Thứ Năm 26/09/2024 – Thứ Năm tuần 25 thường niên. – Câu hỏi về Chúa Giêsu.
- In trang này
- Lượt xem: 4,483
- Ngày đăng: 25/09/2024 10:00:00
Câu hỏi về Chúa Giêsu.
26/09 – Thứ Năm tuần 25 thường niên.
“Ông Gioan đã bị trẫm chém đầu rồi, ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế”.
Lời Chúa: Lc 9, 7-9
Khi ấy, quận vương Hêrôđê nghe biết tất cả các việc Chúa Giêsu đã làm thì phân vân, vì có kẻ nói rằng: “Ông Gioan đã từ cõi chết sống lại”; còn kẻ khác lại nói: “Ông Êlia đã hiện ra”; kẻ khác nữa nói rằng: “Một tiên tri thời xưa đã sống lại”.
Nhưng Hêrôđê thì nói: “Ông Gioan trẫm đã chém đầu rồi. Ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế?” và vua tìm cách gặp Người.
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
Suy niệm 1: Ông này là ai?
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Đức Giêsu với các môn đệ của Ngài đã nổi tiếng ở vùng Galilê,
qua các hoạt động rao giảng và chữa bệnh.
Tiếng đồn về Ngài ngày càng lan rộng (Lc 5, 15).
Điều đó hẳn đã đến tai của Hêrôđê (c. 7),
vị tiểu vương cai quản vùng Galilê trong hơn bốn mươi năm (Lc 3, 1).
Hêrôđê bối rối và lúng túng trước những tin mình nhận được.
Ông đã cho chém đầu Gioan Tẩy giả, kẻ được coi là ngôn sứ (c. 9).
Bây giờ lại nổi lên một người khác tên là Giêsu.
Người ta đồn đãi nhiều về nhân vật Giêsu này.
Có một số người nói ông này là Gioan bị chém đầu nay sống lại.
Có những người khác nói đó là ông Êlia tái giáng
sau khi đã được đưa về trời trong cơn gió lốc (2V 2, 11).
Cũng có những kẻ nói Giêsu là một ngôn sứ nào đó thời xưa sống lại.
Quả thật nhìn việc làm, lời giảng và lối sống của Giêsu,
người ta dễ thấy Ngài là một ngôn sứ (x. Lc 7, 16-17).
Mà chính Đức Giêsu cũng nhận mình là ngôn sứ (Lc 4, 24; 13, 33).
“Ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?”
Hêrôđê tò mò muốn biết Ngài là ai.
Ông không tin Đức Giêsu là Gioan bị chém đầu, nay sống lại.
Và ông tìm cách gặp mặt Ngài (c. 9).
Hêrôđê đã được gặp Đức Giêsu trong cuộc Khổ Nạn (Lc 23, 6-12).
Lúc ấy Ngài xuất hiện trong tư cách một phạm nhân.
Dù vậy Hêrôđê cũng vui sướng vì ước ao của mình được thỏa nguyện.
Ông đã nghe Ngài làm được những phép lạ lớn lao,
nên ông ước mong được chứng kiến tận mắt một vài phép lạ.
Tiếc thay Đức Giêsu đã không muốn chiều Hêrôđê.
Ngài đã không trả lời ông, cũng chẳng làm một phép lạ nào.
Ngài thanh thản bình an trước những lời tố cáo của các thượng tế.
Ngài không muốn tránh cái chết mà Ngài biết nằm trong ý định của Cha.
“Ông này là ai?”, Hêrôđê đã tìm thấy câu trả lời khiến ông bị hụt hẫng.
Giêsu chỉ là một anh khờ dại, chỉ đáng bị khinh bỉ và chế giễu.
Cuộc tìm kiếm với nhiều tò mò của Hêrôđê kết thúc.
Ông chẳng bao giờ biết được Đức Giêsu thật sự là ai.
Nhiều người đã đặt câu hỏi: “Ông Giêsu này là ai?” (Lc 5,21; 7,49; 8,25).
Hôm nay nhân loại vẫn đặt câu hỏi quan trọng đó.
Để trả lời, phải bước vào một cuộc hành trình, bỏ lại những thành kiến.
Tò mò, thích những điều giật gân, muốn thấy những điều lạ thường:
tất cả những điều ấy không giúp ta khám phá mầu nhiệm một con người.
Sự thật về Giêsu có khi lại được nhận ra qua cái im lặng cam chịu,
qua sự bất lực đớn đau trên thập giá hơn là qua sự thi thố quyền năng.
Phải đổi toàn bộ cái nhìn của mình để nhận ra được Giêsu là ai,
để không vội vã đánh giá Ngài dựa trên tiêu chuẩn người đời.
Như Hêrôđê, chúng ta có thể có cơ hội gặp mặt Giêsu,
nhưng vẫn không biết Ngài là ai.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
khi đến với Chúa
con tháo bỏ đôi giày: những tham vọng của con
con cởi bỏ đồng hồ: thời khóa biểu của con,
con đóng lại bút viết: các quan điểm của con,
con bỏ xuống chìa khóa: sự an toàn của con,
để con được ở một mình với Ngài,
lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật.
Sau khi được ở với Ngài,
con sẽ xỏ giày vào
để đi theo đường của Chúa,
con sẽ đeo đồng hồ
để sống trong thời gian của Chúa,
con sẽ đeo kính vào
để nhìn thế giới của Chúa,
con sẽ mở bút ra
để viết những tư tưởng của Chúa,
con sẽ cầm chìa khóa lên
để mở những cánh cửa của Chúa. (Graham Kings)
Suy niệm 2: Phù vân chỉ là phù vân
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Nghe những lời đồn thổi về Chúa Giê-su, Hê-rô-đê lo sợ. Vì người ta cho rằng Gio-an Tẩy giả sống lại. Mà ông đã giết chết thánh Gio-an. Có quyền sinh sát. Nhưng ông không có quyền trên lương tâm. Tuy chẳng ai dám phản đối, nhưng lương tâm kêu trách ông. Ông là vua. Nhưng có Đấng cao cả hơn ông. Có quyền phán xét ông. Thưởng phạt ông. Nên ông phải phân vân về việc làm của mình. Ông giết thánh Gio-an Tẩy giả. Giờ đây tiếng máu vô tội giầy vò ông, chất vấn ông. Mọi biến cố đều qua đi. Nhưng cách ta ứng xử với mỗi biến cố lại tồn tại. Và trở thành lời phán xét ta. Vì trên quyền thế trần gian, vẫn còn có Chúa Tể Càn Khôn cầm cân nảy mực. “Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” Đầu chém rồi nhưng trách nhiệm chưa hết đâu!
Có những điều mau qua. Nhưng vẫn còn đó những giá trị vĩnh cửu. Ông Cô-he-lét nói: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao gian lao vất vả dưới ánh nắng mặt trời? Thế hệ này đi, thế hệ kia đến, nhưng trái đất mãi mãi trường tồn”. Ông khám phá ra chân lý. Mọi sự đều hư ảo. Nhưng vẫn có thứ trường tồn. Đừng dại dột vất vả thu tích những gì hư ảo chóng qua như phù vân. Hẫy làm việc mà tìm kiếm điều vĩnh cửu (năm chẵn).
Ét-ra cho biết những gì ngoài Thiên Chúa đều vô ích vì mau qua và không kết quả. Chỉ khi nào ta tôn thờ Thiên Chúa làm mọi việc trong Thiên Chúa bấy giờ mọi thứ mới vững bền. Vì thế phải làm việc cho Thiên Chúa và trong Thiên Chúa. Nếu chỉ làm cho bản thân mọi sự sẽ suy tàn: “Các ngươi hãy để tâm suy cho kỹ về lối sống của các ngươi. Các ngươi gieo vãi nhiều, nhưng thu hoạch chẳng bao nhiêu. Các ngươi ăn mà không đủ no, uống không đủ say, mặc không đủ ấm. Đồng lương của người làm thuê lọt qua túi thủng. Đức Chúa các đạo binh phán thế này: Các ngươi hãy để tâm suy cho kỹ về lối sống của các ngươi. Hãy lên núi, đưa gỗ về tái thiết Đền Thờ cho Ta. Ta sẽ lấy làm vui và tỏ vinh quang Ta ở đó” (năm lẻ).
Khi có Chúa ở cùng mọi việc sẽ tốt đẹp. Đất sẽ trổ sinh hoa trái. Hãy ở trong Chúa. Hãy làm việc trong Chúa. Kết quả sẽ vững bền. Ngoài Chúa tất cả là hư vô. Là phù vân trên mọi phù vân.
Suy niệm 3: Dấu hỏi cho người khác
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Trong những dòng cuối cùng của Thông điệp "Hòa Bình Dưới Thế", Ðức Gioan XXIII đã định nghĩa một người Kitô hữu chân chính: Mỗi người Kitô hữu trong thế giới phải là một mảnh sao băng chiếu sáng, là tụ điểm của tình yêu, là men sống động giữa anh em mình. Người Kitô hữu càng đóng trọn vai trò của mình, khi càng sống mật thiết với Chúa. Người Kitô hữu không sống cho mình, nhưng sống cho và vì người khác. Một mảnh sao băng chỉ chợt lóe lên rồi lịm tắt, nhưng cũng đủ thu hút con người về một góc trời nào đó; một chút men bé nhỏ trong khối bột, nhưng cũng đủ làm dậy cả khối bột. Như thế đó, sự hiện diện của người Kitô hữu, có sức thu hút, tạo chú ý, quấy rầy lương tâm người khác, nếu cuộc sống ấy là một cam kết, một dấn thân trọn vẹn.
Tin Mừng hôm nay cũng muốn nhắc nhở chúng ta về chân lý ấy. Qua lời nói, việc làm, và nhất là cuộc sống của Ngài, Chúa Giêsu đã không ngừng là một dấu hỏi cho người đương thời. Mỗi người một câu trả lời, nhưng bất cứ ai cũng được mời gọi để bày tỏ lập trường đối với con người của Chúa Giêsu. Riêng Vua Hêrôđê, ông tiến thêm một bước là muốn đến gặp Chúa Giêsu.
"Còn các con, các con bảo Thầy là ai?" Câu hỏi ấy, Chúa Giêsu không ngừng đặt ra cho chúng ta, và qua chúng ta, Ngài tiếp tục đặt ra cho mọi người. Qua cuộc sống của mình, người Kitô hữu cũng phải là một câu hỏi cho những người chung quanh; và dĩ nhiên câu hỏi càng trở nên dồn dập khi cuộc sống ấy là một hành trình đi ngược dòng đời.
Giữa một xã hội lấy bon chen làm khuôn vàng thước ngọc, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là một câu hỏi, nếu họ tiếp tục sống tinh thần nghèo khó. Giữa một xã hội lấy hận thù làm luật sống, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là một câu hỏi nếu họ vẫn tiếp tục yêu thương và tha thứ đến cùng. Giữa một xã hội mà nhiều người thường buông xuôi, thất vọng, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là câu hỏi, nếu họ tiếp tục sống lạc quan tin tưởng vào Ðấng luôn hiện diện trong lịch sử nhân loại. Giữa một xã hội mà sự tử tế đối với nhau đã thành một thứ xa xỉ phẩm, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là một câu hỏi, nếu họ tiếp tục sống tử tế với mọi người, ngay cả những người thù địch. Sống như thế quả là một đòi hỏi gay go, nhưng đó không chỉ là một cố gắng suông, mà là một thể hiện của một cuộc sống mật thiết với Chúa. Không có ơn Chúa, không sống kết hiệp với Chúa, người Kitô hữu không thể đi đến cùng những cam kết sống chứng nhân của họ.
Xin Chúa ban thêm sức mạnh, để trong cuộc sống chứng tá, chúng ta luôn xác tín rằng chúng ta đang sống nhờ Chúa, với Chúa và cho Chúa.
Suy niệm 4: Kinh nghiệm của vua Hêrôđê
(‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Bài Phúc Âm hôm nay nhắc chúng ta nhớ đến mối tương quan giữa Chúa Giêsu và vua Hêrôđê. Vua Hêrôđê là ai? Dựa theo vài chi tiết trong Phúc Âm, chúng ta có thể nói ông là một con người dám làm điều nghịch lại với lương tâm mình vì say mê quyền hành và danh vọng. Dĩ nhiên, ông biết rõ điều gì đúng và điều gì sai, ông biết rằng ông không nên sống với người đàn bà không phải là vợ của mình, ông biết rõ ông không nên chiều theo áp lực của những bạn bè, ông biết rõ ông không được giết người vì sự sống con người là thiêng thánh. Nhưng ông đã làm những điều xấu đó, ông đã hành động nghịch lại với lương tâm vì áp lực xã hội. Khuyết điểm khác nữa cũng của vua Hêrôđê là sau khi đã hành động nghịch lại lương tâm, ông muốn trấn an lương tâm và thuyết phục mình rằng không có gì sai quấy trong việc đã làm. Ông đã giết chết Gioan Tẩy Giả, nhưng khi ông thấy Chúa Giêsu Kitô thì ông tự nhủ là Gioan đã sống lại và như thế thì mình không có lỗi gì và rằng điều xấu ông đã làm đã được đền bù. Vua Hêrôđê đã hành động nghịch lại lương tâm và tệ hại nhất là việc ông không muốn đối diện với yêu cầu của lương tâm, ông đã hành động nghịch lại với lương tâm và muốn che đậy những gì mình đã làm.
Căn bệnh của vua Hêrôđê tiếp tục là căn bệnh của chúng ta. Nhiều người trong chúng ta hành động nghịch lại với lương tâm; chúng ta biết rõ điều gì nên làm nhưng chúng ta lại không làm điều đó, vì chúng ta sợ kẻ khác sẽ nói; chúng ta biết rõ điều gì nên làm nhưng chúng ta lại không làm, bởi vì chúng ta yêu thích những niềm vui nhục dục hơn mọi sự khác; chúng ta biết rõ điều gì nên làm, lương tâm chúng ta dạy chúng ta rằng chúng ta nên sống liêm chính, nhưng chúng ta vẫn gian lận với nhau và lường gạt những kẻ thân yêu nhất, bởi vì rất dễ làm như vậy. Ðiều tệ hại là sau khi đã hành động nghịch lại lương tâm chúng ta che đậy căn bệnh bằng miếng băng cứu thương và giả đò mọi sự vẫn như bình thường. Sau khi hành động nghịch lại lương tâm, chúng ta che đậy tội ác, dường như thể không có gì xảy ra cả.
Thật là khủng khiếp biết chừng nào việc chúng ta phạm tội rồi chối bỏ không nhận tội. Tội nặng nề nhất của thời đại chúng ta là việc chối bỏ điều tội trong chúng ta. Chúng ta hãy trở về lại nơi chúng ta cần phải làm, trở về lại với bản tính tự nhiên của mình. Có lúc vua Hêrôđê khao khát muốn gặp Chúa Giêsu, chúng ta không biết đây là vì tò mò hay là vì tiếng lương tâm thúc đẩy, vì trong nội tâm còn có chút khao khát muốn thoát ra khỏi vòng nô lệ của tội lỗi, nhưng khao khát của vua Hêrôđê có lẽ còn quá yếu ớt và có thể là vì những điều trần tục và những sự đam mê không được phép bóp chết đi.
Chúa Giêsu đã cho vua Hêrôđê được dịp gặp Ngài trong cuộc thương khó và chúng ta biết rõ vua Hêrôđê đã bỏ qua tất cả cơ hội để sống với thực thể thật của Chúa Giêsu, đã bỏ mất cơ hội canh tân đời sống mình. Chúng ta hãy học lấy kinh nghiệm của và từ vua Hêrôđê, ông đã hành động nghịch lại lương tâm và đã che giấu tội ác của mình.
Phần chúng ta, ước chi chúng ta không rơi vào cùng một lỗi lầm như vậy và cũng đừng bóp chết chút khao khát còn sót lại trong tâm hồn sau phút lầm lỗi, để khiêm tốn ăn năn thống hối trở về với tình yêu Thiên Chúa.
Lạy Chúa,
Xin thương hướng dẫn con trở về với Chúa mỗi lần con lầm lỗi, xúc phạm đến Chúa và anh chị em chung quanh. Xin cho con biết lắng nghe lương tâm và thực hành và thực hành điều lương tâm chỉ dạy.
Suy niệm 5: Đức Giêsu gây nhiều câu hỏi
“Ông Gio-an ta đây đã chém đầu rồi! Vậy ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?”Rồi vua tìm cách thấy mặt Đức Giêsu. (Lc. 9, 9)
Không phải quá khứ mới đặt câu hỏi về Người. Ngày nay vẫn còn nhiều câu hỏi lúng túng hơn xưa về Đức Giêsu. Lúc còn sinh thời, Người đã có vấn đề. Ông hoàng Hê-rô-đê xứ Galilê nghe tất cả những điều Người nói và làm. Ngay ở một thời, cả khối trung đông không cóvấn đề gì lớn,thế mà ông đã có những thông tín viên săn lùng tin tức cho ông. Tiếng tăm về Đức Kitô lan ra hầu khắp nơi. Những ý kiến về Người: tốt có, xấu có được loan truyền rộng rãi như trong thế giới chúng ta hiện nay.
Phải chọn lựa thế nào? làm sao biết được chính xác về nhân vật kỳ lạ nay?
Những người này coi Người là Gio-an Tẩy Giả đã sống lại. Những người khác cho là Ê-li-a tái xuất hiện. Nhiều kẻ nói: đây là một trong những tiên tri thời xưa sống lại. Họ đã có ý kiến khác xa nhau về cùng một vấn đề, quần chúng dễ tin và hầu như lúc nào cũng thèm khát những điều lạ lùng dễ cảm động. Đức Kitô, qua sứ điệp và cử chỉ cư xử của mình, đã nuôi nấng cái lòng ham thích lẫn lộn của những hạng người nhỏ bé chỉ biết hướng về cái trước mắt và tầm thường.
Hê-rô-đê bối rối về những tin đồn về Đức Giêsu, vì ông không bao giờ có lương tâm yên ổn. Ông không thể quên Gio-an đã bị ông ra lệnh chém đầu. Ông luôn tự vấn, nếu chém đầu một người vô tội và thánh thiện, sẽ bị công lý trừng phạt. Ông cũng muốn gặp Đức Giêsu. Ông mong có ngày sẽ gặp Người, nhưng như với Gio-an, ông sẽ bỏ qua một bên ơn phúc được ban cho ông.
Những người của thế kỷ chúng ta vẫn tiếp tục tra hỏi về Đức Kitô. Những người này khám phá thấy Người là con Thiên Chúa và con Đức Maria. Những người khác chẳng bao giờ đi đến cùng sự thật về căn tính của Người.
Bất hạnh thay! Tại sao thế? vì lý lẽ của họ giống như của Hê-rô-đê, không có lòng khiêm tốn cần thiết để chấp nhận những điều khó hiểu của đức tin và họ không có tinh thần từ bỏ mà đức tin yêu cầu. Sự thật về Đức Kitô, theo Tin Mừng của Người là một thách đố phiền phức. Chỉ có những người có tinh thần nghèo khó mới có thể được nâng lên tới đỉnh vinh quang.
GF
Suy niệm 6: Xin cho lương tâm được lên tiếng
Xem thêm thứ Bảy tuần 17 TN
Tin Mừng hôm nay cho thấy vua Hêrôđê hoang mang vì nghe người ta đồn Gioan Tẩy Giả đã chết mà nay sống lại. Ông lo lắng vì tin đồn này đã đụng đến tận căn hành vi tội ác của ông. Bởi vì ông là một người nhu nhược và ham mê sắc dục, nên đã đang tâm giết một người công chính là Gioan Tẩy Giả, chỉ vì ngài đã dám lên tiếng bênh vực sự thật và tố cáo hành vi sai quấy của ông.
Như vậy, hôm nay, một lần nữa hình ảnh vua Hêrôđê xuất hiện đã gợi lại cho chúng ta về bản chất của con người ác tâm, thất đức này. Tuy nhiên, căn bệnh của vua Hêrôđê cũng không khó kiếm trong xã hội của chúng ta, nhất là những người làm lớn.
Hằng ngày, chúng ta vẫn chứng kiến cảnh vì lợi ích của một người hay một nhóm người, mà gây nên biết bao oan sai, thất đức cho những người chân yếu tay mềm! Lại cũng vẫn còn đó những người chỉ vì miếng cơm manh áo mà chối bỏ lương tâm và thi hành những điều bất chính. Hay vì những thú vui xác thịt, chóng tàn, mau qua và đi đến chuyện giết người dã man, ghê rợn.
Thật vậy, căn bệnh của vua Hêrôđê cũng vẫn và sẽ tồn tại trong xã hội của chúng ta, nếu chúng ta không can đảm để tra tay cắt đi khối “ung nhọt” ghê tởm đó ra khỏi lương tâm, và không tìm cách để chữa trị bằng đời sống đạo đức, tôn trọng lẽ phải, công bằng và thực thi bác ái...
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ý thức được con người của mình là yếu đuối, bất toàn, nên cần phải hồi tâm để kịp thời trở về với bản chất: “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”. Không được vô cảm và phủi tay, hay gán ghép điều xấu cho người khác, để mình vô tội, rồi vô tư đến nỗi: “Bình chân như vại” như không có chuyện gì xảy ra!
Nếu chúng ta rơi vào tình trạng trên, hẳn chúng ta là một hạng người đê hèn và đáng trách, nhu nhược và đáng bị nguyền rủa. Cũng cần cảnh giác quan niệm chân lý thuộc về số nhiều mà chúng ta dễ bị “hiệu ứng đám đông” chi phối, làm cho chúng ta bị mập mờ không biết đâu là đúng, là sai, nhắm mắt đi theo những lời lẽ ngon ngọt của những kẻ nịnh bợ, rồi như một sự phát sinh tất yếu, chúng ta hành động chẳng khác gì những kẻ ác tâm, thất đức.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con trở nên những con người tốt và biết thi hành điều tốt cho anh chị em chúng con. Xin Chúa cũng tha thứ tội lỗi cho chúng con và ban cho chúng con ơn sám hối để trở về với Chúa. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy niệm 7: Vấn nạn cho người đương thời: Chúa Giêsu là ai?
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Tư tưởng và hành động của Chúa Giêsu đã tạo ra vấn nạn cho người đương thời: Chúa Giêsu là ai? Trải qua các thời đại, cho đến hôm nay, người ta vẫn không ngừng tìm hiểu về Ngài: Bởi vì con người Giêsu là một mầu nhiệm.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, những người Do thái đã gặp gỡ Chúa, đã sống với Chúa, nhưng họ vẫn không biết rõ về Chúa. Vua Hê-rô-đê đã nghe dư luận về Chúa và ông thắc mắc muốn tìm hiểu để biết Chúa là ai. Nhưng cuối cùng ông không được toại nguyện, vì ông chỉ muốn thoả mãn tính hiếu kỳ mà thôi.
Lời Chúa hôm nay nhắc con tự vấn thái độ của con qua những lần con gặp Chúa trong thánh lễ và các bí tích. Khi tìm hiểu lời nói, hành động của Chúa trong Tin Mừng, con ngỡ rằng đã hiểu Chúa nhiều hơn, nhưng thực ra nhiều lần con đã chẳng hiểu gì. Xin Chúa giúp con không bao giờ đóng khung khuôn mặt của Chúa trong những chữ viết, trong những thành kiến, nhưng biết khám phá khuôn mặt Chúa đang sống động trong cuộc đời con, nơi anh em con, nhất là nơi những người nghèo khổ và bất hạnh.
Lạy Chúa, không ai có thể khám phá khuôn mặt Chúa thay con được, nhưng chính con phải tự khám phá trong suốt cả cuộc đời. Xin Chúa giúp con luôn kiên nhẫn kiếm tìm. Xin ban cho con đôi mắt luôn trong sáng để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong từng giây phút của cuộc sống. Xin ban cho con đôi tai luôn biết mở rộng để lắng nghe tiếng Chúa gọi mời. Xin giúp con sống điều Chúa dạy để người khác cũng nhận ra bóng dáng Chúa đáng yêu nơi chính cuộc đời con. Amen.
Ghi nhớ: “Ông Gioan đã bị trẫm chém đầu rồi, ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế”.
Suy niệm 8: Chúa Giêsu, Ngài là ai?
(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Lạ lùng vì được thụ thai trong lòng một bà già đã quá tuổi sinh con.
Lạ lùng vì khi đang còn ở trong bụng mẹ, đã được sạch tội tổ tông.
Lạ lùng vì khi đang còn thanh niên đã lên núi, sống cuộc đời thinh lặng và khắc khổ.
Lạ lùng vì khi được dân chúng hoan hô khen ngợi như Đấng Cứu Thế, thì vẫn khiêm nhượng xưng mình chỉ là kẻ dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến.
Lạ lùng vì cái chết đầy anh dũng để bảo vệ Luật Chúa: Chết vì bị các kẻ dâm ô chặt đầu bỏ trên đĩa để cười đùa.
Đó là Gioan Tẩy giả…
Suy niệm
Chúa Giêsu đã không ngừng là một dấu hỏi cho người đương thời, với những giáo huấn mới lạ đầy quyền uy, những phép lạ làm cho người câm nói được, người điếc được nghe, người mù thấy được, người què và bại liệt đi lại được, người bị quỷ ám được giải thoát…
Vua Hêrôđê phân vân trước những phản ứng của người đời nói về Đức Giêsu: Ngôn sứ Êlia, vị ngôn sứ phải đến chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế, hay Gioan Tẩy giả mà chính mình đã sát hại nay sống lại hay một ngôn sứ thời xưa đã sống lại… Hêrôđê đã tự đặt câu hỏi về Chúa Giêsu: “Ngài là ai?” Và ông đã tìm cách tiếp xúc với Ðức Giêsu để khám phá ra con người của Ngài. Tuy nhiên, Hêrôđê đã không được diện kiến Chúa Giêsu trong suốt thời gian Ngài đi công bố Tin Mừng vì ông muốn gặp Chúa Giêsu để thỏa mãn óc hiếu kỳ, sự tò mò... chứ không phải đi tìm kiếm chân lý với sự cảm phục yêu mến như Giakêu (x. Lc 19,3-4) đã được gặp Ngài và được ơn công chính… Hêrôđê không gặp được Ngài vì quyền năng của Thiên Chúa chưa muốn tỏ hiện: “Vì giờ của Con Người chưa đến” (Ga 7,30b). Chỉ khi giờ đến, những ngày cuối cùng của Chúa Giêsu: Philatô chuyển giao Ngài cho ông nên ông mới gặp được Chúa: “Hêrôđê mừng rỡ lắm, vì từ lâu vua muốn gặp Người” (Lc 23,8). Nhưng vua không nhận ra Ngài là ai. Cơ hội gần kề nhưng vua không tận dụng được cơ hội khám phá ra nguồn chân lý.
“Chúa Giêsu, Ngài là ai”. Mỗi người một câu trả lời, nhưng bất cứ ai cũng được mời gọi để bày tỏ lập trường đối với con người của Chúa Giêsu. Riêng vua Hêrôđê muốn đến gặp Chúa Giêsu vì tò mò. Chúng ta, những người Kitô hữu, biết hướng về Chúa, kiếm tìm và ao ước gặp Chúa trong cuộc sống vì Ngài “là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).
Ý lực sống
Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài (Tv 25,4c.5a).
Suy niệm 9: Hêrôđê thắc mắc về Đức Giêsu
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
Khi nghe biết những phép lạ, những việc làm đầy quyền năng của Đức Giêsu, Hêrôđê đã tự đặt câu hỏi về Ngài: Đức Giêsu là ai? Theo dư luận, người thì cho là Gioan Tẩy giả sống lại, người thì cho là Êlia hiện ra hay một tiên tri ngày xưa sống lại. Ông sợ vì nếu Gioan Tẩy giả sống lại thật thì ông sẽ bị Gioan hỏi tội, bởi ông đã ra lệnh chém đầu Gioan. Ông phân vân. Vì thế, ông tìm cách gặp Đức Giêsu để khám phá ra con người của Ngài.
Tin mừng hôm nay cho thấy vua Hêrôđê hoang mang vì nghe người ta đồn Gioan Tẩy giả đã chết mà nay đã sống lại. Ông lo lắng vì tin đồn này đã đụng đến tận căn hành vi tội ác của ông. Bởi vì ông là một người nhu nhược và ham mê sắc dục, nên đã đang tâm giết một người công chính là Gioan Tẩy giả, chỉ vì ngài đã dám lên tiếng bênh vực sự thật và tố cáo hành vi sai quấy của ông.
Như vậy, hôm nay, một lần nữa hình ảnh Hêrôđê xuất hiện đã gợi lại cho chúng ta về bản chất của con người ác tâm, thất đức này. Tuy nhiên, căn bệnh của vua Hêrôđê cũng không khó kiếm trong xã hội chúng ta, nhất là những người làm lớn.
Hêrôđê tìm Chúa vì phân vân
Những gì ghi nhận của mọi người về Đức Giêsu không phải là sai, nhưng chưa đủ, mà chỉ nói lên được một khía cạnh trong sự tròn đầy của khuôn mặt Đức Giêsu là Chúa: Êlia, Gioan Tẩy giả. Khi nghe những lời đồn đại về Đức Giêsu, quận vương Hêrôđê đã phân vân và tìm cách gặp Ngài. Có thể cuộc gặp này để kiểm chứng thực hư, nhưng tiếc là ông ta không có cơ hội, mà đến Ngày Chúa bị kết án thì ông mới được Philatô giải đến cho gặp.
Còn chúng ta? Có bao giờ chúng ta dành ra những phút hồi tâm suy nghĩ về Thiên Chúa hiện hữu và tác động trên đời ta, qua những dấu chỉ cuộc sống, qua những gương chứng nhân, qua phụng vụ bí tích, qua đời sống đạo... để rồi chúng ta đến gặp Chúa và tạ ơn Người không?
Hêrôđê tìm gặp Chúa vì lương tâm cắn rứt
Nói về lương tâm con người, dân gian có câu:
Hổ giết người hổ lăn ra ngủ, Người giết người thức đủ năm canh.
Thái độ thứ hai của Hêrôđê là hoang mang vì đã đổ máu người vô tội. Chính vì một chút sĩ diện và ham mê nhục dục mà ông đã ra tay giết hại thánh Gioan Tẩy giả. Bây giờ nghe dân chúng đồn đoán Gioan đã sống lại nơi Đức Giêsu thì ông hoang mang muốn gặp... Sự xuất hiện của Chúa đã làm phơi bày ra những tội ác của kẻ ác, và đặt mọi người vào thế đối diện với chính mình và phải tự vấn lương tâm. Điều này cho thấy, khi chúng ta hành động tội lỗi, thì lương tâm sẽ cắn rứt và làm cho chúng ta mất bình an (trừ khi lương tâm đã ra chai đá). Để tìm lại sự bình an, chúng ta hãy mau tìm đến gặp Chúa nơi Bí tích Giải tội, để được Chúa tha thứ và giúp chúng ta hoà giải với Chúa và tha nhân.
Hêrôđê tìm cách gặp Đức Giêsu có lẽ do một sự sợ hãi: hình ảnh Gioan Tẩy giả ông giết chết vẫn còn ám ảnh tâm trí ông. Người chết thì không làm hại. Nhưng nếu quả thật ông Giêsu hay làm phép lạ này chính là Gioan tái sinh thì ông không thể ăn ngon ngủ yên được. Nhất định ông phải gặp cho bằng được ông Giêsu đó thôi. Ông muốn gặp được Giêsu chỉ để chứng kiến một vài phép lạ, để kiểm chứng có thật Gioan tái sinh hay không. Thế rồi một ngày kia ông cũng được thỏa lòng mong đợi. Đức Giêsu bị bắt và Philatô giao nộp Người cho Hêrôđê. Hoá ra Giêsu đang đứng trước mặt ông đây, thân tàn ma dại như thế này thì có hòng làm hại nổi ai. Ông đã thấy Chúa và ru ngủ lương tâm của mình, nhưng rồi ông vẫn không hối cải. Rồi, “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, Hêrôđê ông kết thân với Philatô, giao nộp Chúa cho ông này tuyên án tử hình cho Chúa (5 phút mỗi ngày).
Truyện: Cần làm chứng cho Chúa
Thế gian hôm nay đang cần những chứng nhân. Chúng ta hãy là những chứng nhân cho một Thiên Chúa đang sống cho thế giới hôm nay.
Sau đây là một cuộc đối thoại độc đáo giữa một người tân tòng Công giáo và một người vô thần.
- Anh đã theo đạo Công giáo rồi sao?
- Vâng, nói đúng và rõ hơn, tôi đã xin theo Đức Kitô.
- Thế thì chắc anh biết rất nhiều về ông ta, vậy anh hãy nói cho tôi biết ông ta sinh ra trong quốc gia nào?
- Tôi rất tiếc là tôi đã có học những chi tiết này trong một khoá giáo lý, nhưng tôi lại quên mất.
- Thế khi chết, ông ta được bao nhiêu tuổi?
- Tôi không nhớ rõ lắm nên cũng không dám nói.
- Vậy anh có biết ông ta đã thuyết giảng bao nhiêu bài, có bao nhiêu tác phẩm ông ta để lại, nói chung, về cuộc đời sự nghiệp của ông ta?
- Tôi không nhớ hết được.
- Như vậy, anh biết quá ít, quá mơ hồ để có thể quả quyết là anh đã thực sự theo ông Kitô.
- Anh chỉ nói đúng một phần. Tôi rất hổ thẹn vì mình đã biết quá ít về Đức Kitô. Thế nhưng, điều mà tôi biết rất rõ là thế này: ba năm trước, tôi là một tên nghiện rượu, sáng say chiều xỉn, nợ lút đầu lút cổ. Gia đình tôi xuống dốc một cách kinh khủng. Mỗi tối khi trở về nhà, vợ và các con tôi đều tức giận và buồn tủi. Thế mà, bây giờ thì tôi đã dứt khoát bỏ rượu và đã cố gắng trả được hết nợ nần, gia đình tôi đã tìm lại được hạnh phúc, các con tôi ngong ngóng chờ đợi tôi về nhà mỗi tối sau giờ làm ca. Tất cả những điều này, không ai khác hơn, chính Đức Kitô đã làm cho tôi. Và đó là tất cả những gì tôi biết về Ngài.
Suy niệm 10: Chúa Giêsu thực sự là ai?
(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Hạt giống...
Phản ứng của vua Hêrôđê trước dư luận về Chúa Giêsu:
- Những dư luận về Chúa Giêsu:
a/ Gioan tẩy giả sống lại,
b/ Êlia hiện ra,
c/ một tiên tri thời xưa sống lại.
- Phản ứng của Hêrôđê:
a/ Hơi sợ, vì nếu Gioan tẩy giả sống lại thật thì ông sẽ bị Gioan hỏi tội, bởi ông đã ra lệnh chém đầu Gioan;
b/ Mặt khác, vốn chịu ảnh hưởng văn hóa hy lạp, ông không tin vào việc sống lại, cho nên ông không nghĩ rằng Chúa Giêsu là Gioan, Êlia hay bất cứ một tiên tri nào khác sống lại;
c/ tuy nhiên ông không thể cắt nghĩa việc Chúa Giêsu làm những phép lạ. Tóm lại, ông phân vân. Vì thế ông tìm cách gặp Chúa Giêsu.
B.... nẩy mầm.
1. Ngày xưa có nhiều dư luận về Chúa Giêsu. Các tông đồ đã đi khắp nơi để làm chứng cho người ta hiểu đúng Chúa Giêsu thực sự là ai.
Ngày nay cũng có nhiều dư luận sai lạc về Chúa Giêsu. Người ta nghĩ Ngài là ai? (những người của các tôn giáo khác nghĩ gì? những người vô thần nghĩ gì? những người đầu óc nặng thành kiến khoa học, thực dụng nghĩ gì?…) Thực ra, Chúa Giêsu là Ai? Tôi phải làm chứng cho Ngài thế nào?
2. Hêrôđê tìm cách gặp Chúa Giêsu chỉ để giải đáp một thắc mắc và để thỏa mãn một sự tò mò. Phần tôi thì tìm gặp Chúa Giêsu để xin ơn. Như thế có đủ và đúng chưa?
3. Dù muốn hay không, người ngoài Giáo Hội vẫn đồng hóa Kitô hữu với Đức Kitô. Thấy kitô hữu thế nào thì họ nghĩ Đức Kitô thế ấy. Vì thế, dù muốn hay không, cách sống của kitô hữu cũng là một lời chứng về Đức Kitô. Làm chứng đúng hay sai, tốt hay xấu là trách nhiệm nặng nề của chúng ta.
4. Chúa Giêsu đã là một dấu hỏi cho những người thời Ngài. Mỗi người chúng ta cũng phải là một dấu hỏi cho những người thời nay. Một kiểu sống rập khuôn “ai sao tôi vậy”, một kiểu sống sợ bị người khác coi là khác thường… không phải là một dấu hỏi. Ta không chủ trương sống lập dị, nhưng ta không có quyền che dấu những nét đẹp độc đáo của niềm tin chúng ta.
5. Vua Hêrôđê nói: ‘Ông Gioan, ta đây đã cho chém đầu. Vậy ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?’ Vua Hêrôđê tìm cách thấy mặt Chúa Giêsu” (Lc 9,9)
Khi nghe dư luận đồn về Chúa Giêsu: “Đó là Gioan từ cõi chết chỗi dậy” hay “Ông Êlia xuất hiện”… vua Hêrôđê tìm dịp gặp Chúa Giêsu để xem Ngài là ai.
Khác với Hêrôđê, để tìm gặp Chúa, Dakêu đã dấn bước lên đường. Ông leo cây và đã bắt gặp ánh mắt Chúa giữa đám đông. Ông đã biến đổi hoàn toàn. Còn Nicôđêmô lại tìm Chúa trong khung cảnh tĩnh mịch ban đêm.
Tôi cũng tìm Ngài trong cuộc đời, trong những giờ phút thinh lặng cầu nguyện, trong tiếng cười nói vui đùa của trẻ thơ, hay trong muốn người tôi gặp gỡ. Và tôi tin rằng Chúa sẽ không chối từ khi tôi biết mở lòng ra đón Ngài.
Lạy Chúa, niềm vui và hạnh phúc của con là được gặp Ngài trong cuộc đời. (Hosanna).
Suy niệm 11: Thắc mắc về Chúa trong cuộc sống
(Lm Giuse Đinh Tất Quý)
1. Trước những dấu lạ Chúa Giêsu làm, Tiểu vương Hêrôđê thắc mắc về Ngài: Ông ấy là ai? Ít ra Hêrôđê cũng đang biết thắc mắc về Chúa.
Nhìn vào cuộc sống của rất nhiều người trên thế giới hôm nay kể cả những người có đạo, chúng ta nhận thấy có nhiều người tỏ ra dửng dưng trước những vấn đề có liên hệ đến vận mạng cuối cùng của cuộc đời. Đối với họ thì cái cần thiết bây giờ là những gì đang có ở trước mắt như cơm áo gạo tiền. Ngoài ra không có gì đáng kể.
Năm 1904, Hàn lâm viện Hoàng gia Anh đã tổ chức một cuộc triển lãm tranh, trong đó có trưng bày một bức họa tựa đề: “Người bị khinh chê chối bỏ”. Bức hoạ vẽ Chúa Giêsu đứng trước nhà thờ chính tóa Thánh Phaolô, trong một khu phố ở trung tâm thành phố Luân đôn. Đây là khu đông đúc dân cư nhưng không một ai để ý tới Ngài. Một người đàn ông vừa đi vừa đọc báo, suýt đâm thẳng vào Chúa. Một khoa học gia bận bịu với những ống nghiệm, không nhìn lên Chúa. Một chức sắc trong hàng giáo phẩm hiên ngang ngẩng đầu tiến bước, nhưng không thấy Chúa. Một nhà thần học đang hăng say thuyết giảng về Đức Kitô mà không nhìn thấy Ngài. Duy nhất chỉ có một nữ tu nhìn thấy Chúa, nhưng vẫn dửng dưng bước đi trên con đường của mình.
Ông William Barclay, một học giả Kinh Thánh nổi tiếng trong thành phố Luôn Đôn đã bình luận về bức họa như sau: “Hoàn cảnh này cũng thường xảy ra trong cuộc sống hôm nay. Nếu Đức Giêsu tái xuất hiện, có lẽ cũng chả ai chú ý tới Ngài. Người ta còn bận tâm về đủ thứ chuyện thực tế hơn là việc lưu tâm tới Chúa, chẳng ai thắc mắc “Đức Giêsu là ai?”
2. Khi người ta không còn lưu tâm, không còn thắc mắc về Thiên Chúa nữa thì điều gì sẽ xảy ra? Hãy nhìn vào phần lớn cuộc sống hôm nay, chúng ta sẽ có câu trả lời.
Đó là một cuộc sống không có, không cần Thiên Chúa. Con người tự cho mình quyền làm chủ cuộc đời mình và một khi con người tự cho mình có quyền như thế thì mọi sự kể cả những gì là ghê tởm nhất, độc ác nhất đều có thể xảy ra.
Một hôm thần dữ Satan triệu tập tất cả các sứ giả của mình lại để sai đến trần gian với sứ mạng duy nhất này là giải thích cho con người biết Thiên Chúa đã chết rồi.
Các sứ giả ra đi. Nhưng không bao lâu sau tất cả đều trở về. Thần dữ Satan ngạc nhiên hỏi:
- Tại sao các ngươi thực hiện công tác nhanh như thế? Hay là có chuyện gì trục trặc?
Các sứ giả đồng thanh đáp:
- Thưa Ngài, chúng tôi không còn việc gì để làm nữa. Bởi vì tất cả những nơi chúng tôi đi qua trên trần gian, nơi nào con người cũng sống như thể Thiên Chúa đã chết rồi. Họ hận thù, chém giết nhau, gian tham, trộm cắp. Không có gì xấu mà con người không làm. Dù nhiều người vẫn còn xưng mình là kẻ tin Thiên Chúa, nhưng cách sống của họ không hề biểu lộ niềm tin này mà ngược lại chẳng khác gì Thiên Chúa đã chết rồi. Như vậy, chúng ta đâu cần tốn công thuyết phục con người nữa.
3. Thế giới hôm nay đang cần những chứng nhân. Chúng ta hãy là những chứng nhân cho một Thiên Chúa đang sống để thế giới hôm nay:
Sau đây là một cuộc đối thoại độc đáo giữa một người tân tòng Công giáo và một người vô thần:
- Anh đã theo đạo Công giáo rồi sao?
- Vâng, nói đúng và rõ hơn, tôi đã xin theo Đức Kitô.
- Thế thì chắc anh biết rất nhiều về ông ta, vậy anh hãy nói cho tôi biết ông ta sinh ra trong quốc gia nào?
- Rất tiếc là tôi đã có học những chi tiết này trong một khóa giáo lý, nhưng tôi lại quên mất.
- Thế khi chết, ông ta được bao nhiêu tuổi?
- Tôi không nhớ rõ lắm nên cũng không dám nói.
- Vậy anh có biết ông ta đã thuyết giảng bao nhiêu bài, có bao nhiêu tác phẩm ông ta để lại, nói chung, về cuộc đời sự nghiệp của ông ta?
- Tôi không không nhớ hết được.
- Như vậy, anh biết quá ít, quá mơ hồ để có thể quả quyết là anh đã thực sự theo ông Kitô.
- Anh nói đúng một phần. Tôi rất hổ thẹn vì mình đã biết quá ít về Đức Kitô. Thế nhưng, điều mà tôi biết rất rõ là thế này: ba năm trước, tôi là một tên nghiện rượu, sáng say chiều xỉn, nợ lút đầu lút cổ. Gia đình tôi xuống dốc một cách kinh khủng. Mỗi tối khi trở về nhà, vợ và các con tôi đều tức giận và buồn tủi. Thế mà, bây giờ thì tôi đã dứt khoát bỏ rượu và đã cố gắng trả được hết nợ nần, gia đình tôi đã tìm lại được hạnh phúc, các con tôi ngong ngóng chờ đợi tôi về nhà mỗi tối sau giờ làm ca. Tất cả những điều này, không ai khác hơn, chính Đức Kitô đã làm cho tôi. Và đó là tất cả những gì tôi biết về Ngài.
Suy niệm 12: Thánh Gioan Tẩy giả bị chết
(Lm. Micae Võ Thành Nhân)
Nếu Chúa cứ sống mãi trên thiên quốc, chúng ta có thể dựa vào lý do đó mà chúng ta nói rằng làm sao chúng ta vươn tới, làm sao chúng ta noi gương bắt chước để chúng ta sống trong cuộc đời làm người này, bởi Chúa quá cao vời, quá thẳm sâu, ai nào hiểu thấu. Thế nhưng Chúa đã từ bỏ tất cả địa vị là một Thiên Chúa để Chúa xuống thế làm người, sống như chúng ta mọi đàng, chỉ trừ là Chúa sống có tội (xPl 2, 6 – 11). Vì vậy, Chúa là mẫu gương cho chúng ta noi theo. Hay nói cách khác, Chúa là tấm gương để chúng ta soi rọi cuộc đời mình vào đấy mà nhận biết mình đúng hay sai, tốt hay xấu, lành hay dữ, thiện hay ác và rồi chúng ta chỉnh trang, sửa đổi lại cuộc sống của mình theo thánh ý Chúa.
Trong chiều hướng này, khi vua Hêrôđê nghe biết tất cả những việc Chúa đã làm như là Chúa trừ quỷ, chữa lành bệnh tật, rao giảng Tin Mừng, phục sinh kẻ chết, và Chúa là một vị Thiên Chúa tốt lành vô cùng. Ông đã soi rọi cuộc đời của ông trước sự hiểu biết về Chúa, ông đã thấy hành động của ông là giết chết thánh Gioan Tẩy Giả là một tội ác, quá lớn, quá nặng nề. Cho nên ông bối rối, ông áy náy, ông dằn vặt lương tâm, ông lo sợ, ông mất ăn mất ngủ, xương cốt ông bị nghiền ngáu và dập nát bao lâu ông còn cố chấp trong tội, không đi xưng thú với Chúa (Tv 29).
Trong lúc ông bị lương tâm dày vò như thế, thì có kẻ cho rằng Gioan đã sống lại, kẻ khác cho là ông Êlia hiện ra, và kẻ khác nữa lại nói rằng: Một tiên tri thời xưa đã sống lại, đã làm cho ông có vẻ chao đảo, mất phương hướng để nhìn nhận tội lỗi của ông, đôi khi nó sẽ ru ngủ im dịu, làm giảm đi mực độ nặng nề của tội và rồi ông sẽ chai lỳ, cố chấp trong tội, không còn cảm giác về tội mình đã phạm. Nhưng chỉ có ông mới biết tội của ông, con người thật của ông, ông phải đối diện, vì khi nhìn vào cuộc đời của Chúa để ông thấy toàn bộ con người của ông, ông thấy quá khứ, hiện tại, tương lai, và cuối cùng ông đã quyết tìm cách gặp Chúa.
Ông đi gặp Chúa, không biết ông có thú tội, xin Chúa tha thứ cho ông hay ông chỉ tò mò cho thỏa mãn những bối rối, do dự, dằn vặt cuộc đời của ông mà thôi. Thật sự nếu ông thật lòng với Chúa, Chúa tha thứ cho ông và ông sẽ sống tốt cuộc đời còn lại của ông rồi. Nhưng không có, ông vẫn sống mưu mô, quỷ quyệt, gian ác của một vị vua quyền lực, gây bao nỗi oan trái đau khổ cho dân chúng, ông chết trong tội của ông.
Như vậy, chúng ta thấy, tuy vua Hêrôđê nhìn nhận Chúa là tấm gương soi cuộc đời của ông, ông biết con người thật đầy tội lỗi, ác đức của ông nhưng ông không trở về với Chúa. Chúng ta cảm thấy tiếc cho ông. Còn chúng ta không được như thế, khi chúng ta soi rọi đời chúng ta vào Chúa, dưới ánh sáng lời Chúa chiếu tỏa, chúng biết tội lỗi, bất xứng, gian ác của chúng ta, chúng ta hãy ăn năn sám hối, xưng thú tội lỗi và xin Chúa biến đổi đời chúng ta nên tốt hơn.
Lạy Chúa, cuộc đời của chúng con trên trần gian thấm thoát qua mau như làn gió thoảng, như áng mấy trôi, xin Chúa cho chúng con biết tựa nương vào Chúa để khi thân xác chúng con trở về nơi mình phát xuất ra, chúng con được Chúa đón nhận cho vào hưởng sự sống đời đời. Amen.
Suy niệm 13: Thầy là Đường, sự thật, sự sống
(Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB)
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Năm Tuần 25 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã thu gọn toàn thể lề luật thánh vào giới răn độc nhất là mến Chúa yêu người, xin Chúa giúp chúng ta hằng vâng giữ điều Chúa truyền dạy, để sau này đạt tới phúc trường sinh.
Vâng giữ điều Chúa truyền dạy, bởi vì, vị Mục Tử Nhân Lành đã thí mạng để tái lập sự hiệp nhất cho chúng ta, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Êdêkien cho thấy: Từ nhiều thế kỷ, Ítraen và Giuđa là hai vương quốc biệt lập, thường thù nghịch nhau. Cả hai đã gục ngã theo dòng lịch sử. Êdêkien tiên báo ngày tái hợp trong Nước Thiên Chúa. Như vậy, mọi nỗ lực của chúng ta nhằm tiến tới hợp nhất, đều phải qua cái chết, do tội lỗi là nguồn gốc của mọi chia rẽ. Này chính Ta sẽ lấy con cái Ítraen, quy tụ chúng lại từ bốn phương, làm cho chúng thành một dân tộc duy nhất. Sẽ chỉ có một đoàn chiên và một người mục tử… Người mục tử nhân lành hy sinh mạng sống vì đoàn chiên.
Vâng giữ điều Chúa truyền dạy, như chiên ngoan ngùy, an hưởng, trong đồng cỏ xanh tươi của Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh nói: Ta sẽ chăn dắt chúng trên các núi Ítraen. Chúa đã lập nên các núi Ítraen, đó là các tác giả Kinh Thánh. Anh em hãy ăn trong đồng cỏ đó, để được chăn nuôi an toàn. Nghe được điều gì trong Kinh Thánh, anh em hãy thưởng thức cho kỹ… Tôi chính là người mục tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi. Chính tôi sẽ chăm sóc chiên của tôi và thân hành kiểm điểm; tôi sẽ đem chúng ra khỏi các dân và sẽ chăn dắt chúng.
Vâng giữ điều Chúa truyền dạy, bởi vì, Chúa cao cả, bao trùm tất cả, không có gì ngoài sự quan phòng của Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Giảng Viên nói: Dưới ánh mặt trời, nào có chi mới lạ? Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 89, vịnh gia đã cho thấy: Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn. Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi, Ngài phán bảo: Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi! Ngàn năm Chúa kể là gì, tựa hôm qua đã qua đi mất rồi, khác nào một trống canh thôi!
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Trong bài Tin Mừng, vua Hêrôđê nói: Ông Gioan, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế? Đức Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống, phải qua Người mới đến được với Chúa Cha. Vua Hêrôđê phải băn khoăn, khi nghe người ta đồn về Đức Giêsu. Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng. Gioan bị chém đầu vì dám nói sự thật, vì thế, số phận của Đấng là sự thật, và những ai muốn bước trên con đường sự thật này, sẽ như thế nào, thì ai cũng có thể đoán được. Sự thật là: Mục Tử Nhân Lành phải hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên, để chiên được sống, được nuôi dưỡng trong đồng cỏ xanh tươi màu mỡ. Đi trên con đường sự thật này, chắc chắn, chúng ta sẽ đến được với Chúa Cha, nhưng, chúng ta đừng lo lắng, bởi vì, sự thật là: Trải qua bao thế hệ, Chúa vẫn là nơi chúng con trú ẩn. Chúa quan phòng mọi sự, tất cả đều nằm trong kế hoạch của Chúa: Mặt trời mọc rồi lặn; mặt trời vội vã ngả xuống nơi nó đã mọc lên. Gió thổi xuống phía nam, rồi xoay về phía bắc: gió xoay lui xoay tới rồi gió đi; gió trở qua trở lại lòng vòng. Mỗi ngày sống của chúng ta là mỗi ngày chúng ta được bao bọc bởi tình yêu và ân sủng của Chúa: Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan. Chúa đã thu gọn toàn thể lề luật thánh vào giới răn độc nhất là mến Chúa yêu người, ước gì chúng ta hằng vâng giữ điều Chúa truyền dạy, để sau này đạt tới phúc trường sinh. Ước gì được như thế!
Bài cùng chuyên mục:
Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 108)
Thứ Bảy tuần 33 thường niên.
Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,602)
Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.
Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,100)
Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.
Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,724)
Thứ Tư tuần 33 thường niên.
Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,751)
Thứ Ba tuần 33 thường niên.
Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,849)
Thứ Hai tuần 33 thường niên.
+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 14,985)
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.
Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,539)
Thứ Bảy tuần 32 thường niên.
Thứ Sáu 15/11/2024 – Thứ Sáu tuần 32 thường niên. – Sống trong ngày của Chúa. (14/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,932)
Thứ Sáu tuần 32 thường niên.
Thứ Năm 14/11/2024 – Thứ Năm tuần 32 thường niên. – Sống giây phút hiện tại. (13/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,695)
Thứ Năm tuần 32 thường niên.
-
Gia vị cho bài giảng CN lễ Chúa Kito là Vua - 2024
Khi Người đến trong vinh quang, Chúa Kitô Vua sẽ xét xử chúng ta về những việc bác ái chúng ta làm cho tha nhân. (Cha Tony)
-
Kinh Tin Kính phổ quát
Mầu nhiệm của Chúa Kitô hoạt động thông qua các Giáo hội kitô lịch sử nhưng cũng hoạt động, và hoạt động rộng rãi, bên ngoài các Giáo hội...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 34 TN B - 2024
Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật,...
-
Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh
Ngoài việc cầu nguyện, các vị thánh sẽ đưa ra ba lời khuyên nào cho những người đang tìm kiếm người phối ngẫu tương lai?
-
Linh hướng là gì?
Trong xã hội và thời đại hỗn loạn của chúng ta, hơn bao giờ hết, hướng dẫn đời sống tâm linh là một nguồn lực tinh thần cần thiết. Người...
-
Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình?
Tôi là phụ huynh của ba đứa trẻ, tất cả chúng tôi đều cố gắng sống theo đức tin Công giáo. Một trong số chúng có vẻ không mấy hứng thú,...
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi
Người trẻ làm gì để không bị cuốn đi với những "tư tưởng" rất đời kia? Nếu có nhu cầu thì sao kiểm soát khi chưa lập gia đình? Tụi con...
-
Bác ái là nhân đức cần thiết cho sự phát triển tâm linh
Chúng ta phải xin Chúa ban cho chúng ta đức ái mỗi ngày cho đến khi chúng ta gặp được Ngài trên Thiên Đàng!
-
Đạo còn sống khi ta còn sống đạo
Phải chăng giá trị Tin Mừng trong lòng tín hữu đang phai nhạt dần ? Phải chăng việc đạo nghĩa chỉ còn là sự quan tâm thứ yếu ? Phải chăng...
-
Gia vị cho bài giảng CN 33 & Các Thánh Tử đạo VN - 2024
Đôi khi những người muốn dẫn dắt Người khác đến với Chúa Kitô cũng trở thành chướng ngại vật lớn nhất cho ơn cứu rỗi của họ.
-
Nghĩ đến những điều tốt đẹp
Hãy thôi nghĩ đến chuyện buồn ấy và hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp và đáng yêu khác trong cuộc sống để lòng bà được thanh thản
- Sự cần thiết của việc lắng nghe
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất