Lời chúa mỗi ngày

Thứ Sáu 11/10/2024 – Thứ Sáu tuần 27 thường niên. – Quyền năng của Chúa.

  • In trang này
  • Lượt xem: 5,244
  • Ngày đăng: 10/10/2024 10:00:00

Quyền năng của Chúa.

11/10 – Thứ Sáu tuần 27 thường niên.

"Nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi".

 

Lời Chúa: Lc 11, 15-26

Khi ấy, (lúc Chúa Giêsu trừ quỷ), thì có mấy người trong dân chúng nói rằng: "Ông ta nhờ tướng quỷ Bêelgiêbút mà trừ quỷ". Mấy kẻ khác muốn thử Người, nên xin Người một dấu lạ từ trời xuống.

Nhưng Người biết ý của họ, liền phán: "Nước nào tự chia rẽ, sẽ diệt vong, và nhà cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên nhau. Vậy nếu Satan cũng tự chia rẽ, thì nước nó làm sao đứng vững được? Bởi các ngươi bảo Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, vậy nếu Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, thì con cái các ngươi nhờ ai mà trừ? Bởi đó chính con cái các ngươi sẽ xét xử các ngươi. Nhưng nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi.

"Khi có người khoẻ mạnh và võ trang đầy đủ canh giữ nhà mình, thì của cải người đó được an toàn. Nhưng nếu có người mạnh hơn xông đến đánh bại hắn, thì sẽ tước hết khí giới hắn tin tưởng, và làm tiêu tán hết những gì đã tước đoạt. Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán.

"Khi thần ô uế ra khỏi người nào, thì nó đi dông dài những nơi khô ráo, tìm chỗ nghỉ ngơi, nhưng không tìm được, nên nó nói rằng: "Ta sẽ trở lại nhà ta, nơi ta đã ra đi". Khi đến nơi, nó thấy nhà đó đã được quét sạch và sắp đặt ngăn nắp. Bấy giờ nó đi rủ bảy tà thần khác hung ác hơn nó, chúng vào cư ngụ ở đó. Và tình trạng sau cùng của người ấy trở nên tệ hại hơn trước".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy niệm 1: Ngón tay Thiên Chúa

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Nếu đời người là một cuộc chiến đấu không ngừng

thì Đức Giêsu khi sống ở đời, cũng không tránh khỏi cuộc chiến ấy.

Cha sai Ngài đến để khai mở Nước Thiên Chúa trên trần gian.

Để làm việc đó, Nước của Xatan cần bị triệt tiêu.

Cuộc đối đầu giữa Đức Giêsu và Xatan là điều không tránh khỏi.

Ngay trước khi bắt đầu sứ vụ,

Đức Giêsu đã phải đối diện với những mồi chài khôn khéo của Xatan.

Và Ngài đã thắng, đã bắt Xatan phải xéo đi cho khuất mắt (Mt 4, 10).

Khi làm việc Cha giao, khi gần gũi với con người,

Đức Giêsu thấy rất rõ sự hiện diện đầy quyền lực của tên tướng quỷ.

Xatan và Nước của nó chi phối và tác động trên con người.

Đức Giêsu là Đấng giải phóng con người khỏi nô lệ bởi Xatan.

Một công việc không ai chối cãi được của Ngài là trừ quỷ.

Nhưng có nhiều cách giải thích chuyện trừ quỷ của Ngài.

Có người coi Đức Giêsu đã trừ quỷ dựa vào thế lực của Bêendêbun.

Bêendêbun là một vị thần xứ Canaan, ở đây được coi là Xatan.

Không thể nào tướng quỷ lại giúp Ngài diệt các quỷ nhỏ của hắn.

Nếu thế Nước của Xatan chẳng thể nào tồn tại đến nay (c. 18).

Đức Giêsu khẳng định mình dùng ngón tay Thiên Chúa để trừ quỷ (c. 20).

Chỉ cần chút quyền năng Thiên Chúa cũng đủ để xua đuổi ác thần,

và khai mở Nước Thiên Chúa giữa lòng thế giới.

Chúng ta thường quên Xatan là nhân vật có thật và hùng mạnh,

có vũ trang đầy đủ để canh giữ lâu đài của hắn cho an toàn (c. 21).

Nhưng Đức Giêsu chính là người hùng mạnh hơn và thắng được hắn.

Ngài có khả năng tước vũ khí và phân chia chiến lợi phẩm (cc. 21-22).

Cuộc chiến của Đức Giêsu chống lại Ác thần vẫn còn kéo dài đến tận thế.

Có những lúc chúng ta tưởng Xatan là kẻ hùng mạnh hơn,

và dường như thế giới nằm dưới móng vuốt của hắn.

Nhưng chiến thắng cuối cùng thuộc về Đức Giêsu, khi Ngài quang lâm.

Chúng ta không đứng ngoài cuộc chiến giữa Đức Giêsu với Xatan.

Chúng ta cùng chiến đấu với Giêsu cho một thế giới không còn tội ác,

một thế giới không còn bạo lực, bất công, thất vọng, muộn phiền,

một thế giới không còn khổ đau, bệnh tật, đói nghèo, mất hướng.

Đứng hẳn về phía Giêsu, đi với Giêsu, thu góp với Giêsu:

đó là chọn lựa của người Kitô hữu (c. 23).

Ngay cả khi đã trục xuất được quỷ dữ khỏi đời mình,

và khi ngôi nhà đời mình đã được quét tước, dọn dẹp hẳn hoi,

ta cũng phải hết sức cảnh giác, vì có nguy cơ quỷ trở lại.

Sự trở lại này có thể còn kinh khủng hơn trước (c. 26).

Có vẻ quỷ thích ở lại với con người hơn là lang thang nơi hoang mạc,

nên căn nhà tâm hồn của chúng ta cần được bảo vệ bằng lũy hào Lời Chúa.

Xin Đức Giêsu dạy chúng ta biết cách nhận diện kẻ thù,

biết cách đuổi Xatan ra khỏi đời mình và ngăn không cho nó trở lại.

 

Cầu nguyện:

Lạy Cha từ ái,

đây là niềm tin của con.

Con tin Cha là Tình yêu,

và mọi sự Cha làm đều vì yêu chúng con.

Cả những khi Cha mạnh tay cắt tỉa,

cả những khi Cha thinh lặng hay vắng mặt,

cả những khi Cha như chịu thua sức mạnh của ác nhân,

con vẫn tin Cha là Cha toàn năng nhân ái.

Con tin Cha không chịu thua con về lòng quảng đại,

chẳng để con thiệt thòi khi dám sống cho Cha.

Con tin rằng nơi lòng những người cứng cỏi nhất

cũng có một đốm lửa của sự thiện,

được vùi sâu dưới những lớp tro.

Chỉ một ngọn gió của tình yêu chân thành

cũng đủ làm đốm lửa ấy bừng lên rạng rỡ.

Con tin rằng chẳng có giọt nước mắt nào vô ích,

thế giới vẫn tồn tại nhờ hy sinh thầm lặng của bao người.

Con tin rằng chiến thắng cuối cùng thuộc về Ánh sáng.

Sự Sống và Tình yêu sẽ chiếm ngự địa cầu.

Con tin rằng dòng lịch sử của loài người và vũ trụ

đang chuyển mình tiến về với Cha,

qua trung gian tuyệt vời của Chúa Giêsu

và sức tác động mãnh liệt của Thánh Thần.

Con tin rằng dần dần mỗi người sẽ gặp nhau,

vượt qua mọi tranh chấp, bất đồng,

mọi dị biệt, thành kiến,

để cùng nắm tay nhau đi qua sa mạc cuộc đời

mà về nhà Cha là nơi hạnh phúc viên mãn.

Lạy Cha, đó là niềm tin của con.

Xin Cha cho con dám sống niềm tin ấy. Amen.

 

Suy niệm 2: Dọn cỗ cho ma

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Đổi đời là ước vọng ngàn đời của con người. Ai cũng mong ước được đổi mới cuộc đời. Gio-en tiên báo sẽ có cuộc đổi đời quyết liệt, triệt để, toàn diện. Đó là ngày thế giới cũ, con người cũ bị tận diệt. “Ôi ngày đáng sợ thay! Ngày của Đức Chúa quả đã gần kề! Ngày sẽ đến tựa cơn tàn phá do lệnh Đấng Toàn Năng”. Đó là ngày tận số cho những kẻ làm điều ác. “Run lên đi, mọi cư dân trong xứ, vì Ngày của Đức Chúa đến rồi, Ngày ấy đã kề bên. Ngày tối tăm u ám, Ngày mây mù tối đen”. Nhưng thế hệ xấu qua đi để có một thế hệ tốt mới xuất hiện. Thần dân của bóng tối qua đi, để Dân Thiên Chúa, dân của ánh sáng xuất hiện: “Một dân đông đúc và hùng mạnh đang tràn ngập núi đồi như thể ánh bình minh. Một dân như vậy xưa nay chưa hề có và muôn năm muôn đời cũng sẽ chẳng bao giờ có nữa” (năm lẻ).

Lời tiên báo đó ứng nghiệm nơi Chúa Giê-su. Chúa đến tiêu diệt vương quốc bóng tối của ma quỉ. Giải phóng con người khỏi ách nô lệ ma quỉ. Xua đuổi chúng về miền tăm tối. Ma quỉ không còn phải là kẻ mạnh nhất nữa. Chính Chúa Giê-su, Đấng Cứu Thế mới là Đấng Toàn Năng, mạnh mẽ: “Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn. Nhưng nếu co người mạnh thế hơn đột nhập và thắng được người ấy thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được”. Chúa đã chiếm lại được sự sống và tự do từ tay ma quỉ. Chúa đem sự sống và tự do trả lại cho con người.

Tuy nhiên lại có một vấn đề. Con người có tự do, có đón nhận Chúa không? Những người không tin Chúa cho rằng Chúa là tướng quỉ đến trừ quỉ. Họ dọn cỗ cho ma. Vì không chấp nhận Chúa thì họ sẽ như căn nhà bỏ hoang sau khi được Chúa quét dọn sạch sẽ. Ma quỉ sẽ quay trở lại. Không có Chúa, số phận họ sẽ khốn khổ hơn trước.

Muốn đón nhận Chúa phải có đức tin. Chính đức tin làm cho con người nên công chính. Chính đức tin làm nên sức mạnh. Vì sống bằng sức sống và sức mạnh của Chúa. Chính đức tin vào Chúa Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh giải phóng ta khỏi bị nguyền rủa. “Khi vì chúng ta chính Người trở nên đồ bị nguyền rủa”. Chịu chết Chúa qui tụ một dân đông đúc và hùng mạnh. “Các dân ngoại cũng được hưởng phúc lành dành cho ông Áp-ra-ham”. Đó là dân hùng mạnh vì thoát khỏi ách quỉ thần. Và sống bằng Thần Khí nhờ đức tin như thánh Phao-lô dạy: “nhờ đức tin, chúng ta nhận được ơn Thiên Chúa đã hứa tức là Thần Khí” (năm chẵn).

 

Suy niệm 3: Nương Tựa Vào Chúa

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Dù với công thức dài như ở Tin Mừng Matthêu hay ngắn gọn nơi Tin Mừng Luca, Kinh Lạy Cha được kết thúc bằng câu: "Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ". Nhắc nhở các môn đệ cầu xin cho khỏi sa chước cám dỗ, Chúa Giêsu cũng muốn nói đến một thực tại luôn có mặt trong thế giới này để làm hại con người, đó là sự dữ hay ma quỉ. Ở bên cạnh con người, nhưng ma quỉ không hiện nguyên hình, mà lại mượn chính hình dạng con người để quyến rũ và lôi kéo con người đến điều ác.

Ðó cũng là sự kiện đã xảy ra như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay: sau khi Chúa Giêsu chữa cho một người bị quỉ ám được khỏi, trong đám đông có mấy người nói rằng Ngài đã nhờ thế của quỉ vương Beelzebul mà trừ quỉ. Chúa Giêsu đã nhân cơ hội này để mạc khải về Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa đã đến và trong đó có bóng dáng của ma quỉ. Một Phêrô vừa được khen thưởng vì đã tuyên xưng đúng tước hiện của Chúa Kitô, thì lập tức đã bị khiển trách là Satan khi ông căn ngăn Chúa Giêsu lên Yêrusalem để chịu khổ nạn.

Chúa Giêsu đã đến để chiến thắng ma quỉ và tội lỗi, đồng thời Ngài cũng đòi hỏi những kẻ theo Ngài phải có một thái độ dứt khoát: "Ai không theo tôi, là chống tôi, và ai không cùng tôi thu góp, là phân tán". Hình ảnh người võ trang canh giữ nhà của mình là một lời mời gọi những kẻ theo Chúa biết hoàn toàn đặt tin tưởng, phó thác vào Ngài. Tìm một người hùng mạnh để canh giữ cho mình được an toàn thì có ai bằng Thiên Chúa; kiếm một nơi ẩn náu trước những tấn công của kẻ thù, thì có đâu vững chắc cho bằng núp bóng dưới cánh tay Ngài.

Chúng ta phải tìm nơi nương tựa mạnh mẽ, vững chắc, vì ma quỉ như sư tử luôn gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé, làm hại chúng ta. Một lần thất bại, nó không nản lòng, nó sẽ trở lại với một lực lượng hùng mạnh hơn. Bởi đó, chúng ta phải kiên trì trong lời cầu nguyện: "Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ". Cám dỗ là vũ khí ma quỉ dùng để đánh bại chúng ta, nhưng chúng ta vẫn không nao núng, nếu biết đứng vững trong đức tin để chống cự và biết ẩn núp dưới sự che chở của Chúa.

Nguyện xin Chúa gìn giữ chúng ta luôn kiên vững trong niềm xác tín đó.

 

Suy niệm 4: Quyền Năng Trên Quỉ Dữ

(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Phép lạ Chúa Giêsu thực hiện là một dấu chỉ để mạc khải nước Thiên Chúa và tình thương giải phóng của Thiên Chúa đối với con người. Nhưng mọi dấu chỉ đều lưỡng vị, hai nghĩa và người ta có thể giải thích cách này hay cách khác, tùy theo tâm hồn họ như thế nào. Thiên Chúa chấp nhận để cho con người làm như vậy là vì Ngài kính trọng tự do của người chứng kiến và giải thích dấu chỉ. Ðó là điều đã xảy ra và được kể lại trong đoạn Phúc Âm chúng ta vừa đọc lại trên đây.

Nhiều người kính phục quyền năng giải phóng và tình thương nhân từ của Thiên Chúa được thể hiện nơi và qua hành động của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, vài người khác thì giải thích xấu đi, cho rằng Chúa Giêsu cấu kết với quyền lực của quỷ vương để trừ quỷ con. Nhưng giải thích như vậy không hợp lý gì cả. Lòng gian tà và ý xấu muốn bôi nhọ Chúa Giêsu làm cho họ ra mù quáng và lý luận không còn hợp lý nữa. Chúa Giêsu chỉ cho họ thấy khuyết điểm này với những lời như sau: "Vương quốc nào chia rẽ thì sẽ bị tan rã. Giờ đây, nếu Satan cũng chia rẽ thì làm sao chúng đứng vững được". Giải thích duy nhất đúng là qua dấu lạ đó mà nhìn nhận Ðấng thực hiện dấu lạ có quyền năng trên quỷ dữ và như thế là Nước Thiên Chúa và hành động giải phóng của Ngài đã đến giữa con người trước mặt họ.

Ðể chấp nhận lời mạc khải của Chúa và trong trường hợp này, lời giải thích của Chúa Giêsu về ý nghĩa của dấu lạ Chúa vừa thực hiện, con người cần nhờ đến ánh sáng siêu nhiên hướng dẫn, cần có đức tin, cần có sự soi sáng của Chúa Thánh Thần. Ðây là điều mà những kẻ thù của Chúa Giêsu không có được đức tin là hồng ân của Thiên Chúa, chứ không phải là kết luận của suy tư. Vì thế, trước dấu lạ Chúa Giêsu thực hiện, con người không nhất thiết có thể nhìn nhận ý nghĩa của dấu lạ đó và tuyên xưng đức tin. Nếu đức tin là kết luận của suy tư lý trí thì trước dấu lạ Chúa thực hiện, mọi người đều đã tin Chúa hết cả rồi.

Con người cần khiêm tốn cầu xin Thiên Chúa ban cho ơn đức tin, để có thể nhận ra ý nghĩa của dấu lạ và được củng cố trong đức tin. Trước dấu lạ của Chúa, con người chỉ có một trong hai thái độ: tin hay không tin; chấp nhận hay chối từ mà thôi. Và một khi đã tin rồi, người đồ đệ cần phải góp phần của mình để bồi dưỡng thêm cho đức tin, góp phần làm cho đức tin được phát triển, được vững mạnh hơn. Nếu không, tình trạng bị mất đức tin sau đó sẽ trở thành tồi tệ hơn trước khi tin Chúa, ma quỷ tấn công trở lại mạnh mẽ hơn muôn vạn cho đến bảy lần hơn.

Ðể hiểu rõ một ai thì cần phải yêu mến người đó và thường xuyên trao đổi với người đó. Ðối với Chúa Giêsu cũng vậy, để biết Chúa nhiều hơn, thì cần phải yêu mến Ngài và có những trao đổi thường xuyên với Ngài qua việc cầu nguyện, lắng nghe lời Chúa. Ðể có thể luôn luôn đứng về phe Chúa, luôn luôn trung thành theo Chúa thì không có cách nào tốt hơn là hữu hiệu hơn là sống thân mật kết hiệp với Chúa qua việc cầu nguyện và lắng nghe lời Ngài. Ðiều này đòi hỏi chúng ta phải luôn sám hối, hoán cải, để có thể cùng với Chúa mà chiến thắng sức mạnh thần dữ muốn chiếm đoạt chúng ta theo phe chúng.

Lạy Chúa là Cha chúng con.

Chúng con cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng con đức tin. Xin thương ban xuống tràn đầy Chúa Thánh Thần trên chúng con để chúng con được củng cố mỗi ngày một thêm trong đức tin.

Lạy Chúa.

Xin gia tăng đức tin cho chúng con.

 

Suy niệm 5: Không thuận là chống

“Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.” (Lc. 11, 23)

Đó là lý luận đơn giản. Người ta không thể vừa thuận vừa chống cùng một lúc. Người ta tố cáo Đức Kitô lấy quyền quỷ mà trừ quỷ! Thưa quý vị, quý vị nếu có một chút thông minh, quý vị sẽ thấy rõ đó là cuộc nội chiến ghê gớm của Satan. Thiên Chúa nhân lành đã làm rất nhiều để chống lại Satan và bè lũ của nó. Muốn diệt chúng hoàn toàn, Chúa chỉ để chúng đánh nhau từ trong nội bộ là xong. Nhưng khốn nỗi, không bao giờ Ngài làm thế.

Không, không phải Đức Kitô nhờ tướng quỷ Bendêbút mà trừ quỷ. Người Aramê đã gọi Bendêbút là “chúa phân bớn” “chúa ruồi nhặng”. Những tiếng khinh bỉ đó không bao giờ dám gán cho Đức Kitô. Nhưng những kẻ dám gán cho Người rất quỷ quyệt, tuy nhiên họ lại ngu dốt đến nỗi cho thấy họ đã tự mâu thuẫn với chính mình!

Chính nhờ ngón tay Thiên Chúa có ý nghĩa là sức mạnh của Thiên Chúa mà Đức Kitô hành động. Vì từ nay đi, nhờ Người triều đại Thiên Chúa đã tiếp tục trị đến trong thế gian. Satan không thể nào chống được Con Thiên Chúa. Nó đã rình mò thám thính thử đến thuê mướn Người lúc ăn chay 40 ngày trong sa mạc. Người mạnh hơn nó trên thế gian, từ nay chính Người là Đấng Thiên Sai Cứu Thế! Người đến cứu độ nhân loại. Người ở lại đây, không bỏ đi nữa. Ai ở với Người và không chống lại Người thì được bảo vệ và được nâng đỡ mãi mãi trong tình yêu của Người.

Nhưng xin chú ý, chú ý! Người ta có thể thuận theo Người, thành thật chọn Người, muốn theo Người tới cùng, bằng mọi giá, tin cậy núp bóng Người luôn luôn! Nhưng đừng tưởng Satan không còn nữa, thời của nó đã trôi vào quá khứ, nó không còn thể chống lại loài người nữa; chối quyền lực của nó thì liều mình đi đến sa ngã thất bại. Nó còn hoạt động hơn bao giờ hết! nó biết lừa cơ hội để khai thác những yếu đuối sâu sa của chúng ta một cách đáng sợ! những làn sóng ngầm của sự dữ lôi cuốn thế giới chúng ta là chứng cớ rõ ràng có bàn tay lầm ngầm của ma quỷ. Sự đánh thức những bản năng hạ đẳng nhất của nhân loại là dấu chỉ chắc chắn quỷ đang có mặt giữa chúng ta! đừng sợ, đừng đánh thức những thú hạ đẳng đó, dù thần dữ không bao giờ đầu hàng, nhưng hãy tin cậy vững mạnh vào Đức Kitô vì Người đã chiến thắng thế gian; Phần chúng ta phải sáng suốt đi theo Người.

GF

 

Suy niệm 6: Không được vu khống

Xem CN 10 TN B (Mc 3,20-35) thứ Hai tuần 8 TN, thứ Năm tuần 3 MC và thứ Ba tuần 14 TN

Có một thời người ta đổ xô đi mua cuốn sách: “Cơn cám dỗ cuối cùng” của tác giả Nikos Kazantzakis, và trong những năm gần đây, đạo diễn Martin Scoresse đã hiện thực hóa trong bộ phim cùng tên. Khi phim được trình chiếu, nhiều người đã tỏ ra bức xúc vì những lời lẽ và hành động được tác giả gán cho Đức Giêsu xem ra có vẻ tầm thường và đôi khi không được tốt đẹp cho lắm!

Đó là câu chuyện thời nay, còn thời xưa, những người Pharisêu đã không ngần ngại gán cho Đức Giêsu rằng: Ngài đã nhờ Tướng Quỉ để mà trừ quỉ. Đây là một sự xúc phạm nặng nề đến bản tính của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, họ đã bị phản pháo, khi Đức Giêsu đưa ra hai luận chứng nhằm lý giải cho họ biết rằng những lời họ vu cáo không có căn cứ:

- Trước tiên, Ngài không thể lấy danh của Tướng Quỷ mà trừ quỷ được. Lý do: một là Tướng Quỷ không đời nào cho như vậy; hai là nếu chúng đồng ý thì hẳn nước của chúng tới hồi kết thúc.

- Tiếp theo, Đức Giêsu dùng biện pháp lấy “độc trị độc” hay “gậy ông đập chính lưng ông” khi nói: “Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, thì con cái các ngươi nhờ ai mà trừ?”

Nghe đến đây, họ đã câm miệng vì những lời lẽ khôn ngoan được thốt lên từ miệng Đức Giêsu.

Với những lời phi bác ấy, Đức Giêsu đã vô hiệu hóa  việc vu khống của những người Pharisêu.

Khi đánh tan sự xuyên tạc của chúng, Đức Giêsu vạch trần mục đích đen tối của họ là xấu xa, gian ác, nhằm mục đích hại người.

Trong thực trạng xã hội hiện nay, vẫn còn đó những Pharisêu kiểu hiện đại với những lời lẽ vu khống hết sức xảo quyệt. Họ luôn dùng chiêu thức: “Cả vú lấp miệng em” để đè ép, vu khống và cướp bóc nơi những người thấp cổ bé họng không có tiếng nói.

Còn về phía chính chúng ta, nhiều khi chúng ta không phỉ báng Chúa như những người Pharisêu, nhưng không chừng, chúng ta đang phỉ báng Chúa cách nặng nề hơn họ khi mỗi lần chúng ta rước Chúa vào lòng cách bất xứng với đầy tội lỗi; hay mỗi khi chúng ta khước từ Giáo Huấn của Chúa. Sống ích kỷ, kiêu ngạo, bất nhân và ác ý...

Như vậy, sự tốt - xấu; bóng đêm - ánh sáng vẫn luôn hiện diện trong mọi thời, và người công chính vẫn phải chịu cảnh thua thiệt.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy đấu tranh cho lẽ phải bằng cách lựa chọn điều tốt, tránh điều xấu làm phương hại đến đời sống tâm linh của ta cũng như mọi người. Không bao giờ được sống kiểu lập lờ; bắt cá hai tay... Tránh cho xa cái thói đê tiện làm cho ta ghen tức mà tìm cách hại người khác như triệt hạ uy tín của họ cách này hay cách khác. Cần có sự tha thứ cho anh chị em mình.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con tin tưởng vào quyền năng của Chúa. Luôn biết sống trong sự khiêm tốn và yêu thương mọi người. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy niệm 7: Quyền năng Chúa xua trừ ma quỷ

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu dùng quyền năng Thiên Chúa xua trừ ma quỷ và thực hiện triều đại Thiên Chúa. Ai thuộc về Thiên Chúa phải xa lánh tội lỗi và ma quỷ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dùng uy quyền Thiên Chúa cứu chữa bao kẻ bệnh tật, xua trừ ma quỷ. Con xác tín rằng Chúa đến khai mở một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên Thiên Chúa cứu độ loài người. Chúa đến thiết lập một triều đại mới và vĩnh tồn, triều đại Thiên Chúa. Từng việc Chúa làm, từng lời Chúa nói, đều tỏ lộ quyền năng và tình thương cứu độ Chúa dành cho con. Lạy Chúa, con xin dâng lời cảm tạ và chúc tụng Chúa đến muôn đời.

Lạy Chúa, khi Chúa khai mở thời đại cứu độ cũng là lúc Chúa chấm dứt thời kỳ của ma quỷ. Nhưng chúng vẫn chưa hoàn toàn chịu khuất phục quyền uy Chúa. Chúng vẫn còn muốn khuấy động và gieo rắc vào lòng mọi người sự thù hằn, chống đối và phản nghịch Chúa. Có người đã coi Chúa như một thầy ma thuật, lấy quyền tướng quỷ để trừ quỷ, có kẻ đã đòi những dấu lạ như thách thức quyền năng Chúa. Ma quỷ vẫn còn đó, chúng ghen tức với hạnh phúc và ơn cứu độ dành cho chúng con. Chúng vẫn luôn tiếp tục gây chia rẽ, thù hằn, chống đối giữa chúng con với Thiên Chúa, giữa chúng con với nhau ngay trong thế giới hôm nay.

Lạy Chúa, xin biểu lộ quyền năng giúp con thắng vượt mọi mưu chước ma quỷ. Xin cho con ơn thức tỉnh ngay với bản thân để đừng khi nào con cố tình phạm tội, hay đồng lõa với cơn cám dỗ. Xin cứu con khỏi mọi sự dữ. Amen.

Ghi nhớ: “Nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi”.

 

Suy niệm 8: Quyền năng Thiên Chúa trên quỷ ma

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Sách Khải Huyền nói đến ma quỷ như con mãng xà có nhiều quyền năng: “Từ miệng, con rắn phun nước ra đằng sau bà như một dòng sông, để cuốn bà đi” (Kh 12,15).

Tác giả sách Khải Huyền tố cáo ma quỷ bắt bớ những người Kitô hữu: “Đừng sợ các nỗi đau khổ ngươi sắp phải chịu: Này ma quỷ sắp tống một số người trong các ngươi vào ngục để thử thách các ngươi” (Kh 2,10). “Con mãng xà nổi giận với người phụ nữ và đi giao chiến với những người còn lại trong dòng dõi bà, là những người tuân theo các điều răn của Thiên Chúa và giữ lời chứng của Đức Giêsu” (Kh 12,17).

Ma quỷ luôn hiện hữu và quyền năng mạnh mẽ...

Suy niệm

Chúa Giêsu đã rao giảng và đã thực hiện những dấu lạ khắp nẻo đường Palestine: Ngài đã chữa người bại liệt để chứng minh Ngài có quyền tha tội; Chúa Giêsu chữa lành cho người bị quỷ ám… Tất cả chứng tỏ quyền năng thần linh của Ngài. Một số người, họ là những người đã nghe Chúa giảng, đã thấy phép lạ tỏ tường, cho rằng: Chúa lấy quyền của tướng quỷ Belgiêbút mà trừ quỷ. Nhưng Ðức Giêsu đã khẳng định: Ngài lấy quyền từ Thiên Chúa. Ngài mạc khải rõ sứ mệnh của Ngài khi Ngài dùng quyền năng Thiên Chúa mà trừ quỷ, bảo vệ bênh vực chúng ta, cứu chúng ta thoát khỏi ách thống trị của ma quỷ và tội lỗi.

Chúa Giêsu chỉ cho họ thấy khuyết điểm của những giải thích như vậy là không hợp lý khi Ngài khẳng định: “Vương quốc nào chia rẽ thì sẽ bị tan rã. Giờ đây, nếu Satan cũng chia rẽ thì làm sao chúng đứng vững được”.

Ðức Giêsu còn cho ta biết thêm: Ma quỷ là kẻ thù rất mạnh, chúng luôn tìm cách lôi kéo trói buộc chúng ta bằng đủ mọi mưu chước, đặc biệt là cám dỗ: Chúng như sư tử luôn gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé, làm hại chúng ta (x. 1Pr 5,8). Một lần thất bại, nó không chịu bại trận, nó chỉ tạm rút lui và sẽ trở lại với một lực lượng hùng mạnh hơn. Vì thế, chúng ta cần tỉnh táo và sáng suốt trước những thử thách, cám dỗ của chúng.

Hình ảnh người đầy đủ võ trang canh giữ nhà của mình là một lời mời gọi những kẻ theo Chúa biết hoàn toàn đặt tin tưởng, phó thác và núp bóng dưới cánh tay Ngài, Đấng chiến thắng trên ma quỷ là nơi ẩn náu và sự an toàn vững chắc cho chúng ta.

Thật thế, hãy tin vào Ðấng thực hiện quyền năng trên quỷ dữ…

Ý lực sống:

“Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ” (Mt 6,7).

 

Suy niệm 9: Đức Giêsu trừ một quỷ câm

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Bài Tin Mừng hôm nay trình bầy cho chúng ta về việc Đức Giêsu thì hành sứ vụ cứu thế của Ngài qua việc trừ một quỷ câm, để mời gọi chúng ta phải có thái độ dứt khoát trong việc lựa chọn Ngài. Bởi vì, sau khi Đức Giêsu trừ một quỷ câm thì dân chúng có ba thái độ: Đa số thì ngạc nhiên và cảm phục, một nhóm xuyên tạc rằng  Ngài dựa thế quỷ vương  Bendêbun để trừ quỉ nhỏ, còn nhóm thứ ba thì nửa tin nửa ngờ nên muốn có một dấu lạ “từ trời” để chứng nhận Đức Giêsu chính là người mà trời sai xuống.

2. Phép lạ Chúa Giêsu thực hiện là một dấu chỉ để mạc khải Nước Thiên Chúa và tình thương giải phóng của Thiên Chúa đối với con người. Nhưng mọi dấu chỉ đều lưỡng vị, hai nghĩa và người ta có thể giải thích cách này hay cách khác, tùy theo tâm hồn họ như thế nào. Thiên Chúa chấp nhận để cho con người làm như vậy là vì Ngài tôn trọng tự do của người chứng kiến và giải thích dấu chỉ. Đó là điều đã xẩy ra và được kể lại trong đoạn Tin Mừng chúng ta vừa đọc.

2. Trước phép lạ Chúa Giêsu trừ một quỷ câm, nhiều người kính phục quyền năng và tình thương nhân từ của Thiên Chúa được thực hiện nơi và qua hành động của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, vài người khác thì giải thích xấu đi, cho rằng Chúa Giêsu cấu kết với quyền lực của quỷ cả để trừ quỷ con. Nhưng giải thích như vậy không hợp lý gì cả. Lòng gian tà và ý xấu muốn bôi nhọ Chúa Giêsu làm cho họ ra mù quáng và lý luận không còn hợp lý nữa. Chúa Giêsu chỉ cho họ thấy khuyết điểm này với những lời như sau: ”Vương quốc nào chia rẽ thì sẽ bị tan rã. Giờ đây, nếu satan cũng chia rẽ thì làm sao chúng đứng vững được”? Giải thích duy nhất đúng là qua dấu lạ đó mà nhìn nhận Đấng thực hiện dấu lạ có quyền năng trên quỷ dữ, và như thế Nước Thiên Chúa và hành động giải phóng của Ngài đã đến giữa con người trước mặt họ (R.Veritas).

3. Chúa Giêsu đã đến để chiến thắng ma quỷ và tội lỗi, đồng thời Ngài cũng đòi hỏi những kẻ theo Ngài phải có một thái độ dứt khoát: ”Ai không theo tôi, là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp, là phân tán” (Lc 11,23). Hình ảnh người võ trang canh giữ nhà của mình là một lời mời gọi những kẻ theo Chúa biết hoàn toàn đặt tin tưởng, phó thác vào Ngài. Tìm một người hùng mạnh để canh giữ cho mình được an toàn thì có ai bằng Thiên Chúa; kiếm một nơi ẩn náu trước những tấn công của kẻ thù, thì có đâu vững chắc cho bằng núp bóng dưới cánh tay Ngài (Mỗi ngày một tin vui).

4. Vào tháng 2 năm 2014, cầu treo Chu Va 6 bị lật khiến 8 người thiệt mạng và hơn 20 người bị thương nặng. Các chuyên gia cho rằng, lỗi kỹ thuật không nằm ở trụ cầu hay cáp treo mà ở một con ốc neo. Một sai lầm nhỏ cũng đủ làm lật cây cầu treo dài hơn 50 mét. Cũng thế, chỉ một sự chia rẽ nhỏ trong tập thể cũng có thể đem lại hậu quả khôn lường. Vì thế, hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta giá trị cần thiết của sự đoàn kết: ”Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nọ đổ xuống nhà kia”; ngược lại, đoàn kết làm cho một tập thể thêm huynh đệ, yêu thương, tha thứ.

Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng mạnh mẽ lên án việc chia rẻ bên trong các cộng đoàn. Ngài phê phán bệnh xầm xì nói xấu nhau. Căn bệnh này có thể phá hủy tình thân hữu trong bất kỳ cộng đoàn nào. Đó là thứ tội lỗi xấu xa, phát xuất từ lòng ghen tị, thù hận, và là hoạt động trực tiếp của ma quỷ, nhằm phá hoại sự hiệp nhất của cộng đoàn.

5. Vì thế, con người cần khiêm tốn cầu xin Thiên Chúa ban cho ơn đức tin, để có thể nhận ra ý nghĩa của dấu lạ và được củng cố trong đức tin. Trước dấu lạ của Chúa con người chỉ có  một trong hai thái độ: tin hay không tin, chấp nhận hay chối từ mà thôi. Và một khi đã tin rồi, người môn đệ cần phải góp phần làm cho đức tin được phát triển, được vững mạnh hơn. Nếu không, tình trạng bị mất đức tin sau đó sẽ trở thành tồi tệ hơn trước khi tin Chúa, ma quỉ tấn công trở lại mạnh mẽ hơn.

6. Truyện: Phải biết chọn lựa.

Ngày kia, trong khi đến rao giảng cho các tù nhân tại trại tù nọ, cha Gioan nhìn thấy trong số cử tọa một người với gương mặt có vẻ quen quen.

Sau khi kết thúc bài giảng, cha liền tìm đến gặp người đó tại xà lim nơi giam giữ anh ta. Gặp lại người quen của mình từ nhỏ, người tù nhân đó nói:

- Thưa linh mục, tôi còn nhớ rất rõ về ông. Cả hai chúng ta đều lớn lên ở cùng một khu phố, chúng ta cùng đi học với nhau tại một ngôi trường; ngồi cùng một bàn bên cạnh nhau; và tôi cũng có những triển vọng tươi sáng giống như ông. Nhưng đến khi lớn lên, ông chọn lựa con đường làm linh mục, phục vụ Thiên Chúa. Còn tôi, tôi lại khước từ việc đến với Đức Kitô, và đã chọn đi theo thế gian và tội lỗi. Hiện nay, ông là một người rao giảng Tin Mừng, có cuộc sống hạnh phúc và được mọi người kính trọng, trong khi tôi lại là một con người tồi tệ, bị gạt ra ngoài lề xã hội. Tôi đã sống trong trại tù này từ 10 năm nay, và tôi sẽ còn phải sống ở đây cho đến mãn đời!

Vâng! Hãy biết chọn cho mình một hướng đi. Hãy tìm cho mình một lý tưởng sống. Xin Chúa luôn trợ giúp chúng ta.

 

Suy niệm 10: Phó thác vào Chúa, không sợ quỷ ma

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

1. Các câu 14-16: Sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ trừ một quỷ câm, dân chúng phản ứng 3 cách khác nhau:

a/ Đa số “ngạc nhiên”, nghĩa là thán phục;

b/ Một nhóm xuyên tạc rằng Ngài đã dựa thể quỷ vương Bê-en-dê-bun để trừ quỷ nhỏ;

c/ Nhóm thứ ba nửa tin nửa ngờ nên muốn có một dấu lạ “từ trời” để chứng nhận Chúa Giêsu chính là người mà trời sai xuống.

2. Các câu 17-23: Để trả lời cho những kẻ không tin (nhóm thứ hai), Chúa Giêsu lý luận rằng: ma quỷ không ngu dại gì mà làm hại thuộc hạ của nó. Bởi thế việc Chúa Giêsu trừ quỷ không phải là dựa vào thế của quỷ vương. Nếu việc đó không do quỷ vương thì do đâu? Thưa do một quyền lực mạnh hơn ma quỷ, tức là Thiên Chúa. Như thế phép lạ này là dấu chỉ rằng Nước Thiên Chúa đã đến gần.

3. Các câu 24-26: Đây là của lời khuyến cáo các môn đệ Chúa Giêsu. Đành rằng ma quỷ đã bị Chúa Giêsu đánh bại, nhưng các môn đệ chớ có lơ là cảnh giác. Ma quỷ tìm cách quay trở lại và có thể làm hại họ nặng hơn trước nữa.

B.... nẩy mầm.

1. Thực tại về ma quỷ: “Nhiều người ngày nay không còn tin vào ma quỷ. Tội lỗi được biện minh bằng sự yếu đuối và thiếu tự do nơi con người. Quỷ ám được giải thích như những chuyện thần thoại mà khoa tâm lý chiều sâu tìm cách giải thích. Những cám dỗ chỉ còn là sản phẩm của óc tưởng tượng. Chiến thuật của ma quỷ trong thế giới xem ra không phải là sự đe dọa con người bằng những ám hại, mà chính là thuyết phục con người tin rằng nó không có mặt trên trần gian này” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).

2. Người hạnh phúc nhất mà tôi từng được biết, đó là một người Ái nhĩ Lan tên Dundee. Ông bị té gãy lưng từ năm 15 tuổi, sau đó phải nằm trên giường bệnh rất đau đớn trong suốt 40 năm. Nhưng lúc nào ông cũng tươi cười. Tôi hỏi:

- Có khi nào ông bị quỷ cám dỗ không, chẳng hạn nó nói với ông rằng nếu Chúa thương ông thì chẳng để ông phải liệt giường như vậy?

- Có chứ, rất nhiều lần. Nó thường dẫn trí óc tôi nhìn đến cảnh sung sướng của người khác và nói với tôi như thế. Nhưng tôi cũng dẫn nó tới đồi Canvê, chỉ cho nó thấy Chúa Giêsu đang chết trên Thập giá. Và tôi hỏi lại nó “Thế Chúa không thương tôi sao?”. Kết quả là lần nào nó cũng vội vàng rút lui. (Moody’s story)

3. Sự mù quáng do ganh tị: Vì ganh ghét Chúa Giêsu nên các kẻ thù của Ngài đã bị mù quáng. Chẳng những họ không nhận ra ý nghĩa việc Ngài trừ quỷ, mà còn xuyên tạc rằng Ngài làm như thế là dựa vào sức quỷ vương.

4. Có một con đại bàng ganh tị với một con đại bàng khác vì con này bay cao hơn nó. Một hôm con đại bàng ganh tị gặp một xạ thủ. Nó xúi anh bắn hạ đối thủ của nó. Chàng xạ thủ đáp: “Được. Nhưng tôi không có tên”. Con đại bàng nhổ một cọng lông cánh đưa cho chàng xạ thủ làm tên. Nhưng chàng bắn hụt. Vì quyết tâm hại đối thủ của mình, con đại bàng ganh tị lại nhổ thêm một cọng nữa, rồi một cọng nữa... cho tới khi hai cánh nhỏ trụi nhẵn. Nó không bay được nữa. Chàng xạ thủ không bắn được con kia nên bắt lấy con đại bàng trụi cánh về làm thịt. Nếu bạn ganh tị muốn hại ai thì rốt cuộc bạn chỉ tổ hại chính bản thân mình (D.L. Moody).

5. “Kẻ khác lại muốn thử Chúa Giêsu nên đã đòi Ngài một dấu lạ từ trời” (Lc 11,16)

Lạy Chúa, Tại sao Ngài cho con sinh ra trong gia đình này với người cha “pharisêu” và các anh chị “giả hình”? Tại sao Ngài không cho con tài năng như anh kia? đạo đức như chị nọ? Tại sao con không có một mái tóc óng mượt, không có một khuôn mặt xinh xắn hơn? Tại sao?... Tại sao?... Nhiều lần con đã chất vấn Ngài, con thử thách Ngài, con đòi Ngài phải cho con cái của người khác, có như thế thì Chúa mới thực là một Thiên Chúa yêu thương.

Lạy Chúa, xin cho con tâm hồn đơn sơ để con nhận ra  tất cả những quà tặng Ngài mang đến cho con. Và tin rằng đó là món quà tốt nhất đối với con, là dấu chứng rõ nhất về một Thiên Chúa yêu thương. (Hosanna).

 

Suy niệm 11: Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Chắc anh chị em còn nhớ trong bài Tin Mừng cách đây hai hôm, trong phần kết thúc Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đã dạy phải cầu xin “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” (Lc 11,4). Khi dạy các môn đệ như thế, Chúa Giêsu đã muốn nói đến một thực tại luôn có mặt trong thế giới này để làm hại con người, đó là sự dữ hay ma quỉ. Ma quỉ luôn ở bên cạnh con người, nhưng chúng không hiện nguyên hình, mà lại mượn chính hình dạng con người để quyến rũ và xúi giục con người làm điều ác. Chúa Giêsu bảo chúng ta phải biết luôn cảnh giác.

Trong lịch sử của thánh Martino, giám mục thành Tour (Pháp) có chép:

Một hôm, ma quỉ muốn cám dỗ thánh nhân đi vào con đường trụy lạc. Hắn liền hiện hình một vị vua oai phong huy hoàng đến với thánh nhân: - Martino hỡi con, cha cám ơn con về lòng tin của con đối với cha. Con cũng phải biết rằng, cha luôn thành tín đối với con. Từ nay, con sẽ mãi mãi cảm thấy ở bên cạnh cha, con có thể hoàn toàn tín nhiệm ở cha.

Thánh nhân chăm chú nhìn ông vua kia hồi lâu rồi ngài hỏi: - Nhưng thưa ngài, ngài là ai vậy?

Tên quỉ đội lốt vua đáp: - Ta là Giêsu Kitô đây.

Thánh nhân lại hỏi: - Vậy thì vết thương bị đóng đinh ở chân tay ngài đâu?

Tên quỉ trả lời: - Ta từ vinh quang trên trời xuống, nơi đó chẳng còn có thương tích nữa.

Thánh nhân đáp lại ngay: - Tôi không muốn nhìn Đức Kitô không thương tích. Tôi không thể tín nhiệm Đức Kitô không qua dấu hiệu Thập Giá.

Thấy mưu đồ bại lộ, tên quỷ lủi mất.

2. Chúa Giêsu đã đến để chiến thắng ma quỉ và tội lỗi, đồng thời Ngài cũng đòi hỏi những kẻ theo Ngài phải có một thái độ dứt khoát: “Ai không theo tôi, là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp, là phân tán” (Lc 11,23). Hình ảnh người võ trang canh giữ nhà của mình là một lời mời gọi những kẻ theo Chúa biết hoàn toàn đặt tin tưởng, phó thác vào Ngài. Tìm một người hùng mạnh để canh giữ cho mình được an toàn thì có ai bằng Thiên Chúa; kiếm một nơi ẩn náu trước những tấn công của kẻ thù, thì có đâu vững chắc cho bằng núp bóng dưới cánh tay Ngài.

Vâng! Chúng ta phải tìm cho mình một nơi nương tựa mạnh mẽ, vững chắc. Thánh Phêrô bảo: ma quỉ như sư tử luôn gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé, làm hại chúng ta. Một lần thất bại, nó không nản lòng, nó sẽ trở lại với một lực lượng hùng mạnh hơn. Bởi đó, chúng ta phải kiên trì trong lời cầu nguyện.

Đọc lại lịch sử cuộc đời mẹ Têrêsa thành Calcutta, tôi thấy có lần mẹ cũng bị cám dỗ muốn bỏ cuộc trên con đường theo Chúa. Một con người thánh thiện như thế mà nhiều khi cũng bị cám dỗ huống chi chúng ta. Đây là tâm sự về giây phút đầu tiên trong cuộc đời phục vụ người nghèo của Mẹ:

- Tôi cần có một nơi để làm nhà tạm trú cho những con người bị bỏ rơi và bất hạnh nhất trong xã hội. Để tìm ra một ngôi nhà cần thiết đó, tôi đã phải đi rảo qua hết đường này đến phố nọ. Đi mãi cho đến lúc không còn sức để đi nữa, tôi mới hiểu thêm cảnh khổ cực của những người nghèo phải đi lang thang để tìm thức ăn khi đói, tìm thuốc khi đau, tìm bất cứ điều gì có thể giúp mình sống qua ngày. Rồi bỗng nhiên tôi cũng bị cám dỗ nhớ lại và muốn quay về với cuộc sống tiện nghi ngày trước.

Tôi bị cám dỗ và muốn quay về với cuộc sống tiện nghi ngày trước.

Có lẽ rất nhiều lần trong cuộc sống chúng ta cũng bị cám dỗ như vậy. Cám dỗ bỏ qua những việc tốt lành mà chúng ta muốn làm. Cám dỗ lao vào những việc tội lỗi mà chúng ta biết rằng, làm như thế là mất lòng Chúa.

Gặp những lúc như thế, chúng ta phải ứng xử thế nào? Hãy noi gương Mẹ Têrêsa: tìm về và cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, con đã tự nguyện sống như thế này, chỉ vỉ tình yêu Chúa mà thôi, con muốn sống như thế này để chu toàn ý Chúa. Không, con không muốn quay lại với đời sống tiện nghi ngày trước. Cộng đoàn tu trì mới của con là những người nghèo, sự an ninh của họ cũng là sự an ninh của con. Sức khỏe của họ là sức khỏe của con. Nhà của con là bất cứ nơi nào con sống với người nghèo. Và không phải chỉ nghèo mà thôi, mà là nghèo nhất trong số những người nghèo. Đó là những người mình đầy ghẻ lở, bệnh tật, là những con người không còn can đảm để đi ăn xin trên các đường phố, vì họ không còn quần áo để che thân, là những người không còn có thể ăn uống được nữa chỉ đơn giản là họ không còn có sức đủ để ăn uống, những kẻ đang hấp hối gần chết. Chúa muốn giúp cho con sống cuộc sống phục vụ này, chắc chắn Chúa sẽ giúp con chu toàn điều Chúa muốn”.

Lạy Chúa, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ. Amen.

 

Suy niệm 12: Nước Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta

(Lm. Micae Võ Thành Nhân)

Chúa xua trừ ma quỷ thì ma quỷ quất phá Chúa bằng cách nó la lối om sòm để làm náo loạn, ồn ào đám đông, làm mất trật tự và nếu Chúa có tiếp tục rao giảng Tin Mừng thì chẳng một ai nghe được và rồi đám đông cũng sẽ tự giải tán mà thôi. Vì thế, Chúa đuổi nó đi nơi khác. Còn những người biệt phái, luật sỹ, trưởng tế, kỳ lão không làm theo kiểu bần tiện, đê hèn của ma quỷ, họ phá Chúa bằng cách cách nói xấu Chúa, vu khống Chúa, có lúc họ nói công khai, to tiếng, có lúc họ nói rỉ tai nhau. Hôm nay, sau khi chứng kiến thấy Chúa làm phép lạ trừ quỷ, dân chúng chúc tụng, ngợi khen, tôn vinh, loan truyền Chúa, riêng với họ thì họ nói xấu Chúa: ”Ông ta nhờ tướng Belgiêbút mà trừ quỷ. Mấy kẻ khác muốn thử Chúa, nên xin Chúa một dấu lạ từ trời xuống”(Lc 11, 15 – 16).

Qua suy nghĩ và câu nói ác ý của họ, chúng ta thấy Chúa không hài lòng chút nào về sự ganh tỵ, hèm khích, chua cay, xấu xa, hèn mọn của họ đối với Chúa. Chúa rất đau xót cho lòng chai dạ đá của họ. Lời Chúa mà Chúa loan báo cho họ thì họ từ chối. Vì họ chối từ Chúa, cho nên vũ khí để võ trang giữ gìn căn nhà linh hồn của họ là lời Chúa thì họ không có, do đó họ là những người bệnh hoạn, yếu đuối. Kẻ thù là ma quỷ, xác thịt, thế gian tấn công thì họ chống cự lại không nỗi, nó sẽ tước hết, dọn sạnh sẽ, làm tiêu tán tang hoang căn nhà linh hồn của họ. Chính họ là những người không thuận với Chúa, họ nghịch với Chúa, và làm phân tán hết những gì Chúa ban cho họ. Bởi vậy, ma quy rất thèm khát những con người không biết dựa vào lời Chúa, không thực hành lời Chúa truyền dạy, không phó thác cuộc sống vào Chúa thì đó là cái ổ để cho chúng trú ẩn, cư ngụ, quấy phá cực gắt, cực mạnh sau này, khiến cho tình trạng ngưới ấy quá đau thương, quá bi đát.

Như vậy, trước những việc làm tốt lành thánh thiện của Chúa cho con người chúng ta, những ai được đón nhận thì thật hành phúc cho họ, và sẽ dược coi là người đồng thuận với Chúa. Do vậy, con người chúng ta nhìn thấy như thế thì sẽ hết lòng tin yêu, cậy trông, phó thác cuộc sống cho Chúa và loan truyền Chúa khắp mọi nơi. Nhưng vẫn còn có những con người khác, họ không chấp nhận Chúa, họ chối từ Chúa, hiểu sai điều Chúa truyền dạy. Vì thế Chúa mời gọi chúng ta hãy cộng tác với Chúa, cầu nguyện cho họ để họ suy nghĩ lại những việc làm sai trái của họ và với ơn Chúa ban, họ hãy ăn năn sám hối trở về với Chúa, sống lời Chúa, nhờ đó mà họ võ trang gìn giữ căn nhà linh hồn của họ đứng vững trước sự tấn công của ba thù là ma quỷ, xác thịt, thế gian.

Lạy Chúa, Chúa ban muôn ơn lành cho chúng con, Chúa làm mọi việc lạ lùng cho chúng con, chúng con ca tụng Chúa hết lòng, mọi nơi, mọi lúc và rao truyền quyền năng, chúng con sẽ cố gắng thực hiện lời Chúa dạy để chúng con được Chúa gìn giữ, bảo vệ, chở che chúng con. Amen.

 

Suy niệm 13: Dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ

(Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB)

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Sáu Tuần 27 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Tình thương Chúa thật là cao cả, vượt xa mọi công trạng và ước muốn của con người, xin Chúa rộng tình tha thứ những lỗi lầm cắn rứt lương tâm chúng ta, và thương ban những ơn trọng đại lòng chúng ta chẳng dám mơ tưởng bao giờ.

Tình thương Chúa vượt xa mọi công trạng, vì thế, chúng ta hãy tin tưởng phó thác vào sự quan phòng của Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô răn bảo và khuyến khích môn đệ, đồng thời mời gọi đề cao cảnh giác: cạm bẫy của những giáo lý sai lạc. Chúng ta đã không mang gì vào trần gian, thì cũng chẳng mang gì ra được. Vậy nếu có cơm ăn áo mặc, ta hãy lấy thế làm đủ… Đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Vậy nếu có cơm ăn áo mặc, ta hãy lấy thế làm đủ.

Tình thương Chúa vượt xa mọi công trạng, vì thế, chúng ta hãy khiêm nhường tuân giữ những gì Chúa dạy, chứ đừng tự cao tự đại với những gì mình làm, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Vinhsơn Lêranh nói: Thuở xưa, cha ông chúng ta đã gieo hạt giống đức tin trong thửa đất này của Hội Thánh: thật là vô cùng bất công và không xứng hợp, nếu chúng ta là con cháu các ngài, thay vì gặt lúa miến là chân lý đích thực, lại lượm cỏ lùng là sai lầm tai hại… Hỡi Ítraen, hãy nghe những thánh chỉ và quyết định tôi dạy cho anh em. Anh em đừng thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em, cũng đừng bớt gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.

Tình thương Chúa vượt xa mọi công trạng, vì thế, chúng ta được cứu độ là nhờ tin vào Chúa, chứ không phải do công trạng của chúng ta, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Những kẻ dựa vào đức tin thì được chúc phúc làm một với ông Ápraham, người có đức tin. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 110, vịnh gia cho thấy: Giao ước đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi. Tôi xin hết lòng cảm tạ Chúa, trong cộng đoàn chính nhân, giữa lòng đại hội. Việc Chúa làm quả thật lớn lao, người mộ mến ra công tìm hiểu.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài! Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông. Khi Con Một Chúa được giương cao, thủ lãnh thế gian sẽ bị tống ra ngoài, và tất cả mọi người sẽ được kéo lên cùng với Con của Người. Triều đại Thiên Chúa sẽ ở giữa chúng ta, nếu chúng ta tin vào Con Một Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn yêu thương quan phòng chăm sóc chúng ta; chim trời, hoa huệ ngoài đồng còn được Chúa để mắt tới, huống chi là chúng ta. Giao ước đã lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi. Chúa sẽ thực hiện lời Chúa đã hứa với cha ông chúng ta, phần chúng ta là, tin tưởng cậy trông, kiên nhẫn chờ đợi. Con Một, Chúa còn không tiếc với chúng ta, thì có điều gì mà Chúa không thể thực hiện cho chúng ta. Tình thương Chúa thật là cao cả, vượt xa mọi công trạng và ước muốn của chúng ta. Chúa đã rộng tình tha thứ những lỗi lầm cho chúng ta, và đã thương ban cho chúng ta những ơn trọng đại, mà lòng chúng ta chẳng dám mơ tưởng bao giờ. Ước gì chúng ta luôn biết bằng lòng với những gì Chúa gửi đến, bởi vì, Chúa luôn biết điều gì là tốt nhất cho chúng ta. Ước gì, khi gặp khó khăn thử thách, chúng ta vẫn cứ vững tin vào Chúa, bởi vì, Chúa sẽ can thiệp đúng lúc để giải thoát chúng ta. Ước gì được như thế!

 

Bài cùng chuyên mục:

Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 114)

Thứ Bảy tuần 33 thường niên.

Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,653)

Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,106)

Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.

Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,726)

Thứ Tư tuần 33 thường niên.

Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,752)

Thứ Ba tuần 33 thường niên.

Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,850)

Thứ Hai tuần 33 thường niên.

+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 14,987)

CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.

Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,539)

Thứ Bảy tuần 32 thường niên.

Thứ Sáu 15/11/2024 – Thứ Sáu tuần 32 thường niên. – Sống trong ngày của Chúa. (14/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,933)

Thứ Sáu tuần 32 thường niên.

Thứ Năm 14/11/2024 – Thứ Năm tuần 32 thường niên. – Sống giây phút hiện tại. (13/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,695)

Thứ Năm tuần 32 thường niên.

Bài viết mới
Câu chuyện chiều thứ 7