiên Chúa nói thì thầm trong cơn vui sướng của chúng ta; Ngài nói đủ nghe trong lương tâm của chúng ta; nhưng Ngài la lớn trong những cơn đau đớn của chúng ta”.
Công Đồng Vaticanô II nói: “Dân Thiên Chúa, nhờ Đức tin mà tin rằng, mình được Thánh Thần Thiên Chúa là Đấng bao trùm vũ trụ hướng dẫn, cố gắng nhận định đâu là những dấu chỉ thực về sự hiện diện và ý định của Thiên Chúa trong mọi biến cố, mọi yêu sách và mọi ước mong mà họ dự phần với những người đương thời” (G.S. 11).
Hãy cố mà “nhận biết” thời đại ta đang sống! Thiên Chúa là Đấng làm chủ lịch sử và đang đưa dẫn lịch sử đến chỗ vẹn toàn của nó. Hôm nay, Người vẫn đang hoạt động!
Vậy thì thay vì than phiền trong sự tiếc nuối Giáo Hội hôm qua, thay vì mất giờ mơ mộng về Giáo Hội ngày mai, tốt hơn, theo lời mời gọi của Đức Giêsu, ta cần nhận biết thời đại ta đang sống.
Thời đại mà tôi đang sống là thời gian duy nhất, thực sự có tính quyết định đối với tôi.
3. Chúa bảo phải “Tự mình xét xem”... không ai, không một ai khác ngoài tôi có thể thay thế tôi trước sự lựa chọn cơ bản này.
Tác giả nổi tiếng về giáo dục nhân cách là ông Norman Vincent Pearle, người Mỹ, có kể lại kinh nghiệm sau:
Một hôm, có một người đàn ông tìm đến với ông, vẻ mặt thiểu não, chán chường; người đàn ông cho biết ông ta không còn muốn sống nữa. Tác giả Norman Vincent Pearle mới đề nghị với kẻ chán đời một liều thuốc:
- Sáng mai, khi thức giấc, ông hãy tự nhủ đây là ngày cuối cùng, trong đời ông, ông hãy vươn vai và tự nhủ: đây là lần cuối cùng ta bước ra khỏi chăn êm nệm ấm; ông hãy đi chuẩn bị thức ăn sáng và nhớ rằng, đây là bữa điểm tâm cuối cùng. Ông hãy xin vợ ông chuẩn bị cho ông những món mà ông thích nhất; đừng đọc báo, như ông vẫn có thói quen khi ăn điểm tâm, nhưng ông hãy nói chuyện với vợ ông cứ như đó là lần cuối cùng trong đời; trên đường đi đến ga xe lửa, ông hãy đi chậm rãi và nhìn kỹ đến ngôi nhà của ông cũng như thành phố, hãy nhìn đến những người hàng xóm của ông lần cuối cùng. Ngồi trên xe lửa, ông hãy nghĩ đây là chuyến đi cuối cùng của ông, hãy nhìn những gì ông không ưa thích, bởi không bao lâu nữa, ông sẽ chẳng còn thấy lại những thứ ấy.
Người đàn ông lắng nghe những lời khuyên của tác giả Norman Vincent Pearle, ông hứa sẽ làm theo lời khuyên của tác giả và sẽ kể lại kết quả. Thế nhưng, ông không chờ đến ngày mai, ngay tức khắc ngồi trên chuyến xe lửa trở về nhà, thay vì đọc báo như thường lệ, ông ta nhìn qua cửa sổ, ánh sáng ban đêm của đô thị và cảnh vật ban đêm chung quanh tự nhiên thu hút ông, ông ta cảm thấy chuyến đi vô cùng lý thú. Ra khỏi xe lửa, ông đi chậm rãi để ngắm trăng và bầu trời trong sáng. Về đến nhà, thay vì dùng chìa khóa để mở cửa ra, người vợ đã từng sống với ông bao nhiêu năm qua xuất hiện trong một ánh sáng kỳ diệu và với một nụ cười khó tả; và kẻ đã từng chán đời kết luận: từ lúc đó, tôi quyết định phải sống và sống cho tới ngày Chúa còn cho tôi được sống.
Mỗi ngày, mỗi người đều được Thiên Chúa ban cho một thời lượng như nhau. Từ Đức Giáo Hoàng cho đến một người ăn mày, mỗi người cũng chỉ được Chúa ban cho 24 tiếng đồng hồ, không ai được hơn một giây, không ai kém ai một tích tắc. Muốn được hạnh phúc mỗi người phải biết tận dụng những giây phút Chúa thương ban.
Người Rôma hồi xưa có một câu nói rất hay để diễn ý này. Đúng ra là hai tiếng “Carpe diem” phải hiểu là “Vui ngày hôm nay đi”. Phải nắm lấy ngày hôm nay và tận hưởng cái thú của nó đi.
Thi hào Horace 30 năm trước Thiên Chúa giáng sinh đã viết:
Ai kia sung sướng suốt đời
Vững lòng nói được “Của tôi ngày này”
Ngày mai, mặc kệ: mai ngày,
Vì tôi đã sống hôm nay, đủ rồi”. Amen.
Suy niệm 12: Hãy hiểu biết chính chúng ta
(Lm. Micae Võ Thành Nhân)
Ngày xưa, thời mà khoa học kỷ thật chưa phát triển, người dân chúng ta thường hay vận dụng đầu óc suy nghĩ của mình để đọc những gì xảy ra trong trời đất thiên nhiên đây, và điều này nó kéo từ đời này sang đời khác để rồi con người chúng ta có những đúc kết, chẳng hạn như đúc kết về thời tiết cũng tương đối chính xác: “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm” (TN VN). Còn như trong bài Tin Mừng hôm nay thì Chúa nói: “Khi các ngươi xem thấy đám mây nổi lên ở phía tây, lập tức các ngươi nói rằng: Trời sắp mưa, và sự thật xảy ra như thế. Và khi gió nam thổi đến, thì các ngươi nói: Trời sắp nóng nực. Và việc đã xảy ra như thế” (Lc 12, 54 – 55). Việc này nó thể hiện kinh nghiệm sống của con người chúng ta qua mọi thời đại, nên không có gì là xấu cả.
Điều quan trọng mà Chúa muốn nói ở đây là tại sao các người biết dùng trí óc của mình mà tìm hiểu diện mạo đất trời, đang khi đó Chúa ở đây với họ, cả đất được được đổi thay, lòng người được hân hoan vui mừng vì các ơn lành Chúa ban qua các phép lạ Chúa làm để chữa lành bệnh tật, trục xuất ma quỷ, nhất là con người đón nhận Tin Mừng Chúa trao, tìm được hướng đi cho cuộc sống, mà họ vẫn cứ phứt lờ, ù lỳ, không quan tâm, không chịu xét mình, không nhìn nhận tội lỗi của mình mà ăn năn sám hối trở về với Chúa. Quả thật, họ là những kẻ giả hình, giả bộ, lừa lọc người khác, bỏ qua các cơ hội Chúa ban cho họ.
Mặt khác, thời gian Chúa ban cho con người chúng ta ở thế trần này không có nhiều đâu. Chúng ta chỉ sống có một thời gian ngắn ngủi, vì tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian nan khốn khó, cuộc đời thấm thoát đã qua rồi (Tv 89, 10). Vì thế, phải nghe lời Chúa dạy, phải cố gắng tận dụng thời gian ngày giờ năm tháng Chúa ban để lo cho cuộc sống đời sau. Chúng ta đừng bị ảnh hưởng bởi học thuyết vật chất, xem chết là hết. Không phải đâu, vì chúng ta có sự sống đời đời. Chúng ta hãy chuẩn bị để khi chấm dứt cuộc sống đời tạm bợ này, chúng ta được Chúa đón nhận và cho vào đó để chung hưởng niềm vui với Chúa và với các thánh, bởi các thánh là những người đã giặt và tẩy sạch áo mình trong máu Con Chiên. Nghĩa là chúng ta phải là sống đạo Chúa, xa tránh các tội lỗi, luyện tập các nhân đức, sống bác ái yêu người, phục vụ, giúp đỡ anh chị em của chúng ta theo khả năng Chúa ban cho chúng ta…: “Hỡi những kẻ giả hình, các ngươi tìm hiểu diện mạo trời đất, còn về thời đại này, sao các ngươi không tim hiểu? Tại sao các ngươi không tự mình phê phán điều gì phải lẽ? Thế nên, khi các ngươi cùng với đối phương ra trước mặt quan quyền, thì đang lúc đi dọc đường, ngươi hãy cố liệu cho ổn thỏa với nó đi, kẻo nó lôi ngươi đến trước quan tòa, và quan tòa trao ngươi cho lý hình, và lý hình tống ngươi vào ngục. Ta bảo cho ngươi hay, ngươi sẽ không thể ra khỏi nơi đó cho đến khi nào trả xong đồng xu cuối cùng” (Lc 12, 56 – 59). Vậy chúng ta hãy cố gắng sống theo lời Chúa dạy để sau này chúng ta không phải hối tiếc, ân hận.
Lạy Chúa, Chúa cho chúng con có những nghĩ suy hiểu biết, xin Chúa ban cho chúng con biết sử dụng để học hỏi về Chúa, để nhờ đó, chúng con biết Chúa nhiều hơn, sống gắn bó với Chúa hơn (Hữu tri đắc đạo) và đứng vững trước những gian nan thử thách trong cuộc sống của chúng con. Amen.
Suy niệm 13: Cảnh sắc đất trời biết, nước trời không biết
(Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB)
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Sáu Tuần 29 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa tạo cho chúng ta một tấm lòng trung tín và quảng đại, để chúng ta nhiệt thành phụng sự Chúa.
Nhiệt thành phụng sự Chúa, bằng cách tha thiết khẩn cầu lòng thương xót của Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Barúc cho thấy: Lời cầu xin tha thiết của người lưu đày. Những người Dothái hải ngoại khá thành công trong công việc làm ăn, nhưng, vẫn xem tình trạng của mình như hậu quả của tội lỗi cha ông, như bằng cớ Thiên Chúa chưa hoàn toàn tha thứ cho họ. Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta. Nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Chúng ta đã phạm tội, đã làm điều gian ác, đã ăn ở bất chính, ngược với mọi điều Người truyền dạy.
Nhiệt thành phụng sự Chúa, bằng cách cậy nhờ Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho chúng ta, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh nói: Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Chúa phán: Ngày ấy Ta sẽ đổ thần khí xuống cho nhà Đavít và dân cư Giêrusalem, giúp chúng biết sống đẹp lòng Ta và thiết tha cầu nguyện.
Nhiệt thành phụng sự Chúa, bằng cách nhìn nhận quyền chủ tể của Chúa trên tất cả muôn vật muôn loài, và không ngừng tìm kiếm thánh nhan Người, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người, và trong mọi người. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 23, vịnh gia cho thấy: Lạy Chúa, đây chính là dòng dõi những kẻ tìm kiếm thánh nhan Ngài. Chúa làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài, làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư. Ai được lên núi Chúa? Ai được ở trong đền thánh của Người? Đó là kẻ tay sạch lòng thanh, chẳng mê theo ngẫu tượng.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Cảnh sắc đất trời thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao lại không biết nhận xét. Nhìn thấy mây phía tây, biết trời sắp mưa; thấy gió nồm nổi lên, biết trời sẽ oi bức. Trí khôn của con người có thể biết được cảnh sắc đất trời: biết trời mưa, trời nắng, nhưng, lại bất lực trước mầu nhiệm Nước Trời, và một nghịch lý là, những người bé mọn thì lại được mặc khải cho biết mầu nhiệm cao cả. Những người bé mọn là những người thành tâm phụng sự Chúa: tha thiết khẩn cầu lòng thương xót của Chúa; ý thức mình hèn kém không biết phải cầu xin thế nào cho phải, nên phải cậy nhờ Thần Khí cầu thay nguyện giúp; chỉ biết tin tưởng vào Chúa, không ngừng tìm kiếm thánh nhan Chúa, và bền chí trông chờ mọi sự từ Chúa; kính sợ Chúa như con thơ kính sợ Cha hiền, nhìn nhận Chúa là Cha và mọi người là anh chị em con cùng một Cha, biết ăn ở khiêm tốn, hiền từ, nhẫn nại, bác ái với nhau, thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau, bởi vì, chỉ có một thân thể, một Thần Khí, một niềm hy vọng. Ước gì chúng ta luôn ý thức rằng: chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa; chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người, và trong mọi người, để chúng ta biết trung tín, quảng đại, và nhiệt thành phụng sự Chúa và phục vụ anh chị em mình. Ước gì được như thế!
Bài cùng chuyên mục:
Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 110)
Thứ Bảy tuần 33 thường niên.
Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,629)
Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.
Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,104)
Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.
Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,726)
Thứ Tư tuần 33 thường niên.
Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,752)
Thứ Ba tuần 33 thường niên.
Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,850)
Thứ Hai tuần 33 thường niên.
+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 14,985)
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.
Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,539)
Thứ Bảy tuần 32 thường niên.
Thứ Sáu 15/11/2024 – Thứ Sáu tuần 32 thường niên. – Sống trong ngày của Chúa. (14/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,933)
Thứ Sáu tuần 32 thường niên.
Thứ Năm 14/11/2024 – Thứ Năm tuần 32 thường niên. – Sống giây phút hiện tại. (13/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,695)
Thứ Năm tuần 32 thường niên.
-
Gia vị cho bài giảng CN lễ Chúa Kito là Vua - 2024
Khi Người đến trong vinh quang, Chúa Kitô Vua sẽ xét xử chúng ta về những việc bác ái chúng ta làm cho tha nhân. (Cha Tony)
-
Kinh Tin Kính phổ quát
Mầu nhiệm của Chúa Kitô hoạt động thông qua các Giáo hội kitô lịch sử nhưng cũng hoạt động, và hoạt động rộng rãi, bên ngoài các Giáo hội...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 34 TN B - 2024
Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật,...
-
Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh
Ngoài việc cầu nguyện, các vị thánh sẽ đưa ra ba lời khuyên nào cho những người đang tìm kiếm người phối ngẫu tương lai?
-
Linh hướng là gì?
Trong xã hội và thời đại hỗn loạn của chúng ta, hơn bao giờ hết, hướng dẫn đời sống tâm linh là một nguồn lực tinh thần cần thiết. Người...
-
Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình?
Tôi là phụ huynh của ba đứa trẻ, tất cả chúng tôi đều cố gắng sống theo đức tin Công giáo. Một trong số chúng có vẻ không mấy hứng thú,...
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi
Người trẻ làm gì để không bị cuốn đi với những "tư tưởng" rất đời kia? Nếu có nhu cầu thì sao kiểm soát khi chưa lập gia đình? Tụi con...
-
Bác ái là nhân đức cần thiết cho sự phát triển tâm linh
Chúng ta phải xin Chúa ban cho chúng ta đức ái mỗi ngày cho đến khi chúng ta gặp được Ngài trên Thiên Đàng!
-
Đạo còn sống khi ta còn sống đạo
Phải chăng giá trị Tin Mừng trong lòng tín hữu đang phai nhạt dần ? Phải chăng việc đạo nghĩa chỉ còn là sự quan tâm thứ yếu ? Phải chăng...
-
Gia vị cho bài giảng CN 33 & Các Thánh Tử đạo VN - 2024
Đôi khi những người muốn dẫn dắt Người khác đến với Chúa Kitô cũng trở thành chướng ngại vật lớn nhất cho ơn cứu rỗi của họ.
-
Nghĩ đến những điều tốt đẹp
Hãy thôi nghĩ đến chuyện buồn ấy và hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp và đáng yêu khác trong cuộc sống để lòng bà được thanh thản
- Sự cần thiết của việc lắng nghe
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất