Thứ Sáu 24/05/2024 – Thứ Sáu tuần 7 thường niên. – Bất khả phân ly.
- In trang này
- Lượt xem: 4,308
- Ngày đăng: 23/05/2024 10:00:00
Bất khả phân ly.
24/05 – Thứ Sáu tuần 7 thường niên.
"Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ".
Lời Chúa: Mc. 10, 1-12
Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt xứ Giuđêa và miền bên kia sông Giođan. Dân chúng lại tụ họp bên Người và Người lại dạy dỗ họ như thường lệ.
Những người biệt phát đến gần và hỏi thử Người rằng: "Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?" Người đáp: "Môsê đã truyền cho các ông thế nào?" Họ thưa: "Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị".
Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: "Chính vì sự cứng lòng của các ông mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Vì thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không thể phân rẽ".
Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: "Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng mà lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình".
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
Suy Niệm 1: Một xương một thịt
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phép phân ly.”
Lời của Đức Giêsu đã vang vọng qua hai mươi thế kỷ,
và vẫn thường được chọn để in trên thiệp cưới.
Phải chăng người ta ngầm nhắc nhau rằng
ly dị là từ không nên có trong từ điển của các đôi vợ chồng.
Tiếc thay số vụ ly hôn nơi các kitô hữu đã gia tăng đáng kể.
Sống với nhau đến đầu bạc răng long lại trở thành một giấc mơ.
Có mấy người Pharisêu đến hỏi Đức Giêsu về chuyện chồng ly dị vợ.
Đức Giêsu hỏi ngược họ xem ông Môsê đã truyền dạy thế nào (c. 3).
Những người Pharisêu trích sách Đệ Nhị Luật (24, 1)
để cho thấy ông Môsê cho phép viết giấy ly dị và sau đó ly dị (c. 4).
Dĩ nhiên, cho phép không phải là truyền dạy!
Đức Giêsu đã trích sách Sáng Thế (2, 24)
để nhấn mạnh sự hiệp nhất vĩnh viễn giữa đôi vợ chồng.
“Cả hai thành một xương một thịt” không chỉ về mặt thân xác (c. 8),
mà còn trở nên một lòng, một ý, một ước mơ, một hành động.
Ngài khẳng định điều này đã có từ thuở ban đầu (c. 6)
và nằm trong ý định nguyên thủy của Thiên Chúa.
Việc Môsê cho phép ly dị chỉ là một nhượng bộ tạm thời (c. 5).
Đức Giêsu mới là Đấng đến để hoàn chỉnh Luật Môsê
và khai mở ý muốn trọn vẹn của Thiên Chúa về hôn nhân.
Trong xã hội, văn hóa và Do Thái giáo thời Đức Giêsu,
người phụ nữ không được bình đẳng với nam giới.
Vì vợ là một thứ tài sản thuộc sở hữu của người chồng,
nên thực tế chỉ vợ mới có thể phạm tội ngoại tình đối với chồng,
và chỉ người chồng mới có quyền ly dị vợ.
Đức Giêsu không chấp nhận chuyện coi vợ như một món hàng,
mua về, thích thì dùng, không thích thì bỏ đi.
Vợ đã trở nên xương thịt của chồng, ngang hàng với chồng,
nên khi chồng thiếu chung thủy với vợ, ly dị vợ mà cưới vợ khác
thì anh ta cũng phạm tội ngoại tình đối với vợ (c. 11).
Hôn nhân không phải chỉ là chuyện của hai người yêu nhau và lấy nhau.
Trong Lễ Cưới có sự hiện diện của Thiên Chúa là Đấng phối hợp.
Ngài tiếp tục bảo vệ tình yêu, cả khi hai người cùng muốn chia tay.
Hôn nhân không phải là một bản hợp đồng
mà hai bên được phép xé bỏ khi muốn.
Chung thủy mãi mãi là chuyện khó đối với con người thời nay.
Khi thịnh vượng, lúc gian nan, khi mạnh khỏe, lúc đau yếu,
khi buồn chán và thất vọng về nhau, khi yếu đuối và vấp ngã,
khi đổ vỡ quá lớn tưởng như không sao hàn gắn được,
khi đời sống vợ chồng thành như hỏa ngục trần gian…
khi ấy người ta cần Thiên Chúa để tiếp tục yêu thương và kính trọng nhau.
Xin bớt một chút ích kỷ tự ái, thêm một chút khiêm hạ yêu thương,
bớt một chút tự do đam mê, thêm một chút hy sinh tha thứ…
để gìn giữ tình nghĩa vợ chồng như quà tặng mong manh của trời cao.
Cầu nguyện:
Lạy Cha nhân ái, từ trời cao,
xin Cha nhìn xuống
những gia đình sống trên mặt đất
trong những khu ổ chuột tồi tàn
hay biệt thự sang trọng.
Xin thương nhìn đến
những gia đình thiếu vắng tình yêu
hay thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu,
những gia đình buồn bã vì vắng tiếng cười trẻ thơ
hay vất vả âu lo vì đàn con nheo nhóc.
Xin Cha nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục
vì chứa đầy dối trá, ích kỷ, dửng dưng.
Lạy Cha, xin nhìn đến những trẻ em trên thế giới,
những trẻ em cần sự chăm sóc và tình thương
những trẻ em bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán,
những trẻ em lạc lõng bơ vơ, không được đến trường,
những trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ và trở nên hư hỏng.
Xin Cha thương bảo vệ gìn giữ
từng gia đình là hình ảnh của thánh Gia Thất,
từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ.
Xin Cha sai Thánh Thần Tình Yêu
đem đến hạnh phúc cho mỗi gia đình;
nhưng xin cũng nhắc cho chúng con nhớ
hạnh phúc luôn ở trong tầm tay
của từng người chúng con. Amen.
Suy Niệm 2: Trung tín và yêu thương
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Trung tín là một phẩm chất cao quý của con người. Vì thế nó bao gồm nhiều phẩm chất khác.
Sách Huấn ca đưa ra ba phẩm chất. Trước hết cần có sự cẩn trọng. Đừng vội vàng trong chọn lựa bạn bè. Phải xem xét kỹ lưỡng. “Nếu con muốn làm bạn với ai thì hãy thử người ấy trước, nhưng đừng vội tin tưởng ngay. Vì có kẻ chỉ là bạn nhất thời, ngay con gặp nạn, nó chẳng còn là bạn con nữa”. Kế đến cần có sự trung tín. Muốn có bạn tốt chính ta phải là bạn tốt. Muốn người trung tín với ta chính ta phải trung tín trước. “Vì bản thân mình thế nào, thì cận thân mình cũng thế”. Trên hết phải kính sợ Chúa. Vì “những ai kính sợ Đức Chúa sẽ gặp được người bạn như vậy. Người kính sợ Đức Chúa thì điều khiển được tình bạn của mình”. Yêu mến Chúa sẽ biết trung tín với bạn bè (năm lẻ).
Thư Gia-cô-bê đề nghị hai phẩm chất khác. Trước hết là sự kiên nhẫn. Người trung tín là người kiên nhẫn vượt qua khó khăn. “Phúc thay những kẻ đã có lòng kiên trì! Anh em đã nghe nói đến lòng kiên trì của ông Gióp”. Gióp đã gặp rất nhiều thử thách. Nhưng ông vẫn kiên trì vượt qua. Cuối cùng giữ được lòng trung tín với Chúa. Để trung tín cũng cần ngay thẳng. “Đừng có thề, dù là lấy trời, lấy đất, hay lấy cái gì khsc mà thề. Nhưng hễ “có” thì nói “có”. “Không” thì nói “không”. Trung tín thật thà thì ngay thẳng và đơn sơ. Quanh co phức tạp thường khó thật (năm chẵn).
Tuy nhiên sang đến tình yêu và hôn nhân thì còn đòi thêm phẩm chất tình yêu. Yêu đến độ trở nên một. Đó là ý định của Thiên Chúa: “Vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”. Nếu yêu nhau thật sự hai người sẽ nên một. Nên một rồi không thể lìa xa nhau. Không thể sống thiếu nhau. Đó là tình yêu theo khuôn mẫu của Thiên Chúa. Ba Ngôi Thiên Chúa yêu thương nên không thể tách lìa. Thiên Chúa yêu con người nên luôn trung tín. Dù con người tội lỗi đến đâu Thiên Chúa vẫn tha thứ. Dù con người phản bội muôn ngàn lần, Thiên Chúa vẫn yêu thương. Cứu chuộc. Chết cho con người.
Trung tín giúp đạt tới tình yêu đích thực. Trung tín làm nên phẩm giá của con người có trách nhiệm. Trung tín giúp con người đạt tới Thiên Chúa.
Suy Niệm 3: Mối giây bất khả phân ly
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Tin Mừng hôm nay như muốn đưa chúng ta về những trang đầu tiên của lịch sử nhân loại, trong đó Thiên Chúa đã tạo dựng người nam và người nữ để họ chung sống với nhau trong mối giây bất khả phân ly của đời sống đôi lứa. Có thể nói, đó là gia đình đầu tiên của lịch sử loài người. Chúa Giêsu đã nại đến sự kiện này để giải đáp vấn nạn của người Biệt phái: "Người ta có được phép rẫy vợ không?", và như vậy một cách nào đó, Ngài đã đề cập đến hôn nhân, đến giá trị và đòi hỏi của hôn nhân.
Trước hết, hôn nhân là một sự tự do trao đổi yêu thương giữa người nam và người nữ, một sự cam kết sống chung suốt đời. Chiếc nhẫn mà họ trao cho nhau trong ngày cưới là dấu chứng tình yêu, và từ ngày đó mọi hành vi đi ngược với lời cam kết đều bị coi là ngoại tình, bởi vì hôn nhân là do Thiên Chúa thiết lập và con người không thể phân ly những gì Ngài đã kết hợp.
Hôn nhân còn là một cộng đồng kết hợp hai tâm hồn và được xây dựng trên nền tảng tình yêu. Hôn nhân là giây tình yêu liên kết hai người phối ngẫu, và tình yêu này phản chiếu tình yêu thần diệu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Thánh Phaolô đã ân cần nhắc nhở: "Chồng hãy yêu thương vợ như Chúa Kitô yêu mến Giáo Hội và phó nộp mình đi". Trong đời sống hôn nhân, hai người nương tựa vào nhau, bổ túc và tài bồi lẫn nhau. Thiên Chúa thấy người nam ở một mình không tốt, Ngài đã dựng nên cho nó một người nữ, rút từ cạnh sườn người nam, và người nam sẽ bỏ cha mẹ để nên một với vợ mình, đó là hình ảnh của một tình yêu kết hợp. Nhờ tình yêu kết hợp trong hôn nhân, người nam và người nữ sẵn sàng chấp nhận việc sinh dưỡng và giáo dục con cái thành những đứa con ngoan của Thiên Chúa, của Giáo Hội, của gia đình và xã hội.
Nhưng một cuộc hôn nhân chỉ thành công khi người nam và người nữ thực tình yêu nhau, có sức hiến thân cho nhau, sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách mà hoàn cảnh đè nặng trên con người, trong tâm tình chúc tụng tạ ơn. Thật vậy, việc cam kết trước bàn thờ là một lời khấn trọng thể, một lời hứa thánh thiêng đặt nền tảng trên tình yêu, tình yêu mà Thánh giá là biểu hiện rõ nét nhất, tình yêu mà Chúa Kitô hiến mình cho Giáo Hội đến cùng mức. Hôn nhân không phải luôn luôn là một khúc tình ca, một cuộc ve vãn suốt đời, nhưng là một cuộc sống chung nhiều khi khó khăn. Do đó chỉ có tình yêu đích thực khi đôi bạn có khả năng và muốn giữ lời gắn bó với nhau cho đến chết. Những hy sinh từ bỏ, sự trung tín qua những thử thách, những lần nhượng bộ, đều là bằng chứng của đức tin và sức mạnh nhận được từ Thánh Thần.
Chính vì những giá trị cao đẹp của hôn nhân như thế, nên thái độ của Chúa Giêsu về vấn đề hôn nhân thật dứt khoát. Ngài xác định lại nền tảng thánh thiêng cũng như tính cách bất khả phân ly của giây hôn phối. Ngài mạnh mẽ lên án tội dâm bôn ngoại tình, cả việc rẫy vợ nữa, trừ phi là nố gian dâm, nhưng điều đó có lẽ không nhằm biện minh cho việc ly dị, mà chỉ là đuổi người vợ bất chính, hoặc là ly thân rồi sau đó không được tái hôn nữa. Như thế, chính nhờ Chúa Giêsu, hôn nhân đã được nâng lên hàng Bí Tích và mặc một sắc thái mới phản ánh vẻ đẹp ban đầu đã bị lu mờ vì tội lỗi nhân loại.
Chúng ta hãy cầu xin cho các gia đình được luôn gắn bó với nhau trong tình yêu thương hợp nhất, để làm chứng cho tình yêu duy nhất và vĩnh cửu của Thiên Chúa.
Suy Niệm 4: Tình yêu, thực phẩm mau hư?
Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giêsu và hỏi rằng: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?” Họ nói thế là để thử Người.
“Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mc. 10, 2. 9)
Nền văn minh của chúng ta đã phát triển khả quan lãnh vực thực phẩm. Từ ngữ lương thực mau hư ngày xưa ám chỉ những thực phẩm rất dễ hư thối như: rau cỏ, trái cây, v.v….Thật là điều lạ: kỹ thuật tân tiến tìm cách bảo quản những thực phẩm dễ hư này bằng kỹ thuật đông lạnh, nhưng xã hội tiêu thụ thì lại làm cho những vật không hư hóa ra mau hư. Người ta nghĩ và làm ra những sản phẩm để rồi những sản phẩm ấy lại mau chóng được thay thế bằng những sản phẩm khác. Có những áo dài giấy, những tấn lưỡi dao bào, những bật lửa máy bị “đổ tháo đi.” Nền văn minh “sính-cái-mới”, thích-sắm-sửa, ưa-giục-bỏ! Cái não trạng tiềm ẩn ở bên dưới cách sống này có nguy cơ làm ô nhiễm những quan hệ của con người, làm cho những quan hệ ấy trở nên mau hư. Tình yêu giữa con người trở nên mau hư, hôn nhân, một vấn đề phải giục bỏ, bởi lẽ làm lại cuộc sống với một người khác thì dễ hơn là xây dựng lại những quan hệ đã sứt mẻ với người bạn đời của mình.
Câu trả lời của Chúa Giêsu
Câu hỏi của những người Pharísiêu phản ánh cái não trạng ưa tạm thời, thích mới nới cũ này. Cứ theo mặt chữ thì đây đúng là một câu hỏi của người tiêu thụ: “Thưa Thầy, người ta có được phép (dục) bỏ vợ mình không?” Nói cách khác, tình yêu con người có mau hư không? Câu hỏi thừa, vì luật Mô-sê đã có ghi khoản này cho cặp vợ chồng Do thái. Chỉ cần thời gian ăn xong một bữa cơm là có được tờ giấy ly dị. Phản ứng đầu tiên của Chúa Giêsu là đưa những người chất vấn mình trở về với luật Mô-sê. Rồi Người giải thích điều luật cho phép đó bằng lời này: “Chính vì các ông lòng dạ chai đá …”
Chúa Giêsu sẽ khẳng định điều luật căn bản này, dựa vào sách Sáng Thế: “Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ”. Có nghĩa là con người là một sinh vật có những quan hệ với nhau, rằng, để hiện hữu như là người, con người phải đồng-hiện hữu, nghĩa là cùng sống với người khác: “Không nên để con người sống một mình.” Con người cần một người khác để sống với. Và ước muốn này rất mạnh, thậm chí: ”người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình.”
Thiên Chúa muốn cho tình yêu vợ chồng lớn hơn cả tình yêu đối với cha mẹ nữa. Kết quả khác nữa là hai vợ chồng “sẽ thành một xương một thịt.”, nghĩa là “tuy hai mà một, tuy một mà hai”. Vì thế, không một quyền lực nào của loài người được phép phân ly hai người đã nhờ hôn nhân mà nên một. Cũng như chỉ có sự chết mới phá vỡ được sự duy nhất của con người thế nào, thì cũng chỉ có một sự chết mới cắt đứt được mối giây ràng buộc hai người nam nữ đã nên một mà thôi.
“Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”.
Suy Niệm 5: Thiên Chúa không ly dị con người
Nói về sự chung thủy trong hôn nhân Công Giáo, nhiều người đã không khỏi khó chịu và buông theo những lời chê bai như: Giáo Hội không thích ứng với thời đại; Giáo Hội là một bà già; Giáo Hội bảo thủ...
Khi nhận định như thế, người ta đòi Giáo Hội phải duyệt xét lại vấn đề hôn nhân. Một mặt họ muốn dễ dãi, không muốn ràng buộc. Mặt khác, người ta muốn coi đời sống hôn nhân như là một sự thỏa thuận thuần túy con người, tức là giảm thiêng.
Tuy nhiên, Giáo Hội từ bao đời vẫn luôn trung thành với Giáo Huấn của Đức Giêsu, người sáng lập nên Giáo Hội mà chúng ta là thành phần trong Giáo Hội ấy. Giáo huấn về hôn nhân được khởi đi từ ý định Thiên Chúa, vì thế, nó thuộc Thiên Luật: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phép phân ly”.
Nếu chỉ giải thích như thế, hẳn con người thời nay rất khó đón nhận. Nhưng cần thêm giáo huấn của thánh Phaolô để làm sáng tỏ ý định của Thiên Chúa: “Chồng hãy yêu thương vợ, như Chúa Kitô yêu mến Giáo Hội và phó nộp mình vì Giáo Hội”.
Thật vậy, Thiên Chúa không từ bỏ con người. Đức Giêsu không ly dị Giáo Hội của Ngài, mặc cho con người và Giáo Hội có những điều trái khuấy.
Sự trung thành trong hôn nhân được mời gọi diễn tả tình yêu giữa Thiên Chúa và Giáo Hội. Bí quyết của việc sống chung thủy, đó là sự tha thứ. Cần cảm nghiệm được sự tha thứ của Thiên Chúa cho mình, thì chúng ta mới có thể tha thứ cho nhau và cùng nhau vượt qua thử thách để sống sự chung thủy trong đời sống hôn nhân.
Khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, mỗi người chúng ta đều đã kết ước với Chúa. Chúa thuộc về ta và ta thuộc về Chúa. Chúa làm chủ và ta là thần dân của Ngài. Từ giao ước đó, chúng ta được mời gọi trung thành giữ giáo huấn của Thiên Chúa. Tuy nhiên, nhiều lúc, chúng ta đã bội ước và đã làm cho cuộc hôn nhân thánh của mình bị đứt đoạn.
Nguyên nhân làm cho sự trung thành của chúng ta gãy cánh, đó chính là những tội lỗi, ngờ vực và thiếu tin tưởng, phó thác nơi Thiên Chúa khi chúng ta đi tìm những lợi lộc thấp hèn qua những thụ tạo do con người và ma quỷ tạo nên.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con biết yêu mến luật của Chúa và trung thành với giao ước mà chúng con đã ký kết với Ngài. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 6: Giao ước tình yêu
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Hôn nhân là một giao ước tình yêu. Đây không phải chỉ là một giao ước đơn thuần của con người, nhưng chính là sự kết hiệp bất khả phân ly do Thiên Chúa thiết lập.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, hơn bao giờ hết, nền tảng gia đình đang lung lay đến tận gốc rễ. Hằng ngày, qua các phương tiện truyền thông, con được biết có rất nhiều gia đình đang trong tình trạng tan vỡ: nào là vợ chồng ngoại tình không còn chung thủy với nhau, nào là con cái bỏ nhà ra đi, để rồi giờ này tâm hồn người cha đang đau khổ, trái tim nhiều người mẹ tan nát, và những đứa con không cửa không nhà, bơ vơ, lạc lõng giữa chợ đời. Chúng trở thành những thiếu niên phạm pháp, làm tệ nạn xã hội càng ngày càng tăng.
Lạy Chúa, tất cả chỉ vì thiếu bóng tình thương. Bởi không yêu thương nên vợ chồng mới hằn học, lạnh lùng với nhau, chửi rủa, đánh đập, xua đuổi nhau. Bởi không yêu thương nên con cái bất mãn và đi tìm tình thương nơi chốn giang hồ. Vậy xin tình yêu Chúa ngự trị trên tất cả mọi gia đình chúng con.
Xin Chúa giúp sức và nâng đỡ các vợ chồng biết trung thành với lời cam kết ban đầu, là yêu thương nhau trọn đời. Xin cho các bậc cha mẹ biết nêu gương sáng để giáo dục con cái. Xin cho sự hòa thuận luôn hiện diện trong mọi gia đình. Lạy Chúa, nhất là các bạn trẻ đang chuẩn bị bước vào ơn gọi hôn nhân, xin cho họ biết ý thức, sáng suốt, để khi đặt viên đá đầu tiên xây dựng gia đình, họ kiến tạo được một mái ấm tình thương.
Lạy Chúa, con là một thành viên trong gia đình, xin cho con luôn là sợi dây tình thương nối kết để cuộc sống gia đình luôn bình an và hạnh phúc. Amen.
Ghi nhớ: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”.
Suy Niệm 7: Có được phép ly dị không?
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
Hôm nay thánh Marcô cho chúng ta biết: Đức Giêsu đến Galilê, dân chúng tấp nập kéo đến nghe Ngài giảng. Và nhóm biệt phái đến hỏi thử Ngài: chồng có được phép rẫy vợ không? Chúa lại quay ra hỏi họ: Ông Maisen dạy họ làm sao? Họ thưa: Maisen cho phép họ ly dị vợ. Chúa liền bảo cho họ biết: tại vì lòng chai dạ đá của các ông mà ông Maisen phải buộc lòng cho phép họ làm như thế, chứ thực ra ngay từ đầu Thiên Chúa đã dựng nên người nam, người nữ và kết hợp họ nên một. Đó là điều Thiên Chúa đã phối hợp thì loài người không được phân ly.
Ngay trong giới biệt phái cũng có hai lập trường đối ngược nhau về vấn đề ly dị này.
- Lập trường dễ dãi do rabbi Hillel đứng đầu chủ trương cho phép ly dị vì những lý do rất tầm thường.
- Lập trường khắt khe do rabbi Shammai đứng đầu chủ trương chỉ cho phép ly dị trong trường hợp ngoại tình.
Hôm nay khi người biệt phái đến hỏi Đức Giêsu xem họ có được phép ly dị không? Thay vì trả lời “Có” hay ”Không” – vì Đức Giêsu biết họ có ý gài bẫy Ngài sẽ phạm một trong hai tội: vi phạm Lề Luật hoặc đối đầu với Hêrôđê – thì Đức Giêsu lại nhắc cho họ điều căn bản là từ thuở ban đầu Thiên Chúa sáng tạo loài người có nam có nữ, chúc phúc cho họ để nên một với nhau và Ngài nhắc lại câu: “Điều gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân ly”.
“Thuở ban đầu” – có nghĩa là từ ngàn đời trong ý định của Thiên Chúa đã muốn người nam và nữ kết hợp với nhau trong việc cộng tác sáng tạo và bất khả phân ly. Thế nhưng, vì ích kỷ mà con người phản bội dối gian nhau, thiếu tình thương và tha thứ cho nhau... dẫn đến đổ vỡ. Chính vì thế mà Maisen cho phép ly dị như một chọn lựa ngoài ý muốn để giải gỡ cho họ. Chúng ta cần dừng lại ở lời này của Đức Giêsu: Ông Maisen cho phép chứ không phải Thiên Chúa đã ban bố điều đó, và ông Maisen cho phép là vì lòng chai dạ đá của họ.
Như vậy, Đức Giêsu xác định rõ ràng về ý định của Thiên Chúa và nâng hôn nhân lên hàng bí tích. Ngài khẳng định khi hôn nhân thành sự là cả hai đã nên một xương một thịt và do Thiên Chúa kết hợp nên loài người không ai có quyền phân ly. Và hôn nhân là sự bình đẳng, bổ trợ cho nhau để cùng hướng tới sự cộng tác sáng tạo của Thiên Chúa.
Sự kỳ thị nam nữ trong luật Do thái
Sách Đệ nhị luật chương 24,1-3 có ghi: “Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, và sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà. Ra khỏi nhà người ấy, nếu nàng đi lấy chồng khác, mà người chồng sau lại ghét bỏ nàng, viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà, hoặc nếu người chồng sau đã lấy nàng làm vợ và chết, thì người chồng đầu tiên đã đuổi nàng đi không thể lấy nàng làm vợ một lần nữa, sau khi nàng đã ra ô uế”.
Chúng ta thấy ngay có sự kỳ thị nam nữ trong luật ấy. Người Do thái coi người nữ đứng hàng thứ sáu trong nhà, xếp sau cả vật nuôi của họ. Họ xem người nữ như một món đồ để thỏa mãn và lưu truyền nòi giống, thích thì giữ và chán thì bỏ.
Như vậy, ý định của Thiên Chúa là sáng tạo một người nam và một người nữ để thành một huyết nhục là khế ước tình yêu giữa người nam và người nữ. Hiệu quả của khế ước này là sự trở nên làm một với nhau. Điều này chứng tỏ việc ly dị là phủ nhận khế ước tình yêu giữa nam và nữ, đồng thời cũng nói lên sự bất phục tùng ý định của Thiên Chúa. Tình yêu vợ chồng phải là tình yêu duy nhất và chung thuỷ: “Sự gì Thiên Chúa phối hợp, loài người không được phân ly”.
Ngày nay, Giáo hội vẫn trung thành với giáo lý của Đức Giêsu và luôn khẳng định đặc tính “vĩnh viễn” của hôn nhân Công giáo. Không ai có quyền huỷ bỏ giao ước hôn nhân hợp pháp vì đây là luật của Chúa. Luật ly dị xem ra là một luật khắt khe và khó khả thi, nhưng với ơn Chúa trợ giúp, chúng ta có thể thực hiện được, và nhờ đó Giáo hội cũng như xã hội càng thêm vững chắc, gia đình dễ tìm được hạnh phúc.
Truyện: Án Tử trung thành với vợ
Án Tử, người nước Tề, là một người nổi tiếng thanh liêm và thuỷ chung. Xuất thân từ gia đình nghèo, Án Tử được vợ hy sinh tảo tần buôn bán để nuôi ăn học. Đỗ đạt làm quan, không bao giờ Án Tử quên ơn ấy của vợ.
Dù cuộc sống có đầy cạm bẫy, ông vẫn trung thành. Một hôm vua Cảnh Công đến thăm và ở lại dùng bữa với Án Tử. Một người đàn bà vừa già vừa xấu xuất hiện trong bữa tiệc. Án Tử liền giới thiệu đó là vợ mình, nhà vua ngạc nhiên đến sửng sốt, ông mới đề nghị với Án Tử: “Ôi, vợ khanh sao vừa già lại vừa xấu. Quả nhân có một đứa con gái vừa trẻ vừa đẹp, quả nhân muốn cho về hầu khanh. Khanh nghĩ sao?”
Án Tử liền trả lời một cách dứt khoát không chút do dự: “Nhà tôi nay tuy đã già và xấu, nhưng chúng tôi đã lấy nhau và ăn ở với nhau bao lâu nay kể từ khi nàng còn trẻ đẹp. Xưa nay, đàn bà lấy chồng lúc trẻ cốt để nhờ lúc già, lấy chồng lúc đẹp để nhờ cậy khi xấu. Nhà tôi thường nhờ cậy tôi như tôi đã từng nhờ cậy sự giúp đỡ của nhà tôi. Nay bệ hạ muốn ban ơn mưa móc là tùy ở bệ hạ, nhưng xin đừng để tôi mang tiếng là ăn ở bội bạc với nhà tôi.
Nói xong, Án Tử lạy hai lạy từ chối không nhận lấy con gái của vua.
Suy Niệm 8: Vấn đề li dị
(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Hạt giống...
Những người biệt phái phỏng vấn Chúa Giêsu về vấn đề li dị.
Ngay trong giới biệt phái cũng có hai lập trường ngược nhau về vấn đề này: lập trường dễ dãi (đứng đầu là Rabbi Hillel) cho phép li dị vì những cớ rất tầm thường; lập trường khắt khe (đứng đầu là Rabbi Shammað) chỉ cho li dị trong trường hợp ngoại tình. Tuy khác nhau, nhưng hai lập trường này có điểm chung là cho phép li dị.
Còn lập trường của Chúa Giêsu là tuyệt đối không được li dị: "Điều gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân li".
Nhân dịp này, Chúa Giêsu còn dạy cách sống đời hôn nhân: phải yêu thương nhau ("luyến ái") và đồng tâm nhất trí ("nên một huyết nhục") với nhau.
B.... nẩy mầm.
1. Tình trạng li dị ngày càng gia tăng là biểu hiện của những tật xấu căn bản hơn của người thời nay, đó là không trung thành và hay thay đổi, sống theo sở thích hơn là theo trách nhiệm. Tình trạng li dị cũng cho ta hiểu rằng sống thủy chung với một tình yêu là điều rất khó.
Lạy Chúa, mới ngày nào con còn cảm thấy rất yêu mến Chúa, sao hôm nay lòng con đã bớt nồng nàn, và không biết mai ngày sẽ ra thế nào nữa! Phần Chúa thì muôn đời vẫn một mực yêu thương con. Xin gìn giữ con mãi mãi trong tình yêu thương của Chúa.
2. Đời sống độc thân của những người dâng mình cho Chúa là một dấu chỉ và một bằng chứng và một sự khích lệ cho những kẻ sống đời hôn nhân:
- dấu chỉ về một tình yêu hoàn toàn không vị kỷ
- bằng chứng rằng trung thành với tình yêu đã cam kết là một điều có thể
- vì là dấu chỉ và bằng chứng nên nó là một sự khích lệ.
Xin cho các Linh mục, tu sĩ sống đời tận hiến của mình một cách vui vẻ và trung thành.
Suy Niệm 9: Chúa Giêsu và vấn đề ly dị
(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)
1. Những người Pharisêu phỏng vấn Chúa Giêsu về vấn đề ly dị. Lập trường của những người Do Thái không thống nhất về vấn đề này, đôi khi còn trái ngược nhau nữa:
* Lập trường dễ dãi (đứng đầu là Rabbit Hillel) cho phép ly dị vì những cớ tầm thường.
* Lập trường khắt khe (đứng đầu là Rabbit Shammai) chỉ cho ly dị trong những trường hợp ngoại tình.
Tuy khác nhau nhưng hai lập trường này có điểm chung là cho phép ly dị.
Còn lập trường của Chúa Giêsu thì sao? Thưa là tuyệt đối không được ly dị: “Điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,9).
Nhân dịp này, Chúa Giêsu còn dạy người ta cách để sống đời hôn nhân cho tốt đẹp: phải yêu thương nhau (luyến ái) và đồng tâm nhất trí (nên một huyết nhục) với nhau.
Án Tử, người nước Tề là một người nổi tiếng thanh liêm và thủy chung. Xuất thân từ gia đình nghèo, Án Tử được vợ hy sinh tảo tần buôn bán để lấy tiền cho ông ăn học. Đỗ đạt làm quan, không bao giờ Án Tử quên ơn ấy của vợ.
Một hôm, vua Cảnh Công đến thăm và ở lại dùng bữa với Án Tử. Một người đàn bà vừa già vừa xấu xuất hiện trong bữa tiệc. Khi Án Tử vừa giới thiệu người phụ nữ ấy là vợ mình, nhà vua ngạc nhiên đến sửng sốt, vua mới đề nghị với Án Tử:
- Ôi, vợ khanh sao vừa già lại vừa xấu. Quả nhân có một đứa con gái vừa trẻ vừa đẹp, quả nhân muốn cho về hầu khanh. Khanh nghĩ sao?
Án Tử liền trả lời một cách dứt khoát không chút do dự:
- Nhà tôi nay tuy đã già và xấu, nhưng chúng tôi đã lấy nhau và ăn ở với nhau bao lâu nay kể từ khi nàng còn trẻ đẹp. Xưa nay, đàn bà lấy chồng lúc trẻ cốt để nhờ lúc già, lấy chồng lúc đẹp cốt để nhờ cậy khi xấu. Nhà tôi thường nhờ cậy tôi như tôi đã từng nhờ cậy sự giúp đỡ của nhà tôi. Nay bệ hạ muốn ban ơn mưa móc là tùy ở bệ hạ, nhưng xin đừng để tôi mang tiếng là ăn ở bội bạc với nhà tôi.
Nói xong, Án Tử lạy hai lạy từ chối không nhận lấy con gái của vua.
2. Chúng ta thấy tình trạng ly dị ngày càng gia tăng. Tình trạng ly dị cho chúng ta hiểu rằng, sống chung thủy với một tình yêu là điều rất khó.
Báo TUỔI TRẺ CHỦ NHẬT 9.1998 có đăng những lời tâm sự của một người con nói về người cha của mình: Tên anh là Roberto Mc Donald
Tôi mồ côi mẹ từ lúc lên 6. Cha tôi vừa là người cha cũng lại vừa là người mẹ. Do vậy, khi cha tôi nằm xuống vì chứng ung thư xương vào tuổi 75, thì tôi đâm ra ngã lòng tuyệt vọng thật sự!
Khi còn nhỏ, một ngày nọ, tôi nghe cha tôi sai người chị cả của tôi vào phòng ông để lấy một ít tiền từ một chiếc hộp màu đen. Tôi cứ thắc mắc mãi, tại sao tôi lại không được phép nhìn vào trong chiếc hộp ấy xem nó dựng cái gì mà có vẻ bí mật thế?
Năm tháng qua mau, tôi càng lớn lên thì cha tôi càng già yếu. Mái tóc ông bạc đi, khuôn mặt nhăn nheo và tấm thân bắt đầu gập lại. Tuy nhiên, nụ cười tươi vẫn cứ luôn đọng lại trong đôi môi của ông, và nó sẽ còn đó cho đến khi ông trút hơi thở cuối cùng. Khi dọn dẹp và lôi ra mọi thứ trong phòng ông, thật sự là tôi không còn nhớ đến chiếc hộp màu đen. Các thứ trong ngăn kéo đều đã được lấy đi, đồ đạc cũng được dọn bớt, căn phòng giờ đây trống vắng làm sao.
Khi mở đến chiếc tủ sau cùng, mắt tôi bỗng chạm phải chiếc hộp màu đen. Đó là một chiếc hộp dẹt bình thường bằng kim loại bọc da, các cạnh hộp đã rách và mòn đi rất nhiều. Nhẹ nhàng mở ra, lần đầu tiên tôi được nhìn thấy mọi thứ bên trong.
Bên trong hộp chính là tất cả những gì thiêng liêng mà người cha thân yêu của tôi đã gìn giữ: Tờ hôn thú với chữ ký của mẹ, một tấm ảnh đẹp nhất của mẹ trong chiếc váy dài màu vàng mà cha thích nhất, một tấm ảnh chụp tôi lúc lên 5 với những lời đề tặng nguệch ngoạc của một đứa trẻ “Tặng ba và mẹ của con”. Hóa ra, tôi đã có mặt ở bên trong chiếc hộp màu đen, mẹ tôi cũng thế!
Tôi hình dung ra cha tôi đã nhiều lần lặng lẽ lôi chiếc hộp ra nhìn ngắm mọi thứ. Ông đã mỉm cười và nói thầm một mình. Tôi nghĩ rằng, cha đã thường làm như thế nhiều lần trong bao nhiêu năm trời qua, vì mọi thứ đều cũ kỹ sờn rách... Giờ đây chiếc hộp ấy đã thuộc về tôi. Khi tôi nhắm mắt xuôi tay, nó sẽ lại thuộc về các con tôi. Và ở bên trong, chúng cũng sẽ tìm thấy những gì thân thương nhất của tôi. Chúng sẽ có được một gia tài lớn ở bên trong chiếc hộp nhỏ màu đen, đó là tình yêu và niềm tin của tôi. Tôi tin chúng sẽ nhận ra rằng, điều quan trọng thật sự và duy nhất trong cuộc đời này chính là tình yêu mà chúng ta dành cho nhau...
Bài cùng chuyên mục:
Thứ Ba 17/09/2024 – Thứ Ba tuần 24 thường niên. - TẾT TRUNG THU. CẦU CHO THIẾU NHI – Người chết thành Naim. (16/09/2024 10:00:00 - Xem: 2,404)
Thứ Ba tuần 24 thường niên. - TẾT TRUNG THU. CẦU CHO THIẾU NHI
Thứ Hai 16/09/2024 – Thứ Hai tuần 24 thường niên. – Thánh Cornêliô, giáo hoàng, và thánh Cyprianô, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ – Niềm tin vững mạnh. (15/09/2024 10:00:00 - Xem: 3,553)
Thánh Cornêliô, giáo hoàng, và thánh Cyprianô, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ
+ Chúa Nhật 15/09/2024 – CHÚA NHẬT TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN NĂM B. – Đấng Kitô chịu đau khổ. (14/09/2024 10:00:00 - Xem: 4,752)
CHÚA NHẬT TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN NĂM B.
Thứ Bảy 14/09/2024 – Thứ Bảy tuần 23 thường niên – SUY TÔN THÁNH GIÁ. Lễ kính. – Phải được giương cao. (13/09/2024 10:00:00 - Xem: 4,811)
SUY TÔN THÁNH GIÁ. Lễ kính.
Thứ Sáu 13/09/2024 – Thứ Sáu tuần 23 thường niên. – Thánh Gioan Kim Khẩu, gm, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. – Nhận biết chính mình. (12/09/2024 10:00:00 - Xem: 4,230)
Thánh Gioan Kim Khẩu, gm, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.
Thứ Năm 12/09/2024 – Thứ Năm tuần 23 thường niên. – Bắt chước Thiên Chúa Cha. (11/09/2024 10:00:00 - Xem: 3,860)
Thứ Năm tuần 23 thường niên.
Thứ Tư 11/09/2024 – Thứ Tư tuần 23 thường niên. – Phúc thật và khốn thay. (10/09/2024 10:00:00 - Xem: 3,952)
Thứ Tư tuần 23 thường niên.
Thứ Ba 10/09/2024 – Thứ Ba tuần 23 thường niên. – Chọn Nhóm Mười Hai. (09/09/2024 10:00:00 - Xem: 4,019)
Thứ Ba tuần 23 thường niên.
Thứ Hai 09/09/2024 – Thứ Hai tuần 23 thường niên. – Làm việc tốt ngày Sabbat. (08/09/2024 10:00:00 - Xem: 3,734)
Thứ Hai tuần 23 thường niên.
+ Chúa Nhật 08/09/2024 – CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN năm B. – Hãy mở ra. (07/09/2024 10:00:00 - Xem: 5,818)
CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN năm B.
-
Thứ Ba 17/09/2024 – Thứ Ba tuần 24 thường niên. - TẾT TRUNG THU. CẦU CHO THIẾU NHI – Người chết thành Naim.
Thứ Ba tuần 24 thường niên. - TẾT TRUNG THU. CẦU CHO THIẾU NHI
- Thánh Cornêliô, giáo hoàng, và...
- CHÚA NHẬT TUẦN 24 THƯỜNG NIÊN...
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: bài 138 - Tình yêu thúc bách tôi
Xin quý Tu sĩ giải đáp cho con về việc làm sao mình có thể giữ lửa yêu mến đời tu như thủa ban đầu đến nhà dòng ạ? Bởi con đã ở nhà dòng...
-
Điều hầu hết mọi người hiểu sai về hôn nhân
Chúng ta về bản chất có xu hướng ích kỷ, và khi đang sống trong một xã hội ích kỷ và duy vật chất chỉ làm tăng cám dỗ sự ích kỷ.
-
Ảo tưởng về chính lòng tốt của chúng ta
Với hầu hết chúng ta, khi điều này xảy ra, chúng ta vẫn là những người tốt và hào phóng, ngoại trừ chúng ta trở nên cay nghiệt, hoài nghi...
-
Gia vị cho bài giảng Chúa Nhật 24 TN năm B -2024
Đức tin của chúng ta không phải là vấn đề biết về Chúa Giêsu. Đó là một hành trình khám phá để biết Người.
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 24 TN năm B - 2024
Phêrô trả lời hoàn toàn đúng, nhưng hình ảnh của ông về Đức Kitô vẫn không khác với quan niệm của đám đông: là một Đức Kitô oai phong lẫm...
-
Đừng để ngày sống qua đi mà thiếu nụ cười có Chúa trên môi
Đừng để ngày sống qua đi, mà thiếu nụ cười có Chúa trên môi. Bạn hãy trao bảy nụ cười có Chúa đến với những anh chị em bạn gặp hôm nay!
-
Thiên Chúa mờ mịt, tăm tối, và tạo vật bất khả tri(3)
Chúng ta thường than trách Chúa và có khi không còn tin vào Ngài nữa; đó là khía cạnh mờ mịt, tăm tối, không thể hiểu thấu được của Thiên...
-
5 sự thật thú vị về Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta
Mẹ Têrêsa đã được trao hơn 120 giải thưởng và danh hiệu, cả khi sinh thời lẫn sau khi qua đời. Trong đó có thể kể đến giải thưởng Padma...
-
Chữa lành là khi trái tim được tự do
Bạn xứng đáng khi coi trọng trái tim mình một cách nghiêm túc và cả khi chạy nước rút hướng tới sự chữa lành cùng với tự do mà Cha chúng...
-
Ly hôn không phải là một lựa chọn
Trong cuộc hôn nhân của bạn, đừng ngại nhờ giúp đỡ – có rất nhiều nhà tư vấn, linh mục và những vị linh hướng, và các cặp vợ chồng dày...
-
Nhận nhưng không, cho nhưng không
Xin ngài hãy nói cho con biết nên sử dụng số tiền này như thế nào để gia tăng lợi ích cho con!
- Niềm tin lớn nhất
- Câu chuyện truyền cảm hứng về...
- Câu chuyện chiều thứ bảy: Đừng...
- Bát mì tôm trứng và bài học