Thứ Năm 02/09/2021 – Thứ Năm đầu tháng, tuần 22 thường niên. – Kẻ chinh phục con người.
- In trang này
- Lượt xem: 9,135
- Ngày đăng: 01/09/2021 08:00:00
Kẻ chinh phục con người.
02/09 – Thứ Năm đầu tháng, tuần 22 thường niên.
“Các ông đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người”.
Lời Chúa: Lc 5, 1-11
Khi ấy, dân chúng chen nhau lại gần Chúa Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, lúc đó Người đứng ở bờ hồ Ghênêsarét. Người trông thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ; những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và họ đang giặt lưới. Người xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút. Rồi Người ngồi trên thuyền, giảng dạy dân chúng.
Vừa giảng xong, Người bảo ông Simon rằng: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu và thả lưới bắt cá”. Ông Simon thưa Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới”. Các ông đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá; lưới các ông hầu như bị rách. Bấy giờ các ông làm hiệu cho các bạn đồng nghiệp ở thuyền bên cạnh đến giúp đỡ các ông. Những người này tới, họ đổ cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi những thuyền chở nặng gần chìm.
Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi”. Ông kinh ngạc và tất cả mọi người ở đó với ông cũng kinh ngạc trước mẻ cá mà các ông vừa mới bắt được; cả ông Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, bạn đồng nghiệp với ông Simon cũng thế. Nhưng Chúa Giêsu phán bảo ông Simon rằng: “Đừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta”. Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người.
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
Suy Niệm 1: Từ nay anh sẽ bắt người
Suy niệm:
Chẳng ai ngờ cuộc đời Simon có thể chuyển hướng.
Ông đã có nghề nghiệp ổn định và đã lập gia đình.
Thế giới của ông là hồ Ghênêxarét,
là những con cá quẫy đuôi trong lưới,
là gia đình cần phải chăm nom.
Ông yêu vợ con, ông yêu biển cả.
Chúa đã đặt ông vui sống trong thế giới ấy,
nên chỉ có Ngài mới có thể kéo ông ra,
và bất ngờ đưa ông vào một thế giới mới,
một đại dương bao la hơn nhiều,
một gia đình rộng lớn hơn vạn bội.
Chỉ Chúa mới có thể
làm trái tim ông say mê một Ai khác,
yêu một Ai đó hơn những người ông đã từng yêu.
Ðức Giêsu đã đến với Simon thật tự nhiên.
Ngài chọn thuyền của ông làm nơi giảng dạy.
Sau đó Ngài mời ông thả lưới bắt cá,
Simon có nhiều lý do để khước từ.
Ông có thể nhân danh kinh nghiệm của mình
để thấy tốt hơn nên chờ dịp khác,
hay nại lý do mệt mỏi, sau một đêm ra khơn.
Nhưng Simon đã vâng lời, chỉ vì tin Lời Thầy Giêsu,
Lời đầy quyền uy, Lời trừ được quỷ (Lc 4,30).
Lời mạnh mẽ đã chữa cho mẹ ông khỏi bệnh (4,39).
Mẻ cá lạ lùng, mẻ cá chỉ có trong mơ.
Mẻ cá làm Simon run rẩy nhận ra mình tội lỗi,
và nhận ra Ðấng ở gần bên.
Mẻ cá bất ngờ mở đường cho một lời mời gọi mới:
“Ðừng sợ, từ nay anh sẽ thành kẻ bắt người.”
Simon lại có nhiều lý do hơn để từ chối.
Chuyện gia đình bề bộn, tương lai bấp bênh.
Kẻ quen bắt cá đâu có khả năng bắt người.
Kẻ tội lỗi đâu xứng với sứ mạng.
Nhưng một lần nữa, Simon dám tin vào Lời Chúa,
để cho Chúa tự do lôi kéo mình.
Ông đã bỏ lại bao điều ông yêu mến.
Khi bỏ lại hai thuyền đầy cá,
ông tin rằng những mẻ cá mới đang đợi ông.
Chúa vẫn gọi tôi ra khỏi lối mòn quen thuộc,
khỏi những điều tưởng như không thể đổi.
Tôi có sẵn sàng lên đường theo Ngài không?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon,
một người đánh cá ít học và đã lập gia đình,
để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.
Chúa xây dựng Giáo Hội
trên một tảng đá mong manh,
để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.
Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con
theo Chúa, sống cho Chúa,
đặt Chúa lên trên mọi sự:
gia đình, sự nghiệp, người yêu.
Chúng con chẳng thể nào từ chối
viện cớ mình kém đức kém tài.
Chúa đưa chúng con đi xa hơn,
đến những nơi bất ngờ,
vì Chúa cần chúng con ở đó.
Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon,
bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,
hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Suy Niệm 2: Khôn ngoan và dại dột
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
“Họ bỏ hết mọi sự mà theo Người”. Trong đời sống ai càng chiếm hữu được nhiều và biết dùng mọi cơ hội để có thêm được coi là khôn ngoan. Thánh Phê-rô và các bạn hôm nay chắc chắn bị nhiều người cho là dại dột. Đang mệt mỏi cần đi nghỉ, nhưng đã sẵn sàng cho Chúa mượn thuyền và còn cất công chèo thuyền cho Chúa rao giảng. Các ngư phủ chuyên nghiệp đánh cá suốt đêm không đuợc gì lại vâng theo lệnh Chúa, một người thợ mộc, tiếp tục ra khơi. Và sau một mẻ lưới phi thường, tưởng có thể là cơ hội phát triển công ăn việc làm, lại bỏ tất cả đi theo Chúa. Các ngài đã từ bỏ nhiều thứ và sau cùng từ bỏ tất cả. Bỏ cả gia đình vợ con. Bỏ cả nếp sống quen thuộc với nghề nghiệp vững vàng. Bước vào hành trình phiêu lưu. Theo đuổi một công việc mới: “thu phục người ta”. Không có gì bảo đảm. Không biết đích điểm. Không thấy tương lai. Có dại dột quá không?
Thánh Phao-lô cho biết đó là những người khôn ngoan nhất. “Vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa”. Nên “nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật”. Khôn ngoan thật là biết rằng “tất cả thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Ki tô, và Đức Ki tô lại thuộc về Thiên Chúa”. Bỏ hết mọi sự, dâng hết mọi sự cho Chúa chính là đi vào nguồn mạch sự phong phú, là kho tàng của mọi kho tàng, là chiếm được tất cả. Vì Chúa là tất cả (năm chẵn).
Tất nhiên để đạt đến sự khôn ngoan trong Thiên Chúa, ta phải trải qua rất nhiều thử thách. Chính vì thế thánh Phao-lô luôn cầu nguyện để chúng ta “được am tường thánh ý Thiên Chúa với tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết mà Thần Khi ban cho”. Khi đó ta sẽ biết sống như Chúa đòi hỏi, sinh nhiều hoa trái và ngày càng hiểu biết Chúa hơn. Khi đó Chúa sẽ ban sức mạnh để ta kiên trì vượt qua mọi khó khăn thử thách. Nhờ đó ta sẽ xứng đáng đạt tới vinh quang của Thiên Chúa trong cõi đầy ánh sáng. “Nhờ sức mạnh vạn năng của Thiên Chúa vinh quang, anh em sẽ nên mạnh mẽ để kiên trì chịu đựng tất cả. Anh em hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha, đã làm cho anh em trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp của dân thánh trong cõi đầy ánh sáng”. Như vậy tuy yếu đuối trước mặt thế gian, ta sẽ trở nên mạnh mẽ. Điên dại trước mặt thế gian ta sẽ nên khôn ngoan. Nghèo khó trước mặt thế gian ta vô cùng giầu có vì được hưởng gia nghiệp của Chúa. Và gia nghiệp ấy bền vững mãi mãi (năm lẻ).
Lạy Chúa, xin cho con biết điên rồ, nghèo hèn và dại dột trước mặt thế gian. Để được sáng suốt, giầu sang và khôn ngoan trong Nước Trời.
Suy Niệm 3: Chấp nhận chính mình
Triết gia hiện sinh Pháp Albert đã có lần nói rằng: "Con người là tạo vật duy nhất không chấp nhận là mình". Ông có ý nói rằng con người không chấp nhận những giới hạn và bất toàn của mình.
Con người luôn muốn nổi loạn để vượt qua chính mình. Sự nổi loạn ấy rõ ràng nhất là trong lĩnh vực khoa học. Những khám phá khoa học và những ứng dụng kỹ thuật ngày càng làm cho chính con người chóng mặt. Chúng ta thử nhìn vào dự tính sản sinh con người theo phương pháp vô tính mà hiện một số nhà khoa học đang muốn lao mình vào. Những hệ lụy của một cơn cám dỗ như thế là vô cùng khủng khiếp. Chính tính cách không dự đoán và không lường trước được ấy của những hệ lụy là cho thấy những giới hạn và bất toàn của trí khôn cũng như khả năng của con người. Con người càng tiến bộ lại càng nhận ra giới hạn của mình. Ðây phải là thái độ tự nhiên của con người. Muốn hay không, con người không thể chối cãi được những giới hạn của mình.
Con người chỉ là người khi nhận ra những giới hạn của mình và chấp nhận chính mình. Tin Mừng không ngừng lập lại chân lý ấy. Càng khiêm hạ, con người càng được nâng cao. Càng nhận biết những giới hạn của mình, con người càng nhận ra mối giây liên kết và lệ thuộc của mình với Ðấng Tạo Hóa, con người càng thấy được sự cao cả đích thực của mình. Ðây là lý tưởng mà Tin Mừng hôm nay có thể gợi lên cho chúng ta.
Sau một đêm vất vả, các môn đệ không bắt được một con cá nào. Hơn ai hết, những người đánh cá có kinh nghiệm về thời tiết, về sóng nước và có lẽ cũng hơn ai hết, lênh đênh giữa đại dương mênh mông, họ dễ cảm nhận được thân phận nhỏ bé bất toàn của con người. Nhưng thánh Phêrô chỉ thực sự ý thức được thân phận ấy khi chứng kiến mẻ cá lạ do Chúa Giêsu thực hiện. Ði sâu vào thân phận ấy, thánh nhân không chỉ thấy những giới hạn và bất toàn của mình về phương diện nghề nghiệp hay nhân bản, mà còn nhận ra một sự bất lực khác của bản thân, đó là bất lực trong ơn thánh. Thật thế, thánh Phêrô khám phá ra thân phận tội lỗi của mình.
Con người có thể nhận ra những giới hạn, bất toàn, và ngay cả lầm lỡ của mình, nhưng để thấy mình là người tội lỗi, con người phải nhận ra mối giây liên kết với Ðấng Tạo Hóa. Tội lỗi thiết yếu nói lên mối liên kết với Ðấng Tạo Hóa mà con người đã cắt đứt. Mẻ cá lạ vừa cho thánh Phêrô thấy quyền năng của Ðấng Tạo Hóa, vừa là phơi bày con người tội lỗi yếu hèn của mình. Phản ứng của thánh Phêrô là mẫu mực cho cuộc sống đức tin của người tín hữu Kitô. Phản ứng này cũng là hằng số trong cuộc đời của vị Giáo Hoàng tiên khởi này. Sau này, kinh nghiệm chối Chúa lại càng cho thánh nhân ý thức được thân phận tội lỗi của mình và đồng thời cảm nhận được quyền năng của Thiên Chúa.
Một thi hào người Ðức đã nói: "Ai biết chấp nhận những giới hạn của mình, người đó đang đi gần đến sự hoàn hảo". Thánh Phêrô được nên cao trọng có lẽ không do tài lãnh đạo hay chính sự thánh thiện cá nhân của mình mà trước tiên là ở tấm lòng khiêm tốn sám hối và tin tưởng ở quyền năng và tình yêu của Chúa. Tựu trung, đó cũng chính là tâm tình tôn giáo đích thực của con người. Có tôn giáo thiết yếu là ý thức được thân phận thụ tạo, bất lực và tội lỗi của mình, đồng thời cũng cảm nhận được tình yêu và sự tha thứ của Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 4: Chài lưới người
Thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Simon và tấ cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô bê và Gio-an, bạn chài với ông Simon cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giêsu bảo ông Simon: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người cứu sống người ta.” Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà đi theo Người. (Lc. 5, 9-11)
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy ông Phê-rô tốt lành đã từ kinh ngạc này sang kinh ngạc khác.
Trước hết, Đức Giêsu đã chọn thuyền của ông như là thứ ngai tòa để Người ngồi giảng cho dân trên bờ chú ý nghe Người. Có thể tưởng tượng xem anh ngư phủ này hãnh diện, vinh dự chừng nào được Thầy mà mọi người đã hăm hở đi tìm.
Tiếp theo là một mẻ cá lạ lùng! dẫu bao nhiêu bạn bè với mình suốt đêm vất vả đánh cá mà chẳng được gì. Chẳng ăn gì, chẳng có gì ăn! và này đột nhiên, thật lạ chỉ một lời phán của Đức Giêsu, họ đi kéo lưới. Thật vững chắc, Phê-rô đã làm một cử chỉ đẹp để tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu đầy quyền năng. Ông không do dự, lần nữa ông đã thử thời vận ra khơi thả lưới, lưới gần rách, thuyền gần chìm vì cá đầy lưới. Lạ thay phần thưởng lớn lao dành cho một hành động vâng lời nhỏ bé! Phê-rô kinh sợ. Ông té xuống chân Đức Kitô và van nài Ngài xa ông vì ông chỉ là kẻ tội lỗi, quá bất xứng đối với một vị tôn sư cao cả.
Tuy nhiên, Phê-rô không phải kinh sợ đến tận cùng. Đức Kitô chẳng những không lìa bỏ ông mà còn tuyên bố làm thay đổi đời của ông mãi mãi: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ đi chài lưới cứu sống người ta”. Quả thực anh là hạng người vô danh tiểu tốt thất học lại được Đức Kitô trao phó nhiệm vụ lớn lao bao quát cả biển người, anh đã cùng với Ngài và các bạn tông đồ khác không ngừng thực hiện nhịêm vụ cứu vớt người đời cho tới tận thế.
Tại sao có sự chọn lựa này! Tại sao không trao nhiệm vụ lớn lao đó cho người học thức, cho người tiến sĩ các khoa học tôn giáo đương thời của Đức Giêsu. Sự phong ban trao phó nhiệm vụ lớn lao này thật ngược đời, gây quá nhiều bối rối, khúc mắc: Một mầu nhiệm của Đức Giêsu, mầu nhịêm của Giáo Hội. Lý lẽ đức tin, nghịch hẳn lại lý lẽ của lý trí loài người. Đấng Cứu Thế bắt đầu lôi cuốn tất cả về Ngài ngay cả lúc tất cả như xa lánh Ngài như ông tiên tri báo về Ngài. Có thể Ngài đã cho phép xảy ra thách đố như thế.
GF
Suy Niệm 5: Sự hiện diện và tác động của Chúa
Ý nghĩa của mẻ cá và ơn gọi của các môn đệ đầu tiên được Luca ghi lại trong Tin Mừng hôm nay sẽ được sáng tỏ, nếu chúng ta nắm bắt được quan niệm của người Do thái về biểu tượng của nước, nhất là của biển cả. Người Do thái tin rằng biển cả là nơi cư ngụ của Satan và những lực lượng chống đối Thiên Chúa. Trong niềm mong đợi chung, người Do thái tin rằng chỉ có Ðấng Cứu Thế được Thiên Chúa sai đến mới có đủ uy quyền để chế ngự biển cả và giải thoát tất cả những ai đang bị chôn vùi trong đó.
Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ thấy được quyền năng giải thoát của Ngài khi thực hiện mẻ cá lạ lùng trước mặt các ông. Chiếc lưới được thả vào lòng biển khơi để vớt cá lên, đó là hình ảnh của công cuộc cứu thoát mà Ngài đang thực hiện. Ngài đến là để lôi kéo con người khỏi vực sâu của tội lỗi và sự dữ. Chính trong ý nghĩa ấy, Chúa Giêsu dùng kiểu nói "đánh lưới người" mà Ngài sẽ trao phó cho các môn đệ và Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập; trở thành ngư phủ đánh lưới người có nghĩa là tham dự vào công trình cứu rỗi của Chúa Giêsu.
Qua mẻ cá lạ lùng, Chúa Giêsu muốn chứng tỏ cho các môn đệ thấy rằng tự sức họ, họ không thể làm được gì. Thánh Phêrô đã ý thức được điều đó: "Chúng con đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả". Thánh Phêrô không chỉ nói lên cái giới hạn bất toàn của con người, mà còn nhận ra thân phận tội lỗi yếu hèn của mình: "Lạy Thầy, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi". Ý thức về thân phận ấy và sống cho đến cùng thân phận ấy là cả một cuộc chiến đấu cam go. Hơn ai hết, thánh Phêrô đã cảm nghiệm được sự yếu đuối mỏng giòn của con người khi chối Thầy; cả cuộc đời ngư phủ đánh lưới người của Phêrô chỉ trở thành hữu hiệu với ý thức ấy. Càng thấy mình yếu hèn, con người càng sống gắn bó với Chúa; càng thấy mình vô dụng, con người càng trở nên hữu hiệu trong quyền năng của Chúa. Ra đi tản mát khắp nơi để trở thành ngư phủ đánh lưới người, tất cả các môn đệ đều nhớ lại bài học của mẻ cá lạ ấy và tâm niệm lời Chúa Giêsu: "Không có Thầy, các con không làm được gì".
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tin tưởng nhìn vào tác động của Chúa qua Giáo Hội. Ngài vẫn hiện diện trong con thuyền Giáo Hội, và ngoài mọi suy nghĩ, tính toán của chúng ta, Ngài vẫn tiếp tục thực hiện những điều cả thể, ngay cả những lúc Giáo Hội tưởng mình bị bó tay không làm được gì. Lời nhắn nhủ của Ðức Hồng Y Etchegaray đáng cho chúng ta suy nghĩ: Người ta dễ chú ý đến tiếng động của cây rừng ngã đổ, mà lại quên đi âm thanh nhỏ bé của những mầm non đang mọc lên.
Nguyện xin Chúa củng cố chúng ta trong niềm tin vững vào sự hiện diện và tác động của Chúa trong Giáo Hội. Xin Ngài ban cho chúng ta đôi mắt tinh tường bén nhạy để nhận ra biết bao điều cả thể Ngài đang thực hiện trong những biến cố âm thầm, mất mát, thua thiệt của Giáo Hội.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 6: “Hãy theo Thầy”
Lời Chúa hôm nay thuật lại cho chúng ta thấy việc Đức Giêsu gọi và chọn bốn môn đệ đầu tiên. Ngài gọi các ông không phải các ông xứng đáng. Cũng không phải các ông thuộc thành phần vai vế trong xã hội. Lại càng không phải là người tài giỏi...
Nhưng khi gọi các ông, Đức Giêsu chú trọng đến sự giản dị, bình thường, đơn sơ, chất phát và biết phó thác nơi các ông. Ngài gọi các ông từ trong công việc đời thường của họ, bởi Đức Giêsu nhận ra “chất tố” môn đệ nơi sâu thẳm tâm hồn các ông.
Thật vậy, sự quảng đại là yếu tố đầu tiên mà chúng ta có thể nhận thấy nơi Phêrô trong quá trình đáp trả lời mời gọi đầy yêu thương của Đức Giêsu. Phêrô đã quảng đại cho Đức Giêsu mượn thuyền của mình. Ông cũng không ngại khó khi sẵn sàng trèo thuyền cho Đức Giêsu giảng dạy dân chúng.
Tiếp theo là sự vâng lời. Đã vất vả suốt đêm mà chẳng bắt được gì! Ấy thế mà, khi được lệnh của Đức Giêsu, các ông sẵn sàng thi hành. Nếu không có sự tùng phục, hẳn không ai lại đi làm chuyện ngược đời như vậy, bởi lẽ ngư dân chuyên nghiệp, hẳn họ biết giờ ấy và chỗ nước đó không thể có cá vào lúc này...!!!
Thứ ba, phải mang trong mình tâm tình khiêm tốn. Khi nhận ra mình yếu đuối và tội lỗi, Phêrô đã phục lạy Đức Giêsu. Khiêm tốn là điều kiện rất quan trọng để trở thành môn đệ. Nếu không khiêm tốn, hẳn chúng ta không có nguồn năng lượng từ Chúa để đủ nghị lực thi hành sứ vụ. Khiêm tốn là thái độ của người thuộc về Đức Giêsu như Ngài thuộc về Thiên Chúa.
Cuối cùng, khi đã cảm nghiệm được tình thương của Chúa, các ông sẵn sàng đón nhận và lên đường.
Thật vậy, chính nhờ những đặc điểm đó, mà Đức Giêsu đã chọn Phêrô và các môn đệ khác.
Lần giở lại trong tâm tưởng, lịch sử ơn gọi của chúng ta, dù đi tu hay ơn gọi gia đình, chúng ta đều được Thiên Chúa kêu gọi: “Hãy theo Thầy”.
Theo Thầy để đáp lại lời mời gọi làm tông đồ, yêu thương và phục vụ.
Theo Thầy để phản ánh tình yêu của Thầy cho mọi người.
Theo Thầy để trở thành chứng nhân cho Thầy.
Tuy nhiên, trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta giả điếc làm ngơ trước tiếng gọi của Chúa như:
Đang sống một cuộc sống dễ dãi, hẳn không muốn đi vào con đường của thiếu thốn. Đang sống trong sự an nhàn thư thái, yên thân, hẳn không muốn ra “chỗ nước sâu” là những thử thách, nguy hiểm để tác nghiệp... Hay đang sống trong quyền lực, không dại gì lại trở nên người hiền lành, khiêm tốn... Và, không dại gì lại phải lên đường để đến nơi chẳng muốn...!
Tất cả những lý do trên, khiến hồn tông đồ của chúng ta bị héo úa tàn phai, và rất khác với các môn đệ khi xưa, bởi chúng ta vẫn còn ích kỷ theo kiểu được - thua.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy phó thác mọi sự trong tay Chúa, luôn tin tưởng cậy trông nơi Ngài. Nếu có đức tin, chúng ta sẽ được Chúa ân thưởng hậu hĩnh, hơn cả sự tưởng tượng của chúng ta. Mẻ cá lớn đã chứng minh cho chúng ta điều đó.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết vâng theo Lời Chúa, biết dựa vào Lời Chúa và thực thi Lời Ngài trong cuộc sống. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 7: Từ bỏ mọi sự mà theo Chúa
(TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Trong đời sống đức tin, Thiên Chúa thường đòi ta thực hiện những việc làm có vẻ kỳ dị và vô lý. Nhưng nếu làm theo Thánh Ý Chúa, chắc chắn ta sẽ đạt được nhiều kết quả thật bất ngờ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con xác tín rằng tất cả mọi nỗ lực, cố gắng của con đều trở thành vô ích nếu không có ơn Chúa phù trợ. Chúa đã trở thành điểm tựa vững chắc cho đời sống con.
Nhưng Chúa thường đòi con làm những việc có vẻ kỳ dị vô lý, như các tông đồ lại ra khơi đánh cá khi không bắt được con nào suốt một đêm vất vả. Chúa muốn con tin vào Chúa, chứ không tin vào những suy luận của riêng con.
Đối với con hôm nay, việc có vẻ kỳ dị và vô lý là sống hy sinh giữa thế giới đang lao mình vào hưởng thụ sung sướng, hoặc chấp nhận bị thiệt thòi giữa một xã hội mà ai cũng lo thu quén cho chính mình. Việc có vẻ kỳ dị và vô lý là tự chủ khước từ những đam mê cờ bạc, để dùng tiền của và thời giờ mà phục vụ lợi ích gia đình và xã hội. Việc có vẻ kỳ dị và vô lý là đi đến với bạn bè lối xóm để thăm viếng, nối lại tình thân ái yêu thương.
Lạy Chúa, khi thực hiện những công việc ấy, con cảm thấy e ngại và do dự. Nhưng con muốn cương quyết như thánh Phêrô: “Vì vâng lời Thầy, con xin thả lưới”.
Lạy Chúa, con cũng muốn thực hiện điều ấy trong các giờ kinh lễ hằng ngày. Ước gì những giờ kinh lễ ấy không trở thành những việc “cực nhọc suốt đêm mà không được gì”. Trái lại nhờ thánh lễ, xin Chúa giúp con sáng suốt nhận ra và thực hiện Ý Chúa trong mọi hoàn cảnh, để có thể đạt được những thành quả quá lòng ước mong. Amen.
Ghi nhớ: “Các ông đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người”.
Suy Niệm 8: Kêu gọi môn đệ
(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Tổng thống Abraham Lincoln đi đến thành phố Charleston, tiểu bang South Carolina. Khi đi ngang qua trung tâm thành phố, ông trông thấy người ta đang tổ chức một cuộc đấu giá buôn bán nô lệ. Chứng kiến cảnh buôn bán người, tận đáy linh hồn ông cảm thấy bị khuấy động lên cơn giận dữ của Thiên Chúa, và một nỗ lực phải làm để cứu những người nô lệ. Do đó ông đã làm một điều độc đáo và bất thường nhất.
Ông bước vào trong đám đông, khi cuộc trả giá bắt đầu, trước tiên là một em gái nô lệ rất nghèo, ông đã bước ra trả giá trước. Cuộc đấu giá càng lúc càng sôi động, ông tham gia rất tích cực, và sau cùng đã trúng giá, đánh hạ tất cả mọi người. Ông trao tiền để lấy người nô lệ. Cô bé gái được đem đến cho ông. Cô bé sợ hãi hỏi ông sẽ làm gì đối với nó. Abraham Lincoln trả lời: “Tôi sẽ để cho cô được tự do”. “Tự do? Tự do để làm gì?”, cô bé kinh ngạc hỏi. Ông trả lời: “Tự do để làm bất cứ cái gì cô muốn”. Cô bé thắc mắc có phải mình được tự do đi đến bất cứ chỗ nào cô muốn, làm bất cứ điều gì cô thích, nói bất cứ điều gì cô nghĩ và làm bất cứ nghề nào cô ước muốn. Sau cùng cô bé mỉm cười và nói: “Cháu sẽ đi theo ông”.
Abraham Lincoln đã chứng tỏ cho chúng ta thấy, ông là một con người gương mẫu và biết cách “kêu gọi” dân chúng “theo ông”. Ông đã gọi họ bằng chính gương sáng của mình. Đức Giêsu kêu gọi Phêrô, rồi Giacôbê, Gioan và Anrê cũng đi theo Ngài. Đức Giêsu đã cho họ biết Ngài là ai qua việc giảng dạy, chữa lành và bằng các đức tính tốt lành, nhân từ và tha thứ của Ngài (Theo cha Giuse Đinh Lập Liễm).
Suy niệm
Phêrô và các môn đệ theo lệnh Chúa, ra khơi thả lưới… lưới đầy cá… Phêrô đã sụp xuống và sợ hãi khi chứng kiến phép lạ tỏ tường, ông thưa: “Lạy Chúa xin hãy xa tôi, vì tôi là kẻ tội lỗi” (Lc 5:8) và Chúa đã kéo ông ra khỏi sự mặc cảm: “Đừng sợ, các con sẽ là kẻ chinh phục người ta” (Lc 5:10). Đức Giêsu đã đánh dấu một khúc quanh quyết định cho cuộc đời của ông, trở nên thuyền trưởng cho sứ vụ “chài lưới người”. Các tông đồ ra khơi trong sứ mạng chài lưới người như Đức Kitô đã nói. Ra khơi, các ông đã bỏ mọi sự để đi theo Ngài để mang những con người tội lỗi về cho Chúa Kitô
Thật thế, các môn đệ mệt mỏi vật lộn với biển khơi thả lưới với một đêm thức trắng, nhưng thất bại chua cay không một con cá. Tâm trạng các ông thất vọng và chán nản. Chúa Giêsu lại bảo các ông hãy ra khơi một lần nữa. Ra khơi, đi vào biển lúc này với các ông là cả một sự cực hình vì vừa sống trong kinh nghiệm thất bại dù đã làm việc và thả lưới suốt đêm, nhưng vâng lời thầy, các ông vẫn ra khơi đi thả lưới.
Biển theo văn hóa Semit là nơi đáng sợ, theo chú giải của Noel Question Chúa Giêsu bảo ông Simon: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Ra chỗ nước sâu bản dịch chính xác hơn: “Ra chỗ nước trên vực thẳm - eis to bathos” tiếng Hy Lạp. Từ “bathos” có nghĩa là vực thẳm, mà có từ tiếng Pháp “bathiscaphe”: Nơi xuất phát quyền lực sự dữ, biển sâu là biểu tượng của các vực thẳm nội tâm, nơi ở của các quái vật trong hỏa ngục (x. St 7,17; Tv 74,13-24,2; Gr 38,16; Gn 2,2; Kh 9,l-3-20,3-13,1). Ra khơi, thực hành nghề đi biển, đối diện với hiểm nguy. Nhiều thủy thủ, thuyền trưởng “bị nuốt chửng, bị nhận chìm” trước cơn giận của biển cả!.
Chúa gọi các mộn đệ ra khơi, tìm chỗ sâu thả lưới, tức là phiêu lưu đi vào nơi sóng gió. Ngài muốn người môn đệ phải liều lĩnh đối diện với hiểm nguy. Đó là sẵn sàng ra đi như Chúa Giêsu ví như chiên con vào giữa hang sói (x. Lc 10,3). Ra đi cho cuộc sống mới, cho một sứ mạng mới.
Ra khơi, bỏ lại đất liền nơi có nhiều mối quen biết, an toàn, bao bọc, để mạo hiểm lênh đênh trên biển cả. Lên đường ra khơi là bỏ lại tất cả: Gia đình, thuyền bè, chài lưới. Bỏ cả nghề nghiệp cũ đã thành thạo để bắt tay vào nghề mới còn chập chững. Bỏ nghề chài lưới cá để thành kẻ chài người.
Ra khơi là ra khỏi chính mình, ra khỏi những mặc cảm, khiếm khuyết bất toàn, để sống con người mới cho sứ mạng mới...
Đức Kitô hôm nay vẫn đi dọc theo bờ biển của cuộc đời chúng ta, Ngài nói với tôi và bạn, những người đang lắng nghe lời Ngài giảng dạy: “Hãy ra khơi”, ra khơi tiến vào biển cả, đối diện với phong ba bão tố. Ra khơi với tinh thần như các môn đệ năm xưa: “Bỏ lại mọi sự, họ đã theo Chúa” (Lc 5:11).
Ra khơi vào biển cả cuộc đời, nơi có bão tố gian nan mà con người phải đối diện, chúng ta mang những tâm tình cam đảm vượt khó với niềm tin vào Thầy như Theodore Roosevelt chia sẻ: “Chịu xây xát với nước mắt và mồ hôi, dũng cảm đấu tranh, lầm lỗi và gặp những trắc trở, biết hăng hái nhiệt tình, mạnh mẽ tin tưởng vào sự thành công của công việc nhưng lại bị thất bại”. Như thế, chỗ đứng của họ không chung với những tâm hồn cô đơn và nhút nhát, nhưng với những tâm hồn biết cảm nghiệm được thất bại và chiến thắng. Như Phêrô cọ xát với thất bại trong đêm trường thả lưới dù với tất cả sự cố gắng, nhưng chiến thắng trong ban ngày thả lưới, lưới đầy cá vì ông đã làm theo ý Thầy: “Vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới” (Lc 5:5).
Ý lực sống:
Vâng lời thầy, con quyết ra khơi,
Đi vào biển cả - giông tố nhiều
Tâm tư vững dạ con tung lưới
Cá tôm ngập tràn thuyền đời con.
Suy Niệm 9: Chúa gọi các môn đệ đầu tiên
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
“Lạy Chúa, xin hãy tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi”
Lời Phêrô đã thốt lên khi thấy phép lạ Chúa Giêsu thực hiện quá nhiệm mầu. Phêrô và mọi người vừa sung sướng, vừa kinh ngạc trước mẻ cá lạ lùng ấy. Ông thấy con người mình thấp hèn và giới hạn, không thể xứng với tình thương của vị Thiên Chúa quyền phép. Nhưng, Đức Giêsu hiền từ an ủi: “Đừng sợ, từ nay con sẽ thành kẻ lưới người”. Thiên Chúa không chê bỏ sự thấp hèn của con người. Ngài luôn tin tưởng, kêu gọi con người công tác với Chúa, trở thành những môn đệ chân chính của Ngài.
Chúa gọi 4 môn đệ đầu tiên tại bờ biển, tức là nơi sinh sống thường ngày của họ. Chúa gọi họ lúc họ đang giặt lưới, tức là gọi họ đang lúc họ làm công việc hằng ngày của họ.
Chúa bắt đầu câu chuyện bằng cách “xin” ông Phêrô một việc rất nhỏ: chở Ngài trên thuyền đi ra khỏi bờ một chút để Ngài giảng. Và cuối câu chuyện, Ngài “ban” cho ông một ơn lớn: một mẻ lưới rất nhiều cá và một ơn còn lớn gấp bội là được làm môn đệ Ngài. Chính ông đã trả lời Chúa khi Chúa muốn ông đẩy thuyền ra xa một chút để thả lưới khi nói: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới” (Lc 5,5).
Một lời quả quyết rất đẹp lòng Chúa. Nếu Phêrô đã không nghe Lời Chúa, thì sau đó ông sẽ chẳng nhận được những ơn ban to lớn kia. Như vậy chúng ta thấy, sự vâng lời Chúa đã đem lại những kết quả thật bất ngờ.
Bức tranh trên bờ hồ Giênêxarét thật đẹp, khi những người nghe Chúa Giêsu giảng chen lấn nhau để đến gần Chúa, Ngài đã làm cho các môn đệ chứng kiến mẻ cá lạ, khi các ông thả lưới bên phải mạn thuyền như lời Chúa truyền. Trước mẻ cá lạ như thế, các môn đệ đã không khỏi ngạc nhiên, và đã bỏ thuyền, lưới mà theo Chúa. Giờ đây các ông đi trên con thuyền rao giảng Tin mừng, mà người chủ thuyền là Chúa Giêsu.
Hôm nay Chúa cũng mời gọi chúng ta bước theo Chúa trên hành trình rao giảng Tin mừng, quảng đại đáp lại lời mời gọi làm chứng cho Chúa. Ngài chỉ cần chúng ta thả lưới, và Ngài sẽ thực hiện những mẻ cá lạ trong cuộc đời chúng ta. Vậy còn lý do gì mà chúng ta không thả lưới?
“Không thầy đố mày làm nên”. Phêrô rất ý thức sự thật này qua lời tuyên bố đầy xác tín: “Chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà chẳng được gì, nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”. Ông gác qua kinh nghiệm đánh cá dày dạn của mình và nghe theo lời Thầy trong chính chuyện... đánh cá! Phêrô đã thể hiện cái tâm “tầm đạo” của ông bằng thái độ cởi mở, hoàn toàn phá chấp, sẵn sàng lắng nghe. Và ông trúng đậm: một mẻ cá đầy đến gần rách cả lưới! Nhưng đó mới chỉ là “khúc dạo đầu” có tính tượng trưng thôi; từ đây Phêrô bỏ mọi sự mà theo Đức Giêsu để trở thành một tay “đánh lưới người”. Từ đây, ông lấy lời của Thầy làm động lực và điểm tựa cho cả cuộc đời ông (5 phút Lời Chúa).
Chúng ta hãy mạnh dạn và tin tưởng khởi đầu và Chúa tiếp tục làm việc. Sau khi huấn luyện 16 anh em tiên khởi được một năm, thánh Đa Minh đã sai họ đi rao giảng Tin mừng. Đây là điều lạ lùng, vì theo lẽ thường, để trở thành một nhà giảng thuyết, người ta cần được đào tạo trong nhiều năm. Tin vào lời Chúa hứa sẽ ban ơn giúp đỡ, thánh nhân vẫn sai anh em ra đi. Kết quả là, họ đã giảng thuyết thành công và đem được nhiều người về với Chúa.
Trong bài Tin mừng hôm nay, dù biết ông Phêrô đã vất vả suốt đêm mà không được con cá nào, Đức Giêsu vẫn bảo ông: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Đây là điều lạ lùng, khó hiểu đối với một ngư phủ lâu năm như Phêrô, nhưng ông vẫn tin tưởng và thực hiện. Nhờ vậy, ông đã thu được một mẻ cá lớn lao.
Ngày hôm nay, Đức Giêsu vẫn đang mời gọi chúng ta làm những việc xem ra lạ lùng. Trong khi người đời cho rằng có nhiều tiền của, nhiều người hầu hạ thì hạnh phúc; còn Đức Giêsu lại dạy hãy sống yêu thương, phục vụ thì mới có hạnh phúc đích thực. Chúng ta có tin tưởng và thực hiện lời Đức Giêsu không?
Truyện: Ngài đã chọn ngươi
Trong tập lễ nhận chức của Đức Tổng Giám Mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng giáo phận Sài Gòn, người ta đọc được bài thơ này:
“Khi Thiên Chúa cần người cha cho dân tộc của mình, Ngài đã chọn một cụ già. Thế là cụ Abraham đứng lên.
Thiên Chúa cần một người phát ngôn cho mình, Ngài lại chọn một anh chàng vừa nhút nhát, lại vừa có tật nói ngọng. Thế là ông Maisen đứng lên.
Thiên Chúa cần một thủ lãnh để hướng dẫn dân của mình, Ngài lại chọn cậu thanh niên nhỏ nhất và yếu nhất trong nhà. Thế là Đavít đứng lên.
Thiên Chúa cần một tảng đá làm nền tảng cho ngôi nhà Giáo hội của mình, Ngài đã chọn một anh chàng chối đạo. Thế là thánh Phêrô đã đứng lên.
Thiên Chúa cần một khuôn mặt để diễn tả tình yêu thương của Ngài cho nhân thế, Ngài lại chọn một cô gái điếm. Đó là cô Maria Mađalena.
Thiên Chúa cần một chứng nhân để hô vang sứ điệp của mình, Ngài lại chọn một kẻ bắt bớ đạo của mình. Đó là ông Phaolô, gốc thành Tắcxô.
Thiên Chúa cần một ai đó để dân Ngài được qui tụ và đi đến với những người khác, Ngài đã chọn ngươi. Cho dù run sợ, lẽ nào ngươi không dám đứng lên đáp lại lời của Ngài”.
Suy Niệm 10: 4 môn đệ đầu tiên
(Lm Giuse Đinh Tất Quý)
Chúa Giêsu kêu gọi 4 môn đệ đầu tiên.
1. Chúa gọi 4 môn đệ đầu tiên tại bờ biển, tức là nơi sinh sống thường ngày của họ. Chúa gọi họ lúc họ đang giặt lưới, tức là gọi họ đang lúc họ làm công việc hằng ngày của họ.
Chúa bắt đầu câu chuyện bằng cách “xin” ông Phêrô một việc rất nhỏ: chở Ngài trên thuyền đi ra xa bờ một chút. Và cuối câu chuyện, Ngài ban cho ông một ơn lớn: một mẻ lưới rất nhiều cá và một ơn còn lớn gấp bội là được làm môn đệ Ngài.
“Ông Simon nói: Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới” (Lc 5,5).
Một lời quả quyết rất đẹp lòng Chúa.
Nếu như Phêrô đã không nghe Lời Chúa, thì sau đó ông sẽ chẳng nhận được những ơn ban to lớn kia. Như vậy chúng ta thấy, sự vâng Lời Chúa đã đem lại những kết quả thật bất ngờ!
Trong tập truyện các thánh ẩn tu Ai Cập vào những thế kỷ đầu Kitô giáo, người ta đọc được giai thoại sau:
Có một người đàn ông kia đến xin gia nhập một tu viện. Tu viện trưởng cho người đó biết luật cơ bản nhất của đời tu là vâng lời. Người đàn ông hứa sẽ vâng theo tất cả những gì bề trên truyền lệnh. Để thử lòng người đó, tu viện trưởng dẫn ông ra vườn và cắm một cây gậy xuống đất. Ngài bảo người đàn ông hãy múc nước tưới cho đến khi nào cây gậy đó đâm chồi nảy lộc trổ bông trở lại.
Vâng lời bề trên, mỗi ngày người tu sĩ đi bộ hai dặm ra bờ sông Nil gánh nước tưới cho cây gậy khô ấy. Một năm qua rồi mà cây gậy vẫn còn trơ trơ. Lại một năm nữa qua đi, cây gậy vẫn là cây gậy khô. Nhưng người tu sĩ không nản lòng. Sang năm thứ ba, lạ lùng thay, cây gậy khô tự nhiên đâm chồi để rồi trở thành một cây tươi tốt trong vườn.
2. Khi Phêrô nhận ra tội lỗi của mình và xin Chúa lánh xa, thì chính lúc đó Chúa gọi ông. Sự việc đó chứng tỏ Chúa không chê trách và xa lánh người tội lỗi. Ngược lại, Chúa còn gọi những ai biết ý thức thân phận tội lỗi của mình.
Trước mặt Chúa lúc này là một con người Chúa muốn kêu gọi. Chúa không cần biết trước đây Phêrô như thế nào.
Vào dạo tháng 12 năm 1987, Đức Hồng Y Jean Marie Lustiger cho xuất bản một quyển sách mang tựa đề: “Sự chọn lựa của Thiên Chúa”. Qua tựa đề này, ai cũng đoán được đây là một quyển tự thuật ghi lại cuộc hành trình ơn gọi của ngài.
Sinh ra trong một gia đình Do Thái sùng đạo, ông ngoại là một thầy Rabbit uyên thâm, Jean Marie Lustiger đã tự ý trở lại với Đức Tin Công giáo vào năm 14 tuổi. Hành động này của Jean Marie Lustiger dĩ nhiên đi ngược lại, với xác tín của gia đình, nhất là mẹ của cậu. Trước khi bị đưa lên xe chở qua trại tập trung Đức quốc xã ở Auschwitz, bà còn nói với các con: “Các con hãy giữ mình, chớ theo đạo Công giáo. Đây là một cơn bệnh hiểm nghèo”.
Nhưng tiếng Chúa còn mạnh hơn sự cảnh cáo của người mẹ. Jean Marie Lustiger đã nghe được tiếng gọi thầm kín ấy vào một ngày thứ năm tuần thánh nọ khi cậu bước vào nhà thờ chính toà Orleans. Dân chúng đứng chen chúc đông nghẹt trong nhà thờ. Nhưng ngày hôm sau, khi cậu trở lại, nhà thờ bỗng trống vắng… Nhưng chính trong nỗi trống vắng của ngày thứ sáu tuần thánh đó mà Jean Marie Lustiger đã nhận ra tiếng gọi của Chúa.
Qua quyển tự thuật trên đây, Đức hồng y Jean Marie Lustiger tuyên xưng rằng “Ơn cứu rỗi và sự hiện diện thầm kín của Đấng Cứu Thế trong nhân loại là một mầu nhiệm của lòng thương xót”. Thiên Chúa yêu thương con người một cách lạ lùng. Ngài mời gọi con người trên muôn vạn nẻo đường của con người. Do đó, theo Đức hồng y Lustiger, hy vọng, chính là tin rằng, Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về con người.
Nói như thi sĩ Paul Claudel, Thiên Chúa viết bằng những đường cong. Những đường cong mà Thiên Chúa không ngừng viết để ngỏ lời với chúng ta chính là cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Mỗi biến cố, mỗi cuộc gặp gỡ là một lời ngỏ của Thiên Chúa. Chính qua trung gian của biến cố đó mà Thiên Chúa ngỏ lời với chúng ta. Do đó, người Kitô sẽ không ngừng thức tỉnh để lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa. Trong giấc ngủ say như cậu bé Samuel, trong một buổi trống vắng của ngày thứ sáu tuần thánh như trường hợp của Jean Marie Lustiger, trong niềm vui của gặp gỡ, của thịnh đạt, trong đau khổ của bệnh tật: tiếng nói của Thiên Chúa vẫn vang dội trong lòng người.
Chúng ta biết rằng, cuộc đời của mỗi người trong chúng ta là lịch sử của một ơn gọi. Thiên Chúa yêu thương tôi và chỉ mình tôi mà thôi… Trong muôn ngàn đau khổ của cuộc sống, mỗi người chúng ta hãy lập lại lời tuyên xưng của thánh Gioan tông đồ: “Thiên Chúa là tình yêu, Ngài đang yêu thương tôi”.
Suy Niệm 11: Chúa Giêsu kêu gọi 4 môn đệ đầu tiên
(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Hạt giống...
Bài tường thuật việc Chúa Giêsu kêu gọi 4 môn đệ đầu tiên trong Tin Mừng Luca có nhiều chi tiết hơn bài tường thuật ngắn gọn trong Mt 4,19-22:
- Họ đang giặt lưới để dẹp cất, vì suốt đêm đánh không được con cá nào.
- Chúa Giêsu bảo họ thử đánh một mẻ nữa. Phêrô không tin vào sự thành công, nhưng nể lời Ngài nên ông thả lưới.
- Một mẻ lưới nhiều cá quá sức tưởng tượng đã khiến Phêrô và các bạn khám phá ra thân phận siêu phàm của Chúa Giêsu đồng thời cũng ý thức thân phận hèn hạ tội lỗi của mình.
- Khi đó Chúa Giêsu lên tiếng gọi họ theo Ngài làm môn đệ. Và họ đã từ bỏ mọi sự để theo Ngài.
B.... nẩy mầm.
1. Chúa gọi 4 môn đệ đầu tiên tại bờ biển, tức là ở nơi sinh sống thường ngày của họ; Chúa gọi họ lúc họ đang giặt lưới, tức là trong công việc thường ngày của họ.
Chúa cũng gọi tôi trong sinh hoạt thường ngày và ở môi trường sống quan thuộc. Những tiếng gọi “Hãy theo Ta” thường xuyên vang lên trong khung cảnh bình thường mọi ngày. Nhưng tôi có nghe thấy hay không?
2. Bắt đầu câu chuyện, Chúa Giêsu “xin” Phêrô một chuyện nhỏ: chở Ngài trên thuyền đi ra xa một chút. Cuối câu chuyện, Ngài ban cho ông một ơn lớn: một mẻ lưới rất nhiều cá; và một ơn còn lớn gấp bội, là được làm môn đệ Ngài. Nếu như ban đầu Phêrô đã ích kỷ không “cho” Chúa, thì sau đó ông đâu có được “nhận” những ơn ban to lớn kia.
3. “Nhưng vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới”: mẻ cá lớn là kết quả của sự vâng lời Chúa.
4. Một trung sĩ đang huấn luyện các tân binh: “Các đồng chí hãy nhớ khi một sĩ quan trao cho công việc dù nặng nề đến đâu, bổn phận dù khó khăn đến đâu, các đồng chí luôn phải nhớ tiếng nói cuối cùng.”
Trong lúc các lính mới còn đang ngơ ngác nhìn, ông thêm: “Tiếng đó là: Tuân lệnh.” (Góp nhặt)
5. Khi Phêrô nhận ra thân phận tội lỗi mình và xin Chúa lánh xa, thì chính lúc đó Ngài gọi ông đi theo Ngài. Chúa không chê và không xa lánh người tội lỗi. Ngược lại Chúa còn gọi đến gần Ngài những người ý thức thân phận tội lỗi của mình.
6. “Ông Simon nói: ‘Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không ắt được gì cả. Nhưng dựa vào Lời Thầy, tôi sẽ thả lưới” (Lc 5,5)
“… Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng trái đất này lên”. Nếu như Archimède dám khẳng định như vậy thì tại sao tôi lại không dám xác tín rằng: Dựa vào Chúa Giêsu, Đấng đã dám hiến mạng vì tình yêu, tôi có thể chinh phục mọi tâm hồn? Như Simon đã dựa vào Lời Chúa mà thả lưới và bắt được mẻ cá lớn, thì tôi cũng có thể trở thành người chinh phục các tâm hồn cho Chúa một khi tôi biết dựa vào quyền năng của Chúa hơn là sức riêng của mình.
Lạy Chúa, xin cho con biết vâng theo lời Chúa, biết dựa vào lời Chúa và thực thi lời Ngài trong cuộc sống. (Hosanna)
Bài cùng chuyên mục:
Thứ Bảy 23/11/2024 – Thứ Bảy tuần 33 thường niên. – Chúa Giêsu xác định rõ ràng về sự sống lại. (22/11/2024 10:00:00 - Xem: 2,045)
Thứ Bảy tuần 33 thường niên.
Thứ Sáu 22/11/2024 – Thứ Sáu tuần 33 thường niên. – Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. – Ðền thờ, nơi gặp gỡ Chúa. (21/11/2024 10:00:00 - Xem: 5,392)
Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.
Thứ Năm 21/11/2024 – Thứ Năm tuần 33 thường niên – Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ. – Ðức Mẹ Dâng Mình Vào Ðền Thờ. (20/11/2024 10:00:00 - Xem: 6,299)
Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ. Lễ nhớ.
Thứ Tư 20/11/2024 – Thứ Tư tuần 33 thường niên. – Nén bạc sinh lời. (19/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,763)
Thứ Tư tuần 33 thường niên.
Thứ Ba 19/11/2024 – Thứ Ba tuần 33 thường niên. – Thể hiện hoán cải cách cụ thể. (18/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,779)
Thứ Ba tuần 33 thường niên.
Thứ Hai 18/11/2024 – Thứ Hai tuần 33 thường niên. – Người mù thành Giêricô. (17/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,869)
Thứ Hai tuần 33 thường niên.
+ Chúa Nhật 17/11/2024 – CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam. – Làm chứng cho Chúa. (16/11/2024 10:00:00 - Xem: 15,048)
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN năm B. – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.
Thứ Bảy 16/11/2024 – Thứ Bảy tuần 32 thường niên. – Cầu nguyện là sức mạnh. (15/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,555)
Thứ Bảy tuần 32 thường niên.
Thứ Sáu 15/11/2024 – Thứ Sáu tuần 32 thường niên. – Sống trong ngày của Chúa. (14/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,944)
Thứ Sáu tuần 32 thường niên.
Thứ Năm 14/11/2024 – Thứ Năm tuần 32 thường niên. – Sống giây phút hiện tại. (13/11/2024 10:00:00 - Xem: 3,696)
Thứ Năm tuần 32 thường niên.
-
Đức Giesu Kito, một vị Vua khác
Hôm nay, “nếu bạn tin vào Chúa Kitô, hãy để Ngài là Vua trong cuộc đời bạn. Hãy để Ngài hướng dẫn bạn sống theo sự thật, bởi vì Ngài là...
-
Gia vị cho bài giảng CN lễ Chúa Kito là Vua - 2024
Khi Người đến trong vinh quang, Chúa Kitô Vua sẽ xét xử chúng ta về những việc bác ái chúng ta làm cho tha nhân. (Cha Tony)
-
Kinh Tin Kính phổ quát
Mầu nhiệm của Chúa Kitô hoạt động thông qua các Giáo hội kitô lịch sử nhưng cũng hoạt động, và hoạt động rộng rãi, bên ngoài các Giáo hội...
-
Suy nghĩ và cầu nguyện CN 34 TN B - 2024
Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy sự dối trá, vì người ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật. Sự thật không còn là sự thật,...
-
Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh
Ngoài việc cầu nguyện, các vị thánh sẽ đưa ra ba lời khuyên nào cho những người đang tìm kiếm người phối ngẫu tương lai?
-
Linh hướng là gì?
Trong xã hội và thời đại hỗn loạn của chúng ta, hơn bao giờ hết, hướng dẫn đời sống tâm linh là một nguồn lực tinh thần cần thiết. Người...
-
Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình?
Tôi là phụ huynh của ba đứa trẻ, tất cả chúng tôi đều cố gắng sống theo đức tin Công giáo. Một trong số chúng có vẻ không mấy hứng thú,...
-
Giải đáp thắc mắc cho người trẻ: Bài 145 - Thử tìm hướng đi
Người trẻ làm gì để không bị cuốn đi với những "tư tưởng" rất đời kia? Nếu có nhu cầu thì sao kiểm soát khi chưa lập gia đình? Tụi con...
-
Bác ái là nhân đức cần thiết cho sự phát triển tâm linh
Chúng ta phải xin Chúa ban cho chúng ta đức ái mỗi ngày cho đến khi chúng ta gặp được Ngài trên Thiên Đàng!
-
Đạo còn sống khi ta còn sống đạo
Phải chăng giá trị Tin Mừng trong lòng tín hữu đang phai nhạt dần ? Phải chăng việc đạo nghĩa chỉ còn là sự quan tâm thứ yếu ? Phải chăng...
-
Nghĩ đến những điều tốt đẹp
Hãy thôi nghĩ đến chuyện buồn ấy và hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp và đáng yêu khác trong cuộc sống để lòng bà được thanh thản
- Sự cần thiết của việc lắng nghe
- Lớn lên từ những thử thách
- Nhận nhưng không, cho nhưng không
- Niềm tin lớn nhất